Sôi động thị trường: lừa đảo tiền thật bằng tiền ảo

Share this post on:
Sôi động thị trường lừa đảo tiền thật bằng tiền ảo

Theo số liệu của Statista năm 2021, có khoảng 4.501 loại tiền ảo đang niêm yết trên khắp các sàn giao dịch toàn cầu. Con số này lớn gấp 3 lần thống kê tổng lượng tiền ảo năm 2018 và gấp 68 lần số tiền ảo năm 2013. Như vậy trong 3 năm qua, khoảng gần 3.000 tiền ảo xuất hiện mới trên sàn giao dịch. (Ảnh: QuoteInspector.com)

 Bình luậnPhương Nga • 15:39, 23/05/21 Theo NTDVN.COM

Rất nhiều người Việt đã bị lừa tiền khi đầu tư vào các dự án tiền ảo mù mờ có lời trả theo ngày, theo tháng cao ngất ngưởng với cái “bánh vẽ” tiền ảo đó có thể đứng vững mạnh như Bitcoin hay Ethereum. Vậy cách thức lừa đảo này như thế nào? Với kẻ lừa đảo đa cấp tài chính, phát hành tiền ảo rác dễ hơn và an toàn hơn bất cứ chiêu bài lừa đảo truyền thống nào khác…

Cách đây vài thập kỷ, kiểu huy động tiền theo hình thức đa cấp tài chính “hụi, họ” đã rất phổ biến. Các chủ hụi, họ huy động tiền của người thân, bạn bè với lãi suất lớn, trả hoa hồng cho những người giới thiệu người gửi tiền mới. Những chủ hụi này thường chả làm gì, ngoài ăn mặc đẹp và tỏ ra mình hết sức giàu có, thậm chí họ còn nói với người cho họ vay tiền rằng “anh, chị thật may mắn khi biết đến em”. Ban đầu người cho vay sẽ nhận được tiền lãi cao đúng thời hạn, sau vài kỳ, chủ hụi ôm khoản tiền khổng lồ biến mất. 

Nhưng cách lừa đảo tài chính cũ rích này để lại cực kỳ nhiều dấu vết để tố giác và truy lùng tội phạm, từ danh tính, nhân diện của chủ nợ tới các khoản tiền mà họ nhận nợ. Các chủ nợ tham lãi cao vẫn có hy vọng vào một ngày công an bắt được con nợ và chia nhau phần tài sản bèo bọt còn lại của con nợ đó, dù hy vọng chỉ là hy vọng…

Công cụ lừa đảo lý tưởng

Lừa đảo tài chính đa cấp qua tiền ảo “văn minh” hơn nhiều nhờ công nghệ. Kẻ lừa đảo có thể biến mất chẳng để lại bất kỳ dấu tích gì, từ danh tiếng, các giao dịch chuyển tiền đầu tư vào đó… Người Việt đầu tư vào tiền ảo, kể cả Bitcoin đi chăng nữa, đều rất rủi ro vì chỉ có thể ủy thác qua một trung gian ở nước ngoài không bao giờ lộ mặt. Theo luật pháp Việt Nam, toàn bộ tiền ảo, kể cả Bitcoin cũng không được xem như một tài sản có thể đầu tư, giao dịch ở Việt Nam, nhà đầu tư chỉ có thể đầu tư “chui” mà thôi.

Cá nhân đầu tư qua các kênh như vậy, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm với rủi ro mà không thể kêu ai và chẳng ai truy vết được. Có lẽ lúc này, chỉ những người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội quảng bá cho một dự án ma như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đầu tiên. 

Đây là lý do mà các dự án phát triển tiền ảo với mục tiêu huy động tài chính (một cách nói hợp thời), nhưng thực chất là huy động tài chính đa cấp rồi cầm tiền biến mất khỏi thị trường, đã trở nên phổ biến, thậm chí còn đang hết sức sôi động. Các phương thức lừa đảo như thế trước đây còn hoạt động trong im lặng, giờ thậm chí lừa đảo công khai ầm ỹ trên các mạng xã hội, thuê người nổi tiếng quảng bá… 

Nói đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số, chúng ta đều lập tức nghĩ đến Bitcoin hay Ethereum…Sự thành công của những đồng tiền này trong thế giới đầu cơ và thị trường tội phạm do tính vô chính phủ, phi tập trung và công nghệ bảo vệ được quyền sở hữu của người dùng trong khi ẩn danh tuyệt đối mọi giao dịch đã khiến hầu hết chúng ta quên mất giá trị thực của tiền ảo chỉ là một không gian trên mạng, chẳng có giá trị sử dụng hay giá trị tích lũy nào. Các đồng tiền ảo như Bitcoin sở dĩ thành công vì thế giới ngầm cần nó. Còn các tiền ảo khác thì sao?

