Phân tích: Các chính sách tài khóa của cựu TT Trump và TT Biden đã làm nợ quốc gia tăng thêm hàng ngàn tỷ USD 

Share this post on:

Andrew Moran 

Thứ bảy, 29/6/2024 

Một báo cáo mới đã làm sáng tỏ số tiền mà mỗi vị tổng thống đã đóng góp vào khoản nợ quốc gia đang gia tăng. 

Phân tích: Các chính sách tài khóa của cựu TT Trump và TT Biden đã làm nợ quốc gia tăng thêm hàng ngàn tỷ USD

Tổng thống Joe Biden trình bày tại Tòa Bạch Ốc hôm 31/05/2024. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images) 

Theo một phân tích mới đây do Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) công bố hôm 24/06, Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã làm tăng thêm hàng ngàn tỷ USD vào khoản nợ quốc gia trong 10 năm. 

Tổ chức chính sách công bất vụ lợi này đã công bố những phát hiện của một nghiên cứu mới so sánh các chính sách tài khóa của hai chính phủ, sử dụng dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB). CRFB đã đánh giá các hành động chính của các tổng thống và tác động trong 10 năm của những hành động này, có tính đến lãi. 

Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã phê chuẩn khoản vay mới có kỳ hạn 10 năm trị giá 8.4 ngàn tỷ USD, tương đương với 4.8 ngàn tỷ USD nếu không tính Đạo luật CARES và các gói cứu trợ cũng như kích thích khác thời đại dịch. 

Theo báo cáo, khoản vay trước đại dịch của cựu Tổng thống Trump được thúc đẩy bởi Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế (1.9 ngàn tỷ USD), các Đạo luật Ngân sách Lưỡng đảng năm 2018 và 2019 (2.1 ngàn tỷ USD), và các đợt Hoãn và Bãi bỏ Thuế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (539 tỷ USD). 

Trong ba năm và năm tháng đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden đã phê chuẩn khoản vay mới trị giá 4.3 ngàn tỷ USD, hay 2.2 ngàn tỷ USD nếu không tính Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ. 

Bỏ qua các chương trình COVID, khoản vay của Tổng thống Biden được thúc đẩy bởi các khoản phân bổ ngân sách cho các năm tài khóa 2022 và 2023 (1.4 ngàn tỷ USD), Đạo luật Lời hứa Giải quyết các Chất độc Toàn diện (520 tỷ USD), và Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng (439 tỷ USD). 

Báo cáo nêu rõ: “Nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo sẽ gặp những thách thức tài khóa đáng kể.” 

“Việc tăng thêm hàng ngàn tỷ vào khoản nợ quốc gia sẽ chỉ khiến những thách thức này càng thêm nghiêm trọng, giống như những gì cả cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đã làm trong nhiệm kỳ của họ, cùng với các nhà lập pháp tại Quốc hội.” 

Nợ ròng đã thông qua, kỳ hạn 10 năm 

(Nguồn: www.crfb.org)

(Nguồn: www.crfb.org) 

Các hành động hành pháp và nợ quốc gia

Các nhà nghiên cứu phát hiện, các hành động hành pháp của tổng thống đương nhiệm đã làm tăng thêm 1.2 ngàn tỷ USD vào khoản nợ 10 năm, trong đó gần một nửa số nợ tăng thêm là dành cho việc xóa nợ sinh viên (620 tỷ USD). Các hành động hành pháp khác đã đóng góp 548 tỷ USD vào khoản nợ này. 

Trong khi đó, các hành động hành pháp của cựu Tổng thống Donald Trump đã đóng góp dưới 20 tỷ USD vào khoản nợ ròng kỳ hạn 10 năm. 

Theo báo cáo, các hành động hành pháp liên quan đến chăm sóc sức khỏe của ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa này được cho là đã làm tăng thêm 456 tỷ USD vào khoản nợ ròng. Tuy nhiên, cựu tổng thống đã bù đắp khoản tăng thêm này bằng cách giảm 443 tỷ USD bằng các loại thuế quan mới cũng như tăng thuế quan. 

Dưới thời Tổng thống Biden, 71% khoản nợ mới đến từ các quyết định đơn phương, trong khi 29% là dựa trên luật lưỡng đảng. Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, 77% khoản nợ mới có nguồn gốc từ luật pháp lưỡng đảng, và 23% là do các quyết định hành pháp. 

Báo cáo nêu rõ: “Nợ quốc gia đang trên đà đạt một mức tỷ trọng kỷ lục trong nền kinh tế dưới thời chính phủ tổng thống tiếp theo.” 

Triển vọng mới theo CBO

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái, gần đây đã cập nhật triển vọng kinh tế và ngân sách giai đoạn 2024–2034. 

