Nguyễn Xuân Xanh dẫn nhập
Cập nhật 26/12/2022: Sau một thời gian bị giữ lại để tu chỉnh sai sót trong in ấn,
nay quyển sách Phan Châu Trinh và Các tác phẩm chính luận được Nxb Trẻ cho ra thị trường.
Khổ sách: 14x20cm. Số trang: 262. Giá bán: 120,000 VNĐ. In lần thứ 1 năm 2018
Lời nói đầu. Kinh tế Việt Nam đang chạm mức “to be or not to be”, tồn tại hay không tồn tại, có thể cất cánh hay không theo những con rồng châu Á? Không ai dám trả lời, hoặc sẽ trả lời không. Tại sao, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ. Lịch sử thường giúp chúng ta soi sáng những câu hỏi tại sao. Quyển sách Phan Châu Trinh của cố học giả Vĩnh Sính, vừa được nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt, quyển sách đã gây ấn tượng mạnh lên tôi chín năm trước, là cơ hội để chúng ta nhìn lại Việt Nam trong thời khó khăn nhất để giúp chúng ta có thể hiểu thêm tình hình hôm nay. Phan Châu Trinh chỉ ra rốt ráo những khuyết tật của người Việt Nam trong tinh thần hiểu biết, cảm thương và xây dựng. Diễn thuyết xong, có lần ông nói: “Anh em ta hãy gắng mà làm đi”, thay đổi đi.
Mặt khác, năm nay, 2018, cũng là năm kỷ niệm 150 năm Nhật Bản tiến hành cuộc đại cải cách Minh Trị Duy Tân (1868). Tại sao hai dân tộc “đồng văn, đồng chủng” lại phát triển hoàn toàn khác nhau? Có phải do “ngẫu nhiên” mà người Nhật thức tỉnh và thành công không? Thưa không. Nhật Bản có những nhân tố vô cùng thuận lợi do con người kiến tạo, khiến họ nhanh chóng thực hiện được cải cách, trong khi Việt Nam không. “Đồng văn, đồng chủng” nhưng không đồng phát triển. Sự khác biệt to lớn lắm. Câu hỏi: Tại sao?
Tại Hàn Quốc, năm 1962, khi lên nắm quyền, cựu tổng thống Park Chung Hee đã cho rằng đất nước đang lâm vào một cuộc khủng hoảng con người, và cần phải tiến hành một cuộc cách mạng con người (human revolution), làm lại con người, thì mới xây dựng được một xã hội mới. Con người đã bị hư hỏng quá rồi. Ông viết:
Không có cách nào cho cuộc hồi sinh quốc gia hay sao? Không có con đường nào để tu sửa tính cách quốc gia đang bị suy sụp và xây dựng lại một nhà nước phúc lợi, dân chủ và lành mạnh hay sao?
Không có cách nào sao để thực hiện cuộc “cách mạng con người” để cho dân tộc chúng ta có thể chấm dứt thói nói dối, vứt bỏ những thói quen nịnh bợ, lười biếng, và làm một sự khởi đầu mới như những người lao động siêng năng, thực hiện cải cách xã hội và xây dựng một quốc gia không có người nghèo, một đất nước phồn vinh và giàu có?
Phải có một cách nào. Trước mặt nhân dân chúng ta đang bị vây hãm bởi thống khổ và gian truân, phải có một sự khôi phục lại. “Hãy gõ cửa, và xem kia, cửa đang mở.”
Trước hết chúng ta phải suy nghĩ về những di sản độc hại của quá khứ, thủ tiêu thói tranh chấp bè phái từ triều đại Yi (Choson) và tâm tính nô lệ, hệ quả của sự cai trị thực dân của Nhật Bản, và thiết lập vững chắc một Bộ đạo đức quốc gia. Không có một cuộc cách mạng con người, không thể có sự tái thiết xã hội.
Thập niên hiện tại của lịch sử thế giới là một thời kỳ của “thức tỉnh cho các quốc gia chậm tiến”, một thời đại của sự cạnh tranh kinh tế quanh các khu vực này. Đối với nhân dân chúng ta, thời kỳ hiện tại cung cấp một cơ hội tuyệt vời để thực hiện một cuộc phục hưng quốc gia. (nhấn mạnh của tôi)
Một sự lựa chọn khó khăn đang chờ đón chúng ta − hoặc sử dụng cơ hội này cho lợi ích tốt nhất, hoặc để bị kéo về vùng nước xoáy của thảm họa quốc gia. Một bên là sự tái thiết, một bên là sự đổ nát. Làm một quyết định đúng đắn vào thời điểm này là phép thử sống còn cho vận mệnh quốc gia.
Nhất định phải có một con đường cho quốc gia chúng ta − một xa lộ rộng lớn và thênh thang.
Dĩ nhiên Park Chung Hee chính là giải pháp. Ông không chỉ là nhà quân sự, mà còn là một nhà cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội, một nhà nghiên cứu và hiểu biết lịch sử các quốc gia khác để áp dụng. Ông có đủ tri thức và nghị lực cần thiết để thiết kế và lãnh đạo cuộc cách mạng và làm nên thần kỳ sông Hàn trong thời gian ông sống.
Một trăm năm trước, Phan Châu Trinh đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng con người, văn hóa và xã hội, một cách toàn diện, khiến cho dân tộc không có sức đề kháng, và ông muốn thay đổi ở đó. Phải chăng nay cũng một cuộc khủng hoảng con người căn bản đã khiến cho dân tộc không cất cánh được? Thực tế người Việt Nam sống chưa xứng tầm với tiềm năng của mình, với truyền thống hào hùng dân tộc, và với lịch sử 4.000 năm văn hiến. Chúng ta tự coi thường chúng ta. Khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển trong vùng vẫn là quá lớn. Chúng ta cần đối mặt với những di sản tai hại để tìm ra giải pháp như Park Chung Hee làm, thay vì chạy trốn hoặc chối bỏ, điều chỉ kéo dài thêm căn bệnh. Quyển sách Phan Châu Trinh của Vĩnh Sính giúp làm một điểm khởi đầu cho sự phản tỉnh. Một quyển sách không thể thiếu để hiểu người Việt Nam, và tư tưởng, nhận thức của Phan Châu Trinh. Xin nồng nhiệt giới thiệu với bạn đọc. Bài tiểu luận dưới đây là lời nói đầu của tôi cho quyển sách, có tiêu đề “Phan Châu Trinh, Nhà Khai sáng và Giáo dục của Việt Nam cận đại”. NXX
***
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Phan Châu Trinh
“Chí thành thông thánh”, 1905
Văn chương tám vế mơ màng,
Muôn dân nô lệ dưới chân cường quyền.
Vĩnh Sính dịch
Năm 2016 là năm kỷ niệm lần thứ chín mươi ngày mất của nhà ái quốc Phan Châu Trinh, 1926-2016. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một quyển sách về Cụ. Đó là quyển sách Phan Châu Trinh của cố học giả Vĩnh Sính nhằm giới thiệu Cụ ra thế giới như một nhân vật lịch sử nổi bật của Việt Nam thế kỷ 20. Quyển sách được xuất bản năm 2009 tại Nhà xuất bản Đại học Cornell. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu của giáo sư Vĩnh Sính với tính học thuật và hiểu biết lịch sử, văn hóa cao.
Mục đích của giáo sư Vĩnh Sính là giới thiệu một nhà cải cách của Việt Nam đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh, mà tư tưởng gần gũi với các nhà cải cách Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân, nhưng cũng rất khác biệt với đa số sĩ phu thời ông tại quê nhà, đặc biệt với gương mặt tiêu biểu Phan Bội Châu. Vĩnh Sính trước đó cũng giới thiệu Tự truyện của Phan Bội Châu sang tiếng Anh. Phan Châu Trinh tuy thất bại, như ông tự đoán trước, nhưng những ý tưởng cải cách ông đến nay vẫn còn giá trị.
Quyển sách Phan Châu Trinh gồm có hai phần chính. Phần đầu là Lời dẫn nhập do Vĩnh Sính viết, nhằm giới thiệu tóm lược cuộc đời và những tư tưởng chính của Phan Châu Trinh. Phần thứ hai là các bài viết chính luận quan trọng của Phan Châu Trinh. Phần này gồm có bốn bài.
Cảm kích trước cuộc đời tài hoa của người bạn Vĩnh Sính, và luôn luôn mang trong đầu câu hỏi: “Tại sao các quốc gia xung quanh thành công, còn chúng ta chưa thành công?”, tôi cảm thấy một món “nợ tinh thần” cần phải đưa quyển sách chứa đựng sự trình bày và cái nhìn sáng sủa của một nhà nghiên cứu uyên thâm này về Phan Châu Trinh đến độc giả Việt Nam, để góp phần nhìn lại và hiểu biết thêm về Việt Nam. Ôn cố tri tân là điều cần làm ở mọi thời kỳ lịch sử.
