Thời sự Thứ Ba 18/7/2023: *Cố vấn TT Ukraine nói về vụ cầu Crimea *Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen *Tranh chấp biên giới Trung – Ấn *Ukraine là ‘phòng thí nghiệm (chiến tranh) bi thảm’ *PTT Đài Loan quá cảnh tại Hoa Kỳ, TQ lên án *Mỹ và Hàn lập kế hoạch hạt nhân *Hội nghị an ninh Aspen khai mạc *Hollywood đình công

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Cố vấn TT Ukraina lên tiếng về vụ tấn công cầu Crimea

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-17-luc-180750.png

Cố vấn Tổng thống Ukraina, ông Mykhailo Podolyak. (Ảnh: Twitter). 

Mới đây, cố vấn Tổng thống Ukraina, ông Mykhailo Podolyak, đã lên tiếng về vụ cây cầu Crimea bị tấn công vào sáng ngày 17/7.

“Bất kỳ cơ sở hạ tầng bất hợp pháp nào được sử dụng để cung cấp các công cụ tàn sát người hàng loạt của Nga đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Bất kể lý do phá hủy là gì”, ông viết trên Twitter.

Trước đó, Nga cáo buộc Ukraine dùng hai xuồng không người lái để tập kích cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga, nhưng Kyiv đã bác bỏ. 

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sự việc có sự giúp sức của tình báo cùng giới chính trị tại Mỹ và Anh.


Nổ cầu Crimea khiến 2 người chết; truyền thông Ukraine nói do mật vụ Kyiv làm

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/caucrimea.jpg

Photo taken from video released by Investigative Committee of Russia on Monday, July 17, 2023 

Một cặp vợ chồng đã chết và con gái của họ bị thương nặng trong vụ cầu Crimea bị nổ vào rạng sáng thứ Hai (17/7). Nga nói Ukraine đã tấn công tuyến giao thông huyết mạnh này, trong khi truyền thông Ukraine cũng đưa tin rằng mật vụ và hải quân Ukraine đã thực hiện vụ việc.

Theo Reuters, vụ nổ được báo cáo xảy ra trước bình minh ngày thứ Hai (17/7) trên tuyến đường và cầu dài 19km nối Nga với bán đảo Crimea.

Hình ảnh chưa được kiểm chứng cho thấy một phần đường trên cầu đã bị vỡ và dải phân cách cứng bằng thép bị bẹp dúm và nghiêng về một bên. Đoạn video do camera hành trình trên xe ô-tô quay được cho thấy các tài xế phải đạp phanh gấp ngay sau vụ tai nạn. Giao thông trên cầu bị tắc nghẽn.

Giới chức Nga nói Ukraine đứng sau vụ việc và gọi đó là hành động “tấn công khủng bố”.

Theo Reuters, quân đội Ukraine cho rằng vụ tấn công có thể là Nga tự làm để khiêu khích trong ngày mà Moscow phải quyết định có gia hạn thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu mặt hàng này qua Biển Đen hay không.

Hãng tin Pravda của Ukraine dẫn các nguồn tin riêng cho biết vụ tấn công vào rạng sáng 17/7 trên cầu Crimea là “hoạt động đặc biệt của Cơ quan Mật Vụ và Hải quân Ukraine”.

Một nguồn tin của Pravda nói rằng rất khó để tiếp cận cầu Crimea do Nga kiểm soát, nhưng cuối cùng Ukraine đã làm được.

Trước đó, lãnh đạo Cơ quan Mật vụ Ukraine Vasyl Maliuk tuyên bố rằng cầu Crimea là mục tiêu hợp pháp hoàn hảo cho Ukraine và đã hứa sẽ tiết lộ chi tiết về các hoạt động đặc biệt độc đáo sau chiến thắng.

Các công tố viên Nga cũng nói rằng cơ quan mật vụ Ukraine đứng sau vụ tấn công và họ coi vụ này là khủng bố.

Theo Reuters, vụ nổ trên cầu đã khiến một cặp vợ chồng chết ngay tại hiện trường và con gái của họ bị thương nặng và hiện đã được đưa vào nơi chăm sóc đặc biệt.

