Nikkei: Indonesia ‘vượt’ Ấn Độ, trở thành ổ dịch lớn nhất châu Á
Ảnh: Youtube/Sky News.
Theo hãng tin Nikkei Asia, Indonesia đã vượt Ấn Độ và trở thành tâm dịch lớn nhất châu Á với số ca mắc virus corona mới mỗi ngày trên ngưỡng 40.000 trong hai ngày liên tiếp.
Indonesia ngày 13/7 ghi nhận 47.899 ca mắc mới trong 24 giờ, phá vỡ kỷ lục 40.427 ca được thiết lập một ngày trước đó.
Tại Ấn Độ, nơi từng là ổ dịch lớn nhất châu Á, số trường hợp nhiễm virus corona mới ghi nhận trong ngày 13/7 ở ngưỡng 32.906, giảm 4.248 ca so với một ngày trước đó.
Theo phân tích của Nikkei Asia, Indonesia hiện có khoảng 270 triệu dân, chỉ bằng 1/5 so với Ấn Độ. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại nước này lại cao hơn Ấn Độ. Tương quan giữa số bệnh nhân so với dân số ở Indonesia là 132 ca trên một triệu người, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ là 26 ca trên một triệu người.
Bình quân cứ một triệu người ở Indonesia thì có 3 ca tử vong vì COVID-19, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ là 2 ca tử vong trên một triệu dân.
Tỷ lệ số người dương tính với virus corona trên tổng số trường hợp xét nghiệm ở Indonesia dao động quanh ngưỡng 30% trong tuần đầu tháng 7, trong khi con số này ở Ấn Độ là 2%.
Ấn Độ hiện vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất ở châu Á kể từ khi đại dịch bùng phát với hơn 30,9 triệu trường hợp dương tính với virus corona và 410.784 ca tử vong tính đến ngày 13/7. Xếp thứ hai là Indonesia với 2.615.529 ca nhiễm và 68.219 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, trong khi diễn biến dịch tại Ấn Độ trên đà hạ nhiệt so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 5, đợt bùng dịch tồi tệ nhất của Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Các bệnh viện ở Indonesia đã quá tải, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc, tình trạng thiếu oxy được báo cáo rộng rãi trong những ngày vừa qua. Hiện nhiều nước khẩn cấp gửi oxy đến Indonesia gồm Singapore, Australia.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin hôm 13/7 cho biết Indonesia cần thêm 20.000 y tá và 3.000 bác sĩ để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm.
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình Myanmar
Nikkei – Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 14/7 cho biết Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình ở Myanmar.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN), ông Blinken cũng cho biết Hoa Kỳ có “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Myanmar và kêu gọi nhóm hành động để chấm dứt bạo lực và khôi phục nền dân chủ ở nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố rằng, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi ASEAN thực hiện “hành động ngay lập tức” về sự đồng thuận và bổ nhiệm một đặc phái viên tới Myanmar. Ông Blinken còn yêu cầu trả tự do cho tất cả những người “bị giam giữ bất công” trong nước và khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.
Bên cạnh vấn đề Myanmar, ông Blinken cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ bác bỏ “yêu sách hàng hải trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng Washington “sát cánh với các bên tranh chấp Đông Nam Á khi đối mặt với sự chèn ép của (Trung Quốc)”.
Ngoài Biển Đông, sông Mekong đã trở thành một mặt trận mới trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Bắc Kinh vượt qua Washington về cả chi tiêu và ảnh hưởng đối với các nước hạ nguồn do họ kiểm soát vùng nước của con sông.
Ông Price cho biết Ngoại trưởng Blinken “cam kết tiếp tục hỗ trợ cho một khu vực Mekong tự do và rộng mở trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ.”
Cuộc họp của Ngoại trưởng Blinken với các lãnh đạo ASEAN hôm nay diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao và giới quan sát lo ngại rằng Washington đã không chú ý đủ đến một khu vực có tầm chiến lược quan trọng nhằm chống lại Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Hoa Kỳ
Trong năm 2020 Mỹ ghi nhận con số kỷ lục 93.000 người chết vì quá liều ma túy, tăng 29% so với năm trước đó. Ngoài làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng và trầm cảm của một số người, các biện pháp phong tỏa trong đại dịch còn làm giảm khả năng tiếp cận các chương trình trao đổi kim tiêm, các nhóm hỗ trợ và các biện pháp cấp cứu khác. Nhiều loại thuốc gây chết người, chẳng hạn như fentanyl, cũng trở nên phổ biến hơn.
