(Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa)
Ngô Bắc dịch (*)
*****
Tổng Thống Ford tuyên bố rằng Chiến Tranh Việt Nam đã “chấm dứt đối với phía Hoa Kỳ” trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Tulane University, New Orleans ngày 23 Tháng 4, 1975
Lời Người Dịch:
Dưới đây là các tài liệu quan trọng nhất, có liên hệ trực tiếp đến biến cố 30 Tháng Tư, 1975 trong hồ sơ của Tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống Gerald Ford, được lựa chọn, phiên dịch, và ấn hành trên Gió O, bao gồm:
1. Tài Liệu 1: Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, ngày 18 Tháng Ba, 1975, tại Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc, bàn về tình hình Căm Bốt và Việt Nam.
2. Tài liệu 2: Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, ngày 9 Tháng Tư, 1975, tại Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc, bàn về tình hình Đông Dương và phần báo cáo của Tướng Fred C. Weyand vừa về từ một cuộc điều nghiên tình hình tại Việt Nam.
3. Tài Liệu 3: Văn Thư Tóm Tắt Về Cuộc Thăm Viếng và Bản Báo Cáo Về Tình Hình Việt Nam, với các phụ lục đính kèm, đề ngày 4 Tháng 4, 1975 của Tướng Fred C. Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ.
Phụ Lục 1: Quân Số Quân Đội Bắc Việt / Số Vũ Khí Gia Tăng Của Quân Đội Bắc Việt Tại Việt Nam Cộng Hòa Kể Từ Khi Ngưng Bắn
Phụ Lục 2:Thống Kê Của DAO (Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự) Về Việt Cộng / Quân Đội Bắc Việt 03 – Các Đơn Vị Tác Chiến Quan Trọng Tại Việt Nam Cộng Hòa
Phụ Lục 3: Bảng Thống Kê Các Đơn Vị Tác Chiến Của Việt Nam Cộng Hòa
Phụ Lục 4: Bản Đồ Kiểm Soát Lãnh Thổ Của Chính Phủ Việt Nam / Cộng Sản, Tháng Một 1973
Phụ Lục 5: Bản Đồ Kiểm Soát Lãnh Thổ Của Chính Phủ Việt Nam / Cộng Sản, 31-3- 1975
4. Tài Liệu 4: Văn Thư Ghi Nhớ Làm Tài Liệu Lưu Trữ, Phiên Họp Của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, ngày 24 Tháng 4, 1975, tại Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc, bàn về Cuộc Di Tản Tại Việt Nam
Phụ Đính A: Bàn Ghi Nhớ Lời Nhắn Miệng Của Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford, đên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Bang Sô Viết, L. E. Brezhnev.
Phụ Đính B: Phúc Đáp Của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Bang Sô Viết, L. E. Brezhnev đến Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford.
5. Tài liệu 5: Biên Bản Phiên Họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ vào tối ngày 28 Tháng 4, 1975, tại Phòng Họp Roosevelt, Tòa Bạch Ốc, về tình hình di tản tại Sàigòn.
Các tài liệu của các Bộ Sở, Cơ Quan khác, ít nhiều liên quan trực tiếp đến sự sụp đổ vào ngày 30 Tháng 4, 1975 của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được bổ túc sau khi thuận tiện.
*****
Tổng thống Ford bế một cô nhi tỵ nạn Việt Nam tại Phi trương San Francisco, ngày 5 Tháng 4, 1975
Tài Liệu 1
___
TÒA BẠCH ỐC
HOA THỊNH ĐỐN
BIÊN BẢN
PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Ngày: Thứ Sáu, ngày 18 Tháng Ba, 1975
Giờ: 3.15 chiều đến 5.15 chiều
Nơi họp: Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc
Chủ Đề: Trung Đông và Đông Nam Á
Các Tham Dự Viên Chính Yếu:
Tổng Thống
Phó Tổng Thống
Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry A. Kissinger
Bộ Trưởng Ngân Khố William Simon
Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger
Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Tướng George S. Brown
Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương William Colby
Các Tham Dự Viên Khác:
Bộ Ngoại Giao: Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll (chỉ tham dự phần về Việt Nam); Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Chính Trị Sự Vụ, Joseph Sisco
Bộ Quốc Phòng: Thứ Trưởng William Clements
WH (Tòa Bạch Ốc): Donald Rumsfeld
NSC (Hội ĐồngAn Ninh Quốc Gia): Trung Tướng Brent Scrowcroft
Ông Robert B. Oakley
Mức Độ Bảo Mật: XGDS – 3
GIẢI MẬT: Nhật Kỳ Không Thể Xác Định
BỞI SỰ CHO PHÉP CỦA – Tiến Sĩ Henry A. Kissinger
___
[Trong nguyên bản có kèm một số sự đề cập về tình hình khi đó tại Trung Đông, Nam Mỹ, về vấn đề dầu hỏa … , trước khi thảo luận đến tinh hình Căm Bốt và Việt Nam, chú của người dịch]
Kissinger:Và lập trường của Sô Viết ra sao vào lúc việc đó xảy ra?
Colby: Chúng tôi nghĩ Sô Viết thì tự do để ủng hộ khối Ả Rập nhiều hơn so với vị thê trước đây của họ. Sẽ chỉ cần rất ít ngày để chuyên chở sự yểm trợ phòng thủ chẳng hạn như các hỏa tiễn SAM và máy bay. Các binh sĩ nhảy dù của họ có lẽ sẽ bị đánh bại bởi quân Do Thái bởi họ chỉ được trang bị nhẹ, nhưng họ có thể tăng cường sự phòng vệ không quân quanh Cairo [thủ đô của Ai Cập, chú của người dịch] và Damascus [thủ đô của Syria, chú của người dịch] và các thành phố khác.
Kissinger: Tôi không chắc là Do Thái sẽ tấn công trực tiếp các toán quân Sô Viết.
Brown: Khi tôi đọc Bản Ước Tính Tình Báo Quốc Gia Đặc Biệt, tôi có cảm tưởng nghe lại một đĩa hát cũ một lần nữa. Chúng ta đã phạm một sự sai lầm về Ả Rập hồi Tháng Mười 1973. Những gì mà ông Sisco đã phải nói thì rất quan trọng. Chúng ta phải giữ đầu óc chúng ta được mở rộng.
Schlesinger: Do Thái sẽ chắc chắn chiến thắng một hiệp nữa.
Brown: Quân đội của Do Thái rất thiện chiến. Chúng ta đều biết điều đó. Nhưng chúng ta đừng gạt bỏ khối Ả rập ra ngoài.
Phó Tổng Thống: Hãy nghĩ về một cuộc chiến tranh khác có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Các nước thuộc Tổ Chức OPEC sẽ cấu kết với nhau trong một cuộc cấm vận dầu hỏa, đặc biệt bởi các nước Mỹ Châu La Tinh vốn đã không bằng lòng với chúng ta. Điều này có thể làm tê liệt Bờ Biển Phía Đông của Hợp Chúng Quốc.
Tổng Thống: Tôi đã nói ông Morton đúc kết thành một kế hoạch đối phó khẩn cấp về những gì sẽ có nhiều xác xuất xẩy ra nếu có một cuộc cấm vận dầu hỏa khác, những biện pháp nào mà chúng ta sẽ có thể áp dụng, và kết quả khả dĩ sẽ ra sao. Chúng ta cần theo dõi việc này.
Simon: Tôi không tin Venezuela sẽ đình chỉ các số xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Phó Tổng Thống: Venezuela đang lãnh đạo phong trào liên đớiMỹ Châu la Tinh để đứng đối chọi với Hoa Kỳ trong các vân đề kinh tế. Liệu ông có muốn đánh liều nếu ông là Thống Đốc của Tiểu Bang New Jersey hay không?
Clements: Tôi đồng ý với ông Nelson [Rockefeller].
Colby: Chúng ta sẽ có hai hay ba tháng ân huệ nhờ số dự trữ của chúng ta.
Clements: Có vấn đề di dời về mặt địa dư. Chúng ta đúng là không sắp xếp việc chuyển giao sản phẩm và các hàng hóa đủ nhanh chóng từ một phần của xứ sở đến một phần khác.
Tổng Thống: Tôi đã nói với Cơ Quan FEA và các cơ quan khác hãy làm sẵn một số kế hoạch đối phó khẩn câp. Tôi đã quyết định rằng khi Quốc Hội quay trở lại vào ngày 9 hay ngày 10, tôi sẽ ra trình bày trước một Khóa Họp Chung [Lưỡng Viện] về chính sách ngoại giao. Tôi sẽ trình bày một cách thẳng thắn, về Viễn Đông, Trung Đông, An Ninh Quốc Gia và Quốc Phòng, và các đề tài khác. Tổng Thống phải phát biểu một cách mạnh mẽ và tích cực. Xin gửi các ý kiến đề nghị của quý vị cho ông Brent để nhập vào bài diễn văn. Chúng ta sẽ loan báo việc đó vào ngày mai và tôi sẽ mất nhiều thời giờ tại California về việc này. Henry sẽ cùng đi và trợ giúp. Vào lúc tôi quay trở về hôm mồng 7, chúng ta sẽ có mặt để cùng gọt dũa cho bài diễn văn. Người dân Mỹ muốn biết họ đang ở đâu và Quốc Hội cần biết những gì phải làm. Thông Liệp Liên Bang đã không nói gì về chính sách ngoại giao, như thế đã khá lâu kể mới có một diễn văn quan trọng về chủ đề này.
[Vào thời điểm này cuộc thảo luận hướng đến Đông Nam Á; Thứ Trưởng Ingersoll đã gia nhập buổi hop.]
President: Bill, tình hình tại chỗ ở Việt Nam ra sao?
Colby: Chính phủ Việt Nam có đủ sức để kiểm soát khu vực chung quanh Sàigòn và vùng Châu Thổ trong mùa khô này nhưng họ nhiều phần sẽ bị đánh bại trong năm 1976. Ông Thiệu đã cố gắng rút quân của ông ra khỏi vùng cao nguyên đúng lúc nhưng sự chuyển quân của ông đã thất bại. Ông ấy quá lo ngại về các sự tiết lộ tin tức cho phe Công Sản đến nỗi ông không nói trước với ai cả, ngay cả với các tư lệnh của ông cũng bị bất ngờ. Thực sự chỉ có một trận đánh. Ông Thiệu hay biết về sức mạnh tương đối vượt trội của Bắc Việt tại vùng cao nguyên, vì thế ông đã muốn rút ra khỏi Pleiku và Kontum. Ông muốn chiến đấu tại Ban Mê Thuột, nhưng ông đã không làm được chuyện đó. Trong số các khó khăn, các chiếc máy bay C-130 của ông bị bất khiển dụng, nằm ụ một bên (sidelined) [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch]. Như thế cuộc di chuyển về vùng duyên hải trở thành một cuộc tháo chạy thay vì một cuộc triệt thoái trật tự. Sau đó họ bị tấn công tại Quảng Trị và ông Thiệu không quyết đoán về Huế, đầu tiên không đã không muốn giữ lại và sau ông lại muốn giữ và rồi sau cùng ông đã quyết định là không. Việc này khiến cho vị tư lịnh quân đoàn I trở nên hoang mang và tức giận. Và giờ đây, quân nhảy dù, đội quân thiện chiến nhất của họ, đang được rút ra khỏi Đà Nẵng về Nha Trang và Sàigòn. Ông Thiệu cũng muốn mang Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra khỏi ngoại vi quanh Đà Nẵng. Nếu như thế, Đà Nẵng chắc chắn sẽ sụp đổ. Nguyên thủy, ông Thiệu muốn phòng thủ các túi đất nội phận (enclaves) giống như Tướng Gavin.
Kissinger: Sự ước lượng của Colby cho thấy rằng cuộc rút quân của ông Thiệu được trù hoach để đặt ông ta vào một vị thế cắt bớt các sự tổn thất của ông và kèo dài lây lất sang năm 1976. Ông đã quyết định làm điều này bởi ông ta không có đủ sự yểm trợ từ Hoa Kỳ. Sự việc này xảy ra là bởi thiếu các bộ phận phụ tùng thay thế và đan dược [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch]. Ý tưởng thu vén lại không phải là tồi nhưng khi sự chuyển quân khởi sự, các dân tỵ nạn làm nghẽn đường và các binh sĩ không biết di chuyển bằng bất kỳ cách nào. Ông Thiệu đã cố gắng để sẵn sàng ứng phó. Sự ước lượng của ông ta và của chúng ta giống nhau; một cuộc tấn công toàn diện vào năm tới sẽ kết liễu ông ta trừ khi ông nhận được thêm sự yểm trợ. Vì thế ông đã muốn kéo dài cho đến hết năm nay và hy vọng một sự thay đổi.
Clements: Ông ta đã không nói cho chúng ta bất kỳ điều gì cả và đã không nói với các tư lịnh của chính ông ta.
Kissigner: Sự di chuyển chỉ có thể được thực hiện bởi sự bất ngờ.
Colby: Các con số dân tỵ nạn trồi sụt lên xuống, với đỉnh cao nhất diễn ra sau cuộc tấn công Tết [Mậu Thân]. Giờ đây chúng ta đang quay trở lại với hơn một triêu người tỵ nạn.
Tổng Thống: Liệu Việt Nam có thể tự túc về kinh tế trong một khu vực nhỏ hơn hay không?
Colby: Thưa có, vùng Châu Thổ là một khu vực lúa gạo to lớn. Năm nay sẽ là năm đầu tiên của sự tự túc ve6` kinh tế nếu không gặp phải tình trạng suy đồi đột biến. Các dân tỵ nạn đang đặt một gánh nặng to lớn lên trên chính phủ nhưng điều đáng lưu ý để ghi nhận rằng họ hoàn toàn chạy về phía chính phủ. Sự viếc đó cho thấy một cách rõ ràng họ thực sự cảm nghĩ ra sao về Cộng sản.
Clements: Nhưng quân đội có thể đã để lại số vũ khí và trang bị quân sự trị giá khoảng 200 triệu đô la tại Đà Nẵng không thôi.
Colby: Và đang có một số sự phàn nàn về ông Thiệu trong quân đội cũng như trong các giới chính trị. Chúng ta có thể nghe nhiều hơn nữa về điều này.
Tổng Thống: Ông không lạc quan về việc Đà Nẵng có thể giữ được hay sao?
Colby: Nó sẽ mất trong vòng hai tuần ngay dù Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở lại đó thay vì được rút về để bảo vệ Sàigòn.
Tổng Thống: Về việc di tản thường dân thì sao?
Colby: Có nhiều cảnh tượng hỗn độn kinh hoàng, cả ở phi trường nơi họ tràn lên các máy bay vận tải lẫn ở hải cảng nơi họ chen chúc để lên các chiếc tàu. Một số quân nhân còn bắn súng trên đường tiến ra các con tàu. Một số lượng nhỏ đã được chở đi nhưng luật pháp và trật tự bị phá vỡ hoàn toàn và tình hình gần như không thể [kiểm soát được].
Ingersoll: Có báo cáo cho hay 6000 người tỵ nạn đã lên được một chiếc tàu vào sáng nay và một chiếc khác hiện đang bốc người tỵ nạn.
Tổng Thống: Những tin đồn về việc ông Kỳ đang quay trở lại ra sao?
Kissinger: Ông Kỳ là một hướng đạo sinh, một người bốc đồng hay khoa trương; ông ta không thể dảm đương công việc [trong lúc này].
Colby: Tổng Tham Mưu Trưởng [Cao Văn] Viên và Thủ Tướng [Trần Thiện] Khiêm là các ứng viên khả dĩ để thay thế ông Thiệu.
Kissinger: Ông Thiệu đã tự chứng tỏ mình, một cách vượt trội hẳn lên, là kẻ có khả năng nhất trong số tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam mà tôi đã hay biết từ năm 1965. Không kẻ nào khác có thể làm được như vậy. Ông ta nắm giữ giềng mối mọi việc lại với nhau. Ông ta đã phạm phải một lỗi lầm khi ra lệnh rút quân khỏi vùng cao nguyên nhưng ông ta đã không có sự lựa chọn tốt. Chúng ta đã không thể cung cấp cho ông ta sự ủng hộ mà ông ta cần đến [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
Colby: Tôi đồng ý với ông Henry. Không có kẻ nào khác sánh được với ông Thiệu. Ông Khiêm có thể là người khá nhất kế tiếp nhưng ông ấy ở một số phương diện không sánh được với ông Thiệu.
Tướng Brown: Tôi đồng ý với sự ước lượng của ông Colby về Đà Nẵng. Nó sẽ khó có thể giữ được 10 ngày. Chúng ta đã cho di tản hết các người Mỹ. Một chiếc tàu thứ nhì đang bốc người lên. Có hai phi trường, phi trường chính tại Ngũ Hành Sơn (Marble Mountain) và một phi trường nhỏ. Có một tiểu đoàn Bộ Binh VNCH (ARVN) đang bảo vệ phi trường nhỏ trước đám đông hỗn độn và một vài chiếc máy bay C-47 đang cất cánh. Đám đông hỗn độn đã chiếm giữ bãi chính và có thể chiếm cứ phi trường thứ nhì.
Colby: Đang có sự giao tranh nhỏ tại vùng Châu Thổ và quanh Sàigòn. Trừ khi Bắc Việt cho di chuyển các sư đoàn trừ bị của họ vào miền Châu Thổ từ Miền Bắc, Sàigòn và vùng Châu Thổ có thể có khả năng giữ lại được về mặt quân sự nhưng vấn đề to lớn sẽ xẩy ra khi các chuyện kể về Đà Nẵng bắt đầu được loan truyền tại Sàigòn.
Liên quan đến Căm Bốt, ông Lon Nol sắp sửa rời sang Nam Dương vào ngày đầu Tháng Tư. Nhưng không có hy vọng về các cuộc nói chuyện với phe Cộng Sản. Họ sẽ nhìn sự ra đi của ông Lon Nol như sự yếu kém và sẽ đẩy tới mạnh hơn. Đề nghị mới của Cộng Sản về một chính phủ khiến cho ông Sihanouk sẽ không có căn bản nào cả, ngay dù ông ta có mang danh là Chủ Tịch.
Kissinger: Cuộc chiến tranh hiện giờ đang được tiến hành để chống lại ông Sihanouk. Nếu có vấn đề về ra đi của Lon Nol và sau đó chúng ta thương thảo với Sihanouk, sự việc sẽ dễ dàng. Nhưng phe Khmer Đỏ muốn xỏa sạch mọi cơ sở chính trị khả hữu của Sihanouk và chỉ mang ông ta trở lại làm bình phong cho họ. Người Pháp cho chúng ta hay tại Martinique rằng Sihanouk đã muốn điều đình nhưng không thể làm được bởi có phe Khmer Đỏ.
Colby: Cầu không vận cho Căm Bốt đã bị đình chỉ. Phe Cộng Sản có khả năng làm cho bãi đáp không thể sử dụng được. Chính phủ đang mất đất ở phía đông thủ đô, cũng như tại vùng xuôi xuống dọc con sông. Mùa mưa bắt đầu vào cuối Tháng Năm nhưng con sông sẽ không dâng cao cho mãi đến cuối Tháng Bảy và vài khi đó có lẽ mọi việc sẽ quá trễ.
Schlesinger: Chúng ta đang nhận được các báo cáo đầu tiên rằng các binh sĩ Căm Bốt bắt đầu mất đi nghị lực của họ. Họ lo sợ về sự ủng hộ của Hoa Kỳ và mất đi các vị chỉ huy của họ. Với sự tái tiếp tế thích đáng họ sẽ cầm cự cho hết mùa khô. Nhưng tinh thần không được tốt. Cuộc tranh luận tại Quốc Hội đã làm họ tổn thương nặng nề. Nhiều phần nó sẽ sụp đổ trong vòng hai tuần.
Kissinger: Chúng ta phải lấy quyết định về sự di tản. Một cách lý tưởng, chúng ta phải giữ vững cho đến sau khi có bài diễn văn của ông [Tổng Thống] và sau khi Quốc Hội đưa ra một quyết định về lời yêu cầu viện trợ của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chờ đợi, tất cả mọi thứ có thể sụp đổ tức thời trước khi chúng ta có thể rút người của chung ta ra khỏi đó. Nhưng nếu chúng ta rút ra, chúng ta chắc chắc sẽ khích động một sự sụp đổ. Hiện có khoảng 1100 người thuộc mọi quốc tịch sẽ được di tản. Chúng ta có thể cần quyết định trong tuần tới.
Tướng Brown: Tình hình đã thay đổi. Viễn tượng u ám hơn. Chúng ta cần quyết định bây giờ để mang họ ra hay chúng ta có thể sẽ gặp một khó khăn lớn lao. Có một trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại Thái Bình Dương. Chúng ta có thể sử dụng các lực lượng Hoa kỳ để mang các cư dân ra và cố gắng đẩy lui đám đông hỗn độn bằng các máy bay trực thăng.
Tổng Thống: Để lấy họ ra sẽ cần đên bao lâu?
Tướng Brown: Nếu chúng ta phải sử dụng các phi cơ trực thăng trong thành phố, sẽ cần đến một ngày để lấy 1200 người ra. Nếu chúng ta có phi trường, sẽ cần ít thời giờ hơn. Họ có thể đến đó bằng phương tiện riêng của họ. Đây sẽ là một chiến dịch rất khó khăn.
Phó Tổng Thống: Thủy Quân Lục chiến có thể phải bắn vào thường dân và điều đó sẽ tạo ra một sự ồn ào lớn tiếng.
Tướng Brown: Đám đông sẽ khó để kiểm soát. Chúng ta có thể sẽ phải bắn vào dân tỵ nạn trước mặt báo chí.
Tổng Thống: Nếu ông quyết định sử dụng phi trường, ông sẽ cần phải quét sạch địch quân hay không?
Tướng Brown: Chúng ta có thể cần đến không yểm. Nếu có bất kỳ sự khai hỏa nào vào người của chúng ta dưới mặt đất tại phi trường, chúng ta sẽ tấn công. Chúng ta sẽ có máy bay trên trời.
Clements: Chúng ta không thể nói là liệu quân Khmer Đỏ sẽ đánh chúng ta hay không.
Kissinger: Chúng ta cần một sự ước lượng chung về sự gỡ rối tại Căm Bốt. Nếu họ không thể giữ được, Tổng Thống cần có một cơ hội để xem xét tình hình. Chúng ta cần một sự ước lượng về thời khoảng có thể chống giữ được là bao lâu hầu chúng ta có thể quyết định về việc liệu có ra lệnh cho máy bay có cánh cố đinh bay vào để di tản hay không.
Phó Tổng Thống: Cũng có ý nghìa biểu trưng về sự ra đi của ông Lon Nol. Điều này sẽ có một ảnh hưởng xấu trên tinh thần.
Kissinger: Phe Khmer Đỏ sẽ chỉ thương thuyết về sự đầu hàng vô điều kiện. Họ có thể có một sự giải quyết qua thương thảo bất kỳ lúc nào nhưng họ bác bỏ điều đó. Khi ông Lon Nol ra đi, điều đó sẽ làm đất nước mất tinh thần. Ông Long Boret cố gắng chèo chống nhưng sẽ thất bại.
Schlesinger: Chúng ta sẽ giữ các người dân Hoa Kỳ ở đó bao lâu sau khi ông Lon Nol ra đi?
Kissinger: Chúng ta đang áp lực họ rời đi. Ông Lon Nol đã muốn ở lại nhưng chúng ta cũng đã phải làm áp lực ông ta phải ra đi, để làm dịu tình hình.
Tướng Brown: Chúng ta cần một quyết định giờ đây về việc cải thiện năng lực tình báo của chúng ta. Chúng ta không thể chơ đợi Ủy Ban Bốn Mươi (Forty Comminttee), thưa Tổng thống. Tổng Thống sẽ có cho phép chúng tôi bố trí máy bay thu thập tin tức tình báo vào lúc này cho chúng ta trên Bắc Việt hay không nếu chúng tôi cần đến việc đó.
Tổng Thống: Được, điều đó được chấp thuận.
[Phiên họp kết thúc lúc 17 giờ 15].
*****
Tổng Thống Ford thuyết trình cho Giới Lãnh Đạo Cộng Hòa tại Quốc Hội về tình hình tại Đông Dương, ngày 22 Tháng 4, 1975
Tài Liệu 2
___
TÒA BẠCH ỐC
HOA THỊNH ĐỐN
BIÊN BẢN
PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Ngày: Thứ Tư, ngày 9 Tháng Tư, 1975
Giờ: 11.25 sáng đến 1.15 trưa
Nơi họp: Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc
Chủ Đề: Đông Dương
Các Tham Dự Viên Chính Yếu:
Tổng Thống [Gerald Ford]
Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry A. Kissinger
Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger
Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Tướng George S. Brown
Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương William Colby
Các Tham Dự Viên Khác:
Bộ Ngoại Giao: Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll; Phụ Tá Ngoại Trưởng Philip Habib
Bộ Quốc Phòng: Thứ Trưởng William Clements
Ban Tham Mưu Liên Quân (JCS): Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Tướng Fred C. Weyand
WH (Tòa Bạch Ốc): Donald Rumsfeld; Robert Hartmann; John Marsh (vào lúc cuối phiên họp)
NSC (Hội Đồng An Ninh Quốc Gia): Trung Tướng Brent Scrowcroft; ông W. R. Smyser
Mức Độ Bảo Mật: XGDS – 3
GIẢI MẬT: Nhật Kỳ Không Thể Xác Định
BỞI SỰ CHO PHÉP CỦA – Tiến Sĩ Henry A. Kissinger
_____
Tổng Thống: Cách hay nhất cho chúng ta để tiến hành sẽ là để ông Bill Colby đưa ra một sự lượng định của cộng đồng tình báo. Ông Bill, xin ông bắt đầu cho.
Colby: Sau một tuần tạm lắng đọng, phe Cộng Sản đã khởi sự một hiệp giao tranh mới, với Sàigòn là mục tiêu tối hậu.
Phía đông Sàigòn, một sư đoàn Bắc Việt yểm trợ bởi pháo binh và thiết giáp đã tấn công Xuân Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh sáng hôm nay và giao tranh mạnh mẽ được báo cáo xẩy ra bên trong thành phố.
Xuân Lộc nằm dọc hai bên Quốc Lộ 1, nối liền Sàigòn với các tỉnh duyên hải.
Giao tranh cũng gia tăng trong vùng châu thổ. Cuộc tấn công mạnh nhất diễn ra tại các tỉnh phía bắc châu thổ, Định Tường và Long An.