Theo CBO, thâm hụt liên bang cho năm tài khóa 2024 dự kiến ​​là 1.9 ngàn tỷ USD. Con số này tăng so với mức ước tính 1.5 ngàn tỷ USD hồi tháng Hai. Việc điều chỉnh nợ lên cao hơn là do chi phí xóa nợ sinh viên, viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, Israel, cũng như cho các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và việc tăng chi tiêu cho Medicaid. 

Nhìn về tương lai, chính phủ Hoa Kỳ được dự đoán sẽ thiếu hụt ngân sách 2.8 ngàn tỷ USD vào năm 2034. Tổng cộng, Hoa Thịnh Đốn dự kiến ​​sẽ thâm hụt 22 ngàn tỷ USD trong thập niên tới. 

Nợ quốc gia được dự đoán sẽ lên tới 50 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới, nếu Hoa Kỳ không rơi vào suy thoái hoặc tham chiến trong một cuộc xung đột quân sự lớn. 

Chi phí lãi suất được dự đoán sẽ chiếm một phần đáng kể trong khoản nợ và thâm hụt đang gia tăng của Hoa Kỳ. 

Đến năm 2034, chi phí lãi suất hàng năm sẽ vượt quá 1.7 ngàn tỷ USD. Tính lũy kế đến thời điểm đó, thì tổng chi phí lãi sẽ lên tới khoảng 13 ngàn tỷ USD. 

Báo cáo triển vọng của CBO nêu rõ: “Theo dự báo của CBO, việc tăng chi tiêu cho An sinh Xã hội và Medicare sẽ làm tăng chi tiêu bắt buộc, tỷ lệ chi tiêu tùy ý so với GDP sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục, và lãi suất cao hơn và nợ tăng sẽ khiến chi tiêu ròng cho lãi suất tăng.” 

“Bắt đầu từ năm 2025, chi phí lãi suất sẽ cao hơn so với GDP tại bất kỳ thời điểm nào kể từ ít nhất là năm 1940 (năm đầu tiên Văn phòng Quản lý và Ngân sách báo cáo những dữ liệu như vậy), đồng thời vượt quá chi tiêu cho quốc phòng và chi tiêu cho các chương trình và hoạt động phi quốc phòng.” 

Với chi tiêu liên bang dự kiến ​​là 24.1% GDP trong thập niên tới, chi tiêu sẽ cao hơn mức trung bình lịch sử trong 50 năm là 21% GDP. 

CRFB cho biết nếu dự đoán của CBO là chính xác thì mức chi tiêu này sẽ “cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử ngoại trừ những thời kỳ chiến tranh, suy thoái kinh tế, hoặc các cuộc khủng hoảng khác.” 

Các khoản cắt giảm thuế thời cựu Tổng thống Trump trở thành tâm điểm

Các khoản cắt giảm thuế thời ông Trump dự kiến ​​sẽ hết hạn vào cuối năm sau, làm dấy lên tranh luận gay gắt trong chu kỳ bầu cử này. 

CBO ước tính, việc gia hạn chính sách thuế này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 3.3 ngàn tỷ USD trong thập niên tới. 

Một phân tích của Quỹ Peter G. Peterson cho thấy việc gia hạn cắt giảm thuế sẽ tiêu tốn 4.6 ngàn tỷ USD trong 10 năm do chi phí lãi ròng. 

“Việc gia hạn cắt giảm thuế sẽ làm tăng đáng kể thâm hụt liên bang vốn đã được dự đoán là sẽ tăng trong 10 năm tới,” cơ quan cố vấn chính sách tài khóa này cho biết. “Nếu được ban hành, tổng chi phí cho việc gia hạn toàn bộ sẽ đẩy mức thâm hụt lên vượt quá mức 2.0 ngàn tỷ USD vào năm 2027 và 3.0 ngàn tỷ USD vào năm 2032, khiến tình trạng mất cân đối giữa chi tiêu và thu nhập liên bang càng xấu đi.” 

CRFB giải thích trong một báo cáo khác công bố hôm 21/06 rằng việc tiếp tục cho phép ưu đãi thuế này gia hạn bảo đảm sẽ khiến khoản nợ tăng cao hơn, “dẫn đến doanh thu thậm chí còn thấp hơn nữa.” 

Tổng thống Biden đã cam kết chấm dứt các khoản giảm thuế thời cựu Tổng thống Trump và hứa sẽ không tăng thuế đối với bất kỳ ai có thu nhập dưới 400,000 USD. 

Hồi tháng Năm, đối thủ Đảng Cộng Hòa của ông đã cam kết sẽ cắt giảm thuế trên diện rộng nếu được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai.

Nói chuyện tại một cuộc vận động ở New Jersey, cựu Tổng thống Trump cho biết: “Tôi sẽ cho quý vị một chính sách giảm thuế lớn theo đúng kiểu Trump cho giai tầng trung lưu, giai tầng thượng lưu, giai tầng hạ lưu, và giới kinh doanh.”

Vân Du biên dịch