Xung đột và huyền thoại trong “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

Share this post on:

Ts. Phạm Đình Bá

24/3/2023

Theo điều 51 “hiến pháp” 2013, nền kinh tế VN là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Theo đảng, sau hơn 35 năm đổi mới và thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. [1] 

Nhiều báo lề đảng tung hô sự thành công của mô hình kinh tế này. Tháng 11/2022, ông Nguyễn Phú Trọng nói “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” [2]

Theo ông Trọng, mô hình kinh tế nầy là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. [3] Sở hữu nhà nước là chủ đạo, ngoài ra còn sở hữu tập thể, hợp tác, tư nhân và nước ngoài. Tổ chức quản lý là do nhà nước theo sự lãnh đạo của đảng để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Thêm nữa, phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển.

Theo các báo lề khác, chuyện theo kiểu kể như thế nhưng không phải vậy. Trên trang Viet-Studies, ông Nguyễn Hữu Đổng lập luận rằng những tiên đề của mô hình kinh tế nầy là giả tạo, nhất là việc đảng có thể dùng chủ nghĩa xã hội để định hướng kinh tế thị trường. Ông Đổng cho rằng các tiên đề như thế là trái với quy luật khách quan, rất cần phải được loại bỏ khỏi hiến pháp. [4]

Theo anh Trần Dzạ Dzũng trên trang Việt Nam Thời Báo, yêu cầu “cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo, thực chất là sẽ như thế nào, khi trên thực tế việc gọi là “định hướng” vẫn chưa rõ “hướng” để có thể “định” trong bối cảnh tương thích với những thỏa thuận về các Hiệp định Thương mại song phương / đa phương mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. [5]

Bài nầy đánh giá những xung đột giữa hai chiều trong mô hình kinh tế nầy, đặc biệt là xem xét sự thật về những tuyên truyền cho rằng đảng lãnh đạo dẫn đến phát triển trong thực tế đất nước. 

Chiều 1. Kinh tế thị trường là gì? 

Buôn bán trao đổi là hoạt động của kinh tế thị trường. Giả dụ anh Tư có hai cái dao và chị Sáu có hai cái cưa nhỏ. Chị Sáu đổi một cái cưa lấy một cái dao từ anh Tư. Trao đổi này dẫn đến “lợi nhuận từ thương mại”: cả hai đều có lợi. Kinh tế thị trường như thế dẫn đến việc phân bổ hàng hóa hiệu quả bởi vì mỗi trao đổi là đồng thuận, tạo phúc lợi cho một số người và không giảm phúc lợi của bất kỳ ai. [6]

Thêm nữa, giá cả về những món hàng trao đổi tùy thuộc vào lượng hàng từ người bán và nhu cầu của người mua. Giá cả truyền đạt tin tức về sự khan hiếm của hàng hóa dựa trên nhu cầu đối với hàng hóa đó. Do đó, giá cả thị trường truyền tin cho người sản xuất và người tiêu dùng biết cách điều chỉnh cách làm của họ theo mong muốn và nhu cầu của thị trường. [6] Như thế là thị trường vận hành hiệu quả.

 Nói rộng ra, “thị trường tự do” được định hình bằng những tính năng sau đây. [6]

Sở hữu tư nhân: Quyết định buôn bán nằm trong tay cá nhân, không có sự kiểm soát hoặc can thiệp từ nhà nước. Hầu hết hoặc tất cả các doanh nghiệp đều thuộc sở hữu tư nhân.

Quyền tài sản ổn định và pháp quyền: Thị trường vận hành thông qua các bộ luật ổn định, công khai, được biết đến và chia xẻ rộng rãi. Luật pháp góp phần hệ thống hóa và chính thức hóa các quyền tài sản. Quyền tài sản được tôn trọng và ổn định. Tài sản tư nhân không bị nhà nước tịch thu.

Tự do buôn bán: Người mua bán được phép giao dịch qua các ranh giới giữa các vùng mà không phải đối mặt với thuế quan, hạn ngạch, hạn chế trừng phạt, bôi trơn, ăn chận, tham nhũng. Họ không chỉ có thể mua hàng hóa mọi nơi mà còn được tự do di cư để tìm kiếm triển vọng làm việc tốt hơn.

Qui định càng ít càng tốt: Người bán mua chỉ phải đối mặt với các quy định tối thiểu trong hoạt động hàng ngày của họ, không phải trả các khoản phí cắt cổ (hoặc tham nhũng, hối lộ) để bắt đầu và tiếp tục hoạt động. Nhà nước có thể đặt ra một số điều khoản hoặc quy tắc chung mà theo đó hoạt động thương mại diễn ra, nhưng nhà nước không giám sát và kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh của hoạt động thương mại.