Norwegian Cruise Line đệ đơn kiện phản đối một luật của bang Florida theo đó cấm các công ty du lịch yêu cầu hành khách xuất trình bằng chứng đã tiêm vắc-xin covid-19. Scott Rivkees, người đứng đầu bộ phận y tế của Florida, nói việc yêu cầu chứng nhận tiêm vắc-xin là phân biệt đối xử. Trong khi đó, một chiếc du thuyền khác đã phải quay về Singapore sau khi một hành khách xét nghiệm dương tính với covid-19, buộc tất cả hành khách phải tự cách ly trong cabin.
Mỹ khó lòng cản bước Nord Stream 2
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay sẽ gặp Tổng thống Joe Biden ở Washington, với Nord Stream 2 là trọng điểm trong chương trình nghị sự. Đức ủng hộ mạnh mẽ đường ống trị giá 9,5 tỷ euro (12 tỷ USD) gây tranh cãi giữa nước này với Nga. Nhưng Mỹ thì không, và đã trừng phạt các công ty tham gia đường ống này.
Chính phủ Mỹ lập luận NS2 tạo ra quá nhiều quyền lực thị trường cho Vladimir Putin, nhà lãnh đạo độc tài của Nga. Hiện tại phần lớn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine, giúp thu về cho hãng khí đốt Ukraine Naftogaz khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy Ukraine rất lo lắng trước khả năng NS2 dẫn thẳng khí đốt của Nga tới Đức. Còn Nga cho rằng việc Mỹ bày tỏ quan tâm Ukraine chỉ là vỏ bọc cho mong muốn bán khí đốt cho châu Âu của chính Mỹ.
Mỹ có khả năng thua trong cuộc đấu này. Thái độ kiên quyết của Đức và sự ủng hộ của các công ty năng lượng đối với NS2 đồng nghĩa việc xây dựng sẽ hoàn thành trong năm nay. Và do đó, châu Âu sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga đúng vào thời điểm nguồn cung của chính họ đang cạn kiệt.
Trung Quốc sắp công bố GDP quý
Các nhà phân tích thường rất chào đón các động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc. Nó giúp cho vay dễ dàng hơn và có thể kích thích hoạt động kinh tế. Nhưng một quyết định tương tự của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 9 tháng 7 đã tạo ra một số lo ngại. Điều này là vì Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý II vào hôm nay: tức việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ có thể chỉ là một biện pháp đón đầu vài thống kê bi quan của nền kinh tế.
Bloomberg ước tính tăng trưởng so cùng kỳ năm trước trong quý II sẽ là 8%, giảm so với mức 18,3% trong ba tháng đầu năm. Những người khác còn dự đoán thấp hơn. Hiện người ta đang rất chờ đón con số GDP lần này. Tăng trưởng lành mạnh ở Trung Quốc sẽ giúp kích thích nhu cầu trên khắp thế giới. Nhưng, quan trọng hơn, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Do đó một cuộc phục hồi ấn tượng có thể là điềm báo tốt cho các nước. Trái lại, tăng trưởng không ổn định sẽ là dấu hiệu xấu.
Tình trạng bất ổn cho thấy sự mong manh của Nam Phi
Vốn đã quen với tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng cao, Nam Phi không xa lạ gì với tình trạng bất ổn. Nhưng làn sóng bạo lực trong tuần qua – đặc biệt tồi tệ kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc vào năm 1994 – không chỉ là một tiếng kêu cứu. Nó được kích động bởi những người thân cận với cựu tổng thống Jacob Zuma. Họ muốn ông phải được thả, và gây khó khăn cho tổng thống hiện tại Cyril Ramaphosa.
