Thời sự Thứ Hai 27/02/2023: * Bắc Kinh chối cấp vũ khí cho Nga * G20 không thể thông qua tuyên bố chung * Pháp có chiến lược châu Phi mới * Ukraine lập kỷ lục bắn tăng Nga * TQ cạnh tranh với Starlink? * COVID-19 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm TQ * Putin cáo buộc phương Tây chia rẽ nước Nga

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Bắc Kinh nói không biết về đàm phán mua máy bay giữa Nga và công ty Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, Uông Văn Bân. (Ảnh: HC). 

Vào ngày 24 tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không biết về các báo cáo rằng Nga và một công ty Trung Quốc đang thảo luận việc mua máy bay không người lái.

Theo tờ Reuters đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo: “Đã có một khối lượng lớn thông tin sai lệch lan truyền về Trung Quốc vào thời điểm này. Chúng ta nên cảnh giác về những ý đồ đằng sau nó.” Ông nói thêm, “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc về xuất khẩu sản phẩm quân sự luôn giữ thái độ thận trọng và có trách nhiệm, không bán sản phẩm quân sự cho các khu vực xung đột hoặc các bên tham chiến.”

Trước đó, tạp chí Der Spiegel của Đức đã trích dẫn các nguồn tin vào thứ Năm ngày 23/2, rằng máy bay không người lái ZT-180 của Công ty công nghệ hàng không Xian Bingo có thể mang đầu đạn nặng 35–50 kg. Và rằng công ty này đang chuẩn bị sản xuất 100 nguyên mẫu máy bay không người lái cho quân đội Nga.

Theo tờ BBC, Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố rằng Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga. Trung Quốc sau đó đã mạnh mẽ phủ nhận những cáo buộc này.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, nước này đã phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây và bị cắt đứt khỏi phần lớn nền kinh tế thế giới.

Như tờ Financial Times đã đưa tin, các đồng minh phương Tây của Ukraina đã cảnh báo về “cái giá phải trả nghiêm trọng” đối với các quốc gia giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Trung Quốc đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế chiến tranh của Mátxcơva khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai.

Liên Thành


G20 không thể thông qua tuyên bố chung khi Trung Quốc từ chối lên án Nga

Tác giả, Oliver Slow – Vai trò, BBC News

26 tháng 2 2023

Địa điểm họp thượng đỉnh các bộ trưởng tài chính G20 gần thành phố Bengaluru, Ấn Độ

Nguồn hình ảnh, Reuters

Các bộ trưởng tài chính thuộc 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không thể thông qua tuyên bố cuối cùng tại thượng đỉnh ở Ấn Độ, sau khi Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận các phần trong tuyên bố của G20 lên án hành động xâm lược của Nga “với những cụm từ mạnh mẽ nhất”.

Moscow nói các quốc gia Phương Tây “chống Nga” “đã làm bất ổn” G20.

Tuần này Trung Quốc đã công bố một bản kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, mà theo một số người nhận định là thân Nga.

Ấn Độ, quốc gia chủ trì các cuộc hội đàm G20 ở thành phố Bengaluru, miền nam nước này, đã phát đi một “bản tóm tắt từ vai trò chủ trì” đề cập đến nhiều nội dung từ hội nghị, và lưu ý là “có những đánh giá khác nhau về tình hình” tại Ukraine, và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.

Một phần ghi chú cho biết hai đoạn văn tóm tắt cuộc chiến tranh “đã được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận ngoại trừ Nga và Trung Quốc”. Các đoạn văn được trích từ Tuyên bố Các Lãnh đạo G20 tại Bali vào tháng 11/2022, và chỉ trích “bằng những cụm từ mạnh mẽ nhất việc sử dụng vũ lực của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine”.

Sau khi ‘ngồi ghế sau’ khi cuộc xâm lược bùng phát cách đây một năm, Bắc Kinh đã tăng tốc các nỗ lực ngoại giao xung quanh cuộc xung đột trong những tuần gần đây. Nhà ngoại giao hàng đầu nước này, ông Vương Nghị đã công du châu Âu trong tuần này, và kết thúc với buổi chào đón nồng ấm của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.

