Nguồn: “Comment cultiver son esprit critique”, Polytechnique Insights, 6.7.2022.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư – 05/7/2023
Các tác giả:
Manuel Bächtold – Giảng sư về khoa học luận và lý luận dạy học các khoa học tại Đại học Montpellier
Gwen Pallarès – Giảng sư về lý luận dạy học các khoa học tại Đại học Reims Champagne-Ardenne
Céline Schöpfer – Nghiên cứu sinh tiến sĩ triết học tại Đại học Genève
Denis Caroti – Tiến sĩ triết học về vấn đề tinh thần phê phán
Tóm tắtTinh thần phê phán có vẻ được hiểu như là một vũ khí chống lại các thuyết âm mưu, các tin giả và sự quá khích hóa.Nhưng vẫn khó định nghĩa tinh thần phê phán, câu hỏi còn bỏ ngỏ: ta có thể dạy tinh thần phê phán như thế nào?Có vẻ như thay vì “học” tinh thần phê phán, thì đúng hơn là vấn đề “nuôi dưỡng nó” bằng cách chăm sóc những thuôc tính nơi con người. Ví dụ, thúc đẩy sự quan tâm, động cơ, ước muốn của học sinh trở thành người có suy nghĩ phê phán tốt, nhắm đến độc lập trí tuệ.Nhờ những yếu tố này, ta hiểu rộng hơn lợi ích của giáo dục tinh thần phê phán đặc biệt là liên quan đến những thiên hướng để tránh những trở lực như thiên kiến lý luận hay thiếu vắng việc quan tâm đến bối cảnh của một lập luận. |
Từ khoảng mười năm nay, tinh thần phê phán là một chủ đề thu hút sự chú ý của bộ máy chính trị đến nỗi số lượng các chương trình đào tạo trong nền giáo dục quốc gia dành cho giảng viên/người dạy học đã tăng lên rất mạnh. Một giả thuyết có vẻ thật được Denis Caroti bảo vệ, ông là tiến sĩ triết và là giảng viên-huấn luyện viên, để giải thích tình trạng bất thường này là sự xuất hiện đột ngột của những thảm kịch như vụ nổ súng tấn công ngày 13 tháng 11 năm 2015 ở Bataclan. Dường như tinh thần phê phán được hiểu như một vũ khí, một công cụ dùng để chống lại một điều gì đó, đáng chú ý là các thuyết âm mưu, tin giả hay còn là sự quá khích hóa.
Giải phóng các công dân
Tuy nhiên, như bà Gwen Pallares, giảng sư đại học về lý luận dạy học các khoa học, nêu rõ: “Nhận thức về tinh thần phê phán như một công cụ chiến đấu chống lại một điều gì đó là hạn chế rất nhiều tầm quan trọng của nó. Giáo dục tinh thần phê phán trước hết là để đào tạo những công dân được giải phóng.” Dường như có một sự không thấu hiểu trong cách mà chúng ta thể hiện tinh thần phê phán. Tinh thần phê phán không chỉ đơn giản là một năng lực do học mà có. Ít nhất là không như ta học một phép chia. Câu hỏi đặt ra như sau: tinh thần phê phán là gì, và ngoài việc học các năng lực ta có thể nuôi dưỡng nó như thế nào?
Từ câu hỏi đơn giản này, công việc trở nên khó khăn hơn nhiều. Nhưng cần phải khắc phục nó. Thật vậy, làm thế nào để dạy một điều nếu chính ta không biết đó là cái gì? Trong các tài liệu về khái niệm tinh thần phê phán, có ba luồng tư tưởng chính: triết học, tâm lý và giáo dục. Tất cả ba trào lưu này đều có những điểm đặc thù. Nói chung các triết gia quan tâm đến điều một người có tinh thần phê phán lý tưởng sẽ như thế nào. Các nhà tâm lý học, về phần họ, lại chú ý đến các quá trình nhận thức mà chúng ta thiết lập để khởi đầu một suy nghĩ gọi là phê phán. Về phía giáo dục, người ta tập trung vào những yếu tố thực dụng hơn chẳng hạn như những năng lực phức tạp cần thủ đắc như biết lập luận và phân tích.
