Các kinh tế gia: Hoa Kỳ có mức nợ ‘không bền vững,’ cần phải giảm

Share this post on:
Các nhà kinh tế: Hoa Kỳ có mức nợ ‘không bền vững,’ cần phải giảm

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nói chuyện trong một diễn đàn do các thành viên Đảng Dân Chủ của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện tổ chức thảo luận về luật thuế của Đảng Cộng Hòa và nền kinh tế Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 13/12/2017. (Ảnh: Zach Gibson/Getty Images)

TÀI CHÍNH – KINH TẾ

Tác giả Lawrence Wilson

  • Thứ sáu, 05/05/2023

Hôm 04/05, các chuyên gia cảnh báo nợ quốc gia đang trên đà ngày càng tăng một cách không bền vững và cần phải được giảm bớt để tránh gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện, ông Brian Riedl, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan, cho biết, “Về lãi suất và nợ tăng vọt, chúng ta đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ. Quốc hội nên làm việc siêng năng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ mà nếu không làm như vậy thì khó có thể tránh khỏi.”

Ông Jason J. Fichtner, phó chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, đã xác nhận đánh giá đó.

Ông Fichtner nói, “Nợ của quốc gia đang trong một quỹ đạo không bền vững, và phải hành động ngay bây giờ. Việc chậm trễ hơn nữa sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và những điều chỉnh cần thiết sẽ gây hại hơn cho đất nước và cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta.”

Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) tại Capitol Hill vào ngày 11/06/2019. (Ảnh: Zach Gibson/Getty Images)
Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) tại Capitol Hill vào ngày 11/06/2019. (Ảnh: Zach Gibson/Getty Images)

Nợ quốc gia ở mức 31.4 ngàn tỷ USD, đây là giới hạn vay theo luật định. Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo rằng khoản nợ sẽ lên tới 114 ngàn tỷ USD trong 30 năm tới, chiếm 200% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã nhấn mạnh rằng việc tăng trần nợ phải đi kèm với cắt giảm chi tiêu, dẫn đến bất đồng với Tổng thống Joe Biden, người đã kêu gọi Quốc hội tăng trần nợ mà không có bất kỳ điều kiện nào.

Phiên điều trần của tiểu ban, có nhan đề “Đạo luật Vỡ nợ đối với Nước Mỹ: Tống tiền, Bên bờ vực thẳm, và các Thỏa thuận Hậu trường của Tỷ phú,” dường như nhằm mục đích chỉ trích Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng vừa được Hạ viện thông qua.

Biện pháp này bao gồm tạm thời tăng mức trần nợ của quốc gia cùng với việc cắt giảm và giới hạn chi tiêu, rút ​​lại một số khoản tín thuế năng lượng xanh, và nới lỏng các hạn chế đối với việc khoan dầu và khí đốt.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) chỉ trích gay gắt dự luật này, nói rằng luật sẽ làm mất 790,000 việc làm, khiến nền kinh tế thu hẹp 141 tỷ USD trong một năm và khiến 21 triệu người dân Mỹ có nguy cơ mất bảo hiểm y tế, trong khi vẫn bảo toàn cắt giảm thuế cho người giàu.

Ông Whitehouse nói: “Nói một cách đơn giản, chúng ta phải tăng hạn mức nợ. Chúng ta phải làm điều đó ngay bây giờ. Và chúng ta phải làm điều đó mà không hủy hoại cuộc sống và sinh kế để xoa dịu những tỷ phú lập dị.”

Tuy nhiên, hầu hết các nhân chứng đều tập trung vào sự cần thiết của một nỗ lực lưỡng đảng vào lúc này nhằm nâng mức trần nợ để tránh thiệt hại ngắn hạn cho nền kinh tế và giải quyết sự gia tăng nhanh chóng của nợ quốc gia để tránh một thảm họa trong những năm tới.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết ưu tiên trước mắt là nâng trần nợ để tránh vỡ nợ đối với các nghĩa vụ của quốc gia. Ông đề nghị đình chỉ giới hạn cho đến ngày 30/09, ngày kết thúc năm tài chính hiện tại, để có đủ thời gian cho Quốc hội và tổng thống thương lượng một thỏa hiệp.

Ông Zandi cho biết về lâu về dài, cần có một giải pháp lâu dài hơn.

“Chúng ta đang đi trên con đường tài khóa không bền vững. Chúng ta cần cả doanh thu thuế bổ sung và chúng ta cần hạn chế chi tiêu. Cả hai điều đó cần phải xảy ra, nhưng chúng ta không thể làm điều đó trong môi trường hiện tại,” ông Zandi nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc cắt giảm chi tiêu đáng kể sau khi lãi suất tăng nhanh sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Ông nói, “Chúng ta cần kết thúc màn kịch này càng nhanh càng tốt. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào suy thoái và những thách thức tài chính của chúng ta sẽ còn tồi tệ hơn.”

Trong nhiều tuần, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã đổ lỗi cho nhau về khoản nợ quốc gia ngày càng tăng và bế tắc trong việc nâng giới hạn nợ.

Tuy nhiên, bộ ba nhà kinh tế này nhấn mạnh sự cần thiết của hành động lưỡng đảng.

“Việc nâng trần nợ và giải quyết các thách thức tài chính mà quốc gia chúng ta đang đối mặt sẽ đòi hỏi nỗ lực của cả hai đảng và sự tham gia của tổng thống,” ông Fichtner nói. “Hợp tác lưỡng đảng là bắt buộc.”

Ông Biden dự kiến ​​​​sẽ gặp các nhà lãnh đạo Quốc hội vào ngày 09/05 để thảo luận về giới hạn nợ. Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc họp sẽ được sử dụng để nhắc nhở Quốc hội về nghĩa vụ theo Hiến Pháp là thanh toán các hóa đơn của quốc gia nhưng cũng sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc đàm phán riêng về chi tiêu.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Epoch Times Tiếng Việt