Hồi kết của chính trị nguyên lão tại Trung Quốc?

Share this post on:

Nguồn: Zhuoran Li, “The End of Senior Politics in China,” The Diplomat, 26/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ năm 1978 không bị hạn chế bởi các vị nguyên lão quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng thể chế hóa là chìa khóa cho sự ổn định chính trị của giới tinh hoa Trung Quốc kể từ thập niên 1980. Andrew Nathan nhận định thể chế hóa quá trình chuyển giao quyền lực là một trong những lý do chính đằng sau sự dẻo dai của chế độ chuyên chế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, như Joseph Fewsmith đã lưu ý, điều mà các học giả Trung Quốc định nghĩa là thể chế chính trị ở nước này chỉ đơn giản là các quy chuẩn. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, các quy chuẩn này đã được xây dựng và được bảo vệ bởi các nhân vật lớn tuổi trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người là lực lượng duy trì sự ổn định trong nội bộ Đảng.

Các vị nguyên lão này là những nhà lãnh đạo quốc gia đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng về mặt chính trị thông qua mạng lưới quan hệ và những người được họ bảo trợ. Trong lịch sử, họ đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị Trung Quốc: làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột của giới tinh hoa, kiến tạo sự đồng thuận giữa các phe phái, và định hướng chính sách. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề nhân sự khi thăng tiến cho những người ủng hộ mình, chỉ định người kế nhiệm, và thậm chí phế truất nhà lãnh đạo cao nhất.

Thế hệ nguyên lão đầu tiên nổi lên vào thập niên 1980. Họ là những đồng chí của Mao Trạch Đông, những người từng bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa, nhưng sau đó đã được Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang giúp “hồi sinh.” Trong số đó, tám nhân vật quyền lực nhất – được gọi là Bát đại Nguyên lão – là nhóm có ảnh hưởng chính trị vô song. Họ là những cái tên nòng cốt đã định hình các chính sách kinh tế trong suốt những năm 1980.

Cụ thể, hai nguyên lão, nhà bảo thủ Trần Vân và nhà cải cách Đặng Tiểu Bình, đã dẫn đầu tranh luận về tương lai của Trung Quốc, giữa nền kinh tế kế hoạch hóa với thị trường là phụ trợ và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hồ Diệu Bang, bí thư ĐCSTQ trong thời kỳ này, đã phàn nàn về việc bị kẹp giữa hai vị cao niên, và cùng lúc đó phải đối mặt với chỉ trích từ Lý Tiên Niệm, nguyên lão đứng hàng thứ ba, rằng Hồ chỉ nghe theo Trần và Đặng mà phớt lờ Lý.

Trong năm năm hỗn loạn, từ năm 1987 đến năm 1992, chính trị nguyên lão ở Trung Quốc đã chuyển sang một hướng mới: bát đại nguyên lão, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình, thực sự trở thành những người có quyền tấn phong hoặc phế truất lãnh đạo đứng đầu. Họ thẳng tay loại bỏ hai tổng bí thư sau những gì họ cho là “sai lầm chính trị,” trước khi đưa Giang Trạch Dân, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đến Bắc Kinh.

Đối mặt với làn sóng biểu tình của sinh viên vào tháng 12/1986, Hồ Diệu Bang đã lựa chọn cách tiếp cận hòa giải. Ông tin rằng thay vì đàn áp phong trào, ban lãnh đạo đảng nên giải quyết các mối quan tâm của sinh viên và theo đuổi cải cách dân chủ. Tuy nhiên, Đặng và các nguyên lão bảo thủ khác cho rằng Hồ “không đủ mạnh” để chống lại chủ nghĩa tự do tư sản. Sau vài cuộc họp tại nhà riêng của Đặng, các nguyên lão đã buộc Hồ phải từ chức.

Sau khi hất cẳng Hồ, Đặng và các nguyên lão phải chọn người kế vị. Hai ứng viên nổi bật cho chức tổng bí thư tiếp theo là Thủ tướng Triệu Tử Dương và Đặng Lực Quần (không có quan hệ với Đặng Tiểu Bình), một nhà bảo thủ cứng rắn, đồng thời là một trong những nhà lý luận chính trị giỏi nhất của ĐCSTQ. Đặng Tiểu Bình lo lắng rằng Đặng Lực Quần có thể gây nguy hiểm cho quá trình cải cách kinh tế. Sau khi nhận được một lá thư chỉ trích, Đặng Tiểu Bình đã quyết định tước bỏ tất cả các chức vụ của Đặng Lực Quần, một động thái nhận được sự đồng ý từ các nguyên lão bảo thủ như Bạc Nhất Ba và Trần Vân. Sự sụp đổ của Đặng Lực Quần đã mở đường cho sự thăng tiến của Triệu Tử Dương.

