Thời sự thế giới Thứ ba 23 tháng 8 năm 2022

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ-Hàn tập trận : Bắc Triều Tiên dọa đáp trả tương xứng

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên ngày 10/08/2022. © AFP – STR 

Ngày 22/08/2022, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi, lớn nhất từ 5 năm qua và huy động đến hàng chục nghìn quân. Ngay lập tức, Bắc Triều Tiên đe dọa đáp trả tương xứng về mặt quân sự. 

Cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên Ryomyong lên án « các cuộc tập trận điên rồ sẽ diễn ra trên trời, dưới đất, dưới biển ở Hàn Quốc cho đến đầu tháng 9 là một lời khiêu khích quân sự nguy hiểm khiến tình hình trên bán đảo đã bất ổn lại càng căng thẳng hơn, để phát động một cuộc chiến xâm lược ».

Theo Yonhap, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị cơ quan ngôn luận của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc Ryomyong chỉ trích với những lời lẽ thậm tệ, như « kẻ cuồng chiến hiếm hoi » « phải chịu trách nhiệm về việc tình hình thêm trầm trọng ». Đối với Bình Nhưỡng, chính sách cứng rắn của ông Yoon, khác với người tiền nhiệm Moon Jae In, « là thái độ ngu xuẩn của một kẻ phản quốc không chăm sóc đời sống người dân và chỉ tìm cách dùng vũ lực đè bẹp người anh em nhằm phục vụ ý đồ chinh phục thế giới của Hoa Kỳ ».

Trang Ryomyong không che giấu đe dọa đáp trả « thái độ đáng thương khi đối đầu với một cường quốc nguyên tử như chúng ta » (Bắc Triều Tiên). Cụ thể, có thể sẽ là một vụ thử hạt nhân vào trước kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ để khẳng định năng lực nguyên tử, theo dự đoán của cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) Park Jie Won với đài phát thanh KBS ngày 23/08. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên sẽ có nhiều hành động khiêu khích khác để phản đối cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi.

Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ và Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã hoàn tất các bước chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện vụ thử vào bất kỳ lúc nào. Nếu diễn ra, đó sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ bẩy của Bắc Triều Tiên.

Ukraine cho biết 9000 binh lính của họ đã tử trận kể từ khi Nga khai chiến

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/08/dau-doc-linh-nga-700x366-1.jpg

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chạm mốc nửa năm trong tuần này, đã khiến khoảng 9.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, một tướng lĩnh cho biết, và hiện tại không có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang dịu lại.

Tại một sự kiện dành cho cựu chiến binh, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, nói rằng những đứa trẻ của Ukraine cần được chăm sóc vì “cha của chúng đã ra tiền tuyến và có lẽ là một trong gần 9.000 anh hùng đã hy sinh”.

Liên hợp quốc cho biết 5.587 dân thường đã thiệt mạng và 7.890 người bị thương trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, mặc dù ước tính này được cho là chưa phản ánh đầy đủ tình hình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp và Đức hôm Chủ nhật đã đề nghị Nga chấm dứt bất kỳ hoạt động quân sự nào gần nhà máy hạt nhân Zaporizhzhya – nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu – nhưng thành phố gần kề Nikopol đã bị bắn ba lần trong đêm bởi tên lửa và đạn cối. Nhà chức trách cho biết các ngôi nhà, một trường mẫu giáo, một bến xe buýt và các cửa hàng đã bị tấn công.

Có nhiều lo ngại rằng việc tiếp tục pháo kích và giao tranh trong khu vực có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân. Nga đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Ba để thảo luận về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Lần cuối cùng Nga đưa ra bản cập nhật là vào ngày 25 tháng 3 khi nước này cho biết 1.351 quân Nga đã thiệt mạng trong tháng đầu tiên giao tranh. Trong khi đó, các quan chức quân đội Mỹ ước tính cách đây hai tuần rằng Nga đã mất từ ​​70.000 đến 80.000 binh sĩ, cả thiệt mạng và bị thương trong trận chiến.