Các phần tử của Sư Đoàn 8 Cộng sản đã tấn công vào Tân An, tỉnh lỵ của tỉnh Long An, nhưng đã bị đẩy lui.
Schlesinger: Chúng cắt đứt Quốc Lộ 4.
Colby: Chúng có cắt đứt nó, nhưng chúng đã bị đẩy lui.
Một sự tăng cường binh sĩ cộng sản tại tỉnh Kiến Tường đã nâng cao khả tính rằng quân Bắc Việt đang chuẩn bị để tấn công tỉnh lỵ tại Mộc Hóa. Tuy nhiên, các báo cáo mới cho thấy các lực lượng này đã rút lui, rõ ràng để chuẩn bị cho các cuộc tấn công gần Sàigòn hơn, như tại các tỉnh Tây Ninh và Hậu nghĩa.
Chiến sự nhiều phần gia tăng hơn nữa trong tương lai gần ….(các phần ghi các dấu châm …. trong tài liệu bị gạn bỏ vì hãy còn được bảo mật và không được cung cấp cho sự nghiên cứu) … các chỉ thị mới của Trung Ương Cục Miền Nam (COSVN) kêu gọi việc đạt được chiến thắng cuối cùng trong năm nay chứ không phải trong năm 1976).
…………
…………
Các chỉ thị của Trung Ương Cục Miền Nam kêu gọi quân Cộng Sản đẩy mạnh cuộc tấn công và mở rộng các sự kiểm soát diện địa của Cộng Sản trong Tháng Tư bằng việc “giải phóng” các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, và Bình Dương.
………. khi “thời cơ đến” Quân BắcViệt sẽ tấn công vào Sàigòn.
……….
……….
Quân Cộng sản đang hoạch định một cuộc giáp công ba mũi từ phía nam, phía tây và phía bắc của ngay chính thủ đô.
Khi sự giao tranh tiến gần tới Sàigòn hơn, nhiều phần tình trạng hoang mang, sự xáo trộn công cộng và hay sự hoảng loạn sẽ gia tăng.
Tuần lễ tương đối bất động vừa qua đã mang lại cho chính phủ một vài cơ hội để củng cố vị thế quân sự của nó. Tuy thế, về mặt các năng lực, cán cân chiến lược nghiêng hăn về phía Cộng Sản.
Bắc Việt giờ đây có 18 sư đoàn bộ binh tại Miền Nam Việt Nam được yểm trợ bởi nhiều xe thiết giáp, pháo binh, và các đơn vị phòng không. Tám trong số các sư đoàn này đang đóng quân tại các Quân Khu 3 và 4.
Hơn nữa, có các dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng một bộ chỉ huy quân khu của Bắc Việt và ba sư đoàn trừ bị khác đang di chuyển xuống Nam Việt Nam. Hai trong ba sư đoàn này đã sẵn vươn tới Khu Phi Quân Sự (DMZ) và có thể xuất hiện tại phía bắc Sàigòn trong vòng 2 đến 4 tuần lễ. Ngoài ra, hai sư đoàn Phòng Không Bắc Việt đang ở bên trong Nam Việt Nam, một tại Quân Khu 3 nơi mà nó có thể sớm đe dọa các phi trường Biên Hòa và Tân Sơn Nhứt.
Khi so sánh với Nam Việt Nam, ở thời điểm này, hiện có bảy sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu. Họ đang tái xây dựng ba sư đoàn từ quân số được rút về từ phía bắc và dự trù thành lập hai sư đoàn nữa vào đầu mùa hè.
Trên giấy tờ, các viễn ảnh trường kỳ của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (GVN) thì ảm đạm, bất kể các đơn vị và các vị tư lệnh chu toàn nhiệm vụ tốt đẹp đến đâu trong sự giao tranh nằm phía trước mặt.
Điều này đang sẵn bắt đầu trở thành một sự phán đoán được chấp nhận của trong các giới quân sự lẫn dân sự ở Nam Việt Nam.
Vào lúc này, các áp lực tiếp tục được xây đắp trong giới đối lập dân sự và trong một số các vị chỉ huy quân sự đòi Tổng Thống Thiệu hoặc phải hành xử sự lãnh đạo dũng mãnh, hiển nhiên được xem là cần thiết và đang vắng bóng, hay là phải từ chức.
Cho đến nay ông Thiệu cho thấy kỹ năng đáng kể trong việc giữ phe đối lập bị phân hóa. Ông được trợ lực bởi sự kiện rằng không có một nhân vật duy nhất nào là kẻ được nhiều giới phê bình dân sự và quân sự tin tưởng là sẽ mang lại sự lãnh đạo hữu hiệu hơn.
Trong khi cuộc dội bom ngày hôm qua vào Dinh Tổng Thống là một hành vi biệt lập, điều đó nhấn mạnh đến khả tính luôn luôn hiện hữu về một biến cố duy nhất sẽ lật đổ ông Thiệu và dẫn đến các sự xáo trộn chính trị.
Người mới được đề cử làm Thủ Tướng của ông Thiệu, ông Nguyễn Bá Cẩn, hy vọng sẽ có một chính phủ được thành lập vào khoảng cuối tuần này.
Ông Cẩn sẽ có gắng khuyến khích các đại diện từ phe đối lập dân sự gia nhập nội các. Tuy nhiên, có sự miễn cưỡng đáng kể, đặc biệt trong các nhóm Phật Giáo và Công Giáo quan trọng, khi liên hệ với một chính phủ của ông Thiệu.
Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta nhiều phần sẽ không nhìn thấy sự cải thiện mạnh mẽ phát sinh từ chính phủ mới này.
Một yếu tố khác là viện trợ của Hoa Kỳ. Một lượng viện trợ chuyển giao tức thời và lớn lao sẽ có chiều hướng vẫn hồi lòng tin tưởng. Điều ngược lại hiển nhiên cũng đúng.
Hậu quả nhiều xác xuất nhất là một sự sẵn sàng của chính phủ để thương thảo một sự giải quyết theo các điều kiện của phe Cộng Sản, tức, sự đầu hàng.
Phe Cộng Sản đang lập lại ý muốn của họ để thương thảo với một chính phủ hậu ông Thiệu, trong một nỗ lực hiển nhiên nhằm cổ vũ cho một cuộc nổi dậy chính trị tại Sàigòn.
Cùng lúc, Hà Nội đang nói rõ rằng nó không quan tâm đến một sự thỏa hiệp cho bằng một tấm lá chắn cho sự chiếm đoạt của Bắc Việt dưới áp lực quân sự.
Về khía cạnh này, các chỉ thị của Trung Ương Cục đã đề cập tuyên bố rằng các cuộc thương thảo hay một chính phủ ba thành phần chỉ là mưu đồ để cô lập Chúinh Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta hãy còn chỉ có ít các dấu hiệu về cách thức phe Cộng Sản sắp thiết lập chính quyền mới của họ tại nửa phần phía bắc của Nam Việt Nam như thế nào.
Ít nhất trong một số trường hợp họ có vẻ sẽ duy trì một bề mặt của một chính phủ giải phóng dân tộc chuyển tiếp.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng có một sự đánh giá thấp tự căn bản về Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (PRG) của Việt Cộng trong đầu óc phe Miền Bắc. Hà Nội giờ đây nhìn thấy không cần có một giai đoạn trung gian kéo dài của sự thương thảo và chế độ liên hiệp, và có ít động lực để duy trì Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời như một thực thể chính trị riêng biệt.
Tóm lại, chúng tôi tin tưởng rằng Hà Nội sẽ làm bất kỳ hành động nào cần thiết để cưỡng bách cuộc chiến đi đến một sự kết thúc sớm sủa – có thể vào đầu mùa hè. Các vấn đề còn lại liên quan đến các chiến thuật và thời biểu của Cộng Sản, và liệu một giải pháp chính trị theo các điều kiện của Cộng Sản có thể được dàn xếp hay không trước khi có sự sụp đổ quân sự chung cuộc của Nam Việt Nam.
Sau cùng, thưa Tổng Thống, có câu hỏi rằng các biến cố gần đây này có thể ảnh hưởng đến thái độ của các nước khác đối với chúng ta ra sao.
Tổng quát, tình trạng tan rã hiện nay được nhìn không phải như một khúc ngoặt, mà như trạm ngừng cuối cùng trên một lối đi đặc biệt mà phần lớn các chính phủ từ lâu đã nhìn là sẽ xẩy ra. Tóm tắt, họ nhìn toàn thể kinh nghiệm Đông Dương như một sự thoái bộ quan trọng cho Hoa Kỳ.
Nhiều nước, đặc biệt tại Âu Châu, từ lâu đã chất vấn về sự phán đoán của Hoa Kỳ và tính thích đáng trong sự can dự của Hoa Kỳ.
Các nước khác mất ảo tưởng về khả năng của Hoa Kỳ để đối đầu với một tình trạng phức tạp khác thường.
Song các nước khác dần mất niềm tin nơi ý chí của Hoa Kỳ để kiên định trong một diễn biến khó khăn.
Các tình huống của sự sụp đổ của Việt Nam đã cường điệu hóa các nhận thức này, nhưng các sự điều chỉnh đã sẵn được thực hiện.
Tuy nhiên, sẽ có sự e sợ trên các âm vang, và phản ứng của Hoa Kỳ đối với hồi kết cuộc bi thảm.
Các đồng minh của chúng ta lấy làm bối rối, và các đối thủ của chúng ta lấy làm hớn hở, về các chiều hướng trong các thái độ của Hoa Kỳ đối với:
– việc giới hạn tính linh động của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong việc đáp ứng với các thử thách mới,
– việc giảm bớt sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các đồng minh và thân hữu của chúng ta,
– việc giảm bớt phần chia sẻ của các tài nguyên Hoa Kỳ dành cho việc duy trì sức mạnh quân sự và chính sách ngoại giao của chúng ta.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy rằng người dân Hoa Kỳ đang khởi sự một cuộc tranh luận nội bộ chua chát và kéo dài sẽ nâng cao các sự quan ngại này và làm gia tăng nỗi sợ hãi rằng chúng ta có thể hướng đến một kỷ nguyên mới của chính sách cô lập. Các hành động của Hoa Kỳ, đặc biệt tại vùng Trung Đông, sẽ được theo dõi một cách chặt chẽ trong việc phán đoán đường lối tương lai của chúng ta.
Tuy nhiên, các mức độ của sự tin tưởng sẽ bị ảnh hưởng chính yếu bởi các nhận thức về hành vi của Hoa Kỳ trên các vấn đề có sự chú ý trực tiếp và thúc bách đối với các nước liên can.
Thí dụ, các nước Tây Âu và Nhật Bản, không kỳ vọng một sự sút giảm trong sức mạnh Hoa Kỳ liên hệ đến các mối quan tâm trước mắt của họ. Và không nước nào trong họ xem sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho an ninh của họ có phần nào kém cần thiết hơn trước.
Một số các quyền lực cấp miền, chẳng hạn như Iran và Brazil (Ba Tây), sẽ tiếp tục chiều hướng của họ để tiến tới sự tự lực hơn là sự liên kết với Hoa Kỳ trong bất kỳ hòan cảnh nào, ngoại trừ các sự đối đầu quan trọng với Liên Bang Sô Viết.
Trong số các nước nằm trên chiến tuyến, sự không an tâm sẽ gia tăng, và nỗ lực tiến tới sự tự lực sẽ gia tăng.
Nam Hàn và Trung Hoa Dân Quốc sẽ nhìn thấy các sự tương đồng nhiều hơn đối với tình hình của riêng họ, và sẽ làm áp lực cho sự ủng hộ tối đa càng lâu càng tốt.
Các nước Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan, sẽ cảm thấy bị bộc lộ nhiều hơn, nhưng từ lâu đã dự liệu sự triệt thoái sau rốt của Hoa Kỳ ra khỏi vùng [Á Châu] lục địa. Giờ đây họ có thể đẩy nhanh sự điều chỉnh của họ đối với sức mạnh tăng trưởng của Cộng Sản.
Các nước Trung Đông sẽ nhìn các quyền lợi của Hoa Kỳ tại đó như sự can dự liên tục bắt buộc. Tuy nhiên, có một tình trạng đặc biệt trên đó các sự phát triển tại Việt Nam có thể có một tác động trực tiếp. Cả Thủ Tướng Rabin [của Do Thái] và Tổng Thống Sadat [của Ai cập] đều rất miễn cưỡng để đặt các quyền lợi sinh tử của quốc gia liên hệ của họ thành con tin của bất kỳ hiệp định nào không tự cưỡng hành được, đặc biệt bất kỳ hiệp định nào im lặng về các vấn đề mà một bên xem như là mối quan tâm lớn lao. Kinh nghiệm với bản Hiệp Định Paris 1973 có thể tăng cường cho sự miễn cưỡng vốn đã hiển nhiên này.
Sô Viết, Trung Cộng, và các lãnh tụ Cộng sản khác, về phần họ, sẽ không đương nhiên kết luận rằng các cam kết khác của Hoa Kỳ đang bị đặt vào sự ngờ vực, trừ khi:
Phản ứng công khai của Hoa Kỳ cho thấy một sự từ bỏ sự can dự quốc tế khác, hay
Các sự quở trách nội bộ Hoa Kỳ có tính cách phân hóa đến nỗi làm gia tăng các sự nghi ngờ về khả năng của Hoa Kỳ để khai triển bất kỳ sự đồng thuận nào trên chính sách ngoại giao trong tương lai gần.
Các lãnh tụ Bắc Việt sẽ khai thác các sự chiến thắng của họ để dèm pha quyền lực Hoa kỳ, đặc biệt tại các nước thuộc thế giới thứ ba.
Hà Nội có thể gia tăng sự ủng hộ của nó cho tình trạng nổi dậy tại Thái Lan.
Tuy nhiên, các năng lực chính yếu của nó, ít nhất trong một hay hai năm tới, sẽ được dành cho việc củng cố sự kiểm soát của nó trên Đông Dương.
Tổng Thống có muốn tôi tiếp bày tiếp về Căm Bốt lúc này hay để về sau?
Tổng Thống: Hãy cứ trình bày tiếp đi.
Colby: Tại Căm Bốt, rất khó để nhìn thấy chính phủ còn đứng vững được nhiều hơn một tuần lễ nữa.
Các cuộc tấn công của Cộng Sản tại khu vực Nam Vang làm suy yếu các tuyến phòng thủ của chính phủ ở phía bắc và phía tây thủ đô đến một mức độ chúng có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.
………. Phe Cộng Sản đang gọi thêm nhiều đơn vị nữa từ vùng nông thôn cho một cuộc tấn công toàn diện đánh vào quân phòng vệ thủ đô.
Cộng Sản cũng đang bô trí thêm pháo binh gần thủ đô.
Quân nổi dậy sẽ sớm có các lực lượng của họ sẵn sàng để khởi sự trận đánh cuối cùng.
Trong khi đó, thời gian đang mau chóng tiến tới lúc mà các sự thiếu hụt đạn dược sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khả năng của Quân Đội Căm Bốt.
Vào ngày 17 Tháng Tư tất cả số đạn dược được dành riêng cho Căm Bốt sẽ được chuyển giao hết. Số dự trữ trong nước của một số loại đạn dược sẽ sớm bị cạn kiệt sau đó và toàn thể số đạn dược sẽ bị sử dụng hết vào ngày 25 Tháng Tư.
Đối diện với áp lực chiến trường liên tục và sự bất trắc về viện trợ của Hoa Kỳ, tinh thần trong quân đội đang tụt dốc.
Bộ chỉ huy cao cấp của quân đội gần như bị tê liệt và hiện chi đưa ra sự hướng dẫn hạn chế cho các đơn vi tại chiến trường.
Một số các viên chi huy đơn vị then chốt tại khu vực Phnom Penh đã biểu lộ sự tin tưởng rằng hồi kết cuộc đang gần kề và sự giao tranh có thể sẽ sớm chấm dứt đối với quân đội một cách hoàn toàn.
………. các binh sĩ quân đội ít nhất tại một “túi đất nội phận” biệt lập đã tiếp xúc với các lực lượng Cộng Sản địa phương để thảo luận khả tính của sự đầu hàng.
Trên mặt trận chính trị, phần lớn người Căm Bốt giờ đây nhận thức rằng sự ra đi của Tổng Thống Lon Nol đã có ít ảnh hưởng trên các viễn ảnh cho các cuộc thương thảo có ý nghĩa với bên kia.
Thủ Tướng Long Boret đã quay trở lại Phnom Penh hôm qua nói rằng không có viễn ảnh về một giả pháp thỏa hiệp hay một cuộc ngưng bắn.
Ông Boret có gặp gỡ con trai ông Sihanouk, Hoàng Tử Yuvaneath, tại Vọng Các. Yuvaneath nhìn nhận rằng ông ta không được phép nói thay cho cha ông nhưng lời tuyên bố của ông rằng Sihanouk sẽ không thương thảo chắc chắn là chính xác.
Chính phủ có thể mau chóng mời Sihanouk trở về và cố gắng ràng buộc lời mời với một sự thỏa thuận rằng các lực lượng Cộng Sản sẽ không tiến vào thành phố hay cản trở trào lượng đồ tiếp tế cứu trợ đổ vào thành phố.
Vào thời điểm này, loại đầu hàng có trật tự kiểu này là điều tốt đẹp nhất có thể hy vọng được.
[Bỏ trống một đoạn dài hơn nửa trang giấy, không rõ có phải vì còn bảo mật hay không, chú của người dịch]
Tổng Thống: Cám ơn ông Bill. Ai có câu hỏi nào khác hay không?
Schlesinger: ………. một cuộc tấn công vào Phnom Penh có thể xảy ra vào ngày Thứ Sáu. Chúng ta không có nhiều thì giờ.
Tổng Thống: Ông Fred [Weyand], liệu bản phúc trình của ông sẽ giúp ích được gì cho chúng ta hay không?
Tướng Weyand: Trong khi soạn thảo bản báo cáo này, tôi đã quay trở lại và tham khảo bản báo cáo mà tôi đã lập trên một chuyến đi mà tôi đã thực hiện hồi Tháng Bẩy, 1973, khoảng hai năm trước đây. Trong bản báo cáo đó, tôi có nói rằng vị thế của Bắc Việt và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã được cải thiện một cách mạnh mẽ kể từ khi có sự khởi sự cuộc ngưng bắn. Họ đã chuyên chở các khối lượng quan trọng đồ tiếp liệu cho các lực lượng của họ.
Phía bên kia, các nhà lãnh đạo của Quân Đội Nam Việt Nam đều nhận biết rằng họ giờ đây tham gia vào một cuộc đấu tranh chính trị. Các công tác dân sự vụ của Tướng [Ngô Quang] Trưởng tại Quân Khu 1 đặc biệt tạo ấn tượng tốt. Cuộc đấu tranh chính trị được tham gia, và Chính Phủ Việt Nam quyết tâm giành thắng nó.
Tôi đã nhận thấy điều đáng chú ý này trong chiều hướng các diễn tiến gần đây. Nam Việt Nam tiếp tục nghĩ rằng đây là một cuộc tranh đấu chính trị và ho đã tổ chức các lực lượng họ theo hiệu ứng này.
Tôi đã nói khi đó rằng các nhà lãnh đạo trên cùng của Nam Việt Nam đã nghĩ rằng vấn đề không phải là liệu Cộng Sản sẽ tấn công hay không mà chỉ là khi nào. Các nhà lãnh đạo đó rất nhậy cảm với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và họ đã trông cậy ở sự can thiệp của không lực Hoa Kỳ trong trường hợp có một cuộc tấn công như thế của Cộng Sản.
Họ vẫn còn giữ thái độ này. Họ rõ ràng còn ấp ủ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ trợ giúp họ. Có nhiều lý do giải thích tại sao họ lại đáp ứng như họ đã làm; đó là một trong các lý do đó.
Tôi nhận thấy tình hình nguy kịch. Rõ ràng cán cân thuận lợi nghiêng về phía bên kia. Hà Nội có nhiều sự lựa chọn; Chính Phủ Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có ít.
Nam Việt Nam đã gánh chịu các tổn thất nặng nề. Tinh thần của họ xuống rất thấp khi chúng tôi đến đó, nhưng đã được cải thiện kể từ đó. Tôi tin rằng quyết định của Tổng Thống về việc gửi một toán sang, bất kể điều gì có thể nói về thành phần của nó, rõ ràng là thích đáng.
Tôi tin tưởng rằng Nam Việt Nam đang ở bên bờ của một sự thất trận quân sự toàn diện. Tôi đã khảo sát một kế hoạch với ý định để đối phó với khu vực mà họ đang kiểm soát. Họ đã nghĩ về điều này trong một vài lúc, khi họ nhìn thấy sự ủng hộ của Mỹ bị thu nhỏ và sẽ tiếp tục giảm bớt trong khi sự ủng hộ của Bắc Việt lại tăng trưởng.
Họ đã thực hiện việc hạn chế vũ khí và đạn dược trong một đôi khi. Họ đã gắng sức tiết kiệm các nguồn tài nguyên của họ. Họ đã cắt giảm sự sử dụng đạn súng trường và lựu đạn một cách rất triệt để.
Họ đã thực hiện các kế hoạch để bổ sung các tài nguyên của họ tại một khu vực gần tương ứng với những gì họ đang kiểm soát, mặc dù họ đã hy vọng giữ lại nhiều hơn vùng bờ biển, đặc biệt đến giới hạn mà họ có một số kỳ vọng trong việc khám phá ra dầu hỏa. Vùng Châu Thổ, dĩ nhiên, là vựa lúa của họ và rất có giá trị. Khu vực còn lại của khu vực, phía nam phòng tuyến hiện giờ chứa đựng cây gỗ và đông dân.
Tôi có nói với [Tổng Thống] Thiệu rằng kế hoạch này thì vũng chắc nhưng một sự phòng thủ theo tuyến đường thẳng thì không thích hợp với loại tình hình mà họ đang đối đầu. Họ phải đi tìm các sư đoàn địch và triệt hạ chúng ở bất kỳ nơi đâu chúng hiện diện, chứ không chỉ giữ vững một phòng tuyến không thể xác định được bởi một số đặc điểm về địa dư. Vấn đề to lớn là liệu giờ đây họ có được thời gian để tổ chức hay không.
Các vấn dề mà họ đang đối diện như sau:
Trước tiên, tái thành lập các đơn vị của họ và lập thêm bốn sư đoàn để phòng vệ chống lại quân đội Bắc Việt đông đảo hơn.
Thứ nhì, nâng số các lực lượng diện địa của họ lên 27 trung đoàn (là điều đúng ra phải làm từ lâu trước đây nếu họ nghĩ được rằng họ sẽ phải đối diện với loại thử thách quân sự này).
Thứ ba, gia tăng các toán biệt động của họ.
Nếu họ có thể làm được tất cả các điều đó, họ sẽ ở vào vị thế rất tốt. Có một giới hạn về những gì Bắc Việt có thể gửi xuống. Miền Nam Việt Nam có thể tập trung, và với sự yểm trợ không quân rất mạnh mà họ có được, họ có thể làm việc hiệu quả trong lần này.
Chúng ta đều đồng ý rằng các viễn ảnh trường kỳ đúng là bất khả đối với họ. Vấn đề là liệu chúng ta có thể cung cấp tiếp tế cho họ kịp thời hay không và liệu địch quân có để cho họ có thì giờ hay không?
Tôi đã cố giữ để mình không quá lạc quan. Tuy nhiên, có các báo cáo từ một số nơi mà tôi đã kiểm chứng rằng Chính Phủ Việt Nam có thể chiến thắng. Họ có thể chiến thắng, ở địa phương, nhưng tôi không tin họ có thể đẩy lui quân Bắc Việt trở lại.
Tôi có nói rằng Nam Việt Nam có thể và sẽ chiến đấu. Tôi có nói điều này góp một phần nhằm để giữ người dân Nam Việt Nam lại với nhau. Nhưng giới lãnh đạo của họ rất hồ nghi. Tôi có nói chuyện với [Tổng Thống] Thiệu. Nếu ông ta làm những gì ông ta nói, sự việc có thể tiến hành rất tốt đẹp. Về ý chí chiến đấu, tôi có nói rằng trong Tháng Ba, 1972, đã có 16 sư đoàn Bắc Việt đổ xuông miền nam. Và chúng đã bị đánh bại, mặc dù với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Tướng Vogt và tôi đã kết luận rằng họ đã có ý chí để chiến đấu. Nhưng họ đã có sự ủng hộ của chúng ta.
Trong năm qua, họ có 600 người bị giết mỗi tuần và nhiều người bị thương. Vì thế tôi nghĩ họ có ý chí để chiến đấu. Tôi không nghĩ người ta nên nhìn cơn hoảng loạn này như một dấu hiệu rằng họ không có một ý chí như thế. Tôi đã nhìn thấy sự hoảng sợ như thế tại Triều Tiên trong năm 1950 cũng như tại Miến Điện. Đó không phải là điều thích thú, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Các sư đoàn 18 và 25 [của VNCH] đang chiến đấu tốt. Vấn đề là ý chí của dân chúng để kháng cự hay chấp nhận một hình thức chính phủ mà họ xem là thù hận.
Vấn đề khác là sự ủng hộ của nhân dân Mỹ. Tôi giả định rằng họ sẽ ủng hộ sự trợ giúp hơn nữa, bởi đã dính líu quá lâu vào cuộc chiến này. Đó là phương hướng mà tôi đã thảo luận trong bản báo cáo của tôi. Tôi có tìm thấy sự ủng hộ cho quyết tâm của chúng ta là không để cho vũ lực chế ngự trên ý chí của người dân.
Toi có trông thấy hồi gần đây một số cuộc nói chuyện về các cam kết bí mật. Trong một cuộc thăm viếng năm qua tại Việt Nam, Căm Bốt và Thái Lan, tôi đã nói về sự ủng hộ liên tục của Mỹ. Điều rõ ràng rằng họ đều kỳ vọng ở sự ủng hộ của Mỹ, mặc dù ông Thiệu có lo ngại về các sự đe dọa tại Quốc Hội. Ông Thiệu rõ ràng tin rằng ông [Tổng Thống Ford] đã làm tất cả những gì mà Tổng Thống đã có thể làm được. Ông ta am hiểu về Quốc Hội.
