Thời sự Thứ Năm 04 tháng 01 năm 2024: *Mỹ và TQ tập trận cùng lúc ở Biển Đông *Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông Mỹ: ‘không thấy có hành động diệt chủng’ ở Gaza *Iran: 2 vụ nổ liên tiếp khiến 103 người thiệt mạng *Toà Tối cao Mỹ sẽ quyết định liệu ông Trump có được tranh cử *Ukraine cho nổ máy bay Nga 1000 dặm sau phòng tuyến

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ và Trung Quốc thao dượt cùng lúc ở Biển Đông

Thu Hằng /RFI

04/01/2024

Quân đội Trung Quốc huy động lực lượng tập huấn ở Biển Đông trong hai ngày 03-04/01/2024, cùng lúc với cuộc thao dượt giữa hải quân Philippines với Hoa Kỳ sau một loạt sự cố gần đây giữa Manila với Bắc Kinh ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền. 

The aircraft carrier USS Carl Vinson transits the Indian Ocean April 15, 2017.

Ảnh tư liệu: Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Ấn Độ Dương, ngày 15/04/2017. via REUTERS – U.S. Navy 

Ngày 03/01, Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết hải quân và không quân nước này tiến hành « các cuộc tuần tra bình thường » ở Biển Đông trong hai ngày, cho đến ngày 04/01, nhưng không tiết lộ chi tiết về vị trí, số quân, trang thiết bị được huy động, cũng như mục đích cuộc thao dượt. Cuộc tập trận gần đây nhất được Bắc Kinh công bố diễn ra vào tháng 11/2023 và bốn đợt khác vào tháng 9.

Thông báo được Trung Quốc đưa ra cùng lúc với đợt huấn luyện chung, cũng diễn ra trong hai ngày ở Biển Đông, giữa hải quân Philippines và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Hoa Kỳ khẳng định : « Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc thao dượt thường xuyên như vậy nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh và đối tác ».

Hoạt động quân sự này của Manila và Washington bị Bắc Kinh lên án là « gây hấn », « với ý đồ phô trương sức mạnh quân sự ». Ngày 04/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cáo buộc Mỹ và Philippines « gây tổn hại cho việc quản lý, kiểm soát tình hình hàng hải và những tranh chấp liên quan ».

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila về tranh chấp ở Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Lực lượng tuần dương Philippines đăng nhiều video tố cáo trong tháng 12/2023, nhiều tầu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tầu Philippines tiếp tế cho các thực thể mà Manila đòi chủ quyền, tiếp theo là vụ va chạm giữa một tầu Philippines và tầu hải cảnh Trung Quốc mà hai bên đổ lỗi cho nhau.

Trả lời AFP, nhà phân tích quân sự Michael Raska, giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, nhận định : « Biển Đông đang trở thành một vùng phòng thủ đối với Trung Quốc ». Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển rộng lớn này thành « một tuyến hàng hải do (một mình) Trung Quốc kiểm soát » nhằm gia tăng ảnh hưởng và năng lực tấn công của họ. 


Israel-Hamas: Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông để ngăn xung đột lan rộng

Thu Hằng /RFI

04/01/2024

Tình hình Trung Cận Đông thêm căng thẳng sau vụ nhân vật lãnh đạo số 2 của Hamas bị sát hại ở Liban và hai vụ nổ khiến 84 người chết ở Iran. Để tránh xung đột lan rộng trong vùng, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rời Washington tối 04/01/2024, mở chuyến công du thứ tư ở Trung Đông kể từ khi xảy ra chiến tranh Israel-Hamas. 

Le secrétaire d'État américain, Antony Blinken, et le ministre de la Défense israélien, Yoav Gallant, à Tel Aviv, le 30 novembre 2023.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Gallant tại Tel Aviv, Israel, ngày 30/11/2023. AP – SAUL LOEB 

Trước đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller khẳng định không một nước nào « muốn leo thang căng thẳng », trong khi Hoa Kỳ vẫn bị các nước Trung Cận Đông chỉ trích là không ngừng ủng hộ Israel ngay từ khi oanh kích Gaza.

