Cathy Nguyễn/Việt Báo
28/5/2023
Memorial Day là Ngày Tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong của Mỹ, một ngày lễ có tính truyền thống và lịch sử của toàn nước Mỹ. Ngày lễ đã được khởi đầu từ tháng 5 năm 1866, sau đó được tuyên bố năm 1868 với cái tên nguyên thuỷ là Decoration Day, ý nghĩa là ngày đặt hoa và cờ lên mộ các chiến sĩ đã hy sinh mạng sống của họ cho tự do của đất nước. Ngày lễ này đã chính thức trở thành ngày Lễ Memorial Day của Liên Bang Hoa Kỳ từ năm 1971, và diễn ra hằng năm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Lễ Memorial Day của Mỹ năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày mai, Thứ Hai 29/5/2023.
Vào ngày này, người Mỹ sẽ đi thăm viếng các nghĩa trang và các đài Tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong của họ. Toàn thể nước Mỹ sẽ treo cờ rũ cho đến trưa, theo giờ của địa phương, để tưởng niệm những Tử sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh vì bảo vệ tự do và bảo vệ đất nước.
Nhìn hình ảnh những người dân Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống, các vị dân biểu, thống đốc tiểu bang, cho đến các cựu quân nhân hay dân chúng Mỹ trân trọng cắm những lá cờ nhỏ trên ngôi mộ các tử sĩ của họ, tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến những người chiến sĩ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, những người đã anh dũng chiến đấu cho nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam.
Bài viết hôm nay, tôi xin dành kính tặng đến hương hồn các anh quân nhân thuộc mọi binh chủng, mọi cấp bậc của Quân Lực VNCH, những người đã đóng góp xương máu của mình, và đã ngã xuống để bảo vệ cho miền Nam VN không rơi vào tay cộng sản, trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn.
Các anh, những người trai hùng của nước Việt, đã hy sinh tuổi trẻ, tương lai, và hạnh phúc riêng tư của mình để xếp bút nghiên, lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Các anh đã nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ lá cờ thiêng, bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc. Các anh chính là những người đã làm nên lịch sử Việt Nam.
Ngày các anh ra đi, lòng đã dặn lòng với một quyết tâm:
“đi, là đi quyết chiến…
đi, là đi quyết thắng,
đi, là mang linh hồn non sông…”.
Nhưng, Chinh nhân khi ra đi, có mấy ai hẹn được ngày trở về? Và rồi ngày trở về ấy đã không như những ước mơ mà các anh hằng ấp ủ. Cuộc chiến tranh phi lý, phi nhân, phi nghĩa, và nghiệt ngã ấy đã kéo dài đến tận 21 năm, chỉ để tàn phá quê hương, hủy diệt tương lai và phí phạm bao nhiêu mảnh đời của tuổi trẻ, ngăn cách bao nhiêu đôi lứa yêu thương nhau, và chia lìa tình thâm của bao nhiêu gia đình những người dân miền Nam Việt Nam.
Một cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa!
Ngày giã từ vũ khí, các anh có người đã trở về vẫn nguyên vẹn hình hài. Có người đã cống hiến một phần thân thể của mình cho quê hương, để trở về sống một cuộc sống phế nhân. Cũng có người đã trở về chỉ bằng hồn phách linh thiêng.
Người chiến binh đã bao phen xông pha nơi lằn tên, mũi đạn… Rồi một ngày anh gục ngã trước họng súng của quân thù, … Máu của anh đã thấm vào lòng đất, đã tưới lên những cánh đồng xanh, để cho lúa thơm được đơm hoa, trổ lộc. Anh đã ngã xuống cho hàng triệu người dân của miền Nam Việt Nam được sống an lành.
Anh đã tử trận, đã hy sinh đền nợ nước.
Trời u buồn, đất cũng trĩu nặng một niềm đau.
“Chí tang bồng hằng mong thực hiện, …
…thôi cũng đành ôm hận ngàn thu”
Xác thân các anh đã trở về với những người thân trong chiếc quan tài bọc thép, được phủ lá cờ vàng với những băng rôn ghi hàng chử “Tổ Quốc Ghi Ơn”, với những người lính bồng súng đi hai bên xe tang, như để hộ tống các anh về nơi an nghĩ cuối cùng, và những cái chào tay vĩnh biệt của các đồng đội các anh trước giờ phút quan tài được hạ huyệt.