★
Khi đọc những dòng cháy bỏng của quyển sách này, ta có thể thấy một Phan Châu Trinh như một nhà đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ và dân quyền để giành lại nhân phẩm cho người Việt Nam, và tạo điều kiện cho sự phát triển; thấy một nhà cải cách có cái nhìn sâu xa về con đường hiện đại hóa đất nước để tạo nội lực dân tộc, không phải chỉ bằng giải pháp quân sự đơn thuần, cũng không phải dựa vào ngoại lực nhất thời; và thấy một Phan Châu Trinh như một nhà giáo dục thuyết giảng cho đồng bào nghe về dân chủ, dân quyền, đạo đức và luân lý Đông và Tây, và bàn về cách thức làm sao để phục hồi nền đạo đức và luân lý dân tộc đang suy tàn để đổi mới dân tộc. Cụ diễn giảng rất ư sư phạm và với sự hiểu biết am tường.
Mỗi dân tộc đều có những người thầy – educator – của họ để giáo dục, nói cho họ nghe những chỗ yếu, chỗ mạnh và con đường hướng tới nhân phẩm và độc lập dân tộc. Phan Châu Trinh là một người như thế. Ông muốn thấy một dân tộc đổi mới tính cách từ trong, “tự lực khai hóa”, từ việc ý thức những nhược điểm đã hằn sâu trong tâm lý dân tộc. Muốn thay đổi căn cơ, cần phải nhận thức đúng vấn đề sâu xa của nó. Cụ là người truyền bá dân quyền đầu tiên, chống bạo động, dấy lên phong trào duy tân “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, không phải vì nhu nhược, mà vì Cụ thấy dân trí và tiềm lực của Việt Nam khi ấy còn quá thấp, chống đối là vô vọng, mà nên dựa vào Pháp để tự cải thiện, từng bước trưởng thành và tiến lên giành tự chủ. Đằng sau tàu chiến, súng đạn là cả một nền công nghiệp hiện đại, cả sức mạnh của một quốc gia đã phát triển, và một đạo binh hùng manh, Việt Nam làm sao có thể đương đầu? Chẳng có phép mầu nào có thể giúp Việt Nam được cả, trừ chính sức mình. Cụ nói những điều đó trước anh em đồng bào, những tiếng như Cụ thường gọi một cách trìu mến trong các buổi diễn thuyết. Phan Châu Trinh có lẽ là người áp dụng nghệ thuật diễn thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Cụ diễn thuyết rất hùng hồn, hiện đại, và rất thuyết phục. Về phương diện này, Phan Châu Trinh là Fukuzawa Yukichi của Việt Nam. Cụ là nhà khai sáng, một nhà cách mạng tư tưởng, và là người thầy của Việt Nam cận đại.
Phan Châu Trinh hành động cụ thể, có tính biểu tượng, bằng cách ăn mặc hiện đại, như người Nhật từng làm, với bộ côm-lê được may từ vải nội địa, như Gandhi từng làm, được người đời gọi là “mốt Tây Hồ”, và cắt tóc ngắn. Cắt tóc ngắn là để đoạn tuyệt với tư duy cũ. Cụ và các tri kỷ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp hăm hở giả dạng lái buôn để lên tàu của hạm đội Baltic của Nga để quan sát văn minh phương Tây, trước khi hạm đội này bị Nhật đánh tan.
Mục lục
Lời Nhà xuất bản 7
Lời dẫn nhập – Nguyễn Xuân Xanh 9
Dẫn nhập (Vĩnh Sính): Phan Châu Trinh và các tác phẩm Chính luận 43
Pháp Việt Liên hiệp Hậu chi Tân Việt Nam 141
Khải Định Hoàng đế Thư 183
Đạo đức và luân lý Đông Tây 207
Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa 239
Dân chủ, dân quyền, hiện đại hóa và đổi mới đạo đức luân lý, đó là những nhiệm vụ sống còn của cuộc canh tân, theo Phan Châu Trinh. Không phải một giải pháp riêng lẻ nhất thời, mà phải một cuộc đổi mới tổng hợp. Cụ đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa chính trị, phê phán mạnh mẽ sự thối nát và hời hợt của hệ thống quan lại, thúc đẩy phát triển những giá trị mới qua một cuộc hiện đại hóa, và nghi ngờ hiệu quả của giải pháp quân sự nhất thời, nhất là sự cầu viện ngoại lực, cho dù từ Nhật, Trung Hoa, Nga hay Đức như đa số nhà yêu nước lúc bấy giờ chủ trương. Ngay khi còn bị lưu đày ở Côn Đảo, cụ Phan đã khẳng định: “Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy ở nước ngoài chỉ diễn cái trò ‘đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai’, không ích gì…, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu (thù) của mình, Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp”1. Cụ đã nhìn xa. Đó là những điều làm ông khác biệt với phần lớn các sĩ phu đương thời. Cụ trách khéo Phan Bội Châu: “Ngày nay có danh sĩ tự phụ là yêu nước mà không biết tập trung hết sức vào trong nước mà đề xướng quốc dân, rồi như sư tử ngủ mê, ngợi khen cường quyền của Đảo quốc (Nhật Bản), nói năng ngông cuồng không nghĩ tới lợi hại, chỉ muốn mời một nước thứ ba ‘khẩu phật tâm xà’ không có lấy chút nhân đạo để đem giao phó tất cả vận mệnh đất nước cho được mới bằng thích.”2
Đổi mới văn hóa là điều kiện sống còn để từng bước có độc lập tự chủ. Theo Phan Châu Trinh, chính sự suy đồi văn hóa và đạo đức từ vua quan và giới nho học xuống tới người dân đã làm cho mất nước. Ngược lại, chính cái văn hóa và đạo đức mạnh mẽ của người Nhật đã giúp họ canh tân đất nước thành công nhanh chóng. Đạo đức, tuy là đạo đức Nho giáo – cụ Phan nghiêng về Mạnh Tử hơn Khổng tử – vốn từng là cái bệ đỡ tinh thần của Nhật Bản để thành công.
So với người Nhật khi ấy, chúng ta thiếu tất cả, thiếu độc lập tự chủ, thiếu dân chủ, dân quyền, thiếu nền tảng đạo đức mạnh mẽ để có thể tự hào về “đạo đức phương Đông” như người Nhật từng tự hào, để tiếp thu “khoa học phương Tây” trên nền tảng đạo đức vững vàng, cũng như thiếu một giai cấp tinh hoa có cùng nhận thức để hành động mạnh mẽ.
Dân quyền là một trong những đòi hỏi hàng đầu để cải thiện đất nước.Ở đâu trên thế giới cũng thế. Gần như đó là khâu đột phá đầu tiên của mọi cải cách để cởi trói người dân mọi thành phần. Giới samurai Nhật Bản lãnh đạo đất nước cha truyền con nối, chiếm chỉ khoảng 6% (đến 10%) dân số, nhưng đứng trước yêu cầu cấp thiết của cuộc Đại duy tân, họ tự xóa bỏ giai cấp mình và những đặc quyền của họ, chấm dứt mang gươm như biểu tượng của quyền lực, để mọi người dân được bình đẳng và không còn biết sợ, để huy động tổng lực dân tộc lên phía trước, các tài năng đều có thể tham gia đóng góp như nhau mà không có rào cản từ nguồn gốc hay giai cấp. Nhà nước Phổ trước đó cũng thế. Đầu thế kỷ 19, sau khi thua Napoleon đau đớn, đã tiến hành Đại cải cách.
“Mọi lực lượng phải được đánh thức và phải được trao cho một vị trí xứng đáng. Nguồn gốc sinh đẻ không còn là độc quyền cho chức vị. Nếu cho nó quá nhiều quyền thì cả một lực lượng lớn trong lòng quốc gia sẽ ngủ yên không phát triển và đôi cánh vươn lên của tài năng sẽ bị làm tê liệt bởi các quan hệ bẩn chật. Trong khi một Đế chế suy tàn trong bệnh hoạn yếu đuối, thì một Caesar có lẽ đi cày trong cái làng thống khổ nhất của ông và một Epaminondas (tướng tài của Hy lạp trước công nguyên) phải nuôi thân chật vật bằng lao động của hai bàn tay mọn của mình. Người ta vì vậy phải sử dụng đến những biện pháp đơn giản và hữu hiệu hơn để mở ra cho thiên tài một con đường, bất kể thiên tài từ đâu đến. Người ta cũng phải mở cánh cửa khải hoàn cho các lực lượng công dân… Thời đại mới cần hành động và sức mạnh tươi mới hơn là tên tuổi và địa vị.” (Tướng tài Gneisenau của Phổ, 1806)3
Cởi trói dân tộc là điều kiện hoàn vũ (universal), để thực hiện canh tân cấp quốc gia, bởi sức mạnh là của cả nhân dân chứ không phải của một thiểu số dù tinh hoa. Napoleon đã làm cho châu Âu hiểu ra điều đó.
