Vaccine Covid-19 đã có độ bao phủ cao ở hầu hết các quốc gia.

Share this post on:
(Ảnh minh họa: Geralt/Pixabay)

Vaccine có làm tình trạng nhiễm chủng Omicron nặng hơn không và hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể

 Bình luận Jennifer Margulis & amp; Joe Wang • 11:21, 09/03/23

Nhóm chuyên gia đã gọi hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE) là một “nguy cơ thực sự… của vaccine SARS-CoV-2 và tất cả những biện pháp can thiệp đều dựa vào kháng thể”. Hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể xảy ra khi các kháng thể không trung hòa do vaccine tạo ra làm nặng hơn tình trạng nhiễm virus. Như vậy căn bệnh mà chúng ta muốn phòng ngừa khi tiêm vaccine lại nặng hơn do chính vaccine.

Dàn bài:

  1. Bài học từ sự thất bại của chương trình vaccine phòng chống sốt xuất huyết
  2. Có ít nhất 600 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết
  3. Giải thích hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể
  4. Vaccine COVID-19 và hiện tượng ADE

Vào tháng 10 năm 2020, khi cả thế giới đang chìm trong bóng đêm của đại dịch COVID-19 và những biến động chính trị lớn xảy ra ở Hoa Kỳ, một số nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu loại virus này. Một số người khác lại nỗ lực tìm ra các phác đồ điều trị và quy trình bảo vệ hiệu quả sức khỏe cộng đồng. Cho rằng quá trình phát triển vaccine cấp tốc sẽ có thể ảnh hưởng độ an toàn, nhiều nhà khoa học đã cố gắng cảnh báo về nguy cơ xảy ra hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).

Đây là cảnh báo được đưa ra trong bài báo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí bình duyệt Nature.

Bài bào này đã nêu ra những đặc điểm và cơ chế của hiện tượng ADE, từ trước khi vaccine COVID-19 được tung ra thị trường.

Các nhà khoa học giải thích rằng “những hiện tượng ADE và ERD (bệnh hô hấp tăng cường) đều đã được báo cáo với virus SARS-CoV và virus MERS-CoV cả trong ống nghiệm và trên cơ thể sống”.

Nói cách khác, những họ hàng gần nhất của virus SARS-CoV-2 là virus SARS-CoV và virus MERS-CoV đều có hiện tượng ADE. Các nhà khoa học viết rằng: Việc đánh giá “mức độ tác động của hiện tượng ADE đối với bệnh lý miễn dịch COVID-19” là rất cần thiết.

Theo các tác giả, hiện tượng ADE “xảy ra khi các kháng thể không trung hòa hoặc dưới mức trung hòa liên kết với kháng nguyên virus mà không thể ngăn chặn hoặc loại bỏ được tình trạng nhiễm trùng”.

Hiện tại, chúng ta đều biết việc những người đã tiêm vaccine COVID-19 bị nhiễm và tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là điều rất phổ biến. Các kháng thể do vaccine tạo ra không đủ khả năng loại bỏ virus (nghĩa là chúng không thể ngăn ngừa được nhiễm trùng) và không thể không trung hòa được virus.

Điều này đặt ra câu hỏi rằng: Liệu có phải vaccine đang giúp virus lây nhiễm cho người thông qua hiện tượng ADE không? Nếu vậy, liệu chúng ta có nên ngừng chương trình vaccine như nhiều bác sĩ đang khuyến cáo hay không?

Bài học từ sự thất bại của chương trình vaccine phòng chống sốt xuất huyết

Nghiên cứu kỹ câu chuyện về vaccine phòng sốt xuất huyết sẽ mang lại cho chúng ta một bài học hữu ích. Sốt xuất huyết gây ra những cơn đau nhức dữ dội đến mức người dân Philippines và các quốc gia lưu hành bệnh xuất huyết gọi căn bệnh này là bệnh “sốt gãy xương”.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue từ muỗi sang người. Sốt xuất huyết Dengue có nhiều típ huyết thanh khác nhau. Vì vậy, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngay cả khi bạn đã bị nhiễm một lần, bạn vẫn có thể tiếp tục bị nhiễm thêm ba lần nữa.

Từ năm 2000 đến năm 2010, số trường hợp sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO tăng mạnh. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, trên toàn thế giới, có khoảng 50 triệu ca sốt xuất huyết mỗi năm, trong đó có 22.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em.

Vì vậy, vào năm 2016, khi một bé gái đến từ Philippines mặc chiếc áo phông có dòng chữ “Sốt xuất huyết rất nguy hiểm” được tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết, có người đã lạc quan hơn về dịch bệnh này ở khu vực Đông Nam Á.

