Henry Kissinger đến Bắc Kinh để làm gì?

Share this post on:

Hiếu Chân/SGN
19/7/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1183851618.jpg

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger (trái) hội đàm với ông Vương Nghị, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tại đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 22 tháng Mười Một 2019. Ảnh Jason Lee-Pool/Getty Images 

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, 100 tuổi, đã bất ngờ quay lại Bắc Kinh, gặp gỡ các quan chức cao cấp nhất của ngành ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc vào thời điểm quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, theo tường thuật của báo The New York Times.

Là người “đi tiên phong” thúc đẩy chính phủ Mỹ “hòa giải” với Trung Quốc cộng sản hơn 50 năm về trước dưới thời chính quyền Richard M. Nixon, tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận với phương Tây và phát triển mạnh như hiện nay, Kissinger được Bắc Kinh coi là một “người bạn lớn” và tiếp đãi hết sức trọng thể trong khi ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, ông ta bị đánh giá là một chính trị gia tráo trở, một kẻ phản bội các nguyên tắc dân chủ tự do để khấu đầu trước chế độ chuyên chế của Trung Quốc cộng sản.

Dù Kissinger đã không còn giữ chức vụ gì trong chính quyền Mỹ, ông ta vẫn được Bắc Kinh đón tiếp trọng thể vào tối hôm qua thứ Ba 18 tháng Bảy, được đàm đạo với Trưởng Văn phòng công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị – nhân vật cao cấp nhất về đối ngoại, và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Trước đây chỉ vài hôm, Bắc Kinh có thái độ lạnh lùng hoặc lên mặt dạy dỗ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dù hai bộ trưởng này đến Bắc Kinh với sứ mệnh chính thức là ổn định quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Kissinger cũng được truyền thông nhà nước do đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát ca tụng nồng nhiệt ngay sau khi các đài báo này phê phán các bộ trưởng Blinken và Yellen cũng nồng nhiệt không kém. 

Vậy chuyến đi Bắc Kinh của Kissinger, cùng sự đón tiếp của Bắc Kinh, nói lên điều gì?

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-466576788.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 17/03/2015. Ảnh Feng Li – Pool/Getty Images 

“Tiến sĩ [Kissinger] đã có những đóng góp lịch sử trong việc phá băng quan hệ Trung-Mỹ và đóng một vai trò không thể thay thế trong việc tăng cường hiểu biết giữa hai nước,” Vương Nghị phát biểu theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư. “Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cần có sự khôn ngoan ngoại giao kiểu Kissinger và bản lĩnh chính trị kiểu Nixon,” ông Vương nói thêm.

Đáp lại, ông Kissinger nói với ông Vương: “Cho dù khó khăn đến đâu, cả hai bên nên đối xử với nhau như những người bằng vai phải lứa” và rằng “việc một bên cố gắng cô lập bên kia là không chấp nhận được,” cũng theo tường thuật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, ông Kissinger nói ông “đến đây với tư cách một người bạn của Trung Quốc,” và hai nước nên “xóa bỏ những hiểu lầm, cùng tồn tại hòa bình và tránh đối đầu”, theo tường thuật của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. 

Tưởng cần để ý rằng, mới tháng trước, Bắc Kinh đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị của Mỹ tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa Bộ trưởng Lý và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III bên lề một diễn đàn an ninh quốc tế ở Singapore, cũng như từ chối đề nghị của Ngoại trưởng Antony Blinken nối lại liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước để tránh những sự hiểu lầm có thể dẫn tới xung đột. 

Những phát ngôn nêu trên là từ các nguồn của Trung Quốc, được ký giả Vivian Wang của The New York Times dẫn lại. Ông Kissinger chưa công bố những mô tả của riêng ông về các cuộc họp với ông Vương và ông Lý.

Hiện chưa rõ ông Kissinger sẽ ở Bắc Kinh bao lâu, liệu ông có gặp các quan chức khác, bao gồm cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. Ông Tập và ông Kissinger đã gặp nhau ở Bắc Kinh năm 2019, khi đó ông Tập nói ông hy vọng ông Kissinger sẽ “tận hưởng thêm nhiều năm khỏe mạnh và tiếp tục là người thúc đẩy cũng như đóng góp cho quan hệ Trung-Mỹ,” theo tường thuật của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc.

Dù chưa có thông tin đầy đủ về chuyến đi của ông Kissinger, nhưng không khó nhận ra rằng một lần nữa nhà ngoại giao cáo già của Mỹ lại trở thành con cừu non, thành quân cờ trong bàn tay phù thủy của các đại cao thủ ở Trung Nam Hải.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-514871836.jpg

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) gắp thức ăn mời Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong một yến tiệc ở đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh tháng Mười Một 1973. Ảnh Bettmann / Getty Images 

Trung Quốc bây giờ đã trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ và Liên Âu với mưu đồ lật đổ cái trật tự thế giới lập ra sau Thế Chiến Hai, ổn định hơn 70 năm qua và đem lại sự thịnh vượng, phồn vinh cho nhiều dân tộc, kể cả Trung Quốc. Những chính sách bành trướng, bá quyền, chèn ép về chính trị, kinh tế và quân sự của Bắc Kinh đe dọa chủ quyền của nhiều nước, dẫn tới phản ứng là thái độ của các nước đối với Trung Quốc càng ngày càng cứng rắn, không chỉ của Mỹ và châu Âu mà cả những nước láng giềng có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rơi xuống mức thấp nhất, đặc biệt là từ sau vụ Bắc Kinh thả khinh khí cầu do thám vào nội địa nước Mỹ hồi tháng Hai 2023, phần nhiều là do nỗi hoang tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.

