Written By
Cách mạng, Cách Mạng Việt Nam, Chiến tranh Việt Nam, CSVN, Đảng CSVN, Đời sống, Việt Nam
Tháng 8 năm 1945, những tháng ngày khó quên: “Cách Mạng” hay “Cướp Quyền” (phần 1)- Trần M. Vũ
“CÁCH MẠNG THÁNG TÁM” HAY “CƯỚP CHÍNH QUYỀN”? HẬU QUẢ?

Kể từ khi tiếng súng đầu tiên Pháp tấn công vào Đà Nẵng năm 1858, đến hiệp ước Giáp Thân 1884 khởi đầu cho chế độ thuộc địa tại Việt Nam, đã có nhiều cao trào nổi dậy để chống sự đô hộ của Pháp giành độc lập cho dân tộc..
Từ vua Hàm Nghi đến Phong Trào Cần Vương với vua Duy Tân, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, đến Phan Đình Phùng, anh hùng Yên Thế Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, Việt Nam Quang Phục Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), rồi đến Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh) gốc cộng sản và còn biết bao anh hùng hào kiệt khác đã đổ xương máu cho nền độc lập dân tộc. Hầu hết những cá nhân, các nhóm, tổ chức đều phát xuất từ lòng yêu nước, muốn đánh đổ thực dân, ngoại trừ tổ chức Việt Minh của Hồ Chí Minh còn có mục tiêu quan trọng khác là áp đặt chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài toàn trị lên quê hương Việt Nam.
Năm 1945 là năm bản lề cho một sự thay đổi toàn diện và to lớn tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đó là một khúc quanh lịch sử dẫn đến tháng Tám mà có người còn gọi là cuộc “Cách Mạng Tháng 8″ nhằm mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân cho nước.
Để hiểu rõ hơn về thực chất của cái gọi là “cách mạng tháng tám” nói trên chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những mốc thời gian quan trọng của lịch sử vào tiền bán thế kỷ thứ 20 này.
BỐI CẢNH THẾ KỶ XX ẢNH HƯỞNG ĐẾN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Khởi đầu thế kỷ, Cách Mạng Tân Hợi thành công tại Trung Hoa ngày 10 tháng 10, 1911 (ngày song thập) do Bác Sĩ Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) lãnh đạo, lật đổ nhà Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế kéo dài nhiều ngàn năm, thành lập nước Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc, giành độc lập dân tộc, dân chủ tự do, dân quyền và dân sinh hạnh phúc phỏng theo các cuộc cách mạng dân quyền và nhân quyền tại Mỹ và Pháp. Cách mạng Tân Hợi đã trở thành gương sáng cho các cuộc cách mạng dân quyền dân sinh tại Á Châu sau này.

Tại Nga, Cách mạng tháng Mười ngày 7 tháng 11, 1917 (còn được gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa, hay cách mạng cộng sản, cách mạng Bolshevik), Lênin và đảng cộng sản Bolshevik đã thành công cướp chính quyền từ chính phủ lâm thời được thành hình sau cuộc cách mạng tháng 2 năm 1917 lật đổ Nga hoàng. Ngày 30-12-1922, Lênin dựng ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Sô Viết (gọi tắt là Liên Sô, hay Liên Xô) gồm 6 nước: Nga, Ukraine, Belarus, Armenia, Georgia, Azerbaijan. Năm 1925 kết nạp thêm Uzbekistan và Turkmenistan; năm 1929, sáp nhập Tagikistan; năm 1940, sáp nhập thêm 3 nước vùng Baltic: Latvia, Litva và Estonia. Sau thế chiến thứ hai, các nước Đông Âu đều bị buộc nằm dưới quyền thống trị của Liên Xô thông qua các chế độ độc tài tàn bạo. Do đi ngược với đạo lý bình thường của con người, Liên Bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, kéo theo sự sụp đổ của nhiều nước cộng sản trên thế giới ngoại trừ Việt Nam, Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn… Chủ nghĩa cộng sản đã giết hại trên 100 triệu người theo The Black Book of Communism (Sách đen chủ nghĩa cộng sản). Chủ nghĩa này cũng gây ra nghèo đói khốn khổ cho các quốc gia mà nó đi ngang qua, thua xa các nước theo dân chủ tự do, kinh tế trị trường. Điều này đã được chứng minh không thể chối cãi.
NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh (còn có các tên là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, Hồ Quang..) được xem là linh hồn của phong trào cộng sản Việt Nam và đảng CS Đông Dương (ĐCSĐD), có công đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam. HCM với tên Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập cộng sản thời gian tại Pháp năm 1921 (King. C. Chen 20-21). Trong những năm 1923 Hồ Chí Minh được đào tạo ở Liên Xô để trở thành điệp viên Cộng sản Quốc tế nhà nghề (Comitern). Năm 1924, HCM được lệnh sang hoạt động bí mật tại Trung Hoa dưới quyền của Boridin, một cán bộ Nga Sô bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên. Lợi dụng vị trí này, Hồ tìm cách bành trướng chủ nghĩa cộng sản đến các nước Á Châu và Đông Nam Á.

Tháng 2 năm 1930, Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, về sau Quốc Tế Cộng Sản bắt đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) tại Hồng Kông. Ông ta bị mật thám Anh bắt giam (1931) tại bán đảo này (Hong Kong) khi họ lục soát trụ sở Đông Phương Bộ Quốc Tế CS với tên giả là Tống Văn Sơ (Song Man Cho), sau đó ông được thả một cách bí mật. Năm 1933, Quốc Tế Cộng Sản khai tử ông bằng cách tung tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì bệnh lao, âm thầm đưa ông ta về Mát cơva, được huấn luyện và bị cô lập cho đến năm 1938 (Chính đạo: Cđ 134). Vào thời gian này tại Việt Nam, ĐCSĐD do Hà Huy Tập làm Tổng Bí Thư, phát triển và sinh hoạt dưới nhiều hình thức hợp pháp, hoặc bất hợp pháp được Liên Bang Sô Viết hỗ trợ mạnh mẽ. (CĐ 168-171).
Tại tại Nam Kinh, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (tức Việt Minh sau này) được thành lập vào tháng 8/1934 (có nơi ghi là 1936) do ông Hồ Học Lãm, một sĩ quan người Việt trong quân đội Trung Hoa Quốc Gia, vận động Tưởng Giới Thạch giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Ông đã cùng ông Nguyễn Hải Thần hợp tác với VNQDĐ thành lập tổ chức này gồm có Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Hữu Công, Hoàng Văn Hoan, Đặng Nguyên Hùng… Ông Lãm dùng bí danh Hồ Chí Minh để hoạt động (sđd). Tổ chức này gần như tan rã vào khoảng 1936 do bất đồng quan điểm. Theo Hoàng Văn Đào, một số đảng viên VNĐLĐMH muốn chính phủ THQG tiêu trừ cái tên VNQDĐ và muốn biến VNĐLĐMH trở thành cộng sản.
(Xin lưu ý: danh xưng Việt Minh và cái tên Hồ Chí Minh đã xuất hiện vào thời gian này, về sau Nguyễn Ái Quốc mới dùng lại năm 1941).
Phát xít Đức phát triển mạnh ở Âu Châu có khuynh hướng chống chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Ở Á Châu chiến tranh Trung-Nhật xảy ra, khiến Stalin phải thay đổi chiến thuật, “giảm xuất cảng cách mạng vô sản, bớt chống thực dân, liên kết với các thành phần không CS thành lập mặt trận thống nhất chống phát xít”, chủ trương hợp tác với chính phủ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng…
ĐẠI CHIẾN THỨ HAI Ở ÂU CHÂU
Tháng 9-1939, Đại Chiến thế giới thứ 2 bùng nổ tại Âu Châu do phát xít Đức và Ý chủ xướng. Nhật gây chiến tại Á Châu. Chiến tranh ngày càng khốc liệt với sự thắng thế của Đức. Ngày 14 tháng 6, 1940, Paris thất thủ, Pháp thua trận phải thành lập chính phủ Vichy thân Đức. Tướng De Gaulle chạy sang Anh thành lập lực lượng Pháp Tự Do chống Đức.