Với sự dẫn đầu của Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Janette Garin, Philippines đã phát động một chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu là tiêm một loại vaccine hoàn toàn mới, có tên là Dengvaxia cho một triệu trẻ em.

Được phát triển bởi Sanofi Pasteur, một công ty dược phẩm lớn của Pháp, loại vaccine này đã trải qua nhiều thử nghiệm an toàn trên quy mô lớn và kết quả thử nghiệm đã được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine. Với sự tham gia của 25 nhà khoa học nổi tiếng, nghiên cứu cho thấy “nguy cơ nhập viện ở trẻ em từ 2 đến 16 tuổi trong nhóm tiêm vaccine thấp hơn so với nhóm chứng”

Nghiên cứu do công ty dược tài trợ này đã bật đèn xanh cho việc tiêm vaccine ở những trẻ em trong vùng dịch.

Nhưng sau đó đã xuất hiện một vấn đề. Một số trẻ mắc sốt xuất huyết sau khi tiêm vaccine có diễn biến xấu hơn so với trẻ chưa tiêm. Trên thực tế, vaccine gây ra một biến chứng gọi là hội chứng thoát huyết tương, một bệnh lý mạch máu có khả năng gây tử vong liên quan đến bệnh xuất huyết.

Có ít nhất 600 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết

Phải mất gần hai năm thì những khuyến nghị về việc tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết cho trẻ em từ 9 đến 16 tuổi của WHO mới bị xóa bỏ.

Chính công ty Sanofi Pasteur đã phát hiện ra rằng những trẻ chưa từng mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ không an toàn khi tiêm vaccine

Lúc đó, có ít nhất 10 gia đình ở Philippines đã công khai lên tiếng rằng vaccine khiến con họ tử vong.

Vào tháng 4 năm 2019, tờ South China Morning Post đưa tin rằng các điều tra viên pháp y đang tìm hiểu nguyên nhân tử vong sau khi tiêm vaccine của khoảng 600 trẻ em. Theo bài báo, các cơ quan trong cơ thể của những trẻ này có dấu hiệu phù nề và có hiện tượng xuất huyết nội, đặc biệt là ở não và phổi.

Giải thích hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể

Đáp ứng miễn dịch của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc các chất ngoại lai khác rất phức tạp. Khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch thích nghi, đặc hiệu cho từng loại tác nhân gây bệnh và kháng thể chỉ là một trong những thành phần của đáp ứng này.Công việc chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 tại một phòng tiêm chủng ở Montreal, vào ngày 15 tháng 3 năm 2021. (Canada Press / Paul Chiasson)

Kháng thể là những protein hình chữ Y có khả năng trung hòa các tác nhân gây bệnh để chúng không gây tổn thương cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, các kháng thể do tế bào bạch cầu sản xuất ra sẽ gắn vào chất ngoại lai và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, hàng triệu kháng thể sẽ được giải phóng vào máu và hệ bạch huyết của chúng ta.

Nhưng một số tác nhân gây bệnh sẽ lấn át phản ứng miễn dịch của cơ thể bằng cách sử dụng chính những kháng thể này để xâm nhập vào tế bào. Khi điều này xảy ra, phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ khiến bệnh nặng hơn. Đây chính là hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).

Thật không may là hiện tượng ADE này đã xảy ra ở một số trẻ em tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết. Các kháng thể do vaccine tạo ra làm tăng khả năng lây nhiễm vào tế bào của virus.

Hiện tượng này xảy ra rõ rệt nhất ở những trẻ chưa từng bị sốt xuất huyết.

Do nguy cơ xuất hiện hiện tượng ADE, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết cho những trẻ không có tiền sử nhiễm bệnh trước đó.

Một bài báo về hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể và vaccine trên trang web của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia đã giải thích: “Phần lớn các bệnh đều không có hiện tượng ADE”. Bài báo viết tiếp: Sốt xuất huyết “có bốn típ huyết thanh khác nhau… Những típ huyết thanh này [rất] giống nhau, nhưng sự khác biệt nhỏ giữa chúng tạo ra tiền đề cho hiện tượng ADE”.

Bài báo cũng chỉ ra rằng chúng ta đã từng gặp hiện tượng ADE với nhiều loại vaccine khác như vaccine sởi bất hoạt bằng formaldehyde và vaccine chống virus hợp bào hô hấp, RSV.

Những trẻ được tiêm vaccine phòng RSV trong các thử nghiệm lâm sàng có nguy cơ mắc viêm phổi nặng và tử vong khi nhiễm RSV nhiều hơn so với những trẻ không tiêm vaccine.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa phát triển được loại vaccine nào có thể phòng virus RSV một cách an toàn. Tuy nhiên, cả hai công ty Moderna và Pfizer đều đang đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine mRNA để chống lại loại virus này.

