Miến Điện : Phiên xử đầu tiên nhắm vào bà Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi (T), cựu tổng thống Win Myint (G) và bác sĩ Myo Aung tại tòa án ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 24/05/2021. MRTV via REUTERS – REUTERS TV MRTV via REUTERS – REUTERS TV
Hôm nay, 14/06/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện mở phiên xử đầu tiên nhắm vào cựu lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc nhiều tội danh sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2/2021.
Theo AFP, một tòa án đặc biệt, được canh gác chặt chẽ, đã được lập ra tại Naypiydaw, thủ đô do chế độ tập đoàn quân sự xây dựng trong những năm 1990. Trong buổi đầu tiên, bà Aung San Suu Kyi phải đối chất với những cáo buộc liên quan đến việc nhập khẩu trái phép các bộ điện đàm, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và vi phạm một đạo luật về viễn thông.
Một trong số các luật sư biện hộ cho AFP biết là bà Aung San Suu Kyi – giải Nobel Hòa Bình năm 1991 – bị bắt từ hôm 01/02 và bị quản thúc tại gia, tình trạng sức khỏe vẫn tốt. Cũng theo các luật sư bào chữa, trong ngày hôm nay « tòa sẽ nghe các lời chứng cáo buộc. Bà Aung San Suu Kyi chưa được trình bày. » Trong phiên xử thứ hai, kể từ ngày mai, thứ Ba 15/6, cựu lãnh đạo Miến Điện, cùng với ông Win Myint cựu tổng thống Cộng hòa, bị đưa ra xét xử vì tội « phản loạn ».
Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, còn bị buộc tội vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa và tội tham nhũng.
Ngày 10/06, báo chí Miến Điện đưa tin, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội đã nhận hối lộ hơn nửa triệu đô la và một chục kí lô vàng.
Với hai tội danh này, tập đoàn quân sự chưa cho biết rõ ngày giờ mở phiên xử cụ thể.
Hãng tin Pháp nhận định, nếu bà Aung San Suu Kyi bị kết tội, bà có nguy cơ lãnh án nhiều năm tù dài. Bà Debbie Stothard, điều phối viên của mạng lưới Alternative ASEAN lấy làm quan ngại cho rằng « lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing quyết tâm muốn bà Aung San Suu Kyi kết thúc quãng đời còn lại trong trại giam ». Theo bà Stothard, thế giới « sẽ phải chứng kiến một phiên xử nặng tính trình diễn được thôi thúc bởi những lý do chính trị ».
Quân đội cáo buộc phe nổi dậy hạ sát công nhân
Còn theo hãng tin Reuters, tập đoàn quân sự Miến Điện hôm nay, 14/06/2021, thông qua tờ Global New Light of Myanmar – cơ quan truyền thông do quân đội kiểm soát, cáo buộc phe nổi dậy đã giết hại 25 công nhân tại một công trường xây dựng ở miền đông Miến Điện, sau khi đã bắt cóc 47 người hồi tháng 05/2021.
Hãng tin Anh cho biết chưa thể liên lạc được với Tổ chức Quốc Phòng Karen (KNDO) để bình luận về những cáo buộc trên. Tương tự, phát ngôn viên của quân đội cũng không trả lời các cuộc gọi của hãng tin để cung cấp thêm chi tiết. Reuters khẳng định chưa thể thẩm định độc lập các chi tiết của sự cố hay danh tính của những người được cho là đã thiệt mạng này.
Đối lập ủng hộ người Rohingya trên mạng xã hội
AFP, hôm qua, 13/06/2021, phong trào phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đăng đầy những tấm ảnh bày tỏ tình liên đới với người Rohingya, một nhóm sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo. Kể từ khi giới quân sự lật đổ chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, phong trào phản kháng chống quân đội đảo chính, kêu gọi tái lập nền dân chủ, còn đưa thêm những đòi hỏi, kêu gọi đấu tranh cho các quyền của những sắc tộc thiểu số.