Ngân Hà

Cựu thủ tướng Malaysia phải ngồi tù sau khi bị bác kháng cáo 

23/8/2022 

Reuters 

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Tòa Phúc thẩm Putrajaya hôm 16/8

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Tòa Phúc thẩm Putrajaya hôm 16/8 

Tòa án tối cao Malaysia hôm 23/8 ra lệnh cựu thủ tướng Najib Razak bắt đầu thụ án 12 năm tù sau khi tòa giữ nguyên phán quyết có tội đối với các cáo trạng về bê bối tham nhũng hàng tỷ đô la tại quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB).

Dập tắt nỗ lực kháng cáo cuối cùng của ông Najib, Tòa án tối cao Malaysia cũng bác bỏ thỉnh cầu của ông là hoãn thi hành án.

Ông Najib, 69 tuổi, hồi tháng 7/2020 đã bị tòa cấp dưới kết tội hình sự về lạm dụng tín nhiệm, lạm quyền và rửa tiền vì đã nhận trái phép 10 triệu đô la Mỹ từ SRC International, vốn là một đơn vị thuộc 1MDB. Ông đã được tại ngoại và chờ kháng cáo.

Vị cựu thủ tướng, vốn không nhận tội, đã bị kết án 12 năm tù và phạt tiền 210 triệu ringgit (tương đương 46,84 triệu đô la).

Chánh án Tengku Maimun Tuan Mat cho biết tòa đã nhất trí bác kháng cáo của ông Najib và bản án mà tòa các cấp dưới tuyên là thỏa đáng.

“Nội dung bào chữa tự thân nó không nhất quán và không đáng tin đến mức cần phải xem xét lại tính hợp lý của vụ án… Chúng tôi cũng thấy bản án được tuyên không hề quá đáng chút nào”, nữ chánh án nói.

Ông Najib đã ngồi trước vòng móng ngựa khi tòa tuyên án. Vợ ông, bà Rosmah Mansor, và ba người con ngồi phía sau.

Trước đó tòa đã bác bỏ nỗ lực cuối cùng của ông Najib nhằm ngăn chặn phán quyết cuối cùng bằng cách yêu cầu loại chánh án khỏi hội đồng xét xử.

Nói lời cuối cùng trước tòa ngay trước khi phán quyết chung cuộc được tuyên, ông Najib nói ông là nạn nhân của bất công, đồng thời xin tòa cho thêm hai tháng nữa để các luật sư mới của ông chuẩn bị kháng cáo.

“Quả là hết sức tồi tệ khi phải nhận ra rằng sức mạnh tư pháp chĩa vào tôi theo cách không công bằng nhất”, ông Najib nói trước tòa.

Các công tố viên cho biết quỹ 1MDB – do ông Najib đồng sáng lập trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng vào năm 2009 – đã bị đục khoét mất khoảng 4,5 tỷ đô la. Các nhà điều tra cho biết họ đã lần theo dấu vết của hơn 1 tỷ đô la tiền của 1MDB chảy vào các tài khoản có liên quan đến ông Najib.

Vụ bê bối quy mô này có dính đến các quan chức và tổ chức tài chính trên khắp thế giới, đồng thời khiến Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mở cuộc điều tra mà sau này đã trở thành cuộc điều tra về nhà nước tham nhũng lớn nhất của họ.

Ông Najib, vốn đối mặt với các phiên tòa với nhiều cáo trạng, liên tục phủ nhận đã làm sai.

Kinh tế châu Âu tiếp tục đối diện khó khăn

Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro đang chậm đi. Ngành dịch vụ, dù đã phục hồi sau đại dịch, giờ đây đang giảm tốc khi mùa du lịch qua đi. Trong khi đó, ngành công nghiệp bị khủng hoảng năng lượng đẩy vào suy thoái. Vì vậy, chỉ số nhà quản lý mua hàng, được công bố vào thứ Ba, sẽ chỉ càng làm tâm trạng thị trường thêm ảm đạm.