Theo AFP, hiện vẫn chưa có bên nào nhận trách nhiệm vụ tấn công ở ngoại ô phía nam Beyrouth, Liban, khiến Saleh al-Arouri, nhân vật lãnh đạo số 2 của Hamas, thiệt mạng. Phát biểu trên truyền hình tối 03/01, Hassan Nasrallah, lãnh đạo của Hezbollah, cảnh cáo Israel về mọi ý đồ khiến căng thẳng leo thang, khẳng định «sẽ chiến đấu hết mình, bất chấp biên giới » trong trường hợp « kẻ thù gây chiến với Liban ».

Nhiều lãnh đạo Iran cáo buộc Israel là thủ phạm « vụ ám sát » nhân vật số 2 của Hamas, cũng như « vụ khủng bố » gần mộ của tướng Qassem Soleimani ngày 03/01, đúng lễ tưởng niệm 4 năm ngày mất của cố chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Iran Al Qods. Một quan chức Mỹ ẩn danh cho biết vụ tấn công nhắm vào Saleh al-Arouri là « do Israel » tiến hành, nhưng nhà nước Do Thái vẫn chưa bình luận về những cáo buộc trên.

Tình hình biên giới Israel-Liban vẫn rất căng thẳng, thường xuyên xảy ra đấu súng hàng ngày. Quân đội Israel « được đặt trong tình trạng báo động tối đa ở miền bắc », theo tư lệnh quân đội Herzi Halevi. Sáng 04/01, Hezbollah cho biết thêm 4 chiến binh của lực lượng này đã thiệt mạng ở miền nam Liban, nâng tổng số người chết lên thành 129 trong ba tháng giao tranh với Israel.

Dải Gaza tiếp tục bị quân đội Israel oanh kích trong đêm 03 rạng sáng 04/01, đặc biệt vào thành phố miền nam Khan Younes, khiến vài chục người thiệt mạng, theo Hamas. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết « Hamas vẫn còn tiềm lực lớn ở Gaza ». Ngoài việc bị oanh kích thường xuyên, người dân dải Gaza phải sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, nước uống, chất đốt, dược phẩm, trong khi hàng viện trợ chỉ được chuyển nhỏ giọt vào dải Gaza.


Bộ Ngoại giao Mỹ ‘không thấy có hành động diệt chủng’ ở Gaza 

04/01/2024 

Reuters 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố hôm 3/1/2024 là Hoa Kỳ không thấy có hành động cấu thành tội diệt chủng ở Gaza.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố hôm 3/1/2024 là Hoa Kỳ không thấy có hành động cấu thành tội diệt chủng ở Gaza. 

Hoa Kỳ không thấy có hành động cấu thành tội diệt chủng ở Gaza, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố hôm 3/1, sau khi Nam Phi tiến hành các thủ tục tố tụng về tội diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế liên quan tới hoạt động quân sự của Israel tại Gaza.

Ông Miller nói trong một họp báo thường kỳ: “Đó là những cáo buộc không nên xem nhẹ… chúng tôi không thấy bất kỳ hành động nào cấu thành tội diệt chủng”. “Đây là xác quyết của Bộ Ngoại giao,” ông nhấn mạnh.

Tòa Công lý Quốc tế đã lên lịch xét xử công khai vào ngày 11 và 12 tháng này theo yêu cầu của Nam Phi. Israel cho biết họ sẽ tự bảo vệ mình trước các cáo buộc. Chiến dịch của Israel đã giết chết hơn 22.000 người Palestine, gây hoang tàn cho phần lớn vùng đất này và nhấn chìm 2,3 triệu cư dân của Gaza trong một thảm họa nhân đạo.

Ông Miller nói ông không có bất kỳ đánh giá nào để chia sẻ về việc liệu tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại loài người đã phạm hay chưa.

Washington hôm 2/1 chỉ trích hai bộ trưởng Israel vì ủng hộ việc tái định cư người Palestine bên ngoài Gaza, nhưng cho biết Israel đã đảm bảo với các quan chức Mỹ rằng tuyên bố của hai vị này không phản ánh chính sách của Israel.

Các quan chức Mỹ cho biết có quá nhiều người Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột. Họ kêu gọi Israel – quốc gia được Washington cung cấp vũ khí – làm nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường.