Trung Quốc cũng trong tuần này đã công bố bản kế hoạch 12 điểm để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraine, theo đó quốc gia này kêu gọi đàm phán hòa bình và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, bản tài liệu 12 điểm này đã không đề cập cụ thể Nga phải rút quân khỏi Ukraine và không lên án cuộc xâm lược của Nga.

Bản kế hoạch này của Trung Quốc được phía Nga hoan nghênh, riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden bình luận: “[Tổng thống] Putin hoan nghênh [kế hoạch này], thì nó có thể tốt đẹp gì?”

Sau thượng đỉnh G20, Ajay Seth, một quan chức cấp cao của Ấn Độ, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các đại diện Nga và Trng Quốc không đồng ý về cách dùng từ ngữ liên quan đến cuộc chiến Ukraine bởi vì “thẩm quyền của họ là giải quyết những vấn đề kinh tế và tài chính”.

“Mặc khác, tất cả 18 quốc gia khác đều cảm thấy cuộc chiến tranh này đã mang đến những hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu” và cần phải được đề cập, ông bổ sung.

Đoạn tóm tắt gồm 17 đoạn văn từ cuộc gặp thượng đỉnh cũng đề cập đến trận động đất gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề nợ của các nước thu nhập trung bình và thấp, chính sách thuế toàn cầu, và bất ổn lương thực.

Bộ Ngoại giao Nga nói lấy làm tiếc về chuyện “các hoạt động của G20 tiếp tục bị gây bất ổn từ cách chống Nga mang tính tập thể”.

Nga cũng cáo buộc Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia G7 “tống tiền rõ ràng”, và kêu gọi họ “giải quyết những thực tiễn khách quan của một thế giới đa cực”.

Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố: “Đây là cuộc chiến tranh. Và cuộc chiến này có nguyên nhân, có một nguyên nhân, và đó là Nga và Vladimir Putin. Điều này phải được trình bày rõ ràng tại cuộc họp tài chính G20.”

Các cuộc họp trước đây giữa các quốc gia thành viên G20 đã không thể đưa ra tuyên bố chung kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022.

Hôm thứ Năm 23/02, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu thuận, 32 phiếu trắng, và 7 quốc gia, bao gồm Nga bỏ phiếu chống.


Pháp tiết lộ chiến lược châu Phi mới – 27/02/2023 – VOANews 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị có bài phát biểu vào thứ Hai (27/2), tiết lộ chiến lược châu Phi mới của nước này.

Sau đó vào cuối tuần, nhà lãnh đạo Pháp sẽ công du Gabon, Angola, Cộng hòa Congo và Congo.

Chuyến thăm của ông Macron tới châu Phi diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tại đây đã bày tỏ quan điểm chống Pháp, bao gồm các cuộc biểu tình trên đường phố ở một số quốc gia Tây và Bắc Phi.


Trung Quốc có kế hoạch triển khai 13.000 vệ tinh để cạnh tranh với Starlink?

Hình ảnh ăng-ten nhận tín hiệu Starlink của SpaceX được sử dụng ở Dnipro, Ukraine, tháng 1/2023:. (Ảnh: Antares_NS / Shutterstock) 

Để cạnh tranh với nhóm vệ tinh Starlink thuộc công ty SpaceX của ông Elon Musk và triển khai các hệ thống gián điệp trong tương lai, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới vệ tinh lớn ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cung cấp dịch vụ mạng băng thông rộng vệ tinh cho toàn cầu.

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm 24/2 rằng nhóm nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xuất bản một bài báo viết có tiêu đề “Điều khiển và Mô phỏng Chỉ huy” của Trung Quốc vào tháng 2. Nội dung đề cập rằng dự án có tên “GW” này sẽ triển khai 12.992 vệ tinh mạng quỹ đạo thấp bởi công ty “Tập đoàn Mạng lưới vệ tinh Trung Quốc” mới thành lập.

