Ban Tu Thư / TVVN – 04/7/2021
Lễ Độc Lập hay “Independence” thường là ngày kỷ niệm của một quốc gia dành lại “độc lập”, được tự trị, không còn bị chiếm hữu bởi “ngoại bang” hay người “ngoài”; một ngày “quốc lễ”.
“Người ngoài” là chữ được sử dụng rất dễ dãi vì ta khó lòng định nghĩa [hay chấp nhận] như thế nào là “dân bản địa” và như thế nào là “người ngoài” vì các định nghĩa này không hẳn chỉ dựa trên ngôn ngữ, màu da, văn hóa hoặc các tiêu chuẩn gom chung về một dân tộc.
Điển hình là quốc gia Tân Gia Ba, cư dân hầu hết gốc Hoa, chia chung nền văn hóa và vài loại ngôn ngữ với dân Hoa Lục; khi dành được quyền tự trị từ người Anh thì quốc gia Tân Gia Ba ra đời.
Nhóm người [gốc] Hoa ấy dù nhìn nhận họ là người Tàu nhưng chẳng dính dáng chi đến đất nước Hoa Lục.
Với công dân Tân Gia Ba, người Hoa Lục là “người ngoài”, và chính phủ Hoa Lục là “ngoại bang”. “Lễ Độc Lập” do đó mang ít nhiều ý nghĩa chính trị hơn là văn hóa và ngày quốc lễ ấy thay đổi theo tình trạng chính trị tại địa phương.
Ngoại trừ một số quốc gia hiện diện lâu đời và chưa hề bị chiếm ngụ nên không mừng ngày “độc lập”; bù lại, những vùng đất ấy có những ngày kỷ niệm khác, mừng “chính thể” mới như người Pháp mừng ngày phá ngục Bastille, cáo chung chế độ quân chủ, những nơi khác mừng ngày “Quốc Khánh”…Anh quốc, the Commonwealth, là quốc gia có nhiều thuộc địa nhất.
Trong số thuộc địa ấy, vài vùng đất nổi dậy đòi tự trị và tuyên bố độc lập điển hình là Hoa Kỳ (năm 1776) trong khi Anh quốc trả lại độc lập cho dân địa phương qua các cuộc tranh đấu ít đổ máu hơn như Ấn Độ năm 1949.
Đến nay, 62 quốc gia được độc lập từ Anh Quốc; dẫn đầu là Canada, Nam Phi (South Africa), Úc (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand).
Quốc gia nhiều thuộc địa thứ nhì là Pháp (28 quốc gia “mới” sau khi được độc lập); Tây Ban Nha 17 thuộc địa; Liên bang Soviet 16 thuộc địa; Bồ Đào Nha có 7 và Huê Kỳ có 5 thuộc đia.
Một chút về Hoa Kỳ trước và sau khi độc lập: Hoa Kỳ thủa lập quốc bao gồm 13 thuộc địa (British Colonies) dưới sự cai trị của người Anh. Cư dân liên kết, nổi dây đòi tự trị vì không muốn đóng thuế và tuân hành luật lệ của mẫu quốc. Người Anh thua trận nên kéo quân về và thế giới có “the United States” hay Liên Bang Hoa Kỳ.
Được độc lập và phát triển mạnh mẽ nên người Hoa Kỳ mở rộng lãnh thổ, vừa chiếm đất đai của thổ dân bằng súng đạn vừa thương thảo mua lại đất đai từ những người có súng khác như mua lại New Orleans của Pháp (năm 1803), Alaska từ Nga (năm 1867). Xa xôi hơn, người Hoa Kỳ chiếm lãnh Puerto Rico, Guam, the Commonwealth of the Northern Marianas, American Samoa và the U.S. Virgin Islands.
Độc lập nhưng các thuộc địa kể trên không được (bị?) xem như “tiểu bang” (state) của Hoa Kỳ. Dù là công dân Hoa Kỳ nhưng cư dân ở đó không được quyền bỏ phiếu bầu tổng thống cũng như không có người đại diện (được bỏ phiếu) trong quốc hội Huê Kỳ. Các thuộc địa này được quyền tự trị và bỏ phiếu cho người đại diện tại Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ; vị đại diện này dù được tham dự, phát biểu ý kiến… tại các buổi họp nhưng không có quyền bỏ phiếu (non-voting member).
Tuy nhiên, cư dân ra đời tại bốn thuộc địa (trừ American Samoa) lại có quốc tịch Hoa Kỳ, “citizen at birth”.
Khắp nơi trên thế giới, mỗi quốc gia mừng ngày Độc Lập khác nhau nhưng phổ thông nhất là việc đốt pháo bông, ăn uống, ca hát, diễn hành và một số tập tục địa phương khác.
