PHỎNG VẤN NGUYỄN NGỌC HUY (tóm lược)

Share this post on:
Nguyễn Mạnh Hùng

on 24 Tháng Sáu, 2022 By Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng

Mục lục 

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Quyển I: Đại Việt Quốc dân Đảng 

Phần giới thiệu Đại Việt Quốc dân Đảng

Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư trường Quốc Gia Hành Chánh, lý thuyết gia của đảng Đại Việt, sau là một trong những ngưởi sáng lập đảng Tân Đại Việt và là Tổng Bí thư của đảng ấy. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Boston, MA., ngày 03/02/1987.

Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason.

Tóm lược:

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người suốt đời tận tụy tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, và dân chủ. Anh thuộc loại người cực hiếm vừa được huấn luyện chuyên môn về khoa học chính trị vừa dấn thân làm chính trị.

Trước khi lao đầu vào cách mạng, anh là tác giả những bài thơ khích động tinh thần hy sinh, yêu nước. Hồi còn học Trung học Đệ nhất cấp đầu thập niên 1950 tôi đã phải học bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phương. Mãi tới giữa thập niên 1960 sau khi tôi du học ngoại quốc về, một người bạn, nghệ sĩ Thanh Hùng, nhờ tôi xin Nguyễn Ngọc Huy văn bản bài thơ ấy để anh ngâm trên đài phát thanh, tôi mới biết thi sĩ Đằng Phương chính là một nhà chính trị nổi tiếng, đồng nghiệp của tôi ở trường Quốc Gia Hành Chánh mà tôi thường gặp gần như mỗi ngày. Tôi cảm mến hơn người đồng nghiệp của tôi, người đã viết câu thơ hào hùng mà giản dị –“Họ là những anh hùng không tên tuổi”—mà tôi đã học thuộc lòng từ gần 70 năm trước. Ngoài ra, anh Huy còn là người có tinh thần hài hước, ăn nói dí dỏm. Trong thời kỳ làm “báo chui” chống chính phủ quân nhân, anh viết phiếm luận về cuộc đấu đá giữa các tướng lãnh theo giọng võ lâm kiếm hiệp của Kim Dung hay Tam Quốc Chí, rất hấp dẫn.

Năm 1987, Giáo sư Huy ở Boston, chung nhà với Thượng Tọa Thích Giác Đức. Tôi lên Boston gặp hai người và kéo anh Huy ra phỏng vấn riêng. Vì chúng tôi là đồng nghiệp, cùng dạy môn Chính trị học, và quen biết nhau từ lâu nên cuộc trao đổi giữa chúng tôi diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái, và thành thật. Anh Huy cho biết:

