Đây có phải là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed?

Share this post on:
Đây có phải lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed?

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ở Washington, Mỹ, vào ngày 03/05/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

 Bình luậnBảo Nguyên • Thủy Tiên • 22:00, 04/05/23

Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản giữa hỗn loạn ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế. Cơ quan này có vẻ vẫn chưa thể dừng việc tăng lãi suất nhằm chống lại lạm phát, cho dù giới chuyên gia và công chúng đều đang kêu gọi họ dừng chu kỳ thắt chặt.

Xem nhanh

  1. Lạm phát, khủng hoảng ngân hàng và tình hình kinh tế
  2. Lời kêu gọi dừng tăng lãi suất
  3. Lần tăng lãi suất cuối cùng?
  4. Fed đã tăng lãi suất đủ chưa?
  5. Khủng hoảng ngân hàng làm phức tạp tình hình
  6. Mối lo ngại về suy thoái

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 03/05, nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên khoảng từ 5% đến 5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 09/2007.

Theo một tuyên bố từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), việc tăng lãi suất thêm 1/4 điểm đã được nhất trí hoàn toàn.

Các thị trường hầu hết dự đoán trước việc tăng lãi suất, vì vậy các nhà đầu tư tập trung vào các thông tin đánh giá về tương lai hơn là bản thân quyết định chính sách vào tháng 5.

Tuyên bố sau cuộc họp đã mở ra cơ hội tạm dừng tăng lãi suất, với việc loại bỏ dòng chữ, “Ủy ban dự đoán rằng một số sự củng cố chính sách bổ sung có thể là thích hợp”.

“Khi xác định mức độ phù hợp của việc củng cố chính sách bổ sung để đưa lạm phát trở lại mức 2% theo thời gian, Ủy ban sẽ tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ được tích lũy, độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, và diễn biến kinh tế và tài chính”, Fed tuyên bố.

Các thị trường tương lai hiện đang cho thấy rằng các nhà giao dịch đang kỳ vọng về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 6 và sau đó là việc cắt giảm vào tháng 9.

Về lĩnh vực ngân hàng, Fed nhắc lại rằng “hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và vững chắc”, đồng thời bổ sung rằng các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn có thể sẽ “đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát”.

“Mức độ của những tác động này vẫn chưa được biết chắc chắn”, tuyên bố sau cuộc họp FOMC viết.

FOMC cho biết: “Hoạt động kinh tế mở rộng với tốc độ khiêm tốn trong quý đầu tiên”. “Việc làm tăng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn tăng cao”.

Thị trường cổ phiếu tăng điểm một chút sau thông báo của Fed, với các chỉ số chuẩn hàng đầu tăng khoảng 0,2%. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau FOMC của Chủ tịch Jerome Powell, cổ phiếu chuyển biến tiêu cực do lo ngại về lãi suất tăng cao.

Ông Ken Mahoney, Giám đốc điều hành của Mahoney Asset Management, cho biết: “Chúng ta đang ở đây, tiến sâu vào chu kỳ tăng lãi suất này, nơi họ hiện đang bị dồn vào chân tường, phải cân nhắc giữa rủi ro lạm phát cao và thảm họa ngân hàng mà chúng ta đang trải qua”. “Chúng ta biết họ sẽ tăng lãi suất cho đến khi họ phá vỡ điều gì đó, và họ chắc chắn đã phá vỡ lĩnh vực ngân hàng khu vực”.Một công nhân lau cửa sổ tại văn phòng Ngân hàng First Republic ở San Francisco, California, Mỹ, vào ngày 01/05/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Lạm phát, khủng hoảng ngân hàng và tình hình kinh tế

Bất chấp việc các nhà đầu tư kêu gọi cắt giảm lãi suất, ông Powell nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp rằng, một động thái như vậy “sẽ không phù hợp” vì lạm phát cần nhiều thời gian hơn để giảm bớt.

“Lạm phát đã được kiểm soát phần nào kể từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài phía trước”, ông Powell nói. “Mặc dù lạm phát tăng cao, kỳ vọng lạm phát dài hạn dường như vẫn được kiểm soát tốt như được phản ánh trong một loạt các cuộc khảo sát đối với hộ gia đình, doanh nghiệp và các nhà dự báo, cũng như các thước đo từ thị trường tài chính”.

