Tranh cãi về phân dòng lũ ở Trung Quốc: Chuyên gia thủy văn đặt câu hỏi về những ý định của Bắc Kinh 

Share this post on:

Alex Wu – 06/8/2023

Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á. Vân Sa biên dịch

Một số người đang đứng xem một cây cầu bị sập trên sông Đại Thạch Hà sau các cơn mưa lớn ở quận Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh hôm 01/08/2023. Hôm 01/08, truyền thông nhà nước cho biết đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 13 người mất tích sau trận mưa lớn tấn công Bắc Kinh, trong những trận mưa như trút nước khiến đường xá ngập nước và những khu phố ngập trong bùn. (Ảnh: Pedro PARDO/AFP qua Getty Images) 

Một trận lũ lụt kỷ lục đã tấn công thủ đô Bắc Kinh và một số khu vực của tỉnh lân cận Hà Bắc, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và gây ra tình trạng phá hủy trên diện rộng. 

Bão Doksuri mang theo mưa lớn đến Bắc Kinh, Thiên Tân, và Hà Bắc bắt đầu từ hôm 29/07. 

Sáng ngày 31/07, lũ quét xảy ra ở quận Môn Đầu Câu, phía tây Bắc Kinh. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video cho thấy nhiều xe hơi bị dòng nước đục ngầu cuốn trôi. Trong khi đó, các hình ảnh cho thấy phi trường quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh giống như một cái hồ với những chiếc phi cơ chở khách đậu dưới nước. 

Hôm 01/08, tám hồ chứa ở quận Xương Bình ở phía đông bắc Bắc Kinh, quận Bình Cốc ở phía đông Bắc Kinh, và sông Vĩnh Định — con sông lớn nhất chảy qua Bắc Kinh — đã đồng loạt xả lũ. 

Thành phố Trác Châu của tỉnh Hà Bắc với dân số 718,000 người và các khu vực lân cận sau đó đã bị ngập lụt, nhiều người chỉ có hai giờ để sơ tán. Một số lượng lớn người dân bị mắc kẹt trong lúc lũ dâng nhanh. 

Các nhân viên của Cục quản lý tình trạng khẩn cấp Trác Châu thừa nhận với truyền thông Trung Quốc đại lục rằng việc xả lũ từ thượng nguồn (Bắc Kinh) khiến mực nước ở Trác Châu dâng cao nhanh chóng. 

Chính quyền Trung Quốc thừa nhận có 21 người thiệt mạng và 26 người mất tích tính đến ngày 03/08. Tuy nhiên, con số thương vong thực tế có thể cao hơn. 

Người dân dọn dẹp đường phố sau lũ lụt tại một ngôi làng sau mưa lớn ở Bắc Kinh hôm 03/08/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images) 

Đến ngày 02/08, nước lũ đã rút khỏi các vùng ngoại ô bị ảnh hưởng nặng nề của Bắc Kinh, nhưng các video trên mạng xã hội cho thấy hàng tấn rác, bùn và mảnh vụn phủ đầy đường phố. 

Kiểm soát lũ lụt dựa trên nhu cầu chính trị

Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy văn tại Đức, nói với The Epoch Times hôm 02/08 rằng lũ lụt ở Hà Bắc lần này nghiêm trọng hơn lũ lụt ở Bắc Kinh. Lũ lụt ở Trác Châu bắt nguồn từ sông Juma, vốn bị dâng cao do xả lũ từ các quận Phòng Sơn, quận Mân Đầu Câu, và sông Vĩnh Định ở Bắc Kinh. 

“Chắc chắn là Bắc Kinh đã xả lũ. Họ đã thực hiện các biện pháp để phân dòng lũ,” ông Vương nói. “Mục đích chính của việc phân dòng lũ là để giảm áp lực lên hạ lưu nơi có có Tân khu Hùng An.” 

Hùng An là trung tâm chính trị mới theo kế hoạch của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. 

Cảnh trên không này cho thấy một ngôi làng bị ngập lụt sau những trận mưa lớn ở Trác Châu, thành phố Bảo Định, phía bắc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, hôm 02/08/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images) 

Ông Vương cho biết, trên thực tế, Trác Châu và các khu vực lân cận giữa Bắc Kinh và Hùng An đã trở thành khu vực chứa lũ. 

Các video trên mạng xã hội cho thấy những ngôi làng, thị trấn và những cánh đồng rộng lớn ở khu vực Trác Châu chìm trong mực nước sâu. 

Các quan chức địa phương ở Trác Châu cho biết nước lũ sẽ không rút trong vòng một tháng. 

“Toàn bộ thiết kế kiểm soát lũ lụt của [ĐCSTQ] không tập trung vào sự an toàn tính mạng của người dân. Các khu đô thị chính của Bắc Kinh hoặc Thiên Tân, nơi đặt chính quyền trung ương và Tân khu Hùng An mới được xây dựng mới là những nơi trọng yếu mà chính quyền này bảo vệ,” ông Vương nói. 

Một người dân đi bộ trong nước lũ ngập đến ngực gần Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, phía nam Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 03/08/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images) 

‘Những thành phố bọt biển’ thất bại của ông Tập

Lũ lụt nghiêm trọng ở Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề kỹ thuật thoát nước đô thị của các thành phố Trung Quốc. 

Ông Vương nói rằng lũ lụt dưới sự cai trị của ĐCSTQ thường đến từ hai loại thảm họa: một lượng nước lớn hoặc hệ thống thoát nước đô thị bị ô nhiễm. 

Ông nói: “Lần này, lũ lụt nghiêm trọng ở Bắc Kinh là do hai yếu tố này cộng lại gây ra. 

Tháng 12/2013, ông Tập đã nhấn mạnh việc xây dựng các “thành phố bọt biển” tại “Hội nghị Công tác Đô thị hóa Trung ương” để 70% lượng mưa của thành phố được hấp thụ và sử dụng tại địa phương. 

“Các thành phố bọt biển” là một khái niệm thoát nước gợi ý các khu vực đô thị có diện tích tự nhiên phong phú, chẳng hạn như hồ và công viên, có thể hấp thụ nước mưa và ngăn chặn lũ lụt. 

Một số người dân ngồi trên một chiếc thuyền tạm bợ, nói chuyện trước nhà của họ ở khu vực ngập trong nước lũ gần Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, phía nam Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 03/08/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images) 

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đến cuối năm 2021, đã có 5,237 dự án bọt biển được hoàn thành tại các khu dân cư của Bắc Kinh. 

Ông Vương cho biết: “Đối với những cơn mưa xối xả ở Trung Quốc, mục tiêu giữ 70% lượng mưa cục bộ là không khả thi về mặt kỹ thuật, và chi phí quá cao”. 

“Muốn làm được điều đó thì phải thực hiện như các thành phố London, Tokyo, Chicago, Munich và Cologne, những nơi có các cơ sở hạ tầng thoát nước dẫn nước vào lòng đất, lưu trữ nước ở đó, và sau đó dẫn nước ra ngoài. Dung lượng lưu trữ phải rất lớn.” 

Ông Vương nói: “Bây giờ quý vị nhìn nước lũ ở Trung Quốc mà xem, nếu 70% trong lượng nước lũ đó ở trong khu vực địa phương nơi hấp thụ lượng nước này, thì nhà của người dân sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn”. 

Năm 2021, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hứng chịu trận mưa xối xả, gây lũ lụt lớn khiến 71 người thiệt mạng. Trịnh Châu là một trong những “thành phố bọt biển” thí điểm kể từ năm 2016 và đã chi 50 tỷ nhân dân tệ (6.98 tỷ USD) cho việc liên quan đến xây dựng đô thị. 

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một con đường ngập nước sau trận mưa lớn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 23/07/2021. (Ảnh: Aly Song/File Photo/Reuters) 

Ông Vương nói thêm rằng ĐCSTQ thiếu một cái nhìn bao quát về kỹ thuật thủy lợi và quản lý sông và đã lấy sông Hải Hà chảy qua thành phố Thiên Tân làm ví dụ. 

“Ở lưu vực sông Hải Hà, Mao Trạch Đông đã xây dựng các hồ chứa nước vào đầu những năm 1950, và các công xã nhân dân được hình thành. Nhiều hồ chứa được xây dựng để cắt dòng nước trên con sông này. Kết quả là nhiều nơi trên con sông này đã khô cạn, mạch nước ngầm nông biến mất, trong khi lũ lụt lại xảy ra ở những nơi khác”, ông Vương nói.

Ông cho biết, “Năm 1963, mưa xối xả dữ dội còn lớn hơn bây giờ. Một hồ chứa ở lưu vực sông Hải Hà có tên là hồ chứa Đông Xuyên Khẩu (Dongchuan Kou) đã bị vỡ trong cơn mưa lớn, gây ra một trận lũ lớn. Số lượng tử vong trong trận lũ này vẫn chưa được tiết lộ đầy đủ.”

https://www.epochtimesviet.com