Chuyện Việt Nam Thứ Hai 23/10/2023<strong>

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp


Quan hệ Việt – Trung và chính sách đối ngoại « đa hướng » của Hà Nội

Minh Anh /RFI

23/10/2023

Dựa vào nhiều nguồn thạo tin, Reuters ngày 06/10/2023 cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm công du Việt Nam và chuyến thăm cấp Nhà nước này có thể diễn ra vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11/2023. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Khang Vu, trường đại học Boston Hoa Kỳ đánh giá, chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc « phản ảnh chính sách đối ngoại đa hướng » của Việt Nam, đồng thời cho thấy những nỗ lực trấn an Bắc Kinh của Hà Nội đã có kết quả.    

Ảnh tư liệu: Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017.

Ảnh tư liệu: Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. AP – Hoang Dinh Nam 

Chuyến thăm này, nếu có, sẽ diễn ra hai tháng sau chuyến công du Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/09/2023 và một năm sau khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh tháng 11/2022.   

Một trong những trọng tâm chuyến thăm lần này của ông Tập dường như là nâng cao quan hệ Việt – Trung, và nhất là đưa cụm từ « cộng đồng vận mệnh chung » vào tuyên bố chung. Điều này báo hiệu chính quyền của ông Tập muốn đặt Việt Nam ở « mức cao nhất » trong quan hệ song phương.  

Theo tác giả, Việt Nam lần này không nên lo sợ khi gia nhập « cộng đồng vận mệnh chung » của Trung Quốc như từng vấp phải nhiều phản đối nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình năm 2017. Động thái này không nên được xem như là Hà Nội tham gia liên minh do Trung Quốc lãnh đạo chống lại Hoa Kỳ mà là một hình thức đền bù cho Bắc Kinh vì Việt Nam đã nâng cấp thẳng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng « Đối tác Chiến lược Toàn diện ».    

Nhà nghiên cứu trước hết nhắc lại, quan hệ Việt – Trung là một mối quan hệ bất cân xứng. Việc mở rộng các mối quan hệ với những cường quốc bên ngoài khu vực của Hà Nội phụ thuộc nhiều vào những đánh giá của Bắc Kinh xem chúng có đi ngược với các lợi ích của Trung Quốc hay không. 

Do vậy, đối với Việt Nam, điều quan trọng là phải có được sự « khoan dung » của Trung Quốc đối với các sáng kiến chính sách đối ngoại. Đây là lý do giải thích vì sao các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn thông báo và thuyết phục đối tác Trung Quốc về những ý định tốt đẹp của họ trước mỗi lần tiếp cận với Hoa Kỳ. Những nỗ lực xoa dịu đó đã được thấy rõ : Không có một từ nào đề cập đến Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp Joe Biden – Nguyễn Phú Trọng. 

Cũng theo chuyên gia Khang Vu, sở dĩ Hà Nội phải nỗ lực trấn an Bắc Kinh đó là do hai bên có nhìn nhận mối quan hệ Việt-Trung dưới hai lăng kính khác nhau. Trong con mắt Bắc Kinh, Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng đó đều cần có phản ứng từ Bắc Kinh. Ngược lại, Việt Nam muốn khẳng định quyền tự chủ của mình và mọi nỗ lực như vậy đều nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm phạm của Trung Quốc đối với an ninh Việt Nam.  

Trong giới hạn quan hệ này, Trung Quốc vận hành theo mô hình chiến tranh xoắn ốc, nghĩa là Bắc Kinh sẵn sàng ra các đòn trừng phạt với hy vọng Hà Nội quay về đúng lối. Đổi lại, Việt Nam vận hành theo mô hình răn đe chiến tranh, khi nhận thức rằng cách tốt nhất để cản trở sự trừng phạt của Trung Quốc là phải đứng vững chứ không chiều theo các đòi hỏi của Trung Quốc.  