★
Ngọn gió mạnh nhất đối với Phan Châu Trinh là cuộc canh tân vĩ đại của Nhật Bản, thổi qua Trung Hoa, được truyền đạt qua những nhà cải cách lớn như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu trong phong trào Ngũ Tứ, thổi đến Việt Nam qua dạng tân thư4vào đầu thế kỷ 20. Các nhà cải cách Trung Hoa nhận định rằng, chỉ có Khoa học và Dân chủ mới đổi đời cả một đế chế đang mục nát suy tàn.Tân thư truyền đến Việt Nam làm lay động mạnh mẽ các sĩ phu Việt Nam, được cụ Phan ghi lại như sau: “Một hôm, bỗng nhiên chợt tỉnh cơn mê, như vén mây mù trông thấy trời xanh, như vừa ra khỏi buồng tối nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng. Niềm vui đó nói sao cho hết.” Nhưng không may, như Vĩnh Sính viết: “Tuy nhiên, trên thực tế ‘người thông hiểu thì ít mà kẻ ngoan cố lại nhiều’ và độc hại do sự sai lầm của các nhà bát cổ (nho sĩ) gây ra vẫn còn đầy rẫy.”
Rồi tin sét đánh tới: Nhật thắng Nga trong trận chiến năm 1904-1905! Cả nước thêm sửng sốt trước những điều phi thường của dân tộc Nhật. Phan Châu Trinh nói với Phan Bội Châu một cách nóng lòng: “Tôi rất muốn sang Đông Kinh (Tokyo) cho biết rồi sẽ về nước ngay.” Và năm 1906 Cụ được toại nguyện.
Sau khi quan sát các điều kiện xã hội của Nhật Bản, Phan Châu Trinh đã tóm tắt nhận định của mình với Phan Bội Châu về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa: “Trình độ quốc dân người ta cao như thế ấy, trình độ quốc dân mình thấp như thế kia, không làm nô lệ sao được? Nay được mấy học sinh vào nhà trường Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông đấy…” Sau chuyến viếng thăm Nhật Bản 1906, đối với Cụ, một nước Việt Nam độc lập mà chưa canh tân sẽ dễ bị tổn thương trước các quyền lực lớn hơn trong vùng, và có nguy cơ phải thỏa hiệp nền độc lập vốn rất khó khăn mới giành được. Nước Nhật như đi vào tim của Cụ, và Cụ cảm nhận sâu sắc sự thành công của họ. Đó là thành công của văn hóa, của đạo đức, của sự thức tỉnh, của sự sắc bén trí tuệ, và của sự lãnh đạo kiên quyết và quyết đoán, của tinh thần bushido, của sự đổi mới toàn diện xã hội. Cụ Phan hưởng một nền giáo dục đặc biệt từ bố mẹ: học võ trước khi học văn. Sau khi mẹ mất, ở tuổi mười bốn, cụ theo bố đi săn trên núi hay tập bắn cung và cỡi ngựa. Giáo dục này làm cho cụ có phẩm chất của một “võ sĩ đạo”. Cụ hiểu Nhật Bản với con mắt chiến lược và tầm nhìn xa của một võ sĩ đạo. Tinh thần chiến binh đã được hun đúc trong máu Cụ, điểm làm cho cụ khác biệt với các sĩ phu các bấy giờ, và giống các samurai Nhật Bản. Cụ học Nho giáo mà không lụy với nó như thuốc phiện để tự ru ngủ và mất hết tính chiến đấu, giống như các samurai Nhật Bản. Người Việt Nam đã đánh không biết bao nhiêu trận để tồn tại nhưng không có tinh thần đó, bị Nho giáo và tinh thần quan lại làm tiêu tan ý chí và nghị lực. Cụ có tinh thần đó, và vì thế Cụ thấu hiểu mô hình Nhật Bản một cách sâu xa. Cụ thấy đồng cảm với các sumurai. Cụ là một ngoại lệ có cái nhìn khác với đám quan trường. Trước cụ, Nguyễn Trường Tộ, một tài năng lỗi lạc, vì là người Công giáo nên không được đi thi, nhưng chính vì thế mà đã nhìn thấy được những điều mà những ai ngụp lặn trong quan trường không thể thấy được.
Có lẽ Phan Châu Trinh chưa hình dung hết những lý do tại sao Nhật Bản lại thành công nhanh chóng, nhưng ông quyết tâm đổi mới dân tộc từ bên trong là chính, theo hướng của Nhật Bản. Những gì Cụ làm ở Đông Kinh nghĩa thục là theo hướng ấy: Hiện đại hóa những giá trị văn hóa, truyền bá những tư tưởng văn minh mới và đổi mới dân tộc, đổi mới cuộc sống. Cụ là người diễn thuyết đầu tiên, giống như Fukuzawa Yukichi. Diễn thuyết để giáo dục nhân dân. Khai sáng phải đến với tất cả mọi người dân. Khác với Nguyễn Trường Tộ chỉ cố gắng viết điều trần cho vua để mong cải cách đất nước. Cái cản trở lớn lao, theo cụ Phan, chính là giới nho học mải mê “tầm chương trích cú” và “văn chương bát cổ”. Họ chống lại Cụ và tìm cách hãm hại Cụ khi có cơ hội để bảo vệ vị trí xã hội của mình, và họ đã từng làm thế. Giới Nho giáo và tinh thần thụ động của họ là cản trở vô cùng lớn lao. Cho nên Phan Châu Trinh phê phán Phan Bội Châu gay gắt, xem Phan Bội Châu là hiện thân của người “văn chương bát cổ”.
Năm 1925, trước khi từ Pháp trở lại Việt Nam, Phan Châu Trinh đã viết một bức thư từ Pháp gửi một sinh viên người Việt, cho thấy Nhật Bản trước sau vẫn là tấm gương đối với cụ, và cho thấy cách nhìn thế giới đang hôn mê của Việt Nam thế nào:
Sao các anh không mở mắt mà xem gương Á Đông ta, Nhật Bổn nó khôn ngoan, nó gặp văn minh Âu châu, nó chặt một dao với phong tục cũ, nó đi theo ngay lối mới, nó kiêu người Cao li, nó kiêu người Tàu, hai nước ấy cứ xăn văn mãi, tiếc cái phong tục cũ, không chịu theo cái mới đến khi nó đến nơi rồi nó trở lại nó đè đầu, mới chịu thức dậy, nay hãy còn bối rối. Còn mình bị cỡi đầu cỡi cổ, cứ nhắm mắt giữ khư khư lấy phong tục mất nước, đến bây giờ mới mở mắt ra, lại không chịu đứng ngay dậy tìm cho rõ sự đời rồi sẽ nói, cứ nói mơ màng tưởng tượng như người chiêm bao, thì nước nhà trông vào đâu, nòi giống trông vào đâu, chẳng lẽ còn đợi đến lớp cháu lớp chắt nữa hay sao?5
Nếu các nhà khai sáng Nhật Bản chủ trương “Văn minh – Khai sáng” (Bunmei –kaika), “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”, các nhà khai sáng Trung Hoa chủ trương lấy “Khoa học, Dân chủ” để phát triển một “Văn hóa mới” làm cột trụ cho cuộc canh tân, thì cụ Phan chủ trương: Dân quyền, Dân chủ, Hiện đại hóa và Đổi mới văn hóa, cùng một hướng. Nhưng điều kiện của Việt Nam thì quá bất lợi.
Cụ Phan đã thấy tận mắt Nhật Bản, đã hiểu, Cụ đã đọc được sách tân thư của các nhà khai sáng Trung Hoa của Phong trào Ngũ Tứ truyền qua Việt Nam. Phong trào Ngũ Tứ này đã lấy lửa khai sáng của Nhật Bản Duy Tân làm ngọn đuốc soi đường. Phong trào Ngũ Tứ tin chắc vào sức mạnh của khoa học và dân chủ sẽ đổi đời đất nước. Họ thấy tấm gương Nhật Bản. Họ chủ trương xây dựng một “văn hóa mới”. Khẩu hiệu của cụ Phan cũng theo hướng đó. Không thể khác nếu muốn cứu nước.
Nhật Bản trong buổi giao thời khoảng 1868 có ba thứ học: Trung Hoa học, Nhật Bản học, và Phương Tây học. Các nhà khai sáng Nhật Bản phần lớn đều tập trung vào Phương Tây học, với khẩu hiệu Văn minh-Khai sáng theo phương Tây. Fukuzawa là gương mặt tiêu biểu. Thật sự, người dân Nhật Bản ồ ạt đổ xô đi học những cái mới của phương Tây, tuy vẫn giữ giềng mối đạo đức cũ của Nho giáo. Hideki Yukawa, nhà vật lý giải Nobel đầu tiên (1949) của Nhật Bản, trong Tự thuật6, kể lại rằng đại đa số thanh niên thế hệ ông không còn học Trung Hoa học nữa! Họ đã “thoát Á” thật sự rồi.
