Tin tức thế giới ngày Thứ tư 21 tháng 7 năm 2021

Share this post on:

Khảo sát cho thấy hai phần ba người Ấn Độ có kháng thể virus corona

Tác giả: Heavens và Edmund Blair

20 Tháng Bảy (Reuters) – Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Ba từ một cuộc khảo sát 29.000 người trên toàn quốc được thực hiện vào tháng Sáu và tháng Bảy, hai phần ba dân số Ấn Độ có kháng thể chống lại virus corona.

Cuộc khảo sát huyết thanh quốc gia lần thứ tư nhằm kiểm tra kháng thể, được gọi là cuộc khảo sát huyết thanh, bao gồm 8.691 trẻ em từ 6-17 tuổi tham gia khảo sát lần đầu tiên. Một nửa trong số đó là huyết thanh dương tính.

Cuộc khảo sát cho thấy 67,6% người lớn có huyết thanh dương tính, trong khi hơn 62% người lớn chưa được tiêm chủng. Tính đến tháng 7, chỉ khoảng 8% người Ấn Độ trưởng thành đủ điều kiện đã được tiêm hai liều vắc xin.

Cuộc khảo sát cho thấy khoảng 400 triệu trong số 1,4 tỷ người của Ấn Độ không có kháng thể.

Số ca mắc hàng ngày của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng sau khi đợt thứ hai làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo chính quyền không nên nhanh chóng mở cửa các thành phố trở lại và bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải tại các địa điểm du lịch.

Cố vấn hàng đầu của chính phủ, ông Vinod Kumar Paul, nói trong một cuộc họp báo rằng “Làn sóng thứ hai vẫn dai dẳng. Có rất nhiều nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.”

“Một phần ba, dù ở đâu, … vẫn dễ bị tổn thương và do đó đại dịch vẫn chưa kết thúc”, ông nói.

Nghiên cứu cũng khảo sát 7.252 nhân viên y tế và phát hiện 85% có kháng thể, với 1/10 chưa tiêm chủng.

Tháng trước, dữ liệu cho thấy ít nhất một nửa số người dưới 18 tuổi ở thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ đã tiếp xúc với COVID-19 và có kháng thể.

Một số chuyên gia đã nói rằng một làn sóng thứ ba có thể tấn công trẻ em. Mumbai đã cùng với các thành phố khác chuẩn bị xây dựng khoa nhi lớn.

Cũng theo khảo sát hồi tháng 6/2021 tại Mumbai, số người có kháng thể khi đó là 1/2.

Nguồn: Reuters

Mỹ: Tỷ phú Jeff Bezos lên không gian bằng hỏa tiễn riêng

Tỷ phú Jeff Bezos trong phi thuyền Blue Origin hôm 20/7. (AFP PHOTO / Blue Origin)

Hôm 20/7, tỷ phú Mỹ Jeff Bezos bay vào vũ trụ trong chuyến bay đầu tiên được phóng bằng tên lửa của công ty ông, trở thành tỷ phú thứ hai chỉ trong hơn một tuần qua lên không gian bằng phi thuyền riêng, theo AP.

Người sáng lập hãng Amazon được tháp tùng bởi một nhóm được chọn lọc kỹ lưỡng: em trai của ông, một thanh niên 18 tuổi đến từ Hà Lan và một nhà tiên phong trong ngành hàng không 82 tuổi đến từ Texas – hai người này là người trẻ nhất và lớn tuổi nhất từng bay trong không gian.

Khi phi thuyền đáp xuống bề mặt sa mạc ở miền Tây Texas sau chuyến bay kéo dài 10 phút, ông Bezos nói: “Ngày tuyệt vời nhất từ trước đến nay!”

Được đặt theo tên phi hành gia đầu tiên của Mỹ, phi thuyền New Shepard được phóng vào dịp kỷ niệm 52 năm ngày tàu Apollo 11 hạ cánh lên mặt trăng.

