Thời sự Thứ Năm 14/3/2024: *Mỹ muốn đầu tư chất bán dẫn ở Thái Lan *Làn sóng lo sợ TikTok: *TT Biden trình ngân sách quốc phòng 2025 cao nhất lịch sử *Mạng lưới buôn lậu biên giới nam Hoa Kỳ “có liên hệ với IS” *ĐCS TQ đã hoàn toàn mất lòng dân *Đài Loan & Trung Quốc cùng nhau cứu con thuyền bị lật 

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ muốn đầu tư sản xuất chất bán dẫn ở Thái Lan 

13/3/2024 – Reuters 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến công du đến các nước đông nam Á

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến công du đến các nước đông nam Á 

Thái Lan sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ đa dạng hóa chuỗi sản xuất chất bán dẫn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết hôm 13/3. Bà cũng nói thêm rằng các công ty Mỹ đã sẵn sàng đầu tư ồ ạt vào quốc gia đông nam Á này.

Công nghiệp điện và điện tử là một trong những ngành thu hút đầu tư nước ngoài chính của Thái Lan, và là một lĩnh vực quan trọng mà chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đang tìm cách mở rộng khi ông đang tìm cách khởi động nền kinh tế chậm chạp của Thái Lan.

“Sản xuất chất bán dẫn tập trung một cách nguy hiểm ở chỉ một hoặc hai nước trên thế giới,” bà Raimondo phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok và nêu rõ rằng Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư thêm vào các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) khi Mỹ tìm cách cách đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn.

Khối IPEF do Mỹ đứng đầu, một phần là để đem đến cho các nước trong khu vực giải pháp thay thế cho quan hệ gần hơn với Trung Quốc, bao gồm 14 nước, trong đó có Thái Lan.

“Do đó tất cả chúng ta đều cùng nhau hướng đến mục tiêu này. Việc dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn làm lợi cho tất cả các nước, Mỹ, Thái Lan, tất cả các quốc gia IPEF,” bà Raimondo nói. Bà sẽ có cuộc thảo luận với Thủ tướng Thavisin.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Thái Lan, vốn nằm trong tay các công ty Mỹ, Nhật, Hàn và Hà Lan, chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối trong quy trình sản xuất, đặt nước này cùng chiếu với Việt Nam và Ấn Độ, theo báo cáo của Siam Commercial Bank hồi năm 2023.

“Tình hình thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, đã thu hút các hãng xưởng di dời cơ sở sản xuất chất bán dẫn sang Thái Lan,” báo cáo trên cho biết.

Hội đồng Đầu tư Thái Lan cũng đang đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như giảm thuế và miễn thuế, để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn.

“Khi các công ty đa quốc gia của Mỹ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thái Lan ngày càng là nơi đứng đầu danh sách,” bà Raimondo nói.


Làn sóng lo sợ TikTok: Từ Mỹ đến nhiều nước thế giới

Nguyên Cao/SGN – 13/3/2024

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1228648832-1280x852.jpg

(ảnh: Kevin Frayer/Getty Images) 

Ngày 13 Tháng Ba 2024, với tỉ lệ 352 phiếu thuận (và 65 chống), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, dẫn đến khả năng chủ sở hữu của TikTok phải bán ứng dụng video cực kỳ phổ biến này, nếu không, TikTok sẽ không được hoạt động ở Mỹ.

Vụ việc làm leo thang cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington về việc kiểm soát một loạt công nghệ có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, quyền tự do ngôn luận và truyền thông xã hội. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng thông qua dự luật tại Hạ viện với số phiếu 352/65.

Dự luật đang đối mặt chặng đường khó khăn để được thông qua tại Thượng viện, nơi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ) và là lãnh đạo phe đa số, đã không cam kết về việc đưa nó ra sàn để bỏ phiếu. Một số nhà lập pháp cũng tuyên bố chống lại dự luật. Và ngay cả khi được Thượng viện thông qua và trở thành luật, nó vẫn có thể phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý.

Dự luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán TikTok cho các chủ sở hữu không phải người Trung Quốc trong vòng sáu tháng. Nếu việc mua bán không được thực hiện, ứng dụng TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ. Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa Wisconsin, một trong những nhà lập pháp dẫn đầu dự luật, đã phát biểu trước cuộc bỏ phiếu rằng điều đó “buộc TikTok phải chia tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Với 170 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok cho biết họ luôn nỗ lực bảo vệ dữ liệu người dùng, rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh sử dụng TikTok để lấy dữ liệu người dùng Hoa Kỳ hoặc để gây ảnh hưởng đến quan điểm cũng như quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. TikTok đã chi hơn $1 tỷ cho một kế hoạch mở rộng có tên Project Texas nhằm xử lý dữ liệu nhạy cảm của người dùng Hoa Kỳ một cách tách biệt với các hoạt động còn lại của công ty. Kế hoạch đó đã được xem xét trong vài năm bởi một hội đồng được gọi là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS).

