Những Nét Đặc Biệt Của ĐỨC HUỲNH PHÚ SỔ Trong Lãnh Vực CHÍNH TRỊ (L.S)

Share this post on:

 DetailsWritten by Vĩnh Liêm Category: Lịch Sử Published: 23 October 2022 Created: 23 October 2022 Last Updated: 23 October 2022 Hits: 1543

Những Nét Đặc Biệt Của ĐỨC HUỲNH PHÚ SỔ Trong Lảnh Vực CHÍNH TRỊ (L.S)

VĨNH LIÊM

4600 1 ChanDungDucHPSoVLiem

(Chân Dung Đức HUỲNH Giáo Chủ PGHH)

4600 2 SamGiangThiVanGLyVLiem

       Khi tôi giở lại quyển SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ (PGHH) thì thấy những đặc điểm của Đức Huỳnh Phú Sổ (Giáo Chủ PGHH) làm tôi kinh ngạc. Vì sao? Vì Ngài là Giáo Chủ một tôn giáo lớn ở Miền Nam Việt Nam trong thập niên 40, mà lại là một người mang dòng máu cách mạng trên hai lãnh vực: Tôn Giáo và Chính Trị. Thế mới lạ đối với tôi! Nhưng lãnh vực Tôn Giáo thì tôi sẽ bàn luận ở một bài khác. Nay, xin phép mạn đàm về lãnh vực Chính Trị mà Đức Huỳnh Phú Sổ đã bước chân vào.

      Lãnh vực Chính Trị thì có gì lạ đối với người Việt? Lạ chứ! Thập niên 40, nước Việt Nam nằm trong sự cai trị của thực dân Pháp. Những ai chống đối thực dân Pháp (lúc bấy giờ) đều bị bắt và bị nhốt vào tù. Trong thời gian xiển dương (khai sáng) Đạo Phật tại làng Hòa Hảo, tỉnh An Giang (sau đó người ta gọi là PGHH), Ngài Huỳnh Phú Sổ cũng đã bị thực dân Pháp bắt và nhốt nhiều lần. Khi Ngài được ở ngoài vòng “pháp luật” của thực dân Pháp thì Ngài luôn luôn hoạt động trong các lãnh vực mà Ngài đang tích cực xiển dương, trong đó có Phật Giáo và Chính Trị.

       Về cải cách Chính Trị cho thích hợp với thời thế, Ngài đã cùng với các nhà ái quốc thành lập ĐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI (gọi tắt là VIỆT-NAM DÂN-XÃ ĐẢNG hay DÂN-XÃ ĐẢNG). Đức Huỳnh Giáo Chủ với tư cách là Thủ-lãnh Đảng đã công bố bản Tuyên-Ngôn ngày 21-9-1946, trong lúc đó Ngài mới có 26 tuổi. Xin trích dẫn bản Tuyên-Ngôn như sau:

TUYÊN-NGÔN

của

ÐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI

Do Ðức Huỳnh Thủ-Lãnh công-bố ngày 21-9-46

(Theo bổn của B.C.H. Liên-Tỉnh Dân-Xã M.T.N.V.)

1947-1949

     Ðảng VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI (gọi tắt là Việt-Nam Dân-Xã Ðảng) thành-lập ngày 21 tháng 9 năm 1946, do sự thỏa-thuận và đoàn-kết giữa nhiều đoàn-thể ái-quốc (kháng-chiến, cần-lao, tôn-giáo và chánh-trị).

     Việt-Nam Dân-Xã Ðảng một đảng quốc-gia tranh-thủ sự tự-chủ hoàn-toàn của dân-tộc, củng-cố nền độc-lập quốc-gia và cấu-tạo xã-hội Việt-Nam mới.

     Sở dĩ Ðảng đặt vấn-đề độc-lập quốc-gia trước các vấn-đề khác là vì:

1./ – Trên lập-trường quốc-tế, nước Việt-Nam có được độc-lập, dân-tộc Việt-Nam mới được sống bình-đẳng với dân-tộc khác; dân-tộc bình-đẳng nhau mới chủ-trương được dân-tộc hiệp-lực, mới kiến-thiết được hòa-bình xác-thực cho thế-giới.

2./ – Dân-tộc Việt-Nam được tự-chủ và mạnh mới tránh khỏi sự chi-phối của đế-quốc chủ-nghĩa để thi-hành một cách có hiệu-quả những biện-pháp chánh-trị và kinh-tế, đem lại hạnh-phúc cho các tầng lớp dân-chúng.

*

     Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là một đảng dân-chủ, chủ-trương thiệt-thi triệt-để nguyên-tắc chánh-trị của chủ-nghĩa dân-chủ: “chủ-quyền ở nơi toàn-thể nhân-dân”.

     Ðã chủ-trương “Toàn dân chánh-trị” thế tất đảng chống độc-tài bất cứ hình-thức nào.

*

     Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là một đảng cách-mạng xã-hội, chủ- trương tổ-chức nền kinh-tế theo nguyên-tắc chủ-nghĩa xã-hội: không để giai-cấp mạnh cướp công-quả của giai-cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc-lợi cân-xứng với tài-năng và việc làm của mình; những người tàn-tật yếu-đuối thì được nuôi dưỡng đầy-đủ.