Tình hình hỗn loạn hiện tại thể hiện sự mong manh của Nam Phi và cho thấy rất khó để thay đổi một hệ thống chính trị tham nhũng thâm căn cố đế. Ông Zuma bị bỏ tù vào ngày 7 tháng 7 vì từ chối hợp tác điều tra tham nhũng diễn ra dưới quyền ông. Còn ông Ramaphosa sau khi được bầu vào năm 2018 đã cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn của người tiền nhiệm, và giao ngành công tố cho những người trung thực có năng lực phụ trách. Song phe cánh của ông Zuma không hoan nghênh sự trở lại của nhà nước pháp quyền. Và giờ đây họ có thể phá hoại nó một lần nữa.
Ba Lan dần tách mình khỏi EU
Tòa án Hiến pháp Ba Lan hôm nay sẽ tiếp tục xem xét liệu hiến pháp nước này có được ưu tiên hơn các hiệp ước của EU hay không. Nếu tòa án quyết định luật Ba Lan được ưu tiên hơn luật châu Âu, thì theo lời Adam Bodnar, nhà lãnh đạo nhân quyền của nước này, Ba Lan sẽ tiến vào con đường bị trục xuất khỏi EU.
Phiên tòa này là tình tiết mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Ba Lan và EU xoay quanh cải cách tư pháp của chính phủ, mà Ủy ban châu Âu nói làm suy yếu nền độc lập tư pháp.
Vì vậy thật phù hợp khi hôm nay cũng là ngày Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết về một vụ do Ủy ban châu Âu đệ đơn chống lại Ba Lan, xoay quanh một chế độ kỷ luật mới đối với các thẩm phán Tòa án Tối cao. Vào ngày 6 tháng 5, Evgeni Tanchev, một trong các luật sư quốc gia của ECJ, đã viết rằng chế độ Ba Lan không phù hợp với độc lập tư pháp. Nếu ECJ đồng ý với ông Tanchev, thì vết nứt giữa Ba Lan và EU sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Cuba: Chính phủ nới lỏng nhập khẩu thuốc và thực phẩm để xoa dịu dân
Một phố ở thủ đô La Habana, Cuba ngày 15/06/2021. REUTERS – ALEXANDRE MENEGHINI
Ba ngày sau cuộc biểu tình lịch sử ở Cuba, chính quyền La Habana đã có những biện pháp nới lỏng sau khi thừa nhận cần « rút ra bài học ». Ngày 14/07/2021, chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel kêu gọi toàn dân đoàn kết, đổ lỗi cho cấm vận Mỹ. Và như để xoa dịu người dân, chính phủ dỡ bỏ một số hạn chế hải quan liên quan đến thực phẩm và dược phẩm. Biện pháp này có hiệu lực đến ngày 31/12/2021.
Thông tín viên RFI Domitille Piron tường trình từ La Habana :
« Giờ là lúc giảng giải, chính phủ tìm cách trấn an và cam đoan với người dân sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn gây chấn động đất nước hôm Chủ Nhật (12/07).
Chính phủ đưa ra một biện pháp như để xoa dịu người dân : Chính phủ sẽ không đánh thuế hay hạn chế nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm vệ sinh, thuốc men. Biện pháp được thông báo vào lúc việc xuất nhập cảnh Cuba đang rất khó khăn.
Chính phủ tiếp tục biện minh cho những khó khăn kinh tế bằng cách tố cáo các biện pháp trừng phạt và cấm vận của Mỹ. Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel lên án hành động phá hoại và thù hằn của nhiều người biểu tình hôm Chủ Nhật. Đồng thời ông cũng phủ nhận có hàng nghìn người bị bắt giữ và lên án những hành vi vu khống, bóp méo thông tin.
Tuy nhiên, trong dân vẫn bao trùm thái độ hoài nghi. Người dân Cuba muốn thay đổi và có nhiều tự do hơn. Với việc lập lại mạng di động từ thứ Tư (14/07), thông tin sai lệch và video tràn ngập trên mạng xã hội. Những người Cuba còn dám nói, thì bị sốc vì những cảnh bạo lực trong nhiều đoạn video được quay lại hôm Chủ Nhật và đồng loạt phản đối lực lượng gìn giữ an ninh trấn áp người dân.
Nhiều gương mặt nổi tiếng, kể cả trong lĩnh vực văn hóa, không còn kín tiếng như thường lệ để ủng hộ người biểu tình và chỉ trích sự trấn áp của lực lượng an ninh ».
Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm gửi tiền về Cuba
Hai nguồn tin cho Reuters biết ngày 14/07 rằng Toà Bạch Ốc có thể giảm bớt các hạn chế chuyển tiền liên quan đến người dân Mỹ gửi về cho gia đình ở Cuba. Mục tiêu chính của tổng thống Joe Biden là để giúp người dân Cuba, đang gặp khó khăn kinh tế do dịch gây ra.
Theo thẩm định, hàng năm có khoảng 2 đến 3 tỉ đô la được gửi về Cuba. Đây là một trong ba nguồn thu lớn của đảo quốc, sau lĩnh vực dịch vụ và du lịch.
Hoa Kỳ: Thêm một người nhận tội trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol
Reuters
Điện Capitol.
Một người đàn ông từ tiểu bang Idaho, người ngồi vào ghế của Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence trong cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ, hôm 14/7 đã nhận cản trở một thủ tục chính thức.
Ông Josiah Colt, một cư dân 35 tuổi ở Meridian, Idaho, có thể phải đối mặt với mức án lên đến 30 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 250.000 đôla, các công tố viên liên bang cho biết. Họ nói rằng ông Colt đồng ý hợp tác điều tra vụ tấn công gây chết người như một phần của thỏa thuận nhận tội của mình.
Hơn 535 người đã bị bắt vì tham gia vào cuộc bạo động ngày 6 tháng 1, khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đập vỡ cửa sổ, đối đầu với cảnh sát và khiến các nhà lập pháp cũng như ông Pence phải tìm nơi trú ẩn, trong nỗ lực bất thành nhằm ngăn Quốc hội chứng nhận thất bại bầu cử của ông Trump.
Các công tố viên nói rằng ông Colt đã vào Điện Capitol và đi đến phòng họp của Thượng viện Hoa Kỳ, nơi ông ta và những kẻ bạo loạn khác đã vượt qua sự ngăn cản của cảnh sát để tới phòng họp, không lâu sau khi các thượng nghị sĩ được sơ tán.
Sau đó, ông ta chạy đến một chiếc ghế dành riêng cho phó tổng thống Hoa Kỳ, người đôi khi chủ trì Thượng viện. Ông Colt sau đó đã đăng một video lên Facebook, trong đó tuyên bố mình là người đầu tiên ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Nhiều hãng xưởng lớn tại Việt Nam tạm dừng hoạt động vì dịch COVID bùng phát
VOA Tiếng Việt
Bảng hiệu của tập đoàn Intel của Mỹ trong Khu Công nghệ cao Sài Gòn.
Đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Việt Nam đang tiếp tục gây thêm hậu quả kinh tế khi các công ty công nghệ cao và nhà máy xuất khẩu lớn buộc phải tạm ngừng hoạt động, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” của chính quyền địa phương.
TPHCM, “tâm dịch” lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, vừa bắt đầu áp dụng quy định “3 tại chỗ” từ ngày 15/7. Theo đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo cho công nhân “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” và phải định kỳ xét nghiệm 7 ngày/lần cho công nhân nếu muốn duy trì hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được yêu cầu phải thực hiện phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm”, nghĩa là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Nếu doanh nghiệp không đảm bảo các yêu cầu trên, họ buộc phải dừng hoạt động kể từ 0h ngày 15/7.
Tin cho hay nhiều doanh nghiệp sản xuất và công nghệ hàng đầu tại TPHCM hiện đã thông báo tạm đóng cửa vì không thể thực hiện các yêu cầu trên.
Trong đó, Công ty Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp giày dép lớn nhất thế giới chuyên sản xuất cho các nhãn hiệu như Nike và Adidas, với với hơn 56.000 công nhân đang hoạt động tại TPHCM, cho biết công ty sẽ đóng cửa trong 10 ngày vì không thể thực hiện yêu cầu lo liệu cho tất cả nhân viên ở lại nhà máy và làm các xét nghiệm thường xuyên cho họ.
