Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 01 tháng 8 năm 2021 – Võ Thái Hà

Share this post on:

Đông Nam Á: Ngoại trưởng Mỹ sẽ họp trực tuyến “mỗi ngày” với ASEAN vào tuần sau

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ họp trực tuyến “mỗi ngày” cùng các đối tác Đông Nam Á trong Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN từ ngày 02 đến ngày 06/08/2021. KEN CEDENO POOL/AFP

Kể từ ngày mai, 02/08/2021, khối Đông Nam Á ASEAN chính thức khai mạc Hội Nghị Ngoại Trưởng (thường niên) lần thứ 54 và các hội nghị cùng với các đối tác trong đó có Hoa Kỳ, dự trù kéo dài đến ngày 06/08. Theo hãng tin Anh Reuters, nhân dịp này, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có những cuộc họp trực tuyến “mỗi ngày” cùng các đối tác Đông Nam Á, một quyết định nhằm chứng minh rằng khu vực là ưu tiên của Mỹ.

Reuters trích dẫn một quan chức cao cấp tại bộ Ngoại Giao Mỹ xác định rằng ông Blinken sẽ tham gia các cuộc họp trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp, bao gồm các buổi làm việc cùng 10 ngoại trưởng trong khối ASEAN cũng như của một số quốc gia khác. Quan chức này còn nói rõ thêm là ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ họp với đại diện các quốc gia thuộc vùng hạ lưu sông Mêkông như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN, ngoài các cuộc họp của nội bộ 10 nước trong khối, còn có một loạt hội nghị giữa ASEAN và các đối tác, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Mỹ, Ấn Độ và hai nước ở Châu Đại Dương là Úc và New Zealand. Một hội nghị quan trọng khác là Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF.

Đối với quan chức Mỹ, các hoạt động của ông Blinken là bằng chứng rõ rệt về quyết tâm dấn thân vào khu vực của Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, các quan chức hàng đầu của Mỹ không thường xuyên tham gia những cuộc họp của ASEAN và thường cử cấp dưới tới làm việc tại các cuộc họp thượng đỉnh của khu vực.

Với chính quyền của tổng thống Biden, Đông Nam Á như đang nổi lên thành một ưu tiên với một loạt những chuyến thăm gần đây của các lãnh đạo cao cấp : thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đã ghé thăm Indonesia, Cam Bốt và Thái Lan trong hai tháng 5 và tháng 6, tiếp đến là vòng công du ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần này của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Đỉnh cao là vào tháng 08, với chuyến thăm Singapore và Việt Nam của phó tổng thống Mỹ.

Thế Vận Hội Tokyo lỗ khoảng $30 tỉ

Kể từ năm 1960, tất cả các Thế Vận Hội trung bình đã chi vượt ngân sách dự tính khoảng 172%, theo nghiên cứu của đại học University of Oxford.

Thế nhưng có lẽ không có một Thế Vận Hội nào chi tiêu vượt quá ngân sách dự tính nhiều như Thế Vận Hội Tokyo năm nay.

Chi phí cho Thế Vận Hội Tokyo đã vượt quá ngân sách dự tính đến 400%.

Số tiền thâm thụt này buộc người dân Nhật phải nai lưng trả nợ trong nhiều năm tới.

Nhà kinh tế học Andrew Zimbalist thuộc trường Smith College, cũng là tác giả của cuốn  Circus Maximus: The Economic Gamble Behind Hosting the Olympics and the World Cup, nói với tờ báo The Post mới đây nói rằng ông ước tính Ủy Ban Tổ Chức (Organising Committee) đã chi $35 tỉ cho Thế Vận Hội Mùa Hè lần này, vượt quá ngân sách dự tính lúc đầu là $7.3 tỉ.

Ông Zimbalist dự đoán nước Nhật sẽ lỗ ít nhất $30 tỉ cho Thế Vận Hội năm nay và không có cách gì Ủy Ban này có thể lấy lại số tiền này cho dù có khán giả tham dự.

