Putin đang ngày càng giống Stalin

Share this post on:

Nguồn: Andrei Kolesnikov, Putin’s Stalin Phase, Foreign Affairs, 08/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tổng thống Nga đang bị cô lập, hoang tưởng, và ngày càng giống với nhà độc tài thời Xô-viết.

Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin càng trở nên khắc nghiệt và đàn áp hơn, thì trong mắt người dân Nga bình thường, chế độ Joseph Stalin sẽ càng thành công. Trong vòng 5 năm tính đến năm 2021, số lượng người Nga đồng ý rằng “Stalin là một nhà lãnh đạo vĩ đại” đã tăng gấp đôi từ 28% lên 56%, theo các cuộc thăm dò do Trung tâm Levada độc lập thực hiện. So với cùng kỳ, số người không đồng ý với tuyên bố đó đã giảm từ 23% xuống 14%. Kể từ năm 2015, Stalin đã được tán dương trong các ngày lễ quốc gia, và các cuộc thảo luận về sự đàn áp của ông phần lớn đã bị ngăn chặn. Sự quan tâm đối với nhà độc tài Liên Xô đôi khi còn được thể hiện theo kiểu ông đang cạnh tranh với Putin. Tuy nhiên, nói đúng hơn thì ông chỉ đơn giản là một người giúp đỡ từ quá khứ xa xôi, trấn an Tổng thống Nga đương nhiệm rằng ông đang đi đúng hướng.

Không chỉ có nguyên tắc ‘bàn tay sắt’ của Stalin mới trở thành hình mẫu cho Điện Kremlin ngày nay, bản thân Putin cũng ngày càng giống với Stalin trong những năm cuối đời, khi nhà lãnh đạo Liên Xô ở giai đoạn hoang tưởng và tồi tệ nhất. Tính đến cuối Thế chiến II, Stalin đã nắm quyền hơn 20 năm, và từ thời điểm đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1953, ông đã đưa chế độ của mình đến những đỉnh cao chuyên chế mới: tuyệt đối không khoan dung với ý kiến của người khác; liên tục nghi ngờ các cộng sự thân cận; tàn nhẫn một cách công khai và vô liêm sỉ; và thường xuyên có ảo tưởng và ám ảnh. Giống như Stalin trong những năm cuối đời, Putin cũng đã nắm quyền hơn 20 năm, bao gồm cả thời gian giữ chức thủ tướng từ 2008 đến 2012, và trong nhiệm kỳ tổng thống hiện tại, bắt đầu vào năm 2018, ông cũng đã thể hiện nhiều khía cạnh giống Stalin. Trong thời gian này, ông đã sửa đổi hiến pháp Nga để xóa bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ của tổng thống, đứng sau vụ đầu độc và bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, và phát động một cuộc chiến với hậu quả tàn khốc cho toàn thế giới.

Giờ đây, ở năm 2022, Nga đã hoàn toàn chuyển sang chế độ chuyên chế cá nhân. Bằng việc ủng hộ tư tưởng đế quốc và chủ nghĩa dân tộc, sẵn sàng đàn áp một cách tàn nhẫn đối với xã hội dân sự và bất kỳ hình thức bất đồng chính kiến nào, đồng thời kêu gọi vũ trang gần như toàn bộ đất nước, Putin đã tiếp nhận gần như tất cả các yếu tố căn bản của chủ nghĩa toàn trị kiểu Stalin, từ sự sùng bái cá nhân cho đến sùng bái cái chết của những anh hùng.

ẢO TƯỞNG

Điểm tương đồng giữa Putin và Stalin bắt đầu từ phong cách và mô hình lãnh đạo của họ. Đối với Putin, cũng như đối với Stalin, quá trình ra quyết định chỉ do một người thực hiện. Các cộng sự và cố vấn hầu như không có khả năng tác động đến bạo chúa hoặc đề xuất các hành động thay thế. Điều đó không chỉ khác xa với cách phát triển chính sách trong các hệ thống dân chủ, thậm chí trong các chế độ bán chuyên chế, nó cũng khác xa so với phong cách lãnh đạo tập thể của các thời kỳ khác trong lịch sử Liên Xô, chẳng hạn như thời kỳ Leonid Brezhnev. Ở một khía cạnh nào đó, Putin thậm chí đã vượt qua thần tượng của mình trong việc cá nhân hóa quyền lực. Chẳng hạn, Stalin thích nói chuyện bằng ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng tôi sẽ bắn anh.” Putin cũng thích nói chuyện nhân danh đất nước hoặc giới tinh hoa, nhưng vào tháng 10, khi được hỏi liệu ông có hối hận gì về “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine hay không, ông thừa nhận rằng cuộc chiến là dự án cá nhân của mình. “Hành động của tôi là đúng nơi đúng lúc,” ông đáp.