*

     Ðặc điểm của Việt-Nam Dân-Xã Ðảng là, trong giai-đoạn hiện tại, không chủ-trương giai-cấp đấu-tranh giữa dân-tộc Việt-Nam vì lẽ ở xã-hội Việt-Nam hiện thời, trên 80 năm bị-trị, chỉ có một giai-cấp bị “tư-bản thực-dân” bóc-lột.

     Muốn tránh khỏi giai-cấp tranh-đấu về sau, thì sự cấu-tạo “xã-hội Việt-Nam mới” phải căn-cứ nơi những yếu-tố không cho sanh-trưởng giai-cấp bóc-lột và chỉ trợ-trưởng một giai-cấp một, tức là giai-cấp sanh-sản.

(Tuyên-Ngôn của Ðảng Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội, Nếp Sống Hòa Hảo, Vĩnh Liêm, tr. 145-146)

      Đặc biệt trong CHƯƠNG TRÌNH của ĐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI, tôi thấy có các mục quan trọng và cần thiết cho xã hội lúc bấy giờ, như: Chánh-Trị, Kinh-Tế, Xã-Hội, Văn Hóa,Thanh-Niên và Binh Bị. Xin trích dẫn bản CHƯƠNG-TRÌNH để độc giả thấu hiểu rõ ràng hơn.

CHƯƠNG-TRÌNH

của

ÐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI

Do Ðức Huỳnh Thủ-Lãnh công-bố ngày 21-9-46

(Theo bổn của B.C.H. Liên-Tỉnh Dân-Xã M.T.N.V.)

1947-1949

I.- CHÁNH-TRỊ

  1. a) Ðối ngoại:

     1/ – Căn cứ vào chánh-sách của Liên-Hiệp-Quốc (O.N.U.) và sự bảo-vệ chung nền hòa-bình, cộng-tác với các dân-tộc khác trên lập-trường tự-do và bình-đẳng.

     2/- Tranh-đấu giải-phóng dân-tộc, đem lại độc-lập cho nước nhà.

     3/- Thừa-nhận quyền dân-tộc tự-quyết của các dân-tộc nhược-tiểu. Ðoàn kết với các dân-tộc ấy để chống đế-quốc xâm-lăng.

  1. b) Ðối nội:

     4/- Nước Việt-Nam có một: ba bộ Trung-Nam-Bắc gồm một.

     5/- Củng-cố chánh-thể Dân-Chủ Cộng-Hòa bằng cách đảm-bảo tự-do dân-chủ cho toàn dân.

     6/- Ủng-hộ Chánh-Phủ Trung-Ương về mặt tranh-thủ thống-nhứt và độc-lập.

     7/- Liên-hiệp với các đảng-phái để chống họa thực-dân.

     8/- Chủ-trương “toàn-dân chánh-trị”.

     9/- Chống độc-tài bất cứ hình thức nào.

II.- KINH-TẾ

  1. a) Nguyên-tắc chung:

– Trọng quyền tư-hữu tài-sản đến một độ không có hại đến đời sống công-cộng.

– Dự-bị: Một phần xí-nghiệp quốc-gia (Secteur de l’État).

   Một phần xí-nghiệp quốc-hữu-hóa (Secteur nationalisé).

   Một phần tự-do cho tư-nhân và ngoại-kiều (Secteur libre pour Viêtnamiens et Étrangers).

– Thi-hành những biện-pháp không cho bóc-lột công-nhân.

  1. b) Nông-nghiệp:

1/- Di dân để mở đất hoang.

2/- Lập đồn-điền quốc-gia, lập làng kiểu-mẫu theo chủ-nghĩa xã-hội đồn-điền.

3/- Mua lại đồn-điền bị tập-trung quá độ để bán lại cho nông-dân hoặc để cho quốc-gia.

4/- Lập bình-dân ngân-quỹ và lập hợp-tác-xã sản-xuất để giúp nông-dân mua dụng-cụ và máy-móc (cày, gặt, vận-tải…), hợp-tác-xã để tránh nạn trung-gian.

5/- Phổ-thông khoa-học để gia-tăng sản-xuất nông-nghiệp, chăn-nuôi, thủy-lợi, lâm-sản…

  1. c) Công-nghệ:

1/- Mở-mang khí-cụ cần-thiết cho sự khuếch-trương nền kinh-tế quốc-gia.

2/- Lần-lượt phát-triển kỹ-nghệ cần-yếu, bắt đầu từ kỹ-nghệ nhẹ.

  1. d) Thương-mãi:

Lập hợp-tác-xã tiêu-thụ bán vật-dụng cần-thiết từ thành-thị, từ làng.

  1. e) Tài-chánh:

Lập Ngân-hàng quốc-gia.

III.- XÃ-HỘI

     1/- Bài-trừ thuốc phiện, rượu mạnh, cờ-bạc, mãi-dâm, tham-ô.

     2/- Thi-hành triệt-để luật xã-hội.