Vụ việc liên quan TikTok chưa  nhận được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị Mỹ. Rất bất thường khi một dự luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng nhưng đồng thời lại chia rẽ cả hai đảng. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật, nhưng các lãnh đạo hàng đầu của Hạ viện, trong đó có dân biểu Katherine Clark của Massachusetts, nhân vật Dân chủ số hai tại Hạ viện, đã bỏ phiếu chống lại dự luật. Từng cấm TikTok lúc còn ngồi ghế tổng thống, giờ đây Donald Trump cũng phản đối dự luật (trong khi những đồng minh mạnh nhất của Trump tại Hạ viện, trong đó có dân biểu Elise Stefanik, đã bỏ phiếu tán thành).

ByteDance được thành lập năm 2012 tại Bắc Kinh. Người sáng lập công ty, Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), khi đó là một kỹ sư phần mềm 29 tuổi, trở thành gương mặt doanh nhân nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc. Một trong những sản phẩm sớm nhất và phổ biến nhất của ByteDance là công cụ tổng hợp tin tức được hỗ trợ bởi AI Jinri Toutiao, phần lớn được sử dụng ở Trung Quốc.

Năm 2016, công ty ra mắt ứng dụng video ngắn Douyin (Đẩu Âm), nhanh chóng trở thành ứng dụng cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Năm 2017, công ty ra mắt phiên bản quốc tế của Đẩu Âm, gọi là TikTok, trở thành ứng dụng đầu tiên của Trung Quốc vươn ra toàn cầu. ByteDance, trị giá $268 tỷ USD vào Tháng Mười Hai 2023, là một trong những công ty internet thành công nhất Trung Quốc. Một thông cáo vào Tháng Năm 2023 của TikTok cho biết khoảng 60% ByteDance “thuộc sở hữu các nhà đầu tư toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group,” với khoảng 20% thuộc sở hữu “nhân viên ByteDance trên toàn thế giới” và phần còn lại thuộc sở hữu của người sáng lập.

ByteDance từng nhiều lần nói rằng họ chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc, nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ ra rằng chẳng có công ty hoặc doanh nghiệp nào của Trung Quốc lại có thể dám cãi lại những đòi hỏi của Bắc Kinh, đặc biệt lĩnh vực an ninh và tình báo. Trong phiên điều trần vào Tháng Ba 2023 trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, Giám đốc điều hành TikTok Chu Thự Tư (Shou Zi Chew, 周受资) nhấn mạnh rằng, TikTok “với tư cách là một công ty Hoa Kỳ được thành lập tại Hoa Kỳ, phải tuân theo luật pháp Hoa Kỳ”.

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên làm khó TikTok. Một số nước đã thực hiện các bước để cấm hoặc hạn chế ứng dụng phổ biến này.

TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ vào năm 2020 trước những lo ngại về an ninh, sau khi xảy ra cuộc đụng độ quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới Hy Mã Lạp Sơn. Lệnh cấm vĩnh viễn được ban hành vào Tháng Giêng 2021. Ấn Độ cấm hơn 50 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat.

Nepal công bố lệnh cấm TikTok vào cuối năm 2023. Bộ trưởng truyền thông và công nghệ thông tin nước này nói rằng TikTok đã “được sử dụng liên tục để chia sẻ nội dung làm xáo trộn sự hòa hợp xã hội”. Tại Liên minh châu Âu (EU), năm 2023, các cơ quan trọng yếu chịu trách nhiệm hoạch định chính sách – Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu – đã cấm nhân viên sử dụng/cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại. Ủy ban Châu Âu nói rằng biện pháp này giúp bảo vệ “trước các mối đe dọa an ninh mạng và những hành động có thể bị lợi dụng để tấn công mạng”. Nhân viên chính phủ ở một số nước trong 27 thành viên của khối EU, trong đó có Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, cũng được yêu cầu không sử dụng TikTok trên thiết bị điện thoại dùng làm việc.

Tháng Hai 2023, Canada đã cấm cài đặt TikTok trên tất cả điện thoại do chính phủ cấp, sau các bước tương tự được thực hiện ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Chính phủ Canada cho biết quyết định của họ xuất phát từ việc xem xét ứng dụng “có mức độ rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật”.

Năm 2023, Anh đã công bố lệnh cấm cài đặt/sử dụng TikTok trên thiết bị của các bộ trưởng và công chức chính phủ. Quốc hội Anh ngay sau đó cũng đưa ra lệnh cấm TikTok đối với các thiết bị kết nối với mạng của Quốc hội. Tại Úc, nước này đã cấm TikTok trên tất cả thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang vào năm 2023. Tháng Tư 2023, sắc lệnh chính phủ Úc nói rằng giới chức trách đã xác định “việc cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị chính phủ gây ra rủi ro bảo mật đáng kể”. Đài Loan đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ vào năm 2022. Tháng Ba 2023, các nhà lập pháp New Zealand đã đồng ý cấm TikTok trên các thiết bị di động có quyền truy cập vào mạng nghị viện của New Zealand.


