Sự Thật : Nền giáo dục và y tế ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa – VNTB

Share this post on:

04.04.2023 12:20

VNTB – Sự Thật ( Phần 2): Nền giáo dục và y tế ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

Phạm Bá Hoa

(VNTB) – Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa áp dụng triết lý giáo dục “nhân bản – dân tộc – khai phóng”

Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa dạy làm người, giáo dục Việt Nam Cộng Sản dạy theo đảng.

Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa áp dụng triết lý giáo dục “nhân bản – dân tộc – khai phóng”. Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục: “Những học sinh sinh viên có khả năng theo đuổi học vấn mà không có phương tiện, sẽ được chánh phủ nâng đỡ để tiếp tục hết chương trìnhHọc sinh học trường công, miễn phí hoàn toàn”.

Theo tài liệu ghi trong quyển sách “Giáo Dục Việt Nam” do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2001, nói về giáo dục của miền Nam trước năm 1975, thì năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa với số học sinh và sinh viên chiếm 20% dân số:

– 3.101.560 học sinh tiểu học.

– 1.091.779 học sinh trung học.

– 101.454 sinh viên đại học (chưa tính số sinh viên tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để phục vụ trong ngành hành chánh).

Năm 1958, thời Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng Hòa tổ chức Đại Hội Giáo Dục Quốc Gia lần I tại Sài Gòn, với sự tham dự của nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chánh quyền, các tổ chức dân sự, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật. Với triết lý giáo dục “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” được chánh thức hóa trong Đại Hội qua bài giảng của ông Bộ Trưởng:

Giáo Dục Việt Nam là giáo dục Nhân Bản. Chủ trương “con người làm gốc”, cuộc sống của con người làm căn bản, con người là một cứu cánh chớ không phải phương tiện hay công cụ phục vụ cho bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản, chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau, và đều có quyền được hưởng những cơ hội như nhau về giáo dục.

Giáo Dục Việt Nam là giáo dục Dân Tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa, những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa, cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

Giáo Dục Việt Nam là giáo dục Khai Phóng. Truyền thống dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội hòa nhập vào văn minh thế giới.

Trong khi đó, trên lãnh thổ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chúng ta, học sinh bị nhồi nhét tư tưởng Mỹ “xâm lược” mà thực chất không phải vậy. “Bác Hồ yêu nước, cả đời vì nước”, mà thực tế ngược lại, với bằng chứng sống “yêu nước là phải yêu đảng cộng sản“.

Những bài thơ của ông Tố Hữu với những câu như “Giết, giết nữa…” lại được hệ thống trường học trên đất Bắc gieo vào đầu con trẻ ý tưởng giết người từ tuổi ấu thơ.

Tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta ngày nay, người dân mới nhận thấy tuyên truyền của đảng cộng sản chúng ta là những chuyện không thật, nhằm đưa đến một ý thức lệch lạc để người dân làm theo ý đảng.

Giáo Sư Đại Học Yale Hoa Kỳ -Arthur W. Galston- sang thăm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chúng ta từ ngày 7 đến ngày 28/6/1975, sau đó có bản tường trình của Giáo Sư đăng trên tạp chí Science ngày 29/8/1975, với chủ đề mà các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm là vấn đề thống nhất hai miền Nam Bắc, như sau:

Việc thống nhất trong lãnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn, vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng ngược nhau. Nhưng cho dù khó khăn, các nhà lãnh đạo miền Bắc đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam. Vì vậy, họ đang thảo luận sôi nổi về ý tưởng này khi thống nhất hai miền Nam Bắc”.

Theo ông Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu -Viện Trưởng Viện Khoa Học Việt Nam- và Phạm Văn Đồng -Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa- đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục, và nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử, cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam.

Cả đảng cộng sản chúng ta cũng phải thừa nhận nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa chính là cái gương cho chúng ta tự soi. Nhưng, với bản chất của đảng cộng sản, nói như vậy nhưng  không làm như vậy, vì chúng ta là chế độ độc tài.

Đây là lời chứng của ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Đà Lạt dưới thời Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chúng ta:

Tôi là con của một cán bộ Việt Minh, tham gia cách mạng tháng tám tại Lâm Đồng, sau đó tập kết ra miền Bắc. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục của miền Nam là điều tôi thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” (1975-1989), tôi bị người ta gắn cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ, chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ của Miền Nam  cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng...”

Đến nhà phê bình văn học Thụy Khuê: (miền Bắc) “Trong thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dạy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học, học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học ngoại quốc qua một nền dịch thuật đáng tin cậy.