Putin cũng đã học được từ nhà độc tài Liên Xô cách đối phó với chế độ của chính mình. Càng về cuối đời, Stalin ngày càng nghi ngờ những kẻ thân tín với mình. Ông thường xuyên nổi cơn thịnh nộ với các cộng sự thân cận như Vyacheslav Molotov, Ngoại trưởng và cấp phó lâu năm của ông. Vào mùa thu năm 1945, khi trở về Moscow sau một thời gian vắng mặt, Stalin đã chỉ trích thậm tệ những người đã từng là cấp dưới trung thành nhất của ông – Lavrenty Beria, người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật; Georgy Malenkov, ủy viên Bộ Chính trị có ảnh hưởng; Anastas Mikoyan, Bộ trưởng Thương mại, và Molotov – vì dám cho phép tờ Pravda xuất bản các đoạn trích trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Molotov đã nhận trách nhiệm về vụ việc, để rồi tiếp tục bị chỉ trích vì đã nới lỏng quy tắc kiểm duyệt đối với các phóng viên nước ngoài. Trong một bức điện gửi Beria, Malenkov, và Mikoyan, Stalin phàn nàn rằng “Molotov dường như không coi trọng lợi ích của nhà nước hoặc uy tín của chính phủ chúng ta.” Sau lần đó, nhân vật thứ hai của Liên Xô không còn được coi là người kế vị nhà độc tài. Tuy nhiên, Molotov cũng không phải là người duy nhất bị thất sủng: trong thời kỳ này, nhiều thành viên khác trong vòng thân tín của Stalin cũng không được ủng hộ vì lý do này hay lý do khác – mà thường xuyên hơn, là không vì lý do gì cả.

Giống như Stalin trong những năm cuối đời, Putin đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với giới tinh hoa Nga, khiến họ tê liệt vì sợ hãi và ngấm ngầm căm phẫn người cai trị mình. Dưới thời Stalin, sự thù hận được thể hiện rõ nhất ngay sau khi ông qua đời, khi Nikita Khrushchev, Beria, và Malenkov đối đầu nhau để trở thành người kế nhiệm, cạnh tranh để tự do hóa chế độ càng nhanh càng tốt. Giới tinh hoa ngày nay sợ Putin, nhưng họ còn sợ nhau hơn, chẳng khác gì những người tiền nhiệm dưới thời Stalin. Giống như nhà độc tài Liên Xô, Putin thích sống ẩn mình trong những dinh thự cá nhân, nơi ông đã tự cô lập bản thân trên cả bình diện chính trị và bình diện con người. Chẳng hạn, ông ngày càng dành nhiều thời gian hơn ở dinh thự Sochi. Nó gợi nhớ đến căn nhà gỗ khiêm tốn nhưng được canh phòng cực kỳ cẩn thận ở Abkhazia mà Stalin đã chuyển đến sống vào tháng 10/1945 sau khi ông bị đột quỵ hoặc đau tim. Đáng chú ý là nơi ẩn cư của hai nhà độc tài cách nhau chưa đầy 48km, trong vùng cận nhiệt đới thoải mái của Biển Đen thuộc Caucasus.

Cũng giống như Stalin, Putin chưa có hành động quyết liệt nào chống lại những người thân tín của mình. Nhưng sự khó chịu của ông trước những lời nói và hành động của họ gợi ta nhớ đến Stalin. Hãy hồi tưởng lại cuộc họp trên truyền hình mà Putin tổ chức cùng với các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Ukraine. Ngồi một mình ở chiếc bàn lớn trong một hội trường rộng, trong khi các cố vấn của ông được xếp ngồi ở góc khuất hơn của căn phòng, Putin đã nổi giận với giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài, Sergei Naryshkin, vì đã “không làm bài tập về nhà” và nhầm lẫn việc Nga công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine với việc biến các nước này trở thành một phần của Nga. (Vốn dĩ, theo kế hoạch, việc sáp nhận sẽ được thực hiện sau đó.)