Ở Đông Dương, tướng Decoux được cử giữ toàn quyền đương đầu với Nhật. Ngày 22 tháng 9, 1940 Pháp phải ký hiệp ước chấp nhận Nhật sử dụng các hải cảng, phi trường, được đi lại khắp Đông Dương, ngăn chận đường tiếp vận cho chính phủ Tưởng Giới Thạch đang chống Nhật. Đổi lại, Nhật tôn trọng quyền cai trị của Pháp tại Đông Dương. Ngày 23 tháng 11, 1940 Xứ ủy Nam Kỳ Đảng CS Đông Dương tổ chức tổng khởi nghĩa nhưng thất bại bị Pháp đàn áp dã man.
Hiến chương Đại Tây Dương ký ngày 14 tháng 8, 1941 giữa Anh và Mỹ chủ trương trao quyền độc lập và quyền tự quyết cho các dân tộc bị trị, cỗ vũ hòa bình, hợp tác quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng. Hội nghị Mốt Cô Va ngày 29/9/1941, Liên Xô, Anh Quốc và Hoa Kỳ liên kết cung cấp vật liệu chiến tranh chống Đức Quốc Xã.
Ngày 7/12/1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng, khiến Hoa Kỳ phải nhảy vào vòng chiến. Ngày 11/12/1941, Đức, Nhật, Ý ký hiệp ước Berlin chống Anh và Mỹ. Nhật tấn công Hong kong, chiếm Mã Lai, Miến Điện, Indonesia và các đảo Thái Bình Dương.
Hội nghị tại Washington DC ngày 1/1/1942 thành lập Mặt Trận Đồng Minh chống Phát Xít. Liên quân Anh Mỹ đổ bộ Bắc Phi ngày 8/11/1942. Stalin giải tán Quốc Tế Đệ Tam (CĐ 293) ngày 15/5/1943 nhằm dễ dàng thành hình các liên minh chống Phát Xít trên thế giới.
Tuyên ngôn Cairo ngày 26/11/1943 giữa Anh, Mỹ, Trung Hoa (QDĐ) kêu gọi Nhật đầu hàng vô điều kiện, trả độc lập cho các nước Á Châu như Trung Hoa, Triều Tiên, Đài Loan, đảo Bành Hồ..
Hội nghị Teheran (từ 28/11 đến 1/12/1943) giữa Mỹ, Liên Xô và Anh Quốc dự định mở ra mặt trận thứ hai vào năm 1944, thảo luận việc LX chống Nhật (LX đã ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật trước đây), bàn về hậu chiến của nước Đức, Âu Châu, bảo vệ hòa bình, hợp tác quốc tế, ngăn chận nguy cơ chiến tranh..
HCM TẠI BIÊN GIỚI HOA NAM VÀ VIỆT NAM
Trong bối cảnh chiến tranh thế giới, đầu năm 1940 HCM về hoạt động tại Hoa Nam dưới bí danh Thiếu Tá Hồ Quang bên cạnh Bát Lộ Quân cộng sản Trung Hoa, liên lạc với các đảng viên ĐCSĐD tại Côn Minh và Vân Nam. HCM kêu gọi thành lập Mặt Trận Thống Nhất Hoa-Việt chống Nhật; phát triển ĐCSĐD đánh du kích; xử dụng khẩu hiệu chống đế quốc Pháp, chống phong kiến; liên kết các đảng phái thống nhất giành độc lập. Tại Việt Nam, Pháp tiếp tục đàn áp ĐCSĐD khốc liệt. (sđd 187).
