Tần Cương biến mất nhưng Trung Quốc nhất quyết không nói rõ lý do 

Share this post on:

Reuters – 20/7/2023

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong lần tiếp người tương nhiệm Mỹ Anthony Blinken hồi tháng 6

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong lần tiếp người tương nhiệm Mỹ Anthony Blinken hồi tháng 6 

Vài ngày trước hội nghị ngoại trưởng của khối ASEAN trong tháng này, Trung Quốc nói với nước chủ nhà Indonesia rằng họ đổi đại diện đến dự do ‘tình huống đột xuất’ – điều này khiến Jakarta phải lật đật chỉnh lại kích cỡ chiếc áo sơ mi may theo kiểu trang phục truyền thống dành cho các quan khách dự hội nghị.

Người lẽ ra sẽ mặc chiếc áo sơ mi bằng vải batik sặc sỡ là Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, vốn đã không thấy đâu trong gần một tháng và sẽ bỏ lỡ ít nhất một cuộc họp quan trọng khác vào tuần tới ở Nam Phi.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc cho biết ông Tần đang nghỉ vì lý do sức khỏe nhưng không nói rõ, nhưng với những phát biểu này và các bình luận khác bị gỡ ra khỏi các bản ghi chính thức và không hề được đề cập trên truyền thông nhà nước, suy đoán đã lan truyền ở một quốc gia nổi tiếng là mơ hồ về đời sống riêng của các lãnh đạo.

“Sự biến mất của ông Tần đã gây ra nhiều bất định và bối rối về tính nhất quán, sự ổn định và độ tin cậy trong việc ra quyết định của Bắc Kinh,” ông Tôn Vân, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.

“Nếu một lãnh đạo ở cấp độ cận quốc gia có thể biến mất mà không có lời giải thích, mọi người sẽ cảm thấy khó tin tưởng và khó có thể dựa vào bất kỳ nhà lãnh đạo hay quan chức Trung Quốc nào và chức trách của họ.”

Khi được hỏi tại cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao hôm 20/7về tình hình của ông Tần và khi nào ông sẽ trở lại làm việc, phát ngôn nhân Mao Ninh nói: “Tôi không có bất kỳ thông tin nào để trả lời câu hỏi này.”

Hôm 19/7, Trung Quốc cho biết rằng Ủy viên Quốc vụ Viện Vương Nghị – người tiền nhiệm của ông Tần, nhỏ con, thấp hơn ông Tần và đã mặc chiếc áo sơ mi dành cho ông Tần được sửa lại nhanh chóng ở Jakarta – cũng sẽ thay ông Tần đại diện cho Trung Quốc tại một cuộc họp của khối BRICS ở Johannesburg, Nam Phi vào ngày 24-25/7.

Cũng như sự vắng mặt ở Jakarta, việc ông Tần biến mất khỏi khung cảnh ngoại giao đang đặt ra những vấn đề về sắp xếp lịch trình cho các cam kết khác của Trung Quốc.

Anh đã không thể định ngày công du cho ngoại trưởng của họ đến Trung Quốc, vốn dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng này và được coi là rất quan trọng để hàn gắn mối quan hệ song phương đang rối bời, các nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Reuters.

Trong khi đó, chuyến thăm Trung Quốc của nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, đã bị gác lại vào phút cuối trong tháng này, và sẽ không diễn ra cho đến mùa thu, một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho biết.

Không rõ ngay cả khi đó liệu ông Borrell có gặp ông Tần như kế hoạch ban đầu hay không, vị quan chức này cho biết.

Sự vắng mặt kéo dài này sẽ ‘gây bối rối cho các nước vốn đang tìm cách xây dựng các kênh liên lạc với Trung Quốc’, ông Tống Văn Địch, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Úc cho biết.

“Việc có thể đoán trước và tính minh bạch là cần thiết để tiến hành thường xuyên các cuộc đối thoại và xây dựng lòng tin, cả hai đều là yếu tố chính cho sự hợp tác bền vững.”

Ông Tần được coi là một ngôi sao đang lên trong nền chính trị Trung Quốc. Vốn từng là trợ lý của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông được được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng hồi tháng 12 sau khi làm đại sứ ở Mỹ chưa đầy hai năm.

Kể từ khi lên làm Ngoại trưởng, ông Tần đã đóng vai trò nổi bật trong việc lèo lái mối quan hệ Mỹ-Trung đầy sóng gió. Ông đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh hồi tháng 6 trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 5 năm.

Nhưng lần tiếp xúc công khai cuối cùng của ông Tần là cuộc gặp với các quan chức Nga, Sri Lanka và Việt Nam hôm 25/6.

Sau đó, ông biến mất.

Ngoài bình luận ngắn gọn về sức khỏe của ông Tần Cương hôm 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào, bác bỏ các câu hỏi của phóng viên tại các cuộc họp báo hàng ngày và bỏ các đề cập, gồm cả bình luận ban đầu về sức khỏe ông Tần, ra khỏi các bản ghi chính thức của cuộc họp báo.

Bình luận về các bài viết có nhắn đến ông Tần được chia sẻ trên WeChat đã bị tê liệt và Reuters đã tìm kiếm nhưng không hề thấy ông Tần được nhắc đến gần đây trên truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Sự vắng mặt của ông Tần cũng đã được thảo luận rộng rãi trong cộng đồng ngoại giao, với một số người nói rằng đó là minh chứng nữa về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc.

Một số nhà ngoại giao thậm chí đã bắt đầu suy đoán về việc ai có thể thay thế ông Tần, với ba người nói với Reuters rằng Thứ trưởng Ngoại giao cấp cao, ông Mã Triều Húc, có thể là một ứng cử viên.

Ông Mã, 59 tuổi, có bằng thạc sĩ tại Trường Kinh tế London và từng là đại sứ tại Liên Hợp Quốc, không được biết đến như là nhà ngoại giao ‘chiến binh sói’ như hai ông Tần Cương và Vương Nghị.

https://www.voatiengviet.com