NATO họp thượng đỉnh, đối mặt các thách thức chính sách
Các lãnh đạo NATO hôm nay sẽ có tâm thế lạc quan khi bước vào cuộc gặp trực tiếp lần đầu của họ trong hơn 18 tháng qua tại hội nghị thượng đỉnh Brussels. Donald Trump, người thường xuyên chỉ trích liên minh này, đã được thay thế bởi Joe Biden, người ủng hộ nó một cách nồng nhiệt. Họ có nhiều việc phải làm. Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường quân đội quanh Ukraine, Belarus bắt cóc một máy bay châu Âu, còn Afghanistan ngày càng trở nên bất ổn hơn trong bối cảnh quân đội Mỹ và NATO khẩn trương rút quân.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh cũng được coi là cơ hội để NATO “chứng minh tương lai”, với trọng tâm mới là biến đổi khí hậu, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay mối đe dọa từ Trung Quốc. Kết quả rõ ràng nhất có thể là một cơ chế “gia tốc” công nghệ quốc phòng, cho phép các nhà sản xuất công nghệ quân sự tiên tiến tìm kiếm nhà đầu tư ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Sau khi trải qua những năm tháng dưới thời Trump, NATO muốn đảm bảo nó có thể tồn tại trong những thập niên tới.
Biden gặp Erdogan ở hội nghị NATO
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, từ đó định hình quan hệ giữa hai đồng minh này trong nhiều năm tới. Ông Biden sẽ có động thái cuối cùng để thuyết phục ông Erdogan từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga cách đây vài năm. (Ban đầu, Mỹ phản đối thương vụ này bằng cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ).
Với việc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn, ông Erdogan có thể bớt hiếu chiến hơn bình thường: ông sẽ không muốn một cuộc khủng hoảng mới với Mỹ. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang trải qua một năm tồi tệ, đã tăng giá sau khi có tin đồn hai nước sẽ thỏa hiệp. Không chỉ các nhà đầu tư mới theo dõi sát sao câu chuyện. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã dùng thương vụ bán S-400 để chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, sẽ muốn xem liệu khoản đầu tư của ông có thành công hay không.
Chính sách tiền tệ khác lạ của Ấn Độ giữa nguy cơ lạm phát
Phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch đang gây khó cho ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Brazil, Nga và Trung Quốc đều đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch còn chưa chấm dứt. Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho rằng lạm phát cao ở Nga cũng như các nơi khác sẽ dai dẳng hơn tưởng tượng ban đầu.
Nhưng Ấn Độ, nguyên âm trong từ viết tắt “BRICS”, đã có một lựa chọn khác. Số liệu công bố hôm nay có thể cho thấy lạm phát vẫn ở trên mục tiêu 4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, một phần vì chi phí nhiên liệu tăng. Nhưng trong tháng này họ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử, đồng thời thông báo mua thêm trái phiếu chính phủ và tăng tài trợ đặc biệt cho các ngân hàng cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp “tiếp xúc nhiều”, chẳng hạn như các khách sạn và tiệm làm đẹp. Thống đốc Shaktikanta Das cho biết: “Trong những ngày thử thách này, điều quan trọng là phải tập trung tiêu diệt virus.” Xem ra ngân hàng sợ dịch bệnh hơn lạm phát.
G7 không đạt nhiều tiến triển trong vấn đề môi trường
Hôm qua Sir David Attenborough, một nhà tự nhiên học lớn tuổi được kính trọng, đã cảnh báo các lãnh đạo thế giới đang họp tại Cornwall rằng các quyết định của họ về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường sẽ là “quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại”.
Nhưng hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay hầu như không tạo ra được tiến triển đáng kể. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố một quỹ trị giá 500 triệu bảng Anh (705 triệu đô la) để bảo vệ các đại dương, mang lại lời hứa sau tuyên ngôn năm 2019 của đảng ông. Trong thông cáo chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G7 cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu và tiến hành chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhưng họ không nói rõ chi tiết về cách làm – trong khi những cam kết này đã nói mãi từ năm 2009 – khiến các nhà môi trường tỏ ra nghi ngờ (một số nhóm xanh đã biểu tình tại hội nghị thượng đỉnh). Các nhà lãnh đạo cũng hứa “đẩy nhanh” việc giảm sử dụng than, nhưng tiếp tục không đặt ra mục tiêu cụ thể nào.
Các nhà lập pháp Texas đề xuất dự luật cấm thành viên ĐCSTQ mua bán bất động sản ở Hoa Kỳ
Đại diện Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Texas Chip Roy (ảnh: Youtube/News 4 (WOAI)).
Để ngăn chặn ĐCSTQ thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào Hoa Kỳ, Đại diện Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Texas – Chip Roy đã đề xuất một dự luật vào thứ Sáu (11/6) nhằm cấm các thành viên ĐCSTQ mua đất đai hoặc bất động sản tại Hoa Kỳ.