“Nếu có khán giả tham dự thì họ sẽ thu được từ $4.5 đến $5 tỉ. Vẫn còn một khoảng cách rất lớn,” ông Zimbalist nói.

Vì đại dịch Covid cho nên Thế Vận Hội năm nay bị dời lại 1 năm. Chính điều này khiến cho Ủy Ban Tổ Chức phải điều đình lại việc thuê mướn các địa điểm tổ chức, mất các hợp đồng quảng cáo, phải trì hoản việc bán các căn phòng trong làng thế vận hội… Tổng cộng theo ông Zimbalist, họ mất khoảng $5 tỉ.

Theo ông Victor A. Matheson, giáo sư kinh tế của trường College of the Holy Cross và là tác giả của cuốn Going for the Gold: The Economics of the Olympics, đã nói với tờ The Post rằng trong lúc Ủy Ban Tổ Chức bị lỗ rất nhiều thì Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế (Internationl Olympic Committee, viết tắc là IOC) không có mất mát gì cả và đó là lý do bằng mọi cách họ phải thút đẩy chính phủ Nhật tiến hành tổ chức Thế Vận Hội năm nay.

“IOC vẫn giữ độc quyền về bản quyền truyền thông, và vẫn giữ được sự tài trợ quốc tế (international sponsors), chỉ riêng hai nguồn này họ đã kiếm được khoảng $5 tỉ,” ông nói.

“Miễn là Thế Vận Hội vẫn diễn ra thì họ sẽ không bị ảnh hưởng gì cả. Cho nên thật là nghịch lý khi Thế Vận Hội năm nay là một trong những thảm họa chưa từng có thì nguồn lợi tức của IOC vẫn không bị ảnh hưởng gì cả.”

Sự có mặt hay không có mặt của vận động viên nổi tiếng không ảnh hưởng đến nguồn lợi tức của ICO mà chỉ ảnh hưởng đến Ủy Ban Tổ Chức vì nó quyết định số vé bán được. Riêng năm nay thì không có gì khác nhau vì tất cả các môn tranh đều không có khán giả tham dự.

“IOC không quan tâm (doesn’t care) về việc có khán giả hay không, họ cũng không quan tâm về những hệ quả chính trị, họ cũng không quan tâm về sự rủi ro sức khỏe đối với người dân Tokyo. Họ chỉ quan tâm một điều duy nhất là tất cả các môn chơi được chiếu lên TV vì đó là nguồn lợi tức chủ yếu của họ. Họ không chịu bất cứ một trách nhiệm gì sau đó và họ cũng không tâm nếu như có một chính trị gia nào mất chức. Người dân đã chán ngán về chuyện tổ chức Thế Vận Hội,” ông Matheson nói.

Cả hai ông Zimbalist và Matheson tin rằng từ kinh nghiệm của Tokyo 2020 khiến cho nhiều nước, nhiều thành phố trong tương lai sẽ rất thận trọng khi muốn tổ chức và hiện tượng này đang trở thành khuynh hướng chung. Nhiều nước đã rút khỏi danh sách dự tranh tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 và năm thành phố của Âu Châu đã bỏ cuộc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024. Theo ông Zimbalist, việc nhiều nước, nhiều thành phố mất hứng thú tổ chức là một trong những lý do mà IOC đã tự quyết định chọn nơi tổ chức Thế Vận Hội 2024 và 2028.

“IOC đã giấu kín danh sách những nơi dự tranh (put all of the bidding behind closed doors) để mọi người không biết là những nơi này đã quyết định bỏ cuộc vì IOC không muốn làm cho các lãnh tụ của các thành phố đó bị mất mặt khi các cuộc trưng cần dân ý cho thấy người dân của họ không muốn tổ chức,” ông nói.

Và theo ông Zimbalist, theo đà này danh sách các thành phố dự tranh tổ chức Thế Vận Hội trong tương lai càng lúc sẽ càng thưa thớt hơn.