Thống đốc khu vực Belgorod Vyacheslav Gladkov xác nhận trên Telegram rằng bé gái bị thương và bố mẹ của em đã chết.

Nga cũng đã đổ lỗi cho Ukraine thực hiện vụ tấn công vào cầu Crimea vào tháng Mười năm ngoái, nói rằng vụ việc do tình báo quân đội Ukraine và giám đốc cơ quan tình báo này, ông Kyrylo Budanov làm chủ mưu. Ukraine khi đó đã phủ nhận đứng sau vụ tấn công, nhưng mới đây một quan chức cấp cao nước này đã gián tiếp thừa nhận Ukraine chịu trách nhiệm vụ việc.

Cầu Crimea là cầu dài nhất châu Âu được xây dựng bởi một công ty có chủ là ông Arkady Rotenberg, đồng minh của Tổng thống Putin.

Sau khi xảy ra vụ nổ vào rạng sáng 17/7, chính quyền bán đảo Crimea đã kêu gọi người dân không đi qua cầu. Thống đốc Kherson Vladimir Saldo do Nga chỉ định đề nghị khách du lịch Nga có thể đi tới bán đảo Crimea bằng một tuyến đường bộ khác cắt qua các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Nam của Ukraine.

Hải Đăng


Điện Kremlin tuyên bố Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/shutterstock_2174998355.jpg

(Ảnh minh họa: Adam Radosavljevic/ Shutterstock) 

Hôm nay 17/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết thúc và không gia hạn. Thỏa thuận này do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian từ hồi tháng 7 năm ngoái, cho phép Ukraine thông qua đường biển để vận chuyển nông sản xuất khẩu, chủ yếu sang các nước Châu Phi. Lý do không gia hạn thỏa thuận này là điều mà phía Nga đã phàn nàn nhiều lần, đó là phe Âu Mỹ và Ukraine không thực hiện đủ trách nhiệm của mình. Ông Peskov cũng nói rằng nếu phe Âu Mỹ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thỏa thuận ngũ cốc sẽ được nối lại.

“Thực tế, các thỏa thuận Biển Đen đã không còn hiệu lực từ hôm nay,” ông Dmitry Peskov tuyên bố hôm 17/7. “Thật không may, một phần của các thỏa thuận Biển Đen đáp ứng cho Nga vẫn chưa được thực hiện cho đến nay, vì vậy hiệu lực của nó đã bị chấm dứt. Ngay sau khi phần đáp ứng cho Nga trong các thỏa thuận được hoàn thành, thì phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận này.”

Thỏa thuận ngũ cốc kể từ tháng 7/2022 cho đến nay đã được gia hạn nhiều lần. Nó chủ yếu đảm bảo một hành lang an toàn trên Biển Đen trong giai đoạn chiến tranh cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraine. Để đổi lại, phe Âu Mỹ không được ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Ông Peskov nói rõ rằng quyết định không gia hạn thỏa thuận không liên quan đến cuộc tấn công của chính quyền Kyiv trong đêm hôm qua vào cây cầu Kerch Bridge nối phía Đông bán đảo Crimea với đất liền Nga: “Đây là những sự kiện hoàn toàn không liên quan với nhau. Ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, vấn đề [ngừng thỏa thuận] này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đến rồi.”

Nhật Tân (theo The Guardian)


Bộ trưởng Anh nói Ukraine là ‘phòng thí nghiệm bi thảm’ cho công nghệ chiến tranh

Tác giả, Paul Adams & Sam Hancock

BBC News

18/7/2023

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói sẽ là “ngu ngốc” nếu cứ phớt lờ các chiến lược chiến tranh đang được triển khai ở Ukraine

Ukraine đã “trở thành một phòng thí nghiệm chiến trường bi thảm”, nhưng những bài học kinh nghiệm sẽ giúp ích cho tương lai các lực lượng vũ trang Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.

Những bình luận của ông được đưa ra trước khi Tài liệu Chỉ huy Phòng thủ, bản sửa đổi, được công bố. Tài liệu này được xuất bản lần đầu tiên là từ trước khi cuộc chiến bắt đầu.

