Thế giới hôm nay: 21/11/2022

Share this post on:

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia của Ukraine đã bị pháo kích vào thứ Bảy và Chủ nhật, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra thảm họa hạt nhân. Nhà máy này nằm trong lãnh thổ do Nga kiểm soát, và hai bên đã đổ lỗi cho nhau. Rafael Grossi, người đứng đầu IAEA, cảnh báo “bất cứ ai đứng sau việc này” rằng “các anh đang đùa với lửa.”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẵn sàng gặp Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực ở Campuchia trong tuần này. Cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin Lloyd và người đồng cấp của ông, Nguỵ Phượng Hoà, sẽ là cuộc đàm phán quân sự cấp cao đầu tiên kể từ khi Trung Quốc dừng các kênh liên lạc quân sự để phản đối chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8.

COP27 ở Ai Cập đã bế mạc vào sáng Chủ nhật, trễ 36 tiếng, với việc các đại biểu đồng ý thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp tài trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu — một viễn cảnh không thể tưởng tượng được tại thời điểm hai tuần trước. Các nhóm môi trường nhiệt liệt chào đón tin này, dù họ ít hào hứng hơn với các biện pháp hạn chế nhiên liệu hóa thạch tương đối rụt rè.

Tân CEO John Ray của FTX, mà cho đến gần đây vẫn là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cho biết ông đang tìm cách bán hoặc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của công ty. FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3,1 tỷ đô la, và đã hoàn toàn vỡ nợ với 1 triệu chủ nợ khác. Ông Ray chưa đưa ra khung thời gian cụ thể cho kế hoạch của mình.

Bắc Kinh yêu cầu 3,5 triệu cư dân của quận đông dân nhất ở nhà từ thứ Hai nhằm ngăn bùng dịch covid-19. Thủ đô của Trung Quốc ghi nhận 516 ca nhiễm mới tính đến 3 giờ chiều Chủ nhật, bên cạnh cái chết của một người đàn ông 87 tuổi, ca tử vong vì covid đầu tiên ở Trung Quốc kể từ ngày 26 tháng 5. Gần đây chính phủ đã tuyên bố nới lỏng một phần chính sách chống dịch.

Elon Musk cho biết tài khoản Twitter của Donald Trump sẽ được khôi phục. Ông Musk đã tổ chức thăm dò người dùng liệu họ có muốn cựu tổng thống quay lại hay không. Người dùng bỏ phiếu “có” với kết quả sít sao. Ông Trump đã bị cấm sử dụng Twitter suốt đời sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi năm 2021.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành không kích nhắm vào các mục tiêu người Kurd ở Iraq và Syria, một tuần sau vụ tấn công khủng bố khiến 6 người thiệt mạng ở thủ đô thương mại Istanbul của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các chiến binh người Kurd là thủ phạm đánh bom; PKK, một nhóm người Kurd bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, phủ nhận có liên quan. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần hành quân qua biên giới Syria để đánh phiến quân người Kurd kể từ năm 2016.

Con số trong ngày: 90% doanh thu của FIFA là đến từ World Cup.

TIÊU ĐIỂM

Những tháng ngày bất định sắp tới của Evergrande

Thứ Hai này khu đất vốn được lên kế hoạch làm trụ sở mới của Evergrande ở Thâm Quyến sẽ được đem ra bán đấu giá. Những khó khăn gần đây đã khiến tập đoàn phải loại bỏ kế hoạch xây dựng văn phòng mới. Công ty đang bị trễ nhiều tháng trong việc tái cấu trúc các khoản nợ khổng lồ của mình. Được biết Evergrande nợ tới 300 tỷ đô la, và là biểu tượng cho giai đoạn khó khăn hiện tại của ngành bất động sản Trung Quốc. Công ty vỡ nợ vào tháng 12, và đã cam kết sẽ đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nợ trong vòng sáu tháng. Nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin gì.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố các biện pháp hỗ trợ cho ngành bất động sản. Nợ ngân hàng của một số công ty đáo hạn trong sáu tháng tới giờ có thể được gia hạn. Nhưng không rõ điều này sẽ giúp ích bao nhiêu cho Evergrande, vốn đang bị buộc phải bán tài sản, chẳng hạn như đất đai ở Thâm Quyến, để tránh sụp đổ.