Cuộc chiến của Israel được châm ngòi bởi cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào các thị trấn của Israel hôm 7/10/23, trong đó Israel cho biết 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 240 con tin bị Hamas bắt đưa về Gaza.

Bộ Y tế Gaza cho biết tổng số người Palestine thiệt mạng do cuộc tấn công trả đũa của Israel đã lên tới 22.313 người, tính tới ngày 3/1/24.

Israel gọi cáo buộc diệt chủng là “vô căn cứ” và nói rằng Hamas đang sử dụng người Palestine làm lá chắn sống và cướp viện trợ dành cho thường dân, những cáo buộc mà Hamas phủ nhận.

Hôm 3/1, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby loan báo Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Trung Đông trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas.

“Hoa Kỳ vẫn tập trung vào việc hợp tác với nhiều đối tác để giúp Israel tự vệ, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza, và tất nhiên là để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi trong khu vực. Việc này chắc chắn bao gồm bảo vệ dòng chảy thương mại quốc tế tự do ở Biển Đỏ. Để hoàn thành những mục tiêu đó, chúng tôi đã thiết lập và sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện lực lượng đáng kể ở Trung Đông”, ông Kirby tuyên bố.


2 vụ nổ liên tiếp xảy ra tại lễ tưởng niệm ở Iran khiến 103 người thiệt mạng

2 vụ nổ liên tiếp xảy ra tại lễ tưởng niệm ở Iran khiến 103 người thiệt mạng

Chỉ huy Lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Esmail Qaani, phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm đánh dấu ngày kỷ niệm vụ sát hại tướng Vệ binh Qasem Soleimani (trên màn hình) năm 2020 tại thủ đô Tehran vào ngày 3/1/2024. (Ảnh của ATTA KENARE/AFP qua Getty Images) 

Truyền thông chính thức của Iran hôm thứ Tư (3/1) cho biết, hai vụ nổ đã xảy ra trong buổi lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani, cựu nhân vật số 2 bị quân đội Mỹ sát hại năm 2020, khiến ít nhất hơn 103 người thiệt mạng và 141 người bị thương. Các quan chức gọi vụ tấn công là một cuộc tấn công khủng bố.

Truyền hình nhà nước Iran đưa tin vụ nổ đầu tiên xảy ra trong buổi lễ tưởng niệm tại nghĩa trang nơi chôn cất Soleimani ở thành phố Kerman phía đông nam, sau đó là vụ nổ thứ hai.

Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA (Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo) đưa tin vụ nổ đầu tiên xảy ra cách nghĩa trang của Soleimani 700 mét và vụ nổ thứ hai xảy ra cách đó 1 km.

Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ nổ. Đoạn video do truyền thông nhà nước Iran công bố cho thấy đám đông lớn chạy qua khu vực sau vụ nổ.

Các quan chức truyền thông địa phương nói với đài truyền hình nhà nước Iran vào cuối ngày thứ Tư (3/1), rằng vụ nổ là do hai chiếc vali chứa chất nổ được điều khiển từ xa gây ra. 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/ntdvn_du-an-moi-87.jpg

Thi thể các nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ nổ liên tiếp xảy ra tại lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani bị sát hại năm 2020, nằm tại một bệnh viện ở thành phố Kerman, miền nam Iran vào ngày 3/1/2024. ((Ảnh của SARE TAJALLI/ISNA/AFP qua Getty Images) 

Theo truyền thông Israel, các nguồn tin cho biết vụ nổ thứ hai có chủ ý nhằm vào lực lượng an ninh trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết tại một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ không liên quan dưới bất kỳ hình thức nào đến vụ đánh bom hôm thứ Tư (3/1) ở Iran và không có lý do gì để tin rằng Israel có liên quan.

Vào ngày 2/1/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã ra lệnh không kích ban đêm vào Sân bay Quốc tế Baghdad của Iraq và giết chết chỉ huy tối cao Iran lúc bấy giờ là Soleimani.

Các quan chức Mỹ vào thời điểm đó cho biết, Soleimani đã tới Baghdad, Iraq trước khi bị sát hại để chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo vào lực lượng Mỹ. Hoa Kỳ và một số nước khác đã theo dõi hành tung của ông.