Cũng tại cuộc họp đó, Putin đã có một cuộc trò chuyện không đầu không đuôi và đầy giận dữ với Dmitry Kozak, một cộng sự lâu năm từng chịu trách nhiệm đàm phán với Ukraine về việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Sau cuộc họp, Kozak hoàn toàn biến mất trước công chúng. Sang tháng 9, một số người thân cận với Điện Kremlin tiết lộ với Reuters rằng, trước khi chiến dịch đặc biệt nổ ra, Kozak rõ ràng đã được phía Ukraine hứa rằng họ sẽ không gia nhập NATO, theo đó xóa bớt một trong những mối lo ngại chính thúc đẩy cuộc xâm lược của Nga. Nhưng Putin không quan tâm: ông đã sẵn sàng cho cuộc chiến.

MÙA ĐÔNG CỦA PUTIN

Sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề – điều đã gần như lỗi thời trong thế kỷ 21 – là một chiến thuật khác mà Putin kế thừa từ Stalin. Hãy xem xét Chiến tranh Mùa đông năm 1939. Ngay trước khi Thế chiến II bùng nổ, Stalin đã không thể chiếm được những phần lãnh thổ mà ông muốn ở Phần Lan, vì thế ông đã phát động một cuộc xâm lược. Tương tự như Putin ở Ukraine, Stalin muốn chiếm những phần lãnh thổ mà ông cho là quan trọng về mặt chiến lược để làm vùng đệm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Liên Xô. Và cũng như các hành động “tự vệ” của Putin ở Ukraine, Stalin đã tìm một cái cớ, tạo ra một vụ khiêu khích ở biên giới, để cho phép các lực lượng của Moscow bắt đầu một cuộc chiến “hợp pháp”.

Trong cả hai trường hợp, nhà độc tài đều nói rằng quân địch đang tập hợp – vốn là điều không tồn tại. Và cả hai đều đánh giá thấp quyết tâm kháng cự của những người dân ở đất nước bị xâm lược: Stalin mong đợi giai cấp vô sản Phần Lan chào đón những đồng chí thuộc giai cấp lao động bằng những bó hoa, còn Putin cho rằng người Ukraine sẽ chào đón lính Nga như quân giải phóng. Cả hai nhà độc tài đều đã sai lầm một cách thảm hại. Ngay cả việc Putin sử dụng phe ly khai thân Nga cũng là một sự tái hiện phương thức của Stalin. Khi Putin thỏa thuận với các chính phủ tự xưng ở Donetsk và Luhansk, ông đang đi theo chân của Stalin, người đã cho thành lập một ban lãnh đạo Phần Lan do Điện Kremlin kiểm soát và sau đó ký một thỏa thuận với chế độ bù nhìn này.

Tuyên bố của Putin rằng chính phủ Ukraine chỉ là tấm bình phong của các cường quốc phương Tây hiếu chiến cũng là tiếng vọng của những luận điệu thời Stalin trong Chiến tranh Mùa đông. Trong hồi ký của mình, Juho Kusti Paasikivi, Đại sứ Phần Lan tại Moscow, người sau này trở thành Tổng thống Phần Lan, đã viết rằng “theo ý kiến của người Liên Xô, cuộc chiến này rõ ràng là cuộc chiến do Anh và Pháp tiến hành, để chống lại nước Nga Xô-viết.” Trong Chiến tranh Mùa đông, chính phủ Phần Lan giả do Stalin thành lập đã yêu cầu Liên Xô hỗ trợ thực hiện cái mà họ gọi là “khát vọng lâu đời của người Phần Lan: đưa người dân Karelia [sống trên lãnh thổ Liên Xô] vào một nhà nước Phần Lan thống nhất và độc lập.” Trong cuộc chiến của Putin ở Ukraine, “sự đoàn tụ của các dân tộc anh em” đã trở thành một câu thần chú. Khi biện minh cho sự cần thiết phải sáp nhập lãnh thổ Ukraine, Putin đã lặp lại gần như từng chữ một trong bức thư mà Molotov gửi cho Đại sứ Ba Lan vào tháng 9/1939, tuyên bố rằng “Chính phủ Liên Xô không thể thờ ơ khi những người Ukraine và Belarus ruột thịt sống trên lãnh thổ Ba Lan bị bỏ mặc cho số phận định đoạt, mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào.”