Trung Quốc : Cấm sử dụng TikTok « là một sai lầm nghiêm trọng »

Thanh Hà /RFI – 14/3/2024

Bắc Kinh tức giận sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật đòi cấm sử dụng mạng xã hội TikTok. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong sáng nay, 14/03/2024, đánh giá đây là « một sai lầm nghiêm trọng » và là một quyết định « trái ngược với nguyên tắc cạnh tranh ». Trung Quốc dọa sẽ « ban hành những biện pháp cần thiết để đáp trả »

Trụ sở của TikTok tại Culver City, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 17/03/2023.

Trụ sở của TikTok tại Culver City, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 17/03/2023. AP – Damian Dovarganes 

Phản ứng này khác hẳn với thái độ thận trọng từ trước đến nay của Bắc Kinh, theo giải thích của thông tín viên Stéphane Lagarde: 

« Chính quyền cũng như các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đến nay vẫn giữ khoảng cách, tránh lên tiếng về những tranh cãi tại Hoa Kỳ liên quan đến TikTok. Bắc Kinh không muốn đổ thêm dầu vào lửa.

Họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoai Giao lưu ý Mỹ chưa bao giờ chứng minh được rằng TikTok là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Uông Văn Bân nói thêm, nếu như dự luật cấm sử dụng mạng xã hội của Trung Quốc được thông qua, thì ‘Mỹ sẽ tự bắn vào chân mình’, bởi quyết định đó sẽ khiến ‘các nhà đầu tư mất niềm tin’ vào Hoa Kỳ. 

Một quyết định ‘không có cơ sở và quá đáng’, Bắc Kinh đã đánh giá như trên khi các nhân viên cơ quan nhà nước của Mỹ được lệnh xóa ứng dụng TikTok trên điện thoại cá nhân. Về lo ngại ứng dụng TikTok là phương tiện để Trung Quốc ‘thu thập những thông tin cá nhân ở quy mô lớn’, công ty mẹ của TikTok là ByteDnace từng giải thích rằng ứng dụng này ‘phù hợp với những hoạt động trong ngành’, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc về những liên hệ giữa tập đoàn này với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Hồ sơ nói trên được Bắc Kinh ghi nhận như một hồi mới trong truyện dài nhiều tập chiến tranh lạnh về công nghệ cao giữa hai siêu cường thế giới. 

Tại Trung Quốc, Douyin là ứng dụng được tham khảo nhiều nhất trên điện thoại thông minh, nhưng TikTok, phiên bản quốc tế của ứng dụng này, thì lại bị cấm và bị coi là một trong những ứng dụng của nước ngoài ». 


Tổng thống Biden trình ngân sách quốc phòng cho năm 2025 cao nhất trong lịch sử

Trình Phàm, Vision Times

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/gdfrt65-768x480.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại gần Công viên Quốc gia Valley Force ở Blue Bell, tiểu bang Pennsylvania, vào ngày 5/1/2024. (Ảnh: OogImages / Shutterstock) 

Ngày 11/3 (thứ Hai), Tổng thống Mỹ Biden đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ ngân sách quốc phòng cao nhất trong lịch sử, lên tới 895,2 tỷ USD. Chi cho số tiền này gồm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, phát triển tên lửa tầm xa để chống đe dọa từ Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hạt nhân, và đầu tư gần 10 tỷ USD để cải thiện khả năng phòng thủ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (11/3), Thứ trưởng Ngoại giao Richard Verma phụ trách quản lý và tài nguyên của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Chúng ta phải sử dụng mọi công cụ cần thiết để đánh bại Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh này”. Ông nhấn mạnh ứng phó thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden.

Theo tài liệu đăng trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã đề xuất lên Quốc hội tổng chi tiêu ngân sách là 7,3 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2025. Trong đó ngân sách quốc phòng tăng 1% (895,2 tỷ USD) so với năm 2024, bao gồm khoản chi bắt buộc 4 tỷ USD để “cạnh tranh với Trung Quốc”. Theo Reuters, 2 tỷ USD sẽ được sử dụng để thành lập quỹ cơ sở hạ tầng quốc tế mới như một nguồn tài trợ đáng tin cậy nhằm thay thế sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Ngoài ra 2 tỷ USD khác dành cho các khoản đầu tư “thay đổi cuộc chơi” nhằm giúp các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại các hành động “săn mồi” của Trung Quốc.