Đây là điều mà Việt Nam đã rút ra được từ những bài học kinh nghiệm xương máu mà cuộc chiến tranh Việt Nam chống Pol Pot ở Cam Bốt và cuộc chiến biên giới năm 1979 là những ví dụ điển hình nhất. Cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc là một thất bại của Việt Nam khi muốn răn đe Trung Quốc qua việc ký kết liên minh quân sự với Liên Xô. Đối với Trung Quốc, đó là một bước leo thang và do vậy cần phải « dạy cho Việt Nam một bài học », buộc Hà Nội phải lùi bước.  

Từ bài học này, Việt Nam hiểu rằng họ phải luôn thuyết phục Trung Quốc trước bất kỳ động thái mở rộng quan hệ với những cường quốc khác nhằm tránh để Bắc Kinh hiểu rằng động thái này là một vòng xoáy leo thang và đó sẽ là một kết quả tồi tệ.  

Tóm lại, như tác giả lưu ý, điều này giải thích vì sao, Việt Nam, một nước nhỏ, « không may » sống cạnh một nước lớn, phải ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc hơn là với Mỹ ! 


Công lý cho Myanmar: Việt Nam cần ngừng việc trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar!

RFA
20/10/2023

Công lý cho Myanmar: Việt Nam cần ngừng việc trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar!

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng Giám đốc OSB Group chia sẻ về việc tham gia Triển lãm Vietnam Defence 2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngOSB 

Tổ chức nhân quyền Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar- JFM) kêu gọi Việt Nam ngừng việc trợ giúp tài chính và quân sự cho chính quyền quân sự Myanmar đồng thời thúc giục quốc tế trừng phạt nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vì tiếp tay cho Quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền.

JFM đưa ra lời kêu gọi sau khi Văn phòng công tố ở thành phố Ravensburg (Đức) mở cuộc điều tra hình sự đối với doanh nghiệp ND SatCom GmbH vì cung cấp thiết bị liên lạc cho Quân đội Myanmar để quân đội nước này sử dụng trong việc trấn áp đối lập và thực hiện hành vi diệt chủng đối với người thuộc sắc tộc Rohingya. Một doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia trợ giúp quân đội Myanmar hoặc đóng vai trò trung gian trong vụ mua bán thiết bị liên lạc nói trên.

JFM cho biết ND SatCom GmbH là một tập đoàn truyền thông vệ tinh của Đức có trụ sở tại Immenstaad với năng lực cung cấp tất cả các năng lực cốt lõi cần thiết cho việc thiết kế, cung cấp chìa khóa trao tay và hỗ trợ hậu cần cho các hệ thống vệ tinh quân sự.

Điều tra của JFM cho thấy, từ năm 2016, ND SatCom đã cung cấp hỗ trợ đáng kể cho hệ thống liên lạc vệ tinh của Quân đội Myanmar, bao gồm phần cứng và phần mềm liên lạc vệ tinh 5G để sử dụng trong trung tâm Meiktila, trạm cố định và thiết bị thông tin của người lính liên lạc trong quân đội.

Vẫn theo JFM, thiết bị ND SatCom đã được gửi từ Việt Nam đến quân đội Myanmar gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2021.

Tham gia vào việc cung cấp này là doanh nghiệp có tên Com & Com Company Limited- là liên doanh giữa công ty tư nhân Terabit Wave Company Limited của Myanmar và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB (OSB) của Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội. Công ty liên doanh này cung cấp các dịch vụ vệ tinh quân sự và dân sự, bao gồm cả việc bảo trì thiết bị ND SatCom cho Quân đội Myanmar.

JFM còn cho biết công ty của Singapore có tên Dịch vụ Kỹ thuật Interspace Pte. Ltd cũng tham gia cung cấp thiết bị ND Satcom cho quân đội Myanmar. Công ty này thuộc sở hữu của Nguyễn Hồng Sơn, người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của OSB và cũng là Giám đốc của Com & Com.

Về vai trò của thiết bị ND SatCom, thông cáo báo chí của JFM ngày 18/10 viết:

Quân đội Myanmar chịu trách nhiệm về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, được thực hiện hoàn toàn không bị trừng phạt, được hỗ trợ bởi công nghệ truyền thông ND SatCom.”