Theo số liệu của Statista năm 2021, có khoảng 4.501 loại tiền ảo đang niêm yết trên khắp các sàn giao dịch toàn cầu. Con số này lớn gấp 3 lần thống kê tổng lượng tiền ảo năm 2018 và gấp 68 lần số tiền ảo năm 2013. Như vậy trong 3 năm qua, khoảng gần 3.000 tiền ảo xuất hiện mới trên sàn giao dịch.

Mục đích của chúng là gì? Trở thành đồng tiền thay thế Bitcoin trong thế giới tội phạm và đầu cơ? Trở thành một loại tài sản cất trữ có giá trị (bản thân chúng là công nghệ tạo ra, không có giá trị vật chất hay tinh thần gì)? Nhưng rốt cuộc 4.501 loại tiền ảo, tạo ra bởi hàng trăm ngàn kỹ sư CNTT tài năng trên toàn cầu, có bao nhiêu đạt được mục đích của mình? Các loại tiền ảo đạt mục đích đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, và giờ chúng đang bị cấm, siết chặt quản lý và bài xích ở khắp nơi. Sau 8 năm ngắn ngủi, lượng tiền ảo niêm yết trên các sàn giao dịch đã tăng lên tới 68 lần (Nguồn: Statista, 2021).

Phần đa tiền ảo được giới đầu tư chuyên nghiệp gọi là “coin rác”. Chúng chỉ là rác công nghệ. Mục tiêu chính của người tạo ra và quảng cáo chúng là để huy động tiền theo kiểu đa cấp tài chính. 

Có một loại tiền ảo đình đám hiện nay gọi là Pi. Trước mắt, Pi chưa hề có mục tiêu huy động đa cấp tài chính. Nhưng sự dễ dàng trong việc đào Pi, sở hữu Pi bằng smartphone có thể chính là chiến lược đảm bảo Pi trở nên phổ biến hơn cả Bitcoin, từ đó có thể thay thế Bitcoin. Dù vậy, để sở hữu Pi, bạn không hề được ẩn danh, điều mà Bitcoin có và làm nên sự thành công của Bitcoin. Hiện nay có tranh luận rằng việc Pi được quảng bá để thâu tóm thông tin cá nhân. Ý kiến này rất có cơ sở để tin cậy. Bạn cần biết rằng chẳng có bữa trưa nào miễn phí. 

Một đồng tiền ảo khác cũng đình đám mặc dù nó không hề có ý định lừa đảo tài chính là đồng Dogecoin của Mỹ. Nó là một trò đùa trên mạng và chính người tạo ra nó cũng không hình dung nổi một trò đùa có thể trở thành một công cụ để cầu cơ. Dĩ nhiên, giờ đây, theo đà mất giá của Bitcoin, Dogecoin đang lao dốc. Nhưng rõ ràng, có ai đó đã cố tình đứng sau, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy giá của nó rồi rời khỏi thị trường sớm hơn kẻ khác. Nó cũng giống hệt như câu chuyện Lan đột biến của Việt Nam vậy. Chỉ là Dogecoin khác với dự án lừa đảo đa cấp tài chính còn lại là người phát triển nó không có mục tiêu lừa đảo khi sáng tạo ra nó mà thôi.  

Coin rác chiếm tới 99% thị trường

Một đồng tiền ảo lừa đảo theo hình thức đa cấp tài chính từ năm 2017, có tên là Flashcoin. Thời điểm đó, đồng tiền này còn khiêm nhường hơn nhiều dự án tiền ảo hiện nay, được các nghệ sỹ, giới showbiz quảng bá ầm ỹ bất chấp hậu quả, họ chỉ âm thầm kêu gọi ‘đầu tư’ vào đồng tiền này với các hứa hẹn lãi khủng theo ngày trên các group kín của Telegram. 