Bài viết chỉ ra rằng hiện không rõ “GW” là viết tắt của từ gì. Tuy nhiên, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) chỉ ra rằng “GW” là viết tắt của “Guo Wang” (có nghĩa ‘mạng lưới [vệ tinh] quốc gia) và công ty Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc đã gửi đơn đăng ký về kế hoạch nhóm vệ tinh có tên mã là “GW” lên Liên minh Viễn thông Quốc tế vào năm 2020.

Thời gian phóng chùm vệ tinh của kế hoạch “GW” vẫn chưa được xác định, nhưng số lượng sẽ tương đương với số lượng hơn 12.000 vệ tinh mà SpaceX triển khai vào năm 2027.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin rằng dự án Starlink đang “chiếm tài nguyên quỹ đạo và tài nguyên tần số” ở quỹ đạo thấp, Trung Quốc nên triển khai các biện pháp đối phó vệ tinh quy mô lớn và có hệ thống tương tự để đảm bảo rằng Trung Quốc có một vị trí trong quỹ đạo thấp.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất trong bài viết này rằng Trung Quốc nên phát triển các biện pháp “sát thương mềm” chống lại Starlink, bao gồm sử dụng tia laser, vi sóng công suất cao, v.v., để làm hỏng thiết bị do thám mà các vệ tinh Starlink có thể mang theo, khiến chúng mất khả năng do thám; Thông qua can nhiễu mạng và xâm nhập mạng, v.v, hoặc kiểm soát mạng, để làm tê liệt liên lạc vệ tinh Starlink.

Starlink hiện đang triển khai hơn 3.000 vệ tinh và tổng số lượng triển khai dự kiến ​​sẽ đạt 40.000. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vệ tinh Starlink mang thiết bị do thám.

Trên thực tế, ĐCSTQ đã quảng bá “mạng lưới vệ tinh quốc gia” trong vài năm.

Vào năm 2020, Công ty Mạng lưới vệ tinh quốc gia Trung Quốc đã đệ trình một kế hoạch có tên mã là “GW” lên Liên minh Viễn thông Quốc tế. Kế hoạch này bao gồm ít nhất 12.992 vệ tinh. Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ phóng trung bình hơn 180 vệ tinh mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2030 và hơn 3.000 vệ tinh mỗi năm từ năm 2033 đến năm 2035.

Năm 2021, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn Mạng lưới vệ tinh Trung Quốc, và cho biết internet vệ tinh là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Tháng này, Tập đoàn Mạng lưới vệ tinh Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Thượng Hải, mặc dù các chi tiết chính xác của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có đủ phương tiện để phóng vệ tinh quy mô lớn như vậy hay không vẫn là ẩn số, bởi khác với SpaceX, Trung Quốc không có tên lửa tái sử dụng như Falcon 9. Tên lửa này phát huy tác dụng quan trọng để phóng vệ tinh hiệu quả.

Hiện tại, SpaceX chưa phản hồi trực tiếp về kế hoạch tấn công vệ tinh Starlink của các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói trên, nhưng công ty đang hợp tác với bộ quốc phòng Mỹ để áp dụng công nghệ vệ tinh liên quan cho mục đích quân sự.

Thiên Bình, Vision Times


Dùng kỹ thuật mới, Ukraina lập kỷ lục bắn tăng Nga

Đoạn phim, được ghi lại bởi một máy bay không người lái, cho thấy một chiếc xe tăng Nga bốc cháy và bị phá hủy hoàn toàn, được cho là bị xe tăng Ukraine tấn công từ khoảng cách đáng kinh ngạc 10.600 mét. 

Đoạn video được chia sẻ trực tuyến vào tháng 9 năm ngoái cho thấy lực lượng Ukraine tiêu diệt một xe tăng Nga bằng xe tăng T-64BV của chính họ ở khoảng cách có thể là kỷ lục.

Đoạn phim, được ghi lại bởi một máy bay không người lái, cho thấy một chiếc xe tăng Nga bốc cháy và bị phá hủy hoàn toàn, được cho là bị xe tăng Ukraine tấn công từ khoảng cách đáng kinh ngạc 10,600 mét, hay 34,776 feet. 

