Một cậu bé Afghanistan chơi trên đống đổ nát của một chiếc xe tăng thời Liên Xô dọc theo con đường ở ngoại ô Kabul vào ngày 28/11/2019. (Noorullah Shirzada / AFP qua Getty Images)
Bình luậnNguyên Phong • 07:30, 02/09/21
Vì vậy, nếu người Afghanistan không cải biến văn hóa này thì đất nước thái bình vẫn chỉ là mộng mị, bất kể chế độ chính trị nào. Nhân dân Afghanistan cần sự ổn định hòa hợp, chứ không cần sự cực đoan, họ cũng cần một tấm gương sáng từ những người lãnh đạo chính quyền.
Afghanistan – một cục gân gà
Trong danh tác Tam Quốc Diễn Nghĩa có điển tích nổi tiếng: “kê cân”. Quân Bắc Ngụy của Tào Tháo chống nhau với quân Tây Thục ở hang Tà Cốc, chiến sự lằng nhằng, tổn thất không ít, tiến thoái đều dở nên Tháo buột miệng nói “kê cân” tức là “gân gà”, ý muốn nói việc khó như nhai gân gà, bỏ thì tiếc, mà giữ thì vô ích. Tiến đánh không được lại thiệt hại, bỏ về thì sợ bị chê cười. Cuối cùng Tháo đành nuốt hận mà rút quân về. Quan Chủ bạ Dương Tu nhân việc tự ý lý giải “kê cân” mà bị chém vì tội làm loạn lòng quân.
Afghanistan ngày nay cũng là một cục gân gà.
Số là người dân nước này đã quen sống đời lính chiến suốt mấy nghìn năm nay. Họ đánh ngoại xâm và đánh lẫn nhau. Từ thời cổ đại, các đế chế đã xâm lược Afghanistan nhiều lần… suốt đến thời cận đại có Anh quốc; cách đây hơn bốn mươi năm có Liên Xô; hai mươi năm trước có Mỹ. Cuối cùng các đế chế đều thất bại và rút lui, giống như quân Bắc Ngụy của Tào Tháo ở hang Tà Cốc năm xưa.
Dân Afghan từ xưa vẫn sống theo kiểu từng bộ tộc cát cứ địa phương với địa hình đồi núi hiểm trở. Đến thời cận đại họ cũng có chế độ quân chủ, rồi nhân lúc vua đi vắng, người ta đảo chính và chuyển sang chế độ cộng hòa, được mấy năm lại theo cộng sản, rồi Taliban cướp được chính quyền, biến thành nhà nước Hồi giáo cực đoan. Hai mươi năm trước, Mỹ nhảy vào đuổi Taliban, dựng nền dân chủ. Đến nay, nước này lại quay về với hình thức cũ mà Taliban lập nên, với tên là: “tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.”
Afghanistan có biệt hiệu “nghĩa địa các đế chế” và cũng có thể gọi là “bãi tha ma của các chế độ”. Tóm lại, có thể ví Afghanistan như một cục gân gà khó nuốt.
Và nay, lại đến lượt Taliban chiếm giữ vùng đất này.
Họ đã rất đắc thắng và ngạo nghễ khi cướp được chính quyền, khiến Mỹ và NATO cũng khiếp, thế giới thì nín thở lo lắng.
Nhưng Taliban cũng đang mắc nghẹn vì “gân gà”, những vấn đề họ gặp phải khiến ngoại giới rút ra những bài học quý giá.
Bài học thứ nhất: chính danh mạnh hơn súng đạn
Vấn đề cực kỳ cấp bách của Taliban hiện nay là gì? Đó là tiền.
Vì Afghanistan hầu như không làm ra tiền, 20 năm vừa rồi họ đã có Mỹ nuôi.
Nhưng Taliban rất cần tiền để vận hành bộ máy chính quyền, sử dụng cơ sở hạ tầng và trả lương cho nhân viên.
Afghanistan cũng có hơn 9 tỷ Mỹ kim ở hệ thống các ngân hàng Mỹ, nhưng Taliban không thể rút ra để sử dụng. Họ cũng không thể vay ở bất cứ đâu. Vì họ chưa được công nhận là một chính quyền hợp pháp của Afghanistan. Ai dám cho họ vay nợ?
Taliban không được ngoại giới coi là chính phủ hợp pháp vì những hành động phi chính nghĩa. Người ta chỉ thấy họ cuồng tín cực đoan, thảm sát dân thường, ngược đãi phụ nữ, phá hủy di tích lịch sử, giết người Thiên Chúa giáo… và phạm vô số tội ác chiến tranh khác.Cuộc biểu tình ngày 28/8/2021 của cộng đồng người Afghanistan bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Athens. Những người biểu tình lên án các vụ tấn công gần đây và yêu cầu Taliban “ngừng giết người Afghanistan”, kêu gọi quốc tế bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. (LOUISA GOULIAMAKI / AFP qua Getty Images)
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Taliban thực hiện các cuộc thảm sát dân thường một cách có hệ thống. Ước tính có khoảng 15 cuộc thảm sát từ năm 1996 đến năm 2001. Taliban chịu trách nhiệm cho 76% cái chết của thường dân ở Afghanistan vào năm 2009 và 80% vào năm 2011.