Năm 2017-2018, đồng Flashcoin có thứ hạng 460-500 trên thị trường tiền ảo. Sau khi hoàn thành ‘sứ mệnh’ lừa đảo đa cấp tài chính của mình, giờ nó nằm ở thứ hạng 4.068 (theo số liệu từ Coinmarket.com ngày 22/5/2021) 

Flashcoin được giao dịch từ 26/6/2017. Tuy nhiên, suốt 6 tháng kể từ khi lên sàn giao dịch, Flash Coin có mức vốn hóa bằng 0 bởi giá của đồng tiền ảo này gần như 0 đồng. Có thể nói, Flash coin là một đồng tiền rác, hoặc một deadcoin (tiền chết) theo thuật ngữ của giới đầu tư tiền ảo.

Tuy nhiên, chỉ trong 12 ngày, từ ngày 29/12/2017-8/1/2018, mức vốn hóa 0 đồng (tức là công ty sở hữu tiền ảo, những người tạo ra đồng tiền ảo Flash Coin này không huy động được đồng vốn nào từ thị trường, không biến tiền ảo của mình thành tiền thật trong suốt 6 tháng) đã huy động được tới 180 triệu USD (~ 4,100 tỷ VND). 180 triệu USD là mức vốn hóa đồng Flashcoin thời đỉnh cao, giá đồng Flash Coin tăng theo chiều thẳng đứng (xem biểu đồ giá hình dưới). Ngay sau đó, giá đồng Flash Coin lại lao dốc mạnh, tiến dần về với mức giá khởi điểm ban đầu: 0 đồng !  Tốc độ lao dốc gần bằng với tốc độ tăng trong 12 ngày trước đó.

(Ảnh chụp màn hình cũng từ trang Coinmarket.com tháng năm 2018)

Sau hơn 1 tháng huy động đủ và không còn nguồn tiền mới đưa vào, giá của Flashcoin rớt xuống gần như bằng 0 ngay sau đó và kéo dài suốt 3 năm qua. Hiện giờ nó hoàn toàn là một đồng tiền chết trong số hàng ngàn đồng tiền chết trên sàn giao dịch. 

(Ảnh chụp màn hình coinmarket.com ngày 22/5/2021 cho thấy đồng Flashcoin về 0 suốt 3 năm qua)

Cá mập

Trên các sàn giao dịch thị trường chứng khoán chính thống, nơi các công ty niêm yết kêu gọi vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư để mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty mình. Với số tiền huy động được, các công ty sẽ quay lại đầu tư mở rộng kinh doanh. Do vậy, để bảo vệ các nhà đầu tư, thì các sàn giao dịch chứng khoán cần phải đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính, quản trị của các doanh nghiệp niêm yết; dựa vào các thông tin được thẩm định này, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc việc bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp nào có uy tín, mức sinh lời tốt. 

Bên cạnh đó, đảm bảo việc giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết không bị thao túng bởi chính những ông chủ doanh nghiệp đó (những người cần huy động tiền), đảm bảo tiền huy động từ thị trường tài chính được các ông chủ đó dùng hợp pháp, đúng mục đích, các cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe với các ông chủ doanh nghiệp khi họ huy động vốn như họ phải công khai tài chính, công khai chiến lược kinh doanh, công khai hành vi mua bán, trao đổi, chuyển nhượng cổ phần của họ trên thị trường…. 

Tất cả các yêu cầu này với doanh nghiệp muốn huy động vốn, rốt ráo là đảm bảo “minh bạch thông tin” để bảo vệ nhà đầu tư tài chính, bảo vệ tính liêm chính, đạo đức của thị trường tài chính. Mặc dù bề mặt khá chặt chẽ như vậy, nhưng đã rất nhiều vụ án làm tăng giá cổ phiếu ảo kiếm lời bất chính hoặc kinh doanh giả nhưng huy động vốn thật trên TTCK đã bị phanh phui, bị hình sự hóa, và ngày càng phức tạp. Loại tội phạm này không hề giảm đi, nhiều nhà đầu tư không đủ thông tin đã bị mất tiền oan cho các gian lận như vậy, các cơ quan quản lý giám sát tài chính (gồm cả các sàn giao dịch) cũng không giám sát hết được rủi ro này.

