Ngoại trưởng Đức kêu gọi thận trọng trước Trung Quốc Cộng sản

Share this post on:
Ngoại trưởng Đức kêu gọi thận trọng trước Trung Quốc Cộng sản

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock có bài diễn văn trong đại hội của Đảng Xanh (Liên minh 90/Đảng Xanh) ở Bonn, miền Tây nước Đức hôm 15/10/2022. (Ảnh: Ina Fassbender/AFP qua Getty Images)

TÂY DƯƠNG

Tác giả Dorothy Li

Ngoại trưởng Đức cho biết hôm 18/10, Đức phải tránh lặp lại những sai lầm mà nước này đã mắc phải trong mối bang giao của họ với Nga trong những năm gần đây, đặc biệt là với Trung Quốc.

“Trước hết chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm trong chính sách Nga của chúng ta trong những thập niên gần đây,” bà Annalena Baerbock nói chuyện tại một diễn đàn chính sách ngoại giao ở Berlin do tổ chức tư vấn Koerber Foundation tổ chức. “Tôi nói rất rõ ràng rằng việc phụ thuộc kinh tế một chiều khiến chúng ta bị hăm dọa chính trị.”

Đức đang rơi vào khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga. Hơn 55% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức đều đến từ Nga trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Nhưng kể từ cuối tháng Tám, Nga đã không còn cung cấp khí đốt cho Đức.

Bà Baerbock đã thừa nhận rằng nước này đã phớt lờ những lời cảnh báo từ các đối tác Đông Âu về sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Bà Baerbock tiếp tục: “Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta không được mắc sai lầm như vậy một lần nữa, và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải xem xét vấn đề này một cách cứng rắn hơn trong chính sách của chúng ta đối với Trung Quốc.”

“Đây là lý do tại sao một phần của Chiến lược An ninh Quốc gia lần đầu tiên phải xây dựng một một Chiến lược Trung-Đức, mà hiển nhiên điều này sẽ được lồng ghép vào Chiến lược Trung Quốc-Âu Châu.”

Ngoại trưởng Đức kêu gọi thận trọng trước Trung Quốc Cộng sản
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner trình bày tại hội nghị thượng đỉnh Giải pháp Toàn cầu 2022 ở Berlin, Đức, hôm 28/03/2022. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Chính sách thương mại mới với Trung Quốc

Nhận xét của bà Baerbock không phải là lần đầu tiên một quan chức Đức bày tỏ lo ngại về mối bang giao mật thiết của Berlin với Bắc Kinh.

“Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta có một rủi ro rất lớn,” Bộ trưởng Tài chính ông Christian Lindner cho biết hồi tháng Ba. “Trung Quốc không tôn trọng mô hình xã hội của chúng ta, sự hiểu biết của chúng ta về sự tự do, sự công nhận của chúng ta đối với luật pháp quốc tế.”

“Mối quan hệ thương mại của chúng ta với Trung Quốc gần như là một rủi ro tập trung đối với nền kinh tế của chúng ta,” ông Lindner nói. “Họ có thể là một đối tác thương mại, nhưng họ cũng là [một] địch thủ mang tính hệ thống.”

Bắc Kinh duy trì vị thế là đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin vào năm 2021 trong sáu năm liên tiếp, với khối lượng giao dịch là 246.1 tỷ euro, Văn phòng Thống kê Liên bang cho biết.

Trong khi đó, các công ty Đức, đặc biệt là các nhà sản xuất xe hơi, đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc. 7,000 công ty Đức ở Trung Quốc và 2,000 công ty Trung Quốc ở Đức có thể là “động lực” để đưa hai nước xích lại gần nhau hơn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc điện đàm hồi tháng Một.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết chính phủ liên minh mới của ông Scholz đang định hình lại chính sách thương mại của mình với Trung Quốc, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

“Chúng ta không thể để cho họ hăm dọa,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Chín với Reuters.

Mặc dù ông không đi sâu vào nội dung chi tiết, nhưng ông Habeck nói với Reuters rằng chiến lược thương mại mới sẽ bao gồm một cuộc thẩm định đầu tư của Bắc Kinh. Ông cũng bày tỏ phản đối đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của chế độ này, một dự án hàng tỷ dollar đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển phải gánh chịu mức nợ không bền vững.

Ông nói rằng sẽ không có “sự ngây thơ nào nữa” trong mối quan hệ thương mại với chế độ cộng sản này.

 

Dorothy Li

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times