Ông Verma cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã yêu cầu thêm 4 tỷ USD vào quỹ chi tiêu tự do cho các hoạt động ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông nói rằng mục tiêu của năm tài chính 2025 là cho phép Mỹ “tiếp tục đầu tư vào các năng lực cơ bản trong nước và liên kết với các đối tác cùng chí hướng, qua đó để củng cố lợi ích chung của chúng ta và ứng phó với những thách thức do ĐCSTQ đặt ra”.

Ngoài số tiền cần thiết để trực tiếp ứng phó với Trung Quốc, Lầu Năm Góc hôm thứ Hai đã nhắc lại rằng 500 triệu USD trong ngân sách cho sử dụng “Quyền rút vốn của Tổng thống” (Presidential Drawdown Authority, PDA) để cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan, đây là lần đầu tiên ủy quyền này được nhắm vào một nước cụ thể. Khoản chi tiêu này sẽ được sử dụng để “đối phó với xâm lược trong khu vực và đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho các đồng minh của Mỹ”, đồng thời bổ sung kho dự trữ “đạn dược, thiết bị và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Mỹ.

Bloomberg đưa tin, ngoài ngân sách quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu khoản đầu tư “mang tính lịch sử” 100 triệu USD vào ngân sách năm 2025 để hỗ trợ Đài Loan duy trì hòa bình trên eo biển. Trong đó có một khoản liên quan đến kế hoạch tài trợ song phương mới bán vũ khí cho nước ngoài nhằm “tăng cường răn đe và duy trì ổn định khu vực ở eo biển Đài Loan”.

9,9 tỷ USD khác trong chi tiêu của Chương trình Răn đe Thái Bình Dương, nhiều hơn 800 triệu USD so với khoản chi tương tự trong năm tài chính này. Khoản chi này chủ yếu để tăng cường triển khai quân đội Mỹ và các cơ sở quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Giám đốc Ngân sách Quân đội Mỹ – Thiếu tướng Mark Bennett cho biết, chi tiêu của Quân đội Mỹ trong năm tài chính 2025 cho các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương sẽ cao hơn đáng kể so với năm tài chính 2024. Quân đội Mỹ trong năm tài chính 2025 có kế hoạch tiến hành 11 cuộc tập trận quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, so với năm tài chính 2024 được tăng thêm 2 lần, cần tìm kiếm thêm nguồn tài trợ 461 triệu USD.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng ngân sách này sẽ tiếp tục đầu tư vào việc “tăng cường các liên minh và đối tác của Mỹ”, đẩy mạnh năng lực quân sự để đối đầu với Trung Quốc và Nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – Đô đốc Christopher Grady cho biết: “Chúng ta phải tiếp tục thích ứng, tiến bộ và đổi mới với tốc độ và quy mô lớn trong mọi lĩnh vực, ưu tiên xem Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) là mối đe dọa ngày càng thách thức và coi Nga là mối đe dọa nghiêm trọng”.

Kể từ đầu năm nay, Tổng thống Biden phe Dân chủ sẽ tái tranh cử vào tháng 11 đã không còn ưu thế trước đối thủ Cộng hòa là cựu Tổng thống Trump, trong các cuộc thăm dò về các vấn đề then chốt như kinh tế và chống nhập cư bất hợp pháp cho thấy tỷ lệ ủng hộ đứng sau ông Trump. Đề xuất ngân sách mới nhất của ông Biden được coi là nền tảng tranh cử thuyết phục hơn để trình bày với cử tri. Tất nhiên đây cũng có thể là danh sách chương trình làm việc mà ông cần tập trung khi bắt đầu nhiệm kỳ tiếp theo.


Hoa Kỳ : Giám đốc FBI: Mạng lưới buôn lậu biên giới phía nam Hoa Kỳ “có quan hệ với IS”

Gia Huy

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/cuc-truong-fbi.jpg

Giám đốc FBI Christopher Wray 

Hôm thứ Hai (11/2), Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo các thượng nghị sĩ Mỹ rằng có “những mối đe dọa rất nguy hiểm” đến từ biên giới Mỹ – Mexico, đặc biệt là mạng lưới buôn lậu “có quan hệ với IS”.

Fox News đưa tin, tại phiên điều trần hôm 11/2 của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã hỏi ông Wray về các mối dọa tại biên giới phía nam Hoa Kỳ.

Ông Wray cho biết: “Từ góc độ FBI, chúng tôi đang chứng kiến một loạt các mối đe dọa rất nguy hiểm xuất phát từ biên giới [phía nam]. Và điều đó bao gồm mọi thứ – chỉ riêng FBI, trong hai năm qua, đã bắt giữ một lượng fentanyl đủ để giết chết 270 triệu người – đó mới chỉ là về mặt fentanyl.”

Ông tiếp tục: “Rất nhiều tội ác bạo lực ở Hoa Kỳ là do các băng nhóm có liên quan đến việc phân phối fentanyl đó thực hiện.”

