Từ Afghanistan đến Sài Gòn, bài học cay đắng sau khi Mỹ rút quân

Share this post on:

Afghanistan : Taliban kêu gọi dân đô thị ra hàng, để tránh « chiến tranh trong thành phố »

Thụy My RFI – Đăng ngày: 13/07/2021

Tướng Scott Miller (T), chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ ở Afghanistan trao quyền lại cho tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie (P) tại bộ chỉ huy ở Kaboul ngày 12/07/2021. AP – Ahmad Seir

Gần 20 năm sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan, để lại phía sau người dân trước đà tiến của quân Taliban. Trong bài « Các bài học đắng nghét của Afghanistan » đăng trên Les Echos, tác giả Dominique Moïsi không khỏi liên tưởng đến tình cảnh Sài Gòn sau khi Mỹ rút quân và rơi vào tay Bắc Việt.

Taliban như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975

Taliban sắp tràn vào Kaboul, như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975 ? Đà tiến của phe này nhanh hơn cả những nhà quan sát bi quan nhất có thể nghĩ. Hơn một ngàn binh lính của quân đội Afghanistan vừa bỏ ngũ, mang theo vũ khí và hành lý chạy sang Tadjikistan. Không còn ưu thế từ không lực Hoa Kỳ, không được tình báo hỗ trợ, họ trở nên yếu thế trước một Taliban đầy kiên quyết.

Thêm một lần nữa, Afghanistan xứng đáng với biệt danh « nghĩa trang của các đế quốc ». Bây giờ sẽ đến lượt ai ? Trung Quốc sẽ tiếp nối Hy Lạp, Mông Cổ, Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ và các đồng minh chăng ? Bắc Kinh nhìn sang Afghanistan khi Mỹ triệt thoái, vừa thèm thuồng vừa lo ngại. Washington đã mệt mỏi và muốn giữ khoảng cách với một Trung Đông quá tốn kém mà chẳng mang lại lợi lộc gì trong 20 năm qua. Gần đến ngày kỷ niệm 11 tháng Chín, Mỹ cho rằng đã đến lúc phải « đóng cửa tiệm », dù nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng chẳng sao.

Anh nhà giàu mới nổi Trung Quốc muốn lấp khoảng trống người Mỹ để lại, đồng thời tránh được sai lầm của những người đi trước. Bắc Kinh có thể làm được không, hay có chọn lựa nào khác không ? Nếu Afghanistan rơi vào hỗn loạn, sẽ là trở ngại lớn cho « Con đường tơ lụa mới ». Hồi giáo cực đoan nắm quyền ở Kaboul có thể sẽ ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trước khi trở thành căn cứ địa cho khủng bố chống phương Tây. Tái thiết Afghanistan thông qua Pakistan và Taliban, mà không cần hiện diện quân sự ; đổ nhiều tiền vào để bớt đổ máu của người Trung Quốc ? Liệu đến lượt Trung Quốc chuẩn bị trải nghiệm cái giá của cường quốc ?

Trung Quốc sẽ trả cái giá để làm cường quốc khu vực ?

Trước khi lao vào cuộc phiêu lưu, Bắc Kinh cần ngẫm nghĩ về thất bại của chính sách can thiệp phương Tây. Từ cuối Đệ nhị Thế chiến, chính sách này gồm ba giai đoạn.

Trong thời chiến tranh lạnh, dưới mối đe dọa vũ khí nguyên tử, mỗi bên có những con cờ ở châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ la-tinh và châu Á, thường là thông qua các cuộc chiến tranh « ủy nhiệm ». Khi chiến tranh lạnh kết thúc, thất bại của phương Tây trong việc chận trước cuộc diệt chủng ở Rwanda hay các vụ thảm sát ở vùng Balkan, càng củng cố niềm tin của những người quan niệm có « nghĩa vụ can thiệp ». Một nghĩa vụ rõ ràng không tránh khỏi sau các sự kiện ngày 11 tháng Chín 2001, vì bảo vệ các dân tộc khác khỏi sự cuồng tín và tàn bạo cũng là bảo vệ chính mình. Nhưng người ta quên mất người dân tại chỗ : những thiệt hại liên đới mà họ phải gánh chịu cũng như mạng sống của họ không được coi trọng bằng những người đi giải phóng mình.