Trong tháng này, ông Bezos từ chức Giám đốc điều hành của tập đoàn Amazon, và vào tuần trước đã quyên góp 200 triệu đôla để cải tạo Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ.

Hôm 11/7, tỷ phú người Anh Richard Branson cũng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm của công ty Virgin Galactic vào không gian.

S&P Global cảnh báo Nike sắp cạn giày thể thao sản xuất ở Việt Nam vì COVID

Giày thể thao Nike trong một cửa hàng ở New York. Chuỗi cung ứng của hãng giày thể thao hàng đầu của Mỹ đứng trước nguy cơ gián đoạn vì các nhà máy của họ ở Việt Nam bị tạm đóng cửa.

Nike có nguy cơ hết giày thể thao được sản xuất ở Việt Nam khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, theo cảnh báo của S&P Global Market Intelligence.

Cảnh báo được đưa ra sau khi hai trong số các nhà cung ứng của Nike ở Việt Nam, Chang Shin Vietnam Co. và Pou Chen Corp., gần đây phải dừng sản xuất do đợt bùng phát mạnh virus corona tại quốc gia Đông Nam Á và trong khu vực. Các nhà máy hợp đồng tại Việt Nam của Nike sản xuất khoảng 50% tổng số giày dép mang nhãn hiệu của hãng giày hàng đầu của Mỹ.

Một báo cáo mới của S&P Global Market Intelligence, chuyên cung cấp dữ liệu và thông tin tài chính thị trường, cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nike và chiếm 49% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển của Hoa Kỳ liên quan đến Nike và các sản phẩm của hãng này trong quý 2 năm nay.

Phân tích mới của Panjiva, một bộ phận kinh doanh của S&P Global Market Intelligence, cho biết nhập khẩu của Nike từ Việt Nam phần lớn là giày dép, chiếm 82% các lô hàng trong 12 tháng tính đến ngày 30/6.

Các nhà cung cấp của Nike ở Việt Nam nằm trong số nhiều hãng xưởng lớn tại quốc gia Đông Nam Á phải tạm dừng hoạt động vì đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần thứ 4 tại Việt Nam, được coi là tồi tề nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn 1 năm qua. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Pouyen Việt Nam – với nhà máy sản xuất giày dép lớn nhất thế giới cung cấp cho các nhãn hiệu như Nike và Adidas – phải tạm đóng cửa vì không thể đáp ứng yêu cầu “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơ tại chỗ” của chính quyền TPHCM, nơi đang là tâm dịch lớn nhất của Việt Nam với hàng nghìn ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.

Trước đó hồi tháng 5, khi đợt bùng phát thứ 4 mới bắt đầu trong cộng đồng ở các tỉnh miền Bắc, tập đoàn công nghệ Foxconn, nhà sản xuất linh kiện lớn nhất của Apple, cũng bị dừng sản xuất trong một thời gian ngắn ở khu công nghiệp Bắc Giang, gây lo ngại cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự gián đoạn trong sản xuất của các nhà máy ở Việt Nam đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Nike và những nhãn hàng khác khi ngành hàng bán lẻ đang bước vào mùa tựu trường quan trọng ở Mỹ, theo nhận định của CNBC. Kênh truyền hình này cho rằng các công ty có thể đã nhận và tích trữ hàng hoá cho đến hết mùa thu nhưng bây giờ là lúc nhiều doanh nghiệp ở Mỹ sẽ đặt hàng cho những ngày lễ. Những trở ngại khác, theo CNBC, còn bao gồm tình trạng thiếu container hàng hoá và thiếu chỗ chứa tại các hải cảng, đã khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn trong những tháng gần đây.