Tiễn đưa các anh lần cuối là những vành khăn tang của những người góa phụ, và những đứa trẻ thơ từ nay sẽ trở thành những trẻ mồ côi cha. Có những người đã chết khi còn quá trẻ, vợ con chưa có, chỉ có người cha già lặng lẽ và người mẹ khóc gục đầu theo sau xe tang. Ôi! Cảnh “Lá vàng khô khóc lá xanh rơi” sao đau nhói lòng. Trời cao xanh! Sao bày ra chi những cảnh ly biệt đau thương này?
Trên ngôi mộ của một người chiến sĩ trẻ, có hai câu thơ uất hận được khắc ghi lên bia đá. Hai câu thơ ấy cũng đã được khắc sâu đậm vào lòng tôi:
“Hận lòng đất nước phân chia,
Khóc con tử trận, cách lìa tình thâm”
Cũng có người đã trở về không còn thân xác, tất cả chỉ còn lại là một tấm thẻ bài mang tên anh để làm kỹ vật cho người thân.
Xác thân anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa sa trường. Xương thịt anh đã quyện vào trong gió cát, như hòa cùng với tiếng than khóc của nước non.
“Hỡi người chiến sĩ vô danh…
“…Bao oan khiên, đang về đây hú với gió,
Là hồn người Nam nhớ thù,
Khi ra đi, đã quyết chí nuôi căm hờn,
Muôn lời thiêng còn vang… .”
Tôi thấy lòng mình nao nao khi nhớ lại mấy câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc của tác giả Đặng Trần Côn:
“Hồn tử sĩ, gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu, trăng dõi dõi soi,
Chinh phu, tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”
Vang vọng bên tai tôi là lời của bài ca “Hát cho linh hồn anh” của nhạc sĩ Ngân Giang
mà nước mắt tôi dường như muốn tuôn trào:
“Em đứng giữa khoảng trời bơ vơ,
hát bài ca tặng linh hồn các anh,
những người đã ngủ yên trong lòng đất…..
đất của anh, là của anh, …
diện tích nhỏ hẹp, không người xâm chiếm…..”.
Tôi chợt cảm thấy lời của bài hát nghe sao chua chát, mỉa mai. Đất của anh là đất nghĩa trang, tưởng không ai muốn tranh giành với người chết ư? Nhưng mà có đấy, cộng sản đấy.
Nhạc sĩ họ Trịnh đã có một bài hát trong đó có câu “Người chết hai lần, thịt da nát tan”. Nếu ông ấy còn sống, thì tôi sẽ đề nghị ông viết thêm một bài hát nữa với câu “Người chết chỉ một lần, nhưng tang lễ phải đến hai (lần)”;, bởi vì “diện tích đất nhỏ hẹp của anh” đã bị cộng sản VN xâm chiếm. Xương cốt, thịt da của người chết đã tan rã hay chưa? Không cần biết!
Lệnh bốc mộ để giải tỏa đất của cộng sản VN sau năm 1975 đã khuấy động giấc ngủ ngàn thu của các anh. Đất là của gia đình các anh đã mua như món quà tặng cuối cùng để vĩnh biệt với các anh, chứ đất nào của chính quyền mà ra lệnh cưỡng chiếm không có bồi thường?
Chỉ có cộng sản mới làm cái việc không có tính người, đó là tranh giành nơi yên nghĩ ngàn đời của những người đã chết.
Nhưng thôi, cho dù mộ huyệt của các anh có hoang tàn, lạnh lẽo, hay đã bị tàn phá tan hoang bởi kẻ thù quá nặng lòng thù hận ngay cả với những người đã nằm xuống, thì các anh cũng đã ngủ yên trên quê hương mình. Giờ thì những người chiến sĩ ấy đã mãi mãi im lặng, không tranh cãi, không kể lể về những chiến công của mình nữa. Xin các anh hãy cứ ngủ yên.
Non sông này vẫn còn nợ các anh, món nợ máu xương.
Những người dân miền Nam Việt Nam còn sống hôm nay vẫn còn nợ các anh, món nợ của nhân nghĩa, của tình người, và lời cám ơn không bao giờ là đủ.
Xin được thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ, và chân thành tri ân những sự hy sinh cao cả của các anh, những người anh hùng tử sĩ VNCH đã Vị Quốc Vong Thân.
Xin được phép mượn hai câu thơ để bày tỏ lòng biết ơn này dành cho các anh:
“Những người đã chết vì sông núi,
Sẽ sống muôn đời với núi sông.”
Ngày 22 tháng 5 năm 2023
Cathy Nguyễn