Tháng 2, 1941, HCM trở về Việt Nam hoạt động tại hang Pác-Bó. Tháng 5, 1941: Hồ Tổ chức Hội Nghị 8 đảng cộng sản Đông Dương. Từ Trung Hoa có: HCM, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh. Tại địa phương có Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hạ Bá Cang, Chu Văn Tấn và một số đảng viên từ miền Nam. Tóm tắt nội dung: Trường Chinh giữ Tổng Bí Thư đảng CS Đông Dương; Hợp thức hóa tổ chức Việt Minh (tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội đã được thành lập năm 1936 trước kia bởi Hồ Học Lãm – Xem ở trên); đưa ra 10 chính sách của Việt Minh: chống Pháp, chống Nhật, che giấu nguồn gốc cộng sản, chiến tranh du kích ở Bắc sơn – Vũ Nhai, Cao Bằng…
Trong lúc tại Hoa Nam, vào ngày 10/8/1942, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc muốn giúp những nhà cách mạng Việt Nam lưu vong thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội không cộng sản (CĐ 289) (gọi tắt là Việt Cách, hoặc Đồng Minh Hội) gồm các Ông Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, một số đảng viên VNQDĐ và nhiều Việt Kiều ở Liễu Châu, bầu ra 19 ủy viên, đặt tổ chức dưới quyền của tướng Trương Phát Khuê, ra mắt ngày 1 tháng 10, 1942 tại Liễu Châu, mục tiêu đoàn kết các lực lượng cách mạng không cộng sản, đồng minh với Trung Hoa và các nước dân chủ để chống Pháp và chống Nhật, giành độc lập và tự do. Tuy nhiên tổ chức này bị nhóm cộng sản liên tục phá hoại, vu khống, với tuyên bố chỉ có đảng CSĐD và Việt Minh mới giành được độc lập thật sự.
Hồ Chí Minh trở lại Hoa Nam và bị bắt lần thứ 2.
Tháng 8/1942 từ Việt Nam, HCM vượt biên giới Hoa Việt nhằm cầu viện với Tưởng Giới Thạch nhưng bị bắt vì bị nghi là cộng sản (tức Nguyễn Ái Quốc), giam ở Tịnh Châu. Ngày 10/9/1943, do nhu cầu thành lập đồng minh chống Pháp và Nhật, HCM được chính phủ Tưởng Giới Thạch trả tự do (qua tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh đệ tứ quân khu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Quảng Tây), được phép hoạt động với Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội cùng các nhà cách mạng quốc gia. Lúc đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là một thành viên của Đồng Minh chống phát xít Đức và Nhật gồm có Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa.
Cải tổ Việt Cách. Đại hội cải tổ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) được tổ chức tại Liễu Châu ngày 28/3/1944 do tướng Trương Phát Khuê triệu tập, nhằm thống nhất các tổ chức Việt Nam đủ khuynh hướng chính trị tại Trung Hoa (CĐ 300). HCM được phép tham dự với tư cách đại diện tổ chức Phản Xâm Lược. Ban Chấp Hành Đồng Minh Hội được bầu gồm 7 ủy viên: Trương Bội Công (không đảng phái), Nghiêm Kế Tổ (VNQDĐ), Trương Trung Phụng (VNQDĐ), Trần Báo (VNQDĐ), Bồ Xuân Luật (Phục Quốc), Lê Tùng Sơn (Giải Phóng, cộng sản), Trần Đình Xuyên (Phục Quốc). HCM được bầu làm Ủy Viên dự khuyết. Việc kết hợp này đã gây chia rẽ trầm trọng giữa các thành phần cộng sản và không cộng sản.
Ngày 2/7/1944, Đại Hội thành lập Đồng Minh Hội tại Côn Minh với kết quả các thành phần cốt cán đều do cộng sản nắm đa số. HCM đã tỏ ra khéo léo, chiều chuộng các viên chức Trung Hoa Quốc Dân Đảng, tỏ ra say mê chủ nghĩa Tam Dân mà ông đã dịch sang tiếng Việt, nên được chính phủ Trung Hoa tin dùng và được cử về nước với tư cách đại diện cho Việt Cách (Đồng Minh Hội), được sự hỗ trợ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng và đồng minh. (CĐ 304, 305). Trương Phát Khuê cấp phát tiền bạc, tài liệu tuyên truyền, thuốc men, bản đồ quân sự và các chứng minh thư cần thiết để HCM đi lại, cùng về có 18 cán bộ người Việt đã được đào tạo tại trường quân sự Đại Kiều, trong đó có cô Đỗ Thị Lạc.
Tại Âu Châu, Liên quân đồng minh đổ bộ lên Normandie, Pháp ngày 6/6/1944, phản công đẩy lùi quân Đức trên các mặt trận. Liên Xô cũng phản công ở Đông Âu, nhưng đi đến đâu thành lập chế độ cộng sản đến đó.
Ngày 20/9/1944, HCM trở về nội địa, thành lập “đội Tuyên Truyền Giải Phóng Quân” gồm 34 người do Hoàng Sâm chỉ huy. Tại Trung Hoa, đảng Cộng sản Trung quốc tổ chức đại hội lần thứ VII tại Diên An, Mao Trạch Đông được bầu làm chủ tịch.
