Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về COVID-19

Share this post on:
Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

COVID-19 & VACCINE

Tác giả Zachary Stieber – Thứ bảy, 06/05/2023

Hôm 05/05, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do COVID-19.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế này đã được đặt ra kể từ ngày 30/01/2020.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã đưa ra quyết định này dựa trên các khuyến nghị từ ủy ban khẩn cấp của WHO.

Ông Tedros cho biết tại một cuộc họp báo từ Geneva, rằng quyết định này có nghĩa là “đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.”

Một trong số các khuyến nghị của WHO là kết hợp chích ngừa COVID-19 vào các chương trình chủng ngừa định kỳ, như Hoa Kỳ đã thực hiện.

Các quan chức cho biết số ca mắc COVID-19 đã giảm như thế nào trong nhiều tháng và số người đã khỏi bệnh COVID-19 và/hoặc được chích vaccine tiếp tục tăng.

Ông Ghebreyesus nói, “Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như chúng ta biết trước COVID-19.”

Theo WHO, trong 28 ngày kết thúc vào ngày 30/04, trên khắp thế giới có khoảng 17,000 người đã tử vong do COVID-19, giảm so với khoảng 374,600 người trong 28 ngày kết thúc vào ngày 07/02/2021.

Ông Francois Balloux, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giám đốc Viện Di truyền tại Đại học University College London, cho biết ông dự kiến WHO sẽ đợi đến mùa hè để thông báo kết thúc tình trạng khẩn cấp.

Ông Balloux viết trên Twitter, “Nhưng tất cả các chỉ số trong hai tháng qua có lẽ đã quá tốt và đang trở nên tốt hơn.”

Ông Didier Houssin, chủ tịch ủy ban khẩn cấp, cho biết cùng với việc số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 suy giảm, các biến thể mới xuất hiện không liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng.

Ông Houssin nói với các phóng viên rằng đa số các thành viên ủy ban tán thành việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp nhưng “hai hoặc ba ủy viên” “hơi do dự” về khuyến nghị này.

Ông Tedros cho biết tình trạng khẩn cấp này kết thúc không có nghĩa là mối đe dọa của COVID-19 đã biến mất, đồng thời lưu ý rằng mọi người vẫn đang thiệt mạng do căn bệnh này.

“Loại virus này sẽ tồn tại lâu dài. Virus này vẫn đang làm người ta thiệt mạng, và vẫn đang biến đổi. Vẫn còn nguy cơ về việc các biến thể mới xuất hiện gây ra các đợt gia tăng mới trong số ca nhiễm bệnh và tử vong,” ông nói. “Điều tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm hiện nay là sử dụng tin tức này như một lý do để giảm cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng, hoặc gửi thông điệp tới người dân của mình rằng không có gì phải lo lắng về COVID-19.”

Các quan chức của WHO đã liên tục thúc đẩy các biện pháp như chích ngừa vaccine COVID-19 và ban hành các lệnh cấm đi lại, vốn được họ cho biết đã giúp đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, một số quốc gia có biểu hiện tốt về các chỉ số như số ca tử vong do COVID-19 đã từ chối áp dụng một số biện pháp hà khắc nhất. Các vaccine chưa bao giờ được chứng minh là có thể ngăn ngừa việc lây truyền hoặc nhiễm bệnh, đồng thời đã và đang hoạt động kém hơn đối với các biến thể mới hơn.

Quyết định này được đưa ra khoảng một tuần trước khi Hoa Kỳ cho phép tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng COVID-19 của nước này hết hiệu lực. Hồi tháng Tư, một tuyên bố liên quan đã kết thúc khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành một dự luật mà ông phản đối nhưng đã được Quốc hội thông qua.

Mặc dù tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng kết thúc đồng nghĩa với việc giải tán ủy ban khẩn cấp của WHO, nhưng các quan chức của WHO đã quyết định sử dụng một quy định quốc tế chưa từng được áp dụng trước đó để thành lập một ủy ban mới sẽ tập trung vào việc phát triển các khuyến nghị dài hạn cho các quốc gia về cách quản lý COVID-19 sắp tới.

WHO đã sớm đàm phán với các quốc gia về các thỏa thuận đại dịch kể trên. Các nhà phê bình đã cảnh báo rằng cuối cùng Hoa Kỳ có thể sẽ phải nhường lại quyền lực cho cơ quan Liên Hiệp Quốc này. WHO và Tòa Bạch Ốc đã nói rằng một hiệp ước sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

Thanh Nhã biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times