BBC News – 21/9/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đến Hà Nội đã đạt được các thỏa thuận với Việt Nam về chất bán dẫn khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương, nhưng liệu Việt Nam có đạt được lợi ích thực sự?
Trong Tuyên bố chung giữa hai nước, Hoa Kỳ công nhận tiềm năng của Việt Nam với vai trò quan trọng trong việc “thiết lập chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững và linh hoạt” và là “đối tác tin cậy” trong trường hợp không thể đưa các chuỗi sản xuất trở lại Mỹ (re-shoring).
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đến Mỹ đã thăm và làm việc với một số tập đoàn như Nvidia và Synopsys vào chiều ngày 18/9 và vấn đề hợp tác chip bán dẫn đều được xem là trọng tâm.
Ngày 19/9, Thủ tướng Chính dự lễ trao ba biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia với tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm;
Trung tâm này cũng bắt tay với Đại học bang Arizona để phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hợp tác với tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Nhà phân tích cấp cao Ivan Lam của Counterpoint Research nói với BBC News Tiếng Việt rằng, khi các ngành công nghiệp mới nổi phụ thuộc nhiều vào chip, Việt Nam đặt mục tiêu đóng vai trò chủ chốt trong ngành chip trong 5-10 năm tới.
“Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải tìm cách giới thiệu và phát triển chất bán dẫn hoặc thúc đẩy ngành bán dẫn của riêng mình,” ông Lam nhận xét.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Nvidia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy của công ty này ở Mỹ
Tiềm lực nội địa
Trong hơn một thế kỷ, cuộc tranh giành dầu mỏ đã châm ngòi cho các cuộc chiến tranh. Giờ đây, chip bán dẫn hiện được xem là một loại “dầu mỏ” mới của thế giới, là nguồn tài nguyên khan hiếm mà đời sống hiện đại không thể thiếu.
Hiểu nôm na, chất bán dẫn có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Điều này giúp nó trở thành phương tiện lý tưởng để kiểm soát dòng điện và các thiết bị điện hằng ngày.
Con chip hiện diện mọi ngóc ngách trong đời sống, từ tên lửa đến lò vi sóng, từ bóng đèn cảm biến đến thị trường chứng khoán, và chiếc điện thoại thông minh chúng ta sử dụng hàng ngày – đều chạy bằng chip. Sức mạnh quân sự, kinh tế và địa chính trị đều được xây dựng trên nền tảng chip máy tính.
Ngành công nghiệp bán dẫn hiện trị giá hơn 500 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Như vậy, nếu quốc gia nào thống trị và kiểm soát được ngành bán dẫn thì đồng nghĩa nắm trong tay hệ sinh thái kinh tế và trở siêu cường vô song trong thế kỷ 21.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là khách mời thuộc Viện ISEAS Singapore nói BBC hôm 20/9 rằng, đối với Mỹ lẫn Trung Quốc, việc đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn được ổn định, không bị ảnh hưởng bởi địa chính trị, chiến tranh là điều cực kỳ quan trọng.
“Nhờ đó, vai trò Việt Nam trở nên trọng yếu vì Việt Nam được các nước khác tin tưởng vài vị thế địa lý, tính ổn định chính trị và với vai trò cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.”
Theo ông Khắc Giang, ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối những năm 1970. Tuy nhiên, Việt Nam trải qua nhiều biến cố về địa chính trị và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu khiến chương trình bán dẫn ở Việt Nam không thể phát triển tiếp tục.
Đến giai đoạn 2000-2010, Việt Nam chào đón sự xuất hiện của một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tên tuổi như Intel vào năm 2006. Sau đó là sự ‘đổ bộ’ của tập đoàn Samsung vào năm 2008. Cho tới nay, các công ty như Amkor Technology, Marvell cũng lần lượt nối đuôi nhau đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Lễ công bố nhận giấy phép đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy bán dẫn của Intel tại khu vực miền Nam Việt Nam vào ngày 28 tháng 2 năm 2006
Intel có nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD với kế hoạch mở rộng ở trong nam để lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. Trong các cuộc hội luận với giới chức Việt Nam, Lãnh đạo Intel đều khẳng định, song song với việc đầu tư nhà máy sản xuất chip, Việt Nam là một trong những “trung tâm sản xuất quan trọng của tập đoàn”.
Năm 2022, Samsung công bố kế hoạch tổng đầu tư 2,27 tỷ USD để mở rộng hoạt động kinh doanh đế bán dẫn thế hệ tiếp theo ở Việt Nam – đánh dấu lĩnh vực kinh doanh thứ ba của gã khổng lồ tại nước này.