     3/- Cải-thiện và nâng cao đời sống tinh-thần và vật-chất của dân cày và thầy thợ bằng cách mở thật nhiều cơ-quan y-tế, giáo-dục, cứu-tế, nhà bảo-sanh, ấu-trỉ-viện, nhà dưỡng-lão, nhà-thương, trường học, nhà hát-bóng… làm cho dân cày cũng hưởng được những ích-lợi của khoa-học như thầy thợ ở đô-thị.

IV.- VĂN-HÓA

     1/- Bài-trừ văn-hóa nô-lệ.

     2/- Sơ-học, tiểu-học cưỡng-bách và vô-phí.

     3/- Giáo-dục chuyên môn, tổ-chức du-học, cấp học-bổng.

     4/- Lập cơ-quan điều-hướng nghề-nghiệp.

V.- THANH-NIÊN

     1/- Tổ-chức thanh-niên thành đoàn-thể và huấn-luyện cho thành người thích-ứng với thời-đại mới.

     2/- Mở quán, trạm, nhà hội, sân vận-động cho thanh-niên.

VI.- BINH-BỊ

     1/- Thành-lập một đội binh phòng-vệ.

     2/- Mở lớp dự-bị quân-sự phòng-vệ từng làng trong một thời-hạn ngắn.

     3/- Mở trường đào-tạo sĩ-quan, gởi võ-quan cao-cấp đi tập-sự ở ngoại-quốc.

     4/- Mở lớp huấn-luyện đặc-biệt cho sĩ-quan và quân-sĩ của các đạo quân muốn gia-nhập đạo binh thường-trực quốc-gia.

(Chương Trình của ÐẢNG VIỆT-NAM DÂN-CHỦ XÃ-HỘI, Nếp Sống Hòa Hảo, Vĩnh Liêm, tr. 146-148)

     Cũng nằm trong lãnh vực Chính Trị, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về tâm huyết của Ngài qua lời Hiệu Triệu như sau:

Hiệu-Triệu

      Hỡi đồng-bào Việt-Nam!

      Vì một cái chánh-sách sai lầm của tiền-nhân ta mà Ðế-Quốc Pháp có cơ-hội tốt để chiếm-đoạt lãnh-thổ nước Việt-Nam. Gần ngót trăm năm nay, đồng-bào ta trải biết bao cay đắng: lớp kẻ thù giày đạp, lớp quan-lại tham-ô, vì thế nên người dân Việt-Nam gánh vác biết bao nhiêu sưu-thuế nặng-nề. Kẻ thù đã lợi-dụng chánh-sách ngu dân để nhồi sọ quần-chúng, gây mầm chia-rẽ Bắc, Nam, Trung, phá rối sự đoàn-kết, hầu mong cho cuộc đô-hộ được vĩnh-viễn trên dãy non sông đất nước mà Tổ-Tiên ta phải phí biết bao máu đào mới gầy dựng được.

      Vả lại từ trước cho đến nay các bực anh-hùng, các nhà chí-sĩ khắp ba kỳ đã bao phen vùng vẫy chống lại quân thù mong gầy dựng lại nền Ðộc-Lập cho quê hương đất Việt.

      Nhưng than ôi! Chỉ vì thiếu khí-giới tối-tân, chỉ vì sơ đường luyện tập mà giọt máu anh-hùng đành hòa với bao nhiêu giọt lệ, khóc phút sa cơ, để lại cho người đồng thời và cho đoàn hậu-thế muôn vàn tiếc thương ân-hận.

      Cách bốn năm nay, Ðế-quốc Pháp đã tan tành gãy đổ; địa vị người Tây cũng bị suy-lạc rất nhiều trên bán đảo Ðông-Dương. Kế đến quân-đội Nhựt tràn sang, bọn cầm quyền Pháp ở xứ ta muốn duy trì quyền chủ-trị của họ bèn lợi-dụng tất cả điều-kiện kinh-tế, để cung cấp các sự nhu-cầu cho quân-đội Nhựt hầu giữ vững cuộc bang-giao. Ðàng khác, họ gia-tăng sự áp-bức, làm cho dân-chúng ta phải điêu-linh trong vòng khổ-sở, hầu làm cho chúng ta mất cả năng-lực, cùng tinh-thần tranh-đấu, mong kéo dài ngày tháng chờ cơ-hội thuận-tiện để vẫy-vùng.

      Ðến ngày hôm nay, giai-đoạn tranh-đấu đã đến thời-kỳ quyết-liệt, cho nên lòng hân-hoan và mối hy-vọng của kẻ thù đã bộc-lộ rất rõ-ràng. Vì vậy tình bang-giao giữa chúng nó với Chánh-phủ Nhựt-bổn chẳng còn được ổn-thỏa nữa.

      Ðó là lý-do để cho quân-đội Nhựt giải quyết vấn-đề Ðông-Dương và rạng ngày 26 tháng giêng năm Ất-Dậu ta (nhằm ngày 10 Mars 1945 theo dương-lịch), bộ máy cai-trị của chúng nó bị hoàn-toàn gãy đổ.

Hỡi đồng-bào Việt-nam!

      Chúng ta đã bước và đang bước đến một khúc nghiêm-trọng trên lịch-sử. Giờ đây ta đã có thêm nhiều đặc-quyền lo-lắng đến cái giang-san gấm-vóc của Tổ-Tiên ta di-truyền lại.

Vận-động cuộc độc-lập!

