Katsuji Nakazawa * – Quan hệ rạn nứt với Mỹ khiến Tần Cương mất ghế Ngoại trưởng?

Share this post on:

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Did rocky China-U.S. ties doom Qin Gang as foreign minister?,” Nikkei Asia, 26/07/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng – 31/7/2023

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/07/55.-Did-rocky-China-U.S.-ties-doom-Qin-Gang-as-foreign-minister.jpg

Việc Biden gọi Tập là ‘nhà độc tài’ đã đe dọa kế hoạch cho chuyến thăm San Francisco

Trong một diễn biến bất ngờ, tối thứ Ba vừa qua (25/07/2023), Trung Quốc thông báo rằng Tần Cương đã bị cách chức Ngoại trưởng, và thay thế bằng Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu đất nước, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vương là người tiền nhiệm trực tiếp của Tần trong tư cách là Ngoại trưởng, và còn là thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng. Không có lý do nào được đưa ra cho việc sa thải Tần.

Điều này không hề bình thường. Mới đây, vào tháng 4, Tần còn cảnh báo Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi không được “giúp kẻ xấu làm điều ác,” ám chỉ Mỹ. Thế rồi, sau một tháng im lặng không xuất hiện trước công chúng, ông đã bị sa thải.

Việc Tần vắng mặt một thời gian dài rõ ràng đã có tác động đáng kể đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ngoại trưởng Anh James Cleverly vừa hoãn chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc vào cuối tháng 7. Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc đã thay thế Tần tại các sự kiện ngoại giao gần đây ở ASEAN và BRICS, bằng cách xuất hiện trực tiếp hoặc trực tuyến.

Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải chật vật xoay sở trước các câu hỏi của phóng viên nước ngoài, khi không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về lý do chính xác khiến Tần vắng mặt.

Vương Nghị tại Hungary hồi tháng 2. Ông đã được tái bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc, thay thế Tần Cương vào ngày 25/07. © Reuters 

Khi những nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong một thời gian dài, thường có nhiều lý do được đưa ra. Trong trường hợp của Tần, ban đầu, Bộ Ngoại giao đã dùng lý do sức khỏe. Nhưng đôi khi, lời giải thích công khai chưa chắc đã đúng sự thật.

Điều chắc chắn là thông báo hôm thứ Ba về việc sa thải Tần đã không đề cập đến sức khỏe. Hơn nữa, thông báo của Tân Hoa Xã còn lưu ý rằng Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đích thân ký quyết định miễn nhiệm Tần.

Dòng thông báo của Tân Hoa Xã rất đáng chú ý, vì nó cho thấy rằng Tập là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự thay đổi nhân sự này, báo hiệu rằng chính Tập đã coi Tần là một kẻ thất bại.

Khi các nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ bị sa thải, lý do thường là về chính trị. Và trong thời đại ngày nay, tất cả các vấn đề chính trị đều phụ thuộc vào một điều: Tập cảm thấy thế nào? Không ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao chẳng có gì để nói, bởi những vấn đề chính trị kiểu này không thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

Một số phương tiện truyền thông nhắc đến khả năng Tần ngoại tình. Nhưng có lẽ chuyện đó không phải là mấu chốt vấn đề.

Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc ở tuổi 56 vào cuối năm 2022, ngay sau đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng. Ông lên kế nhiệm Vương Nghị, theo đó vượt qua nhiều đối thủ cấp cao hơn, những người đều là ứng viên có năng lực. Hơn nữa, Tần còn được thăng chức Uỷ viên Quốc vụ viện, tương đương cấp phó thủ tướng, vào tháng 3 năm nay.

Trong hệ thống nhân sự của ĐCSTQ, quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt sẽ được tiến hành trước khi cá nhân được thăng chức. Những cuộc kiểm tra này, do bộ máy an ninh quốc gia thực hiện, được cho là kỹ lưỡng hơn nhiều so với những cuộc kiểm tra lý lịch mà các bộ trưởng nội các Nhật Bản phải vượt qua trước khi được bổ nhiệm.