Theo JFM, ND SatCom cải thiện khả năng liên lạc của Quân đội Myanmar và giúp lực lượng này “giết người bừa bãi, tra tấn, hãm hiếp, san bằng toàn bộ các ngôi làng, phá hủy thực phẩm và buộc dân thường phải di dời hàng loạt.”

JFM kêu gọi Đức và các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc trợ giúp Quân đội Myanmar và đồng lõa với các tội ác quốc tế của nước này, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, cũng như các giám đốc và chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Thông cáo nói Việt Nam và Singapore, hai quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc kêu gọi “tất cả các quốc gia thành viên ngăn chặn dòng vũ khí sang Myanmar,” cần chấm dứt ngay mọi hoạt động chuyển giao vũ khí, thiết bị, công nghệ và kinh phí cho chính quyền quân sự.

Trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA), Phát ngôn nhân Yadanar Maung của JFM nói:

Việt Nam là nước hỗ trợ chính trong khu vực cho quân đội Myanmar bất hợp pháp và tàn bạo, cung cấp nguồn tài chính thông qua Viettel, cũng như cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự thông qua các công ty trong đó có OSB.

Mặc dù đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong việc ngăn chặn dòng vũ khí đến Myanmar và là thành viên ASEAN, Việt Nam đang lựa chọn trợ giúp chính quyền quân sự thực hiện tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, tiếp tục hoạt động kinh doanh khiến người dân Myanmar phải trả giá.

Chúng tôi kêu gọi Việt Nam ngừng trợ giúp tài chính và quân sự cho chính quyền quân sự hiện nay, phù hợp với trách nhiệm nhân quyền quốc tế của họ.”

Chúng tôi có gọi điện cho Công ty Đầu tư và Công nghệ OSB để kiểm chứng thông tin mà JFM đưa ra. Một nhân viên nữ của công ty, người từ chối nêu danh tính và chức vụ, nói rằng OSB có tham gia đấu thầu ở Myanmar những năm 2015-2016 nhưng không trúng thầu và không có hoạt động gì ở quốc gia này từ năm 2017.

Phóng viên có gửi email cho công ty này để hỏi thêm chi tiết nhưng chưa nhận được phản hồi.

Phóng viên cũng gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Đức ở Hà Nội với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của JFM nhưng cũng chưa nhận được hồi âm.

Trên trang web của mình, OSB tuyên bố là doanh nghiệp đi đầu trong nền tảng công nghiệp quốc phòng mới, có chương trình nghiên cứu-phát triển riêng và cung cấp thông tin liên lạc quốc phòng an toàn trên toàn cầu. 

Công ty này tham gia nhiều triển lãm quốc phòng thế giới, trong đó có Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

OSB là doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam bị JFM cáo buộc có liên quan đến Quân đội Myanmar. Cuối năm 2020, JFM đưa ra báo cáo trong đó tố cáo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội của Việt Nam (Viettel), cổ đông lớn nhất của Công ty viễn thông Mytel của Myanmar, trợ giúp cho những hoạt động tham nhũng và tội ác quốc tế của lực lượng này.


Gia Lai: Sở Công thương công bố nguyên nhân vụ vỡ thủy điện Ia Glae 2; Chủ đầu tư phản bác

RFA
23/10/2023

Gia Lai: Sở Công thương công bố nguyên nhân vụ vỡ thủy điện Ia Glae 2; Chủ đầu tư phản bác

Hiện trường vụ vỡ đập tràn dự án Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCAND 

Chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2 chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung, biện pháp thi công trong mùa mưa lũ, gây vỡ đập tràn dự án nhà máy thủy điện này.

Đó là nội dung trong kết luận của Sở Công thương tỉnh Gia Lai báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và được truyền thông loan trong ngày 23/10.