Vaccine COVID-19 và hiện tượng ADE

Ngay trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, nhiều nhà khoa học đã quan ngại về khả năng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây ra hiện tượng ADE. Bác sĩ Scott Halstead là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh sốt xuất huyết. Ông chính là người đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của vaccine Dengvaxia.

Vào tháng 12 năm 2020, trong bài báo đăng trên Tạp chí The Journal of Infectious Diseases, bác sĩ Halstead và cộng sự đã khẳng định: ADE “không có khả năng xảy ra” vì virus SARS-CoV-2 không có các thuộc tính của virus sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, cũng trong bài báo này, bác sĩ Halstead chỉ ra rằng: “Khi nhiễm virus sống cho những động vật đã tiêm vaccine SARS hoặc MERS sẽ dẫn đến phản ứng quá mẫn cảm với vaccine… giống như ở những người đã tiêm vaccine sởi bất hoạt hoặc vaccine phòng virus hợp bào hô hấp”. Các tác giả kết luận rằng, để tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả, các nhà khoa học chế tạo vaccine COVID-19 phải tránh những phản ứng quá mẫn cảm với vaccine như thế này.

Từ đầu năm 2021, các nhà khoa học đã tuyên bố rằng ADE là một nguy cơ hiện hữu (họ dùng từ “không chỉ trên lý thuyết”). Bảy tháng sau, một bài báo được đăng trên Tạp chí The International Journal of Immunopathology and Pharmacology cũng xác nhận rằng hiện tượng ADE có tồn tại đối với virus SARS-CoV-2, đồng thời các tác giả đang khám phá những cơ chế có thể xảy ra và cách phòng tránh hiện tượng này.

Một nghiên cứu gần đây hơn là nghiên cứu in vitro được đăng trên tạp chí Nature vào năm 2022 cũng cho thấy hiện tượng ADE xảy ra khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ James Lyons-Weiler nói với The Epoch Times rằng mặc dù các kháng thể chống lại chủng virus gốc đã được “thử nghiệm trên danh nghĩa” đối với hiện tượng ADE, nhưng những kháng thể chống lại các biến thể gần đây lại “chưa được thử nghiệm đầy đủ” với hiện tượng này.

Tiến sĩ Lyons-Weiler là người đã xuất bản hơn 50 bài báo được bình duyệt và là người sáng lập Viện Institute of Pure and Applied Knowledge, một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện nghiên cứu khoa học vì lợi ích cộng đồng. Ông cho biết: “Những vòng nghiên cứu lặp đi lặp lại với dữ liệu trong thế giới thực cho thấy hiệu quả tiêu cực của vaccine. Thực tế là những người đã tiêm vaccine có tỷ lệ mắc COVID-19 cao hơn, số ca nhập viện do COVID-19 cao hơn và tỷ lệ các ca COVID-19 nặng cũng cao hơn. Do đó, chúng tôi chỉ có thể kết luận rằng hiện tượng ADE đã xảy ra”.

Tiến sĩ Lyons-Weiler cho rằng việc FDA và CDC làm ngơ trước vô số vấn đề sức khỏe liên quan đến vaccine là việc làm “vô lương tâm”.

(Bài đăng trên The Epoch Times – Epoch Health của đồng tác giả: Jennifer Margulis  Joe Wang.


Tiến sĩ Jennifer Margulis: Là một ký giả từng đạt giải thưởng và là tác giả của cuốn sách “Con của bạn, theo cách của bạn: Chịu trách nhiệm về các quyết định mang thai, sinh con, và nuôi dạy con của bạn để có một gia đình hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.” Bà từng đạt giải thưởng Fulbright và là mẹ của bốn đứa con, bà đã làm việc trong một chiến dịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em ở Tây Phi, ủng hộ việc chấm dứt tình trạng nô lệ trẻ em ở Pakistan trên chương trình truyền hình vào khung giờ vàng ở Pháp, và dạy văn học hậu thuộc địa cho các sinh viên phi truyền thống ở nội thành Atlanta. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về bà tại trang JenniferMargulis.net

Tiến sĩ Joe Wang: Là một nhà sinh học phân tử với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành vaccine. Ông hiện là chủ tịch của New Tang Dynasty TV (Canada), và là người phụ trách một chuyên mục cho Thời báo Epoch Times.


Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên môn và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo những hướng dẫn này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Theo The Epoch Times – Epoch Health tiếng Anh
Đức Nhân biên dịch

Link bài gốc: https://www.theepochtimes.com/health/covid-vaccines-ade_4607583.html?utm_source=ai_recommender


Theo NTDVN.NET