19 tướng Mỹ chê TT Biden thiếu quyết đoán, chiến thắng có thể tuột khỏi tầm tay

Share this post on:
Họp giữa TTK Liên Hiệp Quốc, TT Thổ Nhĩ Kỳ và TT Ukraine

Mười chín tướng lĩnh và cựu quan chức Mỹ nghỉ hưu đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Biden đẩy mạnh tốc độ cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu không có sẽ có nguy cơ “vô tình thất bại khi chiến thắng đã gần kề”. Họ cũng cảnh báo rằng một thất bại như thế sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ và thế giới trong tương lai.

Họ cho rằng Mỹ đang cung cấp đủ vũ khí để bảo đảm thế trận bất phân thắng bại nhưng không đủ để giúp Ukraine tái chiếm lãnh thổ bị Nga chiếm giữ. Các cựu sĩ quan, nhà ngoại giao và các quan chức khác cho rằng chính quyền đang bị ức chế vì lo sợ sẽ kích hoạt việc leo thang chiến tranh với Nga, có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân – nhưng họ cho rằng việc không đánh bại Vladimir Putin ngay bây giờ ở Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu với Mạc Tư Khoa sau này “trên những cơ sở kém thuận lợi hơn”.

Tốc độ chuyển giao vũ khí cho Ukraine là nguyên nhân gây xích mích giữa Washington và Kyiv, cũng như một số đồng minh Đông Âu. Cho đến nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine gần 10 tỷ USD dưới thời chính quyền Biden, bao gồm cả bệ phóng hỏa tiễn, nhưng đã ngừng cung cấp hỏa tiễn tầm xa hơn, máy bay cánh cố định và một số máy bay không người lái vũ trang.

“Bằng cách cung cấp viện trợ chỉ đủ để tạo ra bế tắc trên chiến trường, nhưng không đủ để đảo ngược lợi ích lãnh thổ của Nga, chính quyền Biden có thể vô tình nắm lấy thất bại từ hàm của chiến thắng”, một bài bình luận đăng trên Hill, do Tướng Philip Breedlove ký, nhận định như trên. Ông là cựu chỉ huy tối cao của lực lượng Nato ở Âu Châu. Ba cựu đại sứ tại Ukraine, Marie Yovanovitch, John Herbst và William Taylor, cũng ký tên trong số những người khác.

Bài bình luận cho biết: “Do quá thận trọng sợ hãi kích động Nga leo thang chiến tranh quy ước cũng như hạt nhân, chúng ta thực sự sẽ nhường ưu tiên cho Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định; và tự làm giảm áp lực buộc Mạc Tư Khoa phải ngừng gây hấn và nghiêm túc với các cuộc đàm phán”

“Chúng ta có thể nghĩ rằng mỗi ngày chúng ta trì hoãn việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết để giành chiến thắng, chúng ta đang tránh một cuộc đối đầu với Điện Cẩm Linh. Nhưng không phải thế, chúng ta chỉ đang làm tăng khả năng đối mặt với mối nguy hiểm đó trên những cơ sở kém thuận lợi hơn”.

Tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, Jake Sullivan, nói rằng tốc độ giao vũ khí bị hạn chế bởi khả năng tiếp nhận vũ khí của Ukraine, số lượng những người được đào tạo để sử dụng chúng và sự cần thiết phải có các đồng minh của NATO hỗ trợ việc giao vũ khí.

Nói về Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Lục quân, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn 300km mà Kyiv đã nhiều lần yêu cầu, Sullivan nói rằng nỗi sợ hãi về sự leo thang chiến tranh đóng một vai trò trong việc ngăn chặn điều này.

Ông nói tại Diễn đàn An ninh Aspen: “Mục tiêu chính là bảo đảm rằng chúng ta không rơi vào hoàn cảnh mà chúng ta đang tiến tới một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.”

Những người ký tên trên bài bình luận cho rằng Mỹ đang tự cho phép mình bị đe dọa hạt nhân từ Nga trong khi không tính đến mức độ mà kho vũ khí của Mỹ khiến Nga phải ngồi xuống bàn đàm phán.