Ông Wallace nói rằng hiệu quả của các vũ khí mà đồng minh trao cho Kyiv đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nội dung sửa đổi.

“Chúng tôi sẽ rất ngu ngốc nếu bỏ qua những bài học này và không đưa chúng vào áp dụng cho lực lượng vũ trang của mình,” ông nói.

Bản tài liệu sửa đổi, được xuất bản lần đầu vào năm 2021, sẽ đưa ra cách Anh quốc đầu tư thêm 2,5 tỷ bảng cho mảng chi tiêu quốc phòng.

Ông Wallace, người có kế hoạch từ chức bộ trưởng quốc phòng trong cuộc cải tổ nội các tiếp theo sau bốn năm đảm nhận vị trí này, nói: “Cuộc chiến ở Ukraine khiến người ta tập trung tâm trí vì có một kẻ thù rất thực sự rất hiếu chiến, phá vỡ mọi quy tắc chiến tranh trên lục địa Châu Âu, tiến hành một cuộc chiến nhằm tiêu diệt một quốc gia.

“Điều đó khiến chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần phải thay đổi khẩu vị rủi ro mà chúng tôi đã đưa ra, hồi mới bắt đầu soạn thảo tài liệu này.

“Ban đầu, chúng tôi nhận những thứ đã quá hạn, có khoảng cách nhỏ vào giữa thập kỷ, và rồi chúng tôi có thiết bị mới. Đó là điều tôi không muốn mạo hiểm nữa.”

Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết tài liệu này nêu bật các mục tiêu chính của lực lượng vũ trang Anh quốc, bao gồm “ưu tiên đầu tư vào việc bổ sung, hiện đại hóa lực lượng của chúng tôi và thể hiện cách tiếp cận tích hợp đầy đủ, nhằm răn đe và phòng thủ”.

“Các công nghệ mới không phải là mánh lới quảng cáo, về cơ bản chúng là chìa khóa để chúng ta chiến đấu trong một cuộc chiến hiện đại,” ông Wallace nói.

Ông nói thêm rằng việc phân tích các chiến lược đang diễn ra ở Ukraine sẽ giúp “đảm bảo rằng chúng ta có thể thích ứng với việc đối phó bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai”.

Drone phòng thủ và pháo

Một bài học như vậy là “sức mạnh của chiến tranh điện tử”, ông Wallace nói và giải thích: “Việc sử dụng chiến tranh [điện tử] để làm mồi nhử hoặc để phòng thủ đang trở nên thực sự quan trọng, vì vậy nó được đưa lên danh sách ưu tiên.”

Ông nói rằng cuộc chiến ở Ukraine cũng đã tập trung vào việc sử dụng pháo “hỏa lực sâu”, và thông báo quyết định loại bỏ các khẩu pháo 155mm cũ, đưa vào thay thế bằng các loại pháo mới.

“Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi mang tính thế hệ của các loại pháo ‘hỏa lực sâu’. Súng 155mm có tầm bắn 22-25km từ khoảng 50 năm nay rồi.

“Thế hệ mới… trong tương lai sẽ cho ta đạt được tầm bắn 60 km. Vì vậy, tôi đã quyết định loại bỏ loại pháo Cung thủ Thụy Điển 1, loại 155mm cũ.”

Pháo binh đã đóng một vai trò quan trọng đối với cả hai bên ở Ukraine. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang của Anh đã giảm quy mô lực lượng pháo binh của họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ông Wallace nói: “Vào cuối Thế chiến II, 35% quân đội là pháo binh. Bây giờ, con số này là khoảng 8%. Hỏa lực sâu là thứ chúng ta cần cân bằng lại. Đây là những bài học.”

‘Di sản 24 tỷ bảng Anh’

Gương mặt cựu quân nhân này đóng vai trò quan trọng trong phản ứng của Anh quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine do Nga thực hiện.

Địa hạt bầu cử Wyre và Preston North của ông ở Lancashire sẽ biến mất trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vì những thay đổi về địa giới, và ông đã nói rằng ông sẽ không ra tranh cử trong lần bầu cử mới.