Năm 2021, với thất bại của phương Tây tại Afghanistan và của Pháp tại Sahel, một chương thứ ba trong chính sách can thiệp được mở ra. Đó là sự hồi tưởng về những gì diễn ra trong thời hậu chiến ở Việt Nam, cùng với sự xuất hiện một nhân tố quan trọng là Trung Quốc. Phụ nữ Afghanistan là nạn nhân chính của quyết định rút lui của Mỹ, bên cạnh đó còn có các phiên dịch của liên minh cùng với gia đình họ, tổng cộng trên 120.000 người. Bỏ rơi họ, là dành cho họ bản án tử. Theo tác giả, phương Tây có trách nhiệm cho họ tị nạn và giúp đỡ, một cuộc ra đi không kèm theo chiến thắng không nên là một cuộc ra đi đáng xấu hổ.

Ai có thể ngăn được Taliban ?

Cũng về Afghanistan, La Croix đặt câu hỏi « Liệu có thể ngăn được Taliban hay không ? ». Theo chuyên gia George Lefeuvre, giờ đây không gì có thể ngăn cản được phe này ngoài chính họ.

Nếu thập niên 90 Taliban bị cô lập trên trường quốc tế, thì nay họ rất muốn có được một sự nhìn nhận, và điều này khó thể xảy ra nếu thâu tóm toàn bộ quyền lực. Lý do thứ hai là phải thay đổi hình ảnh quá đỗi tệ hại hiện nay, thế nên các chỉ huy Taliban được lệnh phải xử sự đúng mực để không làm người dân sợ hãi.

Còn về vai trò các cường quốc khu vực, Iran không mấy vui khi một chế độ Sunni ngự trị bên sườn phía đông, nhưng lại ít sợ Taliban hơn là IS (Daech, tổ chức Nhà nước Hồi giáo) có xu hướng quốc tế hóa. Iran hy vọng tìm được một giải pháp lưng chừng : Taliban không nắm trọn quyền, nhưng Afghanistan không lại rơi vào bất ổn khiến kẻ thù IS bắt rễ được. Vấn đề là Teheran không có phương tiện logistic lẫn quân sự để cản bước tiến của Taliban.

Nga có cùng mối quan ngại về IS. Trước mắt Matxcơva muốn chận lại quân Taliban ngoài biên giới để bảo đảm an ninh cho Tadjikistan và Uzbekistan, hai « sân sau » của Nga sát cạnh. Còn Pakistan cũng không muốn Taliban thống trị nước láng giềng.

https://www.rfi.fr/vi

Afghanistan : Taliban kêu gọi dân đô thị ra hàng, để tránh « chiến tranh trong thành phố »

Trọng Thành RFI

Đăng ngày: 13/07/2021

Dân quân ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chống Taliban, tại tỉnh Herat, ngày 09/07/2021. AFP – HOSHANG HASHIMI

Hôm nay,13/07/2021, quân Taliban kêu gọi dân chúng tại các đô thị Afghanistan ra hàng, để tránh « chiến tranh trong thành phố ». Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn dữ dội ở nhiều nơi. Hôm qua, 12/07/2021, chỉ huy lực lượng Mỹ phụ trách Afghanistan chính thức từ nhiệm.

Một chỉ huy cao cấp của Taliban, Amir Khan Muttaqi, tuyên bố chiến sự đang diễn ra tại cửa ngõ các thành phố lớn, nhưng « các chiến binh Hồi giáo không muốn chiến sự diễn ra trong thành phố ». Taliban kêu gọi « các đồng bào, giới học giả, các giáo sĩ sử dụng mọi kênh liên lạc » để đạt một thỏa thuận nhằm tránh tổn thất cho các thành phố. Viên chỉ huy Taliban, Amir Khan Muttaqi, phụ trách hoạt động gọi hàng, chiêu hồi nhắm vào các binh sĩ, cảnh sát, viên chức chính phủ, cũng như người dân thường.

Một phát ngôn viên khác của Taliban cũng khẳng định là Taliban sẽ « bảo đảm an toàn cho mọi cư dân » và sẽ « không ai bị trả thù ».

Theo AFP, mất đi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và đồng minh, quân chính phủ Afghanistan kháng cự yếu ớt, và chỉ còn bảo vệ được một số thành phố lớn và một số trục đường giao thông chính.

Hôm qua, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, tướng Austin Miller, chính thức rời chức vụ. Nghi thức mang tính biểu tượng nói trên đánh dấu cho việc rút quân của nước Mỹ, sau 20 năm hiện diện quân sự. Tuớng Kenneth McKenzie, tư lệnh bộ tư lệnh trung tâm, có trụ sở Florida, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại các khu vực có chiến sự ở Afghanistan, Irak và Syria, đã có mặt tại Kaboul trong dịp này để trấn an các lực lượng Afghanistan và bảo đảm là Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kaboul.