Theo Sở Công Thương Gia Lai, dựa trên những hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Khải Hoàng (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) cung cấp, thì nhà máy thuỷ điện Ia Glae2 được khởi công đảm bảo các điều kiện, đảm bảo năng lực. Nhưng qua đánh giá bước đầu giữa hiện trạng công trình sau sự cố và các hồ sơ liên quan, thì chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng nhà máy thủy điện Ia Glae 2 chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung, trình tự, biện pháp thi công, dẫn dòng trong mùa lũ khi làm phần tường thượng lưu, khiến xảy ra sự cố vỡ tràn đập trong ngày 8/10.

Tuy nhiên, trong ngày 23/10, trong báo cáo giải trình về sự cố trên, chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 không thừa nhận yếu tố kĩ thuật dẫn đến sự cố vỡ đập mà chỉ là do “chủ quan về mặt đánh giá thời tiết”.

Theo đơn vị này, lúc sự cố xảy ra, thời tiết có mưa liên tục đã gây lũ lớn làm gãy một phần tường bê tông đã thi công. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Đại diện Công ty CP thủy điện Khải Hoàng cho biết “Đơn vị sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố nói trên và sự chủ quan trong việc đánh giá tình hình về thời tiết làm ảnh hưởng đến công trình”.

Hiện, Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông đã thành lập tổ điều tra sự cố công trình thuỷ điện Ia Glae2 để điều tra, đánh giá, làm rõ nguyên nhân sự cố, từ đó có cơ sở xử lý theo quy định.

Chia sẻ trên tờ Công an nhân dân sau sự cố trên, người dân trên địa bàn huyện Chư Prông cho biết vô cùng bức xúc khi thủy điện đang xây dựng, chưa tích nước nhưng đã xảy ra sự cố; đồng thời, lo lắng khi thủy điện tích nước và đi vào hoạt động sẽ đe dọa đến tính mạng hàng trăm hộ dân nơi đây.

Thủy điện Ia Glae 2 được xây dựng trên suối Ia Glae (thuộc địa bàn hai xã Ia Ga và Ia Vê của H.Chư Prông). Thuỷ điện này do Công ty Cổ phần Thủy điện Khải Hoàng (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 12MW, vốn đầu tư trên 423 tỉ đồng. Dự án đang trong giai đoạn thi công, chưa tích nước.

Công an Việt Nam bắt sáu người với cáo buộc khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm

20/10/2023

Công an Việt Nam bắt sáu người với cáo buộc khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm

Bên trong khu mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương 

Dân Trí/ Văn Đức 

Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trang thông tin Bộ Công an Việt Nam ngày 20/10 đưa tin cho biết, vào ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với sáu đối tượng.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, vào ngày 9/10/2023, “Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 03 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.”

Hai người là ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị cáo buộc “đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646 kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.”

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bốn người khác thuộc Công ty Hợp Thành Phát và Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) là công ty đối tác với Công ty Blackstone Mineral Ltd của Australia trong dự án tham gia đấu thầu khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam ở Lai Châu dự kiến sẽ bắt đầu mở lại khai thác vào năm tới, theo Reuters.

VTRE cũng đã ký thoả thuận với một công ty Australia khác là ASM vào tháng tư vừa qua về việc mua 100 tấn đất hiếm qua chế biến trong năm nay và cam kết sẽ cung cấp dài hạn.

Hiện cả hai công ty Australia đều không đưa ra bình luận gì về thông tin bắt giữ mới nhất.

Biểu tình phản đối phái đoàn tôn giáo Việt Nam đến Mỹ

October 20, 2023 

https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2023/10/image_2023-10-20_200035864-696x391.png

Ông Nguyễn Thanh Giàu phát biểu tại cuộc biểu tình ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, ngày 19/10/2023

 “Ở trong nước bị đàn áp về nhân quyền, về tôn giáo. Do đó anh em tập hợp biểu tình nói lên thông điệp chống lại chế độ độc tài, đàn áp nhân quyền, cũng như đàn áp tôn giáo”.

Hàng chục người gốc Việt tập trung biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco hôm 19/10 phản đối sự can thiệp của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo độc lập trong nước.