Ngoài 50 tiểu bang, lệnh cấm mua bất động sản được đề xuất cũng mở rộng đến bất kỳ lãnh thổ nào thuộc sở hữu của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Puerto Rico, Quần đảo Bắc Mariana, Samoa, Guam và Virgin thuộc Hoa Kỳ.
Ông Roy cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, trong quá trình tìm kiếm quyền lực toàn cầu, ĐCSTQ đã và đang mua đất và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Cần phải có những hành động nghiêm túc để đánh bại sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các tài sản nội địa có giá trị chiến lược ở Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tính đến ngày 31/12/2019, người nước ngoài kiểm soát hơn 35,2 triệu mẫu Anh đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ, chiếm 2,7% tổng số đất nông nghiệp do tư nhân nắm giữ, chiếm 1,5% tổng diện tích đất của cả nước. Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu khoảng 191.652 mẫu Anh đất.
Dựa trên số liệu này, ông Roy nhận định: “Đây là một mối đe dọa an ninh quốc gia rất lớn. Chúng ta không nên để đất Mỹ bị kiểm soát bởi các đối thủ của Mỹ”.
Tại tiểu bang Texas, một công ty năng lượng Trung Quốc đã mua hơn 130.000 mẫu Anh đất gần Căn cứ Không quân Laughlin và hiện đang chuẩn bị xây dựng một trang trại điện gió để đưa vào lưới điện của Hoa Kỳ.
Không chỉ Hoa Kỳ, tại Úc, Trung Quốc còn là chủ đất nước ngoài lớn thứ 2. Một công ty bất động sản Trung Quốc đã mua một hòn đảo của Úc và sau đó ngăn cản cư dân Úc sinh sống ở đó.
Năm 1993, tư bản Trung Quốc thuê sân bay Merredin từ chính phủ Úc trong thời hạn 100 năm. Giờ đây, Bắc Kinh đã sở hữu không phận này, công dân Úc không thể hạ cánh xuống đất nước của họ mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc.
Do Thái đổi ngôi
Tân thủ tướng Israel Naftali Bennett. Nguồn: Calcalistech
Với số phiếu 60/59, quốc hội Do Thái (Knesset) hôm 13/6/21 chấm dứt 12 năm liên tục nắm quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu từ 31/3/2009.
Thủ tướng mới là ông Naftali Bennett tuyên thệ nhậm chức cùng ngày. Bennett trở thành thủ tướng với tư cách là thủ lĩnh của Yamina, một đảng cực hữu chỉ có 7 ghế.
Trong kỳ bầu cử 23/3/21 vừa qua, số ghế được chia cho các đảng phái như sau:
– Likud 30
– Yesh Atid 17
– Shas 9
– Blue and White 8
– Yamina 7
– Labor 7
– UTJ 7
– Yisrael Beiteinu 7
– Religious Zionist Party 6
– Joint List 6
– New Hope 6
– Meretz 6
– Ra’am 4
Ngày 2/6/21, thủ lĩnh đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid tuyên bố thành lập chính phủ liên minh mới và chọn ông Naftali Bennet làm thủ tướng, sau đó 2 năm tới phiên ông Lapid.
Đảng ông Lapid có lập trường trung dung, nắm 17 ghế, đã thỏa thuận được với các đảng khác nhau để chấm dứt việc nắm quyền của ông Netanyahu. Thỏa thuận này đặt ông Bennett vào vị trí đứng đầu một liên minh bao gồm các đảng từ cánh hữu sang cánh tả và Ả Rập, mà điểm chung lớn là muốn hạ ông Netanyahu.
Những sự khác biệt lớn giữa các đảng trong liên minh mới này làm cho liên minh khó tìm ra điểm chung cho các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như chính sách đối với Nhà nước Palestine ở Bờ Tây, cách quản lý mối quan hệ với Gaza. Đó là chưa nói tới việc Mỹ và cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy làm sống lại tiến trình thương thảo hòa bình giữa Do Thái và Palestine, điều mà chính phủ mới này khó xử lý vì 2 trong số các đảng của liên minh phản đối việc thành lập một nước Palestine.
Có lẽ ông Bennett sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội trong 2 năm ông làm thủ tướng như sự quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước, giá cả sinh hoạt và tiêu chuẩn sống.
Do Thái đã không thể thông qua ngân sách kể từ tháng 3/2018, chính phủ mới có 3 tháng để đạt được điều này, nếu không quốc hội sẽ giải tán chính quyền và tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Tân thủ tướng Bennet bắt đầu sự nghiệp chính trị của ông với tư cách là chánh văn phòng của Netanyahu, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục… nhưng luôn nằm dưới quyền của Netanyahu.