Nhưng cuộc phiêu lưu của Putin ở Ukraine còn giống với một cuộc chiến khác của Stalin: Chiến tranh Triều Tiên. Rốt cuộc, chính Stalin là người chấp thuận để Triều Tiên tấn công phía nam bán đảo vào ngày 25/06/1950. Và theo một số nhà sử học, giống như Putin ở Ukraine, Stalin cho rằng Hàn Quốc sẽ bị chinh phục chỉ trong vài tuần. Và cũng giống như việc Nga xâm lược Ukraine năm nay, Liên Hiệp Quốc đã lên án cuộc tấn công của Triều Tiên. (Trong trường hợp Triều Tiên, quân đội Mỹ đã tham chiến dưới lá cờ của Liên Hiệp Quốc.) Là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Liên Xô và Mỹ, Chiến tranh Triều Tiên có sự tham gia của máy bay chiến đấu từ cả hai cường quốc, dù các phi công Liên Xô được lệnh không tiến vào không phận của Hàn Quốc. Khi thấy rõ rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài, Stalin không vội vàng kết thúc nó và chỉ thị cho chính phủ Triều Tiên phải kéo dài các cuộc đàm phán hòa bình. Mãi đến khi Stalin qua đời, người ta mới có thể chấm dứt xung đột, tương tự như rất nhiều sáng kiến cá nhân khác của ông. Ngoại trừ cái chết, chẳng điều gì và chẳng một ai có thể ngăn cản Stalin trong những năm tháng tuổi xế chiều – giống như Putin ngày nay.

IVAN BẠO CHÚA

Nhưng sự yêu thích của Putin dành cho nhà lãnh đạo Liên Xô còn vượt ra khỏi các phương pháp tàn nhẫn, để bao gồm cả thế giới quan của Stalin. Giống như Stalin, Putin nghĩ rằng thế giới được phân chia thành các vùng ảnh hưởng, và cho rằng ông có thể dễ dàng đánh dấu các vùng lãnh thổ mà ông cho là thuộc về mình chỉ bằng những nét vẽ trên bản đồ. Putin cũng tin rằng Nga có thể phát triển thịnh vượng bất chấp sự cô lập về chính trị và dưới một chính sách kinh tế chuyên chế. Ông cũng chia sẻ chủ nghĩa dân tộc đế quốc của Stalin. Cần nhắc lại rằng, dù là người Xô-viết chính thống, Stalin luôn sẵn sàng từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin khi phù hợp và khéo léo chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, lôi kéo tình cảm của nhóm sắc tộc thống trị. Điều này đặc biệt đúng trong Thế chiến II. Trong bài phát biểu đầu tiên với nhân dân Liên Xô khi chiến tranh nổ ra, Stalin đã không bắt đầu bằng câu “Các đồng chí!” mà bằng “Các anh chị em!” Khi chiến tranh kết thúc, bài chúc mừng ngày 24/05/1945 nổi tiếng của ông không phải dành cho Liên Xô mà dành cho người Nga: “Cảm ơn sự tin tưởng của nước Nga!” Trong nhiều trường hợp, Stalin đã nhắc đến lịch sử Nga và niềm tự hào nước Nga. Chiến lược đó chính là một trong những nền tảng của chủ nghĩa Putin, từng được gọi là “chủ nghĩa sô vanh cường quốc” (great-power chauvinism).

Dễ thấy hơn nữa là việc Putin sử dụng câu chuyện của Stalin nhằm chính danh hóa chiến thắng của Nga trong Thế chiến II. Gần như ngay lập tức, Stalin đã biến một thảm kịch trong đó khoảng 20 triệu người Nga bị sát hại thành một câu chuyện về chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng. Đồng thời, nhà độc tài cũng nhanh chóng thanh trừng bất kỳ tướng lĩnh nào mà sự nổi tiếng của họ với quần chúng có thể biến họ trở thành mối đe dọa với ông: nhiều người đã bị bắt và bị giết; ngay cả Georgy Zhukov, vị chỉ huy quân đội và kiến trúc sư đứng sau chiến thắng của Liên Xô, cũng bị gạt ra bên lề. Stalin lo ngại về mức độ nổi tiếng ngày càng tăng của các chỉ huy quân đội và cố gắng hết sức để làm cho các chi tiết của cuộc chiến nhanh chóng bị lãng quên. Putin đã xây dựng tính chính danh của mình xung quanh ý tưởng rằng ông là người thừa kế cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – tên gọi chính thức của Thế chiến II tại Nga, đặt theo Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 chống lại Napoléon.