TNS Rubio đã hỏi về các mạng lưới buôn lậu đưa người đi khắp thế giới và liệu các mạng lưới này có quan hệ với tổ chức IS hoặc các tổ chức khủng bố khác hay không.

Vị giám đốc FBI phản hồi: “Vì vậy, tôi muốn cẩn thận một chút về việc tôi có thể nói đến mức nào trong phiên họp mở, nhưng có một mạng lưới đặc biệt, trong đó những người điều hành ở nước ngoài của mạng lưới buôn lậu này có mối quan hệ với IS mà chúng tôi rất lo ngại và [do đó] chúng tôi đã và đang dành rất nhiều nỗ lực cùng với các đối tác của mình để điều tra. Chính xác thì mạng lưới đó đang làm gì, điều đó, một lần nữa, là chủ đề của cuộc điều tra hiện tại của chúng tôi.”

Đã có hơn 2,4 triệu vụ bắt giữ người di cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ trong năm tài chính 2023, và kể từ khi năm tài chính 2024 bắt đầu, số vụ bắt giữ kỷ lục là hơn 300.000 người.

Tình hình Foxconn trong môi trường địa chính trị biến động

Foxconn, một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, thường được coi là thước đo hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, nơi đặt các nhà máy lớn nhất của họ. Một số nhà phân tích cũng nhìn vào dây chuyền sản xuất của Foxconn để biết Apple, gã khổng lồ công nghệ Mỹ, đang hoạt động như thế nào. Các nhà máy của Foxconn sản xuất ra nhiều iPhone hơn bất kỳ công ty nào khác. Nhưng tập đoàn Đài Loan này, vừa kỷ niệm 50 năm thành lập, đang cố gắng thay đổi phương thức sản xuất và nơi sản xuất.

Do đó, các nhà phân tích nhìn vào kết quả quý 4 của Foxconn, được công bố vào thứ Năm, cũng sẽ cố gắng hiểu được hướng đi của công ty khi họ tìm cách chuyển sản xuất điện thoại ra khỏi Trung Quốc. Tập đoàn này đang đầu tư mạnh vào Ấn Độ và ở Mỹ với quy mô hạn chế hơn. Họ cũng đang bắt đầu tăng sản xuất xe điện. Những thay đổi đó sẽ định hình cách công ty đối phó với tình hình chính trị phức tạp trong quan hệ Đài Loan-Trung Quốc-Mỹ.


Tổng thư ký NATO mãn nhiệm

Sau mười năm tại nhiệm, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ công bố báo cáo thường niên cuối cùng của ông vào thứ Năm. Ông về hưu khi liên minh quân sự đang ở trong tình trạng tốt. Nhưng trước mắt NATO cũng có những thách thức lớn. Vì cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine, NATO đã khôi phục lại vai trò của mình như là pháo đài bảo vệ lãnh thổ châu Âu chống lại Nga.

Tuần trước, Thụy Điển đã theo chân Phần Lan để gia nhập NATO. Cả hai nước đều mang đến khả năng quân sự tinh vi để bảo vệ biên giới của NATO ở vùng Baltic và vùng cao phía bắc. Khoảng 2/3 trong số 32 thành viên NATO đang đi đúng hướng trong năm nay để đạt hoặc vượt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Và liên minh hiện đang tiến hành cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, với sự tham gia của 90.000 binh sĩ.

Nhưng việc không cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine đã cho phép Nga giành được lợi thế trong cuộc chiến. Có lẽ đáng lo ngại nhất là khả năng Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và đưa Mỹ ra khỏi liên minh.


Tây Ban Nha sẽ ân xá cho các nhân vật trong vụ ly khai Catalan

Vào thứ Năm, Hạ viện của Quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu ân xá cho hàng trăm người liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp vào năm 2017 về nền độc lập của xứ Catalan.

Vấn đề này đã chiếm nhiều sóng trên sân khấu chính trị Tây Ban Nha kể từ mùa hè năm ngoái. Thủ tướng Pedro Sánchez không giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 7. Để đảm bảo phiếu bầu của những người muốn ly khai Catalan trong quốc hội, ông đã đề xuất một lệnh ân xá – một ý tưởng mà trước đây ông gọi là vi hiến. Cánh hữu và nhiều người trong đảng Xã hội của ông Sánchez phẫn nộ trước hành động lật mặt này. Quốc hội đã bác bỏ phiên bản trước đó của thỏa thuận vào tháng 1. Các nhà lãnh đạo ly khai ở Catalan chưa xin lỗi về hành động của họ và cũng chưa hứa không tái phạm. Nhưng ông Sánchez có quyền kiểm soát chặt chẽ đối với đảng của mình và hiện đã giành được số phiếu mà ông cần từ các đảng khác.