Tuy nhiên, sau cùng, Triệu cũng phải chịu chung số phận với người tiền nhiệm của mình. Trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, Triệu ủng hộ cách tiếp cận mang tính hòa giải đối với những người biểu tình và kịch liệt phản đối sự đàn áp của quân đội, theo đó mâu thuẫn với cách tiếp cận nắm đấm thép của Đặng. Khi Triệu thừa nhận với công chúng rằng Đặng vẫn là người đưa ra tất cả các quyết định quan trọng, Đặng coi đó là một sự phản bội cá nhân và đã quyết định xử tội Triệu. Đặng và các lãnh đạo cấp cao khác sau đó đã kết luận Triệu mắc tội “gây chia rẽ trong đảng” và buộc ông phải chịu quản thúc tại gia cho đến hết phần đời còn lại.

Sau khi xử lý Triệu, các nguyên lão chọn Bí thư Thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân làm lãnh đạo tiếp theo, vì ông đã xử lý khéo léo các cuộc biểu tình của sinh viên ở Thượng Hải. Giang là một nhân vật mà cả phe bảo thủ lẫn cải cách đều có thể chấp nhận được.

Lần cuối cùng Đặng thể hiện sức ảnh hưởng chính trị của ông là trong chuyến Nam Tuần năm 1992. Sau cuộc biểu tình Thiên An Môn và cuộc đàn áp đẫm máu, nhiều thành viên bảo thủ trong ĐCSTQ tin rằng chính cải cách kinh tế đã gây ra hỗn loạn chính trị. Do đó, ưu tiên quốc gia đã chuyển từ cải cách kinh tế sang đấu tranh chính trị. Trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ năm 1991, Giang tuyên bố rằng “đấu tranh giai cấp sẽ còn tồn tại lâu dài ở Trung Quốc.” Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vận động ý thức hệ, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và “tự do hóa tư sản.” Sau bài phát biểu, nhiều nhà quan sát cho rằng Giang có thể tấn công, thậm chí phá hủy, nền kinh tế thị trường non trẻ của Trung Quốc. Do đó, Đặng tin rằng ông phải hành động để ngăn Giang và những người bảo thủ đảo ngược quá trình “cải cách và mở cửa.”

Mùa đông năm 1992, Đặng đến thăm Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến và có một bài phát biểu, trong đó ông đe dọa Giang, nói rằng “bất cứ ai phản đối cải cách sẽ bị hạ bệ.” Theo Lý Duệ, người có quan hệ mật thiết với bát đại nguyên lão, Đặng rất lo lắng về tiến trình cải cách, thậm chí đã đi đến quyết định phế truất Giang. Tuy nhiên, các lãnh đạo cấp cao khác như Trần Vân, Lý Tiên Niệm, và Bạc Nhất Ba đã ngăn cản ông. Người ta kể lại rằng Bạc đã nói với Đặng, “Ông đã hạ Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương rồi; ông không thể cứ làm theo ý mình được, hãy nhớ rằng sự bất quá tam.” Đặng đồng ý, nhưng Giang đã hiểu được thông điệp. Một năm sau, Giang tuyên bố rằng cải cách và mở cửa “sẽ không thay đổi trong một thời gian dài nữa.”

Di sản chính trị cuối cùng của Đặng là chỉ định Hồ Cẩm Đào làm người kế nhiệm Giang Trạch Dân, khởi đầu cho truyền thống rằng một nhà lãnh đạo hàng đầu đã nghỉ hưu sẽ chỉ định người kế nhiệm của nhà lãnh đạo hiện tại.

Trong giai đoạn 1992-1995, Giang đã âm thầm củng cố quyền lực của mình trong lúc các nguyên lão lần lượt qua đời. Ông đã đánh bật các đối thủ chính trị chính, gồm Kiều Thạch và Lý Thụy Hoàn, bằng cách thay đổi độ tuổi nghỉ hưu. Năm 2002, ông chứng minh quyền lực bằng cách mở rộng Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và lấp đầy ủy ban này bằng những người mà ông bảo trợ, nổi bật trong số đó là Tăng Khánh Hồng, phụ tá thân tín lâu năm của ông. Quyết định mở rộng Ủy ban Thường vụ đã đảm bảo rằng Giang vẫn duy trì ảnh hưởng chính trị của mình sau khi đã nghỉ hưu. Giang đã tận dụng ảnh hưởng của mình để nuôi dưỡng một môi trường chính trị tương đối cởi mở và thúc đẩy làn sóng cải cách chính trị vào giữa những năm 2000. Việc Tập Cận Bình lên làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào cũng là quyết định của Giang.

Trong khi đó, Hồ bị coi là một nhà lãnh đạo yếu thế, cầm quyền dưới cái bóng của Giang. Ông không thể củng cố quyền lực một cách hiệu quả như Giang, gặp khó khăn trong việc kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân vốn ủng hộ Giang, và thậm chí không nhận được danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân.” Sự yếu thế của Hồ còn được thể hiện rõ hơn khi ông không thể đề bạt người mà mình bảo trợ – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lý Nguyên Triều – vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hồi năm 2012.