Một điều mà tôi vương vấn trong đầu của mình khi tôi viết các đề nghị của tôi rằng chúng ta nợ điều đó [sự ủng hộ] đối với họ hay ít nhất chúng ta không nên cự tuyệt họ sự ủng hộ nếu họ cân đên nó. Nếu tôi không tin tưởng ở điều đó, tôi sẽ không có mặt ở đây. Tôi đoán, tất cả quý vị khác cũng không khác gì tôi.
Vấn đề là liệu người dân Mỹ sẽ chấp nhận gánh nặng hay không. Như tôi theo dõi chương trình cô nhi và cuộc di cư người tỵ nạn, tôi đã kết luận rằng người dân Mỹ nhất thiết muốn trợ giúp người dân Nam Việt Nam. Liệu tình cảm này có chuyển dịch sang sự trợ giúp quân sự hay không thật khó nói, nhưng tôi tin tưởng điều đó có thực.
Cái giá mà tôi nghĩ đến cần 722 triệu để xây dựng thêm bốn sư đoàn và nâng cấp các đơn vị khác. Ngạch số này bao gồm số 300 triêu hiện được kể là phần quân viện bổ túc.
Tôi cũng có các đề nghị về sự trợ giúp tỵ nạn và về chính sách di tản. Tổng Thống đã hay biết về các điểm này.
Tổng Thống: Cám ơn ông Fred. Tôi đã đọc báo cáo của ông và tôi đã có nói chuyện với ông về bản báo cáo tại California. Tôi lấy làm thán phục về sự phân tích sự kiện thực tế vững chắc của nó.
Henry, liệu tôi có các giải pháp lựa chọn nào như ông nhận định về chúng?
Bộ Trưởng Kissinger: Nếu tôi có thể đội chiếc mũ với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao trong một chốc lát, tôi muốn đặt vấn đề về sự ước tính của ông Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương liên quan đến tác động vào vị thế toàn cầu của chúng ta từ một sự sụp đổ tại Việt Nam. Phán đóan của ông [Giám Đốc] rằng phản ứng của thế giới sẽ không đáng kể, dựa trên sự kiện rằng mọi người đều đã dự liệu những gì sẽ xảy ra.
Tôi xin nói rằng, bất kể các sự ước vọng trường kỳ của họ ra sao, không nước nào lại đã chờ đợi một sự sụp đổ mau lẹ đến như thế. Tôi tin rằng phản ứng của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ còn không nhìn thấy có một nỗ lực nào được thực hiện.
Chúng tôi có các báo cáo rằng Nhật Bản, Nam Dương, và các nước Á Châu khác đang theo dõi chặt chẽ, và họ đang tạo lập các sự phán đoán. Họ không có lợi gì để nói ra điều này một cách công khai.
Đặc biệt tại Á Châu, sự sụp đổ mau lẹ này và phản ứng bất lực của chúng ta sẽ không phải là không được để ý tới. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhìn thấy các hậu quả mặc dù chúng có thể không diễn ra một cách mau lẹ hay trong bất kỳ cung cách nào có thể dự liệu được.
Vì thế tôi không thể nào chia sẻ được sự phán đóan được phát biểu bởi ông Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương. Tôi tin tưởng rằng, ngay cả ở Tây Âu, sự kiện này cũng sẽ có một hiệu ứng.
Tôi xin đưa ra các giải pháp lựa chọn.
Về viện trợ quân sự, giải pháp đầu tiên sẽ là không yêu cầu viện trợ quân sự mà chỉ đi theo sau thái độ chiếm ưu thế tại Quốc Hội và không làm gì cả. Tổng Thống có thể nói rằng các vị tiền nhiệm của Tổng Thống đã đổ vào 150 tỷ mỹ kim và rằng nó không có hiệu quả và rằng không một ngạch số khả dĩ tiên đoán được sẽ tạo ra hiệu quả. Tổng Thống có thể nói rằng Tổng Thống đang tập trung vào khía cạnh kinh tế và nhân đạo. Tổng Thống sẽ có lợi điểm rằng Tổng Thống có thể là vị Tổng Thống đầu tiên kể từ năm 1947 sẽ không dính líu gì đến Việt Nam.
Tổng Thống: Không dính líu có lẽ với tư cách Tổng Thống, nhưng như một thành viên của Quốc Hôi, tôi có liên can.
Bộ Ttrưởng Kissinger: Khía cạnh tiêu cực của một giải pháp như thế là nó sẽ gây ra một sự sụp đổ tức thì tại Sàigòn và rằng sự sụp độ đó sẽ bị tạo ra bởi Hoa Kỳ.
Nó sẽ mang lại cho Sàigòn cơ hội nhỏ bé nhất để thương thảo. Nó sẽ gây nguy hiểm cho 6,000 người Mỹ và sẽ khiến không thể di tản bất kỳ người Việt Nam nào. Các hàm ý quốc tế sẽ bao gồm những điều mà tôi đã mô tả đó. Nhưng nó sẽ chỉ khơi dậy ít sự chống đối nhất trong đất nước này.
Giữa điều đó và con số 722 triệu mà [Tướng] Fred đã nêu ra, Tổng Thống có thể chọn lấy bất kỳ con số riêng nào của Tổng Thống.
Tổng Thống có thể yêu cầu 300 ttriệu nói rằng đây là tất cả những gì có thể cung ứng tức thời. Tổng Thống có thể nói rằng Tổng Thống hoặc sẽ cố gắng để yêu cầu thêm một ngạch số nữa sau này, hay Tổng Thống có thể nói Tổng Thống sẽ cố gắng một cách đặc điệt để xin thêm 422 triệu sau này.
Tổng Thống: Đây là cách dễ nhất để xin được, nhưng như [Tướng] Fred đã nói với tôi tại California, nó không thể biện minh được cho các lực lượng bổ túc.
Bộ Trưởng Kissinger: Đúng như thế. Số 300 triệu được trù định để nâng số tiếp liệu dự trữ lên mức độ 60 ngày.
Schlesinger: Tổng Thống cần biết rằng ông Mahan đang tình nâng cao số 300 triệu vào ngày mai. Tôi có bảo ông ấy rằng ông có thể muốn chơ đợi cho đến sau khi có bài diễn văn. Tổng Thống có thể muốn gửi cho ông ta một tín hiệu.
Bộ Trưởng Kissinger: Vấn đề với 300 triệu rằng nó sẽ khó để biện hộ. Điều quan trọng là để gạt cuộc tranh luận ra phía sau chúng ta và không để kéo dài hàng nhiều tháng. Như thế một trường hợp có thể xảy ra là Tổng Thống hoặc là chọn việc ngừng lại không làm gì cả hay Tổng Thống làm theo khuyến cáo của [Tướng] Fred, bởi 300 triệu thì không đủ.
Nếu Tổng Thống yêu cầu 300 triệu và nhiều hơn nữa sau này, Tổng Thống chỉ đơn giản mang lại nhiều tháng cho cuộc tranh luận về Việt Nam. Nhưng Tổng Thống có thể làm theo cách đó. Có thể là Nam Việt Nam sẽ sụp đổ, và khi đó Tổng Thống có thể không cần yêu cầu thêm 422 triệu nữa. Dĩ nhiên, điều cũng có thể xảy ra là nếu Tổng Thống yêu cầu 722 triệu, sẽ vẫn có sự sụp đổ.
Các lợi điểm của việc yêu cầu 722 triệu là: Trước tiên, có thể biện giải được về mặt quân sự; thứ nhì, nó sẽ tăng cường tư thế của Nam Việt Nam cho các cuộc thương thảo tất yếu – như [Tướng] Fred nói, Nam Việt Nam khi đó có thể thương thảo với Bắc Việt Nam; và thứ ba, nó sẽ đặt chúng ta vào vị thế tốt đẹp nhất để thương thảo về sự rút lui của chúng ta, với Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam, hay cả hai.
Vì thế, tôi nhìn thấy ba giải pháp lựa chọn khả dĩ:
— Thứ nhất, không yêu cầu gì cả hay gần như không xin gì cả.
— Thứ nhì, yêu cầu 300 triệu và cho thấy rằng có thể sẽ còn yêu cầu thêm nữa sau này;
— Thứ ba, yêu cầu trọn vẹn ngạch số.
Kế đến, chúng ta sẽ phải thảo luận về các giải pháp lựa chọn liên quan đến viện trợ kinh tế.
Tổng Thống: Nếu chúng ta yêu cầu 722 triệu, liệu chúng ta có thể nói rằng đây là toàn thể những gì chúng ta yêu cầu hay không?
Weyand: Chúng tôi nghĩ rằng ngạch số cho năm 1976 mà chúng ta đã yêu cầu là 1.3 tỷ, sẽ đủ để chúng ta vượt qua kể từ đó.
Tổng Thống: Như thế, nếu 722 triệu được chuẩn cấp, và nếu nó hữu hiệu, chúng ta sẽ ước định rằng khoảng 1.3 tỷ nừa sẽ hoàn tất công việc.
Bộ Trưởng Kissinger: Như tôi hiểu, 722 triệu sẽ được tiếp nối bởi 1.3 tỷ để có được một cơ may thành công.
Cũng có vấn đề về viện trợ kinh tế. Nó cũng liên hệ đến giải pháp lựa chọn về quân viện. Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ (AID) muốn giữ trong giới hạn của sự chấp thuận nguyên thủy của nó, do đó họ không muốn yêu cầu nhiều hơn 167 triệu. Đây là sự lượng định của chúng tôi về những gì mà chúng tôi cần đến trước khi có cuộc tấn công, nhưng nó sẽ có vẻ không cân xứng khi so sánh với sự gia tăng lớn lao trong lời yêu cầu của chúng ta về quân viện.
Tổng Thống: Con số này có bao gồm khoảng viện trợ kinh tế và nhân đạo hay không?
Bộ Trưởng Kissinger: Thưa có.
Tòa Đại Sứ của chúng tôi có yêu cầu 450 triệu gồm nhiều tiền cho phát triển kinh tế, có thể chỉ có rất ít ý nghĩa ngay vào lúc này.
Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng bất kỳ con số nào nằm giữa 170 triệu và 450 triệu có thể hợp lý. Chúng tôi có thể nói rằng bất kỳ con số nào vào khoảng 250 triệu hay gần đó sẽ hợp lý, nhưng hiện không có căn bản chắc chắn cho bất kỳ con số nào trong các ngạch số này.
Có một căn bản chắc chắn cho con số của Tòa Đại Sứ, nhưng chúng tôi không thể biện giải nó được tại trên Đồi [Quốc Hội] trong các tình huống hiện tại.
Bởi vì chúng ta đang nói về sự trợ giúp khẩn cấp, nó sẽ phải nhiều hơn trong quá khứ. Chắc chắn, bất kỳ con số nào nằm giữa 170 triệu và 300 triệu có thể được đưa ra để sử dụng.
Chúng ta cũng cần xác định lập trường của chúng ta về một nghị quyết của Quốc Hội rằng một số trong khoản viện trợ của chúng ta sẽ phải dành cho việc yểm trợ người dân đang sinh sống tại các khu vực thuộc Cộng Sản.
Chúng ta có nhiều giải pháp chọn lựa: Chúng ta có thể chống đối, chúng ta có thể giữ trung lập, hay chúng ta có thể nghiêng theo một nghị quyết như thế.
Vấn đề quan trọng rằng chúng ta sẽ ủng hộ hậu phương của một xứ sở đang tấn công vào một đồng minh. Một trường hợp có thể đưa ra để tranh luận rằng họ có Sô Viết và Trung Hoa trợ giúp họ.
Với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao, tôi nghĩ loại ý tưởng này đưa ra một hình ảnh nước Mỹ ngốc nghếch bị đái vào mặt và cùng lúc lại đi trợ giúp các kẻ đang tấn công mình.
Schlesinger: Với tư cách Cố vấn An Ninh Quốc Gia, ông có ý kiến gì?
Bộ Trưởng Kissinger: Với tư cách Cố vấn An Ninh Quốc Gia, tôi sẽ phải vô tư, nhưng đó là một việc khó khăn. Tôi sẽ đánh liều với đề nghị rằng chúng ta sẽ phải chống đối một nghị quyết như thế.
Tổng Thống: Tôi nhận được tin rằng Thượng Nghị Sĩ [Edward] Kennedy có khuynh hướng biện hộ cho điều đó, muốn rằng việc quản trị các ngân khoản [cứu trợ tỵ nạn] xuyên qua Liên Hiệp Quốc.
Bộ Trưởng Kissinger: Điều đó mang lại cùng các sự việc: nó cứu giúp cho các tài nguyên và nhân lực của Cộng Sản. Nếu Liên Hiệp Quốc muốn làm điều đó mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ, đó là việc của họ. Nhưng để Hoa Kỳ làm điều này, trong khi chiến tranh đang tiếp diễn, sẽ khó để giải thích cho nhân dân Hoa Kỳ và cho các nước ngoài.
Tổng Thống: Tất cả dân tỵ nạn đều chạy về khu vực Nam Việt Nam, hay họ hãy còn trong các khu vực bị kiểm soát bởi quân bắc Việt?
Colby: Một số đã chạy về khu vực Nam Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn ở tại khu vực của Bắc Việt.
Weyand: Chúng ta đang nói về một con số dân tỵ nạn vào khoảng 400,000 người tại các khu vực nằm dứoi sự kiểm soát của Nam Việt Nam, khác với con số 1 triệu người trước đây.
President: Chúng ta có còn chiếm giữ Cam Ranh hay không?
Colby: Thưa không.
Bộ Trưởng Kissinger: Thật là một bi kịch kinh khiếp. Không ai có thể phủ nhận sự vô khả năng (ineptitude) của phe Nam Việt Nam [Kissinger dùng chữ South Vietnamese ở đây, có thể hiểu nhiều nghĩa như phe Nam Việt Nam, chính quyền Nam Việt Nam, quân, dân Nam Việt Nam, chú của người dịch]. Nhưng để Hoa Kỳ gửi đồ cứu trợ đến các khu vực Cộng sản và để trợ giúp họ dành tài nguyên của họ cho chiến tranh xem ra là điều rất đáng tra hỏi.
Tổng Thống: Trong thực tế, chúng ta sẽ tài trợ cho cả hai phe [?].
[Một khoảng trống hơn nửa trang, nhưng cũng không thấy ghi chú hay đánh dấu là còn được “bảo mật”, chú của người dịch]
Kissinger: Tổng Thống có ba sự chọn lựa. Tổng Thống có thể chống đối đề nghị cung cấp viện trợ cho người tỵ nạn tại các khu vực Cộng sản, hay Tổng Thống có thể chuyển cho Quốc Hội các sự kiện và để họ quyết định, hay Tổng Thống có thể ủng hộ nó. Nó không phải là một sự tranh luận gây hổ thẹn.
Liên quan đến sự di tản người Mỹ và người Việt, có ba sự kiện ảnh hưởng đến một quyết định. Trước tiên, số người có thể cần được di tản; thứ nhì, các điều kiện chính trị theo đó họ có thể cần được di tản; thứ ba, vấn đề làm sao tổ chức một nỗ lực như thế.
Tôi có một danh sách các người có tiềm năng để đuợc di tản. Tổng số tối đa của những người gồm trong danh sách này là 1,700,000 người. Họ thuộc vào tám loại khác nhau như sau:
1. Các công dân Mỹ và thân nhân của họ.
2. Ngoại giao đoàn;
3. Cơ Quan Kiểm Soát Ngưng Bắn Quốc Tế (ICCS);
4. Người dân nước thứ ba có hợp đồng với chúng ta;
5. Các nhân viên của Hoa Kỳ và các thân thuộc của họ. Loại kể sau này được ước lượng vào khoảng 164,000 người.
Tổng số bao gồm trong năm loại này khoảng gần 200,000 người.
Tổng Thống: Trong đó, theo tôi hiểu, có 6,000 người dân Mỹ.
Kissinger: Có khoảng 5,400 người và 500 thân nhân.
Kế đó chúng ta có các loại khác.
6. Thân nhân gốc Việt Nam của các công dân Hoa Kỳ.
7. Các viên chức cao cấp của Chính Phủ Việt Nam và quân đội cùng thân nhân của họ.
Tổng số của loại này được cho là vào khoảng 600,000 người, có vẻ là cao.
8. Các cựu nhân viên gốc Việt Nam của ngành tình báo Hoa Kỳ và các cơ quan khác cùng các thân nhân của họ.
Một vấn đề là, ngay dù Tổng Thống chấp nhận mức độ 200,000 người trên danh sách, [Đại Sứ] Graham Martin từ chối không thi hành lệnh di tản họ.
Clements: Tại sao ông không cách chức ông ta?
Kissinger: Vấn đề quan trọng của [Đại Sứ] Graham Martin là ông ta không muốn tạo ra sự hoảng loạn bằng việc khởi sự bất kỳ tiến trình di tản nào.
Schlesinger: Tình hình sẽ xấu hơn.
Kissinger: Một khi chúng ta có một quyết định của Tổng Thống, tôi sẽ xem xét nó để [Đại Sứ] Graham Martin phải thi hành. Nhưng chúng ta chưa có một quyết định dứt khoát.
Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào những gì mà Tổng Thống đề nghị về viện trợ cho Nam Việt Nam. Nếu Tổng Thống không đề nghị gì cả, khi đó sự hoảng loạn có thể tạo ra một vấn đề tức thời. Nếu Tổng Thống đề nghị yểm trợ và yêu cầu ngân khoản, chúng ta khi đó có thể nói với ông Thiệu rằng chúng ta sẽ phải rút một số người Mỹ ra đi và điều đó sẽ không tạo ra cùng một hậu quả.
Đối với người Việt Nam, có một số vấn đề. Một vấn đề là họ ở rải rác khắp nơi. Chúng ta phải gom họ lại để đưa lên máy bay. Nếu chúng ta đưa ra lệnh di tản, rất nhiều phần không thể thực hiện được điều đó.
Schlesinger: Chúng ta phải có được sự hợp tác và đồng ý của người Việt Nam.
Kissinger: Đây là điểm kế tiếp: Chúng ta phải quyết định phương cách tổ chức một nỗ lực như thế ra sao. Điều này sẽ đòi hỏi sự tham khảo tức thời với ông Thiệu, một khi chúng ta quyết định, hay với bất kỳ chính phủ kế nhiệm nào có thể có. Nhưng, bất kể ai là kẻ nắm quyền tại Sàigòn, chúng ta sẽ cần việc phối hợp. Bài diễn văn của Tổng Thống sẽ có một số tác động trên vấn đề này.
Chúng tôi đã xem xét, cùng với Bộ Quốc Phòng, mọi tích sản khả dĩ cung ứng. Điều rõ ràng là, với con số liên can, đây không thể nào là một chiến dịch một ngày như chiến dịch Eagle Pull [Kéo Giựt Chim Ưng] tại Căm Bốt.
Bằng máy bay thương mại, chúng ta có thể chở ra ngoài 600 người mỗi ngày. Bằng máy bay quân sự, chúng ta có thể chở ra ngoài 15,000 người mỗi ngày. Bằng tàu thủy, chúng ta có thể chở ra ngoài khoảng từ 26,000 đến 125,000 người mỗi ngày. Dĩ nhiên, các tàu thủy có một chu kỳ tuần hoàn từ bốn đến năm ngày. Như thế Tổng Thống sẽ có một cuộc di tản kéo dài trong một tuần nếu Tổng Thống ấn định con số là 240,000 người.
Schlesinger: Sự việc cũng còn tùy thuộc vào sự hợp tác của Bắc Việt. Họ có các vũ khí phòng không. Nếu các vũ khí này được mang đến gần Tân Sơn Nhứt, họ có thể làm cho việc di tản trở nên hết sức khó khăn.
Kissinger: Do đó vấn đề tùy thuộc trước tiên vào quyết định của Tổng Thống, thứ nhì vào việc xác định các người được di tản, thứ ba vào sự hợp tác của Chính Phủ Việt Nam, và thứ tư, vào sự hợp tác của Bắc Việt. Tôi phải bổ túc rằng đây là một lãnh vực mà tôi tin tưởng Liên Bang Sô Viết và Trung Hoa có thể trợ giúp.
Trong quyết định của Tổng Thống, Tổng Thống sẽ phải giải quyết vấn đề di tản, về những gì để nói với Chính Phủ Việt Nam, những gì Tổng Thống muốn Bộ Quốc Phòng thực hiện, và những nỗ lực ngoại giao mà Tổng Thống muốn Bộ Ngoại Giao thi hành đối với các nước này và các nước khác. Tôi đồng ý với ông Bộ Trưởng Quốc Phòng rằng đó sẽ là một việc đầy khó khăn.
Tổng Thống: Để thực hiện một đề nghị di tản dành cho người của chính chúng ta và cho 200,000 người khác, nếu chúng ta cần dùng đến các lực lương quân sự, việc đó sẽ không buộc phải vi phạm vào luật pháp hay sự thỏa thuận của Quốc Hội chứ[?].
Kissinger: Quan điểm cá nhân của tôi rằng Tổng Thống sẽ phải yêu cầu Quốc Hội cho phép mang các lực lượng tham dự chiến dịch. Nó không giống như Căm Bốt. Nó sẽ kéo dài hơn. Ngay dù chúng ta có sự ưng thuận của Chính Phủ Việt Nam, chúng ta sẽ phải chiến đấu với người Việt Nam. Nếu đó là quyết định của Tổng Thống, điều này sẽ cần đến các lực lượng quân sự Hoa Kỳ.
Trước tiên, chúng ta phải quyết định những gì chúng ta tiến hành. Khi đó chúng ta có thể nói chuyện với ông Thiệu. Kế đó chúng ta có thể ra lệnh Tòa Đại Sứ rút dần dần số nhân viên ra ngoài, di tản các người đã từng được chỉ định công tác tại Quân Khu I và Quân Khu II cũng như thân nhân của họ.
Tổng Thống: Ông Jim, ông có bất kỳ nhận định nào về vấn đề này không?
Schlesinger: Tổng Thống có quyền hạn cố hữu để bảo vệ người dân Mỹ. Tôi nghĩ Ủy Ban Ngoại Giao đang lo lắng để hợp tác và sẽ không chống đối sự sử dụng các lực lượng quân sự của chúng ta. Các ông Moose và Meissner, các nhân viên đang ở bên đó, có đánh điện gửi về các ý kiến thuận lợi trên vấn đề này.
Kissinger: Vấn đề không nằm dưới Đạo Luật Các Thẩm Quyền Chiến Tranh (War Powers Act) như tôi nhận định. Nó nằm dưới pháp chế Các Hạn Chế ở Đông Dương (Indochina Restrictions), nơi mà vấn đề trở nên khó khăn hơn. Ở các phương diện khác, rõ ràng sẽ dễ dàng sử dụng các lực lượng quân sự Hoa Kỳ cho mục đích này.
Tổng Thống: Trong các pháp chế này, cái nào được chấp thuận sau cùng?
Kissinger: Chúng tôi đã có lúc duyệt xét pháp chế này và xác định rằng pháp chế Các Thẩm Quyền Chiến Tranh thay thế cho đạo luật kia. Nhưng Chính Quyền của vị tiền nhiệm của Tổng Thống có lập trường váo lúc đó rằng nó sẽ không tuyên xác sự kiện này.
Tuy nhiên, bất kể loại vấn đề này thế nào, câu hỏi là liệu nó có có thể được chấp nhận về mặt chính trị cho chúng ta để thực hiện điều này hay không. Tôi thắc mắc là liệu chúng ta có nên dựa vào [báo cáo của các ông] Moose hay Meissner hay không.
Tổng Thống: Thật đáng mừng để nghe người ta nói điều này, như họ đã làm trong chuyện ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, có nghĩa tự căn bản rằng chúng ta có thể tiến hành công việc. Tuy thế, dĩ nhiên, nếu công việc không trôi chảy, chúng ta là các kẻ sẽ lãnh chịu sự khó khăn.
Schlesinger: Về Thổ Nhĩ Kỳ, Văn Phòng Tổng Kiểm Toán (General [?Government] Accounting Office) nói mọi việc đều êm xuôi.
Tổng Thống: Nếu Quốc Hội muốn chúng ta làm việc đó, hãy để họ thông qua một Thông Điệp về Nghị Quyết Quốc Hội.
Kissinger: Vấn đề khác là tại Việt Nam, không chỉ có việc di tản các công dân Mỹ mà còn cả việc di tản người Việt Nam.
Clements: Nếu chúng ta ra trình bày với Quốc Hội, chúng ta nên có một dự án toàn bộ và hãy xúc tiến việc đó.
Tổng Thống: Tôi nghĩ chúng ta nên yêu cầu một sự thay đổi trong luật lệ để chúng ta có thể sử dụnng các tài nguyên nào đó mà chúng ta cần đến cho cuộc di tản. Một vài người nào đó phải soạn thảo yêu cầu sao cho chúng ta có thể gửi nó đi vào Thứ Sáu. Chúng ta không nên chỉ giới hạn vào một sư đoàn, hay vào một loại đơn vị khác, hay chỉ vào nhân viên của chúng ta.
Nếu chúng ta có một thảm họa, Quốc Hội sẽ né tránh trách nhiệm. Chúng ta nên có một vài sự lên tiếng nào đó. Tôi phát bệnh và mệt mỏi về lời yêu cầu của họ rằng chúng ta hãy phớt lờ luật lệ hay chấp hành nó, tùy thuộc vào sự kiên là điều đó có lợi cho họ hay không.
Brown: Khi pháp chế này được nêu lên, Đô Đốc Moorer đã nói cụ thể về vấn đề này. Ông ta được bảo rằng Hoa kỳ dĩ nhiên có thẩm quyền để bảo vệ người dân Mỹ.
Tổng Thống: Hãy thu thập sự chứng nhận đó.
Có bất kỳ vị nào muốn bình luận về các vấn đề tổng quát hay không?
Schlesinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta có một số khó khăn. Khó khăn thứ nhất là bản thân Việt Nam. Chúng ta phải thừa nhận rằng nó đang bị mất đi. Sự việc đang diễn biến và nó sẽ mau chóng tùy thuộc vào Bắc Việt. Với bất kỳ viện trợ nào chúng ta trao cho họ, chúng ta đang mua thời gian, một phần là để mang người dân Mỹ ra ngoài.
Chúng ta phải cố hình dung sự việc sẽ như thế nào trong 90 ngày tới. Điều đáng mong ước là né tránh được sự phân hóa trong dân chúng và một cuộc tranh luận với Quốc Hội. Chúng ta phải tuyên bố một cách rõ ràng trong các phòng họp đóng kin rằng hy vọng thì mong manh, và rằng chúng ta đang tiến bước trên một chiến lược từ 60 ngày đến 6 tháng. Chúng ta phải nói rằng chúng ta đang làm điều này để cứu vớt người dân Mỹ và để bảo vệ người Việt Nam.