Lệnh ân xá cuối cùng sẽ cho phép Carles Puigdemont – cựu chủ tịch chính quyền khu vực Catalonia, người sống lưu vong ở Bỉ từ năm 2017 – được về nước. Liệu nó có chữa lành vết thương hay không lại là một vấn đề khác.


Tình hình vận tải biển toàn cầu 

Những tuần đầu tiên của năm 2024 đang tỏ ra đầy thách thức cho các công ty vận tải biển. Thuỷ triều xuống đã gây khó khăn cho các tàu chở hàng qua Kênh đào Panama. Các vụ tấn công của Houthi, lực lượng dân quân Yemen được Iran hậu thuẫn, nhằm vào tàu bè ở Biển Đỏ đã làm rung chuyển thương mại toàn cầu. IMF cho biết khối lượng vận chuyển qua kênh đào Suez – thường phục vụ khoảng 15% thương mại hàng hải – đã giảm một nửa trong tháng 1 và tháng 2 so với một năm trước. Hầu hết đã được chuyển hướng để đi vòng qua cực nam châu Phi.

Kết quả kinh doanh của DP World vào thứ Năm có thể cho thấy những gián đoạn này đang ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu như thế nào. Công ty nhà nước của UAE vận hành các cảng ở khoảng 40 quốc gia. Hồi tháng 1, ông chủ của nó, Sultan Ahmed bin Sulayem, vẫn tỏ ra không quan tâm đến các cuộc tấn công của Houthi. “Tôi không thấy điều này sẽ diễn ra lâu dài,” ông nói. Nhưng cho đến hai tháng sau Biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu trở lại bình thường. Với việc các hãng container phàn nàn về tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở châu Âu và châu Á, ông bin Sulayem sẽ tìm cách trấn an khách hàng là DP World có thể vượt qua cơn bão.


Phân tích: Màn trình diễn chính trị Lưỡng Hội kết thúc, ĐCS Trung Quốc đã hoàn toàn mất lòng dân

Lâm Yên – Đông Phương biên dịch – 13/3/2024

Phân tích: Màn trình diễn chính trị Lưỡng Hội kết thúc, ĐCS Trung Quốc đã hoàn toàn mất lòng dân

Vào ngày 11/3/2024, tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường đã cúi xuống nhặt một vật gì đó dưới gầm bàn. Bên trái ông Lý Cường là ông Tập Cận Bình, còn bên phải là ông Thái Kỳ. (Jade Gao/AFP via Getty Images) 

Kỳ họp Lưỡng Hội (Quốc hội và Mặt trận tổ quốc) kéo dài một tuần của Trung Quốc đã kết thúc vào hôm 11/3. Các nhà phân tích cho rằng, giờ đây, rõ ràng hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ đặt vấn đề sinh kế của người dân lên vị trí ưu tiên. Trước một nền kinh tế suy thoái liên tục, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng kích thích phục hồi kinh tế. Các động thái của Trung Nam Hải đã làm mất lòng dân.

Chuyên gia: Bắc Kinh không sẵn sàng dành nguồn lực để thúc đẩy người dân chi tiêu

Ông Jeremy Mark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ và là chuyên gia về kinh tế châu Á, nói rằng, cuộc họp kéo dài một tuần của Quốc hội Trung Quốc đã không tiết lộ cách thức các lãnh đạo của nước này sẽ lên kế hoạch ứng phó như thế nào với các vấn đề nổi cộm trong nước. 

Những vấn đề này bao gồm: cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc, số nợ trị giá hàng nghìn tỷ USD của các chính quyền địa phương, mức tiêu dùng yếu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt, sự mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và xã hội đang già đi nhanh chóng.

Ông Mark chỉ ra, không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng dành nguồn lực để thúc đẩy chi tiêu trong các hộ gia đình Trung Quốc, mà đây lại là một bước cần thiết để vực dậy nền kinh tế.

Chuyên gia này nói: “Nếu không có mức tiêu dùng cao hơn, những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế sẽ [chỉ] giống như việc không ngừng siết chặt dây thừng”.

Báo cáo: Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh không phải là giải quyết các vấn đề sinh kế của người dân

Trong báo cáo công tác chính phủ vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã lần đầu tiên đặt việc “thành lập hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa” lên vị trí thứ nhất, đồng thời sử dụng thêm thuật ngữ mới là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”; ở vị trí thứ hai là “thực hiện chuyên sâu chiến lược phục hưng đất nước thông qua khoa học và giáo dục”; còn việc “mở rộng nhu cầu trong nước” chỉ được xếp ở vị trí thứ ba.

Rất nhanh sau đó, Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai), thương hiệu rượu nổi tiếng nhất Trung Quốc, đã quảng cáo và thổi phồng rằng họ sẽ không ngừng bồi dưỡng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” thông qua đổi mới công nghệ.

Phóng viên cấp cao của tờ Wall Street Journal Lingling Wei giải thích rằng, thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” mà chính quyền Trung Quốc đưa ra tại Lưỡng Hội là bình mới rượu cũ và chỉ là hô hào khẩu hiệu.