Các chuyên gia quân sự mà kênh quân sự 1945 đã nói chuyện giải thích rằng đó là loạt bắn khó thực hiện – nhưng không phải là không thể làm được.

Đoạn phim đã được chia sẻ trên Telegram và Twitter và đã lan truyền nhanh chóng khi được đăng bởi tài khoản theo dõi chiến tranh Ukraine phổ biến bằng tiếng Anh, Ukraine Weapons Tracker.

Tài khoản này lưu ý: “Đây có thể là vụ tiêu diệt xe tăng với khoảng cách dài nhất từ ​​trước đến nay – một kíp lái xe tăng T-64BV của Ukraine được cho là đã tiêu diệt được một xe tăng Nga từ khoảng cách 10600 mét ở chế độ bắn gián tiếp bằng cách sử dụng đạn HE-FRAG 125mm. Như đã tuyên bố, phải mất 20 viên đạn để tiêu diệt chiếc xe tăng”.

Ý tưởng rằng một chiếc xe tăng có thể tiêu diệt một chiếc xe tăng khác ở khoảng cách xa như vậy và với độ chính xác như vậy nghe có vẻ xa vời, nhưng một lời giải thích do Ukraine Weapons Tracker đưa ra tiết lộ rằng, lực lượng Ukraine đang sử dụng phần mềm để cải thiện khả năng bắn trực tiếp.

Theo lời kể, các đội xe tăng Ukraine sử dụng phần mềm được thiết kế đặc biệt để tính toán góc và phương vị – phép đo góc trong hệ tọa độ hình cầu – để tăng độ chính xác của tên lửa phóng lựu.

Trong trường hợp này, một máy bay không người lái được cho là đã giúp điều chỉnh đường đi của tên lửa kết hợp với việc sử dụng phần mềm.

Các lực lượng của Ukraine đang ngày càng tăng khả năng tiêu diệt xe tăng Nga, đỉnh điểm là việc Nga mất hơn 60 xe tăng và xe bọc thép đôi khi chỉ trong một ngày. 

Trong một bài đăng của lực lượng vũ trang Ukraine trên Facebook từ tháng 9 năm ngoái, chi tiết về tổn thất của 25 xe tăng và 37 xe bọc thép của Nga trong một ngày đã được tiết lộ.

Theo Jack Buckby của kênh quân sự 1945, sự thiếu hụt phương tiện đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với quân đội Nga, cũng như việc Nga không thể nhanh chóng sản xuất các loại xe tăng mới hơn và tiên tiến hơn, đến mức Điện Kremlin được cho là đang cân nhắc khởi động lại việc sản xuất xe tăng và phương tiện quân sự cũ hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Tuy nhiên, những phương tiện đó sẽ dễ bị tấn công bởi Ukraine trừ khi Nga có thể trang bị cho những chiếc xe tăng kiểu cũ lớp giáp phản ứng nổ tiên tiến hơn.

Tạ Linh 


Bộ Năng lượng Mỹ: COVID-19 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc

Trương Đình 

Phòng thí nghiệm virus cấp 4 P4 duy nhất của Trung Quốc nằm tại Vũ Hán (Ảnh: Weibo) 

Tờ WSJ đưa tin độc quyền vào ngày 26/2 rằng có báo cáo tình báo mật gần đây được cung cấp cho Nhà Trắng và các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ cho hay, Bộ Năng lượng Mỹ kết luận đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) có khả năng do rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trong một bản cập nhật cho một tài liệu năm 2021, văn phòng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines đã chỉ ra sự thay đổi trong kết luận mới về nguồn gốc COVID-19 tại Bộ Năng lượng Mỹ. Kết luận trước đó của cơ quan này cho hay họ chưa thể xác định nguồn gốc COVID-19.

