Bức thư Tổng thống Reagan gửi con gái nhắc nhở về lòng trung thực

Share this post on:

Thiên Cầm
image.png

“Trung thực” là một trong những giá trị đạo đức cơ bản nhất. Khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Reagan giữ chức Thống đốc thứ 33 của California (1967-1975), và biết con gái Patty vi phạm kỷ luật ở trường, ông đã viết cho cô một bức thư vào ngày 5/3/1968, khuyên con gái làm người cần phải trung thực và nên sửa chữa mọi sai lầm của bản thân.

Nội dung bức thư như sau: 

“Patty thương yêu!

Đúng vậy. Chủ động nhận lỗi là việc làm đúng đắn. Cha tin rằng, sau khi con nhận lỗi, con sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cha tin rằng, nhà trường đã phạt con một cách thích đáng. Nếu mỗi khi chúng ta làm sai điều gì, chỉ cần thú tội là có thể bù đắp cho mọi lỗi lầm, thì hẳn là không cần phải có thêm hệ thống luật pháp nữa.

Chúng ta đọc trong Kinh Thánh rằng: Khi Chúa nghe chúng ta xưng tội, ngài hứa sẽ tha thứ cho chúng ta. Nhưng sự tha thứ này cũng cần một điều kiện là từ nay chúng ta không được phạm vào lỗi lầm đó nữa.

Patty thương yêu!

Cha muốn chỉ ra 2 vấn đề mà con phạm phải, điều đầu tiên đó là: Không trung thực.

Trong hai năm qua, con không chỉ vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường, mà còn nhiều lần phá lệ và nói dối. Tại sao cha, mẹ con và nhà trường lại quan tâm đến vấn đề này như vậy? Câu trả lời rất hiển nhiên, chúng ta lo sợ rằng, con sẽ biến sự “thiếu trung thực” thành thái độ sống của mình.

Khoan hãy nói về con, chúng ta hãy xem điều này sẽ thế nào khi con đặt mình vào vị trí của người khác.

Con có cảm thấy hạnh phúc không nếu như cha không thành thật? Con có cảm thấy thoải mái không, nếu con luôn phải nghi ngờ về những gì cha nói?

Nếu thế, có lẽ bây giờ con đang lo lắng rằng, một ngày nào đó, báo chí sẽ đưa tin cha là kẻ phạm pháp, vì cha đã thiếu trung thực trong công việc? 

Tất nhiên con biết câu trả lời là gì, cha con là một người trung thực. 

Con vẫn chưa hiểu được rằng, bất kỳ một lời nói dối hoặc hành vi lừa đảo nào – cho dù nó có nhỏ bé đến đâu, đều sẽ mang lại những tác động bất lợi. Nếu con làm điều này lặp đi lặp lại thì một ngày nào đó con sẽ gặp rắc rối. Thậm chí sau đó, con sẽ không hiểu tại sao mình lại nói dối và làm thế nào để kết thúc nó”.

Ông Ronald Reagan trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ vào năm 1981 và từ chức vào năm 1989 sau hai nhiệm kỳ. Ngày 12/6/1987, cựu Tổng Thống Reagan đã đọc một bài diễn văn kinh điển tại Cổng Brandenburg cạnh Bức tường Berlin với câu nói nổi tiếng: “Hãy phá đổ bức tường này!”

Người dân Mỹ đánh giá rất cao về Tổng thống Reagan. Trong “10 vị tổng thống vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ”, cựu Tổng thống Reagan đứng thứ hai, chỉ sau Tổng thống Lincoln.

Một câu chuyện nổi tiếng khác về lòng trung thực, đó là câu chuyện về người ăn xin có tên Valentine.

Ngày 13/8/2010, “Mạng tin tức phát thanh truyền hình Đài Loan” có bài viết kể về lòng trung thực như sau.

Valentine thật thà (trái) và Maria Harris tốt bụng.

Người ăn xin thật thà tên là Valentine (trái) và cô Maria Harris tốt bụng 

Khi cô Maria Harris, nữ giám đốc của một công ty quảng cáo ở New York (Mỹ), đang đi trên đường, một người ăn xin đã tiến đến xin cô, nhưng cô không có tiền lẻ để cho người ăn xin này, vì vậy cô đưa thẻ tín dụng của mình cho người ăn xin và yêu cầu người ăn xin quẹt thẻ để mua sắm.

Sau khi người ăn xin lấy thẻ tín dụng của cô Maria và bỏ đi, những người qua đường cho rằng cô thật ngốc nghếch. Ai biết được người ăn xin sẽ tiêu bao nhiêu tiền, và chiếc thẻ tín dụng ấy chắc chắn sẽ không được trả lại. Một số người còn đợi cùng cô Maria, vì tin rằng cái kết tệ nhất sẽ xảy ra. 

Một lúc sau, người ăn xin trở lại với những nhu yếu phẩm hàng ngày như nước suối, thuốc lá, trên tay anh ta còn cầm biên lai. Mọi người đổ xô đến xem thì biên lai có giá 25 USD. Người ăn xin bình tĩnh trả lại thẻ tín dụng cho Maria và cảm ơn cô. Sau đó, cô Maria mới biết rằng tên của anh ta là Valentine.

Những người qua đường đều rất ngạc nhiên, Valentine chỉ tiêu một số tiền nhỏ và nhanh chóng trả lại thẻ cho cô Maria tốt bụng. Cô Maria kể rằng, cô thường thấy anh Valentine xin ăn và cô tự nhủ bản thân rằng, anh ấy là người thật thà.

Sau hai năm 10 tháng, tin tức này được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải, ngoài việc kể lại câu chuyện này trong dịp Valentine, nó còn kể về một kết thúc có hậu khác.

Sau sự việc người ăn xin trả lại thẻ tín dụng, cô Maria và bạn của mình đã đến tờ New York Post và kể cho tờ báo này nghe chuyện vừa xảy ra.

Tờ New York Post cũng cảm động trước sự trung thực của Valentine và đưa tin ngay lập tức. Không ngờ bài báo đã gây được phản ứng lớn trong cộng đồng, tờ báo liên tục nhận được thư và cuộc gọi của độc giả, tất cả đều bày tỏ thiện chí muốn giúp đỡ Valentine. Sau khi một doanh nhân ở Texas đọc bài báo, anh đã gửi 6.000 USD cho Valentine như một phần thưởng cho sự trung thực của anh.

Điều khiến Valentine bất ngờ hơn nữa là vài ngày sau, anh nhận được cuộc gọi từ hãng hàng không Wisconsin, bày tỏ thiện chí muốn thuê anh làm tiếp viên hàng không của hãng và thông báo sẽ ký hợp đồng trong thời gian sớm nhất.

Theo lời kể, Valentine, người đang chìm trong niềm vui lớn, xúc động nói: “Mẹ tôi đã dạy tôi từ khi tôi còn nhỏ rằng, tôi phải trung thực và đáng tin cậy. Tôi nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người bởi tôi luôn tin rằng, những người trung thực sẽ được tưởng thưởng xứng đáng”.

Thiên Cầm