Nói về dấu ấn mà ông hy vọng sẽ để lại trong MoD, ông Wallace nói với BBC rằng Thủ tướng Rishi Sunak đã trao cho bộ quốc phòng của ông một “di sản khổng lồ trị giá 24 tỷ bảng Anh”.

“Tôi đã tiếp nhận, và chúng ta đã có một sự gia tăng thực sự trong chi tiêu quốc phòng,” ông nói.

Ông cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine là một lời nhắc nhở rằng “có những kẻ xấu ngoài kia muốn làm những điều tồi tệ với Anh và các đồng minh của Anh”.

Ông Wallace được cho là đã nói với ông Sunak vào tháng trước về kế hoạch từ chức khỏi nội các.

Các nguồn tin nói với BBC rằng họ mong đợi cuộc cải tổ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng Chín, nhưng chưa có ngày cụ thể nào được xác nhận.


Vương Nghị: Tranh chấp biên giới Trung – Ấn không nên ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/vuong_nghi-700x480.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Ấn Độ nới lỏng các hạn chế của nước này đối với đầu tư của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng các vấn đề như xung đột biên giới đang diễn ra “không nên ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể” giữa hai nước.

Ông Vương đã đưa ra lời kêu gọi trên tại một cuộc họp với Ngoại Trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bên lề một hội nghị các ngoại trưởng trong khu vực ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Đồng thời ông cũng đề nghị, New Delhi nên tập trung vào “lợi ích chung” và thỏa hiệp với Trung Quốc để làm dịu các căng thẳng ở biên giới.

Bất chấp những kỳ vọng vào việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp mặt trực tiếp tại thành phố Johannesburg của Nam Phi vào tháng tới và tại New Delhi vào tháng 9, hai cường quốc hạt nhân này vẫn đang trong tình trạng đối đầu quân sự kể từ khi xảy ra cuộc đụng độ chết người tại biên giới của họ trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020.

Mặc dù hai bên đã tổ chức hàng chục cuộc đàm phán quân sự trong ba năm qua và nhiều cuộc trao đổi cấp cao trong năm nay, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy một trong hai bên sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ căng thẳng này.

Mối quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng khi Thủ tướng Modi cam kết tăng cường quan hệ quân sự với Washington trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng trước.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, đã không tham dự các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Indonesia vì “lý do sức khỏe”. Ông Vương, người tiền nhiệm của Ngoại trưởng Tần và hiện là trợ lý chính sách ngoại giao hàng đầu của ông Tập, đã thay thế Ngoại trưởng Tần tham dự.

Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc họp mới nhất hôm 14/7 được tổ chức theo yêu cầu của phía Ấn Độ.

Ông Vương nhấn mạnh: “Là hai quốc gia đang phát triển hàng đầu của thế giới và là các láng giềng vĩnh cửu, lợi ích chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng vượt xa sự bất đồng của họ, và việc đạt được sự phát triển và thịnh vượng chung [giữa hai quốc gia] có ý nghĩa mẫu mực cho toàn cầu.”

Theo ông Vương, hai nước nên “hỗ trợ và làm thỏa ước nguyện lẫn nhau” thay vì “không tin tưởng lẫn nhau”.

Ông tiếp tục: “Chúng ta nên tập trung năng lượng và nguồn lực của mình vào sự phát triển tương ứng, cải thiện sinh kế của người dân và tăng cường sức sống mới, mà không để các vấn đề cụ thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể.”

Trong khi Ấn Độ khẳng định việc hai nước rút quân khỏi biên giới phải được hoàn thành trước khi mối quan hệ giữa hai bên có thể trở lại bình thường, Bắc Kinh lại cho rằng cả hai bên nên nhìn xa hơn vấn đề tranh chấp đang diễn ra.

Ông Vương đề xuất, Ấn Độ nên “thỏa hiệp với Trung Quốc và tìm ra một giải pháp cho vấn đề biên giới mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.”

Thông báo cũng cho biết, cả hai bên đã đồng ý tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự tiếp theo về vấn đề biên giới càng sớm càng tốt.