Đồng thời, Putin còn nhắm đến Trung đoàn Bất tử (Immortal Regiment) – một lễ tưởng niệm dân sự diễn ra hàng năm, trong đó một lượng lớn người Nga diễu hành mang theo chân dung những người thân tham gia Thế chiến II – và biến nó thành một cuộc diễu hành quần chúng chính thức do chính ông dẫn đầu. Ông cũng đã biến sự sùng bái chiến thắng của Liên Xô thành sự sùng bái chiến tranh. Sau khi viết lại lịch sử và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, Putin tuyên bố cuộc xâm lược Ukraine là cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa Quốc Xã” cùng với phương Tây, và không gì khác hơn, nó chính là sự tiếp nối của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại còn dang dở. Đây là sự xuyên tạc lịch sử trên quy mô lớn và sự thao túng ý thức tập thể của cả một đất nước.

Đối với Putin, cũng như đối với Stalin, lịch sử đã trở thành một công cụ quan trọng để duy trì quyền cai trị và để kiểm soát đất nước. Trên hết là những ví dụ về Ivan Bạo chúa và Peter Đại đế, hai biểu tượng của sự tàn nhẫn và chủ nghĩa đế quốc. Stalin đã tìm cách kết nối chế độ của mình với Ivan Bạo chúa bằng cách giao cho đạo diễn Sergei Eisenstein dàn dựng một bộ phim hai phần về vị Nga hoàng và chế độ đáng sợ của ông. (Câu nói của một nhân vật nổi tiếng vào thời điểm đó, Leonid Sobolev, đã nói lên tất cả: “Chúng ta phải học cách yêu oprichnina,” lực lượng cảnh vệ khét tiếng của Ivan.) Cũng không lạ gì khi câu chuyện về triều đại tàn bạo của Ivan đã quay trở lại dưới thời Putin. Trong một cuộc mít tinh nhân dịp sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, Ivan Okhlobystin, một diễn viên người Nga và là người trung thành với Putin, đã lên sân khấu và hét lên “Goida!” – vốn là khẩu hiệu của oprichnina. Và cũng giống như cách Stalin làm sống lại chủ nghĩa dân tộc Nga trong những năm Thế chiến II, Putin đã so sánh cuộc chiến của ông ở Ukraine với chiến dịch của Peter Đại đế chống lại đế quốc Thụy Điển.

Cũng như Stalin trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, Putin đã cắt đứt quan hệ với phương Tây và bắt đầu miêu tả mọi thứ ở nước ngoài là không tương thích với ý thức hệ và giá trị của Nga. Những người mà Stalin gọi là “những kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu mất gốc”, những người bị sa thải và bị ngược đãi, đã xuất hiện trở lại ở nước Nga của Putin với tên gọi “điệp viên nước ngoài”, những người sống lưu vong trên chính đất nước của họ. Dưới thời Stalin, việc có quan hệ với người nước ngoài có thể khiến một người phải ngồi tù. Kể từ tháng 10/2022, nước Nga của Putin đã bắt đầu áp dụng một luật mới – với tinh thần và công thức mơ hồ giống như thời Stalin – “về hợp tác bí mật với một quốc gia nước ngoài”. Putin đã hoàn thành việc phục hồi hình ảnh cho Stalin vào tháng 12/2021, vừa kịp lúc để chiến tranh nổ ra, khi ông cho phép lực lượng oprichnina của mình – tức các công tố viên và các thành viên khác của cái gọi là hệ thống tư pháp – tiêu diệt Memorial, một tổ chức nghiên cứu có mục đích lưu giữ ký ức về cuộc đàn áp thời Stalin. Memorial là một trong số ít các tổ chức độc lập ở Nga có thể bảo tồn lịch sử thực tế của nước Nga, thay vì phiên bản thời Stalin.