Hiện điều tra của Bộ Năng lượng Mỹ tham gia cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kết luận rằng COVID-19 có thể đã lây lan qua một tai nạn tại phòng thí nghiệm Trung Quốc. Báo cáo mới của Bộ Năng lượng Mỹ cũng nhấn mạnh cách các bộ phận khác nhau của hệ thống tình báo Mỹ đưa ra đánh giá khác nhau về nguồn gốc của đại dịch COVID-19: Có 4 cơ quan khác cùng một nhóm tình báo quốc gia Mỹ thì vẫn tin rằng COVID-19 có thể là từ tự nhiên, trong khi có hai cơ quan vẫn chưa đưa ra quyết định.

Hệ thống tình báo Mỹ cấu thành gồm 18 cơ quan, bao gồm các văn phòng của Bộ Năng lượng, Nhà nước và Kho bạc. Trong số đó có 8 cơ quan cùng với Hội đồng Tình báo Quốc gia đã tham gia vào việc xem xét nguồn gốc của COVID-19.

Nguồn tin từ WSJ cho rằng kết luận của Bộ Năng lượng là kết quả mới của công tác tình báo Mỹ, có ý nghĩa hệ trọng. Vì cơ quan này có uy tín cao về khoa học và giám sát mạng lưới các phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ.

Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết về thông tin tình báo và phân tích mới khiến Bộ Năng lượng thay đổi lập trường. Họ nói thêm rằng mặc dù cả Bộ Năng lượng và FBI đều kết luận rằng rất có thể nguồn gốc của COVID-19 là từ một vụ rò rỉ ngẫu nhiên trong phòng thí nghiệm, nhưng họ có những lý do khác để đưa ra kết luận.

Tài liệu cập nhật nhấn mạnh rằng tình báo Mỹ vẫn đang thu thập thông tin về cách thức COVID-19 xuất hiện. Hơn 3 năm trước, đại dịch COVID-19 bắt đầu từ Vũ Hán – Trung Quốc, sau đó đã lan nhanh khắp thế giới khiến hàng triệu triệu người thiệt mạng.

Theo báo cáo cập nhật, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ cùng 4 cơ quan (từ chối nêu tên) tiến hành phân tích chiến lược dài hạn chỉ ra rằng: Quan điểm COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên từ động vật là quan điểm có độ tin cậy thấp.

Nguồn tin biết đến báo cáo mật nói với tờ WSJ rằng CIA và một cơ quan khác vẫn chưa thống nhất được giữa giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm và lây truyền tự nhiên.

Nguồn tin nói rằng mặc dù các cơ quan có những phân tích khác nhau, nhưng báo cáo cập nhật đã nhắc lại sự đồng thuận hiện nay giữa các cơ quan rằng: COVID-19 không phải là kết quả của chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc.

Bản cập nhật dài chưa đầy 5 trang đã không được đưa ra theo lệnh của Quốc hội. Nhưng các thành viên của Quốc hội, đặc biệt là các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện, đang tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ về nguồn gốc của đại dịch và đang gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Biden và cộng đồng tình báo Mỹ cung cấp thêm thông tin.

Người phát ngôn của Bộ Năng lượng từ chối nói chi tiết về đánh giá mới, nhưng đã viết trong một tuyên bố rằng cơ quan này “tiếp tục hỗ trợ các chuyên gia tình báo Mỹ làm theo chỉ đạo của tổng thống trong việc điều tra nguồn gốc của COVID-19 một cách triệt để, chi tiết và khách quan”.

Vào Chủ nhật, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đáp lại tin từ WSJ cho biết, “chưa thể có câu trả lời dứt khoát” về nghi vấn COVID-19 là rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

“Điều tôi có thể nói với công luận là Tổng thống Biden đã nhiều lần chỉ đạo mọi thành viên trong cộng đồng tình báo của chúng ta dành nỗ lực và nguồn lực để tìm hiểu tận cùng vấn đề này”, cố vấn an ninh Sullivan nói với “State of the Union” của CNN, “Nếu chúng tôi có thêm bất kỳ hiểu biết hoặc thông tin nào, chúng tôi sẽ chia sẻ với Quốc hội, chúng tôi sẽ chia sẻ với người dân Mỹ. Nhưng hiện nay cộng đồng tình báo Mỹ chưa có câu trả lời dứt khoát cho vấn đề đó”.

