Tạp chí đặc biệt RFI

Share this post on:

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng.  

Minh Anh /RFI

23/9/2023

Mạng lưới vũ khí quốc tế : Thương mại tử thần hàng tỷ đô la và nạn vi phạm nhân quyền ở Miến Điện

Nga, Trung Quốc bị tố cung cấp vũ khí để Miến Điện vi phạm nhân quyền ; Trung Quốc gia tăng quấy rối đảo Đài Loan ; Gặp « thiên thời », Azerbaijan tiến quân đánh Thượng Karabakh ; Căng thẳng Ấn Độ và Canada khiến Hoa Kỳ khó xử và vì sao Mỹ – Iran trao đổi tù nhân lúc này. Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. 

Sơ đồ minh họa trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các loại vũ khí hiện đại Nga cung cấp cho quân đội Miến Điện dùng để giết hại thường dân.

Sơ đồ minh họa trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các loại vũ khí hiện đại Nga cung cấp cho quân đội Miến Điện dùng để giết hại thường dân. © Ảnh chụp màn hình báo cáo của Hội Đồng Nhân Quyền 

Quảng cáo 

Nga, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và Thái Lan bị điểm mặt

Trong kỳ họp Hội đồng Nhân quyền lần thứ 53 của Liên Hiệp Quốc (19/6 – 14/7/2023), báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền Miến Điện trong bản báo cáo đề tựa « Thương mại tử thần hàng tỷ đô la : Mạng lưới vũ khí quốc tế tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Miến Điện », cho biết, quân đội Miến Điện đã nhập khẩu ít nhất gần một tỷ đô la vũ khí, các loại thiết bị lưỡng dụng để sản xuất vũ khí chống lại chính thường dân của mình.

Mở đầu bản báo cáo dài khoảng 50 trang, báo cáo viên đặc biệt nhắc lại vụ không quân Miến Điện thả hai quả bom xuống làng Pazigyi, thị trấn Kanbalu, vùng Sagaing ngày 11/4/2023, làm 160 người thiệt mạng, trong đó có gần 40 trẻ em nhưng chỉ có 59 hài cốt là được nhận diện.

Nếu như cuộc oanh kích này chỉ là một trong số các ví dụ về tội ác có thể xảy ra từ chính quyền Miến Điện quân sự chống lại thường dân, thì đây còn là một ví dụ khác cho thấy làm thế nào chính quyền Miến Điện vẫn tiếp tục có vũ khí để thực hiện hành vi tàn bạo, bất chấp các lệnh cấm vận.

Cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền chỉ rõ cả một mạng lưới quốc tế, bất kể là các thực thể Nhà nước hay tư nhân, đã tham gia cung cấp vũ khí, công cụ, máy móc, thiết bị và nguyên liệu thô cho quân đội và các nhà sản xuất vũ khí trong nước.

Tính từ khi cuộc đảo chính xảy ra hồi tháng 2/2021, Miến Điện đã chi ra gần một tỷ đô la cho những hoạt động nhập khẩu trên từ nhiều nước, lần lượt theo thứ tự là Nga, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và Thái Lan.

Nghiên cứu của báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc cho thấy một sự đa dạng và số lượng hàng hóa cung cấp đáng kinh ngạc cho quân đội Miến Điện : Từ việc chuyển giao máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công, drone trinh sát và tấn công, hệ thống tên lửa tân tiến, nâng cấp xe tăng, thiết bị vô truyến, liên lạc, tổ hợp ra-đa, linh kiện thiết bị cho tầu chiến hải quân cho đến các loại máy móc, công cụ cũng như là nhiều loại nguyên loại thô khác cho sản xuất vũ khí.

Trung Quốc và chiến lược « cây gậy và củ cà rốt » với Đài Loan

Tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục gia tăng « uy hiếp tinh thần » người dân hòn đảo. Ngày 18/09/2023, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 103 chiến đấu cơ Trung Quốc bay quanh đảo trong vòng 24 giờ. Một ngày sau đó, quân đội Trung Quốc điều tiếp hơn 50 chiếc máy bay quân sự đến quấy rối.   

Trả lời phỏng vấn đài RFI, chuyên gia về Trung Quốc Philippe Béja, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI), trước hết lưu ý, chiến dịch xâm nhập không phận Đài Loan này diễn ra vào thời điểm Liên Hiệp Quốc có kỳ họp Đại Hội Đồng thường niên và văn phòng đại diện của Đài Bắc ở New York sẽ có những hoạt động với các tổ chức thân Đài Loan. Động thái này của Bắc Kinh là nhằm nhắc nhở rằng Trung Quốc là đại diện chính và nhất là Đài Loan không nên có một chỗ ở định chế quốc tế.  