Kinh tế suy thoái là một vấn đề đau đầu cho các chính trị gia châu Âu và các cơ quan quản lý tiền tệ. Hiện các chính phủ đã có đủ rắc rối với giá năng lượng tăng, mà họ đang đối phó bằng giá trần và phát ngân phiếu. Kinh tế yếu đi cũng sẽ làm giảm nguồn thu thuế, trong khi các doanh nghiệp có thể yêu cầu cắt giảm thuế hoặc cứu trợ. Ngân hàng Trung ương châu Âu biết rõ tăng lãi suất sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế, mặc dù hoàn toàn cần thiết để chống lạm phát. Đây hứa hẹn là một mùa thu đầy thử thách cho châu Âu.

Nga muốn Syria làm hòa với Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi chiến tranh diễn ra ở Ukraine, Nga vẫn đang nỗ lực ổn định tình hình cho chế độ của Bashar al-Assad ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp người đồng cấp Syria, Faisal Mekdad, tại Moscow vào thứ Ba. Syria muốn được đảm bảo rằng Nga sẽ không chuyển lực lượng từ cuộc nội chiến của ông Assad sang mặt trận ở Ukraine. Hiện tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga đã thu hẹp hoạt động của họ ở Syria. Ngoài ra, chính phủ bị thiếu tiền mặt nặng nề ở Damascus cũng rất cần ngũ cốc.

Tuy nhiên, Nga có nhưng yêu sách của riêng mình. Vai trò thành viên NATO cũng như vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen khiến hợp tác với họ trở thành điều sống còn cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Vì vậy, Nga muốn ông Assad làm hòa với kẻ thù của mình, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Để làm vậy, ông Assad phải tạo điều kiện cho người tị nạn Syria trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu hòa giải với phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria. Nhưng cho đến nay, những nỗ lực thúc đẩy của Nga vẫn chưa có kết quả.

Florida chọn ứng viên thượng nghị sĩ và thống đốc

Vào thứ Ba này người dân Floridia sẽ đi bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng của bang. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và lựa chọn của cử tri Florida, vốn nghiêng về đảng Cộng hòa trong những năm gần đây, sẽ là thước đo cho triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua thống đốc với Ron DeSantis, người đương nhiệm của đảng Cộng hòa. Các lựa chọn khả dĩ nhất là cựu dân biểu Charlie Crist hoặc ủy viên nông nghiệp bang Nikki Fried. Song cả hai nhân vật này đều không có quy mô tranh cử và tên tuổi như ông DeSantis, người nằm trong số ứng viên tổng thống tiềm năng hàng đầu cho năm 2024 của đảng Cộng hòa.

Ngoài ra Floridia cũng sẽ chọn ứng viên Dân chủ cho ghế thượng nghị sĩ. Val Demings, cựu cảnh sát trưởng Orlando, là ứng viên duy nhất có thể thách thức Marco Rubio, thượng nghị sĩ đương nhiệm của phe Cộng hòa, vào tháng 11. Các cuộc thăm dò cho thấy lợi thế dẫn trước của bà đã khiến các nhà tài trợ toàn quốc của đảng Dân chủ đổ tiền vào cuộc đua ở Florida.

Giải bóng đá ngoại hạng Ukraine quay trở lại

Khi Nga xâm lược, bóng đá, giống như nhiều môn thể thao khác ở Ukraine, phải tạm dừng. Các cầu thủ chuyên nghiệp nước ngoài đã rời khỏi đất nước trong khi nhiều đồng nghiệp người Ukraine của họ nhập ngũ. Các câu lạc bộ đã sử dụng cơ sở hạ tầng của mình để cứu trợ nhân đạo. Nhưng vào thứ Ba, trái bóng sẽ bắt đầu lăn trở lại. Giải bóng đá ngoại hạng Ukraine, giải bóng đá hàng đầu của đất nước, sẽ khai mạc mùa giải mới. Người hâm mộ sẽ không được phép vào các sân vận động, nơi sẽ được trang bị các khu vực trú ẩn để bảo vệ các cầu thủ và quan chức trong trường hợp bị Nga pháo kích.