“Sức khoẻ và sự an toàn của các đồng nghiệp cũng như của các nhà cung ứng của chúng tôi vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi,” một người phát ngôn của Nike cho CNBC và Yahoo Finance biết qua một tuyên bố bằng email. Người phát ngôn này nói rằng Nike “đang tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp của mình để hỗ trợ những nỗ lực của họ” nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Giám đốc tài chính của Nike, Matt Friend, được CNBC trích lời nói trong một cuộc họp vào tháng trước, rằng theo dự báo của công ty, sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và chi phí hậu cần cao hơn sẽ kéo dài trong phần lớn năm tài khoá 2022. Theo ông, nhu cầu từ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp đã vượt quá nguồn cung. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng ở Mỹ có thể thấy các lựa chọn bị hạn chế hoặc thấy một số mặt hàng hoàn toàn hết hàng khi họ đi mua sắm ở các cửa hàng hoặc trên mạng trong những tháng tới.

Miến Điện lao đao với đợt dịch Covid thứ ba

Người dân địa phương xếp hàng chờ nạp ôxy vào bình vào lúc Covid-19 bùng phát mạnh tại Rangoon, Miến Điện, ngày 14/07/2021. REUTERS – STRINGER

Miến Điện đang phải đối phó một làn sóng dịch Covid mới với trên 5.000 ca dương tính mỗi ngày, trong khi hồi đầu tháng Năm chỉ khoảng 50 ca. Tổng cộng có 5.000 người đã chết vì đại dịch, một con số được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.

Tại đất nước đang hỗn loạn từ sau vụ đảo chính hôm 01/02, mọi phương tiện đều thiếu thốn, từ giường bệnh, bình ôxy cho đến xét nghiệm, vac-xin…Tất cả các bệnh viện đều do quân đội kiểm soát, đa số y bác sĩ phản đối bằng cách đình công nhưng vẫn tiếp tục chữa trị người bệnh một cách âm thầm. Trả lời thông tín viên Yelena Tomitch, một bác sĩ kêu gọi trợ giúp khẩn cấp :

« Chúng tôi mong có được sự hỗ trợ của nước ngoài vì tập đoàn quân sự đang bỏ mặc người dân. Chúng tôi cần ôxy, thuốc men, và tại một số vùng cần cả thực phẩm. Chính phủ trước đây quản lý tốt hai đợt dịch đầu tiên, và phục vụ nhu cầu y tế của phân nửa dân số. Dưới thời quân đội, chúng tôi không có đủ vac-xin. Tại các trung tâm cách ly chẳng có gì cả, không có giường nằm lẫn mền gối. Chính quyền quân sự không đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện về vật liệu và ôxy.

Tuần trước, hai trong số các bạn bác sĩ của tôi đang chữa trị cho bệnh nhân Covid đã bị quân đội bắt giữ. Tập đoàn quân sự đã câu lưu 5 bác sĩ ở Rangoon và 4 bác sĩ ở Mandalay. Tình hình rất tệ hại. Trong vài tuần nữa hoặc tháng tới, sẽ có rất nhiều bệnh nhân Covid tử vong vì chính quyền quân sự. Chúng tôi cần được trợ giúp, xin vui lòng giúp đỡ Miến Điện ! »

Ấn Độ : Số người chết vì Covid có thể cao gấp 10 con số chính thức

Một nghiên cứu do Center for Global Development có trụ sở tại Washington DC Hoa Kỳ và Luân Đôn Anh Quốc thực hiện cho thấy, số người chết tại Ấn Độ liên quan đến Covid có thể cao gấp 10 lần số liệu chính thức, lên đến 4 triệu người – trực tiếp hay gián tiếp. Báo cáo nhấn mạnh đây là thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ khi Ấn Độ độc lập.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo những lỗ hổng trong hệ thống y tế có thể dẫn đến cách biệt giữa số tử vong trên giấy tờ và trên thực tế. Những tuần lễ gần đây, nhiều bang đã chỉnh lại số liệu, tăng con số nạn nhân thiệt mạng.