Công dân ở những nền kinh tế thị trường, chẳng hạn như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Úc, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ, trở nên giàu có. Mở cửa thị trường và bảo vệ mạnh mẽ tài sản tư nhân là những yêu cầu thiết yếu để phát triển kinh tế bền vững. [6]

Chiều 2. Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? 

Định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế là đặc trưng của kinh tế thời bao cấp, một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được nhà nước chi trả và kế hoạch hóa. Theo cách làm nầy, nhà nước ráng sắp xếp các nguồn lực hạn chế và khan hiếm để thỏa mãn nhu cầu gần như vô hạn của dân. Việc ráng sức kiểm soát các hoạt động kinh tế như thế dẫn đến bế tắc. 

Mỗi hệ thống kinh tế cần ba điều chính để hoạt động. Đầu tiên, hệ thống cần thông tin—nó cần một số cách để điều phối hành động của mọi người, để truyền đạt cho mọi người những gì họ cần làm dựa trên những gì người khác mong muốn hay đang làm. Thứ hai, hệ thống cần sự khích lệ (ví dụ như lợi nhuận) —nó cần một số cách để khiến mọi người hành động dựa trên thông tin họ nhận được. Thứ ba, vì mọi người phạm sai lầm nên cần phải học hỏi – một quá trình mà mọi người trở nên tốt hơn trong việc đáp ứng các khuyến khích và thông tin từ thị trường. [6]

Giá cả thị trường là một chức năng của cung và cầu. Giá truyền đạt thông tin về sự khan hiếm tương đối của hàng hóa dựa trên nhu cầu thực tế đối với những hàng hóa đó. Do đó, giá cả thị trường cho người sản xuất và người tiêu dùng biết cách điều chỉnh hành vi của họ theo mong muốn và nhu cầu của người khác. 

Trong thời bao cấp, kế hoạch hóa một thị trường với quy mô lớn làm cho thị trường không thể hoạt động được bởi vì các nhà hoạch định không có sự thay thế khả thi nào cho tin tức về giá cả, kiến thức và thông tin giữa cá nhân và doanh nghiệp. Vấn đề hoạch định một nền kinh tế lớn như vậy dẫn đến bế tắc. Đây là quan sát từ các nghiên cứu của giáo sư Hayek, giải Nobel kinh tế năm 1974. [7]

Thời bao cấp là một bằng chứng khó chối cãi về sự thất bại của đảng “cộng sản”. Hãy nhìn vào nền kinh tế Liên Xô, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Bắc Hàn, Cuba và Venezuela để kiểm chứng thêm về sự thất bại của các nền kinh tế do các cộng sản kinh điển lãnh đạo.

Hình 1. Xung đột và hậu quả trong mô hình kinh tế 2 chiều

==== Thị trường tự do,   đảng kiểm soát yếu,  đất nước phát triển mạnh =====>

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG <======== đóng mở không minh bạch ======> KINH TẾ BAO CẤP

<=== Thị trường bao cấp, đảng kiểm soát mạnh, đất nước phát triển yếu ======= 

Mô hình kinh tế 2 chiều – Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?

Dùng kết quả riêng biệt của hai chiều đã bàn ở trên, Hình 1 tóm tắt sự xung đột và hậu quả trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với kinh tế thị trường tạo dựng phát triển đất nước mạnh ở bên trái và kinh tế bao cấp với hậu quả là đất nước phát triển yếu bên phải. Ước vọng của dân được làm ăn buôn bán trong thị trường tự do gắn kết với hậu quả tích cực là phát triển đất nước mạnh mẽ và dân có đời sống dễ thở. 

Mục đích chính của đảng là cố giữ độc tài độc đảng toàn trị (Hình 1). Đảng xếp đặt phát triển đất nước ở ưu tiên thấp hơn là cố giữa thể chế hiện tại. Để giữ quyền, đảng vi phạm những tính năng của thị trường tự do. Thứ nhất, sở hữu nhà nước là chỉ đạo, đảng chỉ cho một phần sở hữu tư nhân. Thứ hai, dân không có quyền tài sản vì tài sản theo đảng là tài sản “toàn dân”. Thứ hai, đảng không tạo dựng pháp quyền vì đảng tự coi đảng trên hiến pháp, trên luật lệ. Thứ ba, dân chỉ được buôn bán tự do trong vài lãnh vực đảng để yên cho dân làm ăn; đảng độc quyền và bao cấp những công nghệ chính, như thông tin và năng lượng. Thứ tư, đảng đặt đủ thứ qui định mỗi năm với rất ít triển khai và thường thì đảng không làm theo những gì đảng nói.

Phải đối mặt với cả nước ăn độn khoai mì vào thời bao cấp, đảng xoay chiều 180 độ, đơn giản là rút bàn tay của đảng ra khỏi thị trường và để dân làm ăn theo những tín hiệu về cung cầu từ người bán và người mua, trở lại cách làm ăn dựa vào kinh tế thị trường (Hình 1). 