Việc tái khởi động giải là một rủi ro được tính toán kỹ để giúp các câu lạc bộ nhỏ đang gặp khó khăn về doanh thu. Nhưng đó cũng là một liều thuốc tinh thần cho đất nước. Trận khai mạc sẽ diễn ra giữa FC Shakhtar, một câu lạc bộ gốc Donetsk nhưng đang đóng quân nơi khác do khu vực này bị Nga chiếm đóng từ năm 2014 và CLB Metalist 1925 từ Kharkiv, một thành phố bị Nga bắn phá. Shakhtar có thể sẽ thắng trận đấu đó. Nhưng năm nay, sinh tồn, chứ không phải bóng đá, mới là mối quan tâm chính của mọi người.

Ukraina cấm tổ chức các hoạt động mừng Quốc Khánh

23/8/2022

Các thành viên của Đội cận vệ danh dự giơ cao lá quốc kỳ Ukraina trong buổi lễ đánh dấu ngày thành lập Nhà nước Ukraina tại Lviv, Ukraina ngày 28/07/2022. REUTERS – STRINGER 

Giới chức Ukraina thông báo hôm qua, 22/08/2022, cấm tổ chức các hoạt động mừng ngày Quốc Khánh lần thứ 31 (24/08), nhấn mạnh đến nguy cơ Nga có thể bắn tên lửa tấn công. 

Theo hãng tin Reuters, lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày thứ Hai 22/08 đến thứ Năm ngày 25/08/2022. Trên khắp Ukraina, các biện pháp bảo đảm an ninh được siết chặt, lực lượng Ukraina tuần tra trên đường phố. Người dân được yêu cầu chú ý đến tiếng còi báo động và tránh tụ tập đông người.

Thống đốc thành phố Kharkiv đưa ra lệnh giới nghiêm từ 4 giờ chiều đến 7 giờ sáng trong 4 ngày này.

Quyết định cấm các lễ hội được đưa ra sau khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cảnh báo vào tuần trước rằng Matxcơva « có thể làm điều gì đó xấu xa » trong dịp lễ Quốc Khánh Ukraina, đánh dấu 31 năm tách khỏi Liên Xô.

Theo báo New York Times, cơ quan tình báo Mỹ ngày hôm qua cũng cảnh báo Nga có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và các tòa nhà hành chính ở Ukraina trong dịp này. Sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev kêu gọi các công dân Mỹ rời khỏi Ukraina.

Bộ Tham Mưu Ukraina thông báo hôm nay, 23/08 Nga tiếp tục pháo kích vào nhà máy hạt nhân ở Zaporijjia, nơi xảy ra các cuộc giao tranh từ nhiều tuần qua. Cả Nga va Ukraina đều đổ lỗi cho nhau trong các vụ tấn công làm gia tăng lo ngại về thảm họa hạt nhân đang đến gần.

Ukraina: Sau 6 tháng chiến tranh, điều gì sẽ xảy ra?

22/8/2022

Người dân Ukraina đến tham quan một đại lộ trưng bày các loại vũ khí của Nga bị phá hủy trong các cuộc giao tranh giữa hai bên, ngày 20/08/2022. AP – Andrew Kravchenko 

Ngày 24/08/2022, đánh dấu sáu tháng kể từ khi Nga đem quân xâm lược Ukraina, một cuộc chiến tranh tàn khốc, với những cuộc giao tranh hay những vụ pháo kích đẫm máu của Nga vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày. Theo các nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP vào hôm nay 22/08 trích dẫn, thì, cuộc chiến Ukraina đang bước vào giai đoạn sa lầy và có thể kéo dài nhiều năm, làm cả Nga lẫn Ukraina kiệt quệ. 

Ghi nhận đầu tiên của giới phân tích là sau gần nửa năm, cuộc chiến vẫn ác liệt và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy là hai bên có thể ngưng chiến, không bên nào chiếm được thượng phong trong lúc vẫn duy trì các lập trường cực kỳ xung khắc với nhau, khiến cho hai bên chưa thể thỏa hiệp hay đàm phán hòa bình.