Nhưng tiền ảo, không có một hệ thống bảo vệ chặt chẽ và hợp pháp như thế bởi nhiều lý do. Các doanh nghiệp trên TTCK cung cấp sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cho xã hội, còn tiền ảo thì không.mô hình đa cấp tài chính dường như không chỉ đặt nghi vấn riêng cho các coin rác, mà dưới góc nhìn chuyên gia tài chính, là với mọi đồng tiền ảo đang phát hành hiện nay. (Nguồn: QuoteInspector.com)

Người huy động vốn từ tiền ảo (công ty phát triển tiền ảo) sẽ không bị ai quản lý, không phải công khai, minh bạch bất cứ thông tin gì. Do vậy, việc các công ty tạo ra tiền ảo để huy động vốn thường bắt tay với các sàn giao dịch để tạo ra đội “cá mập”. Đội này sẽ mua bán trao đổi với nhau, tạo ra các giao dịch ảo, mức giá ảo để khiến người đầu tư bên ngoài, ít thông tin nhìn vào thấy rằng đồng tiền ảo A có thể nhiều người muốn đầu tư, mình có kiếm lời từ việc mua đi bán lại.

Nhưng điều đó cũng không đủ để huy động vốn vào một  đồng tiền đứng thứ hạng thấp (ví dụ như Shiba, Flashcoin, FXT token…), tại một sàn giao dịch uy tín thấp. Do vậy, với các coin rác, để huy động tài chính được, những đồng tiền ảo này đều phải dùng hình thức đa cấp tài chính để hấp dẫn nhà đầu tư. 

Thực ra, ngay cả với đồng Bitcoin – đồng tiền ảo hấp dẫn giới đầu tư nhất thế giới – cũng được nhiều chuyên gia tài chính nhận định Bitcoin giống như một chương trình đa cấp, là đa cấp tài chính, bởi các giao dịch Bitcoin vô cùng đắt, tất cả các giao dịch tài chính đều bị ẩn đi qua cơ chế tiền ảo (Theo CNBC). Như vậy, mô hình đa cấp tài chính dường như không chỉ đặt nghi vấn riêng cho các coin rác, mà dưới góc nhìn chuyên gia tài chính, là với mọi đồng tiền ảo đang phát hành hiện nay.

Hình thức “đa cấp tài chính” là việc tạo ra một cầu ảo để hấp dẫn nhà đầu tư, khi đó với người đào coin, người sở hữu coin, hoặc mua quyền sở hữu coin trong tương lai (giống như mua căn hộ chung cư nhưng chung cư chưa xây), chính doanh nghiệp phát hành coin sẽ “vay” lại số coin/ hoặc quyền sở hữu coin trong tương lai này. Khi cho họ vay, người sở hữu coin/hoặc quyền sở hữu coin trong tương lai sẽ được ngay lập tức nhận 1 khoản tiền lãi, trong khi vẫn giữ quyền sở hữu coin đó. 

Bằng cách này, nhà đầu tư không chuyên cảm thấy cầu về coin họ sở hữu rất cao, hiệu quả sinh lời rất lớn, bản thân họ sẽ dùng tiền thật để đầu tư thêm vào tiền ảo, kêu gọi bạn bè đầu tư thêm vào vì lợi nhuận quá cao. Thực tế, không một ai quản lý được, biết được dòng tiền đi như thế nào trong các giao dịch tiền ảo, nên cầu về tiền ảo thực sự vô cùng ẢO, gồm cả Bitcoin cũng được các chuyên gia liệt vào mô hình “đa cấp tài chính”.

Vậy doanh nghiệp phát hành coin này vay lại coin để làm gì? Để quay vòng coin cho các nhà đầu tư mới? Thực chất là  để tăng cầu ảo về coin của họ, dùng chính tiền của nhà đầu tư để trả lãi cho họ, từ đó tạo một cảm giác ảo rằng lợi nhuận từ kinh doanh tiền ảo rất lớn; các nhà đầu tư nỗ lực lôi kéo bạn bè, gia đình tham gia. Càng nhiều người tham gia, thị trường càng sôi động, giá tiền ảo càng cao và thời gian mà đồng tiền ảo đó có thể “sống” trên thị trường càng lớn. Đây chính là hình thức “đa cấp tài chính”.