Như vậy, HCM và tổ chức Việt Minh đã được chính phủ Trung Hoa Quốc Gia yểm trợ để chống quân Nhật, trong khi tổ chức cộng sản Trung Cộng còn rất yếu ớt.
NHỮNG NĂM CUỐI CÙNG CỦA ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI THỨ HAI
Năm 1944, thế chiến thứ 2 đã bắt đầu ngã ngũ, Hoa Kỳ chính thức tham gia với đồng minh sau khi bị Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng. Đồng minh chiến thắng ở khắp nơi. Ngày 24/11/1944, Hoa Kỳ bắt đầu ném bom Nhật ở Á Châu, Liên Xô kết hợp với đồng minh để chống Đức. Trước đó, LX ký hiệp bất tương xâm với Nhật ngày 13/4/1941.
Ngày 9 tháng 3, 1945 Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương chấm dứt nền cai trị của Pháp tại Việt Nam kể từ 1884. Nhật trao quyền độc lập cho Việt Nam.
Tại Âu Châu, ngày 9 tháng 5, 1945, Phát Xít Đức đầu hàng..
THÀNH HÌNH ĐẾ QUỐC VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM
Sau khi lật đổ thực dân Pháp tại Đông Dương, Nhật cho phép Việt Nam độc lập, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thành lập Đế Quốc Việt Nam theo nguyên tắc “Dân Vi Quý”, Chính phủ Trần Trọng Kim dược thành hình với nhiều bộ trưởng trẻ tuổi, tài giỏi và đầy nhiệt huyết. Mặc dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chính phủ đã đạt nhiều thành quả về chính trị, giáo dục, cứu tế, xã hội trong nước, tóm lược như sau:


Ông Trần Trọng Kim tốt nghiệp Sư Phạm tại Pháp, giữ thanh tra tiểu học ở Bắc phần, là một học giả có căn bản học vấn “Đông Tây”, soạn bộ Việt Nam Sử Lược (vẫn còn giá trị tới ngày nay), bộ sách Nho Giáo… Ông là người yêu nước, thành thật, ước vọng độc lập dân tộc
Thành phần chính phủ:
- Bộ ngoại giao và Phó thủ tướng: Ls Trần Văn Chương, 42 tuổi; Bộ nội vụ: Ông Trần Đình Nam, Y sĩ Đông Dương; Bộ kinh tế: Ông Hồ Tá Khanh, Y sĩ ĐD; Bộ giáo dục: Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, một giáo sư trẻ; Bộ tiếp tế: Ông Nguyễn Văn Thí, Y sĩ Đông Dương; Bộ Tư Pháp: Ls Trịnh Đình Thảo; Bộ tài chánh: Ls Vũ Văn Hiền; Bộ Y tế: Bs Vũ Ngọc Ánh, giáo dân; Bộ thanh niên và thể thao: Ls Phan Anh..
Những công việc đã làm trong thời gian 4 tháng tồn tại:
– Đối đầu với nạn đói khủng khiếp ngoài Bắc và Trung kỳ. Chính phủ Trần Trọng Kim ra sức cứu đói trong những điều kiện khó khăn trong lúc VM lợi dụng tuyên truyền và tấn công các chủ điền, vu cáo phong trào cứu đói của chính phủ.
– Lấy lại tên nước là Việt Nam thống nhất lãnh thổ và độc lập từ Nam ra Bắc. Việt Nam đã bị Pháp chia thành 3 miền Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Việt Nam hóa chương trình giáo dục và thi cử tạo ra viễn tượng tốt cho nền giáo dục Việt Nam sau này.
– Giành lại quyền thống nhất lãnh thổ ngày 26/7/1945, mặc dù không có quân đội, an ninh, chính phủ TTK chỉ dùng tài thuyết phục, ngoại giao dựa trên tình hình thế giới, Nhật sắp sửa bại trận.
– Việt Nam hóa cơ cấu chính trị, văn hóa, xã hội, thương thuyết thống nhất lãnh thổ ít được nhiều người nhắn đến, nhất là Việt Minh và chính quyền cộng sản sau này (CĐ 335).