Trước đó vào ngày 27/8/2021, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) đã công bố một báo cáo thông thường (không phải báo cáo mật) về nguồn gốc của COVID-19, theo đó cũng bỏ ngỏ khả năng rằng virus có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trung Quốc đã gây cản trở đối với hoạt động điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc COVID-19 và bác bỏ tuyên bố dịch bệnh này có thể đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, thậm chí đổ lỗi rằng đại dịch này xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc.

Theo Trương Đình, Epoch Times


Putin cáo buộc phương Tây chia rẽ nước Nga,

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ nhật, tổng thống Vladimir Putin đã mô tả cuộc chiến ở Ukraine như cuộc tranh đấu sống còn, có lẽ là để chuẩn bị tinh thần cho người Nga bước vào giai đoạn sắp tới của chiến tranh. Ông cáo buộc Mỹ và phương Tây có ý định chia rẽ nước Nga, đe dọa sự tồn vong của “nhóm sắc tộc” Nga. Trong khi đó, hôm thứ Bảy Trung Quốc đã từ chối ủng hộ tuyên bố lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20. Nga dĩ nhiên phản đối tuyên bố.


Thời kỳ thăng hoa của Zoom đã chấm dứt

Vào thứ Hai, Zoom sẽ công bố kết quả quý bốn. Công ty này đã trở thành một cái tên quen thuộc trong đại dịch khi phong toả buộc mọi người phải làm việc và giải trí trực tuyến. Vốn hóa thị trường của hãng đạt đỉnh 162 tỷ đô la vào tháng 10 năm 2020. Khi ấy, Zoom là công ty có giá trị thứ 65 trên thế giới.

Nhưng kể từ đó Zoom đã quay về mặt đất. Hiện họ có định giá tương đương với trước đại dịch, so với mức tăng 24% của chỉ số S&P 500 trong cùng giai đoạn. Những con cưng khác của đại dịch, chẳng hạn như công ty phát trực tuyến Netflix hay công ty bán xe đạp tập thể dục Peloton, cũng đã quay về định giá trước đại dịch; thị trường (và nhiều người khác) từng cho rằng việc chuyển đổi sang kỹ thuật số đáng lẽ phải lâu bền hơn. Nhưng bản thân Zoom có các vấn đề khác. Họ đối mặt cạnh tranh gay gắt từ Teams, sản phẩm hội nghị trực tuyến của Microsoft, cũng như việc các công ty phải thắt chặt hầu bao trước viễn cảnh suy thoái kinh tế. Tăng trưởng doanh thu giờ chỉ còn ở mức nhỏ giọt.


Anh-EU tiến gần đến thoả thuận mới về Bắc Ireland

Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẵn sàng công bố một thỏa thuận với EU về Bắc Ireland. Hồi năm 2020, hiệp ước Brexit do thủ tướng Boris Johnson ký đã tránh một biên giới với Ireland bằng cách giữ Bắc Ireland, khác với phần còn lại của Vương quốc Anh, trong thị trường hàng hóa chung của EU. Làm vậy đòi hỏi phải có một biên giới ở Biển Ireland. Nhưng thỏa thuận mới sẽ tạo ra một làn đường “xanh” cho hàng hóa không đến EU để giúp giảm thiểu thủ tục hải quan. Anh sẽ thiết lập các quy tắc VAT và viện trợ nhà nước. Và EU sẽ tham khảo ý kiến ​​của Bắc Ireland về các quy tắc thị trường duy nhất mới.

Song thỏa thuận của ông Sunak vấp phải những phản đối nhất định. Đảng Liên minh Dân chủ, đảng thân Anh lớn nhất của Bắc Ireland, muốn bỏ hoàn toàn nghị định thư ban đầu trước khi họ quay lại chính phủ chia sẻ quyền lực của Bắc Ireland. Ông Johnson muốn tuân theo một dự luật cho phép chính phủ đơn phương xóa bỏ nghị định thư. Và nhiều người Bảo thủ không hài lòng khi Tòa án Công lý Châu Âu vẫn có vai trò ở Bắc Ireland. Nếu ông Sunak không thể chiến thắng những tiếng nói này, thỏa thuận sẽ đổ vỡ.


