Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 29 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

Myanmar kết án 20 năm tù những người đốt nhà máy Trung Quốc

Hình minh họa biểu tình Myanmar (ảnh: Từ video của Reuters)

Một tòa án quân sự Myanmar vừa áp mức án lên đến 20 năm tù khổ sai đối với 28 người liên quan đến việc đốt phá các nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc, theo AFP.

Theo cổng thông tin Myawady do quân đội Myanmar điều hành, các bị cáo đã nhắm mục tiêu vào một nhà máy giày và một xưởng may ở khu công nghiệp ngoại ô thành phố Hlaing Tharyar.

Hàng chục người đã thiệt mạng hoặc bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng vào những người biểu tình muốn đốt cháy nhà máy mà họ cho là có quan hệ với Bắc Kinh, lực lượng bị cáo buộc giật dây cuộc đảo chính tại Myanmar.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar vào thời điểm đó cho biết nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương và mắc kẹt trong các vụ đốt phá và kêu gọi Myanmar bảo vệ tài sản và công dân Trung Quốc.

Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổng cộng có 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư đã bị đốt phá trong các cuộc tấn công của người biểu tình, với thiệt hại về tài sản lên tới 240 triệu nhân dân tệ (tương đương 36,9 triệu USD).

Bắc Kinh tức giận khi ngoại trưởng Đài Loan được gọi đúng chức danh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (ảnh: Wikipedia Commons).

Trong một cuộc họp báo vào ngày 26/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tỏ ra không vui khi một tờ báo Trung Quốc gọi ông Ngô Chiêu Tiếp, quan chức ngoại giao hàng đầu của Đài Loan, là “ngoại trưởng”, theo Taiwan News.

Trước đó, Đài truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở tại Hồng Kông đã gọi ông Ngô là ngoại trưởng Đài Loan khi đề cập tới một cuộc phỏng vấn mà ông đã thực hiện gần đây với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada.

Ông Triệu Lập Kiên nói: “Tôi phải đính chính một trong những phát biểu không chính xác của các bạn, Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc và [do đó] không có cái gọi là ‘ngoại trưởng’”.

Ông Triệu sau đó tiếp tục cáo buộc rằng Đài Loan đã sử dụng các vấn đề của Hồng Kông để vu cáo ác ý chính quyền Trung Quốc dưới chiêu bài dân chủ và tự do. Ông nói: “Kiểu thao túng chính trị vụng về này chẳng qua là tìm kiếm sự chú ý và làm nóng vấn đề”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Ngô bị Bắc Kinh chỉ trích. Vào ngày 12 tháng 5, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan (TAO) của Trung Quốc Chu Phượng Liên đã mô tả ngoại trưởng Đài Loan là một “nhân tố đòi độc lập cứng rắn của Đài Loan” và đe dọa sẽ “làm mọi thứ có thể để trừng phạt nghiêm khắc và buộc ông ta phải chịu hình phạt suốt đời theo luật [Trung Quốc]”.

Đáp lại những bình luận của Chu, Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) nói rằng Đài Loan không chỉ là một quốc gia độc lập mà còn là một nền dân chủ tiên tiến và thân thiện với các nước dân chủ khác. MOFA cũng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc thiếu hiểu biết về các giá trị phổ quát và sử dụng quyền lực và chủ nghĩa bành trướng để cưỡng buộc các nguyên tắc của mình lên các nước khác, gây ra căng thẳng và xung đột trong khu vực.

Việt Nam xuất hiện biến chủng COVID-19 lai hoàn toàn mới có tốc độ lây nhanh trong không khí

Thêm 56 ca COVID-19

Bộ Y tế trưa 29/5 ghi nhận 56 ca dương tính COVID-19, trong đó 49 ca ghi nhận trong nước và 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

56 ca mắc mới được ghi nhận từ số 6658-6713, trong đó 49 ca trong nước tại Bắc Giang 46, Tây Ninh, Điện Biên và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều một.

Việt Nam xuất hiện biến chủng COVID-19 lai hoàn toàn mới

VnExpress – Một biến chủng virus mới, lai giữa biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đang được ghi nhận ở Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, sáng 29/5.

Ông Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa hai biến chủng trên. Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.

“Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Long, đặc điểm của đợt dịch lần này là lây nhanh, virus phát tán rộng và mạnh trong không khí. Mức độ đào thải mầm bệnh cũng rất nhanh.

Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và môi trường ngoài, nồng độ virus trong dịch hầu họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh trong môi trường không khí. Do đó, số ca mắc đợt này tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.

Như tại công ty Hosiden Bắc Giang, môi trường không khí hạn hẹp, thông khí kém, đông người, có tới gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Đây là ví dụ điển hình của lây lan nhanh. Vòng lây nhiễm của chủng virus này chỉ 1-2 ngày, tức là sau từng ấy ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh. Số ca nhiễm có thể lây theo cấp số nhân.

“Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn).

