Philippines yêu cầu Trung Quốc rút hơn 200 tàu đánh cá có vũ trang trên các bãi đá tranh chấp, Việt Nam im lặng.

Share this post on:

24/03/2021

Bãi cạn Ba Đầu

Chính phủ Philippines tuyên bố đã phát hiện hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc trên một bãi đá ở Biển Đông (có tên quốc tế là South China Sea) hiện có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Chính phủ Philippines bày tỏ quan ngại nhưng không đưa ra phản đối ngay lập tức.

Hãng thông tấn AP đưa tin, chính phủ Philippines vào tối thứ Bảy (20/3) cho biết lực lượng Tuần duyên của nước này đã phát hiện khoảng 220 tàu được cho là của Trung Quốc đã thả neo tại vùng biển xung quanh Rạn san hô đá Ba Đầu, tức Whitsun Reef theo tên quốc tế và Juan Felipe theo cách gọi của Philippines. Đá Ba Đầu có dạng hình chữ V với diện tích khoảng 10 km². Đây là điểm mút đông bắc của cụm Sinh Tồn và là rạn san hô lớn nhất trong cụm ở quần đảo Trường Sa. Đá Ba Đầu hiện là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan.

AFP đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr hôm Chủ nhật cho biết ông “đang chờ lệnh từ Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng” trước khi đưa ra phản đối ngoại giao. Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi xâm phạm này và thu hồi ngay lập tức những tàu thuyền vi phạm luật biển của chúng tôi và xâm phạm vào lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi,” Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ Philippines sẽ thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ lãnh hải của mình.

Một trạm quan sát của chính phủ Philippines chịu trách nhiệm giám sát vùng biển nói trên cho biết, ngày 7/3, họ đã quan sát thấy 220 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh bãi đá ngầm Ba Đầu. Philippines cho rằng những người trên tàu là dân quân có vũ trang, và cơ quan này cũng công bố các bức ảnh liên quan.

Cơ quan này cũng tuyên bố rằng “sự hiện diện của một số lượng lớn tàu Trung Quốc trong vùng biển có thể dẫn đến đánh bắt quá mức, cũng có thể gây tổn hại đến môi trường biển và cũng có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải.” Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng khi các tàu Trung Quốc đã đề cập được phát hiện, những tàu này không đánh cá.

Cho tới thời điểm hiện tại thì phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức nào, và báo chí Việt Nam vẫn chỉ dám đưa tin một cách dè dặt bằng các tin dịch lại của truyền thông quốc tế, trong đó không nêu vị trí cụ thể của bãi Ba Đầu nằm trong cụm san hô Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của phóng viên AFP.

Hoa Kỳ trước đây đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển để “uy hiếp, ép buộc và đe dọa” các quốc gia có tranh chấp chủ quyền khác ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington về những gì họ gọi là can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp“. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nêu quan điểm về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Vùng nước này chứa 10% lượng cá trên thế giới và rất giàu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan cũng đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Xét về ý nghĩa chiến lược quan trọng của Biển Đông, các tranh chấp chủ quyền liên quan cũng ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nước Âu Mỹ. Vào đầu tháng Hai năm nay, Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông với sự tham gia của hai nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân.

Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague năm 2016, trong đó phán quyết rằng yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không được hưởng “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Với ngân sách quân sự đứng thứ nhì thế giới, chiến lược của Trung Quốc không chỉ nhằm tiến lên ngang hàng với Hoa Kỳ như Liên Xô thời trước, mà sẽ tìm cách vượt qua đối thủ trong một số lãnh vực, trước hết là hải quân. Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc và đẩy người Mỹ ra ngoài.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn cố áp đặt ý tưởng sự hiện diện của Hải quân phương Tây trên Biển Đông là một sự bất bình thường. Rất có thể hành động đưa tàu cá vũ trang chiếm đóng bãi Ba Đầu sẽ là khởi đầu cho những thách thức thường xuyên diễn ra đối với các nước láng giềng trên biển Đông và cả Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ luôn chiếm thế thượng phong về Hải quân, nhưng Bắc Kinh cũng đang cố gắng dần thu ngắn khoảng cách.

Các nhà bình luận đã nhiều lần chỉ ra rằng Tổng thống Philippines Duterte đã thất bại trong việc chống lại hành vi gây hấn của Trung Quốc và đã quyết định không vội vàng hành động để khiến Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của trọng tài quốc tế.

Ông Duterte đã duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2016. Duterte đã bảo vệ cách tiếp cận không đối đầu của mình hai năm trước và nói: “Khi Tập Cận Bình nói ‘Tôi muốn câu cá’, ai có thể ngăn cản ông ấy?”

Ông cũng nói vào thời điểm năm 2019 khi phát biểu trước Quốc hội Philippines: ” “Nếu tôi phái các anh em thủy quân lục chiến tới để xua đuổi ngư dân Trung Quốc, tôi bảo đảm với các vị rằng không một ai trong số họ sẽ còn sống trở về nhà”. Ông Duterte cũng nói rằng các cuộc đàm phán ngoại giao của ông với Bắc Kinh đã cho phép người Philippines quay trở lại ngư trường có tranh chấp, còn trước đó thì người Trung Quốc đã xua đuổi họ.

Ông Duterte đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thương của Trung Quốc. Với sự gia tăng đáng báo động về số lượng người nhiễm coronavirus mới ở Philippines, Trung Quốc đã viện trợ và cam kết cung cấp thêm vaccine coronavirus.

Trích dẫn

https://www.reuters.com/article/us-philippines-china-southchinasea/philippines-says-220-chinese-militia-vessels-seen-in-disputed-waters-this-month-idUSKBN2BD02P
https://www.voachinese.com/a/philippines-says-more-than-200-chinese-vessels-at-disputed-reef-20210321/5822823.html
https://www.dw.com/en/philippines-asks-chinese-flotilla-to-leave-disputed-reef/a-56943127
https://thoibao.de/blog/2021/03/24