Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không dự hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần thứ 28 COP28
Thanh Phương /RFI
28/11/2023
Theo lời một quan chức Mỹ hôm Chủ Nhật 26/11/2023, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ không dự hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai từ 30/11 đến 07/12. Chương trình làm việc của tổng thống Biden cũng như của phó tổng thống Kamala Harris do Nhà Trắng công bố đều không dự trù chuyến đi Dubai trong tuần này.
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng (Washington, Hoa Kỳ) ngày 31/10/2023. REUTERS – LEAH MILLIS
Từ Miami, thông tín viên David Thomson tường trình:
Chỉ cách đây vài tuần, Joe Biden còn mô tả hiện tượng nóng lên toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại. Thế mà năm nay, tổng thống Hoa Kỳ cũng như phó tổng thống Kamala Harris lại không dự hội nghị COP28, mặc dù ông Biden đã tham gia hai hội nghị COP trước đó. Vào năm 2021 ở Glasgow, ông thậm chí còn tuyên bố đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận khí hậu Paris và xin lỗi về việc người tiền nhiệm Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.
Nhà Trắng nêu lý do là hoạt động quốc tế của tổng thống và phó tổng thống trong năm nay đặc biệt bận rộn. Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Nhà Trắng, đã nói một cách châm biếm vào tuần trước: “Với một cuộc chiến ở Trung Đông, một cuộc chiến khác ở Ukraina, họ có hai hoặc ba việc phải làm cùng lúc”.
Như vậy ông Kerry là người sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tham gia các cuộc đàm phán trong hội nghị khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc khai mạc tại Dubai ngày mai, 30/11/2023.
Phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chống biến đổi khí hậu vẫn là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden. Theo bà, chính tổng thống Biden đã đề ra chương trình về khí hậu đầy tham vọng nhất trong lịch sử. Cụ thể đó là Đạo luật Giảm lạm phát, huy động 370 tỷ đô la trong 10 năm để Hoa Kỳ có thể dần dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
WHO: Số ca bệnh hô hấp ở Trung Quốc tăng, nhưng không cao như trước đại dịch
28/11/2023
Bà Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc bộ phận chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch của WHO, nói tình trạng hiện nay ở Trung Quốc dường như được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng trẻ em nhiễm các mầm bệnh mà chúng đã tránh được trong hai năm COVID.
Sự gia tăng các ca bệnh về đường hô hấp hiện nay tại Trung Quốc không cao như trước đại dịch COVID, một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đồng thời nhắc lại rằng không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào được tìm thấy trong các trường hợp gần đây.
Bà Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc bộ phận chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch của WHO, nói tình trạng hiện nay ở Trung Quốc dường như được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng trẻ em nhiễm các mầm bệnh mà chúng đã tránh được trong hai năm COVID.
Bà Van Kerkhove nói với hãng tin y tế STAT trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/11: “Chúng tôi đã hỏi về sự so sánh đối chiếu với trước đại dịch. Và những ca bệnh mà họ đang có hiện nay, đỉnh điểm không cao như những gì họ đã thấy từ 2018-2019”.
Bà nói thêm: “Đây không phải là dấu hiệu của một mầm bệnh mới. Đây là điều trong dự kiến. Đây là điều mà hầu hết các quốc gia đối mặt cách đây một hoặc hai năm”.
Phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mi Feng hôm 26/11 cho biết sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp cấp tính có liên quan đến sự lưu hành đồng thời của một số loại mầm bệnh, nổi bật nhất là bệnh cúm.
Sự gia tăng đột biến đã trở thành vấn đề toàn cầu vào tuần trước khi Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin, trích dẫn một báo cáo về các cụm bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em trong Chương trình Giám sát các Bệnh Mới nổi.
Trung Quốc và WHO đối mặt với các câu hỏi về tính minh bạch trong việc báo cáo sớm về đại dịch xuất hiện ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019. WHO cho biết hôm 24/11 không tìm thấy mầm bệnh mới hoặc bất thường nào trong các ca bệnh gần đây.
Các quan chức y tế hôm 26/11 kêu gọi chính quyền địa phương tăng số trạm xá điều trị sốt trong lúc các bệnh viện cảnh báo về tình trạng chờ đợi lâu ở các khu vực phía bắc như Bắc Kinh và tỉnh Liêu Ninh, nơi số ca nhiễm ở trẻ em có vẻ đặc biệt cao.
Bác sĩ trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện You’an Bắc Kinh, Li Tongzeng, nói với tờ Global Times rằng, lây lan từ người trẻ ở nơi làm việc và trẻ em ở trường học, các ca bệnh về đường hô hấp mới có thể lên đến cao điểm trong vài tuần tới.