Cách nhìn của Phan Châu Trinh về Phan Bội Châu cũng là cách nhìn của Cụ đối với phần lớn giới tinh hoa, và con người Việt Nam. Theo Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu là týp “nhà yêu nước bị biến tướng bởi cái học văn chương tám vế”, là “nhà bát cổ” điển hình mang những tập tính do ảnh hưởng của cái học khoa cử. Cụ viết: “(Các trước tác của Phan Bội Châu) xem ra toàn là biến thể của văn chương bát cổ, không có mảy may một chút giá trị, nhưng vì trình độ và tính cách thích hợp với quốc dân, nên dân mới bị lừa theo”. Không những thế, cá tính con người Phan Bội Châu biểu hiện “những quán tính lâu đời của người Việt Nam, gồm những mặt tốt đẹp nhất cho tới những mặt thiếu sót, kém cỏi nhất”7. Phan Châu Trinh giải thích về Phan Bội Châu – cũng là để giải thích hiện trạng văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ:
“… Ông ấy là người đại biểu cho những tập quán có từ ngàn xưa trong lịch sử của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Người dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, ông ấy bài ngoại đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích ỷ lại vào người nước ngoài thì ông ấy ỷ lại đến chỗ cực đoan. Người dân nước Nam rất thiếu tính tự lập thì ông ấy lại càng thiếu cùng cực. Tính cách và trình độ của ông ấy nhất nhất đều tương hợp với tính cách và trình độ của quốc dân, bởi vậy ông nhân ưu điểm và khuyết điểm của quốc dân mà lợi dụng.8
Rồi, như một hệ luận tất yếu, Cụ thành thật tự tiên đoán sự thất bại của chính mình trên mảnh đất ấy, và nói rõ luôn tại sao:
“Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy (Phan Bội Châu) đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại”.9
Không thể khác. Cụ Phan muốn đỡ Việt Nam lên, như thần Atlas đỡ thế giới. Nhưng di sản Việt Nam đang quá nặng, Cụ không đủ sức.
★
Khi từ Pháp về năm 1925, cụ Phan có hai bài diễn thuyết quan trọng, Đạo đức và Luân lý Đông và Tây; và Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ, trước khi mất. Cụ quy trách nhiệm vua chúa đã giết chết đạo đức và luân lý Việt Nam: “Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến ‘dân và nước’ vì dân không được bàn đến việc nước!” Dân cũng không phát triển được khái niệm quốc gia, hay yêu nước: “Nếu dân ngu quá, yếu quá không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất. Cho nên xưa nay cái ngôi vua thay đổi luôn, cũng như cái ghế hạng nhất ở rạp hát vậy.” Hay “Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.”
Yukichi Fukuzawa cũng có suy nghĩ tương tự như Phan Châu Trinh. Sự thống trị 260 năm của triều đại Tokugawa bằng kiểm soát nghiêm ngặt sinh hoạt người dân đã làm cho con người bị thui chột đi tinh thần quốc gia. Fukuzawa diễn tả: “Hàng triệu người khắp nước Nhật bị đóng kín trong hàng triệu cái hộp riêng rẽ hay bị chia cắt bởi hàng triệu bức tường”. Ông tiếp: “Con người chỉ muốn bảo đảm sự an toàn riêng mình, và thiếu tinh thần tranh luận (…). Họ tất cả đều lệ thuộc vào chính quyền và không quan tâm đến việc công. Trong một triệu người thì có một triệu ý kiến khác nhau. Mỗi người đóng kín mình vào căn nhà riêng và quên đi thế giới bên ngoài như thể đó là một nước lạ. (…) Họ luôn cố gắng tránh liên đới đến mọi thứ trên đời cho nên không có thì giờ để thảo luận chung nhau về công việc. Thói quen đã ăn sâu này trở thành một tục lệ và sản sinh ra tình trạng đáng buồn hiện tại.”10
Trả lời câu hỏi của thính giả, có thể bỏ hẳn luân lý của ta để tiếp nhận luân lý mới của phương Tây hay không, cụ Phan trả lời rất gợi hình: “Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu? Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được . Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy.”11
Ai cũng theo Nho giáo: Vua, quan, tôi. Nhưng cụ Phan xem xét lịch sử Trung Hoa và kết luận: “Xét cái lịch sử quân chủ ở Á Đông này thì chúng ta biết rằng từ Tần Thủy Hoàng về sau không còn có đạo nho thi hành trong nước nữa, chỉ còn sót lại một hai điều ở trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân.”12
★
Đọc cụ Phan, trong thâm tâm, chúng ta đều không khỏi nghĩ đến nước Nhật hạnh phúc, dân tộc láng giềng “đồng chủng, đồng văn” của chúng ta. Tại sao họ thành công nhanh chóng như “trở bàn tay” như thế, vang lừng như thế, khiến thế giới nể phục như thế, tỏa sáng như thế? Họ không hề có các ngoại viện như ODA hay FDI. Ngược lại họ phải tự bỏ tiền từ quỹ eo hẹp để thuê mấy ngàn thầy giáo, chuyên gia phương Tây đến làm việc, trong đó có những người được trả lương cao hơn cả lương của thủ tướng.
Họ được như thế có phải vì may mắn không? Thưa không. Nhật Bản có một số điều kiện nội tại rất thuận lợi như sau:
Nhật Bản có giai cấp cầm quyền mạnh cha truyền con nối, và ổn định. Giới này sớm có một đối sách và quyết sách dứt khoát trước mối đe dọa của phương Tây. Họ sớm hiểu sức mạnh của phương Tây từ đâu: Từ sức mạnh công nghiệp, khoa học, giáo dục, và thể chế. Thể chế để tạo sức mạnh cho cả dân tộc, để mỗi người trở thành một chiến sĩ trong thời bình cũng như lúc lâm nguy. Hãy nghe Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản tuyên bố như một tướng lãnh:
“Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến này. Thua cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”.13
Khẩu hiệu của họ là “Học hỏi Tây phương, bắt kịp Tây phương, đi vượt Tây phương”.
Giai cấp cầm quyền có uy tín tuyệt đối và thuộc tầng lớp quân sự, có học, khiến cho họ dễ thức tỉnh và tiếp nhận văn minh phương Tây trong khi các nền văn hóa khác ở châu Á vì mãi mê Nho giáo, quan trường mà chống đối quyết liệt mọi đổi mới. Họ có năng lực tổ chức việc du nhập văn minh công nghệ, khoa học, giáo dục và quân sự nhanh chóng. Thực tế họ tổ chức duy tân như tổ chức một cuộc tập trận qui mô quốc gia. Từ những người vừa được rèn luyện quân sự, vừa được đào luyện văn hóa Khổng giáo, tức vừa có văn, có võ, họ dễ dàng trở thành những người lính kỷ luật trong cuộc công nghiệp hóa. Cái cây đạo đức của họ mạnh mẽ, nói như Phan Châu Trinh, nên sự tiếp thu văn minh phương Tây của họ dễ dàng.
Chế độ chính trị của Nhật Bản ổn định từ ngàn năm, vua vẫn là biểu tượng quốc gia, nên họ nhanh chóng chuyển đổi sang chế độ quân chủ lập hiến dễ dàng. Nhưng tuy thế, cấu trúc quyền lực là đa dạng, tạo sự cạnh tranh không ngừng giữa các bang, thúc đẩy phát triển.
Nhưng phải nói thêm nhiều điều rất quan trọng: Nhật Bản có những thuận lợi khác rất hữu hình mà Việt Nam không có: Ưu thế lớn trong sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hóa. Văn hóa học của Nhật Bản thời mở cửa 1868 đã phát triển rất mạnh mẽ. Văn hóa Edo, và nghệ thuật Edo của thời đóng cửa đối với phương Tây là một kỳ quan. Trong thời Genroku (1688-1704), cuối thế kỷ 17, được xem là thời vàng son của Tokugawa với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, đặc trưng bởi sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số “khủng” thời đó; Nhật Bản lúc đó chỉ có chừng hơn 20 triệu người, vì thời Minh Trị dân số Nhật Bản khoảng 30 triệu. [Hãy so với Việt Nam thời nay!]Rất nổi tiếng là sự phát triển các thư viện thương mại (kashihonya) nhằm cho mượn sách đến tay những người thích đọc mà không có đủ tiền mua sách. Vào cuối thập niên đầu của thế kỷ mười chín, Osaka có khoảng ba trăm thư viện thương mại như thế, Edo hơn sáu trăm. Họ còn xây dựng những thư viện thương mại lưu động đi về các miền quê để bán hay cho mượn sách đến các nông dân biết chữ. Nhật Bản thế kỷ 18 có những thành phố lớn phát triển với dân số tập trung cao như châu Âu. Edo (tức Tokyo) có trên một triệu dân, nhất thế giới, hơn cả Paris. Các thành phố khác như Osaka có con số non một triệu. Nhật Bản có văn hoá thành thị, có cả văn hóa salon (zashiki), đời sống sung túc rõ nét như ở châu Âu thời Trung cổ. Nghĩa là họ giàu có và phát triển. Và đó cũng là điểm hấp dẫn đối với giới thương nhân nước ngoài khi họ kêu gọi Nhật Bản mở cửa.