Vận-động cuộc độc-lập!

      Phải! Toàn-quốc phải liên-hiệp vận-động cho cuộc Ðộc-Lập. Ðấy là cái chủ-trương duy nhất của Việt-Nam Ðộc-Lập Vận-Ðộng Hội.

      “Việt-Nam Hoàn-Toàn Tự-Do, Ðộc-Lập”.

      Ðấy là cái khẩu-hiệu duy-nhất của người Việt-Nam.

Hỡi các đồng-chí thân yêu!

      Từ khi Quốc-gia bị khuynh-đảo đến nay, chúng ta chỉ hợp từng đoàn-thể nhỏ hoặc độc thân tranh-đấu và phải bao phen thất bại một cách đắng cay chỉ vì thiếu tinh-thần đoàn-kết, thiếu sức bền-bỉ dẻo-dai để chống lại kẻ xâm-lăng vô cùng tàn-bạo. Thời giờ nầy ta đã học-hỏi được nhiều rồi; vậy thì ta nên đồng nhận chân ý-thức như nhau, nắm tay nhau quả-quyết mạnh dạn tiến bước trên con đường tranh-đấu.

Hỡi các bạn trí-thức Việt-Nam!

      – Các bạn có bị cái thứ văn-minh cặn-bã cám-dỗ chăng? 

      – Các bạn có quên tinh-thần quốc-gia hùng-dũng của Việt-Nam chăng?

      – Không! Không! Chúng tôi chắc chắn rằng không vậy.

      Các bạn cũng biết cái cặn-bã của nền văn-minh Pháp nhồi nắn rất nhiều đồng-bào ta trở thành những bộ máy của bọn xâm-lăng. Các bạn đã ôn-nhuần những trang lịch-sử vẻ-vang mà từ ngàn xưa đến giờ, tiền nhân ta viết ra bằng tâm-cơ và bằng huyết-hãn, vẫn còn đầm-đìa trên mặt giấy. Vậy ngày nay, các bạn nên lợi-dụng thời-cơ thuận tiện để đem tất cả trí, năng, đức, hạnh, tham-gia vào Hội, lãnh-đạo nhân-dân hầu huấn-luyện cho nhau cái tinh-thần quốc-gia kiên-cố.

Hỡi các bạn thanh-niên!

      Trong ba năm nay, theo mạng lịnh của người Tây, có rất nhiều bạn nhờ sự tháo luyện, nên thân-thể được cường-tráng. Tuy vậy mà thử hỏi quân thù có thật lòng thương giống-nòi dân Việt nầy chăng?

      Decoux, Ducouroy có thật lòng thương yêu qúi mến các bạn chăng? Có khi nào kẻ dị-chủng ấy đã chiếm-đoạt cái di-sản qúi báu vô cùng vô tận của Tổ-Tiên ta di-truyền lại mà thương bạn mến bạn? Ấy chỉ vì chúng nó lợi-dụng bạn, luyện-tập bạn phòng khi hữu sự thì đem bạn làm mồi cho gươm súng hầu bảo-vệ lợi-quyền tư riêng của chúng.

      Nhưng rủi thay cho quân thù, may thay cho lương dân Ðại-Việt! Bọn nó chưa đủ ngày giờ thực-hành ý-định liền bị sanh cầm. Ngày nay, thay vì phải bắt buộc phụng-sự cho những kẻ đã sát-hại tiền-nhân ta, chiếm-đoạt lãnh-thổ ta, giành-giựt lợi-quyền ta, đàn-áp đồng chủng ta, các bạn hãy để tinh-thần tráng-kiện ấy vừa giúp vào công cuộc kiến-thiết nền Ðộc-Lập cho giang-san đất Việt.

Hỡi các bạn Thanh-Niên! Các bạn nên tham-gia vào V.N.Ð.L.V.Ð.H. để đạt tới mục đích.

Hỡi các cụ đồ nho! Hỡi các nhà sư!

      Các cụ Ðồ Nho! Từ trước đến nay, luôn luôn các cụ vẫn hoài bão một nhiệt-vọng cho sự Ðộc-Lập của nước Việt-Nam, luôn luôn các cụ vẫn nuôi-nấng một tinh-thần Quốc-gia càng ngày càng mạnh-mẽ. Cái ngày mà các cụ mong-mỏi, thiết-tha đã đến và ngày giờ nầy các cụ rất khoan-khoái được thấy cái nguồn sanh-lực của nước Việt-Nam tái phát. Bao nhiêu tiết-tháo của thời xưa vẫn còn in sâu vào tâm não, bao nhiêu thành-tích vẻ-vang hùng-tráng của thời xưa đã chép ra mà nét chữ vẫn chưa mờ, còn lưu lại nơi trí óc các cụ những kỷ-niệm liệt-oanh rực-rỡ.

      Hỡi các cụ đồ nho! Hãy tham-gia vào phong-trào mới của nước nhà để khích-lệ nhân-tâm.

      Các bực Tăng-Sư, Thiền-Ðức! Các cụ có nhớ chăng? Trên lịch-sử Việt-Nam thời xưa nhà Ðại-Ðức “Khuông-Việt” dầu khoác áo cà-sa, rời miền tục lụy, thế mà khi Quốc-gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông.