Ông Vương cũng bày tỏ, Bắc Kinh “đặc biệt lo ngại” về việc Ấn Độ hạn chế các công ty Trung Quốc và “hy vọng rằng phía Ấn Độ sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và không biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Theo Reuters, kể từ sau cuộc đụng độ biên giới chết người vào năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và ban hành lệnh cấm sâu rộng đối với hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty điện thoại di động Trung Quốc đưa các đối tác cổ phần Ấn Độ vào và bổ nhiệm các giám đốc điều hành người Ấn Độ vào các vị trí chủ chốt.

Trong một bài đăng trên Twitter sau cuộc họp, Ngoại Trưởng Jaishankar cho biết, ông và ông Vương đã thảo luận về “các vấn đề nổi cộm liên quan đến hòa bình và sự bình yên ở các khu vực biên giới”.

Bài đăng trên Twitter của ngoại trưởng Ấn Độ còn cho biết, cuộc trò chuyện của họ cũng đề cập đến chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hoặc Diễn đàn Khu vực ASEAN, “BRICS [Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi] và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Jaishankar lưu ý ông Vương rằng “Việc bình thường hóa quan hệ Ấn – Trung là vì lợi ích chung của cả hai bên.”

Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh: “Phía Ấn Độ sẵn sàng giải quyết thỏa đáng sự bất đồng giữa hai bên với một tinh thần cởi mở, thúc đẩy mối quan hệ Ấn – Trung trở lại quỹ đạo càng sớm càng tố, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi cấp cao trong giai đoạn tiếp theo.”

Cuộc họp ngoại trưởng của 18 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở thủ đô Jakarta của Indonesia phần lớn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt , cuộc chiến ở Ukraine và các hành động khiêu khích bằng cách phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên.

Trung Quốc và Ấn Độ đều có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và đã từ chối chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, nhưng điều đó có rất ít ảnh hưởng đến mối quan hệ căng thẳng của chính họ.

Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay vào tháng 9, một sự kiện có thể mang đến cơ hội cho New Delhi cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ ngày càng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trong những tuần gần đây.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước, Thủ tướng Modi đã đề cập đến “những đám mây đen của sự ép buộc” và “những gánh nặng nần không thể trả” như một sự chỉ trích ngầm nhắm vào các biện pháp cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc bị nhiều người chỉ trích và ngoại giao “bẫy nợ” bị cáo buộc của Bắc Kinh.

Trong chuyến công du đến châu Phi vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Jaishankar cũng khẳng định rằng Ấn Độ không phải là “một nền kinh tế khai thác” theo đuổi “các mục tiêu kinh tế rất hạn hẹp” ở châu Phi, một ám chỉ rõ ràng về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng sự hiện quân sự và kinh tế của mình tại lục địa đen.

Gia Huy (Theo SCMP)


Chính quyền Trung Quốc lên án việc Phó Tổng thống Đài Loan quá cảnh tại Hoa Kỳ

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-17-luc-182020.png

Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. 

Ngày 17/7, chính quyền Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trước thông tin Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức sẽ quá cảnh tại Hoa Kỳ vào tháng tới.

Theo truyền thống, các tổng thống và phó tổng thống Đài Loan sẽ quá cảnh Hoa Kỳ trong các chuyến đi tới một số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo. Tháng tới, ông Lại sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống của Paraguay, ông Santiago Pena.

Tuy nhiên, chuyến đi Hoa Kỳ này thu hút sự chú ý hơn vì ông Lại Thanh Đức đang tranh cử tổng thống Đài Loan. Theo trang tin Reuters, các ứng cử viên tổng thống Đài Loan thường đến Hoa Kỳ trước cuộc bỏ phiếu để thảo luận với các quan chức ở đó. Ông Lại hiện đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận.

Những chuyến quá cảnh như vậy khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh coi đó là sự hỗ trợ bí mật của Hoa Kỳ cho sự ly khai của Đài Loan khỏi Trung Quốc.

Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, chính phủ đã gửi khiếu nại ngoại giao với Hoa Kỳ về chuyến đi của ông Lại Thanh Đức.