Tôi nghĩ trong bài diễn văn của Tổng Thống, Tổng Thống cần đưa ra lời yêu cầu 300 triệu và nói rằng chúng ta sẽ yêu cầu thêm nữa sau này. Chúng ta sẽ dùng thời gian để cứu người dân Mỹ ra ngoài. [Tướng] Fred nói chúng ta chỉ có một cơ may và rằng điều đó tùy thuộc vào Bắc Việt Nam. Cho đến giờ, Nam Việt Nam không có khả năng dù chỉ để tái tập trung các quân nhân ngổ ngáo của sư đoàn Hai. Chúng ta có thể bị đối diện với một tình trạng sẽ chỉ kéo dài trong 30 ngày.
Điều quan trọng đối với Tổng Thống là nhằm thiết lập sự lãnh đạo và đưa ra một lời kêu gọi đối với quần chúng. Tổng Thống có thể nói theo các ngôn từ về máu, mồ hôi và nước mắt của [cố Thủ Tướng Anh] Churchill. Tổng Thống có thể nói rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất kể từ 1939. Tôi sẽ điểm danh nước Bồ Đào Nha (Portugal) và nói rằng chúng ta nhấn mạnh đến một cuộc bàu cử tự do. Chúng ta sẽ nói với các nước Âu Châu rằng chúng ta kỳ vọng họ làm việc nhiều hơn cho sự phòng thủ của chính họ. Cũng thế, chúng ta sẽ phải nói về Thổ Nhĩ Kỳ và về những gì cân phải được làm ở đó.
Tôi nghĩ rằng nếu Tổng Thống đưa ra một bài diễn văn tranh đấu, Tổng Thống sẽ có một tác động tốt trên Quốc Hội. Tôi nghĩ có hai loại người trên Đồi [Quốc Hội]: Những kẻ muốn rút ra khỏi Việt Nam và những kẻ đúng là đang chờ đợi một thông điệp gây hứng khởi.
Chúng ta hãy đừng nói gì về chính sách hòa hoãn (détente) hay các thành quả trong quá khứ. Tôi quan ngại cho đất nước và cho Tổng Thống. Chung ta cần thách thức Liên Bang Sô Viết. Chúng ta phải nói rằng sự hòa hoãn không phù hợp với các hoạt động cách mạng tại Portugal và với những gì họ đang thực hiện tại Đông Nam Á. Chúng ta muốn bảo tồn sự hòa hoãn nhưng nó không thể là con đường một chiều. Bài diễn văn cũng phải có một giọng điệu cảnh cáo đối với Trung Hoa, nước đã ủng hộ Bắc Việt và Cộng Sản Căm Bốt. Chúng ta cần một diễn văn kiểu Churchill nhằm thiết định một sự lãnh đạo chiến đấu, ngay dù chúng ta phải triển hoãn nó lại ít ngày nữa. Khi bài diễn văn được trù định ở lúc nguyên thủy, chúng ta nghĩ rằng tình hình có thể dễ lèo lái hơn, nhưng tình hình đã thay đổi đến mức chúng ta cần loại diễn văn này. Bởi đối với Việt Nam, tình trạng giờ đây là vô vọng.
Clements: Tôi xin tán đồng những gì ông Jim đã nói. Tôi nghĩ thời điểm đã đến lúc cần thẳng thắn. Dân chúng muốn Tổng Thống trườn mặt ra đàng trước và mang lại cho chúng ta sự lãnh đạo.
Người dân Mỹ không ưa thích những gì đã từng xảy ra. Chúng ta phải nói rằng chuyện Việt Nam thì tệ hại và đã là như thế trong mười hai năm qua. Người dân Mỹ bị phân hóa. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về phía trước và đừng bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận chua cay về quá khứ.
Chúng ta không nên bị lôi cuốn vào các sự buộc tội lẫn nhau. Chúng ta phải tiến về phía trước. Tổng Thống có thể nói rằng Tổng Thống là người sẽ dẫn dắt họ tiến về phía trước. Chúng ta không nên hứa hẹn bất kỳ điều gì mà chúng ta không thể làm được. Trong sự phán đoán của tôi, hiện có rất ít điều chúng ta có thể làm được. Mọi giải pháp lựa chọn đều xâu. Cần phải có một vị lãnh đạo mạnh có khả năng giảm bớt các sự tổn thất của Tổng Thống. Nhưng có nhiều điều quan trọng nằm phía trước. Tôi đồng ý với khía cạnh nhân đạo. Nhưng chúng ta không nên thò mặt ra trước để đưa ra một sự đe dọa suông hay một số sự phỉnh gạt mà chúng ta không thể ủng hộ.
Colby: Nếu tôi có thể lợi dụng tiền lệ được đặt ra bởi ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, và nếu tôi có thể phát biểu quan điểm của mình về chính sách, điều sẽ xảy ra là Tổng Thống cần phải đặt sự nhấn mạnh của Tổng Thống vào người dân Việt Nam.
Trong năm 1954, 900,000 người dân Việt Nam đã di cư xuông Miền Nam Việt Nam từ Bắc Việt. Sẽ là điều quan trọng để nói về sự lụa chọn tự do của người dân Việt Nam. Chúng ta phải yêu cầu Quốc Hội cam kết ngân khoản nhằm thực hiện lời hứa hẹn hãy để người dân Việt, có lẽ từ một đến hai triệu người, được ra di, và để cung cấp sự ủng hộ ngoại giao. Cũng vậy, các lực lượng quân sự cũng có thể ra đi. Điều này sẽ mang lại cho các lực lượng đó một phần thưởng gì đó mà họ đã chiến đấu cho nó [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
Người dân Mỹ có thể đáp ứng với các cảm nhận của họ. Chúng ta sẽ chấp nhận sự kiện rằng Việt Nam đang là một sự thất bại, nhưng hãy tiếp tục với sự quan tâm của chúng ta đối với người dân.
Brown: Tôi muốn ủng hộ những gì mà ông Jim đã nói. Tôi mới có một chuyến di sang Nam Dương, Singapore, Pakistan và các các nước khác. Tại Pakistan, tôi bị chặn hỏi rằng liệu chúng ta có để Việt Nam sụp đổ hay không. Tôi đã trưng ra tài liệu dẫn chứng.
Có một sự quan tâm lớn lao. Dân chúng thắc mắc là liệu chúng ta sẽ quay lưng lại với Á Châu hay không. Câu hỏi chính là những gì chúng ta sẽ làm đối với Á Châu. Tôi nghĩ 722 triệu , ngay dù với các mục tiêu của [Tướng] Fred Weyand [nêu ra], sẽ là điều lãng phí. Chúng ta không còn hy vọng gì. Có lẽ 300 triệu sẽ giúp duy trì một số nỗ lực nhân danh người Việt Nam và sẽ phát ngôn rằng chúng ta đang không quay lưng lại với Á Châu.
Ngạch số lớn cũng sẽ có một tác động trên sự trang bị cho các đơn vị của chính chúng ta. Chúng ta sẽ phải gửi vật liệu mà các lực lượng của chính chúng ta phải dùng đến.
Clements: Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta không thể chuyển vật liệu đến đó đúng thời cơ.
Tổng Thống: Ông Bob, ông có muốn bổ túc bất kỳ điều gì nữa hay không?
Ingersoll: Nếu Tổng Thống nói ra những gì mà ông Jim đề nghị, Tổng Thống sẽ có các sự hỗn loạn tại Sàigòn.
Schlesinger: Tổng Thống sẽ không nói nó một cách công khai. Tổng Thống sẽ phát biểu điều đó một cách riêng tư với các lãnh tụ Quốc Hội.
Kissinger: Điều đó chắc chắn sẽ bị tiết lộ.
Tổng Thống: Tôi sẽ không nói với các lãnh tụ Quốc Hội những điều thuộc loại đó. Tôi sẽ nói cho họ quyết định của tôi. Chúng ta có ngành hành pháp và ngành lập pháp. Tôi vẫn nghĩ chúng ta phải lấy quyết định riêng của chúng ta, trong khuôn khổ ngành hành pháp. Chúng ta tham khảo các quan điểm của họ, nhưng tôi phải lấy quyết định. Tôi có khuynh hướng đưa ra một bài diễn văn mạnh mẽ. Nó sẽ được nhìn như một bài diễn văn mạnh mẽ.
Tôi tin tưởng bài diễn văn của tôi phải có tính nhất quán. Tôi không thể đưa ra một bài diễn văn mạnh mẽ trên một số khu vực nào đó của thế giới, và sau đó, như tôi nhìn vào đó, để yêu cầu 300 triệu. Không sự ước lượng quân sự nào có thể biện minh cho nó. Nếu chúng ta sẽ đi đến chỗ thẳng thừng và nói rằng chúng ta sẽ không làm gì nữa, đó là một việc, nhưng chúng ta phải dùng các con số có thể biện giải được. Có thể Quốc Hội sẽ không cấp khoản đó cho chúng ta, nhưng ít nhất, trên hồ sơ, chúng ta phải nói những gì khoản đó sẽ thực hiện.
Marsh: Dân Biểu Don Fraser vừa mới đưa ra một bài diễn văn kêu gọi viện trợ cho Việt Nam.
Tổng Thống: Tôi sẽ yêu cầu 722 triệu bởi vì chúng ta có thể biện minh được con số đó. Ít nhất hồ sơ sẽ minh bạch. Tôi sẽ yêu cầu rằng khoản đó cần được chuẩn cấp bởi một nhật kỳ xác định, có lẽ 1 Tháng Năm, mặc dù chúng ta vẫn còn phải quyết định về thời điểm đó.
Tôi sẽ yêu cầu khoản viện trợ nhân đạo nhưng không phải xuyên qua Liên Hiệp Quốc. Thứ ba, tôi sẽ yêu cầu thẩm quyền mà tôi nghĩ là cần thiết, để di tản người dân Mỹ và những người khác mà với họ chúng ta còn nợ một nghĩa vụ.
Tôi không gạt bỏ ở một vài điểm để cho Bắc Việt hay biết rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào các nỗ lực nhân đạo của chúng ta sẽ bị đối phó bởi các biện pháp mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao tôi muốn có sự linh động.
Nó sẽ là một bài diễn văn mạnh theo cách riêng của tôi, có lẽ không tương tự như bài diễn văn của Churchill. Nó sẽ không phải là một bài diễn văn giả dối.
Tôi thu nhận được, ông Jim, rằng ông có các sự dè dặt. Nhưng đây là quyết định. Đây sẽ là nhóm duy nhất hay biết về nó. Tôi đã dành nhiều thời giờ về quyết định này, lúc này và ngay cả sớm hơn nữa, trở lùi về năm 1952. Tôi nghĩ chính sách của chúng ta, trở lùi về các Tổng Thống Truman và Eisenhower, là chính sách đúng đắn. Chúng ta đã không luôn luôn thi hành nó một cách hoàn hảo, và chúng ta có thể đã phạm phải nhiều lỗi lầm. Nhưng đó là một chính sách đúng đắn.
Nhưng ra trước Quốc Hội mà không yêu cầu điều gì cả, điều đó tạo ra sự hồ nghi. Đó là hy vọng tốt nhất của của chúng ta, nếu chúng ta có thể đạt được.
Cảm ơn tất cả quý vị rất nhiều./-
*****
Tổng Thống Gerald R. Ford họp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Tướng Frederick Weyand, và ông Graham Martin, Đại Sứ Mỹ
tại Việt Nam, trong Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, ngày 25 Tháng 3, 1975
Tài liệu 3
BÁO CÁO NGÀY 4 THÁNG 4, 1975 CỦA TƯỚNG FRED C. WEYAND ,
THAM MƯU TRƯỞNG LỤC QUÂN HOA KỸ
LÊN TỔNG THỐNG HOA KỲ, GERALD FORD,
VỀ TÌNH HÌNH VIỆT NAM
[Tựa đề do người dịch đặt ra]
___
LỤC QUÂN HOA KỲ
THAM MUU TRƯỞNG
4 Tháng Tư, 1975
TỜ TRÌNH LÊN TỔNG THỐNG
Trích Yếu: Lượng Định Tình Hình Việt Nam
Theo các chỉ thị của Tổng Thống, tôi đã đi thăm viếng Nam Việt Nam trong giai đoạn từ 28 Tháng Ba đến 4 Tháng Tư. Tôi đã hoàn tất sự lượng định của mình về hiện tình nơi đó, phân tích những gì mà Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa có ý định thực hiện để đối phó với sự xâm lược từ phương Bắc, bảo đảm với Tổng Thống Thiệu về sự ủng hộ vững chắc của Tổng Thống trong thời điểm khủng hoảng này, và xem xét các giải pháp và hành động được mở ra cho Hợp Chúng Quốc để trợ giúp người dân Nam Việt Nam.
Tình hình quân sự hiện tại đang ở thời kỳ nguy kịch, và xác xuất của sự sống còn của Nam Việt Nam như một nước bị thu nhỏ lại vào các tỉnh phía nam nhiều nhất là ở mức biên tế. Chính Phủ Nam Việt Nam đang ở trên bờ vực của một sự thất trận quân sự toàn diện. Tuy nhiên, Miền Nam đang hoạch định tiếp tục phòng vệ với các nguồn tài nguyên khả ứng của họ, và, nếu được phép nghỉ ngơi, sẽ tái xây dựng các khả năng của họ đến mức độ mà sự ủng hộ của Hợp Chúng Quốc về vật liệu sẽ cho phép. Tôi tin tưởng rằng chúng ta thiếu nợ họ sự ủng hộ đó[in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
Chúng tôi đã đến Việt Nam trước tiên là để trợ giúp người dân Nam Việt Nam – không phải để đánh bại quân Bắc Việt. Chúng ta đã chìa bàn tay của chúng ta ra cho người dân Nam Việt Nam, và họ đã nắm lấy. Giờ đây họ cần đến bàn tay trợ giúp đó hơn bao giờ hết. Trong mọi chiều kích, chúng ta đã có thể vận dụng 20,000,000 người nói với thế giới rằng họ lo sợ cho sinh mạng của họ, họ ôm ấp các giá trị liên kết một cách chặt chẽ với các giá trị của hệ thống phi cộng sản, họ tìm kiếm một cách vô vọng cơ hội để tiếp tục sự phát triển của họ một lối sống khác biệt với lối sống của những kẻ hiện giờ đang sống dưới sự cai trị của Bắc Việt.
Mức độ hiện tại trong sự ủng hộ của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ bảo đảm sự thất trận của Chính Phủ Việt Nam. Trong số 700 triệu dự liệu cho Tài Khóa 1975, số 150 triệu còn lại có thể được sử dụng trong một thời gian ngắn cho một chiến dịch tiếp tế quan trọng; tuy nhiên, nếu để có bất kỳ cơ may thực sự nào cho sự thành công, một khoản bổ túc 722 triệu được cần đến một cách khẩn cấp hầu mang Nam Việt Nam đến một vị thế phòng thủ tối thiểu để đối phó với cuộc xâm lăng do Sô Viết và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ủng hộ. Khoản viện trợ bổ túc của Hoa Kỳ nằm trong phạm vi cả về tinh thần lẫn ý định của Hiệp Định Paris, vẫn còn là khuôn khổ thực tiễn cho một sự giải quyết hòa bình tại Việt Nam.
Sự sử dụng không lực quân sự Hoa Kỳ để tăng cường các khả năng của Việt Nam hầu làm cùn nhụt cuộc xâm lăng của Bắc Việt sẽ cung cấp cả một sự trợ lực cụ thể lẫn tâm lý cho Chính Phủ Việt Nam và mang lại một sự hưu chiến rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận các hàm ý chính trị và pháp lý đáng kể liên can đến sự hành sử giải pháp lựa chọn này.
Với mức độ mà các biến cố đang chuyển động, có một vấn đề khác nữa mà Tổng Thống cần cứu xét đến. Vì các lý do của sự thận trọng, Hoa Kỳ cần phải lập kế hoạch giờ đây cho một cuộc di tản ồ ạt khoảng 6000 người Mỹ và hàng chục nghìn người dân Nam Việt Nam và Nước Thứ Ba mà với họ chúng ta phải đảm đương một trách vụ và nợ họ sự bảo vệ. Các bài học ở Đà Nẵng cho thấy rằng cuộc di tản này sẽ đòi hỏi ở mức tối thiểu một lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ ở cấp một sư đoàn tăng phái được hỗ trợ bởi không lực chiến thuật hầu trấn áp pháo binh và phòng không Bắc Việt, như được cần đến. Tại thời điểm thích hợp, một lời tuyên bố công khai về chính sách này cần phải được đưa ra và Bắc Việt phải được cảnh cáo một cách rõ ràng “về ý định của Hoa Kỳ để sử dụng vũ lực cho việc di tản nhân viên một cách an toàn”. Thẩm quyền sẽ phải được sở đắc để cho phép sự sử dụng thích đáng các chế tài quân sự chống lại Bắc Việt nếu có sự can thiệp vào cuộc di tản.
Lòng tin tưởng nơi Hoa Kỳ như một đồng minh đang bị thử thách tại Việt Nam. Để duy trì sự tín nhiệm đó chúng ta phải thực hiện một nỗ lực tôi đa để ủng hộ cho Nam Việt Nam giờ đây.
Một sự phân tích chi tiết hơn được gồm trong báo cáo đính kèm.
Kính trình,
[Ký tên] FRED C. WEYAND,
Tướng Lĩnh, Lục Quân Hoa Kỳ,
Tham Mưu Trưởng
***
BÁO CÁO LÊN TỔNG THỐNG HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ
VỀ TÌNH HÌNH TẠI NAM VIỆT NAM
NỘI DUNG
I. TÌNH HÌNH HIỆN THỜI
A. Bối Cảnh trang 2
B. Tình Hình Hiện Tại trang 4
C. Các Kế Hoạch và Các Chủ Định Của Bắc Việt trang 6
II. CÁC LÃNH VỰC KHÓ KHĂN CHÍNH YÊU trang 7
III. CÁC KẾ HOẠCH VÀ CHỦ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM trang 9
IV. CÁC VIỄN ẢNH HIỆN THỜI trang 10
V. VAI TRÒ CỦA HOA KỲ VÀ CÁC ĐƯỜNG LỐI HÀNH ĐỘNG KHẢ HỮU trang 11
—
DẪN NHẬP
Vào ngày 24 Tháng Ba, 1975 Tổng Thống đã chỉ thị tôi thực hiện một nhiệm vụ tìm hiểu sự kiện tại Việt Nam Cộng Hòa. Công tác của tôi nhằm:
Lượng định tình hình quân sự hiện thời và các chủ định khả hữu của Bắc Việt trong cuộc tấn công hiện nay.
Xác định và lượng định những gì mà Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đang thực hiện và có ý định thực hiện trong việc đối đầu với cuộc tấn công này và trước tác động của nó trong cả khu vực quân sự lẫn dân sự.
Xác định những gì Chính Phủ Hoa Kỳ có thể làm để củng cố các năng lực quân sự của Nam Việt Nam và để làm giảm bớt sự thống khổ của tầng lớp thường dân.
Bảo đảm với Tổng Thống Thiệu rằng Chính Quyền này vẫn kiên quyết trong sự ủng hộ của mình cho các nỗ lực của Việt Nam Cộng Hòa để kháng cự cuộc xâm lược của Bắc Việt và rằng nó sẽ làm những gì nó có thể làm được để cung cấp sự trợ giúp tiếp liệu cần thiết cho sự phòng vệ nền cộng hòa.
I. TÌNH HÌNH HIỆN THỜI
A. Bối Cảnh
Hiệp Định Paris ngày 27 Tháng Một năm 1973 đã đánh dấu không phải sự khởi đầu của hòa bình tại Việt Nam, mà thay vào đó bước khởi đầu của một sự tăng cường về phía Cộng Sản các đồ tiếp liệu và trang bị dành cho cuộc xâm lược quân sự liên tục của Bắc Việt tại Việt Nam. Trong 26 tháng tiếp theo sau ngày bản Hiệp Định được ký kết, Bắc Việt đã tái xây dựng Đường Mòn Hồ Chí Minh thành một mạch tiếp tế chính yếu trong mọi thời tiết. Họ đã xây dựng ống dẫn dầu chạy dài 350 dặm Anh vào Nam Việt Nam dành cho sự chuyển vận nhiên hượt liệu của họ [POL trong nguyên bản, là chữ viết tắt chỉ các loại nhiên hượt liệu: petroleum, oil, and lubricants, chú của người dịch]. Với hệ thống tiếp tế quan trọng này hoạt động toàn công suất, họ đã tăng gấp bốn lần lực lượng pháo binh trên chiến trường của họ, gia tăng lớn lao lực lượng phòng không và đã gửi xuống miền nam sáu lần nhiều hơn về thiết giáp so với số họ có hồi Tháng Một, 1973 (Xem Bảng A). Cùng lúc, họ đã gia tăng quân số lên đến gần 200,000 quân. Tất cả những hành vi này đã vi phạm trực tiếp bản Hiệp Định Paris. Ngược lại, Hoa Kỳ đã không chu toàn nghĩa vụ của nó để duy trì các mức độ tiếp liệu và trang bị của Nam Việt Nam như chúng được cho phép để làm chiếu theo bản Hiệp Định. Số đạn dược tại chỗ sụt giảm 30% từ 179 nghìn tấn hơi kém một chút [short ton trong nguyên bản, đơn vị trọng lượng, tương đương với 2,000 cân Anh (pounds), hay 0.907 tấn theo hệ thống thập phân tại Mỹ; trong khi tại Anh, một tấn Anh tương đương với 2240 cân Anh (pounds), hay 1.016 tấn theo hệ thống thập phân, vì thế được gọi là long ton, hơn một tấn một chút, chú của người dịch] vào lúc ngưng bắn xuống còn 126 nghìn tấn hơi kém một chút khi cuộc tấn công hiện thời bắt đầu. Các sự thiếu hụt nhiên hượt liệu (POL) và đồ phụ tùng đã cắt giảm các hoạt động của Không Lực Nam Việt Nam khoảng 50%[in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
Chứng liệu lịch sử phác họa ở trên đã sắp đặt diễn trường cho tình trạng hiện thời tại Nam Việt Nam. Tình trạng này vừa linh động lẫn mong manh. Nó đã thay đổi đáng kể trong Tháng Ba và có tiềm năng thay đổi nhanh chóng hơn nữa trong những tuần, hay ngay cả theo từng ngày, trong tương lai trước mắt.
Vào ngày 10 Tháng Ba, phe Cộng Sản đã phóng ra “Đợt II” của chiến dịch năm 1975 của họ. Các Sư Đoàn Quân Đội Bắc Việt đã tấn công Ban Mê Thuột, một giao điểm chiến lược tạu miền cao nguyên phía tây, vốn được phòng thủ một cách nhẹ nhàng bởi LQVNCH [trong nguyên bản ghi: ARVN: Army of Republic of Vietnam: Lục Quân Việt Nam Cộng Hòa, từ giờ về sau viết tắt là LQVNCH, chú của người dịch]. Vào khoảng cùng lúc, các đơn vị Quân Đội Bắc Việt phía tây Sàigòn phát động một nỗ lực có hệ thống để loại bỏ sự hiện diện của Chính Phủ Việt Nam, mang lại cho Cộng Sản một hành lang xâm nhập an toàn hơn, ngắn hơn ở phía nam vào vùng Châu Thổ sông Cửu Long và, đồng thời, để ngăn chặn hai con đường duy nhất nằm giữa Sàigòn và Tây Ninh.
Hồi giữa Tháng Hai, Tổng Thống Thiệu đã gửi Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Lắm sang Hoa Kỳ với tư cách đặc sứ để lượng định thái độ của Quốc Hội đối với Việt Nam và các triển vọng về một hành động thuận lợi của Quốc Hội trên pháp chế viện trợ. Ông Lắm đã đệ trình một lượng định rất bi quan, mà ông Thiệu cảm thấy đã được xác nhận bởi các vụ bỏ phiếu hồi đầu Tháng Ba trong các cuộc họp kín của Nhóm Dân Chủ tại Hạ Viện. Ông Thiệu đã phải nuốt lấy sự ước lượng thê thảm của [Nghị Sĩ] Lắm khi Cộng Sản phóng ra các cuộc tấn công “Đợt II” nêu trên. Ông Thiệu đã nhìn thấy đất nước của ông phải đối diện với một cuộc tấn công quan trọng của Cộng Sản cùng lúc với một sự cắt giảm, và một sự đình chỉ khả hữu, trong viện trợ của Hoa Kỳ. Ông và các cố vấn quân sự của ông vì thế đã quyết định rằng một sự thu súc chiến lược quyết liệt là điều thiết yếu cho sự sống còn của Chính Phủ Việt Nam.
Khái niệm chiến lược mới này đưa đến việc từ bỏ phần lớn các vùng núi non, ít dân của Vùng 1 và Vùng 2 để tập trung các tích sản và nguồn tài nguyên của Chính Phủ Việt Nam vào việc phòng thủ Vùng 3 và Vùng 4 cùng với các đồng bằng duyên hải của Vùng 1 và Vùng 2, các khu vực có hiệu năng về nông nghiệp của Nam Việt Nam nơi có đông đảo người dân cư trú. Chiến lược này thì vững chắc trong khái niệm và sự ước lượng của ông Thiệu về sự cần thiết của nó là chính xác. Tuy nhiên, sự thi hành của nó lại là một thảm họa.
