Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 23 tháng 3 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Psaki bối rối khi bị hỏi vì sao dân nhập cư được ở khách sạn, lính vệ binh phải ngủ trên sàn

Bà Jen Psaki (ảnh: Chandler West/Official White House Photo)

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã rất bối rối khi phải giải thích tại sao chính quyền Joe Biden cân nhắc việc đưa người di cư vào phòng khách sạn.

Breitbart đưa tin, bà Psaki đã không phủ định báo cáo rằng chính quyền Biden đã cấp 86 triệu đô-la cho một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Texas để cung cấp phòng khách sạn trong 6 tháng cho khoảng 1.200 gia đình vượt biên giới phía nam.

Phóng viên Emerald Robinson của Newsmax đã đặt câu hỏi với Psaki về lý do tại sao chính quyền Biden lại cung cấp phòng khách sạn, thức ăn và nơi ở cho người di cư bất hợp pháp. Trong khi đó, vệ binh quốc gia Mỹ lại phải ngủ trên sàn khi họ bảo vệ Điện Capitol.

Bà Robinson nói: “Nhiều người đang chỉ vào sự khác biệt này, rằng Vệ binh Quốc gia của chúng ta bị đối xử một chiều còn những người nhập cư bất hợp pháp được đưa vào phòng khách sạn?”.

Cảnh sát Bernard Kerik viết trên Twitter “Joe Biden và Kamala Harris buộc quân đội của chúng ta phải ngủ trên sàn nhà để xe, nhưng lại chi 89 triệu đô-la cho để thuê phòng khách sạn cho những người bất hợp pháp. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra dưới thời chính quyền Trump”.

Hầu hết lực lượng Vệ binh Quốc gia đã phải ngủ trên sàn của Tòa nhà Capitol trong vài tuần sau lễ nhậm chức của tổng thống Biden.

Bà Psaki đã bảo vệ hành động của tổng thống và lưu ý rằng ông Biden đã đích thân gọi điện cho người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cung cấp hỗ trợ khi biết thông tin quân đội phải ngủ trên sàn nhà để xe hồi tháng 1.

“Tôi biết chuyện này cách đây một đoạn thời gian, nhưng đó là phản ứng của ông ấy vào thời điểm đó,” bà Psaki nói trước khi chuyển sang các câu hỏi khác.

Covid-19: Pháp biến sân vận động thành trung tâm tiêm chủng quy mô lớn

Từ đầu tháng 04/2021, Stade de France, sân vận động lớn nhất nước Pháp, ở ngoại ô Paris, sẽ trở thành một trung tâm tiêm chủng lớn, với nhịp độ ít nhất 10.000 ngườ mỗi tuần. Reuters

Tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục trầm trọng tại Pháp. Với hơn 92.620 người chết vì Covid-19, số ca nhiễm mới và điều trị hồi sức vẫn tăng hàng ngày, một phần ba dân số Pháp bị phong tỏa, trong khi 14 tỉnh khác đang được theo dõi chặt chẽ, chính phủ Pháp hy vọng vào chiến dịch tiêm chủng. Để thúc đẩy tiến độ, một số sân vận động lớn được biến thành trung tâm tiêm chủng quy mô lớn.

Từ ngày 19/03/2021, sân vận động Orange Vélodrome ở thành phố Marseille đã trở thành một trung tâm tiêm chủng lớn, có thể đón hơn 1.000 người mỗi ngày. Sân vận động lớn nhất nước Pháp, Stade de France, ở tỉnh Seine-Saint-Denis (ngoại ô phía bắc Paris), cũng được quy hoạch để có thể tiêm cho “ít nhất 10.000 người mỗi tuần” kể từ đầu tháng Tư, theo báo Le Parisien. Tỉnh Seine Saint-Denis cũng là nơi bị dịch tác động nặng nhất nước Pháp với tỉ lệ 513 ca nhiễm/100.000 dân, cao gấp đôi mức bình quân cả nước.

Những trung tâm có quy mô lớn này nằm trong kế hoạch tăng tốc tiêm chủng chính phủ Pháp đề ra với mục tiêu 10 triệu người được tiêm đến hết tháng Tư và 20 triệu người tính đến cuối tháng Năm. Ngoài việc huy động thêm lực lượng cứu hộ và quân đội tham gia tiêm chủng, chính phủ Pháp đặt cược vào vac-xin AstraZeneca để tiêm đại trà.