Phạm Hoài Nam phỏng dịch Elizabeth Karpen, NY Post

COVID-19 gia tăng mạnh ở châu Á; Tokyo, Thái Lan, Malaysia có số ca cao kỷ lục

Reuters

Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao ở Tokyo, Nhật Bản.

Thành phố đăng cai Thế vận hội là Tokyo, cũng như Thái Lan và Malaysia, công bố số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục vào thứ Bảy 31/7, chủ yếu là do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Delta đang làm chao đảo một số khu vực của châu Á, dù trước đây họ tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19.

Chẳng hạn như Việt Nam, ngày 2/8, nước này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, và 18 tỉnh thành khác trên khắp miền nam thêm 2 tuần nữa. Việt Nam hiện đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.

Số ca nhiễm cũng tăng cao ở Sydney, Australia. Chính quyền bang New South Wales ghi nhận có 210 trường hợp nhiễm mới ở Sydney và các khu vực lân cận từ đợt bùng phát biến chủng Delta.

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã công bố con số kỷ lục là 4.058 ca nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Thế vận hội báo cáo có 21 ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến Thế vận hội, nâng tổng số lên 241 ca kể từ ngày 1/7. Hôm 30/7, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo đến cuối tháng 8 và áp dụng tình trạng này thêm cả với 3 tỉnh gần thủ đô và tỉnh Osaka ở phía tây.

Malaysia, một trong những điểm nóng của đại dịch, báo cáo có 17.786 trường hợp nhiễm virus corona vào ngày 31/7, một mức cao kỷ lục.

Hơn 100 người tập trung tại trung tâm Kuala Lumpur bày tỏ sự bất bình về cách chính phủ ứng phó với đại dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức.

Thái Lan cũng báo cáo mức cao kỷ lục về số ca nhiễm hàng ngày, với 18.912 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287 ca. Nước này cũng báo cáo thêm 178 trường hợp tử vong mới, cũng là một kỷ lục tính theo ngày.

Chính phủ Thái cho biết biến chủng Delta chiếm hơn 60% các ca nhiễm trong nước và 80% số ca ở Bangkok.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong vòng 4 tuần qua ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

Doanh số bán súng ở Mỹ tiếp tục tăng vọt, đạn dược khan hiếm

AP

Đạn được bày bán ở một triển lãm súng ở Oaks, Pennsylvania (ảnh tư liệu, 2017).

Đại dịch COVID-19 kết hợp với doanh số bán súng kỷ lục gây ra tình trạng thiếu đạn dược ở Mỹ. Điều này tác động đến các cơ quan thực thi pháp luật, những người muốn có biện pháp tự vệ, những người bắn súng để giải trí và các thợ săn. Tình trạng thiếu đạn cũng làm cho những người mới sở hữu súng không thể luyện tập đúng mức để họ có thể quản lý, sử dụng vũ khí cho an toàn.

Các nhà sản xuất cho biết họ đang sản xuất đạn hết khả năng, nhưng tại các cửa hàng bán súng, nhiều kệ hàng vẫn trống trơn và giá cả tiếp tục tăng. Cùng lúc, lượng đạn nhập khẩu đang gia tăng. Tất cả những điều này diễn ra vì đại dịch, bất ổn xã hội và sự gia tăng tội phạm bạo lực đã thúc đẩy hàng triệu người mua súng để tự vệ hoặc tham gia môn thể thao bắn súng.

Jason Wuestenberg, giám đốc điều hành của Hiệp hội huấn luyện viên vũ khí ngành cảnh sát, cho biết: “Có một số huấn luyện viên vũ khí đã hủy đăng ký tham gia các khóa đào tạo của chúng tôi vì cơ quan của họ thiếu đạn hoặc họ không thể tìm mua được đạn”.

Doug Tangen, huấn luyện viên vũ khí tại Ủy ban Đào tạo Tư pháp Hình sự Bang Washington, là học viện cảnh sát của bang, cho biết học viện cũng gặp khó khăn về đạn.