Điều này xảy ra trước Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12/1986, công bố chính sách “đổi mới”, trước khi cơ chế kinh tế bao cấp bị che dấu dần dần vào năm 1989–1991, cùng lúc với sự sụp đổ của khối Xô Viết. Đáng chú ý là không có văn bản chính sách nào chính thức công bố việc đảng quyết định từ bỏ kinh tế bao cấp. [8] 

Trên thực tế từ những năm 1990 cho đến nay, đảng lúc đóng lúc mở, khi nghiêng về phía trái của Hình 1, khi nghiêng về phía phải, chao đảo ở những lĩnh vực làm ăn khác nhau, và hoàn toàn thiếu minh bạch về thời điểm và lĩnh vực đóng mở.

Hình 2. Tác nhân, mục tiêu và hệ quả trong mô hình kinh tế 2 chiều

CHIỀU 2 – ĐẢNG,  NHÀ NƯỚC, CHÍNH SÁCH, ĐỘC ĐẢNG  🡺 PHÁT TRIỂN YẾU 

CHIỀU 1 – DÂN,   DÂN,      THỰC TẾ,    ĐA CHIỀU  🡺 PHÁT TRIỂN MẠNH

Hình 2 tóm tắt tác nhân, mục tiêu và hệ quả trong mô hình kinh tế 2 chiều. Dân phải đối mặt với những vi phạm các tính năng cơ bản của kinh tế thị trường khi đảng và nhà nước bao cấp và bóp cổ những ước vọng của dân là được đảng để yên để cho họ làm ăn buôn bán. 

Dân phải đối mặt với đủ thứ phiền hà hành chánh khi trong thực tế làm ăn. Đảng và nhà nước chỉ nói, ăn chận và không tạo điều kiện nào để dân có thể dễ dàng làm ăn. Dân muốn cởi trói nền kinh tế để họ có đời sống dễ thở nhưng đảng cương quyết cầm quyền qua độc tài độc đảng toàn trị (Hình 2). 

Dân muốn phát triển, dân làm việc cật lực để có đời sống dễ thở. Đảng đóng góp hiệu quả nhất để tạo động cơ thúc đẩy dân phát triển đất nước là bởi đảng đã dạy cho dân bài học đói gần chết qua thời bao cấp. Bài học nầy đánh thức khát vọng làm ăn để đời sống không giống như đời sống thời bao cấp. Nói tóm lại, đảng là cục đá cột vào cổ dân khi dân cố tình bơi qua sông để đến bến bờ thu nhập cao. [9] 

Với sự cần cù và bản năng động vật thúc đẩy mọi người làm ăn để không bao giờ bị bỏ đói nữa như thời bao cấp, tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc từ sau đổi mới những năm 1990, và bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ” để rồi đất nước bước vào mức thu nhập trung bình thấp vào khoảng năm 2009. [8]

Nguồn:

1. Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân. Phê phán quan điểm phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. 2/28/2023; Available from: http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phe-phan-quan-diem-phu-nhan-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-cua-viet-nam-19960.html.

2. Tin tức. Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. 24/11/2021 Available from: https://baotintuc.vn/chinh-tri/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-20211124172356831.htm.

3. VTCNews. Tổng Bí thư: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là phải gắn kinh tế với xã hội. 16/05/2021; Available from: https://vtc.vn/tong-bi-thu-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-la-phai-gan-kinh-te-voi-xa-hoi-ar612616.html.

4. Việt-Studies – Nguyễn Hữu Đổng. Tại sao kinh tế thị trường không thể định hướng xã hội chủ nghĩa? 02/01/2020; Available from: https://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_KinhTeThiTruong.html.

5. Trần Dzạ Dzũng. VNTB – Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường để hướng tới điều gì? 11/10/2020; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-trong-nen-kinh-te-thi-truong-huong-toi-dieu-gi/.

6. Jason Brennan. The Free Marketfree. 25/02/2019; Available from: https://oxfordre.com/politics/display/10.1093/acrefore/9780190228637.001.0001/acrefore-9780190228637-e-115.

7. Nobel Prize. Economics prize for works in economic theory and inter-disciplinary research: Professor Gunnar Myrdal and Professor Friedrich von Hayek. 09/10/1974; Available from: https://www.nobelprize.org/prizes/economic-sciences/1974/press-release/.

8. Fforde, A., From ‘Constructing Socialism’to a ‘Socialist-oriented Market Economy’in contemporary Vietnam: A critique of ideologies. Europe-Asia Studies, 2019. 71(4): p. 671-697.

9. Phạm Đình Bá. VNTB – Xã hội cố làm mà đảng phá việc dân nước có thu nhập cao ra sao? 09/02/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-xa-hoi-co-lam-ma-dang-pha-viec-dan-nuoc-co-thu-nhap-cao-ra-sao/.