Hiệu quả của vac-xin này vừa được tái khẳng định trong 2 thử nghiệm lâm sàng mới nhất, được tiến hành trên 30.000 người tình nguyện ở Mỹ, Chilê và Peru. Theo khẳng định của tập đoàn AstraZeneca, được AFP trích ngày 22/03, vac-xin của hãng có hiệu quả đến 80%, kể cả với người cao tuổi, và hiệu quả đến 100% đối với các biến chứng nặng của bệnh Covid-19.

Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc vì ‘ngôn từ lăng mạ’

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập đại sứ Trung Quốc về những lời “lăng mạ” và đe dọa lặp đi lặp lại nhằm vào các nghị sĩ và một nhà nghiên cứu của Pháp, cũng như một quyết định của Bắc Kinh về việc trừng phạt các quan chức trên khắp Liên minh Châu Âu.

“Ngôn từ của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp và các hành động chống lại các quan chức dân cử châu Âu, các nhà nghiên cứu và các nhà ngoại giao và không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, viết trên Twitter hôm thứ Hai (22/3). “Tôi đã yêu cầu rằng Đại sứ Trung Quốc cần được triệu tập để nhắc nhở ông ấy một cách nghiêm khắc về những ngôn từ này”.

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nhiều quan chức Trung Quốc vào hôm thứ Hai vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đây được xem là hành động phối hợp đầu tiên của phương Tây nhằm chống lại Bắc Kinh dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Vào tháng 4 năm ngoái, Bộ ngoại giao Pháp cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye) vì các bài đăng và dòng tweet của ông này nhằm bảo vệ phản ứng của Bắc Kinh đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và chỉ trích cách xử lý của phương Tây đối với sự bùng phát dịch bệnh.

Đại sứ quán Trung Quốc đã viết trong một dòng tweet thông báo rằng đại sứ của họ sẽ đến Bộ Ngoại giao Pháp vào thứ Ba để thảo luận về các lệnh trừng phạt của EU và các chất vấn liên quan đến Đài Loan.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp tuần trước đã đe dọa các nghị sĩ Pháp liên quan tới một cuộc họp bàn chuyện thăm Đài Loan.

Vào thứ Hai, đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của EU là dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch, vốn là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Phương Tây và Trung Quốc thay nhau ra lệnh trừng phạt

Chính quyền Biden, Anh, Canada và EU hôm qua đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Trung Quốc vì các hành động tàn bạo ở Tân Cương, một thông điệp phối hợp hiếm hoi nhằm gây áp lực lên các hành vi vi phạm nhân quyền. Những biện pháp trừng phạt của các chính phủ phương Tây nhắm vào 4 quan chức cấp cao có liên quan đến việc giam giữ hàng loạt và cưỡng bức lao động Duy Ngô Nhĩ, theo đó đóng băng tài sản tài chính của họ ở nước ngoài, và cấm các thực thể kinh doanh với họ.

Trung Quốc nhanh chóng trả đũa. Họ đã công bố các biện pháp trừng phạt lên năm thành viên của Nghị viện châu Âu và viện nghiên cứu Merics. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc cấm nhập cảnh vào nước này, và cấm các thực thể có liên quan đến họ làm ăn với Trung Quốc. Một số lãnh đạo EU lo ngại những động thái mới có thể gây nguy hiểm cho một hiệp ước đầu tư mới ký gần đây với Trung Quốc nhưng chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hiệu quả thực tế của các biện pháp trừng phạt có thể không nhiều, nhưng những tác động đi kèm là không thể xem thường.

Hai lãnh đạo kinh tế Mỹ điều trần trước ủy ban Hạ viện

Hôm nay Janet Yellen, bộ trưởng tài chính, và Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, sẽ điều trần trước ủy ban các dịch vụ tài chính của Hạ viện về quan điểm của họ đối với phản ứng kinh tế của Mỹ trong đại dịch. Nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang nhỏ hơn so với thời điểm trước covid-19, và vẫn còn thiếu 10 triệu việc làm so với mức tiền đại dịch. Cả bà Yellen và ông Powell đều tỏ ra sẵn sàng tiếp tục bơm kích thích vào nền kinh tế cho đến khi các con số trở nên tốt hơn đáng kể.

Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, ông Powell đã nhấn mạnh cam kết của ông đối với chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi bà Yellen đang chuyển trọng tâm sang một dự luật chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng. Với những nỗ lực đầy tham vọng như vậy, ủy ban có thể đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có sớm trở nên quá nóng hay không. Dù gì thì cũng sẽ phục hồi được mức sản lượng tiền đại dịch. Vậy tại sao phải kích thích lớn? Hãy chờ đợi bà Yellen và ông Powell đưa ra các lập luận vững chắc cho phản ứng đại dịch của họ.

Baidu ra mắt sàn Hồng Kông

Công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc, Baidu, sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông từ hôm nay. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, vốn đang niêm yết trên sàn Nasdaq, đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu của họ tăng gấp ba lần chỉ trong một năm, đẩy vốn hóa thị trường toàn hãng lên 90 tỷ USD. Nhờ kiểm duyệt của chính phủ, Google không thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục. Điều đó giúp Baidu trở thành “ông kẹ” trong tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc.

Năm ngoái, hãng tuyên bố có trung bình 538 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, gần gấp sáu lần con số của ba đối thủ xếp sau cộng lại. Hiện các nhà đầu tư quan tâm đến các ngành nghề kinh doanh mới của Baidu, đặc biệt là mảng “lái xe thông minh”, với kế hoạch triển khai đội robotaxi trên toàn quốc chạy bằng Apollo, công nghệ tự lái độc quyền của hãng. Họ cũng muốn sản xuất hàng loạt xe điện “thông minh”. Đến năm 2035, chính phủ Trung Quốc muốn mọi chiếc ô tô mới bán ra đều phải chạy bằng điện. Và công ty cũng có tham vọng quốc tế. Gần đây họ đã nhận được giấy phép thử nghiệm ô tô tự lái ở California.

Israel lại bầu cử quốc hội

Hôm nay, khi người Israel lần thứ tư đi bỏ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, đất nước họ vẫn đang chia rẽ. Binyamin Netanyahu, vị thủ tướng đang gặp khó, đã không thể giành được thế đa số cho các đảng trung thành với ông. Song phe đối lập rời rạc và đa dạng ý thức hệ cũng không thể thống nhất được một lãnh đạo thay thế. Đảng Yesh Atid trung dung của Yair Lapid được dự đoán sẽ nổi lên thành đảng lớn thứ hai, nhưng các đảng đối lập khác khó có thể ủng hộ ông Lapid làm thủ tướng.

Cũng như các cuộc bầu cử trước, lần này chính là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của ông Netanyahu. Chỉ 13 ngày sau, nhân chứng sẽ bắt đầu khai trong phiên tòa xét xử ông vì tội hối lộ và gian lận. Ông tuyên bố vô tội, nhưng nhiều người dự đoán ông sẽ tìm cách thông qua luật cho phép ông được miễn trừ nếu ông có thể lập được một liên minh. Một bước chuyển vào phút cuối, được thúc đẩy bởi chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng và thành công của Israel, có thể giúp ông giành phần thắng. Nếu không bế tắc chính trị lại kéo dài, và thậm chí có thể có một cuộc bầu cử lần thứ năm.

Xả súng ở Colorado, 10 người thiệt mạng, nghi phạm bị bắt

Lực lượng an ninh rà soát xung quanh khu vực diễn ra vụ xả súng ở Colorado vào ngày 22/3/2021.

Thêm một vụ xả súng vừa xảy ra tại một cửa hàng tạp hoá ở bang Colorado, Mỹ, hôm 22/3 giết chết 10 người, bao gồm một cảnh sát. Vụ xả súng diễn ra chỉ 6 ngày sau khi xảy ra vụ xả súng ở các tiệm spa ở bang Atlanta hôm 16/3 khiến 8 người thiệt mạng.

Tay súng, hiện chưa được tiết lộ danh tính, đã nổ súng tại cửa hàng King Soopers ở Boulder, cách Denver khoảng 45 km về phía tây bắc, vào cuối buổi chiều 22/3, khiến những người mua sắm hoảng loạn, nhân viên chạy tìm nơi trú ẩn trong khi hàng trăm cảnh sát bao vây khu vực.