Khu công nghệ cao Sài Gòn là nơi tập trung nhiều công ty hàng đầu về công nghệ như tập đoàn Nidec của Nhật Bản chuyên sản xuất các sản phẩm motor và và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chế tạo động cơ công nghệ cao, tập đoàn Intel của Mỹ với nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip hay tập đoàn Samsung Electronics chuyên sản xuất hàng điện tử gia dụng của Hàn Quốc.
Nhiều nhà máy tại khu công nghệ này đã phải ngừng hoạt động sau khi hơn 750 trường hợp Covid-19 được xác nhận, theo VnExpress.
Cụ thể, nhà máy của Nidec Sankyo đã phải ngừng hoạt động kể từ ngày 3/7 sau khi phát hiện ra gần 600 nhân công nhiễm COVID-19.
Ba đơn vị của Samsung cũng ngừng hoạt động sau khi 46 trường hợp được xác nhận tại đây. Hiện tập đoàn này có 7.000 công nhân đang làm việc cho 16 đơn vị.
Trong khi đó, hãng Intel được phép tiếp tục hoạt động sau khi thực hiện quy định “3 tại chỗ” và giảm bớt một số hoạt động sản xuất.
TPHCM hiện có khoảng 320.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghệ cao và gần 1,3 triệu lao động tại 17 khu công nghiệp khác.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam vào sáng 15/7 ghi nhận thêm 801 ca nhiễm COVID-19 tại 11 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm trong nước từ ngày 27/4 đến nay lên 34.659 ca.
Trung Quốc khai triển máy bay có thể xuất kích từ các tiền đồn quân sự ở Biển Đông
Thu Hằng RFI
Máy bay vận tải A Y-9 và chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc biểu diễn trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật, tổ chức tại Bắc Kinh ngày 03/09/2015. AP – Mark Schiefelbein
Quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay trực thăng và máy bay cảnh báo sớm trên hai hòn đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Biển Đông. Một số chuyên gia, được trang Washington Times trích dẫn ngày 13/07/2021, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những hoạt động bay thường lệ từ những căn cứ này.
Theo nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh mà Washington Times có được, máy bay tuần tra và cảnh báo sớm KJ-500 đã được triển khai vào tháng Năm và tháng Sáu tại đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Còn máy bay vận tải Y-9 và một máy bay trực thăng Z-8 được triển khai tại đá Xu Bi (Subi Reef) vào tháng Sáu và tháng Bẩy. Vào tháng 04/2020, Trung Quốc cũng đưa máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 đến đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).
Đá Vành Khăn và đá Xu Bi cùng với đá Chữ Thập tạo thanh tam giác quân sự được Trung Quốc trang bị nhiều tên lửa tối tân từ vào năm 2018 dù trước đó, tại Washington (Mỹ), chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa khu vực này.
Mỹ theo dõi hoạt động của tầu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoài các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải, quân đội Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ hoạt động tầu ngầm của Trung Quốc. Trong báo cáo ngày 13/07, Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết tầu tuần tra của Hoa Kỳ hoạt động ở Biển Đông gần như hàng ngày trong nửa đầu năm 2021 (cụ thể là 161 trên 181 ngày), đặc biệt ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi được cho là một điểm nóng.
Hoa Kỳ có 5 tầu giám sát đại dương USNS (Victorious, Able, Effective, Loyal và Impeccable) đóng tại Nhật Bản. Những tầu này lần lượt được điều đến Biển Đông và hoạt động ít nhất từ 10 đến 40 ngày. Trang South China Morning Post nhắc lại lập trường của Washington là những chiến dịch trên có ý nghĩa cần thiết để kiểm soát những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Cuộc sống tại sáu nước đã nới lỏng phòng chống Covid-19
BBC News
Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Người dân Israel bỏ việc dùng khẩu trang từ tháng Sáu
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã xác nhận là gần như toàn bộ các hạn chế về Covid 19 tại xứ Anh sẽ được gỡ bỏ vào ngày 19/7.
Điều đó có nghĩa là toàn bộ các hạn chế pháp lý về giãn cách xã hội sẽ được gỡ bỏ. Yêu cầu bắt buộc đối với việc đeo khẩu trang tại một số địa điểm công cộng cũng sẽ không áp dụng nữa. Các hộp đêm sẽ được mở cửa trở lại, và hạn chế về số người được phép gặp gỡ nhau cũng sẽ được xóa bỏ.