COP27 khép lại với không nhiều đột phá

Sau khi COP27 bế mạc, nhà đàm phán chính của EU, Frans Timmermans, ngay lập tức nói với các đại biểu rằng “Ngày mai… chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho COP28.” Như nhiều người khác, ông Timmermans thất vọng vì hội nghị thượng đỉnh ở Ai Cập không thể đi xa hơn trong cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Ông cũng nhấn mạnh các nước cần phải chắc chắn đưa ra cam kết giảm dùng nhiên liệu hoá thạch tại hội nghị tiếp theo — sẽ được tổ chức tại Dubai vào tháng 11 năm 2023.

Nhưng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là xương sống kinh tế của chủ nhà UAE. Cùng với các quốc gia dầu mỏ khác, UAE đã tìm cách hạn chế thảo luận về nhiên liệu hóa thạch ở Sharm el-Sheikh. Và mặc dù bước đột phá lớn nhất tại COP27 là thỏa thuận thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương phục hồi sau thảm họa, các bên vẫn còn phải thống nhất cách thức hoạt động của quỹ.

Nhiều nhân viên Twitter xin nghỉ

Ngay sau khi trở thành chủ sở hữu, giám đốc điều hành, và thành viên hội đồng quản trị duy nhất của Twitter vào ngày 27 tháng 10, Elon Musk đã ra lệnh cho nhân viên ngừng làm việc tại nhà và quay lại văn phòng. Thứ Năm tuần trước, họ nhận được một email thông báo rằng trụ sở chính của công ty ở San Francisco đã đóng cửa mà không có lý do. Văn phòng sẽ mở lại từ thứ Hai. Nhưng câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu nhân viên sẽ trở lại.

Nếu ba tuần nắm quyền của ông Musk trông có vẻ hỗn loạn từ bên ngoài (chẳng hạn như việc khôi phục tài khoản của Donald Trump bằng một cuộc thăm dò trực tuyến), thì từ bên trong mọi chuyện còn rối hơn. Ông cho sa thải một nửa số nhân viên trong tuần đầu tiên và sau đó sa thải luôn các nhà thầu kiểm duyệt nội dung. Vào tuần trước ông đã ra lệnh cho các nhân viên còn lại cam kết làm việc “cực kỳ chăm chỉ” hoặc nghỉ việc. Kết quả là nhiều người đã bỏ việc.

So với các công ty cùng ngành, Twitter đúng là có quá nhiều nhân viên. Nhưng quy mô và tốc độ nghỉ việc đang gây bất ổn. Không như lời cảnh báo của ông Musk, Twitter có thể sẽ hết người trước khi hết tiền.

Serbia và Kosovo lại cãi vã

Thủ tướng Kosovo Albin Kurti và tổng thống Serbia Aleksandar Vucic sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai trong bối cảnh EU tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước láng giềng Balkan. Cuộc họp trùng với thời hạn do Kosovo đặt ra yêu cầu những người lái xe ở các khu vực đông người Serb phải bỏ biển số Serbia để không bị phạt ở Kosovo.

Kosovo, nơi đa số người dân là người Albania, tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Tới nay có 117 nước công nhận quốc gia này, còn Serbia thì không. Cuộc tranh cãi mới nhất, vốn khiến người Serbia ở Kosovo rời bỏ một số tổ chức của đất nước, đang làm gia tăng căng thẳng.

Ngay cả khi Kurti và Vucic có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận về biển số, thì điều cần thiết hơn vẫn là một thỏa thuận về các vấn đề lớn như đề xuất thành lập một “liên hiệp” các thành phố tự trị của người Serb ở Kosovo. Nhưng điều này tạo ra các rủi ro chính trị lớn cho hai nhà lãnh đạo.