Nhưng Fed sẽ cần thêm vài tháng dữ liệu để đạt tới và duy trì “lập trường đủ tính thắt chặt” trong cuộc chiến lạm phát của mình.

“Sẽ mất một thời gian, và trong thế giới đó, nếu dự báo đó nói chung là đúng, thì việc cắt giảm lãi suất sẽ không phù hợp và chúng tôi sẽ không cắt giảm lãi suất”.

“Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ không phải tăng lãi suất ở mức cao như vậy”, ông nói thêm.

Ông Powell lưu ý rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng ngân hàng dường như đã qua.

Các tổ chức tài chính là trung tâm của căng thẳng ngân hàng vào tháng 3 – Ngân hàng Thung lũng Silicon, Ngân hàng Signature và First Republic – “hiện tất cả đã được xử lý xong” và người gửi tiền đã được bảo vệ. Vì vậy, với các biện pháp xử lý, ông Powell cho biết, ông tin rằng giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng này đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, các tác động kinh tế vĩ mô phát sinh từ cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ được theo dõi cẩn thận trong tương lai.

Về vấn đề suy thoái kinh tế, ông Powell không đồng ý với các nhà kinh tế của Fed rằng, Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.

Ông Powell thừa nhận rằng, ông cảm thấy “lần này thực sự khác”, lưu ý rằng có “quá nhiều nhu cầu dư thừa”.

“Thật thú vị, như bạn biết đấy, chúng tôi đã tăng lãi suất 5 điểm phần trăm trong 14 tháng và tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%, tương đối giống với – thậm chí thấp hơn so với – khi chúng tôi bắt đầu”, ông nói.

“Theo quan điểm của tôi, kịch bản tránh được suy thoái kinh tế có nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản suy thoái kinh tế”, ông Powell nói với các phóng viên. Đồng thời, ông Powell cho biết thêm rằng, ông cũng không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

“Có khả năng chúng ta sẽ trải qua điều mà tôi hy vọng là một cuộc suy thoái nhẹ”.

Lời kêu gọi dừng tăng lãi suất

Với việc Ngân hàng First Republic sụp đổ – vụ sụp đổ ngân hàng thứ 3 kể từ tháng 3 – một loạt chuyên gia đã thúc giục Fed nhấn nút tạm dừng chu kỳ thắt chặt trong cuộc họp rất được chờ đợi.

Vào ngày 03/05, ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của UBS, nói với Bloomberg rằng, ông “sẽ không tăng lãi suất” nếu ông là người đang điều hành Fed.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, ông Robert Kaplan, cũng nói với Bloomberg rằng, Ngân hàng Trung ương nên “tạm dừng theo kiểu diều hâu”. Ông Kaplan hướng sự chú ý vào tình trạng hỗn loạn ngân hàng mà ông cho rằng mới đang ở giai đoạn đầu. Quan điểm chính sách mà ông đề xuất sẽ khiến lãi suất không thay đổi nhưng cũng “báo hiệu rằng chúng ta đang ở trong tình trạng thắt chặt”.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đã khuyến nghị rằng Fed nên kiềm chế việc kích hoạt lãi suất cao hơn.

10 thượng nghị sĩ và dân biểu, do Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ – Massachusetts) và Bernie Sanders (Độc lập – Vermont) dẫn đầu, đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Powell. Trong đó cảnh báo rằng một “phản ứng thái quá” sẽ khiến nền kinh tế dễ rơi vào trước suy thoái và rằng “điều đó phá hủy việc làm và huỷ hoại các doanh nghiệp nhỏ”.

Công chúng cũng muốn Fed ngừng tăng lãi suất.

Một cuộc thăm dò gần đây của Lake Research Partners cho thấy 56% cử tri Mỹ nghĩ rằng Ngân hàng Trung ương cần ngừng tăng lãi suất.

Bà Rakeen Mabud, nhà kinh tế trưởng tại Groundwork Collaborative, cho biết: “Cuộc thăm dò mới của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng người dân trên khắp đất nước muốn Cục Dự trữ Liên bang ngừng tăng lãi suất trước khi nó đẩy chúng ta tới một cuộc suy thoái tàn khốc và hoàn toàn có thể tránh được”.