Trong cuộc họp ngày 13 Tháng Ba với Tư Lệnh Vùng I của ông, Tướng [Ngô Quang] Trưởng, Tổng Thống Thiệu đã phác họa khái niệm chiến lược mới của ông và quyết định hệ quả của ông về việc rút Sư Đoàn Nhảy Dù từ Vùng 1 về Vùng 3, bất kể sự phản đối mạnh mẽ của Tướng Trưởng rằng sự triệt thoái sư đoàn nhảy dù sẽ làm cho vị thế của Chínhn Phủ Việt Nam tại Vùng 1 không thể chống đỡ được. Trong mười hai ngày kế tiếp (13-25 Tháng Ba) đã có một sự lưỡng lự, cả ở Vùng 1 lẫn ở Sàigòn, về những phần đất nào của Vùng 1 sẽ được giữ lại – và đặc biệt, liệu có nên thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để phòng vệ Huế hay không. Bởi các mệnh lệnh thay đổi mà ông nhận được từ Sàigòn, Tướng Trưởng đã phải tại duyệt xét các kế hoạch bố trí binh sĩ của ông ít nhất ba lần, ngay trong lúc cuộc tấn công của Quân Đội Bắc Việt đã gia tăng liên tục trong cường độ. Thành Phố Quảng Trị được di tản trong cung cách trật tự vào ngày 19 Tháng Ba, nhưng trước khi một tuyến phòng thủ mới của Chính Phủ Việt Nam có thể được ổn định dọc theo Sông Mỹ Chánh, các lực lượng diện địa trong vùng đã bắt đầu bị tan vỡ khi đối diện với áp lực của Bắc Việt; Sàigòn rút về trung đoàn nhảy dù cuối cùng tại Vùng 1, và một tiến trình tan rã đã khởi sự. Áp lực của Bắc Việt gia tăng hàng ngày với một mức độ tăng trưởng rõ rệt. Huế được di tản vào ngày 25 Tháng Ba, nhưng vào khi đó các đơn vị Quân Đội Bắc Việt đã cắt đứt Quốc Lộ 1 ở phía nam thành phố và sự di chuyển 20,000 lính phòng vệ Huế, bao gồm phần lớn Sư Đoàn 1 của LQVNCH, trở nên lệ thuộc nhiều vào các chiến dịch hải vận ứng biến, ngẫu nhiên. Trong cùng thời kỳ này, các đơn vị Chính Phủ Việt Nam bị dàn trải quá mỏng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi, lại bị phân tán hay đánh bại từng phần bởi các lực lượng đang tiến tới của Quân Đội Bắc Việt.
Sự hiện diện của Chính Phủ Việt Nam tại Vùng 1 bị thu nhỏ vào một khoanh đất tại Đà Nẵng. Những gì còn lại của sức mạnh hữu hiệu của Chính Phủ Việt Nam tại vùng đất đó – căn bản là Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và một phần của Sư Đoàn 3 LQVNCH – đã cố gắng thiết lập một sự phòng thủ tại Đà Nẵng, nhưng nỗ lực này đã không thành công. Dàn binh chống lại sồ 10,000 lính phòng vệ được tổ chức chắp vá của Chính Phủ Việt Nam là hơn 30,000 bộ đội quân Bắc Việt đang tiến bước với khí thế chiến thắng. Làm gia tăng hơn nữa các khó khăn của tình hình là nhập lượng của hơn một triệu người tỵ nạn. Với một tổng số gần 2 triệu người ngày càng tuyệt vọng để tìm cách thoát đi, hỗn loạn lan tràn và vào ngày 28 Tháng Ba, trật tự bị sụp đổ. Các xe tăng của Quân Đội Bắc Việt bắt đầu di chuyển vào thành phố không lâu sau đó. Chưa đầy 50,000 người tỵ nạn đã được chở ra bằng máy bay hay bằng đường biển, và Chính Phủ Việt Nam đã thành công trong việc triệt thoái khoảng 22,000 binh sĩ, bao gồm khoảng 9,000 Thủy Quân Lục Chiến và từ 4,000 đến 5,000 binh sĩ từ các sư đoàn 2 và 3 LQVNCH, nhưng số phận của phần còn lại trong nhân số dân sự và quân sự của Đà Nẵng không được hay biết.
Tại Vùng 2, Tổng Thống Thiệu và viên Tư Lệnh Vùng của ông, Tướng [Phạm Văn] Phú, đã gặp gỡ tại Vịnh Cam Ranh hôm 14 Tháng Ba để thảo luận tình hình theo sau vụ mất Ban Mê Thuột. Tại buổi họp đó, Tổng Thống Thiệu đã phác họa khái niệm chiến lược mới của ông để triệt thoái khỏi vùng cao nguyên và củng cố các lực lượng của Chính Phủ Việt Nam để phòng vệ các khu vực duyên hải sinh tử. Lời nói chính xác của các mệnh lệnh của Tổng Thống Thiệu không được hay biết, nhưng Tướng Phú đã giải thích chúng như đã cho phép ông ta được quyết đoán về việc di tản toàn diện, tức thời khỏi các tỉnh Pleiku và Kontum, mà không có các kế hoạch hay sự chuẩn bị nào được thực hiện. Cuộc di tản đã khởi sự trong hai ngày kế đó, với sự di chuyển các lực lượng LQVNCH theo Quốc Lộ 14 và Liên Tỉnh Lộ 7B ngang qua các tỉnh Phú Bổn và Phú Yên ra đến bờ biển tại Tuy Hòa. Bổ túc những khó khăn nghiêm trọng sẵn có nằm trong cuộc di cư không hoạch định này, con đường 7B là một con lộ thứ yếu, thực sự không được sử dụng trong nhiều năm, với nhiều chiếc cầu đã bị mất và các chiếc cầu nổi (fords) đã không được chuẩn bị. Sự chỉ huy và kiểm soát bị tan vỡ. Sáu toán biệt động và một trung đoàn bộ binh từ Pleiku và Kontum bị cắt thành từng khúc trong đám khoảng trên 200,000 thường dân ngày càng tuyệt vọng chạy trốn theo đoàn quân triệt thoái. Ít nhất hai và có thể 3 trung đoàn quân Bắc Việt chuyển hướng lên phía bắc từ Darlac đến Phú Bổn và Phú Yên để quấy rối đoàn quân, đánh phá một cách có hệ thống và có phương pháp các đơn vị quân sự của LQVNCH đang bị phân tán, không đơn vị nào còn sức chiến đấu hữu hiệu khi các đơn vị dẫn đầu đoàn quân tiến vào Thành Phố Tuy Hòa hôm 26 Tháng Ba. Cuộc tàn sát diễn ra trên đường đi đối với các người tỵ nạn thường dân bất hạnh thật là kinh khiếp.
Trong khi các diễn biến kể trên đang xảy ra, Chính Phủ Việt Nam đã chuyển một trung đoàn quân nhảy dù từ khu vực Huế về tỉnh Khánh Hòa để chặn đường hai đến bốn trung đoàn quân Bắc Việt đang truy kích số quân còn lại của Sư Đoàn 23 LQVNCH đi theo hướng đông của Ban Mê thuột xuyên qua tỉnh Darlac. Sư Đoàn 23 đã sẵn bị đánh phá liên hồi trong cuộc phòng thủ của nó tại Ban Mê Thuột, thực sự đã không còn hiện hữu như một đơn vị có tổ chức vào lúc mà các kẻ sống sót của nó bắt đầu rải rác tiến vào Nha Trang.
B. Tình Hình Hiện Tại
Tình hình quân sự xuất hiện trong tuần lề đầu tiên của Tháng Tư phải được lượng định dưới ánh sáng của những gì đã xẩy ra trong Tháng Ba. Trong các sự xáo động nói chung tại Vùng 1 và Vùng 2, một số đơn vị của LQVNCH đã hoạt động tốt. Không có sự hữu hiệu của Thủy Quân Lục Chiến và một số thành phần của Sư Đoàn 3 LQVNCH, không người nào lại có thể thoát ra khỏi Đà Nẵng. Tại Ban Mê Thuột, các thành phần của Sư Đoàn 23 LQVNCH đã chống trả trong hơn một tuần lễ trước hai sư đoàn Bắc Việt. Các trung đoàn 40 và 41 của sư đoàn 22 LQVNCH đã chiến đâu một cách dữ dằn để làm chậm bước các lực lượng ưu thế hơn của Bắc Việt trong việc xuyên thủng ra bờ biển tại Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, hiệu ứng thuần của các biến cố trong Tháng Ba đã bất lợi một cách nghiêm trọng cả về mặt cụ thể và, còn nặng nề hơn nữa, lẫn về mặt tâm lý.
Các lực lượng cộng sản có khi thế của sự thành công và mặc dù họ phải gánh chịu các tổn thất có thể nặng nề, họ đang được bổ sung hàng ngày bởi các sự thay thế mới và các tiếp tế từ Bắc Việt (Bảng A). Trong ba tuần cuôi của Tháng Ba, năm sư đoàn QLQVNCH, 12 Toán [Groups: Trung Đoàn?] Biệt Động Quân, và tương đương hai trung đoàn thiết giáp đã trở nên vô hiệu năng tác chiến. Các sĩ quan và binh sĩ từ các đơn vị này có thể được tái họp lại thành các đội hình mới, nhưng thực sự tất cả trang bị của họ đều đã bị mất. Nhiều đơn vị khác của Chính Phủ Việt Nam phải gánh chịu các sự tổn thất nặng nề về nhân số và đồ trang bị.
Tính đến ngày 1 Tháng Tư, các lực lượng chiến đấu của Bắc Việt tại Nam Việt Nam, đa số là các đơn vị và nhân viên của Quân Đội Bắc Việt, có tổng số trên 200,000 quân lính được tổ chức thành 123 trung đoàn – 71 bộ binh, 7 đặc công, 4 thiết giáp, 16 pháo binh và 25 AAA* [phòng không?].
Có thể so sánh, các lực lượng tác chiến trên mặt đất có hiệu năng của LQVNCH hiện thời có tổng số chỉ vừa hơn 54,000 người, được tổ chức thành 39 trung đoàn/lữ đoàn hay tương đương – 18 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn thiết giáp, 5 trung đoàn biệt động, 3 trung đoàn nhảy dù và 2 trung đoàn thủy quân lục chiến **. Với thiết bị thay thế, quân số tác chiến có hiệu năng và sức mạnh của đơn vị của LQVNCH có thể được tăng bổ bởi các đơn vị mới được thành lập từ quân số còn lại của các đơn vị bị phân tán trong các trận đánh hồi Tháng Ba tại Vùng 1 và Vùng 2, nhưng điều này sẽ cần đến thời gian. Tính đến 1 Tháng Tư, lục lượng tác chiến cộng sản Bắc Việt chiếm ưu thế tại Nam Việt Nam đông hơn các lực lượng của Chính Phủ Việt Nam gần sát với tỷ số 3/1 về mặt quân số.
Về mặt lãnh thổ, tất cả Vùng 1 bị đánh mất bởi Chính Phủ Việt Nam, cùng với phần lớn Vùng 2 ***. Chính Phủ Việt Nam hiện thời chiếm giữ một giải bình nguyên duyên hải chạy xuống phía nam khoảng từ Cam Ranh tới biên giới Vùng 3, cùng với phần phía nam của tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng bị mất vào ngày 1 Tháng Tư, Thành Phố Đà Lạt đã di tản hôm 2 Tháng Tư và những phần còn lại của tỉnh Tuyên Đức đang tan rã.
Tại Vùng 3, tỉnh Phước Long bị mất trong Tháng Một. Trong Tháng Ba đã có sự xoi mòn lãnh thổ hơn nữa trong một vòng cung rộng lớn khoảng 50 dậm phía tây, bắc, và đông Sàigòn. Chiến sự tại Vùng 3 thì rải rác và, đôi khi, nặng nề nhưng ở đó, LQVNCH đã giữ vững một cách căn bản vùng đất của mình trong suốt ba tuần qua. Tại Vùng 3, các lực lượng LQVNCH chưa đối diện với vấn đề bị áp đảo về quân số. Mặc dù quân Cộng Sản đang sẵn tạo áp lực nghiêm trọng tại nhiều khu vực (thí dụ Tây Ninh và chung quanh Xuân Lộc) và rõ ràng đang hoạch định một đợt các cuộc tấn công mới, các lực lượng Chính Phủ Vệt Nam nói chung đang giữ vững lãnh thổ của họ và chiến đấu tốt, và trong diễn tiến, đã làm điêu đứng một cách thảm hại một ít đơn vị cộng sản. Ngoại trừ sự xoi mòn tinh thần nói chung về phía các lực lượng LQVNCH hay một sự gia tăng đáng kể hơn nữa trong sức mạnh của phe Cộng Sản vượt quá mức độ của tuần vừa qua, Chính Phủ Việt Nam cần phải có khả năng để giữ vững tình hình tại Vùng 3 như là đã diễn ra vào ngày 3 Tháng Tư, ít nhất trong một tương lai trước mặt.
Tại Châu Thổ sông Cửu Long (Vùng 4), các tuần lễ qua không nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi có thể nhận thức được. Đối chiếu các lực lượng tác chiến chính quy ở vào mức độ tương xứng đồng đều với nhau (Xem Các Bảng, Bảng B và C). Tình hình chiến thuật có thể trở nên tồi tệ một cách mau chóng nếu các đơn vị Cộng Sản bổ sung xâm nhập vào vùng này hay nếu Chính Phủ Việt Nam phải tái bố trí đến Vùng 3 bất kỳ một trong ba sư đoàn LQVNCH hiện đang được chỉ định đóng quân tại Vùng 4.
Về mặt quân sự, Chính Phủ Việt Nam đang ở thế phòng thủ và bị vây hãm. Các sự đảo lộn quân sự trong Tháng Ba và các hậu quả liên hệ của chúng – việc mất lãnh thổ, các tổn thất dân sự và quân sự, và sự dời cư khối lượng dân chúng khổng lồ hơn hai triệu thường dân tỵ nạn – đã có một tác động nặng nề, bất lợi trên cơ cấu xã hội và chính trị tổng quát của Nam Việt Nam. Tầm mức nặng nề, sâu rộng hay lâu dài đến đâu thật khó nói, một phần bởi vì người dân Nam Việt Nam đang ở trong trạng thái chấn động và bởi vì một sự hiểu biết trọn vẹn về những gì đã thực sự xảy ra tại Vùng 1 và Vùng 2 vẫn chưa được phổ biến, ngay cả ở Sàigòn, chưa nói đến các khu vực nông thôn đông dân cư tại Vùng 3 hay Châu Thổ sông Cửu Long bận rộn canh tác và vẫn còn thịnh vượng.
C. Các Kế Hoạch Và Ý Định Của Bắc Việt
Các ý định của Bắc Việt Nam thì khó mà nhận thấy và các bước tiến kế tiếp có lẽ đang là đề tài của sự thảo luận tích cực hiện giờ đang được thực hiện bởi Bộ Chính Trị Đảng Lao Động tại Hà Nội. Bằng chứng như thế được cung ứng khiến ta nghĩ rằng Hà Nội đang cân nhắc giữa hai giải pháp lựa chọn bao quát:
a. Thực hiện một nỗ lực tối đa để khai thác các thành công chiến thuật gần đây và và đẩy lợi thế chiến trường hiện tại của Quân Đội Bắc Viêt vào một nỗ lực toàn diện để đánh sụp Chính Phủ Việt Nam và loại trừ nó như một thực thế chính trị hoạt động.
b. Củng cố các thắng lợi gần đây và cố gắng giành đọat một hay hai chiến thắng quan trọng nữa (như đánh tan Sư Đoàn 25 LQVNCH và/hay chiếm giữ được Tây Ninh), sau đó kêu gọi các cuộc thương thảo theo những điều kiện không khác gì hơn sự đầu hàng của Chính Phủ Việt Nam, hoạch định để cố gắng một lần nữa sự chiến thắng quân sự sau này trong năm 1975 hay 1976 nếu Chính Phủ Việt Nam không bị áp lực về mặt chính trị đi đến việc chấp nhận một số hình thức “chính phủ liên hiệp” sẽ giao cho phe Cộng Sản sự kiểm soát chính trị trên thực tế [de facto trong nguyên bản, chú của người dịch] tại Nam Việt Nam.
Kể từ khi Hiệp Định Paris được ký kết trong năm 1973, Hà Nội đã đều đặn cải thiện các năng lực quân sự của nó tại Nam Việt Nam xuyên qua một sự cải thiện liên tục hạ tầng cơ sở tiếp vận của nó (các đường lộ, lối mòn, các nhà kho cất trữ, v.v… ở cả Lào lẫn Nam Việt Nam) và một sự thâm nhập liên tục các đồ tiếp liệu, trang bị và binh sĩ – tất cả đều là sự vi phạm rực tiếp vào Điều 7 của Hiệp Định 1973. Trào lượng này đã lên xuống trong 26 tháng qua, nhưng không bào giờ ngừng lại.
Trong mùa hè 1974, khi vị thế tổng quát của Chính Phủ Việt Nam trông ra có nhiều hứa hẹn, trào lượng nhân lực và tiếp liệu bổ sung cho lực lượng viễn chinh xâm lăng của bắc Việt tại miền nam đã đi xuống. Nó bắt đầu vươn lên cao không lâu sau các sự phát triển chính trị mùa hè qua tại Hoa Kỳ và sự ủng hộ của Quốc Hội sụt giảm đối với việc trợ giúp liên tục cho Nam Việt Nam. Trào lượng tiếp vận nhân lực và vật lực từ Bắc Việt – và, từ đó, các năng lực của Quân Đội Bắc Việt tại miền nam – bắt đầu vọt lên trong nửa phần sau của năm 1974. Nhịp độ gia tăng kể từ lúc bắt đầu năm 1975, đã gia tăng trong Tháng Hai và Tháng Ba, và giờ đây đang vận hành ở tốc độ tối đa.
Hà Nội chắc chắn đã hoạch định một mức độ đáng kể cho hoạt động tấn công trong mùa xuân này. Nhìn lại, chiến dịch “Đợt I” Tháng Một (chiếm đóng tỉnh Phước Long), trong số các sự kiện khác, xem ra đã là một sự trắc nghiệm rằng liệu Hoa Kỳ sẽ phản ứng hay không trước sự việc mà ngay chính Hà Nội phải xem là một sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris 1973. Phán đoán từ hành vi kế tiếp của cộng sản – có nghĩa, sự củng cố gia tăng rõ rệt, sự xâm nhập các đơn vị trừ bị chiến lược của Bắc Việt, cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột với hai sư đoàn Quân Đội Bắc Việt (một sư đoàn được chuyển xuống miền nam là thuộc lực lượng trừ bị chiến lược của Hà Nội) và mức độ đinh tai nhức óc gia tăng mà với nó Cộng Sản đã chơi trên chủ đề tuyên truyền về sự “bất lực” của Hoa Kỳ — Hà Nội xem ra đã quyết định rằng Hoa Kỳ thì quá bận rộn với các vấn đề khác để phản ứng một cách đáng kể đối với bất kỳ điều gì mà Bắc Việt đã làm tại Đông Dương.
Các chỉ thị chính thức của đảng và các chỉ thị cao cấp được đưa ra trong Tháng Một và Tháng Hai và ngay cho đến tuần lễ thứ ba của Tháng Ba cho thấy rằng ít nhất các mục tiêu khởi thủy của chiến dịch 1975 là điều gì đó ít hơn một chiến thắng toàn diện trong tương lai kề cận –, thí dụ, một vị thế lãnh thổ được cải thiện (có lẽ bao gồm sự chiếm giữ Thành Phố Tây Ninh), quấy rối và làm tiêu hao LQVNCH, và tạo áp lực toàn diện nặng nề lên Chính Phủ Việt Nam. Mục tiêu chính của chiến dịch này rõ ràng sẽ là việc đặt Cộng Sản vào một vị thế chế ngự từ đó họ có thể đòi hỏi các sự thương thuyết dẫn đến một chính phủ liên hiệp, và, nếu việc như thế không xảy tới, từ đó họ có thể phóng ra một cuộc tấn công “chung cuộc” trong năm 1976.
Các mục tiêu của Hà Nội có thể leo thang đến đâu hay sự thèm khát của nó đã được kích thích bởi các biến cố trong tháng qua tại Nam Việt Nam – và tại Hoa Kỳ — thì không thể nói được, đặc biệt bởi ngay Hà Nội cũng không có thì giờ để tiêu hóa các sự phát triển gần đây nhất. Nhịp độ theo đó nhân lực và vật liệu đang đổ dồn từ Bắc Việt xuống Nam Việt, tuy thế, chắc chắc khiến ta nghĩ rằng Hà Nội có ý định tiếp tục thúc đẩy các cuộc tấn công của lực lượng viễn chinh xâm lăng của nó.
II. CÁC KHU VỰC KHÓ KHĂN CHÍNH YẾU
Chính Phủ Việt Nam đối diện với một mạng lưới đan kết vào nhau của các vấn đề tăng trưởng mau lẹ nằm trong ba lãnh vực tổng quát.
Trước tiên, có các vấn đề cụ thể hay hữu hình. Quan trọng nhất trong các vấn đề này là Quân Đội Bắc Việt – kể cả kích thước hiện tại của nó, sức mạnh gia tăng và hoạt động xâm lấn. Kế đó, đích thực là một mức độ to lớn của các sự tổn thất trong ba tuần lễ vừa qua về nhân số và trang bị –trừ khi hay cho đến khi được thay thế, đặt một LQVNCH ngày càng suy yếu vào một vị thế xấu hơn nữa trước một mối đe doa đăng lớn mạnh của Bắc Việt. Trong khu vực dân sự, mức độ tương liên đích thức của trào lượng tỵ nạn, làm bật rễ khoảng gần mười phần trăm toàn thể dân số, những kẻ mà các nhu cầu khẩn cấp về thực phẩm, quân áo, chỗ ở, và chăm sóc y tế đặt để sự căng thẳng khổng lồ lên trên guồng máy của chính phủ. Đáp ứng các nhu cầu tức thời của các người tỵ nạn này tự nó đã là một vấn đề lớn lao nhưng tái định cư họ và thu nhận họ vào các khu vực hãy còn nằm dưới sự kiểm soát của Chính Phủ Việt Nam lại là một công tác đáng sợ hơn nữa.
Có nhiều vấn đề cụ thể khác mang tính chất quan trọng cơ hữu (thí dụ, giữ gìn các đường lộ và các đường dây liên lạc hoạt động, di chuyển các sự tiếp tế về thực phẩm, duy trì luật pháp và trật tự cơ bản tại các khu vực bị tràn ngập bởi người tỵ nạn, kiểm soát hay kiềm chế sự khuynh đảo và hoạt động khủng bố của Việt Cộng tại các khu vực không nằm dưới sự tấn công quy ước trực tiếp), nhưng các vấn đề này bị che khuất bởi ba vấn đề ‘hữu hình” nêu bên trên.
Ngoài ra, có một loạt các vấn đề liên hệ, đang nhú lên, có thể được gọi là “quản lý của nhà nước”. Các vấn đề này liên can việc cung cấp sự lãnh đạo, hướng dẫn và chỉ đạo cần thiết để đối phó với các vấn đề cụ thể ghi nhận ở trên. Chúng cũng liên can đến sự lãnh đạo và quản trị, quân sự và dân sự, cần thiết để tập hợp một dân tộc sau một loạt các sự thất trận, kiềm chế sự lan truyền của sự chán nản và thất vọng, phát triển một ý thức đoàn kết dân tộc và [hướng đến]mục tiêu chung, và phát động một cuộc chiến tranh để tồn tại. Trong một khung cảnh Việt Nam, tình hình đòi hỏi một loại lãnh đạo và chính quyền hữu hiệu mà Churchill và Nội Các Chiến Tranh của ông ta mang lại cho Đại Anh Cát Lợi sau trận đánh Dunkirk và sự sụp đổ của nước Pháp. Cho đến nay (như phác họa trong Phần II dưới đây) loại lãnh đao và chính quyền này không thấy thể hiện rõ rệt – và tại Việt Nam, không có Eo Biển Anh Quốc (English Channel) để ngăn chặn làn sóng xâm lăng đang xô tới hay để cung cấp một sự ngừng nghỉ hầu tái tập hợp.
Kế đó có một phức hợp của các vấn đề thái độ và tâm lý mà, nói đến cùng, có thể là vấn đề quan trọng nhất trong mọi vấn đề. Tại Vùng 2 duyên hải đầy nghẹt tỵ nạn, loại sợ hãi và hoảng loạn bùng nổ tại Đà Nẵng cũng nổi lên trên mặt trước khi vị trí của Chính Phủ Việt Nam tại bắc Cam Ranh bị sụp đổ. Tại Vùng 3 và Sàigòn, người dân bị chấn động và hoang mang. Ho có thể vẫn chưa có một cảm giác về sự nguy hiểm và khủng hoảng cá nhân tức thời, nhưng xúc cảm đó đang bắt đầu lan rộng với nhịp độ tăng nhanh. Tại vùng Châu Thổ, nơi các tin tức về sự phát triển tại phía bắc cần thời giờ để lưu chuyển, cuộc sống thì thịnh vượng và không có sự thay đổi trong kiểu mẫu của các biến cố trong hai năm qua, song điều có thể nhận thấy với một công dân thông thường, là dân chúng thì phân vân và khó chịu song không cảm thấy bị đe dọa một cách tức thì. Chính Phủ Việt Nam có ít thời giờ để hành động trước khi toàn thể câu chuyện về những gì đã xảy ra tại Vùng 1 và Vùng 2 trở nên được hay biết một cách rộng rãi khắp vùng còn lại của xứ sở; nhưng thì giờ thì rất ngắn.
Trong Lục Quân, các vấn đề tâm lý có đích nhắm tập trung hơn và căng thẳng hơn. Các đơn vị Lục Quân tại duyên hải Vùng 2 hay biết rằng họ có thể sớm bị áp đảo. Bất kể một số thành công chiến thuật địa phương nào đó, các đơn vị của Vùng 3 có thể rơi thành con mồi cho một cảm giác chủ bại và tuyệt vọng. Tại vùng Châu Thổ, các vị chỉ huy cao cấp của LQVNCH khẳng định rằng tinh thần binh sĩ của họ còn tốt và rằng khi bị tấn công họ sẽ chiến đấu, nhưng khi nói chuyện một cách riêng tư với các người Mỹ mà họ quen biết, và các kẻ mà họ tin tưởng là kín miệng, cùng các vị chỉ huy này cảnh giác rằng tinh thần binh sĩ của họ có thể không đứng vững trước tin tức về các sự thất trận quan trọng tại Vùng 3.
Một trong các vấn đề thái độ và tâm lý nghiêm trọng nhất ở mọi trình độ, quân sự lẫn dân sự, là sự tin tưởng rằng người Nam Việt Nam bị bỏ rơi, và ngay cả bị phản bội, bởi Hoa Kỳ [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch]. Phe Cộng sản đang sử dụng mọi phương kế khả hữu của sự tuyên truyền và chiến tranh tâm lý để tán trợ quan điểm này. Người càng có vị thế cao hơn trong bực thang hệ cấp hay xã hội càng có mức độ bén nhậy và chú tâm cao hơn đến các cảm nghĩ như thế. Phần lớn sự xúc cảm này quy kết vào Hiệp Định Paris 1973 và sự rút lui kế đó của Hoa Kỳ. Điều được tin tưởng rộng rãi rằng Chính Phủ Việt Nam đã bị cưỡng ép phải ký kết vào Hiệp Định này như là kết quả của sự thương thảo riêng tư giữa Hoa Kỳ – Bắc Việt theo đó Hoa Kỳ được chấp thuận để triệt thoái các lực lượng của nó và đón nhận tù binh trở về, đánh đổi với việc bỏ rơi Nam Việt Nam. Cảm giác về sự bỏ rơi đã được tăng cường bởi điều được nhận thức một cách rộng rãi như một sự thiếu vắng sự nhìn nhận công khai của Hoa Kỳ về sự thống khổ hiện thời của Nam Việt Nam hay sự sẵn lòng để cung cấp sự ủng hộ cần thiết.