Do Thái theo chế độ đại nghị, đảng nào chiếm đa số trong quốc hội, hoặc một mình hoặc liên minh với các đảng nhỏ khác, sẽ cầm quyền.
Có đến 4 cuộc bầu cử trong 2 năm qua nhưng vẫn luôn bế tắc vì Do Thái có rất nhiều đảng để tranh 120 ghế quốc hội, không đảng nào chiếm đa số và không đảng nào tạo được thế liên minh quá bán.
***
Nước Do Thái được thành lập năm 1948, gia nhập Liên Hiệp Quốc 1949, đánh với các nước Ả Rập láng giềng năm 1967 và 1973, ký hiệp ước hoà bình với Ai Cập năm 1979 và Jordan 1994.
Từ chiến tranh 1967, Do Thái kiểm soát West Bank và Gaza Strip, và rút ra khỏi Gaza năm 2005.
Do Thái có tổng sản lượng (GDP) khoảng 395 tỷ đô la (2019), kinh tế dựa vào công nghệ cao và khí đốt ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, có những yếu kém dài hạn như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp của cộng đồng thiểu số, lực lượng lao động có năng suất thấp, chi phí đắc đỏ cho nhà cửa và nhu yếu phẩm, và thiếu cạnh tranh, luôn là mối quan tâm của người dân và các chính trị gia.
Do Thái có diện tích 21,937 km2, rất nhỏ, tương đương tiểu bang New Jersey, ngồi trên máy bay có thể nhìn hết được đất nước này.
Do Thái có khoảng 8.8 triệu dân mà trong đó 74.4% gốc Do Thái, 20.9% gốc Ả Rập và 4.7% là các sắc dân khác.
So với VN có dân số khoảng 103 triệu và tổng sản lượng khoảng 260 tỷ đô la (2019), thì Do Thái thuộc hạng dân giàu nước mạnh.
G7 lần đầu tiên kêu gọi hòa bình và ổn định cho vùng eo biển Đài Loan
Hội nghị bàn tròn tại thượng đỉnh G7 mở rộng đến một số nước được mời tham dự như Úc, Hàn Quốc … ở Cornwall, miền nam nước Anh. Ảnh ngày 12/06/2021. AP – Leon Neal
Thượng đỉnh G7 họp ba ngày, khép lại hôm qua, Chủ Nhật 13/06/2021. Giới quan sát ghi nhận một thay đổi đang chú ý trong lập trường của G7 trong quan hệ với Trung Quốc tại thượng đỉnh này. Lần đầu tiên các vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan được nêu ra trong một bản tuyên bố chung của G7, kể từ khi khối thành lập năm 1975.
Tuyên bố chung, được đưa ra sau thượng đỉnh G7 tại Cornwall, « nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, và cổ vũ cho một giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ eo biển ». Ngay sau Tuyên bố chung của G7, phát ngôn viên Phủ tổng thống Đài Loan Xavier Chang (Trương Đôn Hàm) đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc, ghi nhận sự ủng hộ của G7, việc lần đầu tiên khối bảy cường quốc công nghiệp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của « hòa bình và ổn định tại eo biển » Đài Loan. Phủ tổng thống Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẽ « cương quyết duy trì chế độ dân chủ và bảo vệ các giá trị phổ quát của nhân loại ».
Nội dung liên quan đến Đài Loan trong Tuyên bố chung của G7 được đặt trong phần về chủ trương xây dựng một « vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở, không loại trừ ai, và dựa trên luật pháp ». Cũng trong mục này, khối G7 bày tỏ « quan ngại sâu sắc về tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông, và lên án mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng », ngụ ý nhắc đến các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, khối G7 kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, đặc biệt liên quan đến vùng Tân Cương, cũng như nhân quyền, các quyền tự do, và quy chế tự trị của Hồng Kông, được khẳng định trong Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc, và Luật Cơ bản » của Hồng Kông.
Trung Quốc lên án Tuyên bố chung của G7
Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông là những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan. Hôm nay, 14/06, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết rất bất bình và kiên quyết phản đối các nội dung liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, bị tố cáo là xuyên tạc sự thật.
Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh rằng những vấn đề nói trên « thuộc công việc nội bộ » của Trung Quốc, và khẳng định Trung Quốc « sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống bất cứ hành vi bất công và xâm phạm đối với Trung Quốc ».