      Từ khi người Pháp qua chiếm đất ta, bề ngoài gọi rằng cho ta tự-do tín-ngưỡng, nhưng bên trong dùng đủ mọi cách âm thầm chia rẽ và phá hoại cho tín-đồ nhà Phật không có sức đoàn-kết chấn hưng hầu bài-trừ cái lưu tệ dị-đoan mê-tín.

      Ðã vậy lại không có cơ-quan tuyên-truyền thống nhứt, cũng chẳng có trường chung đào luyện tăng-sư. Các cụ nên biết: hễ nước mất thì cơ-sở của Ðạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Ðạo được phát khai rực-rỡ.

      Chúng tôi ước-mong các cụ noi theo gương đức Ðại-Sư “Khuông-Việt” tự mình gia-nhập vào V.N.Ð.L.V.Ð.H. để làm gương, hay là để khuyến-khích các môn nhơn đệ-tử mau tham-gia vào phong-trào mới hầu chấn-chỉnh Quốc-gia ta. Khi nào nước nhà được cường-thạnh, đạo Phật mới đặng khuếch-trương tự-do hầu gieo rắc tư-tưởng Thiện-Hòa và tinh-thần Từ-Bi, Bác-Ái khắp bàng-nhân bá-tánh.

Hỡi các nhà Thương-mãi!

Nông-gia! Thợ thuyền!   

      Dưới sự kềm chế của bọn xâm-lăng, nền thương-mãi quốc-gia bị đắm chìm kiệt-quệ, cơ hồ bị tay người ngoại quốc chiếm hẳn. Vì thế dưới sự chi-phối của bọn Ðế-quốc Pháp, các nền kinh-tế, thương-mãi của người Nam không có cơ ngóc đầu dậy nổi.

      Các nền tiểu-công-nghệ, thủ-công-nghệ bị uy-hiếp nặng-nề cho đến đổi những nhà tiểu tư-bản đều bị vô-sản hóa, lâm vào một tình-trạng vô cùng lầm than khổ não.

      Thương-gia Việt-Nam đành bó tay không phương giải-cứu. Muốn cho nền thương-mãi đặng phát-triển, thương-gia đặng thạnh-vượng, phi trừ sự “Ðộc-Lập” của nước nhà ra chẳng có cái gì có thể vãn cứu nổi.

      Các nông-gia bị cái áp-lực bất công của bọn thực-dân người Pháp và những kẻ quan-lại kiêm địa-chủ hiếp bức đủ mọi phương-diện, đều bị bóc-lột rất quá đáng. Nông-nghiệp là nguồn gốc kinh-tế của xứ mình; nhưng vì muốn làm cho quân-đội Nhựt-Bổn thiếu kém đồ ăn và lấy cớ cung-cấp cho quân-đội Nhựt mà người Pháp, ngót mấy năm nay, thi-hành chánh-sách hết sức độc-ác, tịch thu hay mua rẻ nông-sản, kiểm-tra hóa-vật bày ra nông-phố hợp tác lủng-đoạn lợi quyền, làm cho nông-nghiệp phải chịu thiệt-thòi rời-rã, không còn sản-xuất như xưa, kẻ làm ruộng vì vậy mà nghèo hèn đói rách. Bọn cầm quyền Pháp chẳng có giúp cho kỹ-thuật canh-cải được điều gì tốt đẹp cả, và chỉ khai-thác ít con kinh cho chiếu lệ, chớ 80 năm nay nghề nông ta vẫn còn nằm trong vòng ấu-trỉ phôi-thai với những khí-cụ của ông bà ta để lại. Họ chẳng có đem lại thứ máy-móc nào giúp cho nông-nghiệp được phát-đạt và vì thế mà đời sống của nông-phu cũng không khi nào được thư-thái, cho đến muối là một món ăn mà Ðông-Dương sản-xuất rất nhiều, nhưng vì người Pháp mà mấy năm nay trở nên thiếu-thốn chẳng đủ cung-cấp cho nhân-dân.

      Nền kỹ-nghệ trong xứ chẳng những không được khuyến-khích giúp đỡ mà lại còn bị cấm ngăn gián-tiếp khiến cho sự nhu-cầu của dân-chúng thiếu-thốn mọi bề, từ một cây kim may cho đến một cơ-khí tinh-xảo. Tóm lại tất cả các nhà kinh-tế, kỹ-nghệ, thương-mãi, nông-nghiệp, tất cả các nguồn-lợi thiên-nhiên hay nhân tạo, tất cả các nguyên-liệu cho sự sống còn của xứ sở bị người Pháp hoặc chiếm đoạt, hoặc tàn-phá làm cho nước nhà không còn là một nơi phì-nhiêu phong-phú nữa.

      Thợ-thuyền nhơn-công cũng ở dưới sự bạc-đãi, bức bách như nông-dân; họ sống một cuộc đời luôn luôn thiếu kém và vẫn phải rụt-rè khép-nép với bọn chủ xưởng người Tây, vẻ mặt đầy hung-ác.