“Một vài tháng trước, chúng tôi đã có lúc gần như không còn đạn 9 mm”, ông nói. Để thích nghi, các huấn luyện viên đã thực hiện các bước tiết kiệm đạn như giảm số lượng phát bắn trong mỗi lần tập, điều này đã giúp họ cầm cự vài tháng cho đến khi có nguồn cung mới, Tangen nói.

Sĩ quan Larry Hadfield, phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Đô thị Las Vegas, cho biết sở của ông cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đạn. Ông nói: “Chúng tôi đã nỗ lực tiết kiệm đạn dược khi có thể”.

Tổ chức Thể thao Bắn súng Quốc gia cho biết hơn 50 triệu người tham gia các môn thể thao bắn súng ở Hoa Kỳ và ước tính rằng 20 triệu khẩu súng đã được bán ra hồi năm ngoái, 8 triệu trong số đó thuộc về những người mua súng lần đầu.

“Nếu nghĩ kỹ về tổng số những người mua súng đó, ta thấy điều đó thực sự có tác động đến những người mua đạn”, phát ngôn viên Mark Oliva của tổ chức nói. “Nếu 8,4 triệu người mua súng mà đều muốn mua một hộp có 50 viên đạn, thì số lượng đạn sẽ là 420 triệu viên”.

Cơ sở dữ liệu của Hệ thống Quốc gia về Kiểm tra Lý lịch Hình sự Tức thì của FBI cũng ghi nhận sự gia tăng doanh số bán súng: Năm 2010, có 14,4 triệu lượt kiểm tra lý lịch cho các giao dịch mua súng. Con số này đã tăng lên gần 39,7 triệu người vào năm 2020 và 22,2 triệu người chỉ tính riêng đến tháng 6 năm 2021.

Số lượng súng bán ra trên thực tế có thể cao hơn nhiều vì một cuộc kiểm tra lý lịch có thể gắn với việc mua bán nhiều khẩu súng cùng một lúc. Không có dữ liệu về việc mua bán đạn vì hoạt động này không cần giấy phép.

Trong khi đó, theo Justine Barati, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Hỗn hợp về Đạn dược của Hoa Kỳ, quân đội Mỹ không bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt đạn được vì Lục quân Hoa Kỳ sản xuất đạn dược cho toàn bộ các quân chủng với 6 cơ sở sản xuất đặt rải rác trong nước Mỹ.

Sáu tháng sau đảo chính, Miến Điện vẫn lâm cảnh khủng khoảng và nội chiến

Một nhóm phụ nữ tuần hành chống cuộc đảo chính của giới quân sự, Rangoon, Miến Điện, ngày 14/072021.   REUTERS – STRINGER

Sáu tháng sau khi quân đội chiếm chính quyền, đất nước Miến Điện vẫn chìm trong một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử : khủng hoảng y tế, kinh tế, chính trị … Một số vùng lâm vào cảnh nội chiến, hàng triệu người Miến Điện phải vật lộn hàng ngày để có thể tồn tại. 

Từ Bangkok, thông tín viên trong khu vực, Carole Isoux, cho biết chi tiết : 

« Một đất nước không còn sức sống, người dân kiệt sức sau nhiều tháng đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự. Người dân Miến Điện giờ đây phải đối phó với virus gây dịch Covid-19. Quốc gia này ghi nhận ít nhất 300 ca tử vong mỗi ngày nhưng do quá tải, chính quyền đã ngừng thống kê số người chết. Trong khi đó, tình hình kinh tế lại thê thảm. Hàng triệu người Miến Điện không còn việc làm, không còn thu nhập và gặp khó khăn để có thực phẩm.

Theo Min Zin, nhà khoa học chính trị hiện giờ đang sống lưu vong ở Chiang Mai, Thái Lan, đây là thảm họa nhân đạo toàn diện và cần phải kêu gọi tình đoàn kết quốc tế.  