Năm 1868 khi Nhật Bản Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường học đủ mọi loại! Đây cũng là một con số “khủng” nữa. Hàng triệu người đã được học hành. (Việt Nam có được bao nhiêu trường học và học sinh lúc đó? Lúc đó Nam Kỳ vừa trở thành thuộc địa Pháp.). Có một ước tính theo đó cuối thời Tokugawa, Nhật Bản có khoảng trên 40 phần trăm con trai và 10 phần trăm con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình.14 (Theo một ước tính, tỉ lệ biết chữ ở Pháp lúc cách mạng Pháp là 30 phần trăm, cách mạng Nga 15 phần trăm, và cách mạng TQ 1949, 15 phần trăm. Nhật Bản áp dụng chế độ cưỡng bức giáo dục năm 1872, ở Anh năm 1870, Pháp 1882, Mỹ 1918, và Đức 1919)15 Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân; và dân chúng cũng đồng tình để cải thiện vị trí xã hội của mình. Phát triển đất nước cần những người có học. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khổng giáo Dazai Jun (1686-1747) viết. Nhật Bản qua hai trăm năm dịch thuật của giới Lan học (rangaku) đã có một nền tảng khai sáng đượm chất men khoa học, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi dễ dàng ở giai đoạn Minh Trị. Bantō Yamagata (1743-1821) của Osaka, chẳng hạn, vừa là doanh nhân vừa là học giả, dành 17 năm để nghiên cứu và xuất bản một bộ sách gồm 12 quyển tên “Bảo đảm của những giấc mơ” (Yumenoshiro) để hiểu khoa học châu Âu. Ông ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernicus.
Nhưng không phải chỉ có giáo dục, văn hóa phát triển chung chung để làm trang trí. Nhật Bản, với bản chất là xã hội của võ sĩ đạo, với sự phân quyền nhất định giữa các bang dưới cái dù thống lãnh của Shogun, là một xã hội có tính cạnh tranh cao như các quốc gia nhỏ châu Âu thời Trung cổ, cho nên thúc đẩy công nghệ, sản xuất và thương mại phát triển và được truyền bá liên tục. Chính sự cạnh tranh này là chất xúc tác để làm lan tỏa các ý tưởng khoa học, công nghệ trong cả nước. Các ngành in, dệt vải, nuôi tằm, sản xuất lụa, sơn mài, gốm sứ, làm giấy, nấu rượu saké, khai thác mỏ, luyện kim, đúc kiếm, nghề thợ mộc, chế tạo công cụ, được phát triển và mở rộng liên tục. Người Nhật nhập khẩu từ Trung Hoa không phải chỉ có sách vở Khổng giáo mà còn sách về khoa học, công nghệ, toán học, những thứ mà châu Âu cũng từng học của Trung Hoa. Họ chuộng đổi mới sáng tạo (khác với người Việt Nam chuộng làm quan và hư danh).
Các phát minh liên tục diễn ra ở cấp độ vi mô (microinventions) làm cho người Nhật ý thức thêm giá trị của đổi mới sáng tạo. Các doanh nhân, nhà sản xuất luôn đi tìm kỹ thuật mới. Thị trường nội địa được kết nối mà Edo và Osaka là những trung tâm thuu hút mạnh mẽ hàng hóa. Sự cạnh tranh giữa các bang đã dẫn tới những chính sách “”Phát triển doanh nghiệp, sản xuất hàng hóa” (shokusan kôgyô). Sau khi Tokugawa bị lật đổ, người ta làm thống kê thấy 50 trong 64 bang tạo nên 20 đến 40 phần trăm sự phồn vinh của mình từ ngành chế tạo thủ công (manufacturing). Nhân vật đặc biệt Hiraga Gennai (1728-80), tượng trưng cho sự kết tinh của các xung lực trong thời Tokugawa vào con người, đi xa hơn khi đưa ra nhận định, cách duy nhất cho Nhật Bản đảo ngược sự thất thoát của cải vào tay các thương nhân nước ngoài là phát triển các nguồn lực của Nhật Bản thành sản phẩm cho xuất khẩu lẫn sử dụng nội địa, và chính sự thiếu hụt các nguồn lực là yếu tố phải làm cho việc ứng dụng tri thức càng khẩn trương hơn.16
Đó là những hạt giống khai sáng đã được gieo chính trong giai đoạn “tỏa quốc” (sakoku) hai trăm sáu mươi năm. Không phải chỉ có việc du nhập các ý tưởng mới phương Tây vào một xã hội bị đóng kín quá lâu có thể đương nhiên đem lại sự thành công nhanh chóng và vượt bật, mà chính vì trong lòng xã hội đó đã manh nha những điều kiện tiếp thu, về tinh thần, và về nền tảng công nghệ, thương mại thuận lợi mà người Nhật mới nhanh chóng thành công như thế.
Cho nên không lạ gì các nhà khai sáng Nhật Bản từ thế kỷ 18 hầu hết đều quan tâm đến khoa học, công nghệ. Họ thường học thêm các ngành như y khoa, thiên văn, địa lý, kỹ thuật, khoa học quân sự, đúc súng, như trường hợp của nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi, và mở trường dạy học, như trường hợp nổi tiếng của nhà Lan học Ogata Kôan với ngôi trường Tekitekisai Juku năm 1838 tại Osaka, thu hút hàng ngàn môn đệ. Còn Fukuzawa có một quyển sách được ưa thích tên “Kunmô Kyûri Zukai” (Một giáo trình vật lý có minh họa) xuất bản năm 1872, chỉ một năm sau khi Luật giáo dục cưỡng bức được ban hành toàn quốc (1871). Kyûri là tên gọi của vật lý học lúc bấy giờ, ‘làm chủ các nguyên lý của sự vật’.
Một ảnh minh họa trong sách vật lý của Fukuzawa (về việc sử dụng thấu kính)
Cho nên, theo phương châm nhìn thấy tận mắt vẫn hơn trăm lời giải thích, người Nhật đã cuồng nhiệt đi tham quan các triển lãm quốc tế về công nghệ xuất hiện lúc bấy giờ, Triển lãm vĩ đại Luân đôn (1851 và 1862), Paris (1855, 1867, 1878, 1889) và Vienna (1873). Đối với họ, những cuộc triển lãm quốc tế này có hai ý nghĩa quan trọng, một là cơ hội để học hỏi những công nghệ mới của thế giới, thứ hai, nhắc nhở họ sâu sắc về sự tụt hậu công nghệ của họ để mau mau phấn đấu. Trường đại học đầu tiên của Nhật Bản được thành lập là Đại học công nghệ Tokyo năm 1873, chỉ 2 năm sau lệnh giáo dục cưỡng bức được ban hành, và do một kỹ sư Scốt-len, Henry Dyer, được thủ tướng Itô Hirobumi thuê từ Anh quốc làm giám đốc, được giao phó toàn quyền và trách nhiệm.17
Không thể nói hết tầm quan trọng của chiều kích khoa học, công nghệ trong Khai sáng Nhật Bản, mà nếu không có, thì khai sáng kia cũng chỉ hão huyền, chẳng có ích gì cho việc chấn hưng đất nước, và ngày nay, Nhật Bản sẽ chẳng có tên tuổi gì trên thế giới. Đó là điều không thể quên, hay bị đánh giá thấp. Khai sáng mà không có khoa học, công nghệ làm nồng cốt, thì giống như tàu chạy mà khộng có hơi nước. Ngày nay, đánh giá lại tầm quan trọng của sự phát triện công nghệ trong lịch sử Nhật Bản, người ta nhìn nhận rằng sức mạnh công nghệ thế kỷ hai mươi của Nhật Bản đã có gốc rễ từ thời tiền-công nghiệp hóa, và đặc biệt trong giai đoạn Tokugawa (1603-1868). Xã hội Tokugawa đã giúp đặt nền mống cho sự du nhập ồ ạt công nghệ nước ngoài sau này, nhưng do những giới hạn chính trị của quyền lực thống trị, các đổi mới triệt để của phương Tây về công nghệ chỉ có thể được chấp nhận và phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản sau khi quyền lực của Tokugawa đã bị đánh đỗ.