Khi tiền giả xâm nhập vào Mỹ, nhà bình luận Trung Quốc cảnh báo chiến thuật cũ của ĐCSTQ

Khi một lượng lớn tiền giả tiếp tục tìm đường vào Hoa Kỳ, một nhà bình luận Trung Quốc nhắc nhở Hoa Kỳ về chiến thuật mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng để lật đổ chính phủ Quốc dân đảng vào những năm 1940.

Theo The Epoch Times, sau vụ bắt giữ một lô hàng hóa đơn và tiền xu Hoa Kỳ giả từ Trung Quốc vào tháng trước, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (Gọi tắt là CBP) hôm 18/5 thông báo rằng họ đã chặn một số lô hàng tiền giả từ Trung Quốc với tổng trị giá 685.000 đô la (USD). 

CBP cho biết các tờ tiền giả đã được gửi đến Mỹ dưới dạng “tiền ủng hộ”, vi phạm luật liên bang cấm tái sản xuất tiền tệ.

Các tờ tiền giả đã đến Cơ sở Thư tín Quốc tế (IMF) ở Chicago từ ngày 15 đến ngày 17/5 và được chuẩn bị để vận chuyển đến các thành phố khác nhau của Hoa Kỳ, bao gồm cả những thành phố ở Illinois và Indiana.

Các tờ tiền giả có mệnh giá 5 USD, 10 USD, 20 USD, 50 USD và 100 USD. Một trong những chuyến hàng được chuyển đến Bronx, New York, chứa 976 tờ 100 USD. 

Chuyến hàng khác được chuyển đến Louisville, Kentucky, chứa 101 tờ 20 USD và 103 tờ 50 USD.

CBP cho biết họ đã chuyển giao số tiền giả này cho Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa và Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ để điều tra thêm.

Các quan chức CBP ở Chicago cũng thông báo vào tháng trước (23/4) rằng họ đã bắt giữ 281 lô hàng có chứa tiền và tiền giả, và 95% lô hàng đến trực tiếp từ Trung Quốc.

Ngoài ra, vào ngày 6/4, các quan chức Chicago CBP thông báo rằng họ đã bắt giữ hơn 100 lô hàng tiền giả, hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 1,64 triệu USD. 

Các lô hàng đã đến Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 31/3. Tiền giả bao gồm các tờ đô-la Mỹ, Euro.

Vào tháng 10 năm ngoái, Hải quan Chicago thông báo họ đã thu giữ hơn 10,6 triệu đô la tiền giả trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020. Trong số 360 lô hàng bị bắt giữ, có 280 lô hàng đến từ Trung Quốc. 

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về buôn lậu hàng giả vào thị trường Mỹ.

CBP đã thực hiện 27.599 vụ bắt giữ hàng giả trong năm tài chính 2019. Những hàng hóa này có thể có giá bán lẻ ước tính hơn 1,5 tỷ USD nếu là hàng thật.

Trong số các vụ bắt giữ năm 2019, 13.293, tương đương 48%, có nguồn gốc từ Trung Quốc, tiếp theo là Hồng Kông với 35% (9.778 vụ bắt giữ).

ĐCSTQ sẽ thử các chiến thuật được sử dụng để chống lại Quốc dân đảng ở Mỹ?

Tony Choi, một người dẫn chương trình truyền hình ở Hồng Kông, cho biết trong  chương trình của mình vào ngày 20 tháng 5 rằng ĐCSTQ có khả năng sử dụng cùng một chiến thuật mà chế độ này đã sử dụng cách đây 75 năm chống lại chính phủ Quốc dân đảng, chính phủ hợp pháp của Trung Quốc vào thời điểm đó, để chống lại Hoa Kỳ. 

Tony Choi nói, “Nếu những tờ tiền giả này tiếp tục được nhập khẩu, chúng có thể làm suy giảm nền kinh tế Hoa Kỳ.”

Choi tin rằng vì chúng ta đang ở trong kỷ nguyên điện tử, tác động của tiền giả đối với Hoa Kỳ sẽ không quá lớn, “ĐCSTQ sẽ sử dụng tiền giả cho các hoạt động tội phạm và các giao dịch bất hợp pháp bao gồm ma túy và vũ khí.”

Vào những năm 1940, trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc giữa ĐCSTQ và chính phủ do Quốc dân đảng lãnh đạo, ĐCSTQ đã thu được một lượng lớn tiền giả từ Liên Xô cũ, và sau đó gửi đến các khu vực do Quốc dân đảng đang kiểm soát bằng nhiều kênh ngầm khác nhau.

Kết quả là, có một lượng tiền thặng dư nghiêm trọng trong các khu vực do Quốc dân đảng kiểm soát, và giá cả của tất cả các loại hàng hóa đều tăng chóng mặt. 

Để giải quyết vấn đề này, vào năm 1948, chính phủ Quốc dân đảng đã quyết định phát hành một loại tiền mới, Nhân dân tệ vàng của Trung Quốc, để thay thế đồng tiền Fabi trước đó. 

Tuy nhiên, động thái này đã làm tê liệt dòng chảy hàng hóa, giá cả liên tục tăng cao và đồng Nhân dân tệ vàng mất giá mạnh. 