Mặc dù vậy, ba luồng tư tưởng này có một mục tiêu chung: “nói chung, những suy nghĩ về tinh thần phê phán trong triết học và tâm lý học thường hướng về các mục tiêu sư phạm. Không có chuyện một bên là các triết gia và các nhà tâm lý học và bên kia là các nhà sư phạm. Tất cả họ đều hoạt động cho một mục tiêu chung, đó là dạy tinh thần phê phán”, Céline Schöpfer nêu rõ. Céline Schöpfer là nghiên cứu sinh tiến sĩ triết học về chủ đề tinh thần phê phán và định nghĩa của nó tại Đại học Genève.
Một định nghĩa phức tạp
Khi ta muốn định nghĩa tinh thần phê phán, ta thường quay về sự đồng thuận được công bố năm 1989 bởi Peter Facione và hơn 40 chuyên gia về chủ đề này[*]. Vấn đề là định nghĩa nó trở nên vô cùng dài và mất đi điểm bám trụ để tác nghiệp. Céline Schöpfer khai triển thêm: “định nghĩa này đầy đủ và thú vị về phương diện triết học, nhưng trong về thực tế, ta có thể tự hỏi các giảng viên có thể sử dụng nó như thế nào. Hơn nữa, cho dù mọi người đã đồng ý về sự tồn tại của các năng lực, các thiên hướng và các kiến thức cần thiết cho thực hành tinh thần phê phán, thì cũng không có những danh mục được xác định rõ ràng.”
Trong các diễn ngôn chính trị về chủ đề tinh thần phê phán, người ta thường tập trung vào các năng lực và kiến thức. Những thiên hướng ít được gợi ra, có lẽ vì khó đánh giá chúng. Thế nhưng chúng là một yếu tố mấu chốt quan trọng của giáo dục tinh thần phê phán: “chúng ta thường có một cách nhìn lý tưởng về người có tư tưởng phê phán là họ đứng tách riêng ra và phê phán thế giới quanh họ mọi lúc mọi nơi. Điều này không phù hợp chút nào với thực tế. Một số tác giả tranh luận để làm nổi bật khía cạnh về các mối quan hệ của tinh thần phê phán, vốn được đề cập quá ít. Biểu lộ tinh thần phê phán là một hoạt động tri thức (épistémique) cần có các tương tác với người khác và không khởi động một cách tự động đơn giản chỉ vì chúng ta đã có một số năng lực phê phán”, Céline Schöpfer lập luận như vậy.
Hãy tưởng tượng bạn có một hộp dụng cụ nhưng bạn hoàn toàn không phải là người rành việc lặt vặt. Nếu có một vấn đề xảy ra, là phải nhận diện nó đã, đó không phải là một việc nhỏ. Tiếp đến, phải sử dụng các dụng cụ đúng lúc và đúng bối cảnh đồng thời thực hiện động tác kỹ thuật đúng. Trong phép ẩn dụ này, các dụng cụ là các năng lực phê phán. Cũng như các dụng cụ sẽ không giúp ích gì cho bạn nếu bạn tỏ ra không quan tâm làm các việc lặt vặt, các năng lực phê phán là tuyệt đối vô ích nếu bạn không sẵn sàng sử dụng chúng một cách đúng đắn.
Trong số những thiên hướng này, ta gặp lại những phẩm hạnh về tri thức vốn là đặc quyền của một lĩnh vực nghiên cứu: khoa học luận về phẩm hạnh. Lĩnh vực này xuất phát từ nguyên tắc là có những phẩm hạnh và những thói xấu về trí tuệ. Nói cách khác, một số tính cách được hiểu như là những phẩm chất tốt (ví dụ: dũng cảm tự đặt lại vấn đề về mình) liên hệ với việc hình thành tri thức trong khi một số khác được hiểu như là những khuyết điểm (ví dụ: sự lười biếng về trí tuệ). Lợi thế của ngành này nằm ở chỗ đối tượng nghiên cứu của nó liên quan đến những con người, sự phát triển và những thành tựu của họ. Vậy là tương tự như luồng tư tưởng về giáo dục và như việc dạy tinh thần phê phán.
