Tất cả đều là người của hoàng đế: Ông Tập bổ nhiệm thân tín, gây áp lực lên Đài Loan và Hoa Kỳ

Share this post on:
Tất cả đều là người của hoàng đế: Ông Tập bổ nhiệm thân tín, gây áp lực lên Đài Loan và Hoa Kỳ

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp giữa các thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ khóa 20 với các ký giả Trung Quốc và ngoại quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10/2022. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

TRUNG QUỐC

Tác giả Antonio Graceffo

  • Thứ hai, 07/11/2022
  • bigger smaller Báo lỗi

Chính trị Trung Quốc rung chuyển: bấp bênh với những gương mặt mới

Ông Tập Cận Bình đã quét sạch nội bộ khi bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí trong bộ chính trị và các cấp bậc cao nhất của chính quyền, với sự kiểm soát nội bộ sát sao hơn và dự kiến ​​sẽ có nhiều hành động gây hấn với bên ngoài hơn, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ và Đài Loan.

Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ kết thúc hôm 22/10, kết quả là ông Tập được trao quyền nhiệm kỳ thứ ba, củng cố vai trò của ông với tư cách là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Mặc dù các cuộc bổ nhiệm mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kể cả việc bổ nhiệm ông Tập, là không chính thức cho đến khi diễn ra phiên họp toàn thể tiếp theo của Quốc hội vào tháng 03/2023, việc những thành viên nào, và theo cấp bậc nào, tháp tùng ông Tập lên ngai vàng khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 20 có thể phỏng đoán về một cuộc cải tổ chính phủ.

Các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà phân tích về Trung Quốc, và các nhà ngoại giao giờ đây sẽ phải đối mặt với một loạt các tên tuổi và tính cách mới khiến những ngày tháng tới đây có phần khó đoán. Ông Tập vẫn giữ nguyên vị trí, nhưng quyền lực của ông đã mở rộng đến mức giờ đây ông là một nhà lãnh đạo gần như không ai có thể sánh kịp trong lịch sử của ĐCSTQ. Trong khi thế giới đã có một thập niên để quan sát ông Tập, thì hành vi của ông được cho là sẽ thay đổi khi quyền lực ngày càng mở rộng, chẳng hạn như ông sẽ độc đoán hơn trong việc kiểm soát Trung Quốc và hung hăng hơn đối với thế giới, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ và Đài Loan.

Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã bị loại khỏi danh sách và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang) sẽ là thủ tướng mới và là thành viên đứng vị trí thứ hai trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Các vị trí hàng đầu khác sẽ được dành cho những người thường là đã làm việc cho ông Tập trong quá khứ. Tổ chức quyền lực nhất, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, sẽ bao gồm người đứng đầu cơ quan giám sát chống tham nhũng Triệu Lạc Tế (Zhao Leji). Người mang tư tưởng hoàng đế và là thân tín của ông Tập Cận Bình, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), vốn đã có mặt trong ban thường vụ này, được thăng chức lên vị trí đứng hàng thứ tư trong chính phủ. Trong ban thường vụ mới còn có Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi) cũng như cố vấn hàng đầu của ông Tập là ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) và tỉnh trưởng Quảng Đông Lý Hi (Li Xi). Hai người cuối cùng, ông Đinh và ông Lý, từng là ủy viên bộ chính trị nhưng lại được đề bạt vào ban thường vụ.

Ban đầu, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), người ủng hộ cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, được cho là sẽ được thăng chức lên thủ tướng, nhưng sau khi không được ông Tập đưa vào vòng tròn quyền lực của mình, chính là Bộ Chính trị gồm 24 thành viên, thì ông Hồ đã bị ông Lý Cường – người chưa từng kinh qua chức vụ phó thủ tướng – vượt mặt. Một nhân vật nổi bật khác dường như đã bị giáng chức là ông Uông Dương (Wang Yang), người từng được dự đoán đứng ở vị trí số hai. Sự hắt hủi đó có thể xuất phát từ mối liên kết của ông Uông với phe Đoàn (những người có xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc), phe phái mà ông Tập xem là một mối đe dọa. Mối liên hệ với phe này cũng có thể góp phần vào quyết định thay thế ông Lý Khắc Cường, ông Hồ Xuân Hoa, và ông Lục Hạo (Lu Hao). Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc có quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, người được hộ tống ra khỏi đại hội đảng trong lễ bế mạc.