      Nhiều khi lắm người nhân công bị hành-hạ tàn-nhẫn, giết chết biệt thây, hoặc bị sốt rét rút hết máu me nơi cánh rừng cao-su bát-ngát, hoặc chết dưới những hầm mỏ âm-u mà nào ai có mở cuộc điều-tra, nào ai dám mở lời kêu ca thống trách và pháp-luật vẫn bỏ mặc tình, chẳng một điều gì chở-che bảo-bọc, ấy cũng tại nguyên-nhân nào? Nếu chẳng phải tại nước mất nhà tan, nên đám người vong-quốc ấy phải ngậm-ngùi với biết bao điều ân-hận.

      Hỡi các thương-gia, nông-gia, thợ-thuyền! Cố gắng lên! Hùng mạnh lên! Và liên-kết cổ-động tranh-đấu cho nền độc-lập hoàn-toàn của Quốc-gia hầu vãn-cứu đồng-bào mình cùng quyền-lợi mình.

VIỆT-NAM ÐỘC-LẬP VẬN-ÐỘNG HỘI

thành-lập chẳng phải chỉ để lo riêng cho cái quyền-lợi của một người hay một hạng người mà là cho chung cả mấy mươi triệu người dân Việt.

      Vậy thì mỗi người công-dân Việt-Nam đều phải nghĩ đến xứ-sở mình, đến tương-lai đất nước mình, đến sự sống còn của dân-tộc mình; vì mặc dầu đã bị triệt-hạ trên dãy đất Ðông-Dương, Ðế-quốc Pháp bên kia trời cũng vẫn còn hoài-bảo cái mộng-tưởng khôi phục lại quyền chủ trị; vậy thì đồng-bào hãy cố gắng lên!

      Chúng tôi mong rằng các bực lão thành, các hàng trí-thức, các thanh-niên nam-nữ, các đồng-bào vì đất nước chung, vì mục-đích chung, hợp sức cùng nhau để đạt cái nhiệt-vọng tối-đại tối-cao thì tiền-nhân ta mới đành ngậm cười nơi chín suối.

VIỆT-NAM ÐỘC-LẬP VẬN-ÐỘNG HỘI

“Ủng hộ triệt-để các đảng Ái-quốc chân chính”.

“Bài-trừ triệt-để bọn mọt nước sâu dân”.

Saigon, tháng 3 dl. 1945

(Hiệu-Triệu, Nếp Sống Hòa Hảo, Vĩnh Liêm, tr. 148-153)

       Ngoài Hiệu Triệu ghi trên, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn có lời Tuyên Bố để trả lời đồng bào đã hỏi Ngài “Vì sao Ngài tham chánh”. Sau đây là lời Tuyên Bố của Ngài:

Đức Huỳnh Giáo-Chủ Tuyên-Bố

      Tháng tám năm 1945, Phát-xít Nhựt đầu hàng không điều-kiện. Tin ấy bay ra làm cho tất cả dân-chúng Việt-Nam từ nhà lãnh đạo cách-mạng cho đến đại-chúng cần-lao, mọi người đều nhận thấy một ánh sáng của quê hương chói dậy. Giờ thiêng-liêng của lịch-sử đã đến; sự hoạt-động bí-mật nhường chỗ cho sự hoạt-động công-khai.

      Tôi, một đệ tử trung-thành của đạo Phật, một chiến-sĩ trì-chí của phong-trào giải-phóng dân-tộc Việt-Nam sẵn-sàng cùng đoàn-thể mình cương-quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông, cương-quyết tranh-đấu để bảo-vệ quyền-lợi chung cho nòi giống.

      Tiếc vì một hoàn-cảnh đặc-biệt đau thương buộc tôi phải dung mình trong non cao rừng thẳm. Sự độc-đoán, sự ngờ-vực đã đưa đến chỗ chia-ly, mà kẻ thức-thời nhìn qua sự thật không khỏi ngậm-ngùi than-trách. Một năm trời biến-cố, dấu tang thương gieo khắp trời Nam, song cảnh cam-go ấy tôi muốn tìm phương cứu chữa, nhưng khốn thay, bị đứt mối liên-lạc với Trung-Ương và các đồng-chí, nên đành nuốt hận và nhìn bọn xâm-lăng tung-hoành trong đất nước. Lúc ấy tất cả quần-chúng của tôi, Ban chỉ-huy cao-cấp không còn. Ban chỉ-huy địa-phương tan rã, họ bơ-vơ như bầy chim lạc đàn không nơi nương dựa, mà còn phải trải qua những giờ phút hãi-hùng, rồi nén lòng chờ đợi cứu tinh, rồi tuyệt vọng. Khi quân giặc đến, không ai chỉ đạo cho họ tranh-đấu, nỗi lòng hoang-mang xui cho những phần-tử quá trung-thành mà nông-nổi không dằn được khí phẫn-uất nên họ đi tới chỗ xung-đột vô ý-thức.

      Tháng 2 năm 1946, tôi vừa bắt được liên-lạc và hiểu rõ tình-trạng đau đớn trên thì liền dùng đủ biện-pháp làm cho cuộc xô-xát âm-thầm chấm-dứt. Hơn nữa, trên các mặt trận, cũng cố-gắng tìm cách ủng-hộ chiến-sĩ về hai phương-diện vật-chất lẫn tinh-thần, đồng thời xếp đặt các chiến-sĩ mình vào một tổ-chức quân-sự, chen vai thích cánh với đồng-bào trong cuộc kháng-chiến.