Sư phạm về tinh thần phê phán
Để truyền đạt các năng lực, thiên hướng và phẩm hạnh về tri thức, một yếu tố then chốt của sự thành công của giảng viên là cách tiếp cận rõ ràng: “học hỏi lịch sử các khoa học hay cho học sinh thực hiện các thí nghiệm là không đủ. Nhất thiết phải rõ ràng về các điểm như sự khác nhau giữa những mức độ mà mỗi nhóm đạt được từ một thí nghiệm, tạo cơ hội cho học sinh nêu vấn đề và thảo luận để chúng phát triển một tầm nhìn mang tính phê phán hơn về sự vận hành của các khoa học và nhận thức được một số khía cạnh chính yếu (ví dụ phân biệt giữa một mô hình lý thuyết và những dữ liệu thực nghiệm mà mô hình căn cứ vào”, đó là khẳng định của Manuel Bächtold, giảng sư đại học về khoa học giáo dục, chuyên gia về những vấn đề liên quan đến lý luận dạy học vật lý tại đại học Montpellier.
Về phía các phẩm hạnh, trước hết giảng viên phải là một hình mẫu cho học sinh và sử dụng những công cụ thực tế như những tác phẩm hư cấu để tạo thuận lợi cho cách tiếp cận rõ ràng; “không nên ngần ngại gia tăng các tài liệu tham khảo hư cấu (tiểu thuyết, phim-truyện nhiều tập, phim ảnh, v.v.) để học sinh có thể tự nhận diện mình qua các nhân vật thần tượng và để các giảng viên có thể thảo luận về cách mà các nhân vật phản ứng, luôn luôn là với mục tiêu thể hiện thành lời và rõ ràng”, Denis Caroti nhấn mạnh.
Tất cả những điều đó được tích hợp trong các chiến lược nhắm đến một mục đích chung: thúc đẩy sự quan tâm, động cơ, ước muốn của học sinh trở thành những người có tư duy phê phán tốt, nghĩa là những người suy nghĩ có phê phán nhắm đến sự độc lập trí tuệ. Những cách tiếp cận và những chiến lược này cho phép, theo nhiều nghiên cứu thực nghiệm, tạo thuận lợi cho sự phát triển các niềm tin về tri thức hướng đến một giai đoạn đánh giá. Vì mục đích là thủ đắc được những năng lực tốt hơn, những thiên hướng chủ yếu và thiết lập một luận chứng có chất lượng cao. Tiếc thay, còn lại vấn đề là phải biết làm thế nào để dung hòa việc giáo dục khoa học và tinh thần phê phán với sự tôn trọng các chương trình học tập. Đối với Manuel Bächtold, “tồn tại một sự căng thẳng giữa bao quát rộng rãi một hệ thống quan trọng các nội dung tri thức và rèn luyện cho học sinh về các năng lực lập luận, phương pháp luận, thiên hướng và phê phán bằng cách thực hành thảo luận đều đặn. Nếu hệ thống các kiến thức phải bao quát là quá quan trọng thì hiếm có giảng viên nào tự cho phép mình hoang phí với việc tổ chức thảo luận tại lớp học.”
Nhờ vào tất cả các yếu tố này, ta hiểu rộng hơn lợi ích của giáo dục tinh thần phê phán, đặc biệt là liên quan đến những thiên hướng để tránh những trở lực như thiên kiến lý luận hay còn là thiếu vắng sự quan tâm đến bối cảnh và lĩnh vực hợp thức của một lập luận hay của một kiến thức. Như Céline Schöpfer đã nêu ra, giáo dục tinh thần phê phán không nên trở thành kẻ thù của chính nó.
Julien Hernandez
Chú thích:
[*] https://www.researchgate.net/publication/242279575_Critical_Thinking_A_Statement_of_Expert_Consensus_for_Purposes_of_Educational_Assessment_and_Instruction