Hoa Kỳ xem Taliban như một tổ chức khủng bố, đó cũng là cách nhìn của phương Tây và rất nhiều quốc gia dành cho tổ chức này – một tổ chức không có chính danh.
Thế nào là chính danh?
Thời Chiến Quốc, Xuất Công Triếp được bà nội là Nam Tử lập làm vua nước Vệ để chống lại cha là Khoái Quý, do Khoái Quý mâu thuẫn với Nam Tử – mẹ của mình – vì bà này dâm loạn. Như vậy là cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, tôi không ra tôi, danh không chính. Khổng tử lúc ấy có ý nói rằng, cần lập một công tử khác trong gia tộc này lên làm vua nước Vệ cho danh chính, danh có chính thì ngôn mới thuận, việc mới trôi chảy, rồi nước mới yên.
Nếu Xuất Công Triếp chống lại cha, làm kẻ bất trung bất hiếu đã mất tính chính danh, thì nay Taliban chống lại nhân dân, phạm tội ác chiến tranh liệu có chính danh hay không? Làm sao có thể công nhận họ là một chính quyền hợp pháp?
Thành ra, Taliban ôm súng mà bụng đói.
Bài học thứ hai: Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực, hận thù đẻ ra hận thù
Vấn đề nan giải tiếp theo của Taliban là An ninh.
Khi chưa cướp được chính quyền thì Taliban ở trong tối, chính quyền Afghanistan và người Mỹ ở ngoài sáng. Taliban chơi trò du kích, ẩn nấp trong dân, trong rừng núi, tiêu hao lực lượng đối thủ.
Đến nay, Taliban lại ở ngoài sáng, và các thế lực chống đối khác thì thế vào nơi bóng tối của họ trước kia. Trong đó có liên minh phương Bắc, có quân kháng chiến và các cựu lãnh đạo của chính quyền trước, có một nhánh Taliban ly khai ở Pakistan v.v.
Những trò chơi chém giết sẽ không thể dừng lại trên đất này.
Quyền lực giành được từ bạo lực thì cuối cùng sẽ khốn đốn vì bạo lực. Bởi vì như Đức Chúa Jesus Christ đã từng nói: “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”.
Bài học thứ ba: tri thức mạnh hơn vũ lực
Vấn đề tiếp theo của Taliban là quản trị nhà nước.
Taliban chỉ có các tay súng mang tư tưởng Hồi Giáo cực đoan, không có các nhà quản trị quốc gia.
Vậy cướp chính quyền rồi, thì làm gì đây? Làm sao để chỉ cần ôm súng mà dựng nên được một quốc gia vững mạnh?
Hán Cao Tổ Lưu Bang khi chiến thắng Hạng Vũ và lên ngôi, thường tỏ vẻ khinh thị sách vở vì cho rằng mình chinh phục được thiên hạ là nhờ vũ lực. Mưu thần Lục Giả mới hỏi rằng: “Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không? Vả chăng, các vua Thành Thang, Vũ Vương lấy được thiên hạ một cách nghịch, nhưng lại giữ thiên hạ một cách thuận. Dùng cả văn lẫn võ là cái thuận lâu dài. Ngày xưa, vua Ngô Phù Sai, Trí Bá đều hết sức mạnh mà vẫn bị diệt vong, nhà Tần dùng hình pháp không thay đổi nên cuối cùng họ Doanh bị diệt. Giả sử trước đây sau khi nhà Tần đã thôn tính thiên hạ, lại thi hành nhân nghĩa, theo phép tắc của các vị thánh ngày xưa thì bệ hạ làm sao mà có được thiên hạ?”Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không? (Nguồn ảnh: Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa)
Lưu Bang nghe xong thẹn thò, mới yêu cầu Lục Giả viết sách lý giải tại sao Tần mất thiên hạ và tại sao Lưu Bang được thiên hạ, đồng thời lý giải những việc tồn vong của các quốc gia từ xưa. Lục Giả y lời, viết nên Tân Thư, rất được khen ngợi.
Nền móng của sức mạnh nhà nước, không phải là vũ lực, mà là các trí thức tinh anh. Nền tảng năng lực của các trí thức tinh anh, là thông hiểu lịch sử và các bài học từ lịch sử. Cũng tức là từ sự kế thừa đạo đức và trí tuệ của tiền nhân.
Bài học thứ tư: Văn hóa quyết định hết thảy. Không có mô hình trị quốc thành công nếu mỗi cá nhân không tự ước thúc chính mình.
Afghanistan đã trải qua hầu hết các chế độ chính trị: từ thị tộc bộ lạc đến quân chủ, cộng hòa, cộng sản, dân chủ, hiện là nhà nước Hồi Giáo cực đoan.
Dường như họ là điển hình của một quan niệm phổ biến: chế độ chính trị sẽ quyết định tất cả.
Nhưng ở chế độ chính trị nào thì người Afghanistan vẫn phạm phải vô số sai lầm về tính cách.