Trong báo cáo công bố ngày 27/11, ông Li cũng cảnh báo về khả năng làn sóng thứ hai lên đến cao điểm trong kỳ nghỉ năm mới, vì người cao tuổi có thể có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn khi họp mặt gia đình.
Kéo dài lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Mọi người sẽ được bình yên thêm chút nữa. Lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày giữa Israel và Hamas dự kiến kết thúc vào sáng thứ Ba. Tuy nhiên, Qatar, nước làm trung gian đàm phán giữa các bên tham chiến, đã tuyên bố vào tối thứ Hai rằng thời hạn ngừng bắn sẽ được gia hạn thêm hai ngày. Hamas cũng đã xác nhận việc gia hạn. Điều này cũng có nghĩa là ít nhất sẽ có thêm 20 con tin được thả khỏi Gaza, ngoài 50 người dự kiến sẽ được trả tự do trong 4 ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn.
Đây là tin tức đáng mừng cho người dân. Người Palestine ở Gaza sẽ được nghỉ ngơi thêm sau đợt giao tranh tàn khốc và nhiều viện trợ nhân đạo sẽ đến được vùng đất đang bị bao vây. Gia đình các con tin ở Israel sẽ có hy vọng được nhìn thấy những người thân yêu đã bị giam giữ suốt bảy tuần. Tuy nhiên, tình trạng này có lẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thỏa thuận ngừng bắn sẽ kết thúc, dù muộn hơn dự kiến. Khi điều đó xảy ra, chiến tranh sẽ quay trở lại Gaza, và Hamas sẽ vẫn giữ rất nhiều con tin.
Nhiều thách thức đối mặt thượng đỉnh của NATO
Hãy chờ đợi một cuộc họp buồn tẻ của các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Brussels vào thứ ba. Cuộc phản công của Ukraine đã không thể vượt qua phòng tuyến của Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn việc cho phép Thụy Điển gia nhập NATO. Tệ hơn nữa, phương Tây đang dần quay lưng lại với cuộc chiến bị kéo dài. Mỹ đã tập hợp các đồng minh để giúp Ukraine, nhưng viện trợ quân sự của nước này đang cạn dần. Những người theo chủ nghĩa biệt lập của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội đang ngăn chặn kế hoạch hỗ trợ mới. Không ai biết được khi nào – hoặc liệu rằng viện trợ có được phục hồi hay không.
Đối với châu Âu, kho vũ khí và ngành công nghiệp vũ khí của họ không thể nhanh chóng thay thế cho sự trì hoãn từ phía Mỹ. Và nền chính trị của họ cũng đang chao đảo. Chiến thắng ở Hà Lan của Geert Wilders, người mà Đảng Vì Tự do cực hữu của ông đã giành được đa số phiếu, đang khiến NATO “ớn lạnh.” Wilders vốn phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Phải chăng Hà Lan sẽ từ bỏ truyền thống trung thành với chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương? Nước này cũng có thể từ bỏ vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine. Một tổn thất khác có thể là việc hy vọng thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm, Mark Rutte, trở thành tổng thư ký NATO tiếp theo sẽ tiêu tan.
Chủ sở hữu Pinduoduo báo cáo thu nhập
Khi những gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc báo cáo thu nhập, các nhà đầu tư và nhà kinh tế không chỉ mong đợi kết quả tài chính của từng công ty riêng lẻ. Lĩnh vực này đã trở thành đại diện cho nhu cầu của người tiêu dùng, một bộ phận của nền kinh tế đã phần nào chững lại kể từ đại dịch. Kết quả đáng thất vọng hồi đầu tháng này từ Alibaba đã khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn rất thấp.
Điều này chắc chắn sẽ xuất hiện trong tâm trí các nhà đầu tư vào thứ Ba, khi PDD Holdings, một công ty thương mại điện tử khác, công bố số liệu của mình trong quý 3 năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng Pinduoduo, chi nhánh tại Trung Quốc của PDD, sẽ hoạt động tốt hơn Alibaba. Nhưng PDD không chỉ cung cấp thông tin về doanh số bán lẻ của Trung Quốc. Năm ngoái, họ đã ra mắt Temu, một ứng dụng có trụ sở tại Mỹ và đã trở nên nổi tiếng. Những người theo dõi thị trường đang quan tâm xem các tập đoàn công nghệ tiêu dùng của Trung Quốc có thể đa dạng hóa tốt đến mức nào, nhằm thoát khỏi nền kinh tế đang chậm lại ở đất nước họ. Thông tin về Temu sẽ là một thước đo tốt.