Ông nói : « Những đòi hỏi về cứu trợ nhân đạo đã đến mức cấp bách, trong khi cuộc khủng hoảng đang rất nghiêm trọng. Trong những này qua, tôi đã mất đi hai người anh em họ rất thân thiết và 14 đồng nghiệp của tôi đang bị ốm. Nền kinh tế đang lụi tàn. Ngay cả khi quý vị có tiền trong tài khoản ngân hàng thì quý vị cũng không thể rút được tiền, bởi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng. Bây giờ, nhiều người Miến Điện bắt đầu thiếu thức ăn do nạn khan hiếm lương thực, thực phẩm. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói đến sự cấp bách về cứu trợ nhân đạo ». 

Thế nhưng, do thiếu sự bảo đảm của chính quyền quân sự, quốc tế vẫn phải chờ đợi để gửi hàng viện trợ nhân đạo. Còn về phong trào ủng hộ dân chủ, do việc các cơ quan chính trị của họ bị các nhà lãnh đạo của các dân tộc trong nước chỉ trích, và họ cũng chưa thực sự được quốc tế công nhận, nên tạm thời phong trào này dường như đang bị bế tắc. » 

Mỹ: Liệu cuộc khủng hoảng nhà ở có xảy ra ?

Ngày 31/07/2021, nhiều người biểu tình đã đến trước trụ sở Quốc Hội Mỹ trên đồi Capitole để phản đối việc chấm dứt biện pháp cấm trục xuất người thuê nhà chưa trả tiền nhà. REUTERS – ELIZABETH FRANTZ

Nước Mỹ có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhà ở quan trọng. Ngày 31/07/2021, đúng vào nửa đêm, lệnh hoãn trục xuất người thuê nhà đã hết hiệu lực.

Do tình hình dịch bệnh, các cơ quan y tế dịch tễ ban hành biện pháp này hồi tháng 9/2020, cấm trục xuất những người đi thuê nhà vì lý do họ không trả tiền nhà.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carie Nooten giải thích :

« Do biến thể Delta ngày càng đe dọa nước Mỹ, chính quyền Biden dường như rất muốn triển hạn thêm lệnh hoãn trục xuất, nhưng lại bó tay : Tòa án Tối cao hồi tháng trước nêu rõ chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền mở rộng biện pháp này. Nhưng vào thứ Sáu 30/07/2021, phe Dân Chủ vốn ủng hộ việc mở rộng biện pháp này đã bị ngăn chặn.

Hạn chế di chuyển dân cư, cũng là hạn chế đà lây nhiễm trong mùa dịch bệnh, chính là lý do được đưa ra nhằm cấm việc trục xuất người thuê nhà. Vì vậy, chính quyền Washington giờ đang nhắm đến những giải pháp khác, và bộ Tài Chính sẽ phải nhanh chóng giải ngân một khoản trợ cấp bổ sung đặc biệt. 

Việc trục xuất những người chưa trả tiền thuê nhà vẫn sẽ còn bị cấm vài tháng tại New York, Washington hay California. Các nhà phân tích ước lượng vẫn còn có khoảng hai triệu người Mỹ giữ được nơi ở nhờ vào lệnh hoãn này, nhưng họ cũng dự kiến có đến hàng ngàn người bị trục xuất ngay từ hôm nay 01/08. Và như vậy, đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhà ở lớn nhất mà nước Mỹ biết đến kể từ sau cuộc Đại Suy Thoái của những năm 1930. »

Campuchia áp lệnh giới nghiêm ngăn dịch Covid-19, ca tử vong tại Thái Lan lại lập kỷ lục

Nguyễn Phương (Theo Khmertimes, Reuters)

Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau được áp dụng toàn bộ hoặc từng phần, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh, trừ một vài ngoại lệ. Ảnh: Khmertimes

Campuchia áp lệnh giới nghiêm tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh từ ngày 29/7 đến 12/8. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 và tử vong tại Thái Lan tiếp tục lập kỷ lục.

Ngày 28/7, Chính phủ Campuchia đã công bố chiến dịch trên toàn quốc nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong bối cảnh đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ ba do biến thể Delta.

Quyết định do Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký và công bố về chiến dịch tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 29/7 đến 12/8/2021.

Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau được áp dụng toàn bộ hoặc từng phần, đặc biệt tại thủ đô Phnom Penh và thủ phủ các tỉnh, trừ một vài ngoại lệ.

Theo quyết định này, toàn bộ các tỉnh và thủ đô Phnom Penh được chỉ đạo đồng loạt thực hiện các biện pháp hành chính và phòng dịch, cũng như tăng cường biện pháp pháp lý ở mỗi khu vực, thực hiện nghiêm các biện pháp trong chiến dịch này.

Các biện pháp này gồm ngừng hoạt động những nghề nghiệp và loại hình kinh doanh có nguy cơ cao như dịch vụ karaoke, câu lạc bộ đêm, vườn bia, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí, các cửa hàng bán đồ uống có cồn, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, câu lạc bộ thể thao, trung tâm rèn luyện sức khỏe, cấm tụ tập đám đông trên 10 người  và các dịch vụ hàng ăn tại chỗ.

Việc xác định các khu vực lây nhiễm theo mức độ màu Đỏ, Da cam và Vàng do chính quyền cấp tỉnh/thành quyết định.

Cũng trong ngày 28/7, chính phủ Campuchia thông báo tiến hành đợt phong tỏa ở 8 tỉnh giáp với Thái Lan từ nửa đêm 29/7 nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Sắc lệnh do Thủ tướng Hun Sen ký ngày 28/7 về việc phong tỏa yêu cầu người dân không rời khỏi nhà của họ, không tụ tập đông đúc hay tiến hành các hoạt động kinh doanh, ngoại trừ những người làm việc tại các hãng hàng không.

Các tỉnh bị phong tỏa bao gồm Koh Kong, Pursat, Battambang, Pailin, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Preah Vihear và Siem Reap, Reuters đưa tin. Quyết định phong tỏa có hiệu lực trong 14 ngày bắt đầu từ 23 giờ 45 ngày 29/7 đến hết ngày 12/8/2021.

Campuchia đã kiểm soát được phần lớn tình hình dịch bệnh tại nước này vào năm ngoái, song đợt bùng phát mới vào cuối tháng 2/2021 đã khiến tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng lên tới 75.152 người, với 1.339 bệnh nhân đã tử vong.

Campuchia ngày 29/7 công  bố thêm 765 trường hợp nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 75.917 trường hợp. Bộ Y tế Campuchia cũng cho biết, tổng số ca tử vong tại nước này tính đến ngày 29/7 là 1.350 ca, tăng 11 trường hợp so với 1 ngày trước đó.

Cơ quan chức năng đã phát hiện biến thể virus Delta của hơn 100 người tại Campuchia, phần lớn trong số này là lao động Campuchia từ Thái Lan về nước.

Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục chứng kiến kỷ lục buồn về dịch bệnh, khi số ca mắc Covid-19 hàng ngày và số trường hợp tử vong đều tăng vọt lên mức cao chưa từng có.

Bộ Y tế Thái Lan ngày 29/7 báo cáo, nước này ghi nhận 17.669 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua và 165 người không qua khỏi vì dịch. Đây đều là những con số tăng cao chưa từng có tại quốc gia Đông Nam Á.

Kỷ lục trước đó về số ca mắc mới được ghi nhận hôm 28/7 ở mốc 16.533, trong khi kỷ lục về ca tử vong trước ngày 29/7 là 141, được báo cáo hôm 17/7.

Thái Lan đang trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất, khi làn sóng dịch thứ ba bùng phát từ ngày 1/4 đã có 532.167 người mắc và 4.468 người chết. Kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái, Thái Lan có 561.030 ca Covid-19 và 4.562 trường hợp tử vong.

Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Thái Lan đã có 561.030 ca nhiễm, trong đó có 370.492 người phục hồi và 4.562 người không qua khỏi.

Trong tuần này, Thái Lan đã bắt đầu đưa bớt bệnh nhân Covid-19 hồi hương bằng tàu, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế ở khu vực thủ đô Bangkok, vốn đang bị quá tải.