Herbst, hiện là giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy Hoa Kỳ bị chùn bước không dám làm những gì có lợi cho mình, ngoại trừ sự hung hăng của Nga như chúng ta đang thấy hiện nay. Tôi nghĩ rằng đó là lý do quan trọng nhất cho cái mà tôi gọi là sự rụt rè và chậm chạp trong phản ứng của chính quyền đối với các yêu cầu chính đáng và quan trọng, thậm chí cả những yêu cầu khẩn cấp”.

Cùng với ATACMS, việc cung cấp máy bay cánh cố định cũng là một nguồn gây tranh cãi giữa Washington, Kyiv và các thủ đô Đông Âu. Một số quốc gia Âu Châu đã cung cấp phụ tùng thay thế cho Ukraine để Kyiv có thể sửa chữa một số máy bay phản lực MiG từ thời Liên Xô, nhưng Mỹ và một số đồng minh coi việc cung cấp toàn bộ máy bay là leo thang chiến tranh.

Vào tháng 3, Ba Lan tuyên bố chuẩn bị bàn giao 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của mình cho căn cứ của Mỹ ở Ramstein, Đức, giao toàn bộ cho Mỹ hoặc NATO để giao cho các phi công Ukraine, nhưng đề nghị này bị Ngũ Giác Đài bác bỏ.

Slovakia được cho là đã chuẩn bị gửi MiG-29 của mình, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Jaroslav Nad, cho biết vào cuối tuần qua rằng chúng sẽ vẫn hoạt động ở Slovakia cho đến cuối tháng 8.

“Chúng tôi đang đàm phán với các đồng minh và đối tác của mình về những việc cần làm với họ tiếp theo. Naď cho biết hôm Chúa Nhật.

Debra Cagan, cựu phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các hoạt động của liên minh và là một người ký tên trong bài bình luận của Hill, cho biết bà tin rằng Washington vẫn chưa chấp thuận việc chuyển giao của Slovakia vì nước này muốn có những chiến đấu cơ tiên tiến của Hoa Kỳ.

Cagan, hiện là thành viên của Mạng lưới Lãnh đạo Xuyên Đại Tây Dương, cho biết: “Sẽ không có chuyện các chuyến hàng máy bay đến Ukraine mà không có Mỹ chấp thuận trước”.

“Người Slovakia không có khả năng quân sự để nói ‘OK, chúng tôi sẽ làm điều này’ và sắp xếp cho các phi công Ukraine sang lái máy bay về nước… Ai đó từ Tòa Bạch Ốc phải nói rằng OK, bạn có thể biến điều này thành hiện thực. Sự hiểu biết của tôi là điều đó đã không xảy ra”.

4. Estonia dỡ bỏ tượng đài xe tăng thời Liên Xô trong bối cảnh căng thẳng với Nga

Thủ tướng Kaja Kallas cho biết chính quyền Estonia đã loại bỏ một tượng đài xe tăng có từ thời Liên Xô khỏi bệ của nó ở phía đông thành phố Narva, đây là đợt di dời quan trọng nhất trong số ước tính khoảng 200 đến 400 tượng đài mà chính phủ đã cam kết sẽ dỡ bỏ vào cuối năm nay.

Đây là động thái mới nhất chống lại Nga của các nước trong khu vực Baltic. Phần Lan tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ sẽ cắt giảm số lượng thị thực mà họ cấp cho người Nga xuống còn 10% so với số lượng hiện tại sau khi cảm thấy bất bình với cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, các tượng đài của Liên Xô ở Estonia không còn là vấn đề địa phương nữa, thủ tướng Kaja Kallas nói: “Không ai muốn thấy những người hàng xóm hiếu chiến và thù địch gây ra căng thẳng trong nhà của chúng tôi.”

Estonia là một nước cộng hòa trong vùng Baltic thuộc Liên Xô từ năm 1944 cho đến năm 1991 và gần một phần tư dân số 1,3 triệu người của Baltic là người dân tộc Nga. Kallas nói: “Chúng tôi sẽ không tạo cơ hội cho Nga sử dụng quá khứ để làm xáo trộn hòa bình ở Estonia.