Một số nước trên thế giới đã bắt đầu thử nới lỏng các hạn chế phòng chống virus corona trong năm nay và đã đạt được những kết quả khác nhau.
Vậy tình hình tại những nơi đã nới lỏng các quy định phòng chống Covid hiện ra sao?
Israel
Cùng với việc chạy đua tăng tốc triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, Israel bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ tháng 2.
Đến giữa tháng 2, quá nửa dân số Israel đã được tiêm hai mũi vaccine, bắt đầu bỏ đeo khẩu trang và cuộc sống thời trước đại dịch bắt đầu quay trở lại, với việc các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và rạp chiếu phim được mở cửa hoàn toàn trở lại.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Israel mở lại các quán bar, nhà hàng từ tháng Ba
Kể từ đó, các ca lây nhiễm ghi nhận hàng ngày do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đã tăng lên đều đặn, hôm thứ Ba đạt đến mức cao đỉnh điểm kể từ 4 tháng qua, là 754 người.
Tuy nhiên, giới chức nói các ca nghiêm trọng, trong đó gồm cả những ca cần phải nhập viện, vẫn ở mức tương đối thấp.
Tình trạng tăng cao các ca nhiễm mới đã khiến chính quyền của tân Thủ tướng Naftali Bennett phải nghĩ lại phần nào.
Theo cái gọi là cách tiếp cận “nhẹ nhàng khống chế”, người dân Israel sẽ được yêu cầu học cách sống chung với Covid.
Các lệnh hạn chế bắt đầu được áp dụng trở lại, trong đó có việc buộc phải đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà, và cách ly kiểm dịch đối với toàn bộ những người nhập cảnh vào Israel.
Hà Lan
Với việc tỷ lệ tiêm vaccine tăng nhanh và các ca lây nhiễm giảm, Hà Lan đã đẩy sớm lên việc mở cửa trở lại vào cuối tháng Sáu. Việc đeo khẩu trang đã được bãi bỏ ở hầu như tại toàn bộ các địa điểm, và thanh niên được khuyến khích sinh hoạt ngoài trời trở lại.
Kể từ đó, các ca lây nhiễm đã tăng mạnh, nhảy lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Tuy nhiên, việc nới lỏng quy định phòng chống đã làm tăng các ca phải nhập viện.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Hà Lan đã buộc phải rút lại việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát
Với việc các quan chức y tế ngày càng chỉ trích mạnh hơn, Thủ tướng Mark Rutte đã buộc phải áp dụng biện pháp quay đầu 180 độ khá là xấu hổ vào hôm thứ Sáu, và tái áp dụng nhiều lệnh hạn chế, chỉ hai tuần sau khi các biện pháp này được bãi bỏ.
Nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa kể từ nửa đêm, còn các hộp đêm bị đóng hoàn toàn trở lại, còn ông thủ tướng xin lỗi về “quyết định tồi” của mình.
“Điều mà chúng tôi nghĩ là có thể, hóa ra lại là không thể áp dụng trong thực tế,” ông thừa nhận.
Hàn Quốc
Được ca ngợi như một câu chuyện thành công trong việc xử lý Covid-19, Hàn Quốc là một trong các quốc gia Đông Á đầu tiên chặn được đại dịch.
Hồi tháng 6, nước này công bố các kế hoạch cho phép những người đã tiêm vaccine được ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang, cho phép việc tụ tập thành từng nhóm nhỏ riêng tư, và nới lỏng thời gian mở cửa hoạt động của các nhà hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Hàn Quốc đã dỡ bỏ tâm lý cảnh giác trước virus corona quá sớm, khi mà đa số người dân vẫn chưa được tiêm vaccine.
Nay nước này đang đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Dân Hàn Quốc nay được yêu cầu đeo khẩu trang trở lại
Số lây nhiễm hàng ngày cao kỷ lục đã buộc chính phủ phải thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội trên hầu như toàn quốc. Tại thủ đô Seoul, người dân bị cấm gặp gỡ trên một người sau 18 giờ.