Người Afghan được cho rằng: “sẵn sàng mang theo và sử dụng vũ khí để giải quyết các tranh chấp”. (1)
Hay là: “Những người đàn ông có một lòng trung thành cuồng nhiệt với bộ tộc của mình, tới mức, khi được kêu gọi, họ sẵn sàng tập trung lại với vũ khí trong tay dưới quyền lãnh đạo của người đứng đầu bộ tộc cũng các lãnh đạo dòng họ (Khans).” (Wikipedia)
Theo Global Rights, gần 90% phụ nữ ở Afghanistan trải qua lạm dụng thể xác, lạm dụng tình dục, lạm dụng tâm lý hoặc cưỡng ép kết hôn. Thủ phạm của những tội ác này là gia đình của nạn nhân. (2)
Năm 2012, Afghanistan đã ghi nhận 240 trường hợp hành quyết để bảo vệ danh dự, nhưng tổng số người được cho là cao hơn nhiều. Trong số các vụ hành quyết để bảo vệ danh dự được báo cáo, 21% được thực hiện bởi chồng của nạn nhân, 7% bởi anh em của họ, 4% bởi cha của họ và phần còn lại bởi những người thân khác. (3)
Afghanistan cũng là một đất nước đầy tham nhũng và là kẻ thù của tự do báo chí.
Có thể thấy đó là một “dân tộc tính” thiếu trưởng thành: hiếu chiến, cực đoan, có tính cục bộ địa phương, ham thích bạo lực, phản phúc, tham lam tài vật, dốt nát…
Rõ ràng, với một văn hóa và dân tộc tính như thế, đương nhiên sẽ sản sinh ra các tổ chức như Taliban.
Lịch sử cho thấy, khi bất mãn với chế độ chính trị hiện tại, người Afghan lật đổ nó để xây dựng một chế độ mới, nhưng con người thì vẫn cũ. Những con người cũ với dân tộc tính thiếu trưởng thành đó cấu thành nên một nhà nước mới với sai lầm cũ, chắc chắn sẽ đi vào vết xe đổ và lại tiếp tục bị lật đổ… một câu chuyện không có hồi kết.
Bài học này chẳng phải dành riêng cho Afghanistan.
Trong cuốn Tân Thư, danh thần Lục Giả đã phân tích các chế độ hà khắc trong lịch sử đều mất thiên hạ vì mất nhân nghĩa, vô đức. Đức Khổng tử cũng chủ trương Đức trị, Ngài từng nói nhiều lần những lời như:
“Mình chính đáng (ngay thẳng, đường hoàng) thì không ra lệnh dân cũng tuân theo; mình không chính đáng, dù ra lệnh dân chẳng tuân theo”.
Hoặc:
“Làm chính trị mà dùng đức (để cảm hóa dân) thì như sao bắc đẩu ở một nơi, mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức thiên hạ theo về với mình cả).”“Mình chính đáng (ngay thẳng, đường hoàng) thì không ra lệnh dân cũng tuân theo; mình không chính đáng, dù ra lệnh dân chẳng tuân theo”.(Nguồn: Adobe stock)
Vì vậy, nếu người Afghanistan không cải biến văn hóa này thì đất nước thái bình vẫn chỉ là mộng mị, bất kể chế độ chính trị nào. Nhân dân Afghanistan cần sự ổn định hòa hợp, chứ không cần sự cực đoan, họ cũng cần một tấm gương sáng từ những người lãnh đạo chính quyền.
Afghanistan – bài học không chỉ của riêng ai
Không rõ Taliban trong những ngày tới sẽ xoay sở ra sao để giải quyết những khó khăn của chính họ và của đất nước. Khó khăn nhất vẫn chính là sự thay đổi trong nhận thức của Taliban, của nhân dân Afghanistan và của chính mỗi con người nơi đây. Taliban ngày nay lo đủ ăn cho đất nước đã khó nhưng đời sống kinh tế chưa phải là một thành tựu đáng kể của một chính quyền, một đất nước. Người ta có thể giàu lên rất nhanh nhưng văn hóa thường đến rất chậm. Sức mạnh và sự bền vững của đất nước phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa tốt đẹp, bằng lối ứng xử văn minh, có đạo đức, chứ không phải trong những đô thị hào nhoáng hiện đại lại chứa những con người với tâm thế hoang dã, rừng rú.
Afghanistan dường như chẳng phải là bài học của riêng ai.
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Phong
Chú thích:
(1): Theo ^ a b Heathcote, Tony (1980, 2003) “The Afghan Wars 1839 – 1919”, Sellmount Staplehurst
(2): Theo ^ a b “Afghanistan: No Country for Women | International Women’s Day | Al Jazeera”. www.aljazeera.com.
(3): Theo ^ “240 cases of honor killing recorded in Afghanistan”. khaama.com. ngày 9 tháng 6 năm 2013.
Và ^ “AIHRC: 400 rape, honor killings registered in Afghanistan in 2 years”. latinbusinesstoday.com. ngày 10 tháng 6 năm 2013.