Một trong nhà lãnh đạo công nghệ hàng đầu Nhật Bản đã dám quả quyết rằng “ở Nhật Bản ngày nay, bất kể nghĩ đến sự sản xuất microchip LSI, hay bất cứ thứ gì, chúng ta đều có thể nói rằng, cùng hệ thống sản xuất đó, cùng không khí của nơi làm việc đó đã được phát triển đầy đủ trong thời kỳ Tokugawa”. Dĩ nhiên, có thể hơi quá. Nhưng chắc chắn, Nhật Bản công nghiệp ngày nay là kẻ kế thừa đich thực của một truyền thống công nghệ đó đây đã đạt tới sự tinh vi cao thời đóng cửa.18
Về quyết tâm và mục tiêu căn bản của Nhật Bản trong cuộc đại canh tân, hãy nghe Itô Hirobumi, vị thủ tướng lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản thời Minh Trị nói thẳng thắng :
“Mục tiêu của đất nước chúng ta là rất rõ ràng ngay từ đầu, là đạt tới qui chế của một quốc gia văn minh trong cộng đồng các quốc gia thế giới, và trở thành thành viên được sự công nhận thân thiện của các quốc gia châu Âu và Mỹ – các quốc gia đã chiếm giữ vị trí các quốc gia văn minh. Gia nhập sự công nhận thân thiện này của các quốc gia có nghĩa trở thành một trong các quốc gia đó.”19
Hơn thế nữa, ông nói tiếp:“Từ lúc Phục hồi (Minh Trị), mục tiêu của chính phủ chúng ta là vượt trội các quốc gia thế giới”. Họ không phải tuyên bố suông. Họ có nền tảng vững chắc để thực hiện, và họ đã nghiên cứu quỹ đạo của các nước phát triển phương Tây qua chuyến đi lịch sử Iwakura 1871-73. Họ thấy khả thi và con đường để đi, tự tin, và quyết đi đến đích sớm nhất cho bằng được.
Fukuzawa đã phải thừa nhận rằng các quốc gia phương Tây là văn minh, Nhật Bản là “bán văn minh”, và mục tiêu họ rõ ràng là phải trở thành thành viên của các quốc gia văn minh trên thế giới. Cho nên người Nhật làm tất cả những gì cần thiết cho sự cải tổ, từ hiến pháp đến bộ máy hành chánh, tổ chức giáo dục, công nghiệp hóa, quân đội, phát triển kinh tế và khoa học, đến cách ăn mặc, kiến trúc, thói quen, v.v., để thể hiện sự giống nhau về văn minh với cộng đồng phương Tây. Fukuzawa là vị thầy của người Nhật dám nhìn nhận sự thật kém cỏi của Nhật Bản, giống như Phan Châu Trinh đối với Việt Nam, không phải để cúi xuống, mà để ngẩng mặt quyết tâm hành động giành một chỗ đứng xứng đáng và bình đẳng trong cộng đồng các quốc gia đẳng cấp.
Như vậy, so với Nhật Bản, các sĩ phu yêu nước Việt nam có những điều kém thuận lợi rất xa về văn hóa, giáo dục, thương mại, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, tầm nhìn và năng lực lãnh đạo, v.v..Xã hội Việt Nam, có thể nói tụt hậu toàn diện, nên càng chưa cung cấp được mảnh đất phát triển tối thiểu để có thể làm động cơ nhanh chóng tiếp thu khoa học, cộng nghệ nước ngoài.
★
Ngày nay cụ Phan có thể hài lòng phần nào: Độc lập đã có, học hành đã có, đổi mới phần nào đã có, nhưng chắc Cụ còn xa mới hết lo âu, bởi vì nhìn chung, con người Việt Nam vẫn còn là trở ngại của chính mình, một bộ phận lớn còn mang những quán tính cũ xưa từng kềm hãm đất nước. Quốc gia thiếu một nền tảng đạo đức mạnh mẽ để làm giá đỡ, thiếu tinh thần “văn minh-khai sáng”, một ý chí vươn lên tự lực tự cường, thiếu hiểu biết sâu sắc những gì làm nên sức mạnh quốc gia – giáo dục, khoa học, công nghệ, và một thể chế và văn hóa thích hợp để phát triển – như người Nhật từng làm trước đây; con người Việt Nam vẫn còn quán tính “bài ngoại” ngấm ngầm, đi đôi với sự thiếu học hỏi nghiêm túc để đổi mới, thiếu nhìn nhận sự tụt hậu của mình; tính ỷ lại, tự mãn, hời hợt, sáo mòn, vô cảm, lề thói làm ăn lạc hậu, óc mê tín dị đoan, óc chuộng hình thức, hư danh, chủ nghĩa yêu nước hình thức… Đó là những vấn nạn cho sự phát triển. Một trăm năm trước Cụ “kể tội” về thái độ vô cảm của người Việt:
“Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản; thấy họ tiến thì nức nở khen chớ không khi nào chịu xét vì sao mà họ tiến tới như thế? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh hay là họ còn trau dồi đạo đức, sửa đổi luân lý mới được như ngày nay? Ai có đọc đến lịch sử Nhật Bản mới biết Nhật Bản họ cũng bồi đắp nền đạo đức của họ lắm. Từ lúc Minh Trị duy tân cho đến 24 năm sau hạ chiếu lập hiến trong nước Nhật biết bao nhiêu người lo khuynh Mạc Phủ lo lập hiến pháp, biết bao nhiêu kẻ đổ máu rát cổ mới gây dựng nên một nước tân tiến rất giàu mạnh như bây giờ. Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật Bản về! Không biết họ qua bển làm gì? Người ta có câu: ‘Gần mực thì đen gần đèn thì sáng’. Sao những kẻ sang Nhật không đem cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ như thế? Rất đỗi những việc hèn hạ một người dân tầm thường không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết mất ở trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý của người chăng? Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng? Lấy lịch sử mà nói thì dân Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội, bít mắt vít tay không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người?”20
Ngày xưa ta nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí khôn đã đành, đến ngày nay đã hé mắt ra thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát như gửi du học sinh khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ, lập dân chủ, mà cũng an nhiên bất động, nhất thiết chẳng biết gì là gì. […]
Thế mà biết hồn luân lý đạo đức của người mình đã bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ mà thôi. Đạo đức mất trước mất sau thật cũng không phải là lời nói ngoa vậy.”21
Rồi ông kết thúc bài diễn thuyết bằng câu:
“Tôi nói từ nãy đến giờ thật cũng nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.
Anh em ta hãy gắng mà làm đi.”22
Thái độ đóng kín và “vô cảm”của người Việt, không chịu học tới nơi tới chốn phương Tây, khác hẳn thái độ của người Nhật phải chăng có nguồn gốc sâu xa từ một “lòng tự hào” do ảnh hưởng của Nho giáo rất giáo điều, tự mãn và độc tôn, xem Nho giáo là “nhất thiên hạ”, và do đó, Tây học là một điều nhục nhã, xem các dân tộc khác thấp kém không bằng mình, như vua Tự Đức từng đáp lại nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ: “Nhật nó là dòng mọi, Xiêm nó là dòng mọi; Mọi thì nó học với mọi được, chớ như ta là con thần cháu thánh, lẽ nào ta lại đi học với mọi hay sao?”. Người Nhật cũng có tự hào, nhưng khôn ngoan và tỉnh táo, nên không cho rằng Tây học là điều sỉ nhục, mà là điều cần thiết không thể thiếu nếu muốn tồn tại trong cục diện quyền lực mới, trong khi họ vẫn tự hào “đạo đức phương Đông” mới là nền tảng, bản sắc của họ. Không học để rồi tụt hậu, thua kém người ta, bị người ta bắt nạt, hay đô hộ mới là sự sỉ nhục lớn nhất đối với họ. Tri thức học từ phương Tây giống như software, trên cái nền hardware đạo đức họ. Họ ý thức, họ đã học Trung Hoa một ngàn năm trước. Giờ học phương Tây cũng là chuyện bình thường. Không học mới là vô minh, là trước sau sẽ đánh mất độc lập dân tộc thiêng liêng của mình vào tay ngoại bang, như định luật tiến hóa của loài người đã được thực tế đau xót chứng minh.