Với biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng và tốc độ tiêm vaccine chậm, niềm tin của dân chúng vào khả năng Hàn Quốc đối phó với virus corona đã bị tổn hại ghê gớm .
Thụy Điển
Khác với hầu hết các nước khác, Thụy Điển trước nay chủ yếu dựa vào những biện pháp tự nguyện để khống chế việc lây lan dịch bệnh, tuy các lệnh hạn chế đối với giờ mở cửa hoạt động của các nhà hàng và đối với số người được phép có mặt tại các địa điểm tổ chức sự kiện cũng đã được áp dụng.
Một số trong những hạn chế này đã được nới lỏng với việc 3.000 khán giả được phép ngồi xem trong các sân vận động thể thao, và quy định về giờ mở cửa hoạt động đã bị bãi bỏ vào hôm 1/7. Từ 15/7, có thêm các hạn chế khác được dỡ bỏ tiếp.
Kể từ mùa xuân, các ca lây nhiễm tiếp tục giảm xuống nhanh chóng, được cho là nhờ việc tiêm chủng nhanh và thời tiết trở nên ấm lên, khiến mọi người dành nhiều thời gian sinh hoạt ngoài trời hơn.
Nhưng do có những lo lắng về việc việc lây lan nhanh do biến thể Delta, hầu hết những người từ nước ngoài quay trở lại Thụy Điển đều cần phải làm xét nghiệm Covid-19.
Úc
Trong hầu như suốt năm ngoái, người Úc đã có cuộc sống tương đối ít hạn chế. Khẩu trang không phải là yêu cầu bắt buộc, do nước này nhiều ngày liên tục ghi nhận không có các ca lây nhiễm mới.
Khi có các trận bùng phát, giới chức đã áp dụng các đợt phong tỏa ngắn, nhằm kiểm soát để đưa mức lây nhiễm trở về 0. Chẳng hạn, Perth đã đóng cửa năm ngày hồi tháng Giêng khi phát hiện ra một ca nhiễm bệnh đơn lẻ.
Tuy nhiên, đợt bùng phát với biến thể Delta tại Sydney hồi giữa tháng 6 đã đẩy thành phố lớn nhất nước vào lại tình trạng phòng tỏa. Việc phong tỏa được trông đợi sẽ được áp dụng cho tới ít nhất là cuối tháng 7.
Các quan chức nói người dân đang tìm cách lách qua các kẽ hở của quy định bắt buộc ở nhà. Kể từ đó, việc này đã được siết chặt lại.
Nhưng với hơn 90% dân số chưa được tiêm vaccine, các quan chức nói sẽ cần mất một thời gian nữa, cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Việc thiếu nguồn cung vaccine, đặc biệt là Pfizer, khiến nhiều người Úc sẽ không thể được tiêm cho tới những tháng cuối năm.
Hoa Kỳ
Với việc chính quyền ông Joe Biden đẩy nhanh tiêm phòng vaccine, nhiều tiểu bang đã bắt đầu gỡ bỏ các hạn chế, xóa bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Trong tháng Sáu, California – tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ – tuyên bố việc “tái mở cửa rầm rộ”, còn New York City gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế, do tỷ lệ tiêm vaccine tại nơi này đã vượt mức 70%.
Nhìn chung, các ca nhiễm bệnh vẫn ở mức thấp. Các ca nhiễm mới chưa bằng một phần mười mức trung bình hàng ngày thời đỉnh dịch, hồi tháng Giêng, ngay cả khi mức nhiễm mới đã tăng gấp đôi trong vòng hai tuần trước.
Nhưng đang có những quan ngại ngày càng tăng về việc biến thể Delta làm tăng tình trạng lây nhiễm ở một số tiểu bang chưa được tiêm vaccine đủ mức. Do mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng thấp, một số tiểu bang khuyến nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang để đối phó với biển thể virus mới.
Tại New York City, các ca lây nhiễm đã tăng vọt lên thêm một phần ba trong thời gian một tuần, với một số khu vực có mức tăng cao nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất.
Các ca tử vong cũng đang tăng, nhưng không tăng mạnh như mức độ lây nhiễm.
Giới chức tiểu bang nói rằng đa số những người phải nhập viện do Covid-19 là những người chưa tiêm vaccine.