  1. Anh gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng năm 21 tuổi không do chọn lựa mà do sự tình cờ. Lúc ấy anh muốn tranh đấu cho Việt Nam, nhưng không biết đoàn thể nào mà gia nhập. Có người của đảng Đại Việt rủ anh thì anh vào. Nếu người đầu tiên rù anh là Việt Quốc hay Việt Minh có lẽ anh cũng theo.
  2. Anh thích ý thức hệ, nhưng vốn không ưa Cộng Sản vì lý thuyết Cộng Sản không phù hợp với bản tính của con người. Vào Đại Việt, anh thấy chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn đáp ứng được “nhu cầu trí thức” của anh. Anh được trao nhiệm vụ phát triển và bổ túc nó.
  3. Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn ra đời trong giai đoạn thoái trào của các nước dân chủ Tây phương, nên đề cao dân tộc và trù liệu một chế độ “độc tài sáng suốt” để xây dựng quốc gia, một “chế độ quyền uy” để làm dân tộc hùng cường.  Nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, qua sự học hỏi và kinh nghiệm thực tiễn, giáo sư Huy thêm yếu tố dân chủ tự do vào chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn.
  4. Người huấn luyện đầu tiên của anh Huy là ông Mười Hướng, Xứ trưởng miền Nam, lúc đó được tổ chức theo lãnh tụ chế. Năm 1947, sau một cuộc “cách mạng nội bộ” anh em miền Nam truất phế ông Hướng và điều hành xứ bộ miền Nam theo nguyên tắc dân chủ.
  5. Trong giai đoạn đầu, đảng viên Đại Việt phần lớn là thanh niên, sinh viên đại học, và một số đảng viên Quốc Dân Đảng, vì cụ Trương Bội Hoàn, thân phụ của ông Trương Tử Anh cũng là đảng viên Quốc Dân Sau khi Việt Minh cướp chính quyền thì đảng Đại Việt trở thành trung tâm chống Cộng, lúc đó những người trí thức có địa vị xã hội mới gia nhập Đảng.
  6. Ông Trương Tử Anh không những là một trí thức lập ra thuyết Dân tộc Sinh tồn mà còn giỏi võ nghệ, một người có hấp lực đặc biệt mà ai gặp cũng phải kính nể.
  7. Trương Tử Anh là Đảng trưởng sáng lập kiêm Xứ trưởng miền Bắc, nhưng sau khi ông mất, nhất là sau cái chết của bác sĩ Đặng Vũ Lạc, thì xứ bộ miền Bắc bị phân hóa nặng nề.
  8. Lý do chính khiến Việt Minh thành công trong việc cướp chính quyền ngày 19/8/1945 là sự cộng tác, hay buông xuôi, của Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại có hai người con là cán bộ Cộng Sản. Báo cáo thiên vị Việt Minh của ông khiến Bảo Đại từ chức, tạo cho Việt Minh tư cách hợp pháp chính trị. Tính cách hợp pháp này và tư cách là “đồng minh của Đồng Minh” làm các đảng phái Quốc Gia bị lép vế trước và sau ngày 19/8. Tư cách này không còn nữa sau khi Pháp trở lại miền Nam.
  9. Thanh niên Bảo quốc Đoàn, thành lập dưới thời Bộ trưởng Thanh niên Nguyễn Tôn Hoàn, là một tổ chức ngoại vi của đảng Đại Việt để huy động quần chúng. Đoàn được võ trang nhẹ và cũng thử nghiệm đóng đồn ở vài nơi như Cao Đài, Hòa Hảo, nhưng làm công tác chính trị nhiều hơn. Năm 1951, vì dính líu đến việc ám sát tướng Tư lệnh Charles Chanson của Pháp nên bị giải tán. 
  10. Vua Bảo Đại khi về nước thì muốn tìm gặp ngay Trương Tử Anh, nhưng lúc ấy ông Anh đã mất. Nếu ông còn thì tình hình Việt Nam không biết sẽ biến đổi ra sao. 
  11. Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn về nước để chuẩn bị cho giải pháp Bảo Đại, nhưng Bảo Đại quá nhân nhượng người Pháp cho nên giải pháp không thành công.
  12. Bác sĩ Hoàn là một lãnh tụ hoàn toàn trong sạch. Anh là “người duy nhất thời kỳ đó có địa vị xã hội, có bằng cấp cao, và trung thành với Đảng.”