Việt Nam đạt được một thỏa thuận với Mỹ trong hồ sơ « thao túng tiền tệ »

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 23/06/2021. REUTERS – POOL

Ngày 19/07/2021, Việt Nam và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến hồ sơ « thao túng tiền tệ ». Phía Việt Nam cam kết sẽ không cố tình giảm giá tiền « đồng » để được lợi về xuất khẩu và sẽ minh bạch hơn về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Thông báo chung của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen và thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đăng trên trang mạng của bộ Tài Chính Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến « những cuộc đàm phán mang tính xây dựng » trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ cho rằng những nỗ lực từ phía Việt Nam không chỉ đáp ứng các mối quan tâm của Hoa Kỳ mà còn giúp thúc đẩy hơn nữa « sự phát triển, cũng như nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của thị trường tài chính Việt Nam ».

Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, trọng tâm chính sách tiền tệ là « thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát » và « không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế ».

Thông cáo chung cũng khẳng định « Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác tin cậy với tình hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau ». Phía Việt Nam « sẽ tiếp tục duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước », theo phát biểu trong buổi họp báo ngày 20/07 của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng.

Việt Nam nhiều lần bị cáo buộc « thao túng tiền tệ » và bán phá giá một số mặt hàng (cao su, gỗ…) dưới thời tổng thống Donald Trump. Trong báo cáo vào tháng 12/2020 tại Quốc Hội, bộ Tài Chính Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ « trên quy mô lớn, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, để ngăn tăng giá tiền đồng ». Đến tháng 04/2021, Việt Nam không còn nằm trong danh sách các nước « thao túng tiền tệ » nhưng vẫn bị cảnh cáo, cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, là vượt ngưỡng được phép chiểu theo một đạo luật năm 2015.

Tổng thống Pháp Macron được xác định là mục tiêu của phần mềm gián điệp

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Các quan chức Pháp nói rằng nếu đúng thì các báo cáo về Tổng thống Macron sẽ rất nghiêm trọng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong số các nhà lãnh đạo thế giới được cho là đã bị nhắm mục tiêu truy cập trộm (hack) điện thoại bằng phần mềm gián điệp, các báo cáo truyền thông cho biết.

Phần mềm gián điệp này, được gọi là Pegasus, lây nhiễm vào điện thoại và cho phép người điều khiển theo dõi mục tiêu của họ.

Các nhà lãnh đạo nằm trong danh sách khoảng 50.000 số điện thoại của những người được cho là đáng quan tâm đối với khách hàng của công ty NSO Group – có trụ sở tại Israel – quan tâm. Danh sách này đã bị rò rỉ cho các hãng thông tấn lớn.

NSO phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Công ty NSO nói rằng phần mềm được thiết kế để sử dụng chống lại tội phạm và khủng bố.

Công ty này nói rằng danh sách số điện thoại nói trên chỉ được cung cấp cho quân đội, cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo có hồ sơ nhân quyền tốt.

NSO, có trụ sở tại Isreal, cũng nói rằng cuộc điều tra – do tổ chức phi chính phủ Forbidden Stories có trụ sở tại Paris và tổ chức nhân quyền Amnesty International thực hiện – là “đầy rẫy những giả định sai lầm và giả thuyết chưa được chứng thực”.

Các báo cáo được công bố sau cuộc điều tra là một phần của một loạt các bài báo cho thấy hàng ngàn người nổi tiếng đã bị nhắm mục tiêu.

Tờ Le Monde của Pháp đưa tin, các cơ quan tình báo Morocco đã xác định được chiếc điện thoại mà ông Macron sử dụng từ năm 2017.

Morocco đã phủ nhận việc là khách hàng của Pegasus.

Có mặt trong danh sách này không có nghĩa là phần mềm đã được sử dụng mà có nghĩa người đó là một mục tiêu tiềm năng.

Không rõ liệu phần mềm này có từng được cài đặt vô điện thoại của Tổng thống Pháp hay không.