Chính phủ đã công bố ý định dỡ bỏ tất cả các tượng đài thời Liên Xô vào đầu tháng này, nói rằng cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine đã “mở ra những vết thương trong xã hội của chúng tôi mà những tượng đài thời cộng sản này nhắc nhở chúng tôi”.

Thông báo này đã vấp phải sự phản đối của một số người ở Narva, trên biên giới của Estonia với Nga, nơi chỉ có 4% cư dân là người dân tộc Estonia và hơn 80% là người dân tộc Nga, khiến chính phủ phải nhanh chóng can thiệp để chống lại “căng thẳng và bối rối ngày càng gia tăng”, Thủ tướng Kallas nói.

Công việc dỡ bỏ chiếc xe tăng T-34 và hai tượng đài Liên Xô khác trong thành phố bắt đầu dưới sự canh gác của cảnh sát ngay sau rạng sáng ngày thứ Ba và hoàn thành vào giữa buổi sáng. Xe tăng sẽ được trưng bày tại bảo tàng chiến tranh quốc gia Estonia gần thủ đô Tallinn.

Bộ trưởng Nội vụ Estonia, Lauri Läänemets, cho biết việc cân nhắc trật tự công cộng là điều tối quan trọng. Ông nói: “Nhiều người dân địa phương quan tâm đến việc dỡ bỏ các di tích, nhưng chiến tranh phải được tưởng niệm để đừng có xung đột và đe dọa khiêu khích trong tương lai”.

Việc dỡ bỏ các tượng đài của Liên Xô đã gây ra tình trạng bất ổn ở Estonia trong quá khứ: việc di dời một bức tượng được gọi là Người lính đồng ở Tallinn vào tháng 4 năm 2007 đã dẫn đến hai đêm bạo loạn và cướp bóc, trong đó một người biểu tình Nga đã bị giết.

Mạc Tư Khoa đã chỉ trích kế hoạch của Estonia. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Việc xóa bỏ các tượng đài cho những người đã cứu Âu Châu khỏi chủ nghĩa phát xít, tất nhiên là thái quá.”

Ở nước láng giềng Latvia, các nghị sĩ đã thông qua đạo luật vào tháng 6 yêu cầu tất cả “tượng đài tôn vinh chế độ Xô Viết không được phép đặt nơi công cộng, kể cả trong các nghĩa trang, và phải được tháo dỡ trước ngày 15 tháng 11. Riêng các tác phẩm có tính nghệ thuật được dân chúng ưa chuộng, có thể được chuyển đến Bảo tàng nghệ thuật ở Riga”.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Pekka Haavisto, cho biết từ ngày 1 tháng 9, chỉ một phần mười trong số 1.000 chỗ xin thị thực du lịch hàng ngày hiện dành cho công dân Nga sẽ được cung cấp.

Ngày càng có nhiều người Nga tránh né việc đóng cửa không phận Liên Hiệp Âu Châu đối với các chuyến bay của Nga bằng cách đi qua Phần Lan và đi đến các điểm nghỉ mát của Liên Hiệp Âu Châu từ sân bay Helsinki. “Điều này có lẽ không thích hợp lắm,” Haavisto nói.

Ông nói rằng một lệnh cấm hoàn toàn với lý do quốc tịch là không thể thực hiện được, và nhấn mạnh rằng các loại thị thực khác – cho các chuyến thăm gia đình, công việc và học tập – sẽ không bị ảnh hưởng. Helsinki cũng đang nghiên cứu một loại thị thực nhân đạo cụ thể.

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, đã nhiều lần nói rằng “không đúng” khi du khách từ Nga có thể đi nghỉ ở Âu Châu trong khi quân đội của họ đang giết chóc ở Ukraine. Thủ tướng Kallas của Estonia đã kêu gọi một lệnh cấm thị thực trên toàn Liên Hiệp Âu Châu.