Người Việt có một mâu thuẫn nội tại rất lớn: một mặt có sức đề kháng cao độ trước ngoại xâm đến nỗi biến nó thành chủ nghĩa bài ngoại, và khép kín trong thế giới vật thể, nhưng trong thế giới tinh thần, thì như học giả Đào Duy Anh đã nhận xét, lại quá lệ thuộc vào một hệ tư tưởng cố định của nước ngoài: “Chế độ khoa cử thế ấy thì phải sinh ra phương pháp giáo dục thế kia, là lẽ tất nhiên. Học như vậy thì học trò chỉ chăm học thuộc lòng một số ít sách kể trên, và chăm lựa lời cho khéo, gọt câu cho chỉnh, viết chữ cho tử tế, một ý tứ có thể diễn ra năm bảy cách, miễn là lời văn cho bóng bẩy mà ý từ dù là cặn bã của Tống Nho cũng không cần gì. Cái thói trọng từ chương, ưa hư văn đã trở thành một thiên tính của dân tộc ta. Với cách giáo dục ấy thì dù người thiên tư lỗi lạc cũng phải nhụt đi, huống gì những người tư chất tầm thường, thực là một thứ giáo dục giết chết nhân cách vậy.”23
Nhật Bản trong chừng mực nhất định cũng bị tiêm nhiễm lối học hư văn này, nhưng không đậm nét như Việt Nam, vì không có hệ thống tuyển dụng người làm quan bằng con đường thi cử. Mặc dù thế, Fukuzawa đã chống trả quyết liệt lối học hư danh và kêu gọi tập trung vào thực học (jitsugaku, học những cái thực dụng) mới có thể xây dựng đất nước một cách hữu hiệu: “Học hành không có nghĩa là chỉ học những thứ hóc búa, đọc những bài cổ văn khó hiểu, thưởng thức waka (hòa ca), làm thơ hay bàn chuyện văn học không có ích gì cho đời. Thú văn chương không phải là không có ích, nhưng không đáng được xem trọng đến mức độ như các nhà Hán học và Hòa học (nghiên cứu Nhật Bản) vẫn thường tâng bốc từ xưa đến nay. Xưa nay, ít có nhà Hán học nào giỏi việc nhà, hiếm có chônin (thị dân) nào giỏi waka mà lại thành công trong chuyện buôn bán. Bởi vậy nên có những chônin và bách tánh lo xa nghĩ rộng không muốn con mình vùi đầu đèn sách tối ngày để rồi phải tán gia bại sản. Không phải họ không có lý. Điều này chứng tỏ rằng lối học hành đó chỉ nhắm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hằng ngày. Bởi vậy, lối học vô bổ này phải xem là thứ yếu, và phải ra sức chấn hưng jitsugaku gần gũi với đời sống hằng ngày của con người.”24 Thực tế, bằng cải cách giáo dục, người Nhật đã nhanh chóng “tạo ra những con người sống, hơn là những học giả chết” như nhà khai sáng Nakae Chômin đòi hỏi.
Fukuzawa là người kiên quyết giành lại sự độc lập tư duy của người Nhật khỏi Trung Hoa. Trong Khuyến học ông viết: “Lý do đích thực của sự chống đối mạnh mẽ của tôi đối với nền văn hóa Trung Hoa là niềm tin của tôi, rằng chừng nào học thuyết thoái hóa cũ xưa của Trung Hoa vẫn còn tồn tại trong tinh thần của những người trẻ chúng ta, thì đất nước chúng ta sẽ không bao giờ bước vào hàng ngũ của các quốc gia văn minh của thế giới được. Trong sự cương quyết của tôi cứu các thế hệ sắp tới của chúng ta khỏi ảnh hưởng bất lợi, tôi đã chuẩn bị đương đầu một mình với toàn bộ các học giả Khổng giáo của đất nước Trung Hoa.”25 Chẳng phải ông bài bác Trung Hoa, bởi chính nhà văn Lỗ Tấn sau đó cũng hoàn toàn đứng về phía ông, và phía Phan Châu Trinh, khi kêu gọi: “Hỡi tuổi trẻ Trung Hoa! Hãy đừng đọc các tác phẩm kinh điển Trung Hoa nữa. Hãy xa lánh chúng hoàn toàn, nếu có thể!”26
★
Người Nhật có đặc tính vô cùng quan trọng là tò mò và sáng tạo như động lực tiên quyết để phát triển trí tuệ. Họ học Trung Hoa một ngàn năm trước, hay Tây phương một ngàn năm sau, vì óc tò mò và óc sáng tạo. Họ không tự bịt mắt trước những cái mới đang diễn ra trên thế giới. Họ không sợ học cái mới, họ chỉ sợ ngu dốt. Họ không thể yêu nước trong sự vô minh. Cho nên không lạ gì họ chấp nhận học phương Tây, của Mỹ, Anh, Đức, Pháp một cách ồ ạt và dễ dàng mà không hề sợ mất bản sắc. Cho nên không lạ gì họ là dân tộc thành công trước nhất ở châu Á. Họ có đầu óc thực dụng. Cho đến nửa sau thế kỷ mười chín, họ xem Trung Hoa như hình mẫu, học Khổng tử, Mạnh tử, Đỗ Phủ và Lý Bạch. Bắt đầu Phục hồi Minh Trị, họ chuyển qua châu Âu, rồi sau Thế chiến thứ hai, họ hướng về Mỹ. Họ ý thức không thể giữ được nước nếu không có thay đổi triệt để theo tinh thần thời đại của từng thời kỳ.
Thực tế, sự thay đổi lớn lao thời Minh Trị là một cuộc “cách mạng văn hóa” chưa từng có trong lịch sử họ (hoàn toàn khác với Ấn độ). Người Nhật thay đổi toàn diện từ quần áo, tóc tai, khẩu vị, đến sự học, văn hóa…Sự thay đổi ở thời kỳ đầu của cuộc Phục hồi Minh Trị là triệt để. Người Nhật muốn quên đi tất cả quá khứ của mình, để hướng mình hoàn toàn về phía trước. Chỉ dụ Hoàng đế Meiji năm 1871 có đoạn viết nói lên sự quyết tâm làm một cuộc chuyển đổi toàn diện xã hội: “Mong muốn sắt đá của nhà vua là các thần dân hãy thay đổi lối ăn mặc, cách xử sự, và củng cố chính thể quốc gia, với truyền thống thượng võ của nó đã tồn tại từ thời những người cha lập quốc.” Bác sĩ Đức Erwin Bälz, người được thuê xây dựng ngành y của Nhật Bản đã ghi trong sổ nhật ký của mình về cảm nghĩ của giới trí thức của thời xáo trộn nhất đó: “Họ khư khư không muốn biết gì về quá khứ của họ; thực tế, họ tuyên bố, mỗi người có học chỉ xấu hổ mà thôi…’Tất cả những gì của quá khứ là hoàn toàn dã man…Chúng ta không có lịch sử, bởi vì lịch sử của chúng ta chỉ mới bắt đầu…’” Người Nhật muốn đoạn tuyệt hẳn với quá khứ. Họ cắt bỏ chùm tóc truyền thống trên đầu, tượng trưng cho vị thế của giai cấp thống trị samurai, mặc đồ phương Tây, và bắt đầu ăn thịt bò, sukiyaki. Kịch Kabuki, sumo, và nhiều thứ khác của truyền thống đều biến mất sau Phục hồi Minh Trị. Các truyền thống chỉ xuất hiện lại sau khi chế độ mới đã bám rễ vững chắc vào những năm 1880.27 Tính triệt để của cuộc cách mạng văn hóa cho thấy từ Vua, quan, đến giới tinh hoa của Nhật Bản, đều biểu lộ quyết tâm sắt đá chuyển đổi toàn diện xã hội sang một xã hội công nghiệp hiện đại để hội nhập vào thế giới phương Tây.Trong khi đó Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ thi cử ở Trung Hoa kéo dài gần ngàn năm, từ 1705 cho đến năm 1919 mới bãi bỏ. Giới tinh hoa Việt Nam học Tứ thư, Ngũ kinh và Bắc sử (sử Trung Hoa). Bắc sử có thời được xem còn nặng hơn sử Việt Nam. Tầm chương trích cú, và làm ra những vần thơ bát cú hay, đó là tất cả những thứ cần để đậu đạt và tiến thân. Tất cả mọi ý tưởng đi lệch khỏi triết học Tống Nho đều bị xem là “dị giáo” và loại trừ. Đầu óc con người bị gò vào khuôn khổ đó cả ngàn năm, không muốn nhìn thấy gì khác hơn, chấp nhận cái khác hơn là điều “sỉ nhục”. Phan Bội Châu ta thán trong Ngục trung thư về tác hại của cái học đóng kín rập khuôn:
“Vì lúc bấy giờ, lối học khoa cử nhà Thanh đang sôi nổi như gió cuốn mây bay, người nước mình bắt bóng theo chân, chỉ sợ không giống y như người Tàu. Bà con ta muốn cỡi mây lướt gió không thể nào không mượn con đường khoa cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng không có đường học vấn nào khác mà đi. Than ôi! Chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang trói buộc đến nỗi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cử gần hết nửa đời người. Đó là một vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy.”28
Hay là:
“Than ôi! Đến giữa thế kỷ XIX, gió Mỹ mưa Âu đã làm ồn ào vũ trụ, vậy mà ngó lại nước mình vẫn còn trong cơn mơ mộng ngủ say. Lúc bấy giờ dân ta còn mù tịt chuyện đời đã đành, không trách gì được. Nhưng đến hạng người trồi đầu khét tiếng như tôi mà cũng như ếch nằm đáy giếng, kiến ở trong hang, có hiểu biết chuyện đời là gì đâu. Nghĩ trong thế giới có thứ người đáng buồn cười mà cũng đáng thương xót, không còn ai hơn bà con nước mình.