Tất cả những vấn đề trên đều tương tác với nhau. Một hậu quả của sự tương tác này là sự mất tin tưởng lan truyền trong giới lãnh đạo hàng đầu của Chính Phủ Việt Nam, một cảm thức được nhận thấy trong khắp lớp người có ý thức về chính trị và dâng cao một cách mau lẹ trong giới quân sự. Nhóm cố vấn cao cấp nòng cốt bên trong của Tổng Thống Thiệu được cảm thấy sẽ bị ruồng bỏ. Từng ngày qua, có nhiều hơn sự chua chát và bất mãn này được hướng vào chính Tổng Thống Thiệu. Có một sự nhận thức chung rằng bất kỳ một mưu toan đảo chính nào, ngay dù nếu thành công, có lẽ sẽ là một thảm họa tối hậu; nhưng xác xuất đang lên cao rằng trừ khi cuộc khủng hoảng tín nhiệm này được đánh tan, Tổng Thống Thiệu sẽ phải từ chức.
III. CÁC KẾ HOẠCH VÀ CÁC Ý ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM HIỆN THỜI
Chính Phủ Việt Nam có điều họ gọi là một “kế hoạch chiến lược” nhưng nó đang được tái duyệt gần như hàng ngày chiếu theo các biến cố. Một tuần trước đây (25 Tháng Ba) họ đã dự kiến một túi đất nội phận (enclave) tại Đà Nẵng và một tuyến phòng thủ phía nam cắm neo tại bờ biển ở Bình Định hay, nếu điều đó không thành, sẽ nằm ngay bên dưới Tuy Hòa trong tỉnh Phú Yên. Tuyến dự liệu được vòng qua các tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng, sau đó đến Xuân Lộc tại tỉnh Long Khánh và chạy tới Tây Ninh. Kể từ khi kế hoạch được phát triển, Đà Nẵng bị mất, vị thế của Chính Phủ Việt Nam tại duyên hải Vùng 2 bị sụp đổ tại phía bắc Cam Ranh.
Chính Phủ Việt Nam chủ định tái tổ chức và tái trang bị các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và LQVNCH bị tổn hại trong các trận đánh trong tháng qua với mọi tốc độ khả hữu. Nó cũng chủ định để thực hiện các bước tiến khác để bổ sung sức mạnh của LQVNCH bằng việc nâng cấp các số lương đáng kể các lực lượng diện địa và các toán Biệt Đông. Sự thành công của tất cả các điều này sẽ tùy thuộc vào mức độ theo đó QLVNCH [RVNAF: Republic of Vietnam Armed Forces trong nguyên bản, tức Quân Lực Việt Nam Công Hòa, từ giờ trở đi được viết tắt là QLVNCH, chú của người dịch] có khả năng sửa chữa các khuyết điểm nghiêm trọng trong sự chỉ huy và kiểm soát và năng lực của nó để chuyển dịch các kế hoạch thành hoạt động có phối hợp. Tổng Thống Thiệu và Tướng [Cao Văn] Viên đều nhận thức được nhu cầu và có hứa hẹn hành vi sửa chữa.
Vấn đề tỵ nạn cũng phản ảnh tương tự các khiếm khuyết trong việc hoạch định và quản trị. Có một sự quan tâm và ước muốn sẵn sang giúp đỡ và các nguồn cảm tình và ủng hộ quốc tế có thể được khai mở, kể cả các ngân khoản, nhân viên y tế, tiếp liệu, v.v… Bác Sĩ [Phan Quang] Đán – Phó Thủ Tướng đặc trách tỵ nạn – đang làm những gì ông có thể làm, nhưng, cho đên giờ, không có cơ chế cơ hữu của Chính Phủ Việt Nam có khả năng để trình bày các chi tiết rắc rối và theo dõi hệ thống đên cùng mà vấn đề phức tạp và khổng lồ này đòi hỏi. Hậu quả, gánh nặng có khuynh hướng đổ xuống nột số ít viên chức, kể cả các viên chức cấp tỉnh địa phương, một số người trong họ có sáng kiến trong việc đối phó với các sự khủng hoảng trước mắt nhưng các nỗ lực đó chỉ có tính cách cá nhân, rời rạc và không phải là một phần của một tổng thể kết hợp.
Sự tuyên truyền và chiến tranh tâm lý và ngay cả sự truyền thông thiết yếu của chính phủ với người dân của chính Chính Phủ Việt Nam phơi bày các khiếm khuyết tương tự trong ý niệm tổng quát và sự theo dõi đến cùng hệ thống.
Tóm lại, Chính Phủ Việt Nam, có các hy vọng và các khát vọng, và một ước muốn để đối phó, nhưng ít có điều nào được chú tâm vào tiêu điểm, truyền đạt hay thực sự được tổ chức. Chính phủ, đặc biệt giới thư lại, đang ở trong trạng thái chấn động và hoang mang và các tầng lớp thượng tầng không có vẻ có một sự nhận thức hay hiểu biết đầy đủ tầm mức to lớn của nhiều vấn đề khó khăn của Chính Phủ Việt Nam.
IV. CÁC VIỄN ẢNH HIỆN THỜI
Những gì xẩy ra tại Nam Việt Nam trong tháng tới hay trong thời khoảng đó, khoan nói tới một thời khoảng lâu dài hơn, tùy thuộc rất nhiều vào những gì sẽ được làm – hay không làm – bởi Bắc Việt, Chính Phủ Việt Nam, và Hoa Kỳ trong vòng hai đến ba tuần sắp đến và ngay cả trong vài ngày sắp tới.
Trừ khi các lực lượng Bắc Việt được kiềm chề một cách nào đó trong chiến trận hay Hà Nội được khuyến dụ để ngưng lại bởi một số hình thức của sự thuyết phục ngoại giao hay sự thuyết phục nào khác, Bắc Việt sẽ đánh bại Chính Phủ Việt Nam về mặt quân sự. Không có bằng chứng rằng Bắc Viết đang gặp các khó khăn về tiếp vận hay bắt đầu cạn kiệt số tiếp liệu của họ. Sự nam tiến của một, khoan nói đến hai, trong số năm sư đoàn của Hà Nội giờ đây tại Vùng 1 sẽ đủ để quyết định số phận cho sự kiểm soát của Chính Phủ Việt Nam trên duyên hải Vùng 2. Nếu một trong năm sư đoàn của Hà Nội đã sẵn có mặt ở Vùng 2 được chuyển xuống Vùng 3, đặc biệt nếu được tăng cường với nhiều thiết giáp và trọng pháo hơn, điều này sẽ làm nghiêng cán cân các lực lượng hiện tại ở Vùng 3. Các lực lượng của Chính Phủ Việt Nam tại Châu Thổ đều có thể đương đầu với các binh sĩ Bắc Việt đã sẵn có mặt tại vùng đó, và Vùng 4 không thể giữ được nếu Vùng 3 bị sụp đổ tiếp theo sau các sự thất trận tại Vùng 1 và Vùng 2.
Bức tranh nói trên có thể được thay đổi khi Chính Phủ Việt Nam bố trí tại Vùng 3 các đơn vị được tái thành lập từ số quân còn lại của các đơn vị được rút về từ Vùng 1 và Vùng 2. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thời gian để tái tổ chức và trang bị. Các sự bất lợi là về mặt năng lực thuần túy, Bắc Việt có thể di chuyển và điều động các sư đoàn hiện hữu trong phạm vi Nam Việt Nam nhanh hơn việc Chính Phủ Việt Nam có thể thành lập các đơn vị mới.
Đối với Chính Phủ Việt Nam, một số bước tiến – quyết liệt và có hiệu quả có thể biểu lộ được – phải được thực hiện không chỉ để ngăn cản bất kỳ sự suy đồi cận kề trong vị thế quân sự của Chính Phủ Việt Nam tại Vùng 3, mà còn – và có lẽ quan trọng hơn – mang lại cho dân chúng, và QLVNCH, một sự hứng khởi tâm lý và sự tín nhiệm nơi giới lãnh đạo thượng tầng của Chính Phủ Việt Nam. Trong phạm vi tinh thần, Nam Việt Nam – ít nhất tại Vùng 3, kể cả Sàigòn – đang rất gần bên bờ tuột xuống một loại tuyệt vọng và ý nghĩ chủ bại, có thể tháo tung một cách nhanh chóng cơ cấu toàn thể.
V. VAI TRÒ CỦA HOA KỲ VÀ CÁC ĐƯỜNG LỐI HÀNH ĐỘNG KHẢ HỮU
Những gì Hoa Kỳ làm, hay không làm, trong những ngày trước mắt có lẽ sẽ có tính cách trọng yếu như một yếu tố xác định các biến cố của ít tuần sắp đến, giống như các hành động hay bất động của Sàigòn hay Hà Nội. Một mình Hoa Kỳ không thôi, không thể cứu vớt Nam Việt Nam, nhưng nó có thể, tuy là vô tình, quyết định sự tử vong của nó [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
Các đề nghị của tôi sẽ nằm ở hai loại khác nhau. Có các hành động ngắn hạn – một phần cụ thể nhưng chính yếu về tâm lý – cần thiết để mang lại cho Nam Việt Nam một sự nâng cao tinh thần và, nếu có thể được, để khuyến dụ Hà Nội ngừng lại. Việc này không gì khác hơn là để mua thời gian, nhưng vào thời khắc mà thời giờ được cần đến một cách khẩn cấp. Thứ nhì, có các hành động dài hạn hơn, chính yếu là về vật thể mặc dù vẫn còn có một chiều kích tâm lý mạnh mẽ, cần thiết nếu Nam Việt Nam sẽ có bất kỳ hy vọng nào để sống sót một cách hữu hình trước sự tấn công của Bắc Việt hay thương thảo bất kỳ sự giải quyết nào không phải là sự đầu hàng vô điều kiện.
Điều kiện tức thời và thiết yêu là sự nhận thức của Việt Nam về sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Các sự nhận thức thì quan trọng ở mọi khía cạnh. Một sự nhận thức về sự ủng hộ sút giảm của Hoa Kỳ dành cho Nam Việt Nam khuyến khích Bắc Viết phóng ra cuộc tấn công hiện thời của họ. Cũng chính nhận thức này đã khiến cho Việt Nam Cộng Hòa khởi sự triệt thoái khỏi các vị trí rời rạc và bị nguy hiểm tại các tỉnh phía bắc. Các nhận thức này đã được định hình bởi các hành động kể sau: Ngay sau khi có sự ký kết Hiệp Định Paris, 1.6 tỷ mỹ kim được yêu cầu để đáp ứng các yêu cầu của Nam Việt Nam trong Tài Khóa 1974; 1.126 tỷ được chuẩn cấp – 70% các nhu cầu. Một yêu cầu kế tiếp cho 500 triệu bổ túc cuối cùng bị bác bỏ. Trong tài khóa hiện thời, 1.6 mỹ kim được yêu cầu để duy trì năng lực quân sự phòng thủ khả dĩ tồn tại được của Việt Nam ; 700 triệu được chuẩn cấp – 44% yêu cầu đã được bày tỏ. Các hành động này và các hành động liên hệ giúp vào việc làm phát sinh sự khủng hoảng lòng tín nhiệm đã hối hả xô đẩy đến chiến lược thu nhỏ của Chính Phủ Việt Nam.
Giờ đây, chìa khóa cho sự sống còn của quốc gia Việt Nam là khả năng của Chính Phủ Việt Nam để ổn định tình hình, và mang các nguồn tài nguyên quân sự của họ để chống đỡ trong việc làm cùn nhụt sự tấn công của Bắc Việt. Khả năng của họ để ổn định tình hình xoay quanh, ở một tầm mức rất lớn, khả năng để thuyết phục người lính và người dân bình thường rằng chưa mất hết tất cả, và rằng Bắc Việt có thể bị chặn lại. Mặc dù điều này phần lớn là một công tác dành cho Chính Phủ Việt Nam, các hành động của Hoa Kỳ có tính cách sinh tử trong việc vãn hồi sự tín nhiệm.
Hành động mà Hoa Kỳ có thể làm sẽ có ảnh hưởng tức thời lớn nhất trên các sự nhận thức của Việt Nam – Bắc cũng như Nam – sẽ là sự sử dụng không lực để làm cùn nhụt cuộc tấn công hiện thời của Quân Đội Bắc Việt. Ngay dù được giới hạn vào Nam Việt Nam và được thực hiện trong một thời khoảng hạn chế không thôi, các cuộc tấn công như thế sẽ tạo ra một sự tổn thất nghiêm trọng trên nhân lực và đồ tiếp liệu của lực lượng viễn chinh Bắc Việt, và có một tác động tinh thần mạnh mẽ trên bộ đội xâm nhập của Bắc Việt. Các cuộc tấn công này cũng sẽ mang lại một sự ngừng chỉ của các nhà lãnh đạo Hà Nội và nâng cao các sự quan ngại, hiên giờ không hiện hữu, về các rủi ro liên quan đến việc không đém xỉa đến một hiệp định chính thức được ký kết với Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo quân sự Nam Việt Nam ở mọi cấp đều trưng dẫn nhiều lần tầm quan trọng của các cuộc tấn công bằng B-52 đối với sự thực hiện một cuộc phòng vệ thành công chống lại các lực lương địch quân chiếm ưu thế và có một sự biện minh quân sự vững chắc cho một quan điểm như thế.
Các ý kiến nêu trên chỉ chuyên chở một sự lượng định quân sự. Tôi nhiên, tôi thừa nhận các hàm ý chính trị và pháp lý quan trọng liên quan đến sự hành sử một hành động như thế.
Một bước tiến quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải lấy là bày tỏ rõ ràng rằng Hoa Kỳ ủng hộ Nam Việt Nam. Điều này phải bao gồm các lời tuyên bố tích cực bởi Tổng Thống và các viên chức Hoa Kỳ cao cấp khác. Tinh thần đang xuống dốc của Việt Nam rõ ràng được củng cố bởi sự đến nơi của một toán Hoa Kỳ được phái bởi Tổng Thống để điều tra tình hình. Các hành động bổ túc của Hoa Kỳ thuộc bản chất này sẽ làm sáng tỏ sự quan tâm của Hoa Kỳ. Ngoài các lời tuyên bố từ Ngành Hành Pháp, cũng cần có một nỗ lực để bảo đảm rằng một diễn đàn rộng rãi của sự quan tâm thì hiển hiện tại Hoa Kỳ. Sự ủng hộ từ các Thành Viên của Quốc Hội; các lời tuyên bố công khai từ các nhân vật hữu trách cả trong lẫn ngoài chính quyền; và sự thông cảm trong báo chí Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ việc thay đổi các nhận thức của Hoa kỳ về tình hình tại Việt Nam.
Nỗ lực này có thể nhấn mạnh vào ba chủ đề chính yếu:
– Nhân dân Việt Nam, với sự hiểu biết tự thân về đời sống dưới cả chính phủ của ông Thiệu và cộng sản, đã cho thấy một cách rõ ràng sự lựa chọn của họ qua “việc bỏ phiếu bằng đôi chân của họ”, giống như người dân Đông Đức đã làm trước khi có sự du nhập Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall). Cuộc di cư đông đảo từ các tỉnh phía bắc, đối diện với sự khổ nhọc, nguy hiểm và sự chịu đựng nỗi đau khổ dữ dội của con người, là một dấu hiệu chân thật cho các cảm nghĩ của họ. Trong sự lựa chọn của họ, không có người nào bỏ chạy về phía bắc đến Hà Nội và quân Bắc Việt – nơi không có giao tranh, nơi không có các đoàn người tỵ nạn, và nơi mà chiến tranh đã không đụng chạm tới kể từ có Hiệp Định Paris. Vấn đề không phải là đề tài học thuật đối với cá nhân người Việt Nam; đó là vấn đề của sự sống và cái chết. Bằng hành động của họ, họ đã lựa chọn tự do và có thể cái chết [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch].
– Nam Việt Nam đang chiến đấu một cuộc chiến tranh phòng vệ. Vật liệu Hoa Kỳ được sử dụng để phòng vệ Nam Việt Nam, trong khi các xe tăng và quân liệu của Sô Viết và Trung Cộng được sử dụng bởi quân Bắc Việt cho một sự xâm lược công khai, trần trường, và thách đố. Chính sự xâm lăng của Bắc Việt, chứ không phải là các hành động của Nam Việt Nam, đã sẵn đòi hỏi Chính Phủ tìm kiếm sự ủng hộ bổ túc từ Quốc Hội.
– Chúng ta nên tiếp tục nhấn mạnh đến ảnh hưởng Việt Nam trên tính khả tín của bất kỳ cam kết nào của Hoa Kỳ. Thế giới rõ ràng hiểu biết về các sự cam kết của Hoa Kỳ trong quá khứ đối với Việt Nam. Các hao tốn về nhân mạng và tài nguyên trong sự theo đuổi sự cam kết này được hay biết rất rõ bởi mọi người. Các chính phủ trên thế giới hay biết quá khứ, nhưng sẽ nhìn bất kỳ sự vô khả năng hiện tại nào để ủng hộ người Việt Nam trong cuộc khủng hoảng vì sống còn của họ như một sự thiếu sót ý chí và quyết tâm của Hoa Kỳ. Nếu chúng ta không làm một nỗ lực nào, sự khả tín tương lai của chúng ta như được nhận thức bởi đồng minh cũng như đối thủ tiềm tàng, sẽ bị mất đi trong nhiều năm sắp tới.
Các lời tuyên bố về sự ủng hộ của Hoa Kỳ thì quan trọng, nhưng điều cũng thiết yêu rằng thông điệp được chứng thực với các hành động cụ thể để chứng minh rằng Hoa Kỳ đứng đàng sau đồng minh của mình. Trong khi sự cung ứng tối hậu các tài nguyên quân sự sẽ tùy thuộc vào các sự chuẩn chi bổ túc tại Quốc Hội cho tài khóa hiện thời, hiện còn hơn 150 triệu khả dĩ cung ứng từ số 700 triệu đã được biểu quyết trong Đạo Luật Chuẩn Chi Quốc Phòng (Defense Appropriations Act). Số tiền này có thể được sử dụng để đáp ứng với các nhu cầu tức thời nhất lúc này và trong ít tuần sắp tới. Tuy nhiên, sự chi tiêu mau chóng ngân khoản còn lại sẽ sớm làm cạn kiệt các năng lực của Hoa Kỳ để cung cấp sự ủng hộ. Một dự luật chuẩn chi bổ túc, có thể vào khoảng 722 triệu, được cần đến một cách khẩn cấp cho các nhu cầu quân sự căn bản hầu cung cấp một cơ may cho sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa. Các chi tiết của yêu cầu như sau:
Chiến dịch tấn công hiện tại bởi Quân Đội Bắc Việt đã gây ra các sự tổn thất vật liệu nghiêm trọng cần phải được thay thế giờ đây:
– Năm Sư Đoàn LQVNCH đã bị tiêu diệt hay trở nên không còn tác chiến hữu hiệu và một sư đoàn khác chỉ được cứu vãn một phần. Vào lúc làm bản báo cáo này một sự kiểm điểm con số chính xác của các sự tổn thất nhân viên và vật liệu không thể có được, các con số kể sau là các tổn thất vật liệu được hay biết hiện nay:
ĐẠN DƯỢC TẠI CHỖ (CHỈ KỂ SÔ TRONG KHO CẤT TRỮ) $129.0 Triệu
VŨ KHÍ CÁ NHÂN & TOÁN 24.6
PHÁO BINH 16.0
XE ĐƯỜNG RẦY 85.0
XE CHẠY BẴNG BÁNH XE 77.0
TRANG BỊ TRUYỀN TIN 15.6
NHIÊN HƯỢT LIỆU (POL) 6.3
Y TẾ 7.9
KỸ THUẬT CƠ KHÍ 1.8
TIẾP LIỆU TỔNG QUÁT 110.5
TỔNG CỘNG $473.7 Triệu
– Ngoài ra Không Quan Việt Nam bị mất 393 máy bay trị giá $176.3 triệu mỹ kim, 52.8 triệu đạn máy bay, và $68.6 triệu đồ phụ tùng và trang bị yểm trợ.
– Trong cuộc tấn công hiện thời, Hải Quân Việt Nam bị mất ba tàu trị giá $2.4 triệu và $5.4 triệu về tiếp liệu và thiết bị yểm trợ.
Tổng số ước lượng cho số tổn thất trang bị và tiếp liệu quân sự của QLVNCH trong cuộc tấn công hiện thời là $779.2 triệu. Các tổn thất này không bao gồm số đạn dược lắp vào súng căn bản, các đơn vị yểm trợ không thuộc sư đoàn hay các cơ sở cố định như phi trường, các hải cảng và các cơ sở quân sự.
Chính Phủ Việt Nam tin tưởng cuộc tấn công hiện thời có thể được ngăn chặn với các lực lượng quân sự được cung ứng hiện thời và sẽ được tái thành lập. Họ dự liệu duy trì một nước Việt Nam Cộng Hòa thu nhỏ bao gồm phần đông nam của các khu đất thấp thuộc Vùng 2, hai phần ba phía nam của Vùng 3 và toàn thể Vùng 4. Lãnh thổ sẽ được giữ chứa đựng đông đảo dân chúng và có các điều kiện cần thiết cho một thực thể kinh tế và chính trị khả dĩ tồn tại được. Họ đang làm việc theo một kế hoach tái tổ chức mà, nếu được thực hiện một cách thành công, có thể cung cấp sự bảo vệ quân sự cho nước Việt Nam Cộng Hòa thu nhỏ này.
Vào lúc lập bản báo cáo này, kế hoạch tái tổ chức của Chính Phủ Việt Nam dự kiến tái thành lập bốn sư đoàn bộ binh, biến cải 12 lữ đoàn biệt động thành bốn sư đoàn biệt động, và nâng cấp 27 Toán Lực Lượng Đia Phương Quân lưu động thành 27 trung đoàn bộ binh. Để có hiệu quả, sự thực hiện phải khởi sự tức thời. Dưới sự giả định trọng yếu rằng Chính Phủ Việt Nam có thể ổn định tình hình quân sự hiện tại, với vật liệu và các nguồn nhân lực hiện nay thuộc quyền quyết định của họ và trong khuôn khổ của cấp khoản chuẩn chi hạn chế cho Tài Khóa 1975 còn lại, họ cần các sự thay thế bổ túc tức thời sẽ đòi hỏi sự chấp thuận và chuẩn chi mới. Sự ước lượng của chúng tôi về các yêu cầu tức thời này gồm:
– Trang bị cho bốn sư đoàn bộ binh $138.6 Triệu
– Biến cải 12 toán biệt động thành bốn sư đoàn $118.0
– Biến cải 27 Toán Địa Phương Quân thành 27 Trung Đoàn LQVN 69.6
-Đạn dược dùng trên đất liền để duy trì các hoạt động tác chiến
và tái tạo các mức độ dự trữ $198.0
– Đạn dùng trên không để duy trì các hoạt động tác chiến và
tái tạo các mức độ dự trữ 21.0
– Các sản phẩm Nhiên Hượt Liệu để duy trì các hoạt động tác chiến
và bảo đảm các mức độ dự trữ thích đáng 10.4
– Tiếp liệu tổng quát và các bộ phận sửa chữa 21.0
– Yểm trợ y tế (Nhà Thương & Tiếp Liệu) 7.0
– Máy bay (2 C-130), đồ phụ tùng, trang bị yểm trợ dưới đất, và
sửa chữa phi trường 44.9
– Phí tổn chuyên chở đồ tiếp liệu và trang bị 93.7
TỔNG CỘNG $722.2 Triệu
Chúng tôi ước lượng rằng khối lượng các vật liệu trên có thể được chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 45 ngày có sự cung cấp các ngân khoản. Điều phải được hiểu rằng không có sự cấp khoản bổ túc này, số tiếp liệu đạn dược của QLVNCH sẽ bị cạn kiệt trước khi kết thúc tài khóa năm nay với mức độ tác chiến hiện tại. Sự tái thành lập các đơn vị không có hiệu năng tác chiến sẽ không khả thi nếu không có việc cấp khoản bổ túc.
Ngoài sự thỏa mãn các yêu cầu quân sự tức thời này, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm các sự chuẩn chi riêng biệt cho sự cứu trợ tỵ nạn. Chính Phủ Việt Nam sẽ không thể bị gánh vác chi phí về việc tái định cư hơn một triệu người tỵ nạn khi các nguồn tài nguyên của nó đã sẵn được cần tới cho cuộc chiến đấu để sinh tồn của họ.
Không có và không thể có bất kỳ sự bảo đảm nào rằng các hành động mà tôi đề xuất sẽ đủ để ngăn cản sự chính phục của Bắc Việt. Tuy nhiên, nỗ lực cần phải được thực hiện. Những gì bị va chạm tại Việt Nam hiện nay là sự khả tín của Hoa Kỳ như một đồng minh. Chúng ta không được từ bỏ mục đích của chúng ta về một Nam Việt Nam tự do và độc lập [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch] ./-
—–
* Xem Bảng (Table), Bảng B (Tab B), để có thêm chi tiết. Con số này không bao gồm công tác quản trị hành chính và số nhân viên yểm trợ tác chiến, cũng không bao gồm các đơn vị Việt Cộng thuộc phạm vi cấp tỉnh và quận.