Dự án 100 tỉ đô la/năm
Cũng về Trung Quốc, bên cạnh các lĩnh vực nhân quyền, an ninh, Tuyên bố chung khối G7 hôm qua thông báo quyết định của khối đầu tư 100 tỉ đô la/năm cho dự án đối trọng với « Những Con đường Tơ lụa Mới » của Bắc Kinh. Đặc phái viên Clea Broadhurst tường trình từ Cornwall :
« Bắc Kinh chính thức trong tầm ngắm của các lãnh đạo G7. Cách nay 3 năm, Trung Quốc không được dẫn ra trong các thông điệp của thượng đỉnh G7, giờ đây Bắc Kinh rõ ràng được chỉ ra như một đối thủ, một thế lực cạnh tranh, thậm chí một địch thủ.
Cạnh tranh đang diễn ra : để thúc đẩy một nền kinh tế xanh, bảy cường quốc công nghiệp phát triển quyết định sẽ đầu tư mạnh, với 100 tỉ đô la/năm, vào các cơ sở hạ tầng của các nước nghèo tại châu Phi, châu Á, và kể cả châu Mỹ Latin.
Đây chắc chắn là một sáng kiến hướng đến một tương lai phát triển bền vững, nhưng cũng là một cách để ngăn chặn các bước tiến của Trung Quốc. Dự án 100 tỉ đô la/năm nói trên do tổng thống Mỹ khởi xướng sẽ cạnh tranh với dự án « Những Con đường Tơ lụa Mới », tức các đầu tư ồ ạt của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài.
Dự án do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tung ra vào năm 2013. Theo các dữ liệu của các thị trường tài chính về cơ sở hạ tầng hồi năm ngoái, hơn 2.600 dự án với tổng cộng khoảng 3.000 tỉ euro liên quan đến dự án của Trung Quốc. Gần 100 quốc gia đã ký với Bắc Kinh các thỏa thuận về phát triển đường sắt, cảng biển, xa lộ, hay các loại cơ sở hạ tầng khác ».
TP HCM: Sở y tế đề xuất giãn cách thêm 14 ngày
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP HCM theo chỉ thị 15 thêm 14 ngày.
Đó là quyết định của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giảm cấp áp dụng giãn cách xã hội từ theo chỉ thị 16 xuống theo chỉ thị 15.
Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0h ngày 15/6 như chỉ đạo trước đó, TP HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0h ngày 30/6.
Nhiều người dân TP HCM đã viết trên Facebook động viên nhau với những lời chia sẻ như “Sài Gòn cố lên thêm 2 tuần nữa”, “Cả nước cùng đồng lòng chống dịch”, “Thêm 2 tuần nghỉ với sáng ở nhà, đêm coi bóng đá”.
Trước đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng cần thiết giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, tương ứng một chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới hiện nay.
Ông Nên lưu ý rằng với những nơi có nguy cơ cao, dự liệu những tình huống khó đoán định, khó kiểm soát thì có thể áp dụng những biện pháp phòng chống dịch cao hơn. Những nơi đảm bảo an toàn, có thể đảm bảo kiểm soát được có thể áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 19.
Còn phía Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng toàn TP HCM kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) tiếp tục giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị 15 từ ngày 15/6. Vì hiện hai khu vực này đang thực hiện Chỉ thị 16.
Lý giải việc này, ông Bỉnh cho rằng mầm bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng, sự xuất hiện liên tiếp hàng loạt các chuỗi lây nhiễm trong TP thời gian khoảng giữa tháng 5 cho thấy nhiều khả năng dịch xâm nhập vào thành phố vào đầu tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ và đã lây lan âm thầm.
Như vậy, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh dịch.
Kiến nghị này được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM sáng 14/6 khi thành phố đã ghi nhận 819 ca nhiễm – xếp thứ ba cả nước và trải qua 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Tình hình dịch bệnh tại TP HCM khá phức tạp với cụm lây nhiễm mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Điểm dịch này được phát hiện từ ngày 11/6 khi một nhân viên phòng Công nghệ thông tin được xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ. Bệnh viện đã khẩn trương sàng lọc, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Đến nay, 53 nhân viên đã có kết quả dương tính.
Trước đó, theo ông Bỉnh, cụm lây nhiễm liên quan đến nhóm Truyền giáo Phục Hưng với các hội viên của điểm nhóm này cư ngụ tại 16/22 quận, huyện, thành phố đã làm lây lan dịch bệnh ra 20/22 quận huyện và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu).