Bà Mao Ninh tuyên bố rằng, “Trung Quốc sẽ chú ý đến sự phát triển của tình hình, và thực hiện các biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết, ông Lại Thanh Đức sẽ đến Paraguay vào ngày 14 tháng 8, một ngày trước khi ông Pena tuyên thệ nhậm chức tổng thống tiếp theo của đất nước.

Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Du Đài Lôi (Alexander Yui) từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc quá cảnh tại Hoa Kỳ của ông Lại Thanh Đức.

Khi được hỏi liệu chính phủ Đài Loan có lo lắng về phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến đi của ông Lại hay không, ông Du nói rằng, việc quá cảnh như vậy đã là “thông lệ”. Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan nói thêm rằng, không có lý do nào để việc quá cảnh tạo ra chấn động trong khu vực.

Liên Thành


Mỹ và Hàn Quốc cùng tham gia lập kế hoạch hạt nhân

Sự khả tín là rất quan trọng đối với khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Không chỉ cho thấy khả năng răn đe để kẻ thù không dám động tay, một siêu cường hạt nhân còn phải thuyết phục được các đồng minh rằng họ sẽ đáp trả trong trường hợp bị tấn công. Trên thực tế, mục tiêu thứ hai khó thực hiện hơn hẳn.

Phe diều hâu ở Hàn Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ không mạo hiểm đẩy Triều Tiên vào tình huống tấn công hạt nhân Seattle chỉ để cứu Seoul; và đang kêu gọi Hàn Quốc tự phát triển bom hạt nhân. Đáp lại, phía Mỹ hy vọng cuộc gặp đầu tiên vào thứ Ba của Nhóm Tư vấn Hạt nhân mới giữa hai nước sẽ xoa dịu được họ. Mặc dù về cơ bản nó không thay đổi tư thế hạt nhân của Mỹ, đây sẽ là diễn đàn cho cả hai tham gia vào “lập kế hoạch chiến lược và hạt nhân.” Hiện tại, bấy nhiêu là đủ trong mắt tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Phát biểu tại buổi lễ nhân Ngày Tưởng niệm của Hàn Quốc hôm 6 tháng 6, ông tuyên bố quan hệ đối tác quân sự 70 năm qua của hai nước đã được “nâng cấp thành một liên minh dựa trên hạt nhân.”


Mỹ điều tra các ngân hàng Thuỵ Sĩ 

Vào thứ Ba, Ủy ban Helsinki, một cơ quan liên bang của Mỹ, sẽ tổ chức điều trần về vai trò của Thụy Sĩ trong việc giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thụy Sĩ từ lâu đã nổi tiếng về việc cất giấu tài sản của giới nhà giàu Nga: uỷ ban ước tính rằng các ngân hàng của nước này nắm giữ hơn 200 tỷ đô la tiền mặt Nga. Và mới đây hồi tháng 3, bốn nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ đã bị kết án tại Zurich vì không thẩm định đầy đủ các khoản chuyển tiền được thực hiện bởi Sergei Roldugin, một nghệ sĩ cello người Nga thân cận với Vladimir Putin.

Nhưng Thụy Sĩ không phải là quốc gia duy nhất làm suy yếu những nỗ lực trừng phạt của phương Tây. Gần đây EU đã công bố các biện pháp nhắm vào các công ty giúp Nga lách luật kiểm soát xuất khẩu của khối. Các thực thể này đến từ những nước như Trung Quốc, UAE và Uzbekistan. Hồi tháng 5, uỷ viên ngoại giao EU Josep Borrell đã chỉ trích Ấn Độ về việc mua dầu thô của Nga, lọc, rồi bán sang phương Tây. Khi nói đến làm ăn với Nga, trung gian luôn được hưởng lợi đáng kể.


Tình hình của ngành ngân hàng Mỹ

Bank of America và Morgan Stanley, hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, sẽ công bố thu nhập quý hai vào thứ Ba; Goldman Sachs theo sau vào thứ Tư. Kết quả có thể cho thấy mảng doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình đang hoạt động tốt. Khi lãi suất tăng lên, thu nhập cho vay của các ngân hàng thương mại, như BofA, tăng vọt. Thông thường lãi suất tăng cũng có thể gây ra suy thoái, đẩy các khoản lỗ cho vay lên cao. Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó xảy ra. Tỷ lệ vỡ nợ chỉ tăng nhẹ tại Citi, JPMorgan Chase và Wells Fargo, ba ngân hàng sẽ báo cáo vào thứ Sáu.