Ngày 28/7, Thái Lan cũng biến một nhà kho hàng ở sân bay Don Mueang thành bệnh viện dã chiến 1.800 giường cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng không quá nghiêm trọng. Trong trường hợp bệnh nhân diễn tiến xấu đi, họ sẽ được chuyển lên bệnh viện phụ trách chữa trị ở cấp cao hơn.

Giới chức Thái Lan cảnh báo rằng số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng và sẽ cần thêm nhiều bệnh viện dã chiến để đối phó làn sóng lây nhiễm hiện tại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế cộng đồng của Thượng viện Chalermchai Boonyaleepun cảnh báo có thể có khoảng 400.000 – 500.000 ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng ở Bangkok. Tiến sĩ Chalermchai nói rằng các trường hợp có triệu chứng chiếm 20% số ca lây nhiễm, trong khi các trường hợp không có triệu chứng chiếm tới 80%.

Hoa Kỳ đã phân phối 345,6 triệu liều vắc-xin COVID-19

Reuters – Hoa Kỳ đã cung cấp 345,6 triệu liều vắc-xin chống COVID-19 trong nước và đã phân phối 400,6 triệu liều cho thế giới, tính đến sáng thứ Bảy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết trong một kiểm đếm.

Các con số này tăng từ 344,9 triệu liều vắc-xin mà CDC cho biết đã được đưa vào sử dụng vào ngày 30/7, trong số hơn 399 triệu liều được giao.

CDC Hoa Kỳ cho biết, 190,9 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 164,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến thứ Bảy. 

Kiểm đếm này bao gồm vắc-xin hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, vắc-xin một liều của Johnson & Johnson’s.

Campuchia nhận một triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc

Xinhuanet – Theo Khmer Times, ngày 31/7, Campuchia đã nhận hỗ trợ một triệu liều vắc-xin Sinovac cùng với 300.000 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh đến từ Trung Quốc.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết dự kiến trong tháng 8, Campuchia nhận tổng cộng khoảng 26 triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua việc mua bán và nhận hỗ trợ từ các nước.

Với số lượng vắc-xin đó, Campuchia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho 13 triệu người, tương đương với 80% dân số.

Ngoài ra, 415.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Vương quốc Anh viện trợ cũng sẽ đến Campuchia vào ngày 3-4/8.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia báo cáo 658 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 77.243. Nước này cũng ghi nhận thêm 22 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.397 người kể từ khi dịch bùng phát.

Malaysia lập kỷ lục số ca nhiễm, virus lan tới Quốc hội 

The Straitstimes – Ngày 31/7, Malaysia ghi nhận 17.786 ca nhiễm virus corona mới, cao nhất từ đầu dịch COVID-19 tới nay.

Theo cập nhật của trang Worldometers tối 31-7, Malaysia đang có hơn 1,1 triệu ca nhiễm, cao thứ 28 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khi đó, số ca tử vong do đại dịch ở nước này tăng thêm 165 ca, lên tổng cộng 9.024 ca. Tổng số ca khỏi bệnh ở Malaysia tới nay đã hơn 914.000 người

Trước đó, hôm 29-7, Malaysia đã ghi nhận 11 ca nhiễm tại Quốc hội của nước này. 

Trong một thông báo ngày 31-7, một đại diện của Hạ viện Malaysia cho biết một cuộc họp quan trọng của Quốc hội nước này dự kiến diễn ra vào ngày 2-8 tới sẽ bị hoãn.

Theo Straits Times, hiện khoảng 23% dân số trưởng thành ở Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi đó tỷ lệ tiêm một liều ở nhóm này đã nâng lên gần 50%.

Malaysia hy vọng sẽ tiêm chủng đầy đủ cho những người trưởng thành đủ điều kiện vào cuối tháng 10, vì sẽ có nhiều loại vắc xin hơn trong những tháng tới. 

Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết các nhà chức trách dự kiến ​​sẽ sớm giảm bớt các hạn chế của COVID-19 đối với những người được tiêm chủng đầy đủ.