Một nữ ủy viên duy nhất của Bộ Chính trị, cố vấn đại dịch Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), đã về hưu, và hiện tất cả các chức vụ cao nhất đều do nam giới đảm nhiệm. Với gần như toàn bộ Bộ Chính trị trung thành với ông Tập, dự kiến ​​sẽ có ít sự đấu đá nội bộ hơn và có ít sự phản đối hơn đối với các chính sách của ông Tập. Điều này cho thấy với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao, ông Tập sẽ được tự do tái định hình Trung Quốc theo tầm nhìn của riêng mình. Ông Tập đã hứa rằng Trung Quốc của ông sẽ vượt qua Hoa Kỳ với tư cách là cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu và đảo ngược trật tự thế giới để hướng đến một trật tự mới do ĐCSTQ lãnh đạo.

Cả ông Lý Khắc Cường lẫn ông Uông Dương, những người đã bị loại khỏi ban thường vụ, đều ủng hộ cải cách kinh tế; tuy nhiên, ông Tập không còn ủng hộ việc cải cách. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng trở nên đóng cửa và chính quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế.

Tất cả đều là người của hoàng đế: Ông Tập bổ nhiệm thân tín, gây áp lực lên Đài Loan và Hoa Kỳ
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự phiên họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos vào ngày 21/01/2015. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Ông Vương Hỗ Ninh, một người thân tín của ông Tập, được xem là người có thẩm quyền hàng đầu trong chính sách ngoại giao “chiến lang” hiếu chiến của ĐCSTQ. Cựu Ngoại trưởng Vương Nghị hiện giờ cũng sẽ là một ủy viên Bộ Chính trị cũng như được thăng chức làm Giám đốc Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương, cơ quan ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Trung Quốc được cho là sẽ áp dụng chính sách ngoại giao chiến lang vào thực tế. Hồi tháng Chín, ông Vương Nghị đã đe dọa Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng “bất kỳ hành động nào nhằm cản trở mục tiêu thống nhất của Trung Quốc nhất định sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát.”

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội, ông Tập nhấn mạnh an ninh là một mục tiêu hàng đầu. Theo định nghĩa của ông Tập, điều này bao gồm sự toàn vẹn lãnh thổ, điều này có nghĩa là rắc rối cho Đài Loan và quyền tự do hàng hải trong các vùng biển mà ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền. Ông Tập cho rằng Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực để chiếm cứ Đài Loan. Ông cam kết “mạnh tay trấn áp các hoạt động xâm nhập, phá hoại, lật đổ, và ly khai của các thế lực thù địch.” Hôm 22/10, ĐCSTQ đã công bố toàn văn Nghị quyết về việc Sửa đổi Điều lệ Đảng. Nghị quyết này hiện có nội dung “kiên quyết chống lại và ngăn chặn các phần tử ly khai theo đuổi ‘nền độc lập cho Đài Loan.’”

Mặc dù người ta cho rằng ông Tập hiện là lãnh đạo tối cao, nhưng trên thực tế việc xác nhận vị trí người đứng đầu trong chính quyền kiêm người đứng đầu quân đội của ông sẽ diễn ra vào tháng 03/2023. Ông Tập dự kiến sẽ gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 11 tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia, mặc dù ĐCSTQ đã từ chối xác nhận liệu ông Tập có tham dự hay không. Nếu ông Tập xem nhẹ lãnh đạo Hoa Kỳ, thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy những gì chúng ta nên mong đợi trong năm tới.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

 

Antonio Graceffo

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

Theo Epoch Times Tiếng Việt