Các số điện thoại trong danh sách bị rò rỉ cũng được cho là gồm cả Tổng thống Baram Salih của Iraq và Cyril Ramaphosa của Nam Phi, các thủ tướng đương nhiệm của Pakistan, Ai Cập và Morocco, và Quốc vương Morocco.

Hơn 600 quan chức chính phủ và chính trị gia từ 34 quốc gia có tên trong danh sách.

Tổng thống Pháp nói rằng nếu những thông tin trong báo cáo là sự thật, đây là một sự việc rất nghiêm trọng.

Các nhà lãnh đạo nước ngoài luôn là mục tiêu hàng đầu của các điệp viên – chặn đứng liên lạc của họ đồng nghĩa với việc phanh phui ý định và bí mật của họ.

Các chính trị gia và quan chức biết rằng họ thường xuyên bị nhắm đến nhưng khi điều này được công khai, nó có thể thực sự làm xấu đi các mối quan hệ.

Đặc biệt là vì không phải lúc nào đối thủ của một quốc gia cũng dính vào.

Trở lại năm 2013, có thông tin cho rằng NSA của Mỹ có khả năng nghe lén hàng chục nhà lãnh đạo thế giới – bao gồm cả đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, gây ra sự bối rối nghiêm trọng và tranh cãi ngoại giao khá gay gắt.

Điều đáng chú ý trong các báo cáo mới nhất này là các khả năng về việc sử dụng các dịch vụ giám sát các lãnh đạo nước ngoài hiện có tiềm năng được rao bán và mở rộng sang nhiều quốc gia hơn.

Không rõ có bao nhiêu người trong danh sách này đã thực sự bị nhắm đến nhưng việc này sẽ làm tăng áp lực lên NSO Group – và lên các chính phủ vốn có thể đã nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo khác.

Việt Nam sản xuất lô vaccine Sputnik-V đầu tiên

Mẫu vaccine từ lô sản xuất đầu tiên đang được chuyển tới Viện Gamaleya để kiểm soát chất lượng, TASS đưa tin.

TASS dẫn nguồn Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) đưa tin, Việt Nam đã sản xuất lô vaccine Sputnik-V đầu tiên.

“Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) và Vabiotech, một trong những công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam, tuyên bố sản xuất một lô vaccine Sputnik-V thử nghiệm. Một số mẫu từ lô sản xuất này sẽ được chuyển tới Viện Gamaleya để kiểm soát chất lượng. RDIF và Vabiotech đang tiến hành chuyển giao công nghệ”, TASS đưa tin từ thông cáo của RDIF.

Vaccine Sputnik-V đã được Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn hôm 23/3/2021.

“RDIF và Vabiotech đang hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ để nhân dân Việt Nam có thể tiếp cận với Sputnik-V dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đại dịch chưa kết thúc và các biến chủng mới nguy hiểm hơn đang được phát hiện ở nhiều khu vực trên thế giới, RDIF đang tăng cường năng lực sản xuất Sputnik-V để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng với một trong những loại vaccine tốt nhất thế giới”, CEO của RDIF Kirill Dmitriev bình luận về thoongt in này.

Trao đổi với TASS, Chủ tịch Vabiotech Đỗ Tuấn Đạt cho hay: “Chúng tôi vinh dự được làm việc với RDIF để đưa Sputnik-V về Việt Nam nhằm chống lại đại dịch. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa RDIF và Vabiotech sẽ tạo điều kiện cung cấp vaccine Covid-19 chất lượng với mức giá phải chăng cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”.

Hiện tại, Spunik-V đã được đăng ký tại 68 quốc gia trên thế giới với tổng dân số khoảng 3,7 tỉ người. Sputnik-V là loại vaccine được sản xuất dựa trên công nghệ vector adenovirus và sử dụng 2 loại vector khác nhau cho 2 mũi tiêm, giúp miễn dịch kéo dài hơn so với một số loại vaccine đang sử dụng cơ chế tương tự cho cả 2 mũi.