** Xem Bảng, Bảng C, để có thêm chi tiết. Các con số này không bao gồm Không Quân hay Hải Quân Nam Việt Nam, cùng như các Lực Lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, Các Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến hay các đơn vị linh tinh khác không thuộc QLVNCH. Quân số ước lượng cho các Lực Lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của Chính Phủ Việt Nam được bao gồm trong bảng như một phần của quân số vũ trang tổng quát của Chính Phủ Việt Nam. Với một số ngoại lệ cá biệt, các đơn vị diện địa này, tuy thế, đã không hữu hiệu trong các chiến dịch hồi Tháng Ba tại Vùng 1 và Vùng 2, thường phân tán hay giải tán khi có các sự thăm dò nghiêm trọng đầu tiên (hay ngay sự xuất hiện) của các đơn vị trận tiền của Quân Đội Bắc Việt. Các vị chỉ huy LQVNCH tại Vùng 3 và Vùng 4 nói chung nghi ngờ các lực lượng diện địa sẽ có hiệu năng hơn khi đối diện với các cuộc tấn công nặng nề của Bắc Việt tại nửa phần dưới của xứ sở. Hậu quả, các lực lượng diện địa đang được nâng cấp vào cơ cấu chính quy của LQVNCH.
*** Xem Các Bản Đồ (Bảng D: Tab D).
___
PHỤ LỤC 1
QUÂN SỐ QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT/SỐ VŨ KHÍ GIA TĂNG CỦA QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT
TẠI VIỆT NAM CỘNG HÒA KỂ TỪ KHI NGƯNG BẮN
(Mọi Con Số Đều Là Số Ước Lượng Xấp Xỉ)
PHỤ LỤC 2
THỐNG KÊ CỦA DAO (VĂN PHÒNG TÙY VIÊN QUÂN SỰ)
VỀ VIỆT CỘNG/QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT 03
CÁC ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN QUAN TRỌNG TẠI VIỆT NAM CỘNG HÒA
*****
PHỤ LỤC 3
BẢNG THỐNG KÊ
CÁC ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN TẠI NAM VIỆT NAM
(SỐ ĐƠN VỊ) (QUÂN SỐ)
QUÂN SỐ / SỐ VŨ KHÍ GIA TĂNG CỦA QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT
TRONG PHẦN ĐẤT VIỆT NAM CỘNG HÒA TỮ KHI NGƯNG BẮN
(Các con số đều là số ước lượng xấp xỉ, gần đúng)
CÓ TRONG TAY DU NHẬP THÊM TỔNG CỘNG DU NHẬP THÊM SỐ GIA TĂNG CHUYỂN
CHO ĐẾN VÀO NAM
Loại Vũ Khí 23/1/73 1/3/75 1/3/75 1/3 – 1/4/75 23/1/73-1/4/75 1/4/75
Trọng Pháo 85-105 270-380 355-485 15 285-395 30-40
(85,122,130 ly)
Phòng Không
12.8,14.5, 23, 700 800 1500 250 1050 250
SA-2 — 15-25 Dàn Phóng 15-25 Dàn 16-25 Dàn 31-50 Dàn Có thể 50-75
Dàn Phóng
SA-3 — — — — — —
Xe Tăng
PT76,T54 90-115 575-635 655-750 20-30 595-665 Không rõ
T63, v.v…
Đã Đến Từ Đã Đến Trong Số Được Phát Hiện Ước Lượng Số Đến Nơi TỔNG CỘNG
28/1/73-1/3/75 Tháng 3, 1975 Đã Đến Tháng 4 Bổ Túc Trong Tháng 4
Số quân xâm nhập
Đã Đến Đất VNCH 195,400 19,400 23,400 10,000 248,300
*****
PHỤ LỤC 2
[?Văn Phòng] DAO, VIỆT CỘNG/QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT 03[?]
CÁC ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN CHÍNH TRONG PHẦN ĐẤT VIỆT NAM CỘNG HÒA
Tháng 1/73 3/75 4/75 (thay đổi so với 3/75) Chuyển xuống Nam
SĐ TĐ SĐ LĐ TĐ SĐ LĐ TĐ SĐ TĐ
Toàn quốc 17 97 20 (+3) 4(+4) 117(+20) 22(+2bb) 4(0) 123(+6bb) 4 16 (12bb, 3pk,
(16bb,1pk) (85bb, (15bb,1pb (1bb, (65bb,16pb, Không (3bb, 1SAM)
12pk) 3pk,1đc) 2pb, 4tg,24pk, đổi) 1pk)
1tg) 1SAM,7đc)
Quân Khu 1 9 (8bb,1pk) 50 6(-3) 4(+4) 46(-4) 6 4 50(+1bb)
(39bb/ (4bb, 2pk?) (1bb, (20bb,6pb, (Không đổi) (Không
pb, 2pb, 2tg,17pk, đổi)
11pk) 1tg) 1SAM)
Quân Khu 2 3bb 10bb/ 4bb(+1) 23(+13) 6(+2) 27(+4)
pb) (15bb,3pb, (1bb,1pk) (3bb,1pk)
1tg,4pk)
Quân Khu 3 2bb 17 7(+5) 31(+14)[?] 8(+1bb) 34(+3bb)
(16bb, (4bb,1pb, (15bb,5pb,
` 1pk) 1đc,1pk) 1tg,1đc,3pk)
Quân Khu 4 3bb 20bb 3bb(không 18(-2) 3bb 18
đổi) (15bb,1đc (Không đổi) (Không đổi)
2pb)
_________
[Các chữ viết tắt trong bản dịch: SĐ: Sư Đoàn, TĐ: Trung Đoàn, LĐ: Lữ Đoàn, bb: bộ binh, pk: phòng không, pb: pháo binh, tg: thiết giáp, đc: đặc công, SAM: hỏa tiễn SAM]
*****
PHỤ LỤC 3
CÁC ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN TẠI NAM VIỆT NAM
(SỐ ĐƠN VỊ) (QUÂN SỐ) [CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA]*
CUỐI THÁNG 1, 1975
QUÂN KHU 1 QUÂN KHU 2 QUÂN KHU 3 QUÂN KHU 4 QUÂN SỐ VNCH
TĐ BB (10) 16,000 (7) 11,500 (9) 14,800 (9) 10,800 (35) 53,100
LĐ TG ( 1) 1,300 (1) 2,000 (1) 1,700 (1) 1,100 ( 4) 6,100
TĐ PB ( 6) 7,800 (3) 3,900 (4) 5,200 (4) 5,000 (17) 21,000
LĐ BĐ ( 4) 4,800 (7) 8,400 (4) 5,000 (0) (15) 18,000
TĐ ND ( 3) 4,500 (0) (0) (0) ( 3) 4,500
TĐ TQLC ( 3) 6,000 (0) (0) (0) ( 3) 6,000
Tổng Cộng (27) 40,400 (18) 25,800 (18) 26,700 (14) 16,900 (77)109,800
ĐPQ 20,000 32,000 33,000 40,000 125,000
CUỐI THÁNG 2, 1975
QUÂN KHU 1 QUÂN KHU 2 QUÂN KHU 3 QUÂN KHU 4 QUÂN SỐ VNCH
TĐ BB (10) 16,000 (7) 11,500 (9) 14,800 (9) 10,800 (35) 53,100
LĐ TG ( 1) 1,300 (1) 2,000 (1) 1,700 (1) 1,100 ( 4) 6,100
TĐ PB ( 6) 7,800 (3) 3,900 (4) 5,200 (4) 5,000 (17) 21,000
LĐ BĐ ( 4) 4,800 (8) 9,600 (4) 5,000 (0) (16) 19,400
TĐ ND ( 3) 4,500 (0) (1) 1,500 (0) ( 4) 6,000
TĐ TQLC ( 3) 6,000 (0) (1) 2,200 (0) ( 4) 8,200
Tổng Cộng (27) 40,400 (18) 27,000 (18) 30,400 (14) 16,900 (80)114,700
ĐPQ 19,000 31,000 32,000 34,000 116,000
CUỐI THÁNG 3, 1975
QUÂN KHU 1 QUÂN KHU 2 QUÂN KHU 3 QUÂN KHU 4 QUÂN SỐ VNCH
TĐ BB ( 0) (0) (9) 11,800 [?] (9) 12,000 (18) 23,800
LĐ TG ( 0) (0) (1) 1,500 (1) 1,500 ( 2) 3,000
TĐ PB ( 0) (0) (5) 6,500 (4) 5,000 ( 9) 11,500
LĐ BĐ ( 0) (0) (5) 6,200 (0) ( 5) 6,200
TĐ ND ( 0) (0) (3) [?] (0) ( 3) 4,500
TĐ TQLC ( 0) (0) (0) 5,000 [?] (2) [?] ( 2) 5,000
Tổng Cộng ( 0) 0 ( 0) 0 (23) 35,500 (16) 18,500 (39) 54,000
ĐPQ 0 0 31,000 34,000 63,000
* Chỉ kể quân số của các đơn vị có hiệu năng tác chiến, không gồm số quân còn thất lạc rải rác, đang tuyển mộ, đang huấn luyện, v.v….
—-
[Các chữ viết tắt trong bản dịch: TĐ BB: Trung Đoàn Bộ Binh, LĐ TG: Lữ Đoàn Thiết Giáp, TĐ PB: Trung Đoàn Pháo Binh, LĐ BD: Liên Đoàn Biệt Động,
TĐ ND: Trung Đoàn Nhảy Dù, TĐ TQLC: Trung Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, ĐPQ: Địa Phương Quân]
*****
PHỤ LỤC 4
BẢN ĐỒ KIỂM SOÁT LÃNH THỔ CỦA
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM/CỘNG SẢN
THÁNG MỘT 1973
PHỤ LỤC 5
BẢN ĐỒ KIỂM SOÁT LÃNH THỔ CỦA
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM/CỘNG SẢN
31 THÁNG BA, 1975
*****
Tài Liệu 4
___
VĂN THƯ GHI NHỚ
TÒA BẠCH ỐC
HOA THỊNH ĐỐN
VĂN THƯ GHI NHỚ LÀM TÀI LIỆU LƯU TRỮ
PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Các Tham Dự Viên Chính Yếu:
Tổng Thống Ford
Phó Tổng Thống Rockefeller
Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry A. Kissinger
Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger
Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Tướng George S. Brown
Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương William Colby
Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll
Thứ Trưởng Quốc Phòng William Clements
Trung Tướng Brent Scrowcroft, Phó Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia
[Có ghi tên nhưng bị xóa bằng mực trắng, ông W. Richard Smyser, nhân viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia]
Ngày & Giờ Thứ Năm, ngày 24 Tháng Tư, 1975
4:35 chiều
Nơi họp: Phòng Họp Nội Các, Tòa Bạch Ốc
Chủ Đề: Cuộc Di Tản tại Việt Nam
Bảo Mật bởi: Henry A. Kissinger [ký tên]
MIỄN TRỪ KHỎI LỊCH TRÌNH GIẢI MẬT TỔNG QUÁT
CỦA LỆNH BÊN HÀNH PHÁP SỐ 112652
LOẠI MIỄN TRỪ: 5R (1.3)
TỰ ĐỘNG ĐƯỢC GIẢI MẬT: Nhật Kỳ Không Thể Xác Định
BỞI SỰ CHO PHÉP CỦA – Tiến Sĩ Henry A. Kissinger
___
Tổng Thống: Như quý ông đều biết, trước khi chúng ta bước vào cuộc di tản tại Phnom Penh, chúng ta đã có một phiên họp. Tôi đã muốn hay biết nhừng kế hoạch của chúng ta ra sao. Nó đã diễn ra vào đúng lúc và trong những điều kiện tốt nhất của tình huống.
Tôi có giữ liên lạc hàng ngày với ông Henry và ông Brent về diễn tiến tình hình tại Việt Nam. Tôi biết Quốc Hội cùng đứng với chúng ta trong chuyện này, để tháo gỡ nó ra khỏi lưng của họ. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là ở lại đó chừng nào mà chúng ta có thể trợ lực, để di tản trong một cung cách sẽ không đẩy mạnh sự hoảng loạn, và để góp phần tới mức tối đa có thể được cho một giải pháp hòa bình.
Giờ đây tôi hiểu chúng ta đã rút từ số 6000 người [Mỹ] xuống còn 1,600 người.
Schlesinger: Nó đã lên lại tới 1,700 người.
Tổng Thống: Tôi đã ra lệnh một sự giảm trừ xuống vào tối Thứ Sáu còn lại 1,090 người.
Schlesinger: Đó là một số lượng lớn trong một ngày.
Tổng Thống: Đó là những gì tôi đã ra lệnh. Sẽ có một lệnh khác rằng đến ngày Chủ Nhật, các nhân viên không phải của chính phủ không thuộc loại cần thiết phải rời khỏi nơi đó. Nhóm còn lại sẽ ở lại cho đến khi lệnh được đưa ra để đem toàn thể họ ra ngoài.
Chúng ta vừa nhận được một sự phúc đáp từ Sô Viết đối với một yêu cầu mà chúng ta đã đưa ra. Henry, xin trình bày cho chúng tôi hay về bối cảnh và thông điệp.
Kissinger: Theo lời yêu cầu của Tổng Thống, tôi đã tiếp xúc với ông Dobrynin [Đại Sứ Liên Bang Sô Viết tại Hoa Kỳ khi đó, chú của người dịch] hôm Thứ Bẩy để yêu cầu sự trợ giúp của họ hầu cho phép một cuộc di tản an toàn và việc khởi sự các cuộc thảo luận chính trị và yêu cầu họ giúp đỡ để tạo ra các điều kiện sao cho điều này có thể khả thi [Xem bản ghi chép lời nhắn miệng của Hoa Kỳ, Bảng A]. Chúng ta cũng nói với ông ta một cách cá biệt hôm Thứ Hai rằng chúng ta sẽ xem là chuyện nghiêm trọng về một cuộc tấn công vào Tân Sơn Nhứt. Chúng ta đã nhận được sự phúc đáp như sau.
[Ông ấy đọc từ điệp văn của Sô Viết nơi Bảng B].
Điều này có nghĩa, trong thực tế, rằng nếu chúng ta duy trì sự đối thoại tiếp diễn, chúng ta có được một sự bảo đảm chống lại hoạt động quân sự trong khi chúng ta rút người của chúng ta ra. Về khía cạnh chính trị, một sự dàn xếp ba thành phần mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một giải pháp liên hiệp có thể tốt hơn một sự đầu hàng. Chúng ta sẽ quay trở lại với Sô Viết để tìm xem họ có ý muốn nói gì về sự thực thi Các Hiệp Ước Paris và để nói rằng chúng ta sẽ hợp tác. Chúng ta sẽ nói chúng ta sẽ không có hành động nông nổi và chúng ta giả định rằng họ cũng sẽ không hấp tấp như vậy.
Tổng Thống: Sự giải thích của tôi rằng sự lắng dịu mà chúng ta đang có là một kết quả của việc này. Quý vị có thể giả định rằng họ vẫn chưa sẵn sàng và sẽ chuyển động khi họ đã sẵn sàng. Điều này trông giống như là họ sẵn lòng cho một thỏa ước trong khuôn khổ Hiệp Định Paris và rằng chúng ta có thể giữ người của chúng ta ở đó, và cắt giảm họ cho đến thời điểm chúng ta quyết định mang họ ra.
Chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Đó là một sự bất trắc và một canh bạc nhưng đó là trách nhiệm của tôi và tôi đã không muốn làm bất kỳ điều gì để làm cho tình hình thêm rủi ro. Tôi nghĩ tôi làm đúng, và tôi sẽ tiếp tục hành động theo cách đó.
Mọi người phải được hướng dẫn bởi con số 1090, và sự di chuyển nhiều hơn các người không thuộc loại cần thiết không thuộc chính phủ. Đây là những người dân Mỹ, không phải các thân nhân gốc Việt Nam, số người mà tôi giả định đang bổ túc vào danh sách hàng ngày, theo một tỷ lệ vào khoảng bốn trên một.
Brown: Khoảng 15 trên 1 trong vài ngày cuối vừa qua.
Kissinger: Tổng Thống đã hỏi Sô Viết về cuộc di tản người Mỹ và người Nam Việt Nam và họ chỉ trả lời về các công dân Mỹ.
Phó Tổng Thống: Làm sao ông nhận ra điều đó?
Kissinger: Tôi nhận định rằng họ đang nói một cách mặc thị “Hãy đem họ ra” nhưng họ không thể mang lại cho chúng ta sự chấp thuận.
Tổng Thống: Tôi nhìn điều đó có nghĩa chúng ta không thể sử dụng vũ lực.
Schlesinger: Chúng ta hân hoan về các sự kiềm chế như thế.
Tổng Thống: Nhưng tôi muốn làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo đảm cho sự di tản người Mỹ. George, xin ông lược duyệt lại kế hoạch cho chúng ta.
Brown: Giai đoan đầu tiên chúng ta hiện đang bước vào. Trong giai đoạn thứ nhì, chúng ta sẽ gửi vào hai đại đội chỉ để giữ gìn trật tự. Nếu chúng ta mất phi trường, chúng ta sẽ di chuyển bằng trực thăng. Chúng ta có hai bãi đáp – một tại khu vực MACV cũ và một tại Tòa Đại Sứ. Chúng ta có thể đáp sáu trực thăng xuống cùng một lúc. Chúng ta sẽ đổ 1100 Thủy Quân Lục Chiến vào trong đó đợt đầu tiên. Các trực thăng sẽ bay vào và di tản 1100 người trong 1 giờ 15 phút. Sau đó chúng sẽ quay trở lại để đón các Thủy Quân Lục Chiến.
Tổng Thống: Như thế tổng số giờ là 2 tiếng rưỡi đồng hồ.
Kissinger: [Đại Sứ] Graham [Martin] nói ông ta có một sự điều đình với vị tư lệnh nhảy dù và ông này sẽ giữ gìn trật tự.
Tổng Thống: Còn về cơn bão thì sao?
Kissinger: Giờ đây không còn nguy hiểm nữa.
Tổng Thống: Tôi nghĩ các mệnh lệnh này gửi cho [Đại Sứ] Martin sẽ giúp chúng ta đáp ứng con số 1100 đòi hỏi.
Clements: Số người Việt Nam mà chúng ta đang nói tới là bao nhiêu?
Kissinger: Tôi không biết.
Colby: Tôi nghĩ chúng ta phải di tản càng sớm càng tốt những người có rủi ro cao độ.
Kissinger: Tôi có nói với ông ta hôm qua và hôm nay để di tản các người có mức độ dễ bị nguy hiểm cao.
Brown: Tôi nghĩ chúng ta nên giữ các số lượng di tản hỗn hợp – các người Mỹ và người Việt Nam – sao cho chúng ta không bị chỉ trích về việc để lại nhân viên Mỹ ở đó làm con tin.
Schlesinger: Thông điệp của Henry là một nguồn tái bảo đảm, nhưng có một vài đầu mối đáng quan tâm. Sự kiểm soát của họ có thể bị giới hạn; có các báo cáo về các đặc công đang xâm nhập; và các báo cáo về việc khuấy động sự bất ổn; và có một số bất trắc về các mưu toan truy kích người Mỹ. Theo thông điệp của Henry, sự kiện đó rõ ràng có thể chế ngự được. Một vấn đề khó khăn hơn là sự kiểm soát dân chúng, đặc biệt trong trong hoàn cảnh mà họ có thể phải nổ súng vào người Việt Nam. Tổng Thống biết rằng chúng ta tán đồng về việc giữ số người còn lại xuống tới mức tối thiểu. Chúng ta phải cứu xét những gì chúng ta sẽ làm nếu các người Mỹ bị giữ làm con tin. Chúng ta có thể nói không tàu chiến nào sẽ tiến vào Hà Nội cho đến khi các con tin được phóng thich. Như thế chúng ta nên giảm thiểu thấp xuống tới mức khả dĩ.
Colby: Chúng ta có một số người đang là các tù nhân.
Schlesinger: Chỉ có các nhà truyền đạo mà.
Colby: Không. Cũng có vài cố vấn.
Tổng Thống: Tôi hiểu sự bất trắc. Đó là phần việc của tôi và tôi đang chấp nhận nó. Nhưng chúng ta hãy bảo đảm rằng chúng ta thi hành các mệnh lệnh.
Phó Tổng Thống: Tổng Thống không thể bảo đảm các quyền lợi của Mỹ mà không gặp các rủi ro.
Tổng Thống: Xin Thượng Đế giúp chúng ta.
Phó Tổng Thống: Cần có sự can đảm thực sự để làm những điều đúng trong các hoàn cảnh này.
***
PHỤ ĐÍNH A
BẢN GHI NHỚ THÔNG ĐIỆP BẰNG MIỆNG
[CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ, GERALD FORD,
ĐẾN TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN SÔ VIẾT LEONID BREZHNEV]
Tổng Thống [Ford] mong muốn lời nhắn sau đây được trình báo khẩn cấp lên Tổng Bí Thư [Đảng Cộng Sản Liên Bang Sô Viết] Brezhnev.
Trong ba năm qua các quan hệ Sô Viết – Mỹ đã tiếp diễn từ Các Nguyên Tắc Căn Bản Tháng Năm 1972, và trên hết từ nguyên tắc kiềm chế. Tình hình tại Việt Nam đã đi tới một mức độ, mà Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết phải cứu xét đến các hậu quả trường kỳ [của các sự khai triển xa hơn tại đó đối với các quan hệ Sô Viết – Mỹ và][đoạn trong ngoặc thẳng đứng nêu trên bị gạch ngang để loại bỏ trong nguyên bản, nên không rõ có được nêu ra trong thực tế hay không, chú của người dịch] đối với các quan hệ quốc tế nói chung. Ít thu thập được gì từ một cuộc tranh luận về các căn nguyên của tình trạng hiện tại hay về phía bên nào phải chịu trách nhiệm.
Trong các tình huống hiện tại, mối quan tâm ưu tiên của chúng tôi là nhằm đạt được các tình trạng kiểm soát được, hầu sẽ cứu vớt được các sinh mạng và cho phép sự di tản tiếp tục các công dân Hoa Kỳ và những người Nam Việt Nam mà với họ chúng tôi có một nghĩa vụ trực tiếp và đặc biệt [in đậm để làm nổi bật nội dung bởi người dịch]. Điều này chỉ có thể đạt được xuyên qua một sự ngưng bắn tạm thời.
Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Chính Phủ của Liên Bang Sô Viết hãy sử dụng các ảnh hưởng của mình để đạt được một sự đình chỉ tạm thời cuộc giao tranh. Về mặt này, chúng tôi sẵn sàng để thảo luận các tình huống chính trị đặc biệt có thể giúp cho việc này trở nên khả hữu. Chúng tôi yêu cầu sự trả lời nhanh chóng nhất.
Các Điểm Nói Miệng
– Chúng tôi sẽ không nhờ Trung Hoa hay bất kỳ nước nào khác làm trung gian; chúng tôi cũng không sẵn lòng tiếp xúc với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [viết tắt DRV trong nguyên bản, chỉ Bắc Việt].
– Chúng tôi nhờ đến Mạc Tư Khoa bởi vì điều nằm trong quyền lợi hỗ tương trường kỳ của chúng ta rằng tình trạng sẽ được đưa đến sự kết thúc của nó theo một cung cách không làm tổn hại đến các quan hệ Sô Viết – Mỹ, hay ảnh hưởng đến thái độ của người dân Mỹ đối với các vấn đề quốc tế.
– Nếu có một cuộc ngưng bắn tạm thời, chúng tôi sẽ chuẩn bị để triệu tập Hội Nghị Paris tức thời, hay chúng tôi có thể cứu xét các giải pháp thay thế mà Sô Viết có thể đạt được với Hà Nội.
– Trong thời gian có một cuộc ngưng bắn tạm thời chúng tôi sẽ sẵn lòng đình chỉ các sự tiếp tế quân sự.
– Nhưng chúng tôi quan tâm rằng sẽ có các cuộc tấn công vào các phi trường, điều sẽ khiến cho việc tiếp tục giảm thiểu một cách trật tự số công dân Mỹ trở nên bất khả thi.
– Hơn nữa, chúng ta có phát hiện các hỏa tiễn địa-không của Sô Viết trong vòng đường kính 50 dặm của Sàigòn; bất kỳ sự tấn công nào vào phi cơ chuyên chở hành khách sẽ tạo ra một tình trạng nguy hiểm nhất.
– Liên quan đến tình hình quân sự đang tiến triển, chúng tôi cần biết giờ đây rằng liệu có một cơ may nào cho một sự đình chỉ tạm thời trong chiến sự hầu có thể cho phép một tiến trình chính trị được bắt đầu.
[ – Sự phúc đáp của Sô Viết sẽ có một tầm liên hệ quan trọng trên các quan hệ của chúng ta.] [đoạn này được ghi trong hai ngoặc đứng, không rõ có được thực sự nêu ra khi nói chuyện hay không, chú của người dịch].
***
PHỤ ĐÍNH B
[PHÚC ĐÁP CỦA TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN BANG SÔ VIẾT, L. E. BREZHNEV
ĐẾN TỔNG THỐNG HOA KỲ, GERALD FORD] [Tựa đề do người dịch đặt ra]
[Các các hàng chữ viết tay trên cùng như sau] Được giao cho ông Bộ Trưởng Ngoại Giao, 4 giờ chiều, ngày 24 Tháng Tư, 1975.
Như đã sẵn được trình bày với Tổng Thống ngay sau khi lời nhắn của Tổng Thống vào ngày 19 Tháng Tư được tiếp nhận bởi ông L. E. Brezhnev, chúng tôi đã thực hiện các bước tiến thích đáng để tiếp xúc với phía Việt Nam về vấn đề này.
Về kết quả của các sự tiếp xúc đó, giờ đây chúng tôi có thể thông báo Tổng Thống như sau: quan điểm của phía Việt Nam về vấn đề di tản các công dân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Việt Nam thì hoàn toàn tích cực. Phía Việt Nam tuyên bố rằng họ không có ý định để đưa ra bất kỳ chướng ngại vật nào trong diễn tiến của các hoạt động quân sự cho cuộc di tản các công dân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Việt Nam và rằng giờ đây trong thực tế các điều kiện thuận lợi đã được thiết lập cho một cuộc di tản như thế.