      Hôm nay, nhận rõ cuộc tranh-đấu cho tổ-quốc còn dài và cần nhiều nỗ-lực, hưởng-ứng với tiếng gọi đại đoàn-kết của Chánh-phủ Trung-Ương, tôi quyết-định tham-gia hành-chánh với những mục-đích nầy:

      1.- Ðể tỏ cho quốc-dân và chánh-phủ thấy rằng chúng tôi chủ-trương thống-nhứt lãnh-thổ và độc-lập quốc-gia.

      2.- Ðể biểu-dương tinh-thần đoàn-kết của dân-tộc hầu mau đem thắng-lợi cuối cùng.

      3.- Ðể tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham-vọng cao sang vương-bá hay vì hiềm riêng mà hờ-hững với phận-sự cứu-quốc.

      Biểu-lộ tấm lòng thành-thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm-vụ cần-thiết, hạp với hoàn-cảnh và năng-lực mình, cố-gắng dàn-xếp về hành-chánh và quân-sự để củng-cố và tăng-cường lực-lượng của quốc-gia.

      Ðối với toàn thể tín-đồ Phật-Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ-tử trung-thành của Ðức Phật Thích-Ca, tôi tin chắc rằng giáo-lý giải-thoát chúng-sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền-lâm mà còn phải thực-hiện trên trường chánh-trị.

      Ðối với các đồng-chí hiện đang cùng tôi đeo-đuổi một chương-trình Dân-Chủ Xã-Hội, tôi tuyên-bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy-dựng một nước Việt-Nam công bình và nhơn-đạo, một nước Việt-Nam tương-xứng với các nước Dân-chủ tiền-tiến trên hoàn-cầu.

(Ðức Huỳnh Giáo-Chủ Tuyên-Bố, Nếp Sống Hòa Hảo, Vĩnh Liêm, tr. 153-155)

     Xét ra, trên lý thuyết thì Đức Huỳnh Phú Sổ hoạt động trong lãnh vực Chính Trị vỏn vẹn chưa tròn 1 năm (từ 21-9-1946 đến 16-4-1947) thì Ngài đã biệt dạng sau biến cố Đốc Vàng, tỉnh Kiến Phong (ngày 16-4-1947). Tuy nhiên, xét rộng về mặt thực tế thì Ngài đã vùng vẫy trong lãnh Chính Trị và Phật Giáo suốt 8 năm. Trước khi thành lập Đảng Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội, Ngài đã hoạt động trong “Việt-Nam Độc-Lập Vận-Động Hội” để vận động cho nền độc lập nước nhà, và “Mặt-Trận Quốc-Gia Thống-Nhất Toàn-Quốc”, để đưa chí sĩ Nguyễn Văn Lâm và nhà cách mạng Nguyễn Hoàn Bích (tức Nguyễn Bảo Toàn) sang Hồng Kông mời Cựu Hoàng Bảo Ðại về nước để thành lập giải pháp quốc gia.

      Khi thế chiến thứ hai kết thúc, lực lượng Ðồng Minh giải giới quân đội Nhựt tại Ðông Dương và thực dân Pháp lăm le đổ bộ lên bán đảo nầy. Ðể hiệp lực cứu nguy đất nước với các sư đoàn bạn, Ngài thành lập Ðệ Tứ Sư Ðoàn và lực lượng bán quân sự khắp miền Tây Nam Việt. Cộng sản Nam Bộ (tức Việt Minh) lo sợ nên huy động Quốc-Gia Tự-Vệ Cuộc của chúng đến bao vây trụ sở của Ngài ở đường Miche (Ða-kao, Sài-Gòn) để bắt Ngài. Ðể tránh cảnh cốt nhục tương tàn (“giết nhau để lợi cho phường xâm lăng” và “qúi nhau từ giọt máu đào, để đem máu ấy tưới vào địch quân” [thơ của Ðức Huỳnh Giáo-Chủ]), Ngài giải tán lực lượng quân sự, bí mật thoát vòng vây. Ngài ngậm ngùi ra đi lánh mình ở vùng Cỏ May, Rừng Sát. Ngài tâm sự trong bài thơ “Tự Thán” như sau:

Bên rừng tạm gởi thân cô quạnh,

Nhìn thấy non sông suối lệ trào…

      Thế rồi một văn kiện bán nước ra đời do Hồ Chí Minh ký ngày 06-03-1946, nhượng cho quân đội Pháp đổ bộ lên bán đảo Ðông Dương nhằm tiêu hao lực lượng “Việt-Nam Cách-Mạng Ðảng” và “Việt-Nam Quốc-Dân Ðảng” ở ngoài Bắc, cùng các lực lượng quốc gia kháng Pháp ở trong Nam hầu để cho chúng có thì giờ củng cố “Ðông-Dương Cộng-Sản Ðảng”.