Người Mỹ gốc Cuba xuống đường ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà

Người Mỹ gốc Cuba xuống đường ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà (ảnh: Youtube/CBS 8 San Diego).

Rất đông cư dân Nam California ngày 19/7 đã xuống đường ở Los Angeles ủng hộ những người biểu tình đòi tự do ở Cuba.

Ana Landrian nói với The Epoch Times: “Thật ấm lòng khi thấy sự hỗ trợ của những người Mỹ gốc Cuba ở đây. Một số đứa trẻ ở đó chưa bao giờ đến Cuba, nhưng chúng đã tam gia biểu tình với cả lá cờ Cuba và Mỹ để yêu cầu tự do”.

Cuộc biểu tình đã quy tụ khoảng 1.000 cư dân đến góc Đại lộ Wilshire. Landrian cho biết cô rất biết ơn những người đã đến ủng hộ Cuba trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở nước này.

Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Cuba vào ngày 11/7, khi người dân xuống đường hô vang “tự do” và tố cáo tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, cắt điện và các hành vi lạm dụng khác của chế độ cộng sản Cuba.

Cuộc biểu tình diễn ra sau một vài cuộc tụ họp nhỏ của các nhà hoạt động trong những tháng gần đây, nhưng nó đã gia tăng khi có nhiều người chỉ trích việc giam giữ các nghệ sĩ và yêu cầu tự do ngôn luận.

Cô Landrian nói: “Biểu tình diễn ra ở khắp mọi nơi tại Cuba và họ chỉ đang kêu gọi sự tự do, và điều đáng buồn nhất nhưng đẹp nhất là hầu hết họ đều là những người trẻ tuổi, dưới 30 tuổi. Những người được sinh ra dưới chế độ cộng sản Cuba là những người đang kêu gào đòi tự do, và họ tiếp tục nói rằng đây không phải là biểu tình phản đối các lệnh cấm vận, đây không phải về COVID, mà đây là về tự do”.

Hoa Kỳ đã có những hạn chế thương mại đối với Cuba trong nhiều thập kỷ, khiến một số người nói rằng lệnh cấm vận là có lỗi đối với tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, những người Mỹ gốc Cuba lại nói khác.

Santiago Martin nói: “Có rất nhiều tuyên truyền về lệnh cấm vận, nhưng vấn đề chính là hệ thống cộng sản, chế độ độc tài đàn áp”.

Martin cũng cảnh báo về “tin giả” xoay quanh lệnh cấm vận, nói rằng đó không phải là nguyên nhân của cuộc biểu tình ở Cuba.

Anh nói: “Tình hình là tuyệt vọng. Những người trên đường không nói rằng hãy hạ lệnh cấm vận, gửi tiền cho chúng tôi, gửi cho chúng tôi thực phẩm và những loại vắc-xin đó. Họ đang nói, chúng tôi muốn tự do… không có gì được nói về lệnh cấm vận, chỉ có chính phủ nói về lệnh cấm vận vì họ muốn chệch hướng”.

“Nếu bạn bãi bỏ lệnh cấm vận ngày hôm nay, bạn vẫn còn đó hệ thống độc đảng. Họ sẽ không có quyền tự do ngôn luận. Thật nực cười khi đổ lỗi cho lệnh cấm vận, không có lệnh cấm vận nào áp dụng trên toàn thế giới. Họ có thể giao dịch với 180 quốc gia”.

Martin lần cuối nói chuyện với các thành viên trong gia đình vẫn ở Cuba cách đây vài ngày vì thông tin liên lạc vẫn tiếp tục không ổn định kể từ khi chính phủ cắt dịch vụ Internet. Anh ấy cho biết gia đình anh ấy sợ nói chuyện vì liên lạc của họ bị giám sát.