  13. Nguyễn Tôn Hoàn và Ngô Đình Nhu làm việc chung trong Phong trào Đoàn kết Hòa bình. Ông Diệm lúc mới về bảo Nhu đến mời Hoàn làm Bộ trưởng Quốc phòng vì “Đại Việt có nhiều sĩ quan trong quân đội.” Nhu đến gặp Hoàn nhưng không nói lời mời. Diệm hiểu lầm nên giận Hoàn.
  14. Đảng phái Quốc Gia có hai nhược điểm chính. Về phương diện khách quan, đó là điều kiện quốc tế không thuận lợi. Về phương diện chủ quan thì bị Cộng Sản giết lãnh tụ nên đoàn thể bị phân hóa.
  15. Ưu điểm của đảng phái Quốc Gia là đông người hơn, tinh thần hy sinh và người tài giỏi không kém, nhưng bị kẹt vì để mất tư cách pháp lý chính thống.
  16. Chế độ độc tài Ngô Đình Diệm buộc Nguyễn Ngọc Huy phải trốn sang Pháp đi học, chờ Diệm đổ. Nhưng chờ lâu quá nên sau khi tốt nghiệp ở trường Khoa học Chính trị, anh Huy thi lấy thêm bằng Cử nhân Luật rồi Tiến sĩ Luật tháng 6/1963, năm tháng trước khi ông Diệm đổ.
  17. Trái với lời đồn đoán, giáo sư Nguyễn Văn Bông không viết Hiến chương Vũng Tàu, mà do Trần Chánh Thành và Phó Đại sứ Mỹ William Sullivan viết.
  18. Người Mỹ lúc ấy không thích đảng phái và dân chủ. Họ thích một cá nhân độc tài, dễ bảo.
  19. Năm 1964, trong khi bị Nguyễn Khánh đẩy sang Pháp, ở nhà ông Huy và Hoàn bị Hà Thúc Ký khai trừ khỏi đảng. Vì thế, Nguyễn Ngọc Huy lập ra đảng mời lấy tên Tân Đại Việt mà ông làm Tổng bí thư.
  20. Có hai khác biệt giữa Đại Việt Duy Dân và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Thứ nhất, chủ nghĩa Duy Dân có tinh chất triết lý nhiều hơn chính trị và xã hội, trong khi chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn đặt nặng vấn đề chính trị và xã hội. Thứ hai, Đại Việt chủ trương lấy cán bộ huy động quần chúng, Duy Dân chen vào các tổ chức tôn giáo, dùng tổ chức tôn giáo làm lực lượng của mình.
  21. Khác biệt về chủ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng với Đại Việt Quốc Dân Đảng là, Tam dân Chủ nghĩa xếp ba yếu tố Dân tộc-Dân quyền-Dân sinh ngang hàng nhau, trong khi Dân tộc Sinh tồn đặt dân tộc lên cao nhất. Về cán bộ thì đảng viên Đại Việt phải tuyên thệ trước khi vào đảng, Quốc Dân Đảng theo nguyên tắc “đảng tử, đảng tôn,” con cháu trong đảng tự nhiên là đảng viên.
  22. Trường Lục quân Yên Bái do Trương Tử Anh lập với huấn luyện viên người Nhật. Trước ngày khởi nghĩa, ông Anh ra lệnh kéo quân từ Yên Bái về Hà Nội và hẹn với Trần Kim Thành của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội kéo quân từ Móng Cái về. Đến Hưng Yên thì bị vỡ đê, cả hai cánh quân đều không về được Hà Nội. Tới nơi thì Việt Minh đã cướp chính quyền.
  23. Ông Ngô Đình Diệm làm không đúng lúc. Nếu năm 1945, ông Diệm ngồi chỗ ông Trần Trọng Kim thì ông sẽ lôi cuốn Bảo Đại không từ chức, và Việt Minh sẽ không có tư cách chính thống.
  24. Người ta đánh giá quá thấp khả năng tranh đấu của người Quốc Gia. Mặc dầu tình thế không thuận tiện – bị đồng minh bỏ rơi, bị đàn áp tàn nhẫn– mà đến nay vẫn tồn tại được. Nội sự tồn tại đó đã chứng tỏ tinh thần Quốc Gia Việt Nam là vô biên.
  25. Người ngoại quốc cứ nói là Cộng Sản nó giỏi này kia. Cái sai lầm lớn nhất của Tây phương là không thấy rằng Cộng Sản thắng được chính là nhờ nó được Bảo Đại giao quyền cho nó. Bảo Đại trao quyền cho nó, thành ra Hồ Chí Minh có cái thế một người lãnh đạo hợp pháp của nước Việt Nam và lúc đó toàn dân Việt Nam vì muốn độc lập cho nên phải đi với nó.