Một lá cờ Nga lớn treo trên mặt tiền của Khách sạn Moskva tại Quảng trường trung tâm Manezhnaya, ngay bên ngoài Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 06/03/2012. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)
Bình luậnPatricia Adams • Lawrence Solomon • 18:58, 09/03/23
Bất chấp những khó khăn, Nga đang vùng dậy tự chủ hơn, mạnh mẽ hơn về quân sự, kinh tế, ngoại giao. Nga đã học được một bài học quan trọng: cần trang bị vũ khí và chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế vào phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine đang định hình tính toán sai lầm nghiêm trọng nhất của phương Tây trong lịch sử hiện đại. Các biện pháp trừng phạt đã không khiến nền kinh tế Nga phải suy sụp như nhiều người đã dự đoán. Thay vào đó, chính các nền kinh tế phương Tây đang chao đảo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ gần như đã dừng lại. Nhiều quốc gia phương Tây đang đồng thời chịu đựng ba tai họa là lạm phát cao, thiếu năng lượng và suy thoái.
Trong khi đó, Nga không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh mẽ, có được nhiều tiềm năng và uy tín trên khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo IMF, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn Đức hay Anh trong năm nay. Năm tới, nó cũng sẽ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ, Canada, Úc, Pháp và hầu hết các nước phương Tây còn lại, đồng thời đạt được tỷ lệ nợ trên GDP thấp nhất trong số các quốc gia G20. Hiệu quả kinh tế của Nga – S&P Global vừa xác nhận niềm tin kinh doanh lạc quan của khu vực tư nhân tại Nga – càng đáng chú ý hơn vì Nga đang đồng thời chiến đấu trong một cuộc chiến ủy nhiệm tốn kém chống lại sức mạnh tổng hợp của các kho vũ khí của phương Tây.
Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 2, phương Tây cho đến nay đã cung cấp hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine, với khoảng 120 tỷ USD hỗ trợ quân sự, nhân đạo và tài chính. Việc chuyển giao trang thiết bị quân sự diễn ra trên diện rộng đến mức nhiều kho vũ khí của các nước NATO đã cạn kiệt: Đức đã chỉ còn lượng đạn dược trong hai ngày và hiện không thể tự vệ, theo Bộ trưởng Quốc phòng của nước này; kho dự trữ đạn dược của Vương quốc Anh sẽ chỉ đủ cho vài ngày chiến đấu; Pháp đang phải đối mặt với “sự thiếu hụt lớn về đạn dược” và quân đội Mỹ hiện nghi ngờ khả năng của họ trong việc tiếp tục cung ứng cho Ukraine và duy trì sự sẵn sàng của chính mình.
Ông Stoltenberg cho biết: “Tốc độ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của chúng tôi”.
Trong lúc đó, Nga đã có thể tăng tốc độ sản xuất phục vụ quân sự của mình một cách hiệu quả đến mức pháo binh của họ có thể lấn át Ukraine, bắn từ 40.000 đến 50.000 quả đạn mỗi ngày so với 5.000 đến 6.000 quả của Ukraine. Trong khi việc sản xuất vũ khí của Nga đang sẵn sàng ở mức cao để phục vụ chiến tranh, thì phương Tây đã không thể theo kịp. Việc Mỹ tập trung cung cấp cho Ukraine đã làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các mục tiêu khác của Mỹ, chẳng hạn như ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc và duy trì sự sẵn sàng đáp trả ở những nơi khác.
Sức mạnh quân sự của Nga càng đáng chú ý hơn khi nước này có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và hiện có liên minh chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Uy thế của cái được mệnh danh là “trục Nga-Trung” và quan điểm rộng rãi về sự suy tàn của phương Tây đã lần lượt thuyết phục các quân đội của nước khác liên kết với kẻ chiến thắng. Vào tháng 9, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Nicaragua và nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã tham gia cùng Nga và Trung Quốc trong các cuộc tập trận hải quân ở Biển Nhật Bản và vùng Viễn Đông của Nga, và vào tháng 2, Nam Phi đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 10 ngày với Nga và Trung Quốc. .