Trong trường hợp của Tần, điều tra về lý lịch có thể bao gồm cả thời gian ông giữ các chức vụ được giao ở nước ngoài.

Cách sắp xếp chỗ ngồi tại cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã làm lu mờ bất kỳ lời lẽ tích cực nào giữa hai người tại cuộc gặp ngày 19/06. © Tân Hoa Xã/Kyodo 

Nếu có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến Tần, dù là tham nhũng hay ngoại tình, nó cũng phải được báo cáo lên các quan chức cấp cao của đảng từ rất sớm. Điều đó nghĩa là người ta không phát hiện được điều gì đáng báo động, chí ít là cho tới khi Tần được thăng chức Ngoại trưởng vào tháng 12 năm ngoái.

Một nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung chỉ ra rằng sự biến mất bí ẩn của Tần có thể liên quan đến hai vấn đề: xử lý quan hệ với Mỹ – vốn chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng – và việc Tần thiếu kinh nghiệm đảm nhận một trách nhiệm quan trọng như vậy.

Nếu chúng ta lần theo những diễn biến dẫn đến sự biến mất của Tần, vấn đề sẽ dần sáng tỏ.

Ngày 20/06, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sốc cho giới lãnh đạo Trung Quốc khi gọi Tập Cận Bình là “nhà độc tài” trong bài phát biểu vận động tranh cử ở California. Thời điểm tuyên bố này xuất hiện là đặc biệt có vấn đề. Nhận xét của Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tập gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Cách sắp xếp chỗ ngồi khác thường, nhưng rõ ràng là có chủ ý, đã làm lu mờ những lời lẽ tích cực mà Tập và Blinken trao đổi với nhau.

Khi ấy, Tập ngồi ở một đầu chiếc bàn hội nghị dài hình chữ U, còn phái đoàn Mỹ do Blinken dẫn đầu, và phái đoàn Trung Quốc, bao gồm Vương Nghị và Tần Cương, ngồi ở hai bên, đối diện nhau, như thể họ đang nghe giảng từ Tập. Đây là cách sắp xếp chỗ ngồi được sử dụng ở Trung Quốc mỗi khi hai nhóm khác nhau báo cáo cho ông chủ.

Cách sắp xếp này đã làm nhục Blinken. Người Trung Quốc đã đối xử với phái đoàn Mỹ như thể họ là một quốc gia chư hầu.

Bất chấp sự xúc phạm, Blinken đã không rời khỏi cuộc họp. Nhưng ở quê nhà Mỹ, người ta không chấp nhận chuyện này. Các nhà bình luận đã tức giận trước cách nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ bị đối xử.

Nhận xét “độc tài” của Biden có thể là một đòn đáp trả đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không xem đó chỉ là lỡ lời, và kết quả cuối cùng đã khiến hai bên đều đắng họng.

Tập Cận Bình và nhóm thân tín của ông muốn chứng tỏ cho người dân Trung Quốc thấy rằng quyền lực toàn cầu của Chủ tịch nước lớn đến mức ngay cả Ngoại trưởng Mỹ cũng phải báo cáo với ông. Đây là lý do tại sao Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành đã phát sóng một video Tập “giảng dạy” Blinken trong chương trình thời sự buổi tối quan trọng.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang quan tâm đến cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại San Francisco vào tháng 11 này. Trung Quốc muốn câu chuyện phải là Tập tham dự vì người Mỹ đã tha thiết yêu cầu, chứ không phải vì Trung Quốc háo hức đến đó.

Trung Quốc cũng kỳ vọng vào một cuộc gặp trực tiếp thu hút nhiều chú ý giữa Tập và Biden bên lề hội nghị APEC.

Báo chí Trung Quốc đưa tin rầm rộ về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Mỹ Blinken, cũng như cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Blinken. (Ảnh của Katsuji Nakazawa) 

Kịch bản mà Trung Quốc mong muốn cũng được phản ánh trong báo cáo của các phương tiện truyền thông nước này. Ngày 19/06, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đưa tin trên trang nhất rằng cuộc gặp ngày hôm trước giữa Tần và Blinken đã thành công tốt đẹp.