Nhạc sĩ Tô Hải: “Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ trên đất nước này lại có một xã hội giáo dục cho công dân đừng sống trung thực, mà phải biết nói dối. Nói dối tỉnh bơ, nói dối không biết ngượng, nói dối càng giỏi càng đạt  nhiều thành tích. Cuộc Nói Dối Vĩ Đại nhất là cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam khỏi tay đế quốc Mỹ Xâm Lược!

Nhà Giáo Thái Hạo: “Nhà giáo chúng tôi không được đứng thẳng để làm người, làm sao dạy học sinh làm người lương thiện được.. Bởi, giáo viên phải ngoan ngoãn im lặng làm theo đảng, có ai đó trung thực thẳng thắn thì bị hành hạ, bị đuổi ra khỏi trường. Muốn yên thân thì phải hèn…”

Ông Nguyễn Khắc Mai, một thời là Vụ Trưởng Vụ Nghiên Cứu/ Ban Dân Vận trung ương: “Hiện nay, tuy người ta không dám nói “chuyên chính vô sản” công khai, nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản nghĩa là gì? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định: Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin”…..

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Căn bệnh giả dối là nặng nhất, chí tử nhất, và toàn diện nhất”, đang hoành hành xã hội Việt Nam, khiến “người ta thật sự không còn tin vào bất cứ điều gì nữa. Lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước, lại càng giả dối hơn hết”.

Y Tế Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn Y Tế Việt Nam Cộng Sản chúng ta.

Thêm một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận, là ngành Y Tế của Việt Nam Cộng Hòa cho đến năm 1975 vẫn hơn hẳn ngành Yé Tế của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta, dù sau mấy chục năm thống nhất đất nước. Trong khu vực Đông Nam Á, miền Nam là quốc gia nhiều bệnh viện với trang bị máy móc dụng cụ tối tân. Và đặc biệt là không có cảnh tượng hai bệnh nhân nằm một giường.

Xin các bạn vào trang Wikipedia tìm đọc trang “Y Tế Việt Nam Cộng Hòa” sẽ thấy:

Dịch vụ y tế bắt đầu ở cấp xã. Mỗi Xã có Ủy Viên Y Tế và một nữ hộ sinh, thường gọi là “cô đỡ” trông coi và giúp đỡ sản phụ ở thôn quê. Ủy viên y tế làm việc dưới sự giám sát của Hội đồng Xã. Mỗi Quận có Chi Y Tế dưới sự điều hành của cán sự y tế. Mỗi Tỉnh có một bệnh viện thuộc Ty Y Tế. Trưởng Ty Y Tế là một Bác Sĩ, trách nhiệm chương trình y tế trong tỉnh. Giám Đốc Bệnh Viện cũng là một Bác Sĩ Y Khoa. Bệnh nhân nhập viện vào các bệnh viện công cộng miễn phí hoàn toàn. Tại Sài Gòn, có những bệnh viện công cộng lớn, là: Bệnh Viện Chợ Rẫy, Bệnh Viện Vì Dân, Bệnh Viện Nhi Đồng, Bệnh Viện Từ Dũ, ..v..v…

Tổng số bệnh viện dân sự của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965 là 101 cơ sở với 25.000 giường. Riêng thủ đô Sài Gòn có 11 bệnh viện công cộng cung cấp gần 5.000 giường. Một số chuyên khoa có bệnh viện riêng, như: Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn 220 giường. Khoa tâm thần có ba cơ sở chính: Bệnh viện Chợ Quán ở Sài Gòn, Bệnh viện Huế, và Bệnh viện Nguyễn Văn Hoài ở Biên Hòa.

Y Tế tư nhân có các phòng mạch, dưỡng đường, và bệnh viện. Vào giữa thập niên 1960, Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 800 Bác Sĩ Y Khoa. Bệnh viện tư lớn phải kể đến Bệnh Viện Grall và Bệnh Viện Saint Paul ở Sài Gòn, Bệnh Viện Sùng Chính (200 giường) ở Chợ Lớn.”

Còn “thiên đường” bánh vẽ của chúng ta gần 40 năm sau năm 1975 thì sao? Hãy đọc một bài viết từ trang Baomoi.com trích bài trên báo Tuoitre Online:

“Chuyện 3 bệnh nhân 4 bệnh nhân nằm chung một giường đã có từ lâu lắm rồi, nhưng mãi đến gần đây Bộ Trưởng Bộ Y Tế mới biết, khi nhìn thấy nỗi khổ của người bệnh. Người dân luôn đặt ra câu hỏi rằng, tại sao các dự án nhà ở, khách sạn, sân golf… xây cất rất nhanh, trong khi xoay xở mãi mới có ngân khoản cho công trình bệnh viện, vì vậy mà công trình bệnh viện kéo dài thời gian mới xong. Nhìn lại các bệnh viện lâu đời như: Bệnh Viện Nhi Đồng, Bệnh Viện Ung Bướu, Bệnh Viện Từ Dũ, .v.v., người ta khiếp sợ khi thấy cảnh bệnh nhân nằm chen chúc ngỗn ngang”.