Cùng lúc điều được nhấn mạnh rằng trong cuộc đấu tranh để đạt được một sự giải quyết chính trị, phía Việt Nam sẽ tiến hành theo Hiệp Định Paris. Chúng tôi cũng được nghe nói rằng phía Việt Nam không có ý định làm thương tổn uy tín của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Thông báo với Tổng Thống về các điều nói trên trong một cung cách kín đáo riêng tư, ông L. E. Brezhnev bày tỏ hy vọng của ông ấy rằng Tổng Thống sẽ tán thưởng một cách thích đáng một lập trường như thế của phía Việt Nam và sẽ không cho phép bất kỳ hành động nào về phía Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ tạo ra nhiều sự trầm trọng mới cho tình hình tại Đông Dương./-
*****
Tổng Thống Ford họp trong Phòng Bầu Dục với Bộ Trưởng Ngoại Giao Kissinger và Phó Tổng Thống Rockerfeller để thảo luận sự di tản người Mỹ ra khỏi Sàigòn, 28 Tháng 4, 1975
Tài Liệu 5
___
PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA
Ngày 28 Tháng Tư, 1975
Tại Phòng Roosevelt Room
Từ 7:23 đến 8:08 tối
Các Tham Dự Viên:
Tổng Thống Ford
Phó Tổng Thống Rockefeller
Bộ Trưởng Ngoại Giao Kissinger
Bộ Trưởng Quốc Phòng Schlesinger
Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân Tướng George S. Brown
Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương William Colby
Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll
Thứ Trưởng Quốc Phòng William Clements
Trung Tướng Brent Scrowcroft, Phó Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia
W. Richard Smyser, nhân viên cao câp, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia]
GIẢI MẬT
Theo Luật E.O 12356, Sec. 3.4
MR 92-10, #21, NSC… […: ba chữ viết tay không rõ, chú của người dịch] 10/7/94
Bởi KAH [Kissingger A. Henry?], Ngày 2/6/95
___
Tổng Thống Ford chủ tọa một phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ
về tình hình tại Việt Nam, 28 Tháng 4, 1975
Tổng Thống: Ông Brent Scowcroft chiều nay có trình tôi bản báo cáo rằng hai Thủy Quân Lục Chiến bị tổn thất, vì thế tôi cảm thấy chúng ta nên triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để thảo luận về tình hình tại Sàigòn.
Ai có thể đưa ra sự cập nhật tình hình.
Colby: Tôi nghĩ tôi có thể làm được.
Những gì đã diễn ra là Việt Cộng đã bác bỏ đề nghị ngưng bắn của ông [Dương Văn] Minh. Giờ đây họ bổ túc thêm đòi hỏi thứ ba, đó là việc giải tán các lực lượng vũ trang của Nam Việt Nam. Biên Hòa đang trong tiến trình sụp đổ. Việt Cộng đã cắt đứt con đường xuống vùng châu thổ và đang tiến vào Vũng Tàu.
Tình trạng đang rất nguy hiểm. Quân Bắc Việt đang mang pháo binh có tầm bắn vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Lúc 4 giờ sáng, họ đã pháo một loạt các hỏa tiễn vào Tân Sơn Nhứt. Loạt pháo kích này đã giết chết các Thủy Quân Lục Chiến. Loạt phóng hỏa tiễn này được tiếp nối bởi việc khai hỏa trọng pháo 130 milimét. Một số đạn pháo binh này đã đánh vào phía Hoa Kỳ, không phải vào phía Việt Nam như tối hôm trước.
Ba máy bay đã bị bắn hạ. Tất cả đều của Việt Nam. Chúng gồm một chiếc C-119, một chiếc A-1, và một máy bay trực thăng A-37. Chiếc kể sau bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn SA-7. Sự hiện diện của các hỏa tiễn này làm gia tăng yếu tố rủi ro một cách lớn lao.
Tổng Thống: Hỏa tiễn và các loại pháo khác giờ đây đã ngưng lại hay chưa?
Colby: Thưa không. Nó vẫn đang tiếp tục.
Schlesinger: Tin tức mới nhất nói rằng hiện đang vẫn còn sự khai hỏa trọng pháo vào phi trường. Một chuyến bay của chiếc C-130 đang sắp sửa đi vào để bốc Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO: Defense Attaché Office) ra. Họ hy vọng có thể đáp xuống, nhưng họ có thể bị ra dấu đuổi đi bởi một kiểm soát viên không lưu dươi mặt đất nêu điều đó không khôn ngoan. Các lực lượng trên đất liền của Bắc Việt đang cách Tân Sơn Nhứt một kilômét và đang tiến tới.
Colby: Các lực lượng đó ở cấp trung đội, có lẽ là một hay hai trung đội.
Tổng Thống: Chúng ta không nên khẳng định các sự phán đoán của chúng ta trên hai trung đội. Đám đó gồm bao nhiêu người.
Schlesinger: Khoảng 100 quân.
Tổng Thống: Ông nhận được báo cáo về sự khai hỏa lần cuối diễn ra vào lúc nào?
Schlesinger: Khoảng 30 phút trước đây.
Tổng Thống: Tình trạng phi đạo ra sao?
Schlesinger: Còn đáp được.
Tổng Thống: Ông có các kiểm soát viên không lưu hay không?
Schlesinger: Có ít người dưới mặt đất.
Tổng Thống: Có chiếc máy bay C-130 nào dưới mặt đất không?
Schlesinger: Chỉ có một chiếc, là chiếc bị bắn. Chúng ta đang chất các vũ khí và bom lên máy bay tại Thái Lan. Máy bay của chúng ta bay trên không cho sự không yểm tiềm ẩn, nhưng chúng đang ở trên mặt biển.
Tổng Thống: Các bom này thuộc loại gì? Có phải chúng là loại bom “tinh khôn” (smart bombs) hay không?
Brown: Chúng là các quả bom bằng sắt thường lệ. Máy bay không mang các trái bom “tinh khôn” trừ khi chúng có trang bị đặc biệt.
Tổng Thống: Ông có bao nhiêu nhân viên của DAO (Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự) [chờ đợi] tại phi trường.
Schlesinger: Khoảng 400 người, kể cả các nhân viên kết ước.
Tổng Thống: Nếu C-130 đáp xuống được, chúng phải làm việc đó. Có bao nhiêu [C-130] ở đó?
Brown: Kế hoạch dự trù 70 phi vụ, mỗi chiếc trong 35 chiếc máy bay sẽ bay vào hai lần.
Tổng Thống: Ai sẽ quyết định rằng liệu chúng có thể bay vào?
Brown: Kiểm soát viên [không lưu] dưới mặt đất tại Tân Sơn Nhứt.
Tổng Thống: Nếu các cuộc tấn công này tiếp tục, ông ta [kiểm soát viên không lưu] có cho phi cơ bay vào hay không?
Brown: Nếu đó là do pháo binh pháo kích, anh ta sẽ xua máy bay đi. Nếu đó là sự khai hỏa hỏa tiễn, anh ta sẽ cho máy bay bay vào.
Anh ta đã có một lời nhắn hôm qua rằng một đơn vị pháo binh sắp bắn vào hai mục tiêu. Giờ đây họ đã bắn vào hai mục tiêu đó, một bãi đậu máy bay và một nhà tập thể dục được dùng để làm thủ tục.
Tổng Thống: Để làm thủ tục cho người Việt Nam?
Brown: Thưa vâng.
Kissinger: Đó là trọng pháo hay do hỏa tiễn.
Schlesinger: Không biết chắc chắn.
Brown: Điều làm tôi lo ngại hơn sự khai hỏa pháo binh là báo cáo về một máy bay bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn SA-7. Các phi cơ trực thăng hay máy bay không có cách phòng vệ chống lại SA-7. Cách duy nhất để làm lạc hướng các phi tiễn (missiles) là dùng các hỏa châu, nhưng tôi không chắc là các máy bay mà chúng ta đang sử dụng có trang bị để làm việc này hay không. Dĩ nhiên, chúng ta phải thực hiện sứ mệnh của mình, nhưng nếu sự rủi ro trở nên quá lớn, chúng ta có thể cần phải đình chỉ cuộc không vận.
Tổng Thống: Nếu sự rủi ro quá lớn, nhân viên dưới mặt đất phải phán đoán. Chúng ta không thể làm điều đó. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tiến tới việc rút các nhân viên của DAO cũng như của Tòa Đại Sứ ra ngoài. Đó là một khả tính.
Nếu chúng có thể đáp xuống đât, chúng phải thi hành chiến dịch như trước đây. Nhưng khi nhận thấy tình hình trở nên quá nguy hiểm, hai chuyến C-130 cuối cùng phải bốc nhân viên DAO ra ngoài.
Tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục các hoạt động nếu nhân viên dưới mặt đất cho hay các điều kiện an toàn, nhưng nếu trở nên khó khăn hai chuyến máy bay còn lại chúng phải chở cho hết nhân viên của DAO chứ không phải người Việt Nam [câu này trong nguyên bản là văn nói, sai văn phạm nên hơi khó hiểu nhưng vẫn có thể hiểu được ý tưởng chính một cách chính xác, chú của người dịch].
Kissinger: Tôi có nói chuyện với [Đại Sứ] Graham Martin. Tôi nghĩ nhân viên DAO cách nào đi nữa cũng phải di tản ra ngoài. Tôi cũng nghĩ Tòa Đại Sứ cần phải giảm dần nhân viên. Nếu chúng ta phái tiến đến việc khai hỏa dập tắt [các dàn phóng phi tiễn SA-7 và pháo binh Bắc Việt, chú của người dịch], khi đó chúng ta phải di tản người dân Mỹ. Nếu không, sự việc quá bất trắc.
Schlesinger: Hiện không có sự cho phép bắn để trấn áp, chỉ có lệnh không vận bằng phi cơ trực thăng.
Tổng Thống: Nếu chúng ta không khai hỏa cho đến khi địch bắn ra, chúng ta nhất định sẽ tổn thất một số phi cơ trực thăng bởi các phi tiễn SA-7.
Schlesinger: Đó là một vũ khí khó đương đầu.
Brown: Chúng ta không thể làm gì nhiều về chúng.
Tổng Thống: Sẽ có không yểm bên trên hay không?
Brown: Bất kỳ khi nào Tổng Thống ra lệnh. Cũng vậy, cho các chiếc tàu bay chở xăng dầu [tankers trong nguyên bản, để tiếp tế nhiên liệu trên không, chú của người dịch].
Tổng Thống: Chúng ta không cần phải có sự không yểm ngay cả cho các chuyến C-130 hay sao?
Brown: Chúng ta có thể làm điều đó, như ông Jim Schlesinger nói. Các máy bay và các chiếc tàu bay chở nhiên liệu đã sẵn sàng.
Tổng Thống: Sẽ mất bao nhiêu thời gian trước khi máy bay bay vào?
Schlesinger: Có hai vấn đề. Trước tiên, một khi chúng ta tiến tới mức chúng ta phải cần có không yểm, chúng ta phải rút ra trong mọi trường hợp.
Kissinger: Tôi nghĩ nếu địch nhìn thấy có không yểm, điều đó hữu ích đấy chứ.
Tổng Thống: Nếu chúng ta có không yểm mà không sử dụng nó, địch vẫn sẽ có đủ radar để bắt được sự hiện diện của chúng ta.
Brown: Đám pháo binh [địch] không nhận ra được. Đám phóng SA-7 [địch] cũng không nhận ra được.
Tôi nghĩ chúng ta không nên điều động sự không yểm cho đến khi chúng ta sẵn sàng sử dụng nó. Bất trắc của hành động như thế là vì nó sẽ chỉ được áp dụng để làm một công tác, chứ không phải để bị bắt gặp trên hệ thống radar.
Schlesinger: Địch có thể chỉ đang làm việc khai hỏa để gây đổ máu cho chúng ta. Nếu địch nhìn thấy các chiến đấu cơ, họ có thể bắn vào ta dữ dội.
Kissinger: Dĩ nhiên, điều đó có thể cho hiệu ứng ngược lại. Ngay dù một số các đơn vị địa phương của họ không nhìn thấy máy bay của chúng ta trên hệ thống radar, giới chỉ huy cao cấp ở Hà Nội sẽ biết về nó một cách rất mau lẹ. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ gia tăng các cuộc tấn công của họ.
Schlesinger: Họ có thể có các lệnh được sắp xếp trước để tấn công chúng ta.
Brown: Tôi nghĩ họ đã bãi bỏ sự hưu chiến. Các trung đội mà chúng ta đã nói tới đang được theo sau bởi nhiều đơn vị nữa. Họ đã xâm nhập vào cùng khu vực trong cuộc công kích Tết [Mậu Thân]. Họ sẵn sàng cho một trận đánh vào Tân Sơn Nhứt.
Tổng Thống: Nếu chúng ta quyết định về sự không yểm, chúng ta phải tiến tới việc di tản tại Sàigòn chứ không chỉ ở Tân Sơn Nhứt. Chừng nào chúng ta sẽ hay biết được là liệu các chiếc C-130 có thể đáp xuống?
Brown: Trong vòng một tiếng đồng hồ. Chúng tôi có một đường dây liên lạc với [Đại Sứ] Graham Martin.
Kissinger: Tôi nghĩ chúng ta có ba quyết đinh:
– Trước tiên, chiến dịch tiếp tục trong bao lâu, và liệu các chuyến C-130 chỉ nên chở ra các người dân Mỹ không thôi hay cả với người Việt Nam. Trong bất kỳ trường hợp nào, hôm nay rõ ràng là ngày cuối cùng cho các hoạt động của phi cơ có cánh cố định.
– Thứ nhì, liệu Tổng Thống có muốn có một sự không yểm bay trên vùng Tân Sơn Nhứt hay ở bất kỳ nơi đâu mà người di tản có thể được bốc hay không.
– Thứ ba, khi nào chúng ta khai hỏa trấn áp. Về khía cạnh này, tôi đồng ý với ông Jim rằng nó chỉ nên được sử dụng khi rút người Mỹ ra ngoài.
Sự quan tâm của tôi là việc cân nhắc về sự bất trắc của việc bãi bỏ một sự ngưng bắn nếu địch chưa quyết định làm như thế. Tôi nghĩ nếu họ nhìn thấy không yểm của Mỹ điều đó sẽ có một hiệu quả tốt.
Schlesinger: Tôi nghĩ chúng ta có thể bay vào trong khu vực với ít thiết bị quân sự hơn.
Clements: Nếu Tổng Thống quyết định đây là ngày cuối cùng cho sự di tản người bên dân sự, chúng ta có thể tiến hành trên căn bản đó.
Tổng Thống: Tôi nghĩ thế. Đây là ngày cuối cùng cho sự di tản người Việt Nam.
Kissinger: Như thế, nhân viên DAO sẽ ra ngoài cùng với họ.
Brown: Liên quan đến việc liệu sự không yểm của chúng ta sẽ bị phát hiện hay không. Chúng ta đang bố trí một hệ thống yểm trợ hải quân Navy CAP bên trên tầng không yểm và [Đô Đốc] Gayler [?Tư Lịnh Hạm Đội Thái Bình Dương khi đó, chú của người dịch] đã ra lệnh chúng can thiệp và quấy nhiễu (jam) radar của SA-2.
Tổng Thống: Phi tiễn SA-7 không thể bị quấy rối hay sao?
Brown: Thưa không. Nó là loại tầm nhiệt.
Scowcroft: Chúng ta vừa mới nhận được một báo cáo rằng phi trường vẫn còn đang bị bắn phá. Hai trung đội quân Bắc Việt hãy còn trong khu nghĩa địa gần Tân Sơn Nhứt. Chiếc C-119 bị bắn rơi trên vùng phi trường, và một máy bay khác ở chỗ khác. Chúng ta cũng biết rằng các chiếc C-130 đang trên đường tới nhưng chưa đáp xuống đất.
Schlesinger: Bắc Việt có 4000 đặc công trong Sàigòn. Họ sẽ bắn vào Tòa Đại Sứ nếu chúng ta khai hỏa tấn công.
Kissinger: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta khai hỏa, chúng ta phải rút toàn thể Tòa Đại Sứ ra ngoài. Có thể chúng ta phải cứu xét việc để lại một hạt nhân các người tình nguyện, nhưng tôi sẽ rút hết mọi người ra ngoài. Quân Bắc Việt có ý định sỉ nhục chúng ta và xem ra sẽ thiếu khôn ngoan nếu để lại người ở đó.
Tổng Thống: Tôi đồng ý. Tất cả phải rời đi.
Chúng ta giờ đây đã lấy hai quyết định:
– Thứ nhất, hôm nay là ngày cuối cùng của sự di tản người Việt Nam.
– Thứ nhì, nếu chúng ta khai hỏa, người của chúng ta sẽ ra đi.
Chúng ta sẵn sàng để đi đến một cuộc không vận bằng trực thăng hay không?
Brown: Thưa vâng, nếu Tổng Thống hay Đại Sứ Martin ra lệnh như thế, chúng ta có thể có chúng [các phi cơ trực thăng, chú của người dịch] ở đó trong vòng một tiếng đồng hồ.
Kissinger: Tôi hiểu rằng các mệnh lệnh của Tổng Thống là người Việt Nam phải rời đi trong hôm nay, và rằng nhân viên DAO và phần lớn nhân viên Tòa Đại Sứ sẽ phải ra đi bằng số máy bay có cánh cố định còn lại.
Tổng Thống: Tôi nghĩ họ cần phải được rút đi dần dần.
Kissinger: Một ban nhân viên giảm thiểu phải ở lại tại Tòa Đại Sứ. Nếu có một sự khai hỏa trấn áp, chúng ta thi hành kế hoạch di tản tất cả người Mỹ. Nếu chúng ta phải ra đi, ưu tiên sẽ dành cho người Mỹ.
Schlesinger: Chúng ta cũng phải rút nhân viên Tòa Đại Sứ ra ngoài ngày hôm nay.
Kissinger: Đúng thế.
Chúng ta không nên để lọt tin này ra ngoài rằng đây là ngày cuối cùng cho sự di tản các thường dân phía dân sự.
Phó Tổng Thống: Báo chí có hay biết về việc hai Thủy Quân Lục Chiến bị giết hại hay không?
Schlesinger. Thưa có. Chúng ta sẽ nhìn thấy bốn vị Chủ Tịch [?] phản ứng ra sao [người dịch không rõ nghiã câu này: “We will see how the four Chairmen react”, chỉ đoán chừng là các hệ thống truyền thông khi đó tại Mỹ, chú của người dịch].
Brown: Ông bộ trưởng có nói các người dân Mỹ phải có ưu tiên nếu chúng ta phải chấm dứt cuộc không vận, nhưng chúng ta sẽ không hay biết về điều này. Chúng ta sẽ không biết trước đâu là chuyến máy bay cuối cùng.
Schlesinger: Chúng ta phải dành cho họ một sự ưu tiên kín đáo.
Tổng Thống: Chúng ta phải để việc đó cho Tướng Smith [Tùy Viên Quân Sự Mỹ cuối cùng tại Sàigòn, chú của người dịch] sắp xếp dần dần việc di tản họ.
Kissinger: Nếu người Mỹ bước lên chuyến máy bay đầu tiên, tình hình sẽ vượt ra ngoài sự kiểm soát. Chúng ta phải phân cách họ ra. Các người phải ở lại sau cùng là toán phụ trách cuộc di tản của người Việt Nam. Các người khác phải rời đi.
Tổng Thống: Chúng ta phải trộn lẫn họ với nhau. Chúng ta không muốn có quá nhiều người ở đàng cuối.
Brown: Tôi không muốn trông thấy các người Mỹ đứng ở đó chờ đợi chuyến may bay cuối cùng.
Schlesinger: Có một câu hỏi, ông Henry, mà chúng ta cần nghĩ đến. Khi sự việc được hay biết vào cuối ngày rằng đây là ngày cuối cùng, điều đó sẽ có khơi dậy cuộc hỗn loạn chống lại Tòa Đại Sứ chúng ta hay không?
Kissinger: Tôi tin có điều đó, khi chính phủ mới xuất hiện, các nghĩa vụ của chúng ta được kết liễu.
Ngay dù không có việc pháo kich, chúng ta có thể có một sự biến thể của Chính Phủ của ông [Dương Văn] Minh từ một chính phủ thân Mỹ sang một chính phủ trung lập thành một chính phủ chống Mỹ. Điều này có thể xảy ra trong tuần này.
Để trả lời câu hỏi, nó có thể tạo ra tình trạng hoảng loạn. Nó cũng có thể khiến cho Chính Phủ [ông Minh] thù hận chúng ta. Với 150 người, điều này sẽ dễ quản trị hơn.
Tổng Thống: Phi cơ của chúng ta chỉ cách xa một tiếng đồng hồ bay. Ngay dù có muộn hơn trong ngày hôm nay, nếu tình hình tồi tệ nhanh hơn mức chúng ta dự tưởng, chúng ta có thể sẽ ra đi.
Brown: Chúng ta có khoảng cách 25 phút từ một chiếc tàu đến Tòa Đại Sứ. Chúng ta có thể ra đi theo các mệnh lệnh của Tổng Thống hay của [Đại Sứ] Graham Martin.
Schlesinger: Có một xác xuất về một cuộc tấn công ban đêm.
Kissinger: Tôi nghĩ Tòa Đại Sứ thì an toàn hơn trước một cuộc tấn công quy ước so với khu vực DAO.
Tôi nghĩ trong ban ngày ngày mai Tổng Thống sẽ có thể cần quyết định rằng liệu Tổng Thống có muốn rút Tòa Đại Sứ ra ngoài vào tối mai hay không. Tổng Thống sẽ giảm thiểu tối đa sự hoảng loạn nếu Tổng Thống không dẫn nhân viên Tòa Đại Sứ ra Tân Sơn Nhứt. Như thế, Tổng Thống có thể cần dùng khu vực Tòa Đại Sứ cho cuộc di tản.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải rút mọi người mà chúng ta có thể rút ra vào hôm nay, và sau đó quyết định về [nhân viên] Tòa Đại Sứ vào ngày mai.
Tổng Thống: Điều gì sẽ xẩy ra nếu máy bay C-130 không thể đáp xuống; khi đó chúng ta không thể chở người ra ngoài bằng máy bay có cánh cố định.
Kissinger: Tổng Thống khi đó có thể cho thực hiện một cuộc không vận khẩn cấp tại khu vực Văn Phòng DAO và tại Tòa Đại Sứ, và Tổng Thống không có sự lựa chọn ngoài việc cho di tản tất cả mọi người. Khi đó Tổng Thống cũng có thể phải đi đến việc cho khai hỏa trấn áp.
Schlesinger: Tôi nghĩ chúng ta vẫn phải cố gắng để máy bay C-130 có thể bay vào được.
Brown: Chúng ta sẵn sàng để chở người ra ngoài tại Tân Sơn Nhứt hơn là tại Tòa Đại Sứ, bởi vì tại nơi kể sau, chúng ta cần phạt nhổ cây cối và khai quang bãi đậu.
Tổng Thống: Trước tiên chúng ta cần xem xét những gì xảy ra tại Tân Sơn Nhứt. Sau đó chúng ta phải dùng đến sự không vận từ khu vực Văn Phòng DAO và Tòa Đại Sứ.
Kissinger: Nếu họ [địch] duy trì các cuộc tấn công của họ, đó là vì họ đã quyết định bóp chẹn chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ phải rút mọi người ra ngoài.
Tổng Thống: Ai là người thi hành?
Kissinger: Tôi đề nghị chúng ta soạn thảo một điệp văn tại đây, được thông qua bởi ông Jim và [Tướng] George, và trình lên Tổng Thống. Chúng ta sau đó sẽ gửi điệp văn đến [Đại Sứ] Graham Martin. Ông Jim có thể gửi cùng điệp văn cho [Tướng] Gayler xuyên qua hệ thống của ông ấy.
Khi đó mọi người cần phải hay biết những gì chúng ta đang làm.
Clements: Nếu chúng ta không thể cho máy bay C-130 đáp xuống, chúng ta sẽ cần lấy một quyết định trọng yếu vào giữa đêm hay 1 giờ sáng.
Tổng Thống: Quyết định đó sẽ là liệu chúng ta có rút ra khỏi đó hay không.
Schlesinger: Liệu chúng ta có nên làm suy yếu pháo binh địch trước tiên hay không?
Brown: Tôi sẽ không lưu tâm đến pháo binh địch đối với sự không vận bằng phi cơ trực thăng nếu pháo binh nhắm vào phi trường. Nhưng nếu địch pháo vào khu vực Văn Phòng DAO hay vào Tòa Đại Sứ, chúng ta không thể bay vào. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta hy vọng rằng họ không thể di chuyển quá mau lẹ. Trong trường hợp thứ nhì, chúng ta có thể cần đến việc trấn áp [pháo binh của địch].
Kissinger: Nhưng Tổng Thống sẽ cho không yểm trong bất kỳ trường hợp nào để bảo vệ cuộc không vận.
Tổng Thống: Lực lượng không yểm giờ này đang ở đâu?
Brown: Tôi đề nghị rằng không yểm sẽ diễn ra khi chúng ta tiến tới việc không vận bằng phi cơ trực thăng.
Tổng Thống: Chúng ta có thể chờ đợi cho đến khi chúng ta thấy rằng liệu các máy bay C-130 có thể bay vào và đáp xuống hay không. Nếu chúng không đáp xuống được, chúng ta khi đó sẽ áp dụng Giải Pháp số 3. Quyết định sẽ được cưỡng hành tùy theo việc các máy bay C-130 có thể hay không có thể hoạt động.
[Mọi người] có đồng ý việc đó hay không? [Mọi người đều gật đầu]./-
Tổng Thống Ford thảo luận về sự di tản của Sàigòn với Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger và Phó Phụ Tá An ninh Quốc Gia Brent Scowcroft trong một buổi hop khuya tại Tòa Bạch Ốc , 28 Tháng 4, 1975
*****
Nguồn bài và ảnh: Thư Viện/Bảo Tàng Viện Tổng thống Ford, Gerald R. Ford Presidential Library & Museum, Ford Library, 1000 Beal Avenue, Ann Arbor, MI 48109
Ngô Bắc dịch và phụ chú
25/04/2011
(*) Đôi dòng về dịch giả Ngô Bắc:
Ngô Bắc là bút hiệu của Ngô Ngọc Trung Tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh,
và đại học Luật Khoa Sài Gòn, 1972
Với tư cách là chuyên viên nghiên cứu tại Văn Khố Đông Dương (Indochina Archives),
của viện Institute For East Asian Studies, UC Berkeley, trong suốt thập niên 1990, ông đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam như Hạ Tầng Cơ Sở Của Giao Thông Và Viễn Thông Việt Nam, Ngư Nghiệp Và Thủy Hải Sản Việt Nam, Triển Vọng Xuất Cảng Các Loại Cây Kỹ Nghệ Của Việt Nam, Vấn Đề Chuyển Giao Công Nghệ, Giáo Dục Việt Nam, Bang Giao Hoa Kỳ – Việt Nam …
Ông cũng là một trong những người tham gia việc biên soạn bộ Bách Khoa Tự Điển Encyclopedia of the Vietnam War, A Political, Social, And Military History,
do nhà xuất bản ABC – CLIO, Inc phát hành năm 1998