Thực tế, không chỉ có Intel và Samsung, đã có không ít doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tiếng tăm trên thế giới cũng hé lộ thông tin về những kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.
Một nhà máy của Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh chuyên sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 tới đây. Với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD và diện tích khoảng 23 ha, đây là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu.
Hanmi Semiconductor của Hàn Quốc, công ty hàng đầu thế giới về thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đã công bố vào tháng 5 rằng chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh phía bắc của họ đã chính thức hoạt động.
Cuối tháng 5/2023, Infineon Technologies, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức, đã công bố thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam. Trong tháng 6/2023, Công ty SKC, nhà sản xuất vật liệu tiên tiến của Hàn Quốc, đã ký biên bản ghi nhớ với Thành phố Hải Phòng để tìm hiểu đầu tư vào vật liệu tiên tiến cho chất bán dẫn, pin thứ cấp và các vật liệu thân thiện môi trường.
Theo Technavio, thị trường bán dẫn ở Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 6,12% trong giai đoạn 2022–2027, tương đương 1,65 tỷ USD.
“Việt Nam, một trung tâm sản xuất, sẵn sàng hưởng lợi từ việc tham gia vào ngành bán dẫn. Chất bán dẫn rất cần thiết cho nhiều loại sản phẩm và dịch vụ và việc phát triển ngành bán dẫn sẽ giúp Việt Nam nâng cấp nền kinh tế, thu hút nhân tài và nâng cao vị thế toàn cầu,” ông Lam nói với BBC.
‘Vốn liếng’ của Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển thêm tiềm năng của mình. Đặc biệt là Việt Nam nắm trong tay trữ lưỡng khoáng sản – nguồn nguyên liệu chiến lược cho ngành công nghệ cao và chất bán dẫn.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới và giữ vị trí thứ ba thế giới về trữ lượng tungsten, hay còn gọi là vonfram.
Ông Nguyễn Khắc Giang phân tích, nguồn tài nguyên mà Việt Nam đang sở hữu có thể lý giải vì sao Đối tác Chiến lược Toàn diện tập trung nhiều vào phát triển ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, tạo nên lực đẩy mới, đặc biệt là về phát triển nguồn nhân lực vốn đang thiếu hụt ở Việt Nam.
Tungsten hiện có trữ lượng lớn ở Núi Sáo, Thái Nguyên, chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc. Đây là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Theo chuyên gia, nếu như Indonesia có mỏ coban lớn, đóng vai trò chủ chốt trong ngành xe điện và biến thành đòn bẩy để thu hút đầu tư thì Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế đất hiếm, tài nguyên tungsten của mình để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, đặc biệt nếu muốn tập trung sản xuất chất liệu bán dẫn có độ tinh xảo cao và áp dụng trong AI và ngành công nghệ cao. Đơn cử, nhà máy sản xuất chip của TSMC tại bang Arizona, Mỹ có giá trị 40 tỷ USD.
Với quy mô nền kinh tế và năng lực hiện tại của Việt Nam, theo ông TS Khắc Giang, việc xây dựng một nhà máy lớn là cực kỳ tốn kém và khó thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này thông qua hai yếu tố chính:
Thứ nhất, Việt Nam nâng cao khả năng thiết kế và đóng gói – điều hiện đang làm rất tốt.
Thứ hai, sắp tới nếu có thể giảm được chi phí xây dựng nhà máy, Việt Nam có tiềm năng tham gia vào chuỗi cung ứng này với vị trí cao hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam như Viettel hay FPT cũng mới manh nha bước vào thị trường bán dẫn nên để có nguồn lực, mối quan hệ và vươn lên vị trí cao hơn là không hề dễ vì ngành này tương đối đóng.
Một vài năm trở lại đây, chính sách của Việt Nam được đánh giá khá tốt trong việc khuyến khích một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với các viện nghiên cứu và các trường đại học để đào tạo sinh viên phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Nhờ đó, giảm yêu cầu lớn của nhà nước về giáo dục-đào tạo.
Như Công ty FPT có trường đại học riêng của mình, có thể xem đây là một lợi thế rất lớn vì họ sẽ đào tạo luôn nhân lực trong ngành bán dẫn phù hợp với nhu cầu của tập đoàn FPT.
Còn đối với những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác, đã có một vài nơi bắt tay với các viện nghiên cứu, các trường công nghệ để đào tạo nhân lực của riêng họ.
Ông Vũ Tú Thành, giám đốc văn phòng Hội đồng Doanh nhân Mỹ-ASEAN tại Việt Nam, nói với Reuters rằng hiện Việt Nam chỉ có 5000 đến 6000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho ngành sản xuất chip.