Bây giờ thì chính quyền của ông Tập Cận Bình nhận ra Trung Quốc khó mà phát triển mạnh như vài thập niên qua trong môi trường thù địch với phương Tây. Kinh tế Trung Quốc đã không hồi phục mạnh như dự đoán sau khi bãi bỏ các biện pháp chống dịch COVID khắc nghiệt là một dấu hiệu cảnh báo. Nước Nga của Vladimir Putin mà Tập cam kết “hợp tác không giới hạn” để cùng chống lại cái trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây chủ trì, đã trở thành một nhà nước khủng bố và suy yếu trầm trọng sau cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trung Quốc không còn đường nào khác là hòa hoãn với Hoa Kỳ và châu Âu, nỗ lực thu hút vốn đầu tư, công nghệ từ các nước công nghiệp tiên tiến để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-471533882-1.jpg

MOSCOW, RUSSIA – APRIL 29: Russian PresidHenry Kissinger trong một lần gặp Vladimir Putin – Moscow ngày 29 Tháng Tư 2015. Ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images 

Nhưng giới chính trị Trung Quốc coi trọng “sĩ diện”; Tập Cận Bình không dễ nhân nhượng Hoa Kỳ để nối lại quan hệ giữa hai nước. Một sự nhân nhượng Hoa Kỳ cũng dễ khiến đảng cộng sản và ông Tập bị mất điểm trong mắt 1.4 tỷ dân Trung Hoa nhiều chục năm qua vẫn được nuôi dưỡng trong chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà guồng máy tuyên truyền của đảng ra sức nhồi nhét.

Ông Tập đã chọn một giải pháp khác: Một mặt vẫn dùng ngôn từ hung hăng với Mỹ theo kiểu ngoại giao “chiến lang” để lấy lòng dân chúng trong nước, một mặt tìm cách phân hóa nội bộ giới tinh hoa chính trị nước Mỹ, tận dụng sự chia rẽ sâu sắc giữa lãnh đạo và cử tri hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện nay. 

Với thành tích khai thông mối quan hệ Mỹ-Trung trong quá khứ, ông Kissinger – mà Thời báo Hoàn Cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là “nhà ngoại giao huyền thoại” – được chọn để thực hiện vế thứ hai trong sách lược của Tập.

Bắc Kinh hy vọng với danh tiếng, với tư cách “lão làng”, với bề dày “đóng góp” cho chính sách ngoại giao Mỹ qua nhiều đời tổng thống Cộng hòa, ông tiến sĩ Kissinger sẽ có tác động quan trọng làm thay đổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Biden hiện nay và gỡ cho Trung Quốc một thế khó. 

Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, hy vọng đó là hão huyền bởi vì nước Mỹ ngày nay không giống thời Nixon, không sa lầy vào một cuộc chiến tranh hao người tốn của như Chiến tranh Việt Nam và người Mỹ đã biết khá nhiều, khá rõ bộ mặt thật tàn bạo của chế độ độc tài Trung Quốc cộng sản.

Nixon, Kissinger – với chính sách ngoại giao thực dụng (realpolitik) đề cao các lợi ích ngắn hạn lên trên các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền mà trên đó đất nước Hoa Kỳ được xây dựng – có thời được coi là ngôi sao trong giới tinh hoa chính trị của đảng Cộng hòa. Nhưng ông Nixon đã ngã ngựa một cách ô nhục, ông Kissinger thì chẳng còn mấy uy tín để có thể thực hiện vai trò phân hóa chính trị Mỹ mà ông Tập kỳ vọng. Dù hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ bất đồng với nhau trong hầu hết mọi chuyện, nhưng riêng chính sách chống Trung Quốc hai đảng lại rất đoàn kết, khó mà phá vỡ được mối đoàn kết đó.

Từ Thượng Hải, giáo sư Ngô Tân Bác (Wu Xinbo), trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phúc Đán, nói rằng Trung Quốc tiếp đón nồng nhiệt ông Kissinger nhằm gửi một thông điệp về tầm quan trọng của Trung Quốc đến “những người bạn cũ”; tình bạn đó trái ngược với lập trường hung hăng với Bắc Kinh của các tổng thống Mỹ gần đây. “Tôi nghĩ chuyến thăm của Kissinger tới Trung Quốc nhằm gửi đi một tín hiệu rằng các mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ nên được nhìn nhận từ góc độ lịch sử chứ không thể chỉ chú ý đến các nhu cầu chính trị ngắn hạn.”

Nhưng cuộc sống thì luôn vận động về phía tương lai, tre già thì măng mọc. Với 100 tuổi, Kissinger đã là người của một thế kỷ đã qua và không nên kỳ vọng ông ta có thể có vai trò quan trọng nào trong việc quản trị quốc gia. Khi được báo chí hỏi về chuyến đị của Kissinger, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng chính quyền Joe Biden đã biết ông Kissinger có kế hoạch công du Trung Quốc nhưng “ông Kissinger đến đó theo ý muốn riêng của ông, không phải là hành động thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ”.  Thế là rõ!