Dĩ nhiên, toàn bộ tiền huy động (mức vốn hóa trên sàn) sẽ rơi vào nhóm CÁ MẬP: doanh nghiệp phát hành tiền ảo và những cá nhân, doanh nghiệp đang sở hữu, vận sàn giao dịch tiền ảo. Không nguồn tiền nào dồi dào đến mức để tiền ảo đó tăng giá mãi, thường tiền ảo thành rác, thành tiền ảo chết chỉ sau 1 đợt huy động mang tính đa cấp, một hình thái lừa đảo tài chính như vậy. 

Các nghệ sĩ Việt đang tham gia vào lừa đảo đa cấp tài chính bằng coin rác? 

Chiều 11-5, Ngọc Trinh, một người mẫu nội y tai tiếng trong giới showbiz Việt, đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội khoe tài khoản có hơn 10 triệu USD, trong đó có 900.000 USD đầu tư vào đồng tiền ảo Shiba. Hàng loạt sao Việt khác cũng liên tục đăng status trên mạng xã hội kèm hashtag đồng Dogecoin như Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư… Những dòng trạng thái của hầu hết các nghệ sĩ này đều theo kiểu “copy – paste”. (theo Thanh Niên)

Biểu đồ giao dịch của đồng Shiba INU (mà Ngọc Trinh quảng bá) cũng giống hệt như trạng thái của đồng Flashcoin ở trên, nó có giá trị bằng 0 sau hàng năm niêm yết trên sàn, tăng giá thẳng đứng gần đây và hiện đang rơi theo chiều thẳng đứng. Đồng Shiba bắt đầu tăng giá thẳng đứng từ ngày 7/5, đạt đỉnh vào ngày 11/5, tổng giá trị giao dịch trong 24h lên tới 20 triệu USD vào ngày nó đạt mức giá đỉnh cao, và hôm nay ngày 22/5, đang rơi thẳng đứng, giá trị giao dịch trong ngày còn 1,4 triệu USD. Rất nhanh, nó sẽ trở thành coin rác. 

Không ai, kể cả các nghệ sĩ quảng bá cho nó có thể biết được đội CÁ MẬP thực sự đằng sau đồng Shiba, dù các nghệ sĩ quảng bá cho đồng tiền này có thể nhận được chút ít thù lao đi chăng nữa. 

Lịch sử giao dịch của đồng Shiba INU mà một số nghệ sĩ Việt đang quảng bá cho thấy dấu hiệu của coin rác rất rõ ràng. (Nguồn: Coinmarket.com)

Theo nhà báo Bạch Huệ chia sẻ trên facebook cá nhân của cô, Việt Nam chưa cấp phép cho một sàn forex nào, kể cả tiền ảo. 

Không chỉ đồng tiền ảo rác là Shiba, một nhóm nghệ sĩ đang quảng bá cho đồng tiền ảo FXT token của nhóm Lion group (theo báo Thanh Niên). 

Theo thông tin của nhà báo Bạch Huệ, yêu cầu mở tài khoản FXT tối thiểu cần tối thiểu 1.000 USD, với cam kết trả lãi 1%/ngày, 20-24%/tháng. Tức chỉ cần nộp vào tiền vào rồi ngồi chờ đội ngũ chuyên gia FXT giao dịch mua bán tiền ảo giúp cho. 

“Những miếng pho mai ngon như thế này chỉ có trong bẫy chuột thôi”, cô viết trên facebook cá nhân. 

Đây chính là biểu hiện lừa đảo công khai đa cấp tài chính bằng tiền ảo. Một số cơ quan ban ngành chức năng của Việt Nam đã cảnh báo về vấn đề này. Khì pháp luật chưa công nhận thi khi mất tiền thì người chơi chịu, pháp luật không bảo hộ. Theo nhà báo, có tới 60.000 người gia nhập hệ thống đa cấp tài chính công khai này. 

Theo Nghị định 40/2018 của Chính phủ, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Trong khi tất cả các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.

Tất cả các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự, xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ Luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. 

Hy vọng các nghệ sĩ, người tham gia đầu tư vào hệ thống này hiểu luật và có thể sớm rời khỏi thị trường đen đầy thị phi này. 

Phương Nga

Theo NTDVN.COM