Bằng cách sử dụng các chiến thuật như vậy, Putin đã mở đường – cả về mặt biểu tượng lẫn trong thực tế – cho chiến tranh và cho các yếu tố của chủ nghĩa toàn trị trong hệ thống chính trị của mình. Trên thực tế, quá trình này đã diễn ra suốt nhiều năm: ông đã truyền bá cho người Nga phiên bản lịch sử của mình, tấn công nhận thức của họ bằng các bài báo và bài phát biểu của ông; và công việc của ông đã được khuếch đại bởi chiến dịch tuyên truyền lịch sử ủng hộ chủ nghĩa Stalin của nhiều tổ chức trong đó có Hiệp hội Lịch sử Nga thân Điện Kremlin và Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga. Do đó, vào đầu năm 2022, Putin đã dễ dàng được công chúng ủng hộ trong việc viết lại lịch sử và trong cuộc chiến của ông, và theo đó, nước Nga cũng sa vào chứng hoang tưởng kiểu Stalin: hàng xóm tố cáo lẫn nhau, giáo viên và học sinh tố cáo lẫn nhau.

CÔ ĐƠN TRÊN ĐỈNH QUYỀN LỰC

Trong hoàn cảnh thiếu vắng dân chủ, Putin đã không tạo ra cơ chế để chuyển giao quyền lực, vì cũng giống như Stalin, ông không có ý định từ bỏ quyền lực. Kết quả là, lịch sử Nga bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn. Nhưng không rõ liệu người Nga có chứng kiến sự lặp lại của một sự kiện vào tháng 3/1953, khi Stalin nằm đó hấp hối, còn các cộng sự thân cận nhất đang cạnh tranh để xóa bỏ di sản của ông.

Tương tự như Liên Xô dưới thời Stalin, người ta có ấn tượng rằng ở nước Nga ngày nay không ai có thể thay thế Putin. Điều này có nghĩa là không có phương án thay thế cho bất cứ điều gì ông nói hoặc làm, chống lại ông là vô ích. Giới tinh hoa Nga phải hành động theo logic này. Giống như giới tinh hoa dưới thời Stalin, họ sẽ chỉ đơn giản là đợi đến ngày tàn của tên bạo chúa, hy vọng bằng cách nào đó ông ta sẽ biến mất trước khi kịp sa thải hoặc bỏ tù họ. Đây là lý do tại sao các cử tri của Putin rất quan tâm đến sức khỏe của ông. Trong thời đại của Stalin, tình trạng sức khỏe của nhà độc tài ít được biết đến, nhưng những cộng sự và cấp dưới thân cận với ông trong những năm cuối đời đều hiểu rằng ông không khỏe. Điều này đã trở nên rõ ràng với công chúng tại Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 10/1952, lúc đó Stalin đã già yếu. Ông đã thử thách các đồng đội của mình bằng cách gợi ý rằng ông sẽ để một nhà lãnh đạo trẻ hơn lên thay thế; cùng lúc đó, ông thực sự đưa những người tương đối trẻ vào các cơ quan quản lý; điều này, tất nhiên, làm cho các lãnh đạo lớn tuổi trở nên cực kỳ căng thẳng.

Putin có thể đi theo con đường tương tự, và một phần ông đã làm vậy, đặc biệt là ở cấp khu vực, nơi ông đã trao chức thống đốc cho những người trẻ trung, nhiệt thành. Nhưng dù đã bước vào độ tuổi gần với Stalin khi qua đời, Putin có vẻ khỏe mạnh hơn, và dường như ông vẫn còn nhiều thời gian hơn so với Stalin vào đầu những năm 1950. Tuy nhiên, vẫn có một bài học quan trọng cho Putin: lòng căm thù và sợ hãi đối với Stalin trong những năm cuối đời của ông mạnh mẽ đến nỗi, khi ông bị đột quỵ, trong những giờ phút còn có thể cứu chữa, các cộng sự thân cận nhất của ông đã không chạy đến giúp đỡ, và trong giờ phút hấp hối, ông thực sự chỉ có một mình. Putin đang có vẻ khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng chẳng thể biết ai sẽ là người cứu ông nếu ông mất đi sức khỏe, giống như Stalin trong những năm cuối đời.

Andrei Kolesnikov là Nghiên cứu viên cấp cao của Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.