Trong khi đó, nhu cầu dự kiến khoảng 20.000 trong 5 năm tới và 50.000 trong một thập kỷ, ông Thành nói, dẫn số liệu ước tính từ các công ty và các kỹ sư.
Theo TS Nguyễn Khắc Giang, việc thiếu nhân lực trong thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu vì sự bùng nổ của ngành bán dẫn ở Việt Nam là rất mới và phụ thuộc vào biến chuyển lớn về địa chính trị. Nhưng về dài hạn, nếu có chính sách tối ưu thì nhân lực không phải bài toán nan giải.
Hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam là FPT và Viettel cũng đưa ra đề xuất nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Việt Nam.
Như vậy, ngay cả trước khi Việt-Mỹ ký kết quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thì ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam dù còn non trẻ nhưng đã có những bước phát triển mạnh.
Mỹ ‘đỡ đầu’?
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khi đến Hà Nội đã đạt được các thỏa thuận với Việt Nam về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, ngang mức với Trung Quốc và Nga.
Mỹ ra chiến lược de-risking, friend-shoring nhằm ngăn chặn rủi ro và giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn. Việt Nam được coi là một trong những địa điểm lý tưởng của Mỹ trong chiến lược này, cùng với Malaysia và Ấn Độ.
Washington cũng rót hai triệu USD “gieo mầm ban đầu” để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Theo đó, Việt Nam và Mỹ sẽ phát triển các phòng thí nghiệm giảng dạy thực hành và các khóa đào tạo về lắp ráp, kiểm thử và đóng gói bán dẫn.
Mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện còn mở ra cơ hội để Mỹ kéo chuỗi cung ứng chất bán dẫn qua Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn mới quan trọng và đối tác tin cậy đối với Mỹ trong chiến lược giảm thiểu rủi ro.
Với sự đua tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc, Mỹ chủ trương xây dựng các chuỗi cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc, để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu trong thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Theo GS Alexander Vuving, có khả năng sẽ thấy chuỗi cung ứng chạy qua Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, những nước và lãnh thổ mà Việt Nam cũng có quan hệ sâu sắc.
Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 13/9 về hậu chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Giám đốc cao cấp Hội đồng An ninh quốc gia Mira Rapp-Hooper cũng đề cập vấn đề chất bán dẫn.
Ông Knapper nói rằng Việt Nam nổi lên như một đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, bao gồm cả các khoản đầu tư lớn của các công ty Mỹ và các công ty khác vào lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
“Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn mở rộng sang các lĩnh vực khác và tôi nghĩ các bạn sẽ thấy điều đó khi chúng tôi tiếp tục hợp tác với Việt Nam về vấn đề này, cùng với các đối tác khác để đảm bảo rằng Việt Nam có lực lượng lao động công nghệ cao và hệ sinh thái công nghệ cao cần thiết,” theo ông Knapper.
Bà Rapp-Hooper nhắc lại Hội nghị cấp cao Việt Nam – Mỹ ở Hà Nội hôm 11/9, nhấn mạnh rằng Mỹ đặc biệt chú trọng đến hợp tác bán dẫn với Việt Nam.
“Có một số công ty Mỹ quan tâm sâu sắc đến việc tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam và nhận thấy tiềm năng to lớn ở Việt Nam, như một trung tâm bán dẫn vì nhiều lý do”, bà Rapp-Hooper nói.
Ông Ivan Lam chỉ ra rằng Việt Nam đã được hưởng lợi trực tiếp từ những xung đột Trung-Mỹ trong quá khứ. Do sự gần gũi về mặt địa lý giữa Trung Quốc và Việt Nam nên việc chuyển giao hoạt động sản xuất tương đối dễ dàng.
Đối với Mỹ lẫn Trung Quốc, việc đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn được ổn định, không bị ảnh hưởng bởi địa chính trị, chiến tranh là điều then chốt trong cuộc đua giành vị trí số 1.
Do đó, Việt Nam trở nên quan trọng vì Việt Nam được các nước khác tin tưởng vào vị thế địa lý, tính ổn định chính trị và với vai trò cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vì thế, theo ông Khắc Giang, Việt Nam thành điểm đến lý tưởng cho đầu tư ngành bán dẫn, nhất là khi Mỹ muốn đẩy mạnh chiến lược friend-shoring và de-risking.
Dù Việt Nam không đủ nguồn lực để thay thế Trung Quốc mà chỉ là một mắt xích, cùng với Ấn Độ và Malaysia nhưng nếu làm tốt vai trò của mình, Việt Nam sẽ có trở thành quốc gia quan trọng hơn trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới, TS Khắc Giang đúc kết.