Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông): Yếu tố dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến – Đại Dương

Share this post on:
Nghe âm thanh do Đỗ Hiếu đọc

                                                                       Đại-Dương

Nhân loại từng chịu đựng hai cuộc Thế chiến với những hậu quả khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng, kể cả những kẻ hoang tưởng nhất. Nhưng, loài người phải chứng kiến những cảnh đoạ đày, những hình phạt độc ác vô cùng tận xảy ra trong các Chế độ Cộng sản hoặc giả danh Xã hội Chủ nghĩa. Ngăn chặn sự lan tràn của Chủ nghĩa Cộng sản phát triển thành Thế chiến đã đặt lên trên vai người Mỹ.

Mặc dù Đệ tam Quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Sô đã tan rã và bị lãng quên. Nhưng, từ một góc trời Châu Á đã nổi lên một Đế chế Cộng sản mệnh danh Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (PRC) ôm tham vọng thống trị toàn cầu với các vệ tinh Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba.

Liên Sô chú trọng về ưu thế quân sự nên dễ đối phó hơn. Trái lại, Trung Quốc muốn thống trị thế giới bằng các biện pháp quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật như các chiếc vòi bạch tuộc nên phương thức đối phó phải đa dạng và đồng bộ trong một liên minh yêu chuộng hoà bình, công lý, luật pháp quốc tế.

Nhằm hạn chế sự bành trướng của Bắc Kinh trên phương diện quân sự nên Bộ chỉ huy của Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) do một Đô đốc Hải Quân làm Tư lệnh để điều động 380,000 bộ binh, thuỷ quân lục chiến, không quân, vệ binh, bảo vệ duyên hải, và dân sự có trách nhiệm với tất cả hoạt động quân sự trong khu vực bao trùm 36 quốc gia, 14 múi giờ và hơn 50% dân số thế giới.

Mỗi vị Tư lệnh Lực lượng đồ sộ này có nhiệm kỳ 3 năm mà hiện tại (2021-) do Đô đốc John C. Aquilino chỉ huy.

Người tiền nhiệm, Đô đốc Philip S. Davidson nhiệm kỳ 2018-2021 đã nói trước Thượng viện Hoa Kỳ rằng cuộc chiến với Trung Quốc có thể diễn ra trong vòng 6 năm. Nhưng, người kế nhiệm lại cho rằng điều ấy có thể xảy ra sớm hơn vì Bắc Kinh xác định Tây Phương suy thoái nên phải chớp thời cơ.   

Cựu Đô đốc James G. Stavridis từng làm Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu Âu (SACEUR) từ 2009-2013 rồi giải ngũ, dạy Đại học và viết sách lẫn bình luận trên báo chí.

Trong bài “Four Ways a China-US War at Sea Could Play Out” được đăng trên The Bloomberg ngày 26/04/2021, Đô đốc Stavridis đã nêu ra “4 điểm nóng” mà Hải quân Trung Quốc có khả năng tấn công quân sự chống lại Mỹ và các đồng minh, đối tác và bạn bè. Đó là eo biển Đài Loan; Nhật Bản và Biển Đông Trung Hoa (ECS); Biển Nam Trung Hoa (SCS); và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước Indonesia, Singapore, Australia và Ấn Độ.

Mặt trận Đài Loan và Eo biển Đài Loan

Khu vực này là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh liên quan đến chủ trương thống nhất đất nước Trung Quốc dựa vào: (1) Trung Quốc từng cai trị Đài Loan. Nhưng, thực tế Đảo Quốc này cũng từng là thuộc địa của Hoà Lan từ năm 1642. Nhà Minh kiểm soát Đài Loan từ 1662 rồi bị Nhà Thanh cướp vào 1683.  Chiến tranh Thanh-Nhật năm 1895 buộc Bắc Kinh nhượng Đài Loan và Bành Hồ cho Đế quốc Nhật Bản. Từ đó làm bàn đạp cho Nhật Bản mở rộng thuộc địa tới Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Đệ nhị Thế chiến. (2) Nước Trung Hoa có hai chế độ đối chọi nhau tại Hoa Lục và Đài Loan sau WWII và người gốc Hoa ở Đài Loan ngày càng có xu hướng coi như người Đài Loan trên phương diện chính trị nên Bắc Kinh khó thống nhất bằng biện pháp phi-quân-sự. (3) Thông cáo chung Thượng Hải được Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai ký ngày 27/02/1972 công nhận một nước Trung Hoa, hai chế độ chính trị và phải thống nhất bằng biện pháp hoà bình. Bởi vì Tổng thống Tưởng Giới Thạch vẫn coi như đại diện cho dân tộc Trung Hoa.

Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh Quốc năm 1997 cho phép Hồng Kông có chế độ tự trị cho đến năm 2049 đã bị Bắc Kinh đơn phương chấm dứt vào 2020 làm cho dân chúng Đài Loan không còn ảo tưởng về chính sách “hai nước Trung Hoa” vì nhành ô liu do Bắc Kinh chìa ra đã trở thành lưỡi kiếm đâm vào cổ 24 triệu dân Đài Loan.

Dù Hoa Kỳ không có Hiệp ước Phòng thủ chung với Đài Loan, nhưng, Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act, TRA) của Hoa Kỳ có hiệu lực từ 10/10/1979 nhằm vào Ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc hàm ý bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá. Hơn nữa, Đài Loan hiện nay là lò sản xuất các loại chip điện tử cần thiết nhất cho sự tiến bộ của loài người. Vì thế, ngoài Hoa Kỳ còn có Nhật Bản, Tây Âu phải có trách nhiệm bảo vệ Đài Loan.

Đài Loan tuy bé, nhưng đã tự trang bị và mua từ nước ngoài, đặc biệt của Mỹ, nhiều khí tài quân sự thuộc loại tiên tiến, đồng thời với lòng quyết tâm bảo vệ đất nước ngày càng dâng cao.

Khó khăn của Trung Quốc: (1) Dân Đài Loan từ chối thống nhất với Hoa Lục. (2) Hoa Kỳ và các cường quốc không chấp nhận Bắc Kinh thống nhất bằng vũ lực. (3) Chiếm Đài Loan đã khó mà bảo vệ sau khi chiếm đóng càng khó hơn nhiều vì sẽ bị bao vây trên biển, trên không. (4) Hải quân và Không quân của Trung Quốc không thể thắng Hoa Kỳ và Nhật Bản trên hai Biển Đông Trung Hoa.

Đài Bắc đã tận dụng mọi khả năng của 24 triệu dân sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh. Nhưng, sức người có hạn cần phải có đồng minh và bạn bè cùng chung ý chí bảo vệ độc lập, tự do cho Đài Loan.

Mặt trận Nhật Bản và Biển Đông Trung Hoa

Từ năm 1894 đến 1895, Hải quân Nhật Bản tuy được trang bị vũ khí kém Hạm đội Hải Dương của Nhà Thanh mà vẫn tiêu diệt được Hạm đội này buộc Đế quốc Đại Thanh phải trao Triều Tiên và Đài Loan cho Nhật Bản.

Hải chiến Tsushima (Hải chiến Đối Mã) năm 1904, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã tiêu diệt hoàn toàn một Hạm đội của Hải quân Đế quốc Nga.

Từ đó, Nhật Bản trở thành chủ nhân ông của các biển ở Châu Á sau khi đánh bại triệt để hai cường quốc Hải quân Trung Hoa và Nga.

Lực lượng Phòng vệ Duyên hải Nhật Bản hiện có 2 Hàng không mẫu hạm được trang bị bằng các Tiêm kích cơ F-35B tàng hình cất và hạ cánh thẳng đứng. Nhật sở hữu số F-35 đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Nhật có nhiều tiềm thuỷ đỉnh diesel xuất sắc, máy bay tuần tra tầm xa được phối hợp chặt chẽ và thống nhất. Nhật Bản còn nổi tiếng trong lĩnh vực săn ngầm, đặc biệt về tiềm thuỷ đỉnh. Các khu trục hạm đều được trang bị Hệ thống Tác chiến Aegis của Hoa Kỳ. Đông Kinh sẽ có Tiềm thuỷ đỉnh tàng hình phi-nguyên-tử vào năm 2022.

Bắc Kinh công khai đòi Nhóm Đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền Nhật Bản với tên Senkaku được Hoa Thịnh Đốn xác nhận sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương nếu bị tấn công.