WeWork bắt đầu tiến trình phá sản
Vào thứ Ba, một tòa án ở New Jersey sẽ xem xét đề nghị do WeWork đệ trình nhằm chấm dứt hợp đồng thuê 69 tòa nhà ở các thành phố bao gồm cả New York. Công ty cho thuê văn phòng đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 vào ngày 6/11. Giờ đây, họ đang cố gắng thoát khỏi những hợp đồng thuê nhà tốn kém và thường là dài hạn. Nhưng các chủ nhà đang phản kháng. Họ nói rằng WeWork chỉ cho họ năm ngày để phản hồi yêu cầu chấm dứt hợp đồng, và đang yêu cầu thêm thông tin về hạn mức tín dụng của công ty.
Ngành bất động sản đang theo dõi sát sao các sự kiện ở New Jersey, vì quyết định của tòa án sẽ ảnh hưởng đến việc liệu WeWork có thể thoát khỏi hàng trăm hợp đồng thuê khác hay không và bằng cách nào. WeWork cho biết họ hy vọng sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản sau khoảng bảy tháng, nhưng đó là một mục tiêu đầy tham vọng. Việc đạt được mục tiêu đó sẽ phụ thuộc vào việc công ty giải quyết tranh chấp với các chủ nhà nhanh đến mức nào.
24.000 người Trung Quốc vượt biên vào Mỹ một năm, Bắc Kinh từ chối nhận công dân bị trục xuất
Ngày 16/11/2022, những người vượt biên đang cố gắng vào Hoa Kỳ từ thành phố Piedras Negras, Mexico, gần biên giới Hoa Kỳ. (Ảnh: Alfredo Estrella/AFP qua Getty Images)
Trong năm qua, hơn 24.000 người Trung Quốc đã bị bắt tại biên giới Mỹ-Mexico. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối hợp tác với Hoa Kỳ trong việc tiếp nhận những người Trung Quốc bị Hoa Kỳ trục xuất.
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chạy trốn khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Đại Lục, và chấp nhận rủi ro vượt bên vào Hoa Kỳ.
Trong năm qua, đội tuần tra biên phòng Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 24.000 người Trung Quốc vượt biên trái phép từ Mexico. Con số này không chỉ lập kỷ lục mới, mà còn vượt tổng số của 10 năm trước đó. (10 năm qua, số người Trung Quốc bị bắt vì nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ chưa đến 15.000 người).
Con đường vượt biên mới này ngày càng trở nên phổ biến. Những người di cư Trung Quốc có thể bay đến Ecuador mà không cần thị thực. Sau đó họ khởi hành từ thủ đô Quito và đi với những người Mỹ Latinh qua vùng đầm lầy Darien nguy hiểm. Họ đi qua một số quốc gia Trung Mỹ, sau đó đến biên giới Mexico – Hoa Kỳ. Hành trình này được gọi là “vượt biên”.
New York Times đưa tin, khoảng 10 quốc gia không hợp tác trong việc tiếp nhận người hồi hương, ĐCSTQ là “kẻ vi phạm” tồi tệ nhất. Nếu quê hương của người vượt biên trái phép từ chối tiếp nhận công dân của mình, Hoa Kỳ không thể cưỡng chế trục xuất họ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, cơ quan quản lý nhập cư của quốc gia Trung Mỹ Panama đã đăng ký 15.567 công dân Trung Quốc đi qua Darien. Năm 2022 có 2.005 người Trung Quốc đã vượt biên bằng cách đi bộ xuyên rừng, trong khi từ năm 2010-2021, con số này chỉ là 376 người.
Theo cơ quan di trú Panama, trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nguồn nhập cư bất hợp pháp lớn thứ 4 vào Hoa Kỳ qua Panama, sau Venezuela, Ecuador và Haiti.
Trước đây, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cố gắng hợp tác với ĐCSTQ, khuyến khích nước này tiếp nhận những công dân Trung Quốc bị Hoa Kỳ trục xuất, nhưng phản ứng của ĐCSTQ là tìm mọi cách trốn tránh và từ chối.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michele Thoren Bond cho biết, ĐCSTQ thẳng thừng từ chối thừa nhận những người vượt biên này là người Trung Quốc. Một quốc gia ghi chép và giám sát chặt chẽ công dân của mình như Trung Quốc không thể không có ảnh của mọi công dân. Nên tuyên bố này chắc chắn là không đáng tin cậy.