Với các dẫn chứng ở trên, tác giả kết luận rằng:

Thứ nhất. Hoa Kỳ không xâm lược Việt Nam Cộng Hòa, mà họ giúp Việt Nam Cộng Hòa vừa chống lại Việt Nam Cộng Sản chúng ta theo lệnh Cộng Sản Quốc Tế xâm chiếm họ, vừa giúp quốc gia tự do non trẻ này phát triển toàn diện. Vì vậy, không thể gọi họ là “ngụy quân ngụy quyền. Trong khi Việt Nam Cộng Sản chúng ta mới thật là ngụy quân ngụy quyền vì là tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế.

Thứ hai. Phải công nhận triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đào tạo những thế hệ công dân đúng nghĩa, vì vậy mà Miền Nam đã có một xã hội mà mọi người sống với nhau rất chân thành và nhân ái, cùng nhau xây dựng và phát triển quốc gia. Trong khi Việt Nam Cộng Sản chúng ta với nền giáo dục dối trá, hình thành một xã hội mà mọi người sống với nhau bằng dối trá, phải nghe lời đảng tuyên truyền, và làm theo lệnh của Đảng.

Thứ ba. Dù rằng tên Việt Nam Cộng Hòa trên bản đồ thế giới không còn nữa, nhưng con người do giáo dục của họ đào tạo vẫn còn đó, đang ở hải ngoại và vẫn ở Việt Nam theo cung cách sống đó. Trong khi Việt Nam Cộng Sản chúng ta vẫn phải trung thành với đảng là điều căn bản tuyệt đối. Đó cũng là lời của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh phát biểu vào năm 1990, rằng: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng”.   

Câu cuối cùng của tác giả Đặng Chí Hùng: “Như một lời tri ân những công dân yêu nước Việt Nam Cộng Hòa, từ đáy lòng của một công dân trẻ sống trong chế độ độc tài cộng sản”. 

 Kết luận.

Qua phần kết luận của tác giả Đặng Chí Hùng, tôi thấy đã đủ nên tôi không có ý kiến gì thêm, mà tôi muốn nói với Các Anh rằng, xã hội Việt Nam ngày nay có nhiều nhà cao cửa rộng, nhưng xây cất hỗn loạn làm mất cảnh quang của đô thị, đường sá nhiều hơn nhưng mau sụt lún sạt lở và cầu sập, xe cộ cũng nhiều hơn nhưng chạy hỗn loạn trên đường phố, và con người có ăn có mặc đẹp đẽ hơn thời bần cùn với tem phiếu, nhưng không gìn giữ nét văn hoá văn minh lịch sự.

Nói chung, sự phát triển thời Việt Cộng là phát triển theo quyền lực riêng của đảng viên, của lãnh đạo các cấp muốn làm gì thì làm, trong khi lòng nhân ái bên trong mỗi con người chẳng những không phát triển mà ngày càng nhỏ lại, nhỏ đến mức hầu như không còn chỗ chứa “sự thật, tình người,… thậm chí đến lời xin lỗi hay tiếng nói cám ơn của người lịch sự khi tiếp xúc với nhau cũng cạn kiệt”.

Vậy, Các Anh hãy đứng lên, cùng đứng lên, dân tộc sẽ đứng lên cạnh Các Anh, cùng giành lại Quyền Làm Người của mình. Các Anh không đứng lên, sẽ không bao giờ có quốc gia nào đến Việt Nam giành lại Quyền Làm Người giùm Các Anh đâu.

Và Các Anh phải hiểu rằng, “Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng, mà chính dân tộc Việt Nam phải tranh đấu, và Các Anh là thành phần nòng cốt trong cuộc tranh đấu này”, trong khi Cộng Đồng chúng tôi tị nạn Việt Cộng tại hải ngoại có nhiều điều kiện thuận lợi, với nhiều cách vận động những quốc gia phát triển giúp Các Anh và đồng bào làm nên lịch sử.   


Tin Bài Liên Quan:

  1. VNTB – Làm cho giáo dân mình ngu muội để “trị”?
  2. VNTB – Sự thật (Phần 1)