Trong khi đó hoạt động đầu tư ở Phố Wall khó khăn hơn, khi lãi suất cao làm nghẽn mạch IPO và các giao dịch sáp nhập. Hỗn loạn thị trường có thể giúp ích cho các bàn giao dịch chứng khoán – nhưng rồi dữ liệu quý hai không hề cho thấy điều này. Tại JPMorgan, phí ngân hàng đầu tư và doanh thu giao dịch đều giảm trong năm. Đó là điềm xấu cho cả Goldman lẫn Morgan Stanley, vốn đều sa thải bớt nhân viên trong thời gian gần đây.


Hội nghị an ninh Aspen khai mạc

Cộng đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ tề tựu về vùng núi Colorado vào thứ Ba để thảo luận về tình hình địa chính trị hiện nay. Tại Diễn đàn An ninh Aspen kéo dài bốn ngày, họ sẽ có nhiều điều phải suy ngẫm: cuộc chiến ở Ukraine và chính sách ngoại giao một khi chiến tranh kết thúc; hậu trường đấu tranh quyền lực ở điện Kremlin bị vạch trần bởi cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Yevgeny Prigozhin; và cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc dù cả hai nỗ lực ổn định quan hệ.

Hội nghị thường chỉ có người Mỹ. Nhưng lần này sự kiện sẽ chào đón một nhóm chuyên gia quốc tế khá lớn, làm người ta nhớ đến Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Những gì người Mỹ nói và nghĩ vẫn quan trọng nhất, nhưng Mỹ đang ngày càng dựa vào các đồng minh để đối trọng với kẻ thù.

Có lẽ chủ đề lớn nhất sẽ không nằm trong chương trình nghị sự: nước Mỹ sẽ ra sao trước cuộc tái đấu vào năm tới giữa Joe Biden và Donald Trump. Mỹ sẽ tiếp tục con đường quốc tế chủ nghĩa của mình, hay đi vào một hình thức chủ nghĩa dân túy kiểu Trump đầy thù hận và có tổ chức hơn?


Tỷ phú cảnh báo: Hollywood sẽ ‘sụp đổ hoàn toàn’ nếu việc đình công không được giải quyết 

Jack Phillips 

Thứ ba, 18/07/2023 

Theo tỷ phú và ông trùm truyền thông Barry Diller, việc không giải quyết được các cuộc đình công diễn ra song hành của các hiệp hội biên kịch và diễn viên màn ảnh có thể sẽ dẫn đến “những tác động tàn khốc” nếu không sớm đạt được một thỏa thuận. 

Hôm 14/07, một số diễn viên điện ảnh và truyền hình hàng đầu đã tham gia bãi công cùng với các nhà biên kịch trong ngày đầu tiên của một cuộc đình công đã trở thành cuộc chiến lao động lớn nhất của Hollywood trong nhiều thập niên. Đây là cuộc đình công kép đầu tiên của các diễn viên và nhà biên kịch trong hơn sáu thập niên. 

Các thành viên đình công của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) và Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh-Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) đi dọc hàng rào trong cuộc đình công của họ ở thành phố New York hôm 14/07/2023. (Ảnh: Brendan Mcdermid/Reuters) 

Hai hiệp hội này có các vấn đề tương tự với các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến. Họ lo ngại về việc các hợp đồng không theo kịp lạm phát và về các khoản phí bản quyền, vốn thanh toán tiền cho các nhà sáng tạo và diễn viên khi nội dung của họ được sử dụng ngoài thời gian phát sóng ban đầu, chẳng hạn như trong các lần phát lại hoặc trên các dịch vụ phát trực tuyến. Các nghiệp đoàn này cũng muốn đặt ra các biện pháp bảo vệ chống lại việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để bắt chước công việc của họ trên phim và truyền hình. 