Cuộc biểu tình diễn ra khi Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên cử một đoàn công tác liên ngành cấp Bộ sang thăm Hoa Kỳ, được tháp tùng bởi các chức sắc tôn giáo mà người biểu tình gọi là “sư quốc doanh”.

Ông Thanh Quách, một người tham gia cuộc biểu tình, nói:

“Được cộng đồng Bắc California báo tin, một phái đoàn “Tôn giáo vận” của Việt Cộng đang thăm viếng Hoa Kỳ và ghé San Francisco sáng nay và chặng chót sẽ qua Washington, DC”.

“Ở trong nước bị đàn áp về nhân quyền, về tôn giáo. Do đó anh em tập hợp biểu tình nói lên thông điệp chống lại chế độ độc tài, đàn áp nhân quyền, cũng như đàn áp tôn giáo”.

Những người biểu tình phản đối một đoàn do Thứ Trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu, bao gồm các quan chức phụ trách tôn giáo và lãnh đạo các nhóm tôn giáo được cho là được nhà nước hậu thuận.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng là quan chức cấp bộ cao nhất trực tiếp chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan quản lý các nhóm tôn giáo ở Việt Nam.

Các trang mạng xã hội đăng tải các video clip với hàng chục người tham gia cuộc biểu tình, mang băng-rôn và bản hiệu phản đối các nhóm tôn giáo “quốc doanh”.

Trong một clip đăng trên YouTube, ông Nguyễn Thanh Giàu, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung ương Hòa Hảo, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Liên tôn Hải ngoại, phát biểu qua loa phóng thanh trước cơ quan ngoại giao của Việt Nam, nơi đang tiếp phái đoàn tôn giáo.

“Phản đối sự hiện diện của phái đoàn, trong đó có những người lãnh tụ các tôn giáo tại Việt Nam. Ngày hôm nay sở dĩ chúng tôi có mặt tại đây là chúng tôi muốn nói lên sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo một cách tinh vi”.

Vào đầu tháng 10, một phái đoàn khác do Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc dẫn đầu cũng đã đến Mỹ, tham Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 30 về Luật pháp và Tôn giáo tại bang Utah. Tại hội thảo này, ông Bắc có bài phát biểu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và “những thành tựu đã đạt được trong thời qua”, theo Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tại cuộc gặp ở Hà Nội vào hồi đầu tháng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper về chuyến công du của phái đoàn ông đế Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 23 tháng 10.

Tại cuộc gặp này, ông Thắng đề nghị phía Mỹ hỗ trợ để đoàn công tác “hoàn thành các nhiệm vụ trong chương trình đề ra”, theo thông tin của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, ông Thắng cũng hối thúc ông Knapper vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để “sớm đưa Việt nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.

(Theo VOA) 

Thiếu điện ở miền Bắc: Đề nghị kỷ luật lãnh đạo Tập đoàn EVN

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_sau-vu-nha-xe-thanh-buoi-so-gtvt-tp-hcm-bi-tong-kiem-tra-1-700x480.jpeg

Ảnh minh họa: cmsc.gov.vn 

Sau vụ việc để thiếu điện diện rộng ở miền Bắc gây ảnh hưởng kinh tế và đời sống hàng vạn người dân, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật các lãnh đạo Tập đoàn Điện lực (EVN). Tuy vậy, dự báo trong 2 năm tới, miền Bắc vẫn có nguy cơ không đủ điện cung ứng.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương hồi tháng 7, EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối dẫn tới thiếu điện mùa khô 2023 và nguy cơ không đủ cung ứng điện sẽ có thể lặp lại trong 2 năm tới.

Do đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với ông Dương Quang Thành, nguyên Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN; Phó tổng giám đốc Ngô Sơn Hải và Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Cùng quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật, Ủy ban cũng xem xét, điều động nhiệm vụ khác hoặc cho nghỉ công tác với Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân theo nguyên vọng.

Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm do lượng nước về từ thượng nguồn rất ít.

World Bank ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Mặt khác, dựa vào ước tính việc thiếu hụt nguồn cung đến tháng 6, World Bank đánh giá, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.