Những người vượt biên ít nhiều đã trải qua cảnh tống tiền, cướp bóc và cảnh sát dỏm, cũng như những đau khổ về thể xác khi đi xuyên rừng nhiệt đới. Cũng có người bị bắt cóc, để lại những vết sẹo hằn vào xương thịt trên cổ tay, trở thành nỗi đau mà họ không bao giờ muốn nhắc đến.
Họ sẽ mất ít nhất một tháng để đi hết con đường và mỗi người sẽ tiêu từ 50.000 đến 60.000 nhân dân tệ (khoảng 7.692 – 9.230 USD), người nhiều thậm chí mất tới hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 30.769 USD).
Tại sao họ lại rời xa đất nước và quê nhà, dấn thân vào con đường vượt biên nguy hiểm trùng trùng và tốn kém?
Giới quan sát và những người Trung Quốc xin tị nạn đã nói chuyện với hãng tin AP rằng họ đang cố gắng thoát khỏi bầu không khí chính trị ngày càng áp bức cùng triển vọng kinh tế Trung Quốc ảm đạm.
Cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện sống ở Mỹ, bà Thái Hà (Cai Xia) cho biết: “Làn sóng di cư này phản ánh sự tuyệt vọng về Trung Quốc… Họ đã mất hy vọng vào tương lai của đất nước. Có thể thấy trong số họ không chỉ gồm những người học vấn hạn chế mà có cả những người học vấn cao, những người làm văn phòng, chủ doanh nghiệp nhỏ và những người thuộc các gia đình giàu có”.
Bình Minh (t/h)
Đại sứ Mỹ ‘khẩu chiến’ với đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc
28/11/2023
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song.
Đại sứ Mỹ và đại sứ Triều Tiên ngày 27/11 đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an về vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám đầu tiên của họ và lý do khiến căng thẳng gia tăng. Đây là một cuộc khẩu chiến công khai, trực tiếp, hiếm thấy giữa hai đối thủ.
Sau gần 6 năm vắng bóng, Triều Tiên bắt đầu cử đại sứ của mình tại Liên hiệp quốc tới các cuộc họp của Hội đồng Bảo an bàn về chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng vào tháng 7. Cơ quan gồm 15 thành viên đã họp vào ngày 27/11 về vụ phóng vệ tinh do thám ngày 21 tháng 11.
Vào cuối cuộc họp, Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield và Đại sứ Triều Tiên Kim Song đã đưa ra những bình luận bất ngờ, tham gia vào cuộc đấu tay đôi về quyền trả lời, mỗi người đều cho rằng nước của mình đang hành động phòng thủ.
“Một bên hiếu chiến là Mỹ đang đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân”, ông Kim nói trước hội đồng.
Ông nói: “Việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – là một bên đối nghịch – có quyền hợp pháp phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu các hệ thống vũ khí tương đương với những hệ thống mà Hoa Kỳ đã sở hữu và (đang) phát triển ngay bây giờ”.
Triều Tiên chịu các chế tài của Liên hiệp quốc vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân kể từ năm 2006. Điều này bao gồm lệnh cấm phát triển phi đạn đạn đạo.
Công nghệ như vậy đã được sử dụng để phóng vệ tinh vào tuần trước và diễn ra sau vụ thử nghiệm hàng chục phi đạn đạn đạo trong 20 tháng qua. Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố thiếu trung thực của CHDCND Triều Tiên rằng các vụ phóng phi đạn của họ chỉ mang tính chất phòng thủ, nhằm đáp trả các cuộc tập trận song phương và ba bên của chúng tôi”.
Bà nói: “Một lần nữa, tôi muốn bày tỏ một cách chân thành lời đề nghị đối thoại vô điều kiện của chúng tôi và CHDCND Triều Tiên chỉ cần chấp nhận”.
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản bị đình trệ vào năm 2009. Các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 và 2019 cũng thất bại.
Ông Kim khẳng định cho đến khi “mối đe dọa quân sự dai dẳng” được loại bỏ, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục tăng cường năng lực của mình.
Bà Thomas-Greenfield nói hành động của Triều Tiên dựa trên sự hoang tưởng về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Mỹ.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Nếu có bất cứ thứ gì Hoa Kỳ muốn cung cấp cho CHDCND Triều Tiên, thì đó là hỗ trợ nhân đạo cho người dân của bạn chứ không phải vũ khí để tiêu diệt người dân của bạn”.
Trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc, các cường quốc có quyền phủ quyết cùng với Mỹ, Anh và Pháp, cho rằng bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng.
Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi bị thêm chế tài.