Bà Wei nói, sự thực đã chứng minh, khẩu hiệu này không có gì mới cả. Đó là một cách khác để người lãnh đạo hàng đầu truyền đạt tới các cấp chính quyền rằng cần tập trung vào việc xây dựng thực lực sản xuất chế tạo và công nghệ cao của Trung Quốc, điều mà họ coi là chìa khóa giúp Trung Quốc có khả năng vượt qua Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, mục tiêu trên lại không phải là điều mà người dân Trung Quốc mong muốn nhất. Phóng viên Lingling Wei nói rằng, đối với rất nhiều người dân Trung Quốc, việc Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ hay không không quan trọng, điều quan trọng là họ đạt được thành công nhờ làm việc chăm chỉ và có chí tiến thủ – điều này giống với ‘Giấc mơ Mỹ’, đó là chăm chỉ làm việc, làm việc, làm việc.

Hôm thứ Hai (ngày 11/3), “Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Thường niên năm 2024” do Văn phòng Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ công bố đã nêu rõ, ưu tiên hàng đầu của người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là an ninh và sự ổn định của đảng này, thay vì giải quyết các vấn đề sinh kế của người dân trong nước, cũng như tập trung vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tình báo Mỹ: Bắc Kinh hiểu vấn đề nằm ở đâu, nhưng đang né tránh cải cách vì ông Tập

Mặt khác, các ngành công nghiệp mới được chính quyền Trung Quốc thúc đẩy hoàn toàn không thể hỗ trợ thị trường việc làm.

Một phân tích năm 2023 của Goldman Sachs cho thấy, 3 ngành công nghiệp chính được Đảng Cộng sản Trung Quốc ưu tiên – xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo – chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc.

Quy mô của cả ba ngành công nghiệp lớn này còn lâu mới có thể thay thế được ngành bất động sản truyền thống. Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, ngành bất động sản của Trung Quốc chiếm tới 1/4 nền kinh tế nước này.

Ngoài ra, ba ngành công nghiệp lớn này cũng chưa đủ lớn để tạo đủ cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư và sinh viên tốt nghiệp đại học.

Báo cáo mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết: “Bắc Kinh hiểu vấn đề nằm ở đâu, nhưng họ đang né tránh cải cách, bởi vì như vậy sẽ là đi ngược lại với phương châm nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất chế tạo và đầu tư công nghiệp – điều đang được ông Tập ưu tiên cân nhắc”.

Báo cáo này chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng người lãnh đạo đảng vẫn duy trì các chính sách kinh tế theo dân tộc chủ nghĩa, hướng dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tiến hành hiện đại hóa quân đội.

Nhà bình luận: Bắc Kinh đang xa lánh chính người dân của mình

Nhà bình luận Shuli Ren của Bloomberg cho rằng, cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc là một màn trình diễn được kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ngờ, hiện nay ngay cả cuộc họp báo của Thủ tướng cũng đã bị hủy bỏ.

Bà Ren nói: “Khi các mục tiêu kinh tế của chính phủ ngày càng xa rời thực tế và công chúng ngày càng có ít cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các chính trị gia hàng đầu, thì rõ ràng hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hiện đang xa lánh chính người dân của mình”.

Bà Ren đã dùng các thường thức để bác bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 mà Trung Quốc đặt ra. Bà cho rằng, nếu mức thâm hụt tài chính mà Bắc Kinh đề xuất cho năm 2024 giống hệt như năm 2023 thì làm sao Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như năm 2023 khi tình hình kinh tế đã xấu đi?

Nhà bình luận này viết: “Những con số này tự mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với thực tế”.

Ông Lý Cường tuyên bố tại Quốc hội rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 là “khoảng 5%”, tương đương với năm 2023. Nhưng điều khác biệt so với năm 2023 là, khi đó Bắc Kinh vừa bất ngờ chấm dứt toàn bộ chính sách phong tỏa Covid-19 và điều này đã thúc đẩy hoạt động kinh tế tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023, còn trong năm 2024 này sẽ không thể nào lại có cơn gió thuận chiều như vậy.

Trên thực tế, các nhà đầu tư đã không còn tìm kiếm các biện pháp kích thích kinh tế “bazooka” của Bắc Kinh . Bởi vì họ nhận ra rằng những kế hoạch kích thích khổng lồ như vậy đã không thể tạo ra tác động tương tự đối với nền kinh tế Trung Quốc nữa. Trước đây, Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định và hiện nay lợi nhuận trong mảng này đang giảm dần, đồng thời Trung Quốc đã tích lũy quá nhiều nợ trong quá trình này và hiện nó đang cắn trả nền kinh tế.