Ngày hôm sau, tức ngày 20/06, Tin tức Tham khảo, một tờ báo do Tân Hoa Xã xuất bản, cũng đưa cái bắt tay giữa Tập và Blinken trong cuộc gặp trở thành câu chuyện hàng đầu trên trang nhất.

Điều này cho thấy rằng, tính đến thời điểm đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc vẫn ca ngợi những đóng góp lớn của Tần cho chính sách ngoại giao với Mỹ của Tập.

Đối với phía Trung Quốc, nhận xét “độc tài” của Biden đã xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất. Bắc Kinh không thể lật ngược tình thế và nổi cơn thịnh nộ mà không khiến chuyến thăm của Blinken trông giống như một thất bại hoàn toàn. Bộ Ngoại giao do Tần đứng đầu không thể để điều đó xảy ra, theo đó làm chậm phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với nhận xét của Tổng thống Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tiết lộ vào ngày 22/06 rằng một ngày trước, Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua các quan chức cấp cao của họ, nhưng đó là một phản ứng kiềm chế.

Các nguồn tin cho biết các cấp lãnh đạo của Trung Quốc vô cùng không hài lòng khi Bộ Ngoại giao nước này đã không phát động một cuộc phản công hiệu quả chống lại Mỹ sau khi quyền lực của nhà lãnh đạo hàng đầu Tập Cận Bình bị tổn hại nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden chuẩn bị chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng vào ngày 21/06. Việc Biden gọi Tập là “nhà độc tài” đã khiến các quan chức Trung Quốc tức giận. © Getty Images 

Trong khi đó, Biden tỏ ra rất bình thản và điềm tĩnh. Khi được hỏi về hậu quả có thể xảy ra đối với quan hệ Mỹ-Trung do nhận xét “độc tài” của mình, Biden nói, “Tôi không nghĩ nó có bất kỳ hậu quả thực sự nào.” Lúc đó, ông đang phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng vào ngày 22/06.

Người Trung Quốc đang thất vọng vì không thể kiểm soát và quản lý mối quan hệ với Mỹ.

Ai là người chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại? Sự thật là không ai có lỗi, nhưng trong hệ thống phân cấp của Trung Quốc, phải có ai đó chịu trách nhiệm. Một số người trong cuộc ở Trung Quốc tin rằng nhiều khả năng Tần đã bị chọn.

Nếu được đích thân Tập đề cử, thì Tần không nhất thiết phải là người được yêu thích mới có thể trở thành Ngoại trưởng. Lý do ông bị nhắm tới vẫn còn là một bí ẩn. Nhìn chung, nhiệm vụ lớn nhất mà Ngoại trưởng Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là quản lý quan hệ với Mỹ. Nhưng Tần, cựu phát ngôn viên của bộ, lại không phải là chuyên gia về Mỹ.

Đúng là Tần đã từng đảm nhiệm một chức vụ danh giá – Đại sứ tại Mỹ. Nhưng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, việc xây dựng các quan hệ chính trị mới ở Washington là một chặng đường gập ghềnh đối với ông. Một nguồn tin ngoại giao châu Á quen thuộc với quan hệ Mỹ-Trung cho biết: “Rất khó để Tần, người không có nhiều mối quan hệ ở Mỹ, đạt được những thành tựu ở Mỹ.”

Tập Cận Bình, người đưa ra sự chấp thuận cuối cùng để đặt Tần vào ghế Ngoại trưởng, giờ đây đã quyết định tái bổ nhiệm Vương nhằm xoa dịu tình hình.

Nhưng không có khả năng Vương Nghị, một ủy viên Bộ Chính trị, sẽ vẫn là Ngoại trưởng trong vòng bốn đến năm năm tới. Công luận chắc chắn sẽ tập trung vào việc ai sẽ kế nhiệm ông với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao.

Nhưng trong thời điểm hiện tại, sự mơ hồ ngoại giao của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục.

* Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

https://nghiencuuquocte.org/2023/07/31