– Chính phủ TT Kim chủ trương thật lòng đoàn kết dân tộc, các tổ chức, các đảng phái để xóa đi dấu vết chia rẽ do chính sách chia để trị trên nửa thế kỷ đô hộ.
Trong lúc đó, những khó khăn cũng như hược điểm của chính phủ TTK không phải là nhỏ:
– Tình thế đột ngột và thời gian cấp bách trước sự thua trận của Pháp và Nhật.
– Hầu hết các bộ trưởng đều còn trẻ (ngoại trừ ông TTK 62 tuổi), họ rất thông minh, yêu nước, nhiệt tình nhưng còn thiếu kinh nghiệm hành chánh và đấu tranh chính trị (theo những nhà quan sát lịch sử).
– Không có bộ quốc phòng và an ninh vẫn còn nằm trong tay thực dân Pháp và phát xít Nhật, không có phương tiện dẹp loạn được.
– Chưa nắm được lực lượng quần chúng, hiện bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền của Việt Minh, một lực lượng ngoại vi của đảng CSĐD.
– Guồng máy công chức chính phủ dưới chế độ thực dân mà ông chủ trương “cách mạng hóa công chức” chưa có thời giờ thực hiện.
– Đồng minh lúc đó chỉ biết có Việt Minh và lực lượng từ Trung Hoa kéo về theo kế hoạch “Hoa Quân Nhập Việt” của THQDĐ, chưa biết nhiều về chính phủ Trần Trọng Kim.
– Việt Minh tuyên truyền chính phủ TTK là “bù nhìn” của Nhật, bôi nhọ những thành viên của chính phủ, tự cho mình được đồng minh và Liên Hiệp Quốc nhìn nhận để chống Nhật qua những thủ thuật tuyên truyền, khiến cho nhiều người chạy theo họ.
– Việt Minh là tổ chức bình phong của đảng CSĐD, che giấu cộng sản và có cơ sở ở nhiều nơi. VM còn đe dọa những thành phần không theo cộng sản, có nơi còn thủ tiêu, nhất là ở nông thôn cũng như thành phố: Phạm Quỳnh bị thủ tiêu ở Huế, các đảng viên quốc gia như VNQDĐ, Đại Việt, Duy Dân, Việt Cách, Phục Quốc, Trot kist, Cao Đài, Hòa Hảo, Công Giáo, Phật giáo… đều bị loại trừ (Xem Ngô Văn).
– Thành phần người Pháp thuộc phe DeGaule “tự do” tìm mọi cách trở lại Đông Dương, họ tuyên truyền trong các thành phần người Việt chống Pháp, xuyên tạc vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim. HCM liên lạc với lực lượng này, hứa để người Pháp trở lại, sẵn sàng chấp nhận được độc lập từ 5 đến 10 năm và còn đề nghị Pháp cho Việt Nam tự trị trong liên bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp (CĐ 364).
– Các lực lượng thân Nhật cũng tìm cách phản bác và lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại để thay bằng những người thân Nhật.
Ngày 15 tháng 8, 1945, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng sau khi Mỹ ném hai trái bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Lúc này, hai đế quốc Pháp và Nhật hoàn toàn bị loại khỏi chính trường Việt Nam. Phe Đồng Minh đồng ý bảo trợ độc lập cho Việt Nam: Trung Hoa Quốc Gia giải giới Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16, Anh-Ấn ở phía Nam vĩ tuyền này.
Như thế, nếu không có những sự kiện bất thường xảy ra, Việt Nam đã được độc lập từ đây, không còn thực dân và phái xít cai trị Việt Nam.
(Còn tiếp) Xem phần 2
Trần M. Vũ
————————————-
Kỳ sau: HCM cướp chính chính quyền từ vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim.
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam 1920-1945 (Cách mạng và phản cách mạng thời đô hộ thuộc đĩa): Ngô Văn, Chuông Rè, 2000.
- Tài liệu về cuộc chiến 1946-1954 “Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” – Truyền thông số 32-33, 2009.