Liên minh các Nhà sản xuất Phim điện ảnh và Truyền hình, vốn đại diện cho các nhà tuyển dụng bao gồm Disney, Netflix, Amazon, và các hãng khác, đã than phiền về cuộc đình công này, nói rằng cuộc đình công sẽ làm tổn thương hàng ngàn nhân viên trong các ngành trợ giúp sản xuất phim và truyền hình. 

Hôm 16/07, ông Diller, một cựu Giám đốc điều hành của Paramount Pictures, cho biết tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nếu không được giải quyết nhanh chóng. 

Ông nói với CBS News: “Hoàn cảnh này có khả năng tạo ra sự sụp đổ hoàn toàn của cả một ngành công nghiệp.” 

“Tôi sẽ kêu gọi một thời hạn chót là ngày 01/09. Có một thời hạn chót cho việc đình công. Tôi nghĩ rằng nên có một thời hạn giải quyết, bởi vì trừ phi việc này xảy ra trước ngày 01/09 … Sự thật là, đây là một ngành kinh doanh khổng lồ cả ở trong nước lẫn cho việc xuất cảng ra thế giới.” 

“Những điều kiện này có khả năng tạo ra sự sụp đổ hoàn toàn của cả một ngành công nghiệp.” 

Tuy nhiên, một giải pháp trong tương lai gần dường như khó xảy ra, ông nói. “Không có sự tin tưởng giữa các bên” và có “các vấn đề tồn tại” bao gồm cả sự trỗi dậy của AI, một công nghệ đang “bị thổi phồng quá mức,” Ông Diller cho biết. 

Ông Barry Diller, chủ tịch của IAC/InterActiveCorp., và vợ ông, nhà thiết kế Diane Von Furstenberg, trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images)

Ông Barry Diller, chủ tịch của IAC/InterActiveCorp., và vợ ông, nhà thiết kế Diane Von Furstenberg, trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Kevork Djansezian/Getty Images) 

“Các nhà biên kịch sẽ được trợ giúp, chứ không phải bị thay thế,” ông nói. “Tôi không nghĩ trí tuệ nhân tạo sẽ gây ra mối đe dọa cho phần lớn các ngành nghề biểu diễn thực tế như thế này.” 

Ông Diller cũng nói tuyên bố của một số nhà biên kịch và diễn viên cho rằng các giám đốc điều hành truyền thông hàng đầu đang được trả lương cao cũng là thổi phồng. 

Ông nói với hãng thông tấn này, “Quý vị có nghiệp đoàn diễn viên, nói rằng, ‘Làm thế nào 10 giám đốc điều hành của các công ty này dám kiếm được ngần ấy mà không trả cho chúng tôi?’ Trong khi nếu quý vị nhìn vào khía cạnh khác, 10 diễn viên hàng đầu được trả nhiều hơn 10 giám đốc điều hành hàng đầu. Tôi không khẳng định bên nào là đúng. Trên thực tế, tất cả những người đứng đầu có lẽ đang được trả lương quá cao.” 

Cuộc đình công của các nhà biên kịch đã khiến phần lớn hoạt động sản xuất truyền hình phải dừng lại, từ các chương trình trò chuyện đêm khuya và “Saturday Night Live” cho đến các chương trình có kịch bản bao gồm “Stranger Things” trên Netflix, “Hacks” trên Max, và “Family Guy” trên Fox. 

Cuộc đình công bổ sung của các diễn viên ngay lập tức đã dẫn đến việc ngừng quay nhiều bộ phim lớn, bao gồm “Deadpool 3,” “Gladiator 2,” và phần tám trong loạt phim “Nhiệm vụ bất khả thi” của nam tài tử Tom Cruise. Tất cả đều được dự kiến phát hành vào năm 2024.

Thị trưởng Los Angeles Karen Bass nhận định, ngành công nghiệp giải trí rõ ràng “đang ở một bước ngoặt lịch sử.” Bà kêu gọi tất cả các bên làm việc suốt ngày đêm cho đến khi đạt được một thỏa thuận. Bà Bass nói trong một tuyên bố: “Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và rất cần thiết cho nền kinh tế chung của chúng ta.”

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

Thanh Tâm biên dịch