Nguyễn Lân Thắng phải đối mặt với án tù 12 năm vì phê phán chính quyền
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng.
Công an bắt giữ Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, ở Hà Nội vào ngày mồng 5 tháng Bảy năm 2022 và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117, khoản 1 của bộ luật hình sự. Một tòa án hình sự dự kiến sẽ đưa ông ra xử trong một phiên xử kín vào ngày 12 tháng Tư năm 2023. Nếu bị kết luận là có tội, ông phải đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù giam.
Sau khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt, chính quyền giam giữ không cho ông liên lạc với bên ngoài suốt hơn bảy tháng. Tới ngày 16 tháng Hai năm 2023, luật sư bào chữa mới được gặp ông lần đầu tiên. Hiện gia đình ông vẫn chưa được phép thăm gặp.
“Nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp lên nhân quyền một cách có hệ thống bằng cách trừng phạt những người viết blog dũng cảm như Nguyễn Lân Thắng chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm của mình về chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “ Chính phủ các quốc gia hữu quan, bao gồm các đối tác thương mại ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và Nhật Bản cần lên án tình trạng đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi phóng thích Nguyễn Lân Thắng.”
Ông Nguyễn Lân Thắng, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ông là thành viên sáng lập của Đội bóng No-U FC giờ đã ngưng hoạt động, có các thành viên cùng chung mục đích là lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên các vùng lãnh hải đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông cũng tham gia nhóm từ thiện No-U để hỗ trợ người nghèo ở các vùng hẻo lánh và nạn nhân của các đợt thiên tai.
Nguyễn Lân Thắng phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật…”
Ông đi tới những nơi bị cưỡng chế trưng thu đất đai để ghi lại hình ảnh chính quyền sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Ông cũng tham dự nhiều cuộc biểu tình ủng hộ môi trường. Ông tới các phiên tòa xử các nhà hoạt động thân hữu và thăm gia đình họ để bày tỏ tình đoàn kết. Ông lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị trong đó có Trần Đức Thạch, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Lê Văn Dũng và nhiều người khác.
Nguyễn Lân Thắng cũng là một người viết blog cho ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do. Từ giữa tháng Tư năm 2013 đến tháng Bảy năm 2022, một ngày trước khi ông bị bắt, ông đã viết hơn 130 bài blog đề cập đến nhiều vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam. Ông công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa, ghi rõ rằng ông mong muốn đấu tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực…”
Ông có lần từng viết rằng mình “chỉ quan tâm thực sự đến những gì làm người dân bình thường thoát lừa, giải ảo, dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình, dám đòi hỏi nhà nước phải thực thi bổn phận của nó… chỉ cần vậy thôi thì đường đến tự do dân chủ sẽ không còn xa…”
Trong nhiều năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa và đàn áp Nguyễn Lân Thắng. Ông từng bị câu lưu tùy tiện, thẩm vấn, quản chế tại gia và cấm xuất cảnh. Đã vài lần, ông bị an ninh mặc thường phục hành hung. Tháng Tư năm 2014, ông bị công an ở sân bay Nội Bài, Hà Nội cấm xuất cảnh đi Mỹ để tham dự một sự kiện về tự do báo chí quốc tế. Ông công bố một bức thư ngỏ tỏ lòng tiếc nuối không được tham dự sự kiện nói trên và ta thán về tình trạng thiếu tôn trọng các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.
“Việt Nam hiện là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nên hồ sơ tồi tệ về nhân quyền của quốc gia này lại càng đặc biệt đáng xấu hổ hơn,” ông Robertson nói. “Chính quyền Việt Nam nên phóng thích Nguyễn Lân Thắng và bất kỳ ai đang bị giam giữ chỉ vì ôn hòa thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.”
Việt Nam Thời Báo