Theo bà Marie Dumoulin, giám đốc chương trình Wider Europe của Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Đối Ngoại ECFR, một tổ chức tư vấn, thì cuộc chiến Ukraina có thể “sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2023”, khi hai nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.

Nhà phân tích chính trị Nga Konstantin Kalachev cũng cho rằng xung đột có thể kéo dài “vài năm nữa”. Theo chuyên gia này: “Nga đang thiếu quân và bị sa lầy” nhưng Ukraina cũng vậy, “thiếu nhân lực để phản công và không có vũ khí tấn công hạng nặng”.

Tình hình lúc này là như vậy, nhưng sắp tới đây ra sao, liệu người Ukraina có thể tiếp tục kháng cự thành công hay không ? đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông sắp đến, với các khó khăn gia tăng do tình trạng cúp điện và cúp hệ thống sưởi vì thiếu nhiên liệu.

Theo bà Dumoulin, chính quyền đang quyết tâm giành được một số chiến thắng, ít ra là về mặt chiến thuật từ nay đến khi mùa đông tới, bởi vì điều đó sẽ có tác dụng khích lệ tinh thần quân đội và dân chúng trong nước, đồng thời biện minh cho các yêu cầu trợ giúp gởi đến các đối tác phương Tây.

Ông Dimitri Minic, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho rằng rằng quân đội Ukraina hiện có hai lợi thế: Có nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của phương Tây, hiện đại và có thể vượt trội hơn so với những gì quân đội Nga hiện sử dụng, và có quân đội có tinh thần chiến đấu cao hơn.

Theo chuyên gia này, cho đến nay, người dân Ukraina vẫn thể hiện đoàn kết, nghe theo chính quyền Ukraina, không bị dao động hay bất mãn trước chủ trương tiếp tục chiến đấu.

Về phía Nga, câu hỏi quan trọng nhất là họ có thể đối phó thế nào đối với liên minh của hầu như toàn khối phương Tây ủng hộ Ukraina và nhất là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trên vấn đề này, ông Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro-Advisory thẳng thắn khẳng định: “Nền kinh tế Nga hiện không bị khủng hoảng” và chính quyền Matxcơva vẫn có thể sử dụng được các nguồn thu ngân sách từ các chương trình kinh tế và công nghiệp để tài trợ cho quân đội hay các chương trình xã hội khác.

Tuy nhiên, bà Marie Dumoulin lưu ý rằng tác động của các lệnh trừng phạt “đang bắt đầu được thấy trong một số lĩnh vực nhất định”, và những khó khăn sẽ được cảm thấy rõ hơn kể từ mùa thu này.

Vấn đề tuy nhiên là khó khăn kinh tế sẽ không làm Nga chùng bước tại Ukraina. Theo bà Dumoulin: “Tôi không nghĩ rằng Vladimir Putin sẽ từ bỏ cuộc chiến của mình chỉ vì hoạt động kinh tế đi xuống”.

Còn chuyên gia Nga Kalachev thì lưu ý rằng “dự trữ kiên nhẫn” của người Nga “lớn hơn nhiều so với của người châu Âu”, và “Nước Nga hy vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến tiêu hao”.

Đối với bà Dumoulin, việc chiến tranh Ukraina bị sa lầy có nguy cơ tác hại đến Ukraina vì các đồng minh phương Tây của họ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi các chính phủ Âu-Mỹ phải đối phó với tâm lý bất mãn của người dân trong nước, trước tình trạng giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Chuyên gia Dumoulin cho rằng: “Sẽ đến lúc Putin đánh cược vào sự mệt mỏi này của phương Tây và sẽ đưa ra các quyết định cởi mở hơn và khuyến khích giới lãnh đạo phương Tây gây áp lực lên Ukraina để chấm dứt xung đột, theo các điều kiện của Nga”.