Đệ thất Hạm đội lớn nhất trong Hải quân Hoa Kỳ đồn trú tại hải cảng Yokosuka với 60 chiến hạm, 300 chiến đấu cơ và 60,000 gồm thuỷ thủ, thuỷ quân lục chiến, nhân viên dân sự chịu trách nhiệm bảo vệ Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa. Tokyo đã thoả thuận hỗ trợ 1.9 tỷ USD cho 55,000 lính Mỹ trú đóng ở Nhật Bản.

Lực lượng quân sự của Đại Hàn vào năm 2020 được xếp hạng ba ở Châu Á và hạng 6 thế giới có Hiệp ước Phòng thủ chung với Hoa Kỳ từ năm 1953, kể cả dù che nguyên tử. Đại Hàn có 600,000 binh sĩ dưới cờ và 3.1 triệu trừ bị. Ngành sản xuất phương tiện chiến tranh của Đại Hàn trang bị 70% cho mình và đã xuất cảng ra nước ngoài khoảng 3 tỷ USD vào năm 2012. Hiện có 28,000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đại Hàn và Hán Thành đồng ý đóng thêm chi phí mà không cho biết con số.

Đảo Guam được coi như Hàng không mẫu hạm vĩnh cửu có một Căn cứ Không quân ở phía Bắc và một Căn cứ Hải quân ở phía Nam. Guam có các Oanh tạc cơ chiến lược như B-2 (tàng hình), B-1, và B-52 được luân phiên từ Hoa Kỳ. Guam có 7,000 lính Mỹ trong số 160,000 cư dân.

Bắc Kinh chưa đủ khả năng đương đầu với một Lực lượng Quân sự hùng hậu của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Đảo Guam nên khó khai chiến.

Mặt trận trên Biển Nam Trung Hoa

Trung Quốc có lợi thế hơn trên Biển Đông Trung Hoa: (1) Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á đều có  Hải quân yếu trên phương diện chiến hạm và kinh nghiệm hải chiến. (2) Hầu hết họ lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc ở từng mức độ khác nhau nên dễ bị áp lực từ Bắc Kinh. Cộng đồng người Hoa vì lợi ích kinh tế và chủng tộc vẫn công khai hoặc kín đáo ủng hộ mọi quyết định của Bắc Kinh. (3) Bắc Kinh chỉ cần sử dụng một trong các nước Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan để làm thất bại các mưu đồ chống bành trướng trên SCS của ASEAN.

Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á ở vào thế yếu: (1) Chưa có nước nào đủ khả năng đương đầu hữu hiệu với các lực lượng Hải quân, Hải cảnh, Dân quân Biển Trung Quốc. (2) Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á có các vùng biển chồng lấn mà không giải quyết bằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). (3) Việt Nam có chung ý thức hệ Cộng sản với Trung Quốc nên chỉ chống có giới hạn.

Biển Nam Trung Hoa đóng vai trò quan trọng trên các phương diện quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao của Bắc Kinh: (1) Chiếc ao nhà để thao dượt lực lượng viễn chinh. (2) Độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt khối “băng cháy” (natural hydrate) dưới đáy biển. (3) Tạo một lực lượng làm gia công và tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc. (4) Dựng lên những lãnh tụ độc tài để áp dụng Chủ thuyết Cộng sản theo khuôn mẫu Trung Quốc. (5) Áp dụng kiểu ngoại giao “hứa mà không làm” như trường hợp đầu tư 24 tỉ USD cho Phi Luật Tân mà chỉ nhỏ giọt. Và, “làm mà không hứa” như hối lộ viên chức bự khiến cho các quốc gia Đông Nam Á như con thuyền đi vào trận bão.

Muốn thoát khỏi sự chèn ép của Bắc Kinh trên SCS thì các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần xác định rõ ràng: (1) Cai trị Đông Nam Á là bước đầu trên con đường thống trị thế giới của Trung Quốc . (2) Từng quốc gia hoặc hợp lại cũng không đủ sức chống lại chiến lược bành trướng của Bắc Kinh. (3) Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á phải dựa vào UNCLOS để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trước khi đàm phán về Quy tắc Ứng Xử trên SCS (COD) với Trung Quốc. (4) Công khai hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Dù Nhật Bản, Đại Hàn còn yếu (nhưng, mạnh gấp bội so với các quốc gia duyên hài ĐNA) mà Bắc Kinh cũng không dám chèn ép nói chi tới động binh.

Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á phải nhanh chóng lấy quyết định vì sau khi Tổng thống Joe Biden thoả hiệp với Chủ tịch Tập Cận Bình thì nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ mọc lên như nấm tại Spratly Islands (Trường Sa, Nam Sa) như thời Barack Obama-Joe Biden từng để Trung Quốc chiếm đoạt Scarborough Shoal năm 2012 do Phi Luật Tân trấn giữ và xây bảy đảo nhân tạo năm 2014.

Dưỡng hổ di hoạ

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giới lãnh đạo Tây Phương tiến hành chính sách “phát triển kinh tế kéo theo thay đổi chính trị theo hướng dân chủ” nên phóng tay viện trợ, đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân tài cho Trung Quốc bất chấp những lời cảnh cáo của một số chuyên gia quốc tế về những hậu quả nghiêm trọng có thể tác hại tới trật tự thế giới.

Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và các nhân vật kế nhiệm đã moi gan, móc ruột từ Hoa Kỳ cho tới các quốc gia chậm tiến nhất. Kẻ cung cấp kiến thức, người bán tài nguyên thiên nhiên để được nhận lại thâm hụt ngân sách triền miên, hàng độc, hàng giả, hàng nhái và tuyên truyền dối trá.

Một số cựu thủ tướng Châu Âu, Châu Úc, học giả, nhà báo Tây Phương nhiệt tình tiết lộ cho giới lãnh đạo Bắc Kinh biết hết mọi đường lối chính sách quốc gia. Đồng thời, biện minh cho các việc làm của Bắc Kinh theo sự gợi ý, hoặc đút lót hậu hĩ. Đã có nhiều chính khách, học giả, truyền thông, lãnh tụ đấu tranh ở Tây Phương dính “chiêu hối lộ” để làm lợi cho Trung Quốc.

Hôm 30/04/2021, Hãng thông tấn AFP cho biết vị cựu Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ thập niên 1970. Henry Kissinger cảnh báo rằng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung có thể cuốn theo toàn thế giới và có thể dẫn đến một cuộc xung đột kiểu tận thế giữa hai gã khổng lồ quân sự và công nghệ.

Kissinger nói rằng chính sách của Hoa Kỳ đốivới Trung Quốc cần phải được tiếp cận hai hướng: vừa duy trì các nguyên tắc của Mỹ, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng; đồng thời duy trì đối thoại liên tục và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.

Thực tế, suốt 49 năm trôi qua, Bắc Kinh đã phá hoại luật pháp quốc tế trong nhiều lĩnh vực để dọn đường thống trị thế giới.

Liên Sô sụp đổ vì bị cô lập toàn diện chứ không phải nhờ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Châu Âu hợp tác vô-điều-kiện.

Bắc Kinh chỉ xem Biển Đông Trung Hoa như “diện” để che dấu “điểm” ở Biển Nam Trung Hoa nên chỉ doạ, quấy rối mà không dám động binh với Đài Loan và Biển Đông Trung Hoa vì giới lãnh đạo Trung Quốc biết rõ họ sẽ mất hết những thành quả gôm góp được từ năm 1972.

Do đó, mặt trận trên Biển Nam Trung Hoa dễ bùng nổ hơn hết nếu nhìn về tương quan quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao.

Vì thế, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần suy nghĩ chu đáo khi chọn bạn mà chơi, hợp tác với hạng người trung thực và can đảm từ tư tưởng tới hành động. Chơi với Trung Quốc chẳng khác chi chơi với ác!

Tài liệu tham khảo:

Four Ways a China-US War at Sea Could Play Out (Bloomberg)

‘Getting tough on China’ more rhetoric than reality (Asia Times)

Senate’s Strategic Competition Act Will Make China-US Relations Worse, Not Better (Diplomat)

It’s Time to Talk About J-15, China’s First Carrierborne Fighter (Diplomat)

                                                            Đại-Dương