Những điều này cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ kinh tế. Chỉ 14 tháng sau, Quốc dân đảng bị đánh đuổi khỏi Trung Quốc, ĐCSTQ lên nắm quyền và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Một bài báo đăng trên tạp chí “Cuối tuần”, có nhà xuất bản là chi bộ đảng của ĐCSTQ ở thành phố Đông Đình, tỉnh Sơn Đông, cũng nói về việc ĐCSTQ vận chuyển một lượng lớn Nhân dân tệ đến các khu vực do Quốc dân đảng kiểm soát.

Bài báo cho biết, mục đích của việc làm đó là “đẩy nhanh sự sụp đổ hoàn toàn của Quốc dân đảng ở Nam Kinh”. 

Tony Choi nói, ĐCSTQ có khả năng đang làm những gì đã làm trước đây,   và “đang sử dụng chiến thuật tương tự, đã sử dụng chống lại Quốc dân đảng cách đây 75 năm, để hạ gục Hoa Kỳ”.

Biến thể Ấn Độ chống lại thuốc kháng thể và vaccine

Reuters

Các thuốc kháng thể và vaccine COVID-19 kém hữu hiệu chống lại biến thể Ấn Độ, theo các nhà nghiên cứu.

Biến thể có tên là B.1.617.2 đã đột biến trở nên và lây nhiễm cao hơn. Biến thể này hiện đang chiếm ngự nhiều nơi tại Ấn Độ và đã lây sang nhiều nước khác. Một toán khoa học gia đa trung tâm tại Pháp nghiên cứu biến thể B.1.617.2 từ một người du lịch từ Ấn Độ trở về.

So sánh với biến thể B.1.1.7 phát hiện đầu tiên tại Anh, biến thể Ấn Độ kháng thuốc kháng thể nhiều hơn, dù ba loại thuốc vừa được chấp thuận vẫn còn hữu hiệu chống lại biến thể Ấn Độ, các nhà khoa học nói.

Kháng thể trong máu của những người đã đánh bại COVID nhưng chưa tiêm chủng và từ những người đã tiêm hai liều vaccine Pfizer cho thấy chống lại biến thể Ấn Độ yếu hơn từ 3 tới 6 lần so với chống lại biến thể Anh và biến thể Nam Phi, theo phúc trình được đưa lên mạng bioRxiv hôm 27/5.

Hai liều vaccine AstraZeneca, không bảo vệ chống biến thể Nam Phi, cũng có thể kém hữu hiệu chống biến thể Ấn Độ. Kháng thể của những người nhận được liều vaccine đầu tiên “không ức chế được” biến thể Ấn Độ này, đồng tác giả Olivier Schwartz từ Viện Pasteur nói.

Cuộc nghiên cứu, ông Schwartz nói thêm, cho thấy sự lây lan nhanh chóng của biến thể Ấn Độ có liên hệ đến khả năng “vượt thoát” ảnh hưởng của kháng thể trung lập.

Mỹ cấm nhập hải sản từ các tàu đánh cá Trung Quốc dùng lao động cưỡng bách

Reuters

Tàu đánh cá Trung Quốc bị Hải quân Indonesia bắt giữ tại vùng biển Natuna của Indonesia.

Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ (CBP) ngày 28/5 áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhắm vào hải sản nhập vào Mỹ từ một đội tàu đánh cá Trung Quốc mà CBP tố cáo sử dụng lao động cưỡng bách, kể cả bạo hành.

CBP cho hay sẽ lập tức chặn giữ các sản phẩm cá ngừ, cá kiếm và những sản phẩm khác từ công ty Dalian Ocean Fishing tại các cửa khẩu nhập cảng của Mỹ.

“Lệnh Ngưng Nhập khẩu” cũng áp dụng cho những sản phẩm sử dụng hải sản từ công ty này, chẳng hạn như cá ngừ đóng hộp và thức ăn cho thú cưng, một giới chức CBP nói.

Các giới chức CBP cho biết cuộc điều tra của họ phát hiện nhiều công nhân Indonesia được thuê làm việc trên các con tàu của Dalian Ocean Fishing trong những điều kiện làm việc thua xa những gì mong đợi và bị đối xử tàn tệ, lương bị giữ, mắc nợ không trả được, bị lạm dụng lao động trong khi điều kiện ăn ở thì tồi tệ.

Trước đây trong tuần, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai kêu gọi chú ý đến vấn đề lao động cưỡng bách trên các tàu cá, đệ trình một đề nghị mới lên Tổ chức Thương mại Thế giới kêu gọi ngăn trợ cấp cho việc đánh bắt bất hợp pháp và yêu cầu các nước thành viên nhìn nhận vấn đề này.

Chính quyền ông Trump, trong tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ vào tháng Giêng năm ngoái, loan báo một lệnh cấm nhập khẩu sâu rộng đối với tất cả sản phẩm bông vải và cà chua từ Tân Cương vì những cáo buộc rằng các sản phẩm này được sản xuất bằng việc cưỡng bách lao động người Uighur.