Tính từ ngày 26/5 đến nay, thành phố có có tổng cộng 463 trường hợp dương tính liên quan điểm nhóm tôn giáo này.
Ngoài ra, TP HCM vẫn có những ổ dịch khác như ở xưởng cơ khí Hóc Môn và Khách sạn Đệ Nhất; chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân); quán bánh cánh O Thanh (hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)…Chính vì tình hình này, nhiều người cho rằng TP HCM cần tiếp tục giãn cách xã hội.
Trước đó, hôm 1/6, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trí Dũng xin dừng giãn cách theo Chỉ thị 16: “Tình hình chung của quận đang có chiều hướng tốt, trong vài ngày tới nếu số ca nhiễm trong cộng đồng không tăng thì chỉ cần giãn cách theo Chỉ thị 16 hết 15 ngày là đủ”, ông Dũng thêm rằng người dân, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn cần được chia sẻ.
Trong khi Chủ tịch UBND quận 12, ông Lê Trương Hải Hiếu thì đề xuất: “Nếu không có gì thay đổi, sau 15 ngày toàn quận đề nghị tiếp tục cách ly theo Chỉ thị 15”.
Cảnh sát nghỉ việc tăng vọt sau cái chết của George Floyd
Người biểu tình sau cái chết của George Floyd (ảnh: Geoff Livingston/ Flickr).
Theo dữ liệu từ Diễn đàn Nghiên cứu Điều hành Cảnh sát (PERF) mà hãng tin AP tiếp cận được, một số cơ quan cảnh sát ở Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng gần 45% số người nghỉ việc sau khi George Floyd, một người có nhiều tiền án, bị một sĩ quan ngộ sát.
Chuck Wexler, người đứng đầu một cơ quan cảnh sát tại Washington, nói với hãng tin AP rằng: “Đó là một lời cảnh tỉnh”.
Ông Wexler lưu ý có một “cuộc khủng hoảng đang diễn ra” đối với các phòng nhân sự khi số lượng nhân viên bị thu hẹp và tội phạm gia tăng tạo ra một “hỗn hợp dễ bắt lửa”. PERF cho hay, số lượng cảnh sát được tuyển dụng cũng đã giảm 5%.
Vụ ngộ sát George Floyd diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2020 đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn nước Mỹ. Nhiều tổ chức thiên tả như Black Lives Matter, Antifa đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình này. Người biểu tình kêu gọi sa thải cảnh sát hoặc cắt giảm ngân sách hoạt động cho lực lượng này.
Theo New York Post, tình cảm chống lại cảnh sát của một bộ phận người Mỹ đã tăng lên khi nhiều quan chức các cấp yêu cầu cảnh sát phải báo cáo và giải trình hoạt động của mình nhiều hơn. Điều này đã dẫn tới sự suy sụp tinh thần làm việc của lực lượng cảnh sát.
Tổng thống Thái Anh Văn xin lỗi vì Covid-19 bùng phát ở Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Youtube/ETtoday新聞雲).
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 11/6 đã gửi xin lỗi đến người dân vì đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng dẫn đến nhiều ca nhiễm và tử vong, theo trang SCMP.
Bà Thái viết trên Twitter: “Mỗi người Đài Loan bị nhiễm, hoặc thậm chí tử vong, đều là một phần trong cộng đồng lớn hơn của chúng ta. Với tư cách lãnh đạo của mọi người, tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời chia buồn và xin lỗi sâu sắc nhất của tôi”.
Tuyên bố của bà Thái được đưa ra khi đảo Đài Loan đánh dấu một tháng đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng bắt đầu. Kể từ 10/5, ca nhiễm trên đảo đã tăng từ một chữ số lên ba chữ số chỉ trong vài ngày.
Giới chức y tế Đài Loan hôm 12/6 báo cáo thêm 251 ca nhiễm và 26 ca tử vong, giảm nhẹ so với 287 ca nhiễm và 28 ca tử vong một ngày trước đó. Hòn đảo hiện ghi nhận tổng cộng 12.746 ca nhiễm và 411 ca tử vong, phần lớn xuất hiện trong đợt bùng phát hiện nay.
Cơ quan y tế Đài Loan cho biết chính quyền đang đàm phán với công ty dược phẩm Moderna của Mỹ về sản xuất vaccine theo giấy phép. Nhật cuối tuần trước chuyển cho Đài Loan 1,24 triệu liều vaccine Covid-19, trong khi Mỹ cũng cam kết chuyển cho hòn đảo 750.000 liều.