Năm 2024 – 2025, nhu cầu điện tiếp tục tăng, đặt ra yêu cầu phải bổ sung nguồn điện. Theo tính toán, nguồn điện cần bổ sung là từ 4.000 – 5.000 MW, song công suất bổ sung lại thấp hơn so với nhu cầu, dẫn đến thiếu điện.

Chuyên gia đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tính toán, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.

Vị này cho biết nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới có nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025.

Tại Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, 3 dự án điện khí LNG nhập khẩu tại miền Bắc, tổng công suất 4.500 MW sẽ được phát triển để đảm bảo cân đối nguồn theo vùng, miền.

Trong tổng 22.400 MW điện LNG (gồm 17.900 MW của 11 dự án đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh), mới có 2 dự án đang làm là Hiệp Phước 1 (1.200 MW) và Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW).

Đức Minh

Sau vụ nhà xe Thành Bưởi, Sở GTVT TP.HCM bị tổng kiểm tra

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_sau-vu-nha-xe-thanh-buoi-so-gtvt-tp-hcm-bi-tong-kiem-tra-700x480.jpeg

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: vtc.vn) 

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách Thành Bưởi với xe 16 chỗ khiến 5 người tử vong, 4 người bị thương, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định kiểm tra việc quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô của Sở GTVT TP.HCM.

Truyền thông trong nước ngày 22/10 dẫn thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết cơ quan này có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô của Sở GTVT TP.HCM từ đầu năm đến nay. Thời gian kiểm tra trong vòng 3 đến 5 ngày.

​​Theo Cục Đường bộ, việc kiểm tra này là thực hiện các công văn của Bộ GTVT triển khai công điện ngày 30/9 của Thủ tướng về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai.

Đây là vụ tai nạn giữa xe khách Thành Bưởi và xe 16 chỗ làm 5 người chết, 4 người bị thương. Sau vụ tai nạn, hàng loạt hoạt động kiểm tra nhà xe Thành Bưởi đã được thực hiện, từ đó làm lộ ra nhiều vấn đề, sai phạm của nhà xe này trong quá trình kinh doanh vận tải hành khách.

Đoàn kiểm tra được cục trưởng Cục Đường bộ quyết định thành lập gồm 5 cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn của Cục Đường bộ, do ông Đặng Văn Ngạn – Phó trưởng phòng pháp chế – thanh tra, Cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn.

Nội dung kiểm tra của đoàn gồm: Việc xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”; việc cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô; danh mục mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh.

Cục đường bộ cũng sẽ kiểm tra vị trí các điểm dừng đón, trả khách cho vận tải hành khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ thuộc địa phương; việc quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách…

Đặc biệt, đoàn sẽ kiểm tra việc địa phương quản lý, theo dõi, sử dụng và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu truyền về từ thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô.

Khánh Vy

Cứ mỗi tháng hơn 90 nghìn lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/cong-nhan-pouyuen-768x457-1.jpg

Kể từ đầu năm tới cuối tháng 8/2023, Công ty PouYuen Việt Nam đã cắt giảm hơn 9.000 người. Ảnh: Công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam giờ tan làm, tháng 4/2020. (Ảnh: Huy Thoai/Shuterstock) 

Trong 9 tháng năm 2023, số lao động nộp hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và số hồ sơ được chấp nhận đều tăng cao, lần lượt hơn 10% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, song tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra.

Thống kê của Bộ cũng cho thấy trong 9 tháng năm 2023, cả nước có hơn 812.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 772.000 người, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng sản xuất kinh doanh 9 tháng qua vẫn còn ảnh hưởng hậu COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhiều doanh nghiệp giải thể, thiếu đơn hàng, tạm dừng hoạt động, thậm chí giải thể.

Khu vực chịu ảnh hưởng mạnh là khối doanh nghiệp thâm dụng lao động trong các khu vực dệt may, da giày, đồ gỗ…, đã khiến số lao động bị giảm việc làm, mất việc gia tăng. Mất việc, không có thu nhập kéo theo số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng.