Lầu Năm Góc cho biết vào thời điểm đó Soleimani và lực lượng của ông ta phải “chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm quân nhân Mỹ và liên minh cũng như thương tích của hàng nghìn người khác”.

Ông Soleimani, được mệnh danh là “chỉ huy bóng tối” của Iran, đã lãnh đạo Quân đội Quds từ năm 1998 và là người lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự của Iran ở Iraq và Syria.

Vụ nổ hôm thứ Tư (3/1) gần mộ của Soleimani xảy ra khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Israel đã và đang chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài ba tháng ở Gaza với Hamas được Iran hậu thuẫn.

Lý Ngọc biên dịch


Căng thẳng leo thang ở Trung Đông 

Những ngày gần đây chứng kiến liên tiếp các diễn biến làm người ta lo ngại cuộc chiến Israel-Hamas sẽ lan rộng khắp khu vực. Hôm thứ Ba, một cuộc không kích vào thủ đô Beirut  của Lebanon đã giết chết Salah al-Arouri, chỉ huy cấp cao của Hamas. Hizbullah, một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, đã bắn tên lửa hàng ngày qua biên giới Lebanon với Israel, từ đó kích động các đòn đáp trả của Israel. Cho đến nay màn đối đầu này vẫn chưa dẫn đến chiến tranh tổng lực. Nhưng thực tế đó đang ngày càng mong manh. Vụ nổ hôm qua ở Iran, vốn khiến hơn 100 người thiệt mạng, chắc chắn sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng. Đến nay vẫn chưa có ai nhận trách nhiệm về các vụ nổ.

Israel cũng chưa xác nhận họ là bên giết ông al-Arouri. Tình báo Israel tin rằng ông này tham gia lên kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ hôm 7 tháng 10 của Hamas; và al-Arouri được cho là có tên trong danh sách ám sát của Tel Aviv. Hiện vẫn chưa rõ liệu Israel hay Hizbullah có thực sự muốn đưa cuộc đối đầu biên giới của họ trở thành chiến tranh hay không. Nhưng các dấu hiệu cảnh báo đang nhấp nháy.


Toà Tối cao Mỹ sẽ quyết định liệu ông Trump có được tranh cử 

Vào tháng 12, Tòa án Tối cao Colorado đã ra phán quyết loại Donald Trump khỏi vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang này. Các thẩm phán thừa nhận phán quyết đã đưa tòa án vào “vùng bất định.” Lần đầu tiên, một tòa án đã áp dụng một điều khoản trong hiến pháp cấm những người từng tham gia nổi dậy nắm giữ chức vụ công – vốn được thiết kế sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ để ngăn những kẻ nổi dậy thuộc Hợp bang miền Nam quay lại quyền lực. Chín ngày sau, tổng thư ký bang Maine cũng đưa ra quyết định tương tự.

Thứ Năm tuần này là hạn chót nộp đơn kháng cáo phán quyết của Colorado. Đảng Cộng hòa là bên đầu tiên đệ đơn kháng cáo lên Tòa Tối cao Hoa Kỳ, giúp ông Trump có tên trong lá phiếu cho đến khi có phán quyết. Ông Trump dự kiến cũng sẽ kháng cáo. Tòa án Tối cao chắc chắn không thích cân nhắc câu hỏi hóc búa này, nhưng với những vụ kiện tương tự đang chờ xử lý ở nhiều bang, toà không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải can thiệp.


Triển vọng của kinh tế vĩ mô của Pháp trong năm 2024

Pháp đã vượt qua suy thoái kinh tế tương đối tốt so với các nước châu Âu khác. Trong năm 2023, nước này được dự đoán tăng trưởng GDP 1%, vượt qua dự báo của Anh, Đức và Ý. Triển vọng kinh tế Pháp năm 2024, với mức tăng trưởng GDP dự báo 1,2%, cũng tốt hơn một chút so với các nước láng giềng lớn. Số liệu công bố hôm thứ Năm dự kiến ​​cho thấy lạm phát năm đạt khoảng 3,7% trong tháng 12.