Hạ viện Mỹ lập uỷ ban điều tra Trung Quốc

Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện Mỹ, nói với các nhà lập pháp vào ngày 10 tháng 1 là: “Có sự đồng thuận lưỡng đảng rằng thời đại tin tưởng vào Trung Quốc Cộng sản đã kết thúc.” Vài giờ sau, Hạ viện thông qua việc thành lập một Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc. Đây là một nhóm lưỡng đảng được thành lập để điều tra các lĩnh vực gây chia rẽ trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ, dù không có thẩm quyền lập pháp. Nhưng nó có thể đưa ra trát hầu tòa và tổ chức điều trần. Phiên điều trần đầu tiên đang được lên kế hoạch cho tuần này.

Chủ tịch Mike Gallagher, một đảng viên Cộng hòa 38 tuổi và cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến, đã xác định các ưu tiên ban đầu: đẩy nhanh chuyển giao vũ khí đã phê duyệt cho Đài Loan, điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc, và các hoạt động của mạng xã hội TikTok, một công ty Trung Quốc.

Ngoài khả năng khiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó chịu, uỷ ban đặt ra những quan ngại khác. Nó có thể hướng tổng thống Joe Biden đến lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc, điều có thể khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ xa lánh. Những người khác lo ngại các phiên điều trần có thể thúc đẩy bạo lực chống người châu Á ở Mỹ.


Tranh cãi chính trị ở Hàn Quốc gây khó cho hoạt động lập pháp

Vào thứ Hai, quốc hội Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu chưa từng có về việc cho phép bắt giữ Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Minjoo và là đối thủ tranh cử chính của Yoon Suk-yeol, tổng thống của Đảng Quyền lực Nhân dân. Trong nhiều tháng qua ông Lee đã bị các công tố viên điều tra vì liên quan đến một loạt các cuộc điều tra tham nhũng. Ông phủ nhận hành vi sai trái và đã chỉ trích ông Yoon, cựu công tố viên trưởng, vì hành động như một nhà độc tài — một cáo buộc không nhẹ đặt trong lịch sử đàn áp tàn bạo của các nhà độc tài Hàn Quốc trước đây.

Ông Lee khó có thể bị hề hấn gì. Quốc hội phải bỏ phiếu về việc bắt giữ nghị viên, và Minjoo đang chiếm đa số trong nghị viện. Nhưng bấy nhiêu không thể ngăn các công tố viên truy tố ông. Điều chắc chắn là các cuộc điều tra sẽ tiếp tục chiếm sóng chính trị của Hàn Quốc, khiến cho việc hợp tác làm luật trở nên khó khăn hơn. Thật không may, tình thế bế tắc như vậy đang trở nên quá bình thường.

CIA: Trung Quốc nghi ngờ khả năng thắng cuộc chiến Đài Loan


Bắc Kinh xem xét gửi vũ khí sát thương cho Nga

Bình Phương /SGN
27/02/2023

Người dân Đài Bắc, Đài Loan tập trung tại Quảng trường Tự Do ở thủ đô 24 tháng Hai 2023 kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine – một biến cố được coi là báo trước cuộc xâm lược của Trung Quốc ở Đài Loan trong tương lai. Ảnh Walid Berrazeg/Anadolu Agency via Getty Images 

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết, cuộc chiến tranh của Nga nhằm chiếm đoạt lãnh thổ ở Ukraine trong năm qua có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hoài nghi liệu quân đội Trung Quốc có thể chiếm đoạt thành công Đài Loan vào cuối thập niên này hay không.

Báo The Wall Street Journal dẫn phát biểu trên đài CBS News hôm Chủ Nhật 26 tháng Hai 2023 cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo quân sự của ông ta hiện nay nghi ngờ về việc liệu họ có thể thành công khi thực hiện cuộc xâm lược Đài Loan hay không. “Kinh nghiệm của Putin ở Ukraine có lẽ đã củng cố thêm nỗi nghi ngờ đó,” ông Burns nói.