Tại Hoa Kỳ, lễ Độc Lập vào mùa hè nên là dịp ăn uống, họp bạn ngoài trời; các món nướng như hamburger, hot dog, thịt gà… và dưa hấu là những món chính. Khi trời sập tối, tại các công viên đốt pháo bông.
Hàng xóm Mexico cử hành lễ Độc Lập vào ngày 16 tháng Chín, cờ xí treo khắp các tòa nhà, công thự cũng như nhà riêng và nhất là những chiếc lồng đèn xuất hiện khắp nơi. Ngày này, ông tổng thống đến công trường Zocalo vào ngày 15, lúc 11 giờ sáng thì bắt đầu buổi lễ, lặp lại lời kêu gọi của Cha Hidalgo, đòi độc lập trước công chúng. Ông tổng thống sau đó cũng rung cái chuông của Cha Hidalgo và đám đông bắt đầu đọc tên tuổi của những anh hùng tuẫn quốc trong trận chiến đòi độc lập. Buổi lễ kết thúc khi dân chúng la hét rùm trời Viva Mexico!
Ngày 15 tháng Chín cũng là ngày Độc Lập của Costa Rica, Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua. Vào ngày ấy, các quốc gia vùng Trung Mỹ kể trên dành được độc lập từ Haiti. Cư dân không vật vã cho lắm vì Tây Ban Nha đã cạn kiệt tài nguyên sau cuộc chiến tranh với Napoleon Bonaparte, và những cuộc nổi dậy của thuộc địa trong vùng châu Mỹ La Tinh. Thay vì giúp Haiti đàn áp cư dân Trung Mỹ, Tây Ban Nha rút dù nên các quốc gia vùng Trung Mỹ được độc lập. Không được yểm trợ, Haiti đành “buông tay”.
Từ đó kéo theo sự độc lập của Chile ngày 18 tháng Chín trong khi Venezuela cử hành ngày 5 tháng Bảy, Brazil ngày 7 tháng Chín, Dominican Republic ngày 27 tháng Hai, năm 1844.
Chính Haiti cũng chịu đô hộ và dành được độc lập từ người Pháp vào ngày 1 tháng Giêng năm 1804.
Người Nam Hàn thì có hai quốc lễ, ngày 1 tháng Ba và 15 tháng Tám. Ngày 15 tháng Tám, cư dân Nam Hàn cử hành Gwangbokjeol, mừng ngày dành lại độc lập từ Nhật Bản (năm 1945), cờ xí bay rợp trời và họ ca hát bài hát dành riêng cho dịp lễ này 광복절 노래: Gwangbokjeol Nor.
Ngày 1 tháng Ba là Samil Jeol, ngày suy tôn các anh hùng liệt nữ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh dành độc lập, từa tựa như ngày Chiến Sĩ Trận Vong và cũng được cử hành trọng thể.
Na Uy dành lại độc lập từ Thụy Điển ngày 17 tháng Năm, năm 1905; lễ Độc Lập do đó được cử hành vào ngày này nhưng cư dân cũng mừng ngày công bố hiến pháp (năm 1814) nên lễ Độc Lập còn có tên là “Constitution Day”. Trong ngày này, trẻ em diễn hành, tay cầm cờ, ca hát và bước theo nhịp của ban nhạc. Chúng đi ngang Hoàng Cung và được hoàng gia ra ban công chào đón.
Người Pháp giữ được đất đai của tổ tiên nên không có lễ Độc Lập, họ chỉ có ngày Cách Mạng, 14 tháng Bảy, khi dân chúng phá ngục Bastille và đưa vua chúa lên đoạn đầu đài; mở đầu thể chế dân chủ. French Revolution Day còn có tên là Bastille Day và French National Day.
Tại Úc, ngày 26 tháng Giêng được xem là quốc lễ, Australia Day, vinh danh những di dân đầu tiên đến mảnh đất ấy. Cư dân tổ chức các cuộc thi lướt sóng, đua thuyền… và đốt pháp bông.
Mới mẻ nhất là những ngày lễ Độc Lập của các quốc gia trong vùng Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia), vùng Trung Á (Azerbaijan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan…) khi liên bang Sô Viết rã gánh năm 1991. Tương tự, khi liên bang Yugoslavia tan rã thì 7 quốc gia trong vùng dành được độc lập năm 1992 (Croatia, Slovenia, Serbia, Bosnia & Herzegovina, Montenegro…)
Lập quốc là một sự kiện địa chính, geopolitic, nên biên giới được xóa đi vẽ lại nhiều lần trong lịch sử, và ngày lễ Độc Lập từ đó có lẽ cũng sẽ thay đổi theo thời gian và tình hình chính trị của vùng đất ấy?