Nguồn: Steven A. Cook, “Sinwar Is Dead. Hamas Is Very Much Alive.“ Foreign Policy, 18/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
24/10/2024
Lịch sử cho thấy chúng ta không thể thoát khỏi phong trào kháng chiến chỉ bằng cách giết người.
Năm 1948, Thủ tướng Ai Cập Mahmoud Fahmi al-Nuqrashi đã có một nước đi táo bạo khi ra lệnh cấm tổ chức Anh em Hồi giáo, tin rằng nếu tổ chức này bị giải tán, thì đất nước ông sẽ ổn định trở lại. Trong ba năm trước khi xảy ra lệnh cấm đó, Anh em Hồi giáo đã đóng vai trò chủ chốt trong việc kích động bạo loạn, đình công, và bạo lực, bao gồm cả vụ ám sát một thủ tướng và một cựu bộ trưởng tài chính.
Thế nhưng, lệnh cấm đối với Anh em Hồi giáo lại gây ra nhiều bạo lực hơn. Dần trở nên xa rời vị thủ lĩnh của họ – Hassan al-Banna – các nhóm vũ trang thuộc Anh em Hồi giáo đã tự mình giải quyết vấn đề trong một cơn bùng phát bạo lực trả thù, lên đến đỉnh điểm là vụ ám sát chính Nuqrashi. Chính phủ đã phản ứng bằng cách giam giữ hàng nghìn chiến binh Anh em Hồi giáo, và vào tháng 2/1949, Banna đã bị ám sát trong một vụ giết người được cho là do chính phủ chấp thuận. Gần 76 năm sau, chính phủ Ai Cập vẫn đang cố gắng đàn áp nhóm này.
Câu nói “Bạn không thể giết chết một ý tưởng” giờ đây đã trở nên sáo rỗng. Nhưng những lời này vẫn còn một khía cạnh sâu sắc hơn: Thật khó để giải quyết vấn đề do phong trào kháng chiến đặt ra chỉ bằng cách giết chóc. Những chiến binh thánh chiến không hiểu được thông điệp này, họ chỉ tăng gấp đôi nỗ lực của mình mà thôi.
Chắc chắn, việc giết thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar là một hành động chính nghĩa. Ông ta là chủ mưu đứng sau những gì ông ta hy vọng sẽ là khởi đầu của một cuộc chiến diệt chủng để xóa sổ Israel. Và bằng việc lên kế hoạch cho xung đột tàn khốc, khởi đầu bằng cuộc tấn công ngày 07/10/2023, ông ta biết rằng người Israel sẽ gây ra nỗi đau không thể tưởng tượng nổi cho những người dân Palestine ở xung quanh ông ta. Cái chết của ông ta là một khoảnh khắc để suy ngẫm về thiệt hại mà Sinwar đã gây ra cho rất nhiều người, cũng như cho sự nghiệp – vì nhà nước Palestine và công lý – mà ông ta tuyên bố đại diện. Người Israel sẽ ăn mừng bằng kẹo ngọt và những bài hát tại các quán bar ở Tel Aviv sau cái chết của “con quái vật.” Tuy nhiên, thực tế sẽ sớm trở lại ám ảnh họ.
Liệu có ai còn nhớ Khalil al-Wazir không? Hay Abbas al-Musawi? Còn Fathi Shiqaqi thì sao? Ahmed Yassin? Đây là những con quái vật trong quá khứ của Israel. Mật danh của Wazir là Abu Jihad, và ông ta, cùng với Yasser Arafat, đã lãnh đạo nhánh vũ trang của Fatah, lực lượng mà sau cùng đã được sáp nhập vào PLO. Về phần mình, Shiqaqi, một bác sĩ, đã chỉ đạo phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine; còn Musawi là người lãnh đạo Hezbollah trước Hassan Nasrallah; và Ahmed Yassin lãnh đạo Hamas sau khi chi nhánh Palestine của Anh em Hồi giáo thành lập nhóm này vào cuối những năm 1980. Tất cả họ đều đã chết, bị ám sát trong các chiến dịch tình báo hoặc quân sự ngoạn mục, vốn đã giúp xây dựng nên huyền thoại về các cơ quan an ninh vĩ đại của Israel. Tuy nhiên, dù người Israel ngày càng thành thạo việc trả thù bằng máu trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa họ với chủ nghĩa khủng bố, họ chưa bao giờ có thể thực sự chấm dứt kháng cự bạo lực.