Là bởi nước mình thuở trước chỉ đóng cửa ngồi nhà, trăm điều kiến văn gì, quanh quẩn trong vòng chữ nghĩa thi cử Hán học mà thôi; vậy cứ bảo ngay quốc dân mình là bọn tai điếc mắt đui, cũng không phải là nói quá đáng chút nào.”29
Hoặc như Trần Trọng Kim viết trong Triều đình nước Nam dưới triều vua Tự Đức:
“Từ thập cửu thế kỷ trở đi, văn minh và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều, mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình là hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy là triều đình nước Nam ta lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ, về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy hại kỷ cương!30
Nhật Bản không có chế độ thi cử làm quan như thế, tuy họ cũng tiếp thu, học Nho giáo. Họ học Khổng tử có thể còn nhiều hơn Việt Nam, nhưng không phải để giết chết sáng tạo, và tự “cầm tù” mình trong đó. Họ học để phát triển năng lực trí tuệ. Nhật Bản có những nhà tư tưởng độc lập của mình, tiêu biểu là Ogyū Sorai (1666-1728). Sorai xét lại tư tưởng Chu Di (1130-1200) thời nhà Tống (Tân-Khổng giáo). Sorai đã lôi xuống đất các quan hệ xã hội mà Chu Di đã đưa lên trời. Không có Đạo của Trời bất di bất dịch trong Đạo của Người. “Toàn bộ cấu trúc của thế giới (đất nước) thay đổi theo người cha lập quốc của mỗi thời kỳ. Do đó các thể chế và luật pháp cũng thay đổi”, Sorai viết. Cả hai, Chu Di và Sorai đều là những tín đồ của Khổng giáo, nhưng với những cơ sở khác nhau, một người với cơ sở của “mệnh trời’, một người với cơ sở “do con người tạo ra”. Tuy cái vỏ giống nhau, nhưng hai hạt nhân khác nhau.31 Trong chừng mực họ có tư duy độc lập và sáng tạo.
★
Xin mượn lời nhận xét của cụ Huỳnh Thúc Kháng để nhận định về cuộc đời của cụ Phan:
“Như tiên sinh, không những là một người chí sĩ yêu nước, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy. Một kẻ sĩ vai gánh giang sơn, lòng thương nòi giống, một mình xông đột trăm cách toan lường, trong hai mươi năm thừa, trải biết bao hiểm nghèo, nếm biết bao mùi cay đắng … thế mà tiên sinh cứ khăng khăng ôm một cái chủ nghĩa, đeo đẳng mãi với cảnh hoạn nạn mà không chịu rời ra; không những danh vị lợi lộc không dỗ dành được, cực khổ không đổi dời được; cho đến gươm kề trên cổ, súng gí trước bụng cũng cũng không chút nào lay chuyển, sánh với ông Sào Nam (Phan Bội Châu), chí khí đồng nhau, nhiệt thành đồng nhau, phách lực đồng nhau, mà cái cảnh càng khó, cái lòng càng khổ hơn vậy.”32
Phan Châu Trinh mất ngày 24.3.1926 hưởng thọ 54 tuổi. Cụ mất sớm làm sao! Số người tham gia tiễn đưa Cụ, từ thành phố cũng như các tỉnh, ước tính từ 80.000 đến 100.000, của một Sài Gòn lúc bấy giờ có khoảng 300.000 dân số. Đám tang trở thành ngày biểu thị tinh thần cách mạng và lòng yêu nước mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam.
Người Việt hôm nay đang có đủ điều kiện vật chất và tinh thần hơn bao giờ hết để tiến thêm bước bứt phá quyết định, để vĩnh viễn thoát khỏi “truyền thống nghèo nàn lạc hậu”: là tiến hành công nghiệp hóa, hay cách mạng công nghiệp mà bao quốc gia phương Tây và trong khu vực đã đi. Từ chiều sâu, ở nền tảng, chúng ta cần sự khai minh, cần nền tảng đạo đức và luân lý mạnh mẽ, cũng như quyết tâm hóa rồng. Mỗi cuộc hóa rồng đều hàm chứa một cuộc khai minh nhất định và ý chí chính trị mạnh mẽ. Cần phải khiêm tốn chịu học thật sự như người Nhật Minh Trị từng học, cũng như các dân tộc khác từng học xung quanh ngọn lửa khai sáng Nhật Bản sau đó. Cần bỏ đi cái học làm quan, học nửa vời, học giả vờ, thói mê tín dị đoan, cùng chủ nghĩa định mệnh bi quan. Cần bỏ ngay thói ỷ lại, hời hợt, tự mãn để thổi bùng tinh thần tự lực, tự đổi mới từ bên trong mỗi người; tránh chăm chăm cầu viện ngoại lực dưới nhiều hình thức. Muốn như vậy cần nền tảng là lòng ái quốc, tự hào, tự trọng đích thực. Mở rộng óc tò mò sáng tạo, cởi mở với thế giới để không đi tiếp lối cũ sáo mòn.
Những khó khăn của núi rừng đã qua, để mượn cách nói của Bertolt Brecht, nhưng những khó khăn của đồng bằng bỗng dưng lại biến thành rừng núi. Vì thế, sau một trăm năm Phan Châu Trinh vẫn còn đó, những lời nói của cụ vẫn còn kia.
“Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta. Anh em ta hãy gắng mà làm đi.”
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 5, 2017
Xem thêm:
Chú giải:
1 Vĩnh Sính [2016], Việt Nam & Nhật Bản Giao Lưu Văn Hóa.DTBOOKS, nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Tr.262.
2 Vĩnh Sính [2005], Thử tìm hiểu ý nghĩa tác phẩmPháp Việt Liên Hợp của Phan Châu Trinh. Từ Đông Sang Tây, Kỷ yếu mừng tặng GS Lê Thành Khôi 80 tuổi. Chủ biên: Cao Huy Thuần – Nguyễn Tùng – Trần Hải Hạc -Vĩnh Sính. Nhà xuất bản Đà Nẵng. Tr.142
3 Trong Nguyễn Xuân Xanh, Nước Đức Thế Kỷ XIX. ZENBOOK& NXB Dân Trí, 2016. Tr. 55.
4 Nửa thế kỷ trước, thời Nguyễn Trường Tộ, đã có tân văn, gồm hai quyển sách quan trọng Danh hoàn chí lược của Từ Kế Dư (1842, khái lược về địa lý) và Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên (1842), cả hai viết về tình hình thế giới, có ảnh hưởng lên những sĩ phu thức thời.
5 Vĩnh Sính, Lời dẫn nhập trong sách, tr. 20.
6 Sắp ra mắt, Đại học Quốc gia TP HCM.
7 Vĩnh Sính [2005], tr. 142
8 Vĩnh Sính [2005], tr. 142.
9 Vĩnh Sính [2005], tr.143.
10 Xem Nguyễn Xuân Xanh, Các bài học từ Trung Hoa và Nhật Bản. Sẽ công bố.
11 Phan Châu Trinh, Đạo đức và Luân lý Đông và Tây. Trong sách, 104.
12 Phan Châu Trinh, Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ trị. Trong sách, 110.
13 Trong Nguyễn Xuân Xanh, Giáo dục nào cho tương lai?
14 Nguyễn Xuân Xanh, Tại sao người Nhật mê đọc sách?
15 Kuwabara Takeo, Japan and Western Civilization. University of Tokyo Press, 1983. Tr.137.
16 Tessa Morris-Suzuki, The Technological Transformation of Japan. Cambridge Universtiy Press, 1994. Tr. 25.
17 Tessa Morris-Suzuki, như trên, tr.81-82
18 Tessa Morris-Suzuki, như trên, tr.14
19 Nguyễn Xuân Xanh, Các bài học từ Trung Hoa và Nhật Bản.
20 Phan Châu Trinh, Đạo đức và Luân lý Đông và Tây. Trong sách, 103.
21 Đạo đức và Luân lý Đông và Tây, trong sách, 103.
22 Đạo đức và Luân lý Đông và Tây, trong sách, 104.
23 Vĩnh Sĩnh, Việt Nam & Nhật Bản giao lưu văn hóa, 107/08.
24 Vĩnh Sĩnh, Việt Nam & Nhật Bản giao lưu văn hóa, 108/09.
25 Nguyễn Xuân Xanh, Các bài học từ Trung Hoa và Nhật Bản.
26 Kuwabara Takeo, Japan and Western Civilization. Tr.162.
27 Kuwabara Takeo, Japan and Western Civilization. Tr. 135.
28 Vĩnh Sính, Việt Nam& Nhật Bản Giao Lưu Văn Hóa, 106.
29 Vĩnh Sính, Việt Nam& Nhật Bản giao lưu văn hóa, 106.
30 Vĩnh Sính, Việt Nam& Nhật Bản giao lưu văn hóa, 35.
31 Nguyễn Xuân Xanh, Các Bài học từ Trung Hoa và Nhật Bản.
32 Vĩnh Sính [2005], trang 145-46.