Theo nghiên cứu mới từ WalletHub, chiến dịch thắt chặt của Fed đã ảnh hưởng đến ví tiền của người tiêu dùng.

Khảo sát về việc tăng lãi suất của Fed gần đây của trang web tài chính cá nhân này cho thấy rằng, gần 70% người Mỹ cho biết tài chính của họ bị ảnh hưởng do lãi suất cao hơn và 46% cho biết việc tăng lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mùa hè của họ.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng, mức tăng một phần tư điểm sẽ khiến người dùng thẻ tín dụng phải trả thêm 1,7 tỷ USD trong 12 tháng tới. Nhìn chung, việc lãi suất của Fed tăng 500 điểm cơ bản kể từ tháng 03/2022 dự kiến sẽ khiến người tiêu dùng mắc nợ thẻ tín dụng phải trả thêm khoảng 33,4 tỷ USD trong 12 tháng tới.

“Trên thực tế, việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản dự kiến vào ngày 03/05 đã làm tăng chi phí thế chấp trung bình 30 năm lên khoảng 11.600 USD, với việc tăng lãi suất thường tác động trước tới lãi suất thế chấp”, nhà phân tích Jill Gonzalez của WalletHub nói.

Lần tăng lãi suất cuối cùng?

Theo NPR, với những dấu hiệu về thị trường việc làm yếu đi và tăng trưởng kinh tế chậm lại, đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong đợt tăng này, đặc biệt là sau những bất ổn do khủng hoảng ngân hàng.

Fed đã ám chỉ về điều đó. “Tôi nghĩ chúng ta đã tiến khá nhanh qua một chặng đường dài”, chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên sau khi Fed công bố quyết định của mình. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có đủ khả năng để xem xét dữ liệu và tiến hành đánh giá cẩn thận”.

Fed đã tăng chi phí đi vay trong mười cuộc họp liên tiếp, đẩy lãi suất cơ bản lên mức từ 5 đến 5,25%. Nhìn chung, đó là mức các nhà hoạch định chính sách của Fed đã từng dự đoán vào tháng 3 cho lãi suất cuối năm nay.

Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt kể từ mùa hè năm ngoái nhưng nó vẫn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương.

Giá cả trong tháng 3 đã tăng 4,2% so với một năm trước, theo thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Tỷ lệ lạm phát “lõi”, không bao gồm giá lương thực và năng lượng biến động, là 4,6%.

Fed đã tăng lãi suất đủ chưa?

Những nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế với hàng loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980 đang bắt đầu cho thấy kết quả.

Xây dựng và sản xuất – vốn đặc biệt nhạy cảm với chi phí đi vay – đã hạ nhiệt. Và sau một tháng 1 mạnh mẽ, chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3.

Thị trường việc làm dường như cũng đang mất dần động lực, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang dao động gần mức thấp nhất trong 50 năm qua.

Mức tăng việc làm trong tháng 3 là thấp nhất trong hơn 2 năm. Và mặc dù việc cắt giảm nhân viên vẫn còn hiếm khi so với mức tiêu chuẩn của lịch sử, nhưng chúng đã và đang dần gia tăng.

Một số nhà quan sát cảnh báo rằng bất kỳ đợt tăng lãi suất bổ sung nào của Fed sẽ khiến nhiều việc làm gặp rủi ro hơn và không hẳn sẽ góp phần kiểm soát giá cả.

“Ngày càng ít có cơ sở để tiếp tục theo đuổi các chính sách giúp giảm lạm phát nhưng lại gây thiệt hại cho thị trường lao động”, bà Lindsay Owens, giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức tư vấn cấp tiến ở Washington, DC, cho biết. “Chúng ta không cần phải tiếp tục tăng lãi suất một cách tích cực”.

Khủng hoảng ngân hàng làm phức tạp tình hình

Một nhân viên nói với người dân rằng trụ sở chính của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng là một yếu tố trong tính toán của Fed. Kể từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature vào tháng 3, những nhà cho vay khác đã trở nên thận trọng hơn trong việc mở rộng các khoản vay.