PLO vẫn còn một nhánh vũ trang, lực lượng đã đóng vai trò đẫm máu trong phong trào Intifada lần thứ hai. Sau khi người Israel giết Musawi năm 1992, Nasrallah đã xây dựng nhóm này thành lực lượng phi nhà nước được trang bị vũ khí tốt nhất trên thế giới – được xem như lực lượng viễn chinh khu vực và lực lượng tấn công thứ hai của Iran. Trong những tuần kể từ khi người Israel giết Nasrallah và xóa sổ hầu hết ban lãnh đạo của Hezbollah, các chiến binh của họ đã bắn một loạt tên lửa dường như vô tận vào Israel. Năm 1995, Shiqaqi đã bị bắn năm phát trước một khách sạn ở Malta, nhưng vài chục năm sau, quân Thánh chiến Hồi giáo vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào người Israel bằng những kẻ đánh bom liều chết và tên lửa từ Gaza. Yassin – giống như Nasrallah – đã bị giết trong một cuộc không kích. Dù vậy, cái chết kinh hoàng của ông chưa bao giờ buộc những người kế nhiệm ông phải suy nghĩ lại về chiến lược của họ. Thế thì tại sao vụ giết Sinwar lại khác?
Người ta có thể đưa ra lập luận rằng cái chết của Sinwar cuối cùng sẽ đánh gãy xương sống của Hamas, những chiến binh của lực lượng này đã bị quân đội Israel đánh bại trong nhiều tháng. Họ đã thua. Một số nhà phân tích và quan chức Mỹ tin rằng chỉ khi Israel đánh bại kẻ thù hoàn toàn thì hòa bình mới có thể xảy ra. Với việc giết Sinwar, liệu khoảnh khắc đó có đến với chúng ta không?
Hy vọng là thế. Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về cái chết của Sinwar, nhưng khi nói đến hy vọng, những kẻ tuyệt vọng bám víu vào nó thường có xu hướng bỏ qua những chi tiết quan trọng và bất tiện. Nhiều khả năng, các chiến binh không có người lãnh đạo của Hamas sẽ hành xử giống như những chiến binh trong bộ máy bí mật của Anh em Hồi giáo. Bị phân tán và tức giận, họ sẽ tiếp tục chiến đấu và trả mối thù của mình.
Xét cho cùng, kháng cự không phải là việc làm vô ích. Nó là một thành phần quan trọng của bản sắc. Đó là lý do tại sao Sinwar muốn chết vì trúng đạn xe tăng Israel, chứ không phải chết vì một nhát dao. Như nhiều bằng chứng đã chỉ ra, ông ta tin rằng cái chết dữ dội của mình sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều cuộc kháng chiến hơn nữa.
Đối với những ai chú ý quan sát trong hai thập kỷ qua, người Israel không phải là những người duy nhất có thể trả thù cho cái chết của những người vô tội mà không thu về nhiều lợi ích chiến lược. Trong những năm sau vụ 11/09, quân đội Mỹ đã giết chết một nhóm toàn những kẻ khủng bố xuyên quốc gia hàng đầu – Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, Abu Musab al-Zarqawi, Abu Bakr al-Baghdadi (dù ông ta đã tự bắn mình trước khi lực lượng Mỹ áp sát), cùng nhiều cấp dưới của họ. Điều này đã phá hủy al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo, nhưng cả hai nhóm đều đã sống sót. Có thể hai tổ chức này vẫn chưa tái thiết dưới hình thức nguy hiểm như trước đây, nhưng họ vẫn sẽ sống để chiến đấu vào một ngày khác.
Một ví dụ khác, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, với lực lượng Quds đóng vai trò chủ chốt trong cái gọi là Trục kháng chiến. Lực lượng này chưa bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào và thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn sau khi một máy bay không người lái của Mỹ đâm vào chiếc xe mà chỉ huy Qassem Suleimani của họ đang lái gần sân bay Baghdad vào đầu năm 2020.
Điều này không có nghĩa là thế giới không phải là một nơi tốt đẹp hơn sau cái chết của Sinwar hay của những kẻ khủng bố với rất nhiều máu trên tay. Nhưng dù cái chết của họ có thể mang lại cảm giác thỏa mãn tạm thời, chúng không giúp chấm dứt nỗi thống khổ của người dân ở khu vực này. Sau khi cái chết của Sinwar được xác nhận, tôi đã nhắn tin cho những người bạn thân đang sống ở Tel Aviv và Jerusalem. Họ có một đứa con hiện đang phục vụ trong quân đội Israel. Trong phản hồi gần như ngay lập tức mà tôi nhận được, tôi có thể cảm nhận được cảm giác lo lắng và đau buồn sâu sắc: “Giờ thì chúng tôi muốn các con tin được trao trả và sau đó là một loại hòa bình nào đó. Tôi muốn con trai tôi trở về nhà.”
Tôi hy vọng cậu ấy sẽ sớm trở về nhà. Nhưng khi cậu trở về, thì không phải vì chiến tranh đã kết thúc. Việc Israel giết Sinwar trông như là một thành tựu lớn ngày hôm nay, nhưng theo thời gian, những cái tên khác sẽ trỗi dậy – như họ vẫn luôn làm – và tiếp tục kháng cự.
Steven A. Cook là chuyên gia bình luận tại Foreign Policy và là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Đông và Châu Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Cuốn sách mới nhất của ông, “The End of Ambition: America’s Past, Present, and Future in the Middle East,” được xuất bản vào tháng 6/2024.