Một mối lo ngại đáng kể là tình trạng thất nghiệp. Thất nghiệp nhích lên 7,4% trong quý 3 năm 2023, sau khi giảm từ mức đỉnh 9% của cùng kỳ năm 2020. Một vấn đề khác là tài chính công. Thâm hụt ngân sách của Pháp có thể lên tới 4,8% GDP vào cuối năm ngoái, một phần do chi tiêu khổng lồ để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng vọt. Chính phủ đã dần cắt bỏ gói hỗ trợ đó. Nhưng thâm hụt vẫn được dự báo đạt 4,4% GDP trong năm 2024, cao hơn mức trung bình của EU.


Hãng bán lẻ dược phẩm Walgreens Boots Alliance công bố kết quả kinh doanh 

Walgreens Boots Alliance, một gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ, sẽ công bố kết quả kinh doanh mới nhất vào thứ Năm, tương ứng với khung thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2023. Công ty này điều hành hơn 12.000 hiệu thuốc trên toàn thế giới, bao gồm Walgreens ở Mỹ và Boots ở Anh. Hồi năm 2022, họ đã cố gắng bán Boots nhưng không thành công và đổ lỗi cho điều kiện thị trường khó khăn. Giờ đây WBA được cho là đang nhăm nhe lên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán London để tách chuỗi cửa hàng ở Anh ra riêng.

Công ty muốn tập trung vào các hoạt động sinh lợi hơn ở Mỹ. Nhưng ngay cả ở đó, những loại thuốc không kê đơn giá rẻ và những đối thủ mới tham gia như Amazon đang làm thu hẹp lợi nhuận từ việc bán thuốc. Vì vậy, WBA cũng đang mở rộng sang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vào năm 2021, công ty đã chi hơn 5 tỷ đô la để mua phần lớn cổ phần của VillageMD, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản. Năm sau VillageMD mua lại Summit Health-City MD, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, với thương vụ khổng lồ trị giá 9 tỷ USD. Tuy vậy, WBA vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc bán thuốc. Trong bối cảnh đối thủ CVS đã đa dạng hóa thành công hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ kỳ vọng WBA làm được điều tương tự.


XEM THÊM:

Ukraine ‘cho nổ tung máy bay phản lực Nga cách phòng tuyến địch 1.000 dặm’ 

Đã cập nhật 7 phút trước

Một kẻ phá hoại người Ukraine đã được quay phim cho nổ tung một máy bay chiến đấu của Nga ở phía sau phòng tuyến của kẻ thù hơn 1.000 dặm.

Cơ quan tình báo quân sự (HUR) của Ukraine đã công bố một đoạn video được cho là do một đặc nhiệm quay tại sân bay Shagol phủ đầy tuyết ở Chelyabinsk, một thành phố công nghiệp ở phía đông dãy núi Ural, vào tối thứ Tư.

Kẻ phá hoại thực hiện cử chỉ của sừng quỷ bằng tay trước ống kính khi chiếc Su-34 bắt đầu bốc cháy ở phía sau.

Chelyabinsk cách điểm cực đông của chiến tuyến hiện tại 1.008 dặm về phía đông, điểm nổi bật quanh thành phố Siversk ở Donetsk.

HUR cho biết chiếc máy bay này thuộc Sư đoàn Hàng không Hỗn hợp số 21 của Không quân Nga, đơn vị có một trung đoàn đóng tại sân bay.

Telegraph


Ukraina tấn công Crimea bị chiếm đóng

Ukraine đã phát động một làn sóng tấn công vào Crimea bị chiếm đóng.

Mikhail Razvozhaev, thống đốc bán đảo do Moscow bổ nhiệm, cho biết lực lượng phòng không đang “làm việc để tiêu diệt một số lượng lớn các mục tiêu trên không khác nhau” và rằng một người đã bị thương do mảnh đạn.

Kênh Telegram Crimea.Realities nổi tiếng cho biết 10 vụ nổ đã được nghe thấy ở cảng Sevastopol lúc 17h15 giờ địa phương (2h15 chiều GMT).

Kênh Crimean Wind thân Ukraine cho biết tên lửa cũng đã được bắn vào Yevpatoria, một cảng cách Sevastopol 40 dặm về phía bắc, và xe cứu thương đã được chứng kiến ​​khi chứng kiến ​​vụ nổ.

Không trường hợp tử vong nào được báo cáo.

Theo Telegraph