Kết quả là việc cho vay giảm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giống như lãi suất tăng, nhưng tác động của nó thậm chí còn khó xác định và dự đoán hơn.

Bản thân Fed đang phải chịu một số trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn ngân hàng, vốn vẫn chưa dịu đi với sự sụp đổ của Ngân hàng First Republic vào cuối tuần qua.

Việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed đã làm giảm giá trị của một số khoản đầu tư của ngân hàng.

Và một báo cáo mang tính chỉ trích gay gắt từ Fed vào tuần trước cho thấy các giám sát viên của chính họ đã không giám sát đúng đắn Ngân hàng Thung lũng Silicon, để cho các vấn đề của ngân hàng này trở nên trầm trọng hơn cho đến khi tình hình trở nên quá muộn để có thể kiểm soát.

Ông Michael Barr, Phó chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, đổ lỗi cho một chính sách vào năm 2019. Chính sách này đã miễn trừ tất cả ngoại trừ các ngân hàng lớn nhất khỏi sự giám sát chặt chẽ. Ông cũng đổ lỗi cho sự thay đổi trong văn hóa tại Fed khi cơ quan này ủng hộ việc nới lỏng hoạt động điều tiết các ngân hàng.

Ông Powell tán thành quan điểm của ông Barr cũng như lời kêu gọi gia tăng kiểm soát ngân hàng.

“Tôi đã là chủ tịch hội đồng [Fed] hơn 5 năm nay. Và tôi hoàn toàn nhận ra rằng chúng tôi đã phạm một số sai lầm”, ông Powell nói. “Chúng tôi cam kết rút ra những bài học đúng đắn từ tình huống này và sẽ làm việc để ngăn chặn những sự việc như thế này xảy ra lần nữa”.

Mối lo ngại về suy thoái

Trong những tháng gần đây, các nhà kinh tế đã khẳng định rằng, Fed đang mắc kẹt trong một tình huống khó xử với việc tăng lãi suất. Nếu ông Powell tiếp tục tăng lãi suất, ông ấy có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn ngân hàng và gây ra suy thoái kinh tế. Mặt khác, nếu ông ấy nhấn nút tạm dừng, ông ấy có thể kích hoạt quá trình tăng tốc lại hoặc sự kéo dài dai dẳng của lạm phát.

Nhưng các nhà phê bình khẳng định rằng, dù sao đi nữa thì cả ba sự kiện trên đều đang xảy ra.

Kể từ tháng 3, đã có ba vụ sụp đổ ngân hàng. Hơn nữa, có những lo ngại rằng có thể có thêm nhiều ngân hàng vừa và nhỏ sụp đổ trong những tháng tới. Điều này góp phần thúc đẩy việc bán tháo mạnh cổ phiếu ngân hàng khu vực. Với những lo ngại về rút tiền hàng loạt, sự sụt giảm giá của cổ phiếu PacWest Bancorp là một ví dụ.

Trong quý đầu tiên, giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng lên 4,2% và PCE lõi, loại bỏ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng lên 4,9%. Chỉ số giá PCE hàng năm đã giảm xuống 4,2% trong tháng 3, nhưng PCE lõi đã giảm xuống mức cao hơn dự kiến là 4,6%.

Ngoài ra, chỉ số chi phí việc làm đã tăng 1,2% trong ba tháng đầu năm 2023, tăng từ mức 1,1% trong quý IV năm 2022 và cao hơn ước tính của thị trường là 1,1%.

Nhiều nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích thị trường đều đồng ý rằng một cuộc suy thoái đang đến gần.

Bà Mimi Duff, giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư GenTrust, đã viết trong một ghi chú nghiên cứu: “So với thị trường, chúng tôi ít lạc quan hơn về việc lạm phát sẽ giảm và chắc chắn hơn rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái và các tài sản rủi ro được định giá quá cao so với kết quả đó”. Bà nói thêm rằng không có kỳ vọng nào về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Các nhà kinh tế của Fed dự đoán một cuộc suy thoái vào cuối năm nay, theo biên bản được công bố từ cuộc họp FOMC tháng Ba.

Bảo Nguyên – Thủy Tiên tổng hợp

Ntdvn.net