Vị thế ngoại giao của Nga cũng tăng cao. Trong khi Mỹ thành công trong việc vận động các nước phương Tây trừng phạt Nga, đôi khi thông qua sự ép buộc, thì sự cứng rắn của họ lại gây ra tác dụng ngược lại ở những nơi khác. Ở châu Á, cả Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường đáng kể mối quan hệ với Nga. Ở Nam Mỹ, Nga được chính phủ cánh tả của nền kinh tế lớn nhất, Brazil, đón nhận, giống như chính phủ bảo thủ trước đây của Brazil. Ở Trung Đông, nơi Mỹ đánh mất lòng tin của nhiều nước, Nga có quan hệ tốt với Israel cũng như với tất cả các quốc gia Hồi giáo lớn, dù là người Sunni hay Shia, Ả Rập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ở châu Phi, nơi Nga được coi là quốc gia lớn duy nhất của châu Âu né tránh chủ nghĩa thực dân, Nga được tôn vinh rộng rãi, không giống như các cường quốc thuộc địa trước đây như Pháp, với quân đội đã bị đuổi khỏi Mali và Burkina Faso, và nơi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận rằng “thời đại của Françafrique đã qua”. [Françafrique: Mối quan hệ của Pháp và các thuộc địa cũ của Pháp tại châu Phi]
Mặc dù Nga có thể bị phương Tây xa lánh, nhưng nó lại được hầu hết các nước còn lại hoan nghênh, như đã thấy trong các liên minh khu vực mà Nga đóng vai trò lãnh đạo: BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Hội đồng Hợp tác Thượng Hải do Nga – Trung Quốc lãnh đạo, tổ chức bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ cũng như Ấn Độ và Pakistan. Khoảng hai chục quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia cùng Nga trong các liên minh kinh tế và an ninh này, bao gồm các cường quốc lớn trong khu vực như Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Indonesia và Mexico.
Đánh thức gã khổng lồ đang say ngủ
Sự trỗi dậy của Nga sẽ là một tin tức đặc biệt đối với khán giả phương Tây, những người trong nhiều thập kỷ đã trở thành nạn nhân của việc ma quỷ hóa nước Nga, và kể từ khi nước này xâm lược Ukraine, những khán giả này đã liên tục bị nhồi nhét thông tin về sự suy tàn của Nga. “Rút lui kinh doanh và trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế Nga”, một nghiên cứu của Trường Quản lý Yale được xuất bản vào mùa hè năm ngoái, có thể đã đúng khi tuyên bố rằng “Nga đã mất các công ty chiếm ~40% GDP, đảo ngược gần như toàn bộ đầu tư nước ngoài trong ba thập kỷ” nhưng nó đã không lường trước được rằng Nga sẽ nhanh chóng phục hồi với một hình thức tự chủ hơn.Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc vào ngày 08/02/2023 ở Washington, DC., Mỹ. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, những biện pháp nghiêm trọng nhất từng được áp đặt đối với một quốc gia, là nhằm dạy cho Nga bài học rằng “sự gây hấn sẽ không được đền đáp”, theo lời của ông Stoltenberg của NATO. Sự khốc liệt của các biện pháp trừng phạt, sự hủy bỏ sau đó đối các nghệ sĩ và vận động viên Nga ở phương Tây, và sự kỳ vọng về sự kết thúc của Liên bang Nga từ giới tinh hoa chính trị và quân sự, chẳng hạn như cựu tướng chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges, làm rung chuyển sự tự mãn của nước Nga và khiến nước này học được những bài học rất khác: rằng phương Tây quyết tâm tiêu diệt nó, và sự tồn tại của nó đòi hỏi chính nó phải tự trang bị vũ khí đến tận răng và chấm dứt sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã đánh thức gã khổng lồ đang say ngủ, và phương Tây có thể sớm phải đối mặt với hậu quả.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Patricia Adams, Lawrence Solomon
Tác giả Patricia Adams là nhà kinh tế học, Chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu Thăm dò Năng lượng và Thăm dò Toàn cầu – một tổ chức tư vấn độc lập của Canada và thế giới. Bà là nhà xuất bản của dịch vụ tin tức Internet Three Gorges Probe và Odious Debts Online, và là tác giả hoặc biên tập viên của nhiều cuốn sách. Các cuốn sách và bài báo của bà đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bengali, tiếng Nhật và tiếng Indonesia.
Tác giả Lawrence Solomon là một cây bút của The Epoch Times, một cựu cây bút của tờ Bưu chính Quốc gia và tờ Globe and Mail, đồng thời là Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người tiêu dùng và Thăm dò Năng lượng có trụ sở tại Toronto, Canada. Ông là tác giả của 7 cuốn sách, trong đó có “The Deniers”, cuốn sách bán chạy số 1 về môi trường ở cả Mỹ và Canada.
Từ Ntdvn.net