- Công và Tội những sự thật lịch sử– Nguyễn Trân – Xuân Thu – 1992
- Gọng Kìm Lịch Sử – Bùi Diễm – Cơ Sở Phạm Quang Khai – 2000
- Một Cơn Gió Bụi (Hồi ký về một giai đoạn lịch sử đau thương): Trần Trọng Kim, NXB Sống, 2015
- Bên Giòng Lịch Sử Việt Nam (1940-1975): LM Cao Văn Luận, Tantu Research, 1983
- Hồ Chí Minh, Con Người và Huyền Thoại, Tập II 1925-1945: Chính Đạo (CĐ), Văn Hóa 1993
- Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí, gần 900 tác nhân lịch sử cận đại: Chính Đạo, Văn Hóa 1993
- Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam (9/3/1945-30/8/1945): GS Phạm Cao Dương, Truyền Thống Việt 2017
- Thế giới Những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1901-1945): Nhà xuất bản Giáo Dục, 2003
- Việt Nam thế kỷ 20 Biên niên sử: Dương Kiền, Tiếng Quê Hương, 2005
- Đảng Cộng Sản Việt Nam: Lịch sử và huyền thoại, tập I 1925-2005: Hà Nhân Văn, Tiếng Mẹ, 2007
- Những Biến Cố Lớn Trong 30 năm chiến tranh Việt Nam – GS Nguyễn Đình Tuyến – 1995.
- Hồi ký: Nguyễn Xuân Chữ – Nguyễn Hiến Lê – Nguyễn Tường Bách – Võ Nguyên Giáp (Điện Biên Phủ) – Bảo Đại – Pierre Darcourt – Trần Đức Thảo (những lời trăng trối) – Bùi Tín – Trần Đĩnh –
- https://www.dkn.tv/van-hoa/chi-si-ho-hoc-lam-va-chuyen-chua-ke-ve-moi-giao-tinh-than-thiet-voi-tuong-gioi-thach-phan-boi-chau.html
- Lịch sủ Việt Nam Cận Đại (1927-1954), Hoàng Văn Đào.
NGOẠI NGỮ:
- The Struggle for Indochina 1940-1955: Ellen J. Hammer, Standord University, 1954, 1955 (1966)
- China & The Vietnam War 1950-1975 (Qiang Zhai) – The University of North Carolina Press – 2000
- Vietnam and China, 1938-1945, King C. Chen, Princeton Legacy Library, 1969
Related News
FBI trao tài liệu về TT Biden cho Ủy ban Giám sát Hạ viện, tránh biểu quyết về tội khinh thường Quốc hội
(Trái) Chủ tịch Ủy ban Trách nhiệm giải trình và Giám sát của Hạ viện James Comer (Cộng hòa-Kentucky) tổ chức một cuộc họp...
Khói do cháy rừng ở Canada làm gián đoạn du lịch hàng không Hoa Kỳ
Ngày 8 tháng 6 năm 2023, 9:44 sáng EDT / Cập nhật ngày 8 tháng 6 năm 2023, 1:24 chiều EDTBởi Daniel Arkin và Jay BlackmanKhói từ cháy rừng bao...
Số lượng việc làm bị mất tại Hoa Kỳ trong một tháng do AI
Thông báo tuyển người được dán trên cửa một cửa hàng GameStop ở New York hôm 29/04/2022. (Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters)Naveen Athrappully -Thứ ba, 06/06/2023Theo...
Khai trương triển lãm về phong trào biểu tình Hồng Kông tại Bảo tàng Tưởng niệm Thiên An Môn ở New York
Phòng triển lãm cố định đầu tiên với chủ đề “Phong trào Biểu tình Hồng Kông” đã được khai trương ở Manhattan, New York,...
Các dân biểu trong Ủy ban Giám sát Hạ viện xung đột sau khi xem tài liệu của FBI về các cáo buộc của Biden
Today's Headlines: June 1, 2023 - Rebecca BeitschThứ Hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 lúc 2:58 chiều EDTCác nhà lãnh đạo của Ủy...
Cựu đặc vụ FBI Robert Hanssen, từng làm gián điệp cho Liên Xô và Nga, đã chết trong nhà giam
Hoạt động gián điệp của Robert Hanssen đạt đến đỉnh điểm của Chiến tranh LạnhBởi Bradford Betz | Tin tức FoxRobert Hanssen, cựu đặc vụ FBI đang thụ án...