Ngoại trưởng ĐCSTQ công du Úc 

Rex Widerstrom – Thứ năm, 14/03/2024 

Chuyến công du được bao quanh bởi những câu hỏi về cách đối xử với nhà văn Úc, ông Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), người bị kết án tử hình ở Trung Quốc. 

Ngoại trưởng ĐCSTQ quyết định công du đến Úc

Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị (Wang Yi) tham dự cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông vào ngày 08/03/2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Vương Nghị trả lời câu hỏi của các nhà báo Trung Quốc và ngoại quốc về các vấn đề liên quan đến “Chính sách đối ngoại và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc”. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images) 

Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị sẽ có chuyến công du đến Úc vào ngày 20/03 tới. 

Đại diện của Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ đến thăm Canberra và sẽ gặp Ngoại trưởng Úc, bà Penny Wong, để tiến hành một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng mà trọng tâm của cuộc đối thoại này có thể sẽ là vụ án của ông Dương Hằng Quân, một công dân Úc đang bị giam giữ [tại Trung Quốc]. 

Theo một nguồn tin, vốn yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của câu chuyện, chia sẻ với tờ the South China Morning Post, “[Ngoại trưởng Úc] Bà Penny Wong đã gửi lời mời chính thức tới ông Vương.” 

“Lời mời này là kết quả chính thức của các cuộc thảo luận giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại và Đại sứ quán [Trung Quốc] trong vài tuần.” Ông Vương dự kiến ​​sẽ dành một ngày ở Canberra và một ngày khác ở Sydney. 

Trong khi chính phủ Úc – vốn đang nỗ lực xây dựng mối bang giao tích cực hơn với Bắc Kinh và cố gắng tránh mọi tranh cãi tại cuộc họp ASEAN gần đây – sẽ giữ cho các cuộc đàm phán tập trung vào các vấn đề như thương mại song phương, thì có khả năng ông Vương sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về phiên tòa xét xử ông Dương, người đã bị ĐCSTQ tuyên án tử hình treo vào tháng trước. 

Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), hôm 11/03 cho biết nếu ông Dương tuân thủ các điều khoản liên quan tới việc ông ấy bị giam giữ và không phạm thêm tội nào nữa thì “về mặt lý thuyết, có khả năng ông ấy sẽ không bị xử tử.” 

Ông Tiếu cũng nói theo cách giảm nhẹ những lo lắng xung quanh sức khỏe của nhà văn Dương và cho biết tuy sức khỏe của nhà văn này “không hoàn hảo” nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng như gia đình ông ấy mô tả. Bản án tử hình treo ở Trung Quốc cho bị cáo này hai năm hoãn thi hành án, sau đó bản án sẽ tự động chuyển thành án tù chung thân. 

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương kể từ năm 2017 và diễn ra vài tháng sau khi Thủ tướng Anthony Albanese thăm Trung Quốc vào tháng 11/2023.

Một nguồn tin khác của tờ the Post cho biết Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường (Li Qiang) có thể công du đến Úc vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy tới.

Vân Sa lược dịch


Đài Loan, Trung Quốc điều các đội cứu hộ làm việc cùng nhau để cứu con thuyền bị lật 

14/3/2024 – Reuters 

Quần đảo Kim Môn (Kinmen) của Đài Loan nằm sát Trung Quốc.

Quần đảo Kim Môn (Kinmen) của Đài Loan nằm sát Trung Quốc. 

Nhà chức trách Đài Loan và Trung Quốc đã cử các đội cứu hộ phối hợp với nhau để cứu một con thuyền bị lật gần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát vào sáng thứ Năm 14/3, theo United Daily News của Đài Loan và một quan chức cấp cao của Đài Loan nắm thông tin về vấn đề này.

Theo quan chức Đài Loan và tờ báo, nhà chức trách hai bên đã điều động tàu cứu hộ đến khu vực sau khi một thuyền đánh cá Trung Quốc bị lật, 1 người đã được chính quyền Trung Quốc cứu và 4 người vẫn cần được giúp đỡ.

Quan chức Đài Loan yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề cho hay Đài Loan đã điều các tàu tuần duyên tham gia cứu hộ sau khi chính quyền Trung Quốc đề nghị họ giúp đỡ.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần quần đảo Kim Môn ở tiền tuyến của Đài Loan. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc vào tháng trước đã bắt đầu tuần tra thường xuyên quanh quần đảo Kim Môn, gần bờ biển Trung Quốc, sau khi hai công dân Trung Quốc thiệt mạng khi cố chạy trốn lực lượng tuần duyên Đài Loan sau khi tàu của họ đi vào vùng biển cấm.

Hồi tuần trước, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu về Trung Quốc của Đài Loan đã kêu gọi Trung Quốc không thay đổi “hiện trạng” xung quanh vùng biển đó bằng cách điều tàu hải cảnh vào khu vực hạn chế, Đài Loan nói rằng căng thẳng cần ở mức “có thể kiểm soát được”.