Việc Tập có thể củng cố quyền lực là kết quả của sự đồng thuận giữa các nguyên lão. Nhiều người trong nhóm này tin rằng vị trí lãnh đạo kiểu “cá mè một lứa” của Hồ đã cản trở việc triển khai chính sách, vì quyền lực bị phân mảnh quá nhiều. Họ cho rằng Trung Quốc cần một “chủ tịch” cấp cao với quyền lực tập trung để thúc đẩy thực hiện những cải cách khó khăn. Họ cũng kết luận từ vụ Bạc Hy Lai rằng lãnh đạo yếu sẽ dẫn đến nạn tham nhũng không được kiểm soát và cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ giới tinh hoa. Do đó, như Fewsmith lập luận, các nguyên lão đã ủng hộ việc củng cố quyền lực của Tập và chiến dịch chống tham nhũng. Thêm nữa, cả Cheng Li và Fewsmith đều chỉ ra rằng Tập đã nhận được sự chấp thuận của Giang Trạch Dân và các nguyên lão khác trong phe của Giang để thanh trừng người mà Giang bảo trợ, Chu Vĩnh Khang .

Tuy nhiên, các nguyên lão chắc chắn không mong đợi rằng Tập sẽ củng cố quyền lực đến mức này, khi ông cho thanh trừng tất cả các đối thủ chính trị bất kể họ thuộc phe phái nào.

Ngày nay, Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới. Lần đầu tiên kể từ năm 1978, Trung Quốc không có một vị nguyên lão nào đủ sức kìm hãm Tập Cận Bình. Giang Trạch Dân năm nay đã 96 tuổi và bị đồn có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; việc ông vắng mặt trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ đã xác nhận tin đồn đó. Còn Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ là một nhân vật thực sự quyền lực, và ảnh hưởng của ông lại càng giảm sút sau khi Tập thanh trừng nhiều thành viên của phe Đoàn phái, vốn là cơ sở quyền lực cho Hồ. Các nguyên lão khác, chẳng hạn như Tăng Khánh Hồng và Ôn Gia Bảo, đều đã trở nên trầm lắng hơn để tránh chiến dịch chống tham nhũng. Việc Tập sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước, đã chứng minh rằng không một nguyên lão nào có thể cản trở nỗ lực của Tập trong việc bóp méo những quy chuẩn của đảng.

Việc thiếu vắng các nguyên lão có ý nghĩa gì đối với nền chính trị Trung Quốc?

Một so sánh hữu ích là nhóm cao niên chính trị ở Nhật Bản thời Minh Trị. Các vị cao niên Nhật Bản (genro) là những anh hùng của cuộc Duy Tân Minh Trị. Ảnh hưởng của họ đối với chính trị đã bắt đầu kể từ năm 1892, khi nhóm genro chọn ra một thủ tướng mới sau sự ra đi đột ngột của Thủ tướng Matsukata Masayoshi. Genro giữ một vai trò chính trị tương tự như các nguyên lão ở Trung Quốc. Thứ nhất, họ nắm quyền lựa chọn thủ tướng để đảm bảo sự ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực. Thứ hai, họ có vị trí cao hơn bộ máy hành chính và đảng phái, để điều hướng các chính sách đối nội và đối ngoại dựa trên các mục tiêu quốc gia. Thứ ba, họ điều chỉnh sự khác biệt giữa các đảng phái chính trị, bộ máy hành chính, và quân đội để duy trì trung ương tập quyền.

Nhóm genro đã biến mất khỏi chính trường Nhật Bản vào những năm 1920 vì lý do tuổi tác. Kết quả là nền chính trị Nhật Bản rơi vào hỗn loạn sâu sắc. Những sĩ quan quân đội lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính sau khi genro ra đi đã theo đuổi các chính sách đối ngoại hiếu chiến, điều mà nhóm genro phản đối. Quyền lực không được kiểm soát của chính phủ quân sự đã đưa Nhật Bản đến Thế chiến II và cuối cùng là đến thất bại.

Sẽ không chính xác nếu rút ra kết luận tương tự ở Trung Quốc. PLA chắc chắn không có khả năng lên nắm quyền; thực tế thì Tập còn củng cố quyền chỉ huy của ĐCSTQ đối với “ngọn súng” của mình. Tuy nhiên, nguyên lão là một sự cân bằng quyền lực bổ sung đối với các lãnh đạo cao nhất. Họ cũng ngăn chặn bất kỳ hành động chính trị nào đi chệch hướng so với cải cách và mở cửa trong 40 năm qua. Hơn nữa, họ giúp ổn định quá trình ra quyết định bằng cách bảo vệ các quy chuẩn chính trị. Nếu không có các nguyên lão, Tập có thể mắc sai lầm khi theo đuổi các chính sách cực đoan với quyền lực không bị kiểm soát. Chính sách đối ngoại dân tộc chủ nghĩa và chính sách zero covid đã góp phần khẳng định nguy cơ này.

Zhuoran Li là nghiên cứu sinh tiến sĩ về Trung Quốc và hiện là trợ lý nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS), Đại học Johns Hopkins. Các bài viết của ông đã được đăng trên The Diplomat, National Interest, và ông cũng từng xuất hiện trên Vox News.

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/04/dang-vien-lao-thanh-105-tuoi-gui-thong-diep-thang-thung-cho-tap/embed/#?secret=KfJiAzGcRJ#?secret=4RDzkCoDuv