Điểm thứ hai ông Beja muốn nhấn mạnh thêm là Đài Loan đang trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng Giêng năm 2024. Các thăm dò hiện cho thấy ứng viên Lại Thanh Đức (William Lai) thuộc đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn hiện chiếm ưu thế.   

Nhưng hành động can thiệp này của Bắc Kinh luôn diễn ra trước mỗi cuộc bầu cử có nguy cơ bị phản đòn. Nhà Trung Quốc học giải thích tiếp : 

« Ý tưởng lúc này là cùng lúc đưa ra “củ cà rốt và cây gậy “. Củ cà rốt chính là đề nghị mở rộng cửa thành phố Phúc Kiến tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ Đài Loan đến kiếm việc làm ở Trung Quốc. Nhưng vào lúc này, có rất ít người trong giới trẻ Đài Loan muốn sang làm việc tại Trung Quốc. Ai cũng biết rằng điều đó là cực kỳ phức tạp, đặc biệt là với đạo luật chống gián điệp. »  

Thượng Karabakh : Có « thiên thời », Azerbaijan tiến quân  

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh vùng Thượng Karabakh lại bùng phát. Ngày 20/9/2023, chính quyền Baku thông báo mở chiến dịch « chống khủng bố ». Sau 24 giờ giao tranh dữ dội, lực lượng người gốc Armenia ly khai ở Thượng Karabakh chấp nhận buông vũ khí đầu hàng và đàm phán để sáp nhập vào lãnh thổ Azerbaijan.  

Trên làn sóng RFI, Thorniké Gordadzé, cựu đại sứ Gruzia về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, hiện là giảng viên trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, trước hết giải thích, nếu như nguồn cội căng thẳng đã có từ cổ xưa, thì đây còn là hệ quả của chính sách « chia để trị » từ thời Xô Viết, khi cho hình thành một « ốc đảo » sắc tộc Armenia trong lòng lãnh thổ Azerbaijan, nhằm phòng ngừa trường hợp cả hai nước Armenia và Azerbaijan tuyên bố độc lập.  

Vì sao xung đột lại bùng lên lúc này ? Cựu đại sứ Gruzia cho rằng Azerbaijan đã tận dụng được cơ hội « thiên thời ». Nhiều yếu tố để giải thích cho đợt tấn công mới này của Azerbaijan:

« Trước hết là sự vắng mặt của Nga, và nhất là tầm ảnh hưởng của Nga ngày càng bị suy giảm trong khu vực. Nga – đồng minh lâu đời của Armenia – giờ phải bận rộn với Ukraina, buộc phải rút một phần lực lượng được triển khai trong vùng, chủ yếu tại Armenia và Thượng Karabakh, để chi viện cho các lực lượng của Nga tại Ukraina.  

Hơn nữa, còn có việc Nga không hài lòng về đồng minh Armenia và giới lãnh đạo chính trị hiện nay, đặc biệt là thủ tướng Nikol Pashinyan, tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng có tính quyết định của Nga đối với đất nước. Ông ấy nỗ lực tìm kiếm nhiều đối tác địa chính trị khác nhằm đa dạng hóa một phần nào các mối quan hệ đối ngoại.   

Cuối cùng, với việc Liên Hiệp Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ vùng biển Caspi, Azerbaijan giờ trở thành một tác nhân quan trọng cho châu Âu. Tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy Azerbaijan tiến quân. »  

Căng thẳng Ấn Độ – Canada : Hoa Kỳ trong thế khó  

Quan hệ giữa Canada và Ấn Độ bỗng trở nên căng thẳng sau khi Ottawa cáo buộc chính quyền thủ tướng Modi dính líu đến vụ ám sát một nhà đấu tranh đòi ly khai người Sikh lưu vong tại Canada. Tuy nhiên, mối hiềm khích này giữa hai nước đặt Hoa Kỳ trong thế lưỡng nan, giữa một bên là nước láng giềng và bên kia là một đồng minh lâu đời, một ông khổng lồ mà Washington đang ve vãn.  

Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin giải thích :  

« Đây là một tình thế mà chính quyền Biden dường như rất muốn không biết đến. Căng thẳng bùng phát đột ngột giữa Canada và Ấn Độ không tạo thuận lợi cho các kế hoạch của Mỹ. Từ nhiều tháng nay, nhất là để chống đối thủ Trung Quốc, Hoa Kỳ đã xích lại gần hơn với Ấn Độ, thậm chí nhắm mắt làm ngơ trước cách thực hiện dân chủ của thủ tướng Ấn Độ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước.  

Ông Narendra Modi đã được Washington tiếp đón trong chuyến thăm cấp Nhà nước hồi tháng 6/2023. Thủ tướng Ấn Độ cũng có cử chỉ lịch sự đối với tổng thống Mỹ trong khuôn khổ cuộc họp nhóm G20 tổ chức ở New Delhi cách nay vài ngày.  