Truyền thông Mỹ nói nghi phạm đã sử dụng một khẩu súng trường để tấn công và đăng hình ảnh một người đàn ông cởi trần với một chân đẫm máu khập khiễng đang bị cảnh sát còng tay dẫn đi. Cảnh sát cho rằng tay súng chỉ hành động một mình.

Cảnh sát trưởng Boulder, Maris Herold, cho biết có 10 người thiệt mạng tại hiện trường. Trong số đó có cảnh sát Eric Talley, 51 tuổi, người đã phục vụ 11 năm trong lực lượng cảnh sát Boulder, cũng là người người đầu tiên đến cửa hàng. Theo lời cha ông Talley, viên cảnh sát này có bảy người con và đang tìm một công việc ít nguy hiểm hơn.

Cảnh sát cho biết tay súng đã được đưa đến bệnh viện để điều trị vết thương nhưng không cho biết tình trạng thương tích của anh ta như thế nào. Hiện chưa có thông tin về thời điểm nghi phạm có thể phải ra hầu tòa.

Vụ xả súng đã thêm vào trong danh sách các vụ xả súng hàng loạt xảy ra ở Colorado, với một số các vụ bạo lực súng ống gây chấn động nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ.

Vụ nổ súng xảy ra chỉ cách khuôn viên trường đại học hàng đầu của Colorado khoảng 3,2 km.

Duy Ngô Nhĩ: Nhiều nước phương Tây đồng loạt trừng phạt Trung Quốc

Biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, trước sứ quán Trung Quốc tại Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 19/02/2021. REUTERS – LEAH MILLIS

Ngày 22/03/2021, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada và Anh Quốc cùng lúc ban hành nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Trong khi đó, Úc và New Zealand khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở vùng tự trị này.

Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lần đầu tiên các nước phương Tây hành động tập thể nhắm vào Trung Quốc. Ngoại trưởng của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí đưa thêm vào danh sách trừng phạt đã được lập hồi tháng 12/2020 tên 4 nhà lãnh đạo Trung Quốc và một thực thể của vùng Tân Cương vì vi phạm nhân quyền. Theo Công báo của khối 27 nước, những nhân vật này bị cấm visa nhập cảnh vào khối và bị phong tỏa tài sản, nếu có tại Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Bruxelles đối với Bắc Kinh kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trong số các nhân vật bị trừng phạt có ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương, với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”, “bắt giữ tùy tiện và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo khác, cũng như vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do tín ngưỡng của họ”.

Ba quan chức còn lại là ông Chu Hải Luân (Zhu Hai luan), cựu quan chức của tỉnh, người được coi là kiến trúc sư hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương, cùng với hai quan chức cấp cao là ông Vương Minh San (Wang Ming Shan) và ông Vương Tuấn Chánh (Wang Jun Zheng). Thực thể bị trừng phạt là Cơ quan Công An Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương.

Anh Quốc và Canada cũng thông qua những biện pháp tương tự. Hoa Kỳ thì trừng phạt 2 trong số 4 quan chức Trung Quốc trong “danh sách đen” của Bruxelles, gồm ông Trần Minh Quốc và Vương Tuấn Chánh.

Úc và New Zealand hiện dừng ở việc lên án và bày tỏ lo ngại trước những bằng chứng rõ ràng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, theo một tuyên bố chung ngày 22/03 của ngoại trưởng hai nước. Tuy nhiên, Úc và New Zealand hoan nghênh biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhắm vào các quan chức Trung Quốc liên quan đến trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Mỹ: Người dân New York lập đội tuần tra tự bảo vệ tại các khu phố châu Á

Một cuộc biểu tình chống các vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng người châu Á, tại New York, Mỹ, ngày 21/03/2021. AFP – ED JONES

Trong hai ngày cuối tuần 20-21/03/2021, hàng trăm cuộc biểu tình đã diễn ra tại Mỹ lên án hành động bạo lực nhắm vào cộng đồng người châu Á. Sau vụ xả súng tại Atlanta và nạn bạo hành gia tăng, người dân gốc Á tại một số khu phố tại Mỹ tìm cách tự bảo vệ.

Ở New York, nhiều người tình nguyện đã lập ra một nhóm tuần tra công dân để bảo đảm an ninh trong khu phố của mình.

Thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki có bài phóng sự :

« Trước khi bắt đầu đi tuần, Richard Lee đưa ra nhiều hướng dẫn. Xung quanh viên cảnh sát New York về hưu này có khoảng ba chục tình nguyện viên, mặc áo khoác phản quang mầu vàng.