Một lý do khác ông Thanh đưa ra là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng do chính sách mở rộng đối tượng kéo theo số người nhận khoản bảo hiểm này cũng tăng lên. Tính đến hết tháng 9, cả nước có khoảng 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ước tính cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%.

Ngoài ra, theo ông Thanh giải thích, có nhiều lao động bị mất việc từ trước Tết, sau Tết vẫn là thời điểm trong thời hạn 3 tháng để giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, nên kéo theo số người hưởng khoản trợ cấp này tăng.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH thể hiện số người lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp và số lao động được nhận trợ cấp tập trung lớn trong quý 2. Tương quan trên trùng với thời điểm số lao động bị mất việc nhiều nhất trong 3 quý (quý 1/2023 có 149.000 lao động mất việc, quý 2/2023 là 217.800 người, quý 3/2023 là 118.400 người).
so lao dong nhan tro cap that nghiep 2023
Tương quan giữa số lao động nộp hồ sơ và số lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp trong 3 quý đầu năm 2023. (Số liệu: Bộ LĐ-TB&XH; Biểu đồ: Nguyễn Quân)

(*) Số liệu quý 1 và 2 là con số chính xác, căn cứ theo Bản tin quý của Bộ LĐ-TB&XH; số liệu của quý 3/2023 là tương đối, do lấy tổng của 3 quý (tương đối) trừ đi con số chính xác.

Số lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp trong quý 2/2023 – quý có số lao động nộp hồ sơ và nhận trợ cấp thất nghiệp lớn nhất kể từ đầu năm – phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động này chiếm 68,9% (cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với tỷ lệ của quý 1 là 67%).

Đáng lưu ý, đứng thứ hai là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên (13,1%), sau đó lần lượt là nhóm sơ cấp (6,8%); cao đẳng (5,8%) và trung cấp (5,4%).

Cũng trong quý này, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Cao thứ hai là nhóm hoạt động dịch vụ khác (30,9%). Tiếp đến là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (4,4%); xây dựng (2,7%); nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (2,6%).

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan (28,2%); thợ lắp ráp (7,8%); nhân viên bán hàng (2,7%); kỹ thuật viên điện tử (2,5%); kế toán (2,4%).

Nguyễn Quân

Quản lý bởi người Thái trong 5 năm, Công ty Nhựa Bình Minh lãi kỷ lục

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_nhua-binh-minh-3.jpg

Nhà máy Nhựa Bình Minh ở Khu công nghiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: binhduong.gov.vn) 

Nhựa Bình Minh – Công ty nhựa lớn nhất miền Nam lãi hơn 780 tỷ đồng trong 9 tháng 2023, vượt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, mức lãi trong 3 quý này còn cao hơn tất cả mức lợi nhuận hằng năm trong quá khứ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) có doanh thu hơn 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, vì công ty cắt giảm giá vốn đến hơn một nửa đã giúp biên lợi nhuận gộp được nâng lên 43% – cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu năm 2018.

Kỳ này, các chi phí thường xuyên đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 19% so với quý 3/2022, đạt gần 209 tỷ đồng. Với con số này, Nhựa Bình Minh cũng lập kỷ lục về biên lãi ròng khi đạt 22,5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMP có hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu và hơn 784 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu giảm gần 16% nhưng lợi nhuận tăng tới 75%.

Công ty vượt kế hoạch lãi cả năm 20% dù chỉ hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu.

Con số 784 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng cũng giúp BMP lập kỷ lục mới, cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ của doanh nghiệp này. Nhiều khả năng khi kết thúc năm nay, công ty sẽ nối dài mạch tăng trưởng dương liên tiếp từ sau COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Tính đến cuối tháng 9, Nhựa Bình Minh có quy mô tổng tài sản đạt gần 3.500 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ở dạng tiền nhàn rỗi với gần 2.000 tỷ đồng (bao gồm 675 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với 1.360 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn).