Tuy nhiên, Canada vẫn là láng giềng trực tiếp và là đồng minh lâu đời, thân cận của Mỹ. Chính vì thế mà chính quyền Biden phải cân nhắc câu chữ. Phát ngôn viên truyền thông chiến lược của John Kirby giải thích rằng mối quan hệ với Ấn Độ có một tầm quan trọng thiết yếu không những cho vùng Nam Á, mà cả cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.  

Dù vậy, ông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những cáo buộc từ Canada, và nhấn mạnh cuộc điều tra phải được hoàn tất. Một tuyên bố đủ chừng mực để mà bà trợ lý của phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia sau đó đăng một thông cáo nói rằng việc nhắm mục tiêu vào những nhà bất đồng chính kiến sinh sống trên những quốc gia khác là điều khó thể chấp nhận. »    

Iran – Mỹ : Trao đổi tù nhân, mở đường cho việc nối lại đối thoại ?  

Ngày 18/09/2023, Hoa Kỳ và Iran tiến hành trao đổi tù nhân sau hai năm đàm phán thông qua trung gian Qatar. Đồng thời, khoảng sáu tỷ đô la của Teheran bị phong tỏa ở nhiều nước đã được chuyển trao cho Iran.   

Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, chuyên gia về Iran Thierry Coville, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược – IRIS, trước hết nhận định, « đây là một thỏa thuận không chính thức, và thỏa thuận này thực sự có liên quan đến việc giải tỏa các khoản tiền của Iran bị Hoa Kỳ phong tỏa. Đổi lại, Teheran hạn chế phát triển chương trình hạt nhân và phóng thích các tù nhân Mỹ. »  

Nhưng cùng lúc, tổng thống Mỹ ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Theo chuyên gia về Iran, động thái này của ông Biden là nhằm đáp trả các chỉ trích, phần lớn từ đảng Cộng Hòa, cho rằng tổng thống đã nhượng bộ, tỏ ra yếu thế trước Iran. Liệu rằng cuộc trao đổi tù nhân lần này có sẽ mở đường nối lại đối thoại giữa Iran và phương Tây như nhiều quan sát dự đoán hay không ?  

Về điểm này, ông Thierry Coville nhận định như sau : « Điều đó trước hết phải bắt đầu từ Hoa Kỳ. Đây là bước đầu tiên. Văn bản không chính thức này là một thỏa thuận quan trọng. Liệu Hoa Kỳ có sẽ trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không ? Chính vì thế mà có một thỏa thuận không chính thức. Chính phủ tổng thống Joe Biden nghĩ rằng khó thể thực hiện điều này trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. » 

Pháp chọn phim của Trần Anh Hùng để tranh giải Oscar

Chọn « Niềm đam mê của Dodin – Bouffant » của Trần Anh Hùng thay cho « Anatomy of a Fall » của Justine Triet để tranh giải Oscar 2024, quyết định này của ủy ban tập hợp các nhà sản xuất, đạo diễn và các nhà kinh doanh điện ảnh đang làm dấy lên những tranh cãi trên mạng xã hội Pháp những ngày gần đây.

Với giải thưởng đạo diễn hay nhất tại Liên Hoan Phim Cannes 2023, nhà làm phim Trần Anh Hùng tôn vinh ẩm thực Pháp và mối quan hệ tình cảm giữa một người sành ăn, Dodin do diễn viên Benoit Maginel thủ vai, và cô đầu bếp của anh là Eugénie qua vai diễn của Juliette Binoche.

Bối cảnh là nước Pháp tư sản năm 1885, tràn ngập trong một ánh sàng vàng, bộ phim Niềm đam mê của Dodin – Bouffant đã tái hiện quá trình chuẩn bị các món ăn cầu kỳ như thể trong thời gian thực.

Có lẽ chính nhờ cách dàn dựng cổ điển, thậm chí là hàn lâm, mà đạo diễn Trần Anh Hùng đã khiến các nhà phê bình khó tính nhất phải chùn bước và từng được đông đảo giới chuyên môn điện ảnh Mỹ đánh giá cao tại Liên Hoan Phim Cannes tháng 5/2022. Theo RFI, điều này giải thích vì sao ủy ban Pháp lại ưu tiên chọn bộ phim này hơn là « Anatomy of a Fall » của Justine Triet, được trao  giải Cành Cọ Vàng 2023.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc, phải chăng phim của Justine Triet bị « lật đổ » vì những phát biểu gay gắt về chính sách của chính phủ ? Khi nhận Cành Cọ Vàng, nhà làm phim đã tố cáo hiện tượng thương mại hóa văn hóa và điều đó đã gây ra một cuộc tranh cãi chính trị.

Minh Anh