Richard Lee giải thích : Nếu một kẻ nào đó tìm cách gây tội ác ở đây, hắn sẽ thấy một người hay một nhóm áo vàng trên phố. Như vậy, nó buộc phải suy nghĩ trước khi hành động.

Richard Lee là thành viên của một nhóm tình nguyện, quyết định đứng ra bảo đảm an ninh cho phố Flushing. Cùng với Chinatown, khu phố này có cộng đồng người châu Á lớn nhất ở New York. Những tháng gần đây, các vụ tấn công và hành hung ở đây tăng lên rất nhiều.

Wan Chen, người đưa ra sáng kiến này thổ lộ : Tôi nghĩ là ai cũng có cùng một cảm nhận : Nỗi sợ và lo lắng cho bạn bè và gia đình của mình. Vẫn theo Wan Chen, thật là đau lòng khi nhìn thấy một người châu Á bị hành hung, bị hạ sát… Đã đến lúc chúng tôi phải lên án tất cả điều này và làm tất cả những gì mà chúng ta có thể để hỗ trợ.

Trên đường phố, những người tình nguyện phân phát các tờ rơi kêu gọi chống bạo lực, họ giải thích với cư dân làm thế nào đi kiện trong trường hợp bị hành hung. Họ cũng có thể hộ tống người cao tuổi chẳng hạn nếu như những người đó thấy lo sợ.

Nhóm của Wan Chen và Richard Lee hy vọng có thể làm giảm bớt nạn bạo lực. Ở New York, những vụ tấn công nhắm vào người châu Á đã tăng gấp 9 lần kể từ đầu mùa dịch đến nay ».

« Bất ổn chính trị toàn cầu »: Nga – Trung kêu gọi họp Hội Đồng Bảo An tìm giải pháp

(Ảnh minh họa) – Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du Matxcơva, Nga, ngày 11/09/2020. AP

Ngoại trưởng Nga có chuyến công du Trung Quốc hai ngày, hôm qua 22/03 và hôm nay 23/03/2021. Sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, lãnh đạo ngoại giao hai nước ra thông cáo chung kêu gọi các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An họp tìm giải pháp chung cho nhân loại, trong bối cảnh « bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng ».

Theo Reuters, sau cuộc hội đàm tại thành phố Quế Lâm (Guilin), tỉnh Quảng Tây, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) ra một thông cáo chung. Văn bản được đăng tải trên trang web của bộ Ngoại Giao Nga nhấn mạnh : « Vào thời điểm bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng, hội nghị thượng đỉnh của các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là đặc biệt cần thiết để thiết lập các đối thoại trực tiếp tìm cách giải quyết các vấn đề chung của nhân loại, nhằm duy trì ổn định toàn cầu ». Theo Reuters, Matxcơva từ lâu đã chủ trương thúc đẩy một hội nghị như vậy.

Tuyên bố chung Nga – Trung không trực tiếp nhắc đến Hoa Kỳ, nhưng ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong cuộc họp báo, khẳng định Matxcơva và Bắc Kinh đều không hài lòng với các hành xử của Mỹ. Lãnh đạo ngoại giao Nga lên án Hoa Kỳ có ý đồ « dựa vào các liên minh quân sự – chính trị thời Chiến tranh Lạnh và tạo ra các liên minh khép kín mới theo cùng một chủ đích, nhằm phá hoại kiến trúc luật pháp quốc tế mà Liên Hợp Quốc là trung tâm ».

Tuyên bố chung của hai ngoại trưởng Nga – Trung cũng kêu gọi các nước khác kiềm chế không can thiệp vào công việc nội bộ của hai quốc gia này. Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga và Trung Quốc coi các lệnh trừng phạt của châu Âu và phương Tây là không thể chấp nhận được.

Chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Nga và tuyên bố chung song phương được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước khác đồng loạt tiến hành các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc do các xâm phạm nhân quyền trầm trọng tại vùng Tân Cương.  Mỹ – Trung cũng vừa có vòng đàm phán tại Alaska được đánh giá là rất căng thẳng.