Theo nhà lãnh đạo CIA, Hoa Kỳ theo dõi sát mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và tin rằng nguy cơ xung đột sẽ gia tăng trong thập niên này và hơn thế nữa. Các quan chức tình báo và quốc phòng Hoa Kỳ tin rằng ông Tập muốn sẵn sàng thực hiện cuộc xâm lược vào năm 2027, nếu không nói là sớm hơn, nhưng ông Burns nhận định, mục tiêu đó không cố định. “Chủ tịch Tập đã chỉ thị cho ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta quyết định xâm lược vào năm 2027 hay bất kỳ năm nào khác,” ông Burns nhấn mạnh.

Ông Burns nói sự hỗ trợ mà Hoa Kỳ và châu Âu dành cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga có thể ảnh hưởng đến tính toán của Trung Quốc về một cuộc xâm lược Đài Loan trong tương lai.

Đài Loan chỉ là một điểm nóng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, vốn đã giảm mạnh trong tháng này sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua lục địa Bắc Mỹ trong hơn một tuần trước khi bị Không quân Mỹ bắn hạ. 

Và như tin đã đưa, Mỹ đang tăng đáng kể số binh sĩ được bố trí tới Đài Loan để thúc đẩy chương trình huấn luyện cho quân đội của hòn đảo này đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo các quan chức quân sự, Mỹ có kế hoạch bố trí từ 100 đến 200 binh sĩ tại hòn đảo này trong những tháng tới, tăng so với khoảng 30 binh sĩ ở đó một năm trước.

Đài Loan là một điểm nóng lâu dài trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Sau khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Nancy Pelosi (Dân Chủ – California.) đến thăm hòn đảo vào mùa hè năm ngoái – trở thành nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến đó trong 25 năm – Trung Quốc đã phái máy bay chiến đấu, chiến hạm tới và bắn hỏa tiễn quanh hòn đảo trong các cuộc tập trận nhằm phản đối và biểu diễn khả năng của quân đội Trung Quốc thực hiện một cuộc phong tỏa tạm thời.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và thề sẽ kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết, trong khi Washington cam kết hỗ trợ Đài Loan duy trì hệ thống phòng thủ theo luật pháp Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không phản đối việc sáp nhập Đài Loan và Trung Quốc thành “một nước Trung Hoa” nhưng điều đó phải được thực hiện bằng phương thức hòa bình, theo ý chí và nguyện vọng của người dân hai nước, nhất là 25 triệu dân Đài Loan đang được tự do và dân chủ.

***

Trong một diễn biến liên quan Giám đốc CIA William Burns cũng cáo buộc việc Trung Quốc xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.

Một tuần trước đây, tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga và Ngoại trưởng Antony Blinken nói sự tham gia của Bắc Kinh vào nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin sẽ là một “vấn đề nghiêm trọng”.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của đài CBS News, ông Burns tái khẳng định khả năng Trung Quốc yểm trợ vũ khí cho Nga. “Chúng tôi tin rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương,” ông Burns nói trong chương trình Face The Nation. Lời khẳng định này khác với lời ông Burns nói tại trường Georgetown University hồi đầu tháng Hai rằng ông Tập không muốn cung cấp cho Nga các loại vũ khí sát thương mà ông Putin yêu cầu dù hai nước có mối quan hệ “không giới hạn”.

Tuy vậy, ông Burns nhấn mạnh là đến nay CIA vẫn chưa có bằng chứng về việc Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. “Chúng tôi chưa thấy Trung Quốc có quyết định cuối cùng, chưa thấy bằng chứng về việc chuyển giao vũ khí sát thương”, ông Burns nói.

Và ông nhận xét, những cảnh báo của Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Joe Biden là “có tác dụng” khiến Bắc Kinh phải thận trọng và đừng tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa của Nga. “Tôi nghĩ, đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống cho rằng, điều quan trọng là phải chỉ rõ những hậu quả [mà Trung Quốc phải chịu] của một hành động như vậy”.


XEM THÊM: