Y tế bao cấp có khác với y tế gần dân không?

Share this post on:

Ts. Phạm Đình Bá

Ontario Health | Ontario Health

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn cũng hết thuốc, hết vật tư y tế. Nhiều bệnh viện hạn chế mổ, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ ba nhà thầu báo giá theo qui định. [1]

Ngày 26/2/2023, đến ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phải ký công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. [2]

Ngày 3/3/2023, chính phủ phải ban hành nghị định 07 thay thế cho nghị định 98 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngày 4/3/2023, chính phủ lại tiếp tục ban hành nghị quyết 30 tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt. Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cấp từ đầu năm 2018 đến năm 2021 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024, theo nghị định mới của chính phủ. [3]

Nhưng mãi đến hôm nay, 9/3/2023, nhiều bệnh viện vẫn chưa được gỡ vướng về sửa chữa trang thiết bị hư hỏng. [3] 

Không thấy có báo nhà nước nào đặt vấn đề về bao nhiêu bệnh nhân đã bị đình hoãn chữa trị, và bao nhiêu bệnh nhân đã bị tổn hại vĩnh viễn bởi những đình trệ như vậy.

Ở trên là cách làm việc bao cấp của độc đảng. Thế thì ở nơi đa đảng họ làm việc ra sao?

Tỉnh Ontario Gia Nã Đại nơi tôi ở có dân số là 15.1 triệu (so với 98.2 triệu ở VN, với tỉ lệ 1 người ở Ontario tương đương với 6.5 người ở VN), và diện tích là 917.741 kilomét vuông (so với 331.210 kilomét vuông ở VN). 

Ở đây, cứ mỗi 100 đồng đô la thuế mà chính phủ tỉnh thu thì khoảng 38 đồng là dành cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của dân. [4]

Chính phủ chia tỉnh thành 14 khu vực y tế để việc quản lý y tế phù hợp và sát với nhu cầu y tế của dân địa phương. Các khu vực y tế chịu trách nhiệm tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế (ví dụ như bệnh viện) và có thể phân bổ lại nguồn tài trợ này dựa trên các nhu cầu và ưu tiên của hệ thống y tế địa phương. [5]

Các khu vực y tế nhận tiền từ chính phủ và tài trợ các bệnh viện dựa trên số lượng bệnh nhân mà họ chăm sóc, các dịch vụ họ cung cấp, chất lượng của dịch vụ dựa trên mức đánh giá và ý kiến của bệnh nhân theo nguyên tắc lấy bệnh nhân làm trung tâm, công bằng và đúng lúc. [5]

Bệnh nhân không phải trả tiền cho dịch vụ bác sĩ, chăm sóc điều dưỡng và các dịch vụ chẩn đoán như xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và chụp X-quang. Bệnh nhân nội trú tại bệnh viện không phải trả tiền chỗ ở, bao gồm cả bữa ăn. [5]

Các loại thuốc cung cấp cho bệnh nhân nội trú tại bệnh viện đều được đài thọ và một số loại thuốc hạn chế nhất định được cung cấp cho bệnh nhân ngoại trú để sử dụng tại nhà. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân nội trú được xuất viện, bệnh nhân phải trả chi phí thuốc theo toa (tuy vậy nhiều người có mua bảo hiểm để chi trả tiền thuốc lúc bị bệnh). [5]

Trong cách làm việc của các bệnh viện bên nầy, “vốn” đề cập đến cơ sở hạ tầng vật chất như xây dựng cánh bệnh viện mới, mua máy quét MRI, thay thế thang máy trong bệnh viện hiện có. Vốn hạ tầng là lượng tiền rất lớn, thường chiếm 5% đến 8% tổng chi tiêu y tế. Nhưng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng để duy trì một môi trường vật chất an toàn và cho phép các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân tiếp cận với các công nghệ mới và hiệu quả. [6]

Các bệnh viện khác nhau không có chung nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế phức tạp, chẳng hạn như cấy ghép nội tạng, có yêu cầu lớn hơn đối với chẩn đoán hình ảnh, giường chăm sóc đặc biệt và dịch vụ phẫu thuật so với các bệnh viện không cung cấp các dịch vụ này.

Quy mô dân số được bệnh viện phục vụ cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vốn của bệnh viện. Dịch vụ chăm sóc đặc biệt thường được khu vực hóa trong tỉnh – nghĩa là một bệnh viện có thể phát triển chuyên môn trong một quy trình y tế nhất định và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho toàn bộ khu vực. 

Ví dụ, tỉnh có năm bệnh viện dành cho trẻ em cùng nhau cung cấp dịch vụ chăm sóc nhi khoa chuyên môn cao cho toàn tỉnh. Có sự khu vực hóa tương tự đối với nhiều dịch vụ ung thư. 

Các dự án vốn được tài trợ khác với chi phí vận hành của bệnh viện. Chi phí vận hành là chi phí cần thiết để vận hành bệnh viện như cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, thuốc men hoặc công nghệ y tế. Hầu hết chi phí vận hành được tài trợ hoàn toàn thông qua các khoản thanh toán của chính phủ, phân bổ cho các khu vực y tế. Ngược lại, chi phí vốn được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau. [6]

Ở Ontario, các bệnh viện cần có sự chấp thuận từ khu vực y tế và bộ y tế của tỉnh trước khi có thể thực hiện bất kỳ khoản chi tiêu vốn lớn nào. Việc phê duyệt một dự án vốn thường dựa trên đánh giá về nhu cầu của cộng đồng và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tại địa phương đã có sẵn. [6]

Trong trường hợp của MRI, sự chấp thuận từ khu vực y tế đi kèm với cam kết cung cấp kinh phí vận hành để vận hành thiết bị, nhưng không phải cho chính thiết bị đó; chi phí mua, bảo trì và thay thế máy MRI hoàn toàn do bệnh viện chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, không phải tất cả các thiết bị y tế đều được xử lý như nhau. Ví dụ, chi phí cho thiết bị xạ trị ung thư được chính phủ Ontario tài trợ hoàn toàn. Và chi phí xây dựng lại được xử lý theo cách khác – các bệnh viện hiện chịu trách nhiệm 10% chi phí cho các dự án xây dựng lớn, chính phủ cung cấp 90% còn lại.

Các bệnh viện dựa vào nhiều phương pháp khác nhau (chẳng hạn như phí đậu xe) để tạo ra số tiền cần thiết để trả cho thiết bị và phần chia sẻ chi phí xây dựng. Nhưng phần lớn trách nhiệm này thường thuộc về quỹ tài trợ dài hạn của bệnh viện, tổ chức hoạt động trong cộng đồng để gây quỹ cần thiết thông qua các khoản quyên góp của cá nhân và doanh nghiệp. [6]

Đóng góp từ thiện đang trở thành một nguồn tài trợ ngày càng quan trọng cho các bệnh viện ở tỉnh. Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực nhận quyên góp lớn thứ hai ở Gia Nã Đại (sau các tổ chức tôn giáo) và chiếm khoảng 13% tổng số tiền quyên góp nhận được từ người dân. Tài liệu năm 2013 báo cáo rằng các tổ chức y tế đã nhận được 1,7 tỷ đô la tiền quyên góp.

Rõ ràng, không phải bệnh viện nào cũng có nhu cầu gây quỹ giống nhau. Các mục tiêu gây quỹ của bệnh viện phụ thuộc vào phạm vi dự án mà họ thực hiện. Các bệnh viện thường huy động được số tiền khác nhau, từ nửa triệu đô la một năm ở một bệnh viện nông thôn nhỏ đến 34 triệu đô la ở một bệnh viện ngoại ô lớn. Một số bệnh viện ở thành phố, có mục tiêu gây quỹ hơn 100 triệu đô la mỗi năm. [6]

Từ khi tôi sang định cư ở đây vào năm 1994 đến nay, tôi chưa bao giờ nghe chuyện về gián đoạn dịch vụ y tế ở đây theo kiểu phải có sự can thiệp của thủ tướng chính phủ mới có thể giải quyết được như bên nhà. Tổ chức dịch vụ bệnh viện bên nhà là bao cấp, so với tổ chức y tế khu vực như bên nầy. Kết quả của thời bao cấp ra sao thì chắc mọi người đã rõ, xin miễn bàn. 


Nguồn:

1. Tuổi trẻ. Không cần 3 báo giá: Các bệnh viện ‘thở phào’. 05/03/2023; Available from: https://tuoitre.vn/khong-can-3-bao-gia-cac-benh-vien-tho-phao-2023030511430706.htm.

2. Thế giới tiếp thị. Thủ tướng: Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế trong tháng 3. 26/02/2023; Available from: https://thegioitiepthi.danviet.vn/thu-tuong-khac-phuc-bang-duoc-tinh-trang-thieu-thuoc-sinh-pham-vat-tu-trang-thiet-bi-y-te-trong-thang-3-2023022610492203.htm.

3. VNExpress. Bệnh viện chưa được gỡ vướng về sửa chữa trang thiết bị hư hỏng. 9/3/2023; Available from: https://vnexpress.net/benh-vien-chua-duoc-go-vuong-ve-sua-chua-trang-thiet-bi-hu-hong-4578457.html.

4. Closing the Gap in Healthcare. Healthcare in Ontario: How does it Work and How is it Funded? 30/05/2028; Available from: https://www.closingthegap.ca/healthcare-in-ontario-how-does-it-work-and-how-is-it-funded/.

5. Ontario Ministry of Health. Hospitals – Questions And Answers. Accessed March 9, 2023; Available from: https://www.health.gov.on.ca/en/common/system/services/hosp/faq.aspx.

6. Healthy Debate. Is Ontario’s reliance on donations to fund hospital infrastructure fair and sustainable? 19/02/2015; Available from: https://healthydebate.ca/2015/02/topic/politics-of-health-care/philanthropy/.