Quan hệ Washington – Matxcơva, vốn đã lạnh giá, cũng trở nên căng thẳng hơn, sau khi tân tổng thống Mỹ hồi tuần trước gọi đích danh đồng nhiệm Nga là « kẻ giết người ». Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Nga đàn áp đối lập và nghi ngờ Matxcơva đứng sau vụ đầu độc nhà đối lập chính của điện Kremlin, ông Alexis Navalny.

Covid-19 Cảm lạnh do rhinovirus có thể ‘đẩy Covid ra khỏi tế bào người’

James Gallagher

Phóng viên Y tế và Khoa học, BBC News

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các nhà nghiên cứu nói virus gây cảm lạnh thông thường có thể đẩy virus Covid ra khỏi tế bào của cơ thể chúng ta một cách hiệu quả.

Một số loại virus cạnh tranh với nhau để giành ‘ngôi vị’ độc nhất là virus gây nhiễm trùng.

Nay, các nhà khoa học của Đại học Glasgow nói có vẻ loại virus gây cảm lạnh (rhinovirus-tên có chữ rhin là mũi) đánh bại virus corona.

Họ nói thêm rằng ‘lợi thế’ của việc nhiễm loại virus này có thể chỉ thoáng qua nhưng rhinovirus lây lan rất nhanh, và vì vậy vẫn có thể giúp chế ngự Covid.

Hãy nghĩ đến những tế bào trong mũi, cổ họng và phổi của bạn giống như một dãy nhà.

Một khi virus xâm nhập vào bên trong, nó có thể mở cửa cho các virus khác xâm nhập vào cơ thể, hoặc có thể đóng chặt cửa và giữ căn nhà mới chiếm này cho riêng mình.

Cúm là một trong những loại virus ‘ích kỷ’ nhất và gần như chỉ gây nhiễm một mình. Những virus khác, chẳng hạn như adenovirus, dường như có vẻ thích sống chung hơn.

Đã có nhiều suy đoán về việc làm loại virus gây ra Covid, được gọi là Sars-CoV-2, sẽ hòa nhập vào thế giới bí ẩn của “sự tương tác giữa virus và virus” như thế nào.

Thách thức với các nhà khoa học là một năm giãn cách xã hội đã làm chậm sự lây lan của tất cả các loại virus và khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Virus ở Glasgow đã dùng một bản sao niêm mạc đường hô hấp của chúng ta, được tạo ra từ các loại tế bào giống nhau, nhiễm Sars-CoV-2 – là một trong những bệnh nhiễm trùng lan rộng nhất ở người, và rhinovirus – là một nguyên nhân gây ra cảm lạnh thông thường.

Trung tâm Nghiên cứu virus ở Glasgow khám phá ra là nếu rhinovirus và Sars-CoV-2 vào cơ thể cùng một lúc, thì chỉ rhinovirus có thể khiến chúng ta bị nhiễm trùng. Ngay cả khi Sars-CoV-2 vào cơ thể trước 24 tiếng, thì rhinovirus vẫn đẩy Sars-CoV-2 ra.

Tiến sĩ Pablo Murcia nói với BBC: “Sars-CoV-2 bị hạn chế rất nhiều bởi rhinovirus”.

Ông nói thêm: “Đây là điều hoàn toàn thú vị bởi vì nếu tỷ lệ nhiễm rhinovirus cao, nó có thể ngăn chặn các ca nhiễm trùng Sars-CoV-2 mới.”

Hiệu ứng tương tự đã được nhìn thấy trước đây. Một đợt bùng phát rhinovirus lớn có thể đã làm trì hoãn đại dịch cúm lợn năm 2009 ở một số vùng của châu Âu.

Các thí nghiệm tiếp theo cho thấy rhinovirus đã kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong các tế bào bị nhiễm bệnh, ngăn chặn khả năng tự tạo bản sao của Sars-CoV-2.

‘Mùa đông khó khăn’ trước mặt

Tuy nhiên, Covid sẽ có thể gây nhiễm trùng một lần nữa khi cơn cảm lạnh qua đi và phản ứng miễn dịch bình thường trở lại.

Tiến sĩ Murcia nói: “Chích ngừa, các biện pháp vệ sinh, cộng với sự tương tác giữa các loại virus có thể làm giảm tỷ lệ mắc Sars-CoV-2 một cách đáng kể, nhưng hiệu quả tối đa sẽ đến từ việc chích ngừa.”