Theo kế hoạch năm nay, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu 6.357 tỷ và lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng.

Kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho BMP chia cổ tức. Công ty dự kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.

Năm ngoái, Nhựa Binh Minh dành đến 99% lợi nhuận (khoảng 690 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 8.400 đồng.

Gần đây doanh nghiệp này bị xử phạt gần 9 tỷ đồng về thuế. Tổng cục Thuế kết luận Nhựa Bình Minh khai thuế sai trong ba năm 2020-2022 nên phải truy thu kèm phạt tiền chậm nộp.

Bình luận trên tờ Vnexpress, một độc giả nhận định: “Điều này chứng tỏ là: ở mức độ những doanh nghiệp lớn thì người Thái họ giỏi điều hành quản lý và kinh doanh hơn chúng ta, bằng chứng là mấy anh thương nhân Thái rất thích mua lại những doanh nghiệp dạng này tại VN, điển hình như Bia Sài Gòn, nhựa Bình Minh, Metro Cash & Carry (giờ là Mega Market)…

Vấn đề cốt lõi mang lại sự thành công của họ không hẳn ở chổ tài chính dồi dào mà ở chỗ phong thái lãnh đạo, triết lý kinh doanh rất khác khi họ nắm quyền điều hành mới, một trong số đó là bớt đi những thủ tục giấy tờ rườm rà mỗi khi trình duyệt bất cứ một kế hoạch mua sắm hay nâng cấp cơ sở vật chất hoặc mở rộng kinh doanh nào đó.”

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_nhua-binh-minh-4.jpg

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net 

Còn bạn ngocnhien1006 nói: “Người Việt tạo thương hiệu cho người Thái hưởng lợi. Trước đó là Sabeco giờ là Bình Minh. Người Việt thua ngay trên sân nhà.”

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_nhua-binh-minh-5.jpg

Ảnh chụp màn hình: Vnexpress.net 

Tuấn Minh

Hãng Bamboo điều chỉnh tuyến bay và đội bay

23/10/2023

Hãng Bamboo điều chỉnh tuyến bay và đội bay

Minh họa: Một chiếc máy bay A320neo tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội ngày 16/1/2019 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Hãng hàng không Bamboo Airways, mà cổ đông sáng lập duy nhất là tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang bị bắt giam tại Việt Nam, hướng đến cắt giảm các hoạt động bay quốc tế, tập trung vào khai thác máy bay thân nhỏ và có thể rút khỏi mạng lưới bay đường dài.

Mạng báo FlightGlobal loan tin ngày 23/10 dẫn thông báo của Bamboo Airways về kế hoạch vừa nêu. Cụ thể thời kỳ 2023-2024. Bamboo Airways nhắm đến hoạt động phù hợp, sử dụng máy bay thân nhỏ, tập trung vào các tuyến bay nội địa giữa ba thành phố hàng đầu Việt Nam gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; cũng như tại khu vực Đông Nam Á.

Bamboo Airways sẽ giảm tần suất của nhiều tuyến không hiệu quả vì nhu cầu thấp, gia tăng các tuyến có nhu cầu cao.

Dù Hãng Bamboo không nói rõ sẽ cắt giảm các tuyến nào; nhưng theo Hãng phân tích dữ liệu hàng không Cirium, kế hoạch bay tháng 11/2023 của Bamboo Airways không có các tuyến đến London Gatwick, Melbourne và Seoul.

Cirium cho thấy, Bamboo Airways cho đội máy bay 29 chiếc gồm 22 máy bay Airbus A320ceo/neo, hai máy bay Boeing 789-9s, và năm máy bay Embraer E190s. Hãng đã đặt mua thêm 10 máy bay Boeing 789-9s.

Hồi giữa năm ngoái, Bamboo Airways bày tỏ mong muốn sẽ tăng đội máy bay lên 100 chiếc vào năm 2028.

FlightGlobal nhận định năm 2023 là một năm khó khăn đối với Bamboo Airways khi hàng ngũ lãnh đạo thay đổi và những mối quan ngại về tính ổn định tài chính.