      Ngài không đành nhìn cảnh quốc phá gia vong nên bí mật về Chợ Lớn liên lạc với các tín-đồ thân tín cùng các lãnh tụ quốc gia để thành lập “Việt-Nam Dân-Chủ Xã-Hội Ðảng” (gọi tắt là Dân-Xã Ðảng) để hàng ngũ hóa nhân dân, mục đích thực hiện công bằng xã hội, đem lại độc-lập tự-do phú-cường cho dân tộc.

      Về quân sự, khắp miền Tây thành lập “Tự-Vệ Chiến-Ðấu Quân”, từ dao găm, tầm vong vạt nhọn diệt thù, công đồn, giựt súng Tây để thành lập một lực lượng quân sự võ trang hùng hậu mang tên là “Việt-Nam Vệ-Quốc Liên-Ðội Nguyễn Trung Trực” (gọi nôm na là “Bộ Ðội Nguyễn Trung Trực”) nhằm mục đích đánh đuổi ngoại xâm Pháp, giữ trật tự an ninh thôn ấp… Chỉ trong một thời gian ngắn Liên-Ðội nầy lập được nhiều chiến công hiển hách. Tại Miền Ðông, Ngài liên kết với Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (Giáo Chủ Cao-Ðài) và lực lượng Bình Xuyên. Nhiều lần Ngài chỉ huy liên quân đánh bại giặc Pháp, nhứt là trận Vườn Thơm thuộc Gia Ðịnh. Ngài tâm sự:

Ngày hôm ấy tàn thu sương đượm,

Giặc Pháp đem lực-lượng tấn-công.

Máy bay, tàu thủy, súng đồng,

Lục quân, cơ-khí quyết lòng hại dân.

Chúng gặp phải liên-quân anh-dũng,

Hạ phi-cơ, tuốt súng, lấy bom.

Quanh tàu vây chặt mấy vòng,

Cả kinh giặc Pháp phục tòng rút lui…

(Tế Chiến-Sĩ Trận Vong ở Vườn Thơm, Bính Tuất 1946, Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, VP/PGHH/HN 1984, tr. 473)

      Sau trận ấy, khí thế kháng chiến bừng bừng khắp nơi, nổi dậy chiếm đồng loạt bót Tây, giựt súng diệt thù làm cho giặc Pháp phải bỏ thôn quê rút về cố thủ tại các thị trấn. Cộng sản Nam Bộ (Việt Minh) thấy thế bèn cử Phạm Thiều nhiều lần mời Ngài tham gia vào “Ủy-Ban Hành-Chánh Nam-Bộ”. Ðể tỏ cho quốc dân thấy rằng lúc nào Ngài cũng đặt quyền lợi đất nước trên hết, đoàn kết toàn dân đánh đuổi ngoại xâm, và cho Cộng Sản thấy Ngài thừa biết sự xảo quyệt của chúng, Ngài tự đặt ra và lãnh chức vụ Ủy-Viên Ðặc-Biệt trong “Ủy-Ban Hành-Chánh Nam-Bộ”. Các lực lượng quân sự của Ngài gia nhập vào Vệ-Quốc Ðoàn chủ lực thành Chi Ðội 30 khu 9, các đảng viên Dân-Xã Ðảng tham gia vào Ủy-Ban Hành-Chánh Nam-Bộ các cấp…

      Chẳng được bao lâu, bọn Cộng Sản lại dở trò khủng bố, cố tình gây nhiều vụ xung đột đẫm máu khắp miền Tây. Ngài liền thành lập Ủy-Ban Hòa-Giải, gồm có: Linh mục Nguyễn Bá Luật đại diện Thiên Chúa Giáo, Luật sư Mai Văn Dậu đại diện PGHH, và Hoàng Du Khương đại diện Cộng Sản Nam Bộ (Việt Minh). Ngài đến tận các nơi xảy ra cuộc xô xát để dàn xếp và ổn định tình hình. Ngài cũng cấp bách trở về Miền Tây trực tiếp giải quyết tại chỗ hầu hàn gắn niềm hòa khí giữa đôi bên. Mặt khác, Ngài củng cố một mặt trận quốc gia trường kỳ kháng chiến thật vững chắc. Thấy thế, Cộng Sản vô cùng lo sợ nên ngày 16-04-1947 Bửu Vinh (Cộng Sản) được lịnh mời Ngài họp tại ngọn rạch Ðốc Vàng Hạ thuộc xã Tân Phú, tỉnh Kiến Phong, vùng Ðồng Tháp để âm mưu ám hại Ngài. Một lần nữa Ngài lại ra đi, làm cho hằng triệu tín đồ mong nhớ và cầu mong Ngài trở về cứu vớt non sông.

      Với một thời gian 8 năm ngắn ngủi, có biết bao nhiêu biến cố dồn dập, trải qua bao gian lao nguy hiểm, Ngài đã đem tâm cơ huyết hản tài bồi cho giang sơn, tổ quốc. Tuy Ngài xa vắng nhưng bao triệu tín đồ đã hấp thụ được một truyền thống rất vững chắc. Và tin chắc Ngài sẽ trở về.

      Riêng cá nhân người viết, xin bày tỏ đôi điều cảm khái: Quả thật Ngài Đức Huỳnh Phú Sổ là một nhà Đại Cách Mạng ở thế kỷ thứ 20.

(Avondale, 10-10-2022)

VĨNH LIÊM