Giáo sư Lawrence Young, thuộc Trường Y Warwick, nói rhinovius ở người, nguyên nhân thường gặp nhất của cảm lạnh thông thường, “có khả năng lây lan cao”.

Ông nói thêm rằng nghiên cứu gợi ý “nhiễm trùng phổ biến này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của SarsCoV2, đặc biệt là trong những tháng mùa thu và mùa đông khi cảm lạnh thường xuyên xảy ra hơn”.

Tất cả những điều này ảnh hưởng thế nào đến tình hình nhiễm bệnh trong các mùa đông tới vẫn chưa được biết chính xác. Virus corona có khả năng vẫn còn tồn tại và tất cả các bệnh nhiễm trùng khác bị ngăn chặn trong đại dịch có thể bùng phát lại khi khả năng miễn dịch với chúng suy yếu đi.

Tiến sĩ Susan Hopkins, từ cơ quan Y tế Công cộng Anh, cảnh báo về một “mùa đông khó khăn”.

“Chúng ta có thể thấy bệnh cúm gia tăng. Chúng ta có thể thấy sự gia tăng của các virus đường hô hấp khác và các mầm bệnh đường hô hấp khác”, bà nói,

Kết quả của nghiên cứu trên đã được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm (Journal of Infectious Diseases) của Anh.

Không có đối thoại ‘tay đôi’ Putin-Biden: Nga nói rất tiếc, lỗi là ở Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Youtube/CBS Evening News).

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự tiếc nuối khi chính quyền ông Biden không ủng hộ đề xuất về một cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo thế giới, cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện quan hệ song phương.

“Chúng tôi rất tiếc phải lưu ý rằng phía Mỹ đã không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tổ chức một cuộc thảo luận phát trực tuyến vào ngày 19 hoặc 22/3/2021 về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương, cũng như về chủ đề ổn định chiến lược”, Bộ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (22/3).

Tuần trước, ông Putin đã mời ông Biden có một cuộc tranh luận tay đôi trực tuyến sau khi Biden gọi ông là “kẻ giết người” trong một cuộc phỏng vấn.

“Tôi muốn đề xuất với Tổng thống Biden để chúng ta tiếp tục thảo luận, nhưng với điều kiện là chúng ta phải làm điều đó về cơ bản, đúng như tên gọi của nó. Không có bất kỳ sự chậm trễ nào và trực tiếp trong một cuộc thảo luận cởi mở, trực tuyến”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Nga ngày 16/3.

Ông Putin nói rằng ông không muốn trì hoãn lâu và hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể làm điều đó vào ngày 19 hoặc 22/3. “Chúng tôi sẵn sàng bất cứ lúc nào thuận tiện cho phía Mỹ”, ông nói.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki trả lời vào ngày 18/3 rằng cuộc thảo luận khó có thể xảy ra, ông Biden dự kiến ​​sẽ đến Georgia vào ngày hôm sau và “khá bận”.

Vào ngày 19/3, Phó thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói thêm rằng ông Biden sẽ gặp ông Putin “vào thời điểm thích hợp”.

Ông Biden “đã được hỏi một câu hỏi trực tiếp, và ông ấy đã đưa ra câu trả lời trực tiếp, và ông ấy sẽ không lùi bước. Ông ấy sẽ rất thẳng thắn và rất cởi mở về mối quan hệ đó, đặc biệt là khi được hỏi trực tiếp”, bà Jean-Pierre nói.

Trước khi rời Washington đến Georgia vào ngày 19/3, ông Biden nói với các phóng viên: “Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ nói chuyện vào một lúc nào đó”.

“Thêm một cơ hội nữa đã bị bỏ lỡ để tìm ra lối thoát cho sự bế tắc trong quan hệ Nga-Mỹ được tạo ra do lỗi của Washington”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm hôm thứ Hai. “Trách nhiệm về điều này hoàn toàn thuộc về phía Hoa Kỳ”.

Vào ngày 20/3, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov, đã lên đường đến Moscow. Đại sứ quán cho biết chuyến đi là để thảo luận về các cách điều chỉnh mối quan hệ Nga-Mỹ “đang trong khủng hoảng”, đề cập đến quan hệ song phương đang ở trong “bế tắc”.

Đầu tháng này, ông Antonov đã chỉ trích Hoa Kỳ vì cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